Bạn đang đọc Cho Anh Nhìn Về Em – Tập 2 – Chương 26: quyển 2 – chương 26
Chương 26 – Thế giới điên loạn
.Hành lang lạnh run người, Cát Niên khoác vội chiếc áo khoác len màu xanh ngọc bích làm tôn thêm đôi mắt bình thản phẳng lặng của cô, đôi mắt ấy như đầm nước sâu băng lạnh đã lâu mà vẫn chưa đông kết, như miếng ngọc thời thượng cổ, không óng ánh, chỉ ngưng lại thành một màu phỉ thuý xám ngắt.
.Lần cuối cùng Cát Niên gặp bà Tôn Cẩn Linh, phu nhân Chánh án Hàn, mẹ của Hàn Thuật đã từ mười mấy năm trước. Thực ra bà Tôn Cẩn Linh cũng xấp xỉ tuổi mẹ Cát Niên, cô vẫn có thể mơ hồ nhớ lại quãng thời gian cùng sống trong khu tập thể với nhà họ Hàn trước khi vào tiểu học. Mẹ cô nấu xong cơm, mặt đầy khói bếp ló đầu khỏi cửa sổ la đứa con gái đang thơ thẩn khều tổ kiến: “Xem no rồi hả? Cắt cơm nhé?”, còn bác sĩ Tôn đi làm về muộn lại nhẹ nhàng dắt đứa con trai đang ẩu đả cùng lũ bạn, miệng cười duyên dáng hỏi: “Cục cưng, nói mẹ nghe con muốn ăn gì nào?”
Hình ảnh in đậm trong trí nhớ của Cát Niên là chiếc váy liền sáng màu của bác sĩ Tôn, đuôi váy bay phấp phới cùng những bước chân uyển chuyển.
Hàn Thuật rất giống mẹ, làn da trắng ngần, ánh mắt cười, chiếc cằm nhọn, hoàn toàn giống như cùng một khuôn đúc ra.
Lúc này, Cát Niên đang ngồi trong phòng làm việc của Chủ nhiệm khoa Não bộ, Bệnh viện Nhân dân số 1, nhìn khuôn mặt như đã từng quen biết, chờ đợi câu nói mở đầu của bà.
Bà Tôn Cẩn Linh thực đã từng nghĩ đến việc nên công tư phân minh, nhưng không biết vì sao bà không thể làm được như thế. Trước mặt bà là tài liệu bệnh lý của Phi Minh từ bệnh viện trước chuyển đến, chỉ là mấy trang giấy nhưng bà cứ lật đi lật lại không thôi.
Cuối cùng bà đã chọn một cách mở đầu mà ngay đến bà cũng cảm thấy bất ngờ, “Người ta đều nói con gái mười tám thay đổi lớn, nhìn cháu cô không sao liên hệ nổi với cô bé con nhà họ Tạ năm nào nữa rồi.”
Cát Niên đáp: “Còn bác sĩ Tôn lại chẳng thay đổi gì, vẫn trẻ đẹp như xưa.”
Cát Niên không phải người giỏi tâng bốc, nhưng vì bệnh tình của Phi Minh, cô không thể khiến mối quan hệ vốn đã nhạy cảm giữa mình và mẹ Hàn Thuật có thêm bất kỳ điều gì không vui nữa.
Bà Tôn Cẩn Linh cười, “Nói gì ngốc thế, con người sao có thể trẻ mãi được, Hàn Thuật cũng sắp 30 tuổi rồi mà vẫn toàn khiến cô lo lắng, cô có thể không già được sao?”
Cát Niên im lặng.
Bà cũng nhìn chằm chằm quan sát Cát Niên, nhưng không như ánh mắt chỉ muốn nhìn thấu người ta ngay lập tức của Thái Nhất Lâm, ánh mắt của Tôn Cẩn Linh có gì đó hòa dịu xen lẫn bản năng của một người mẹ, thậm chí còn có chút ân hận và xót xa quen thuộc.
“Cát Niên, cô biết cháu đã phải chịu khổ nhiều, có những chuyện không nên giáng xuống cháu…”
Lần này Cát Niên lại trả lời rất nhanh, cô nói: “Cháu không sao, bác sĩ Tôn, nhưng cháu gái cháu bệnh đã nặng lắm rồi, xin cô cứu lấy nó.” Cô có thể hiểu được lý do bà khó mở lời, nhưng bất kể đối phương thông cảm thế nào, ân hận ra sao cũng không thể khiến quá khứ của cô lặp lại lần nữa, trong mắt cô giờ chỉ có Phi Minh.
Bác sĩ Tôn Cẩn Linh gật đầu, cúi xuống nhìn một trang nào đó trong bệnh án.
“Bệnh tình của cô bé này Hàn Thuật đã nói với cô rồi, cô cũng xem kỹ bệnh lý.” Bà xếp chéo hai tay lên đầu gối, nhìn vào Cát Niên đang cúi đầu im lặng, “Là một người bác sĩ, cứu người là phận sự của cô, huống hố lại là một đứa trẻ đáng thương thế này… nhưng cô cũng là một người mẹ… Cát Niên, cô không biết những lời này có làm cháu phản cảm hay không, nhưng cả cháu và cô trong lòng đều hiểu rõ, cô bé này có thể được chuyển viện trong hoàn cảnh giường bệnh và lịch phẫu thuật kín mít thế này, không chỉ vì cô là một bác sĩ, mà phần lớn còn vì cô là một người mẹ không thể cự tuyệt con trai mình.”
“Cháu hiểu.”
“Cháu là một cô gái thông minh, có những chuyện chúng ta đã biết không thể bỏ lần qua, vậy chi bằng cứ nói thẳng ra một lần, cũng như vậy, có những lời có vẻ khó nghe, nhưng có thể khiến chúng ta hiểu rõ hơn vấn đề, cháu nói có đúng không?”
Cát Niên không lên tiếng, cô biết bên kia hoàn toàn không cần câu trả lời của cô.
“Đứng trên lập trường của một người mẹ, điều cô muốn nói là, cô sẽ làm hết khả năng của mình để cứu đứa trẻ này, bất kể cô bé là thế nào với cháu, nhưng, còn về Hàn Thuật, phiền cháu…”
“Được ạ!”
Cát Niên buột miệng đồng ý, cô có thể nhìn thấy ánh mắt ngạc nhiên của người ngồi đối diện.
Sợ vẫn chưa đủ thuyết phục, cô lại lần nữa thành khẩn nhận lời, dường như chỉ sợ vài giây sau thôi bên kia sẽ hối hận về vụ giao dịch có lợi này, “Được ạ, cháu đồng ý, cháu đồng ý! Cháu xin cô, bác sĩ Tôn, Phi Minh con bé mới mười một tuổi…”
Nếu như nói bà Tôn Cẩn Linh không lấy gì làm bất ngờ thì đó là nói dối, bà hỏi đi hỏi lại chính mình, cô gái làm con trai bà thất điên bát đảo này có gì hơn người, cô ta rốt cuộc quá giản đơn hay lòng dạ quá sâu xa?
“Cháu vội vàng đồng ý như vậy sao? Cô thậm chí còn chưa nói muốn cháu làm gì.”
Cát Niên vén một lọn tóc ra sau tai, do dự nói, “Bất kể cô nói gì nhưng ít ra cũng tuyệt đối không phải mong cháu và Hàn Thuật bên nhau trọn đời, bách niên giai lão phải không ạ? Chuyện đã đến nước này, còn điều gì cháu không nhận lời được chứ? Hơn nữa về chuyện Hàn Thuật, có lẽ cả cô và cháu đều có một mong muốn như nhau.”
Tôn Cẩn Linh dường như đã hơi hiểu ra, Tạ Cát Niên có thể thoải mái đồng ý như thế hoàn toàn không liên quan gì đến thông minh hay không, chỉ là vì cô không quan tâm. Đứa con trai ngốc của bà, hóa ra chỉ là đơn phương.
Tôn Cẩn Linh một tay nuôi dạy Hàn Thuật khôn lớn, bà biết rõ từ nhỏ mọi người đều bảo vệ nó, nhường nhịn nó, Hàn Thuật có lẽ không biết thế nào gọi là “không đạt được.” Bà chiều con trai, có lúc cũng thấy có lẽ đang làm hư con, cho dù con chịu vài vấp váp, nhưng con trai vừa vấp đau một chút, lòng bà liền vì thế mà đau theo, một người mẹ mâu thuẫn như thế đấy.
Cát Niên đoán không sai, từ sâu trong đáy lòng bà hy vọng Cát Niên tránh xa Hàn Thuật một chút, dù bà biết người sai là Hàn Thuật. Tối hôm đó sau khi biết những chuyện hoang đường Hàn Thuật đã làm, bà cùng chồng thức trắng một đêm, bà âm thầm vào phòng con trai, suýt nữa muốn cho nó một cái bạt tai, hỏi nó sao lại làm như vậy? Nhưng khi mắt bà đã thích ứng dần với bóng tối trong phòng nhìn đứa con trai đang ôm gối cuộn tròn ngủ, trên mặt vẫn còn vệt nước mắt chưa khổ, giây phút đó bà biết có lẽ mình cũng là một kẻ bỉ ổi, nhưng bà nhất định chọn cách bảo vệ con trai mình. Bà không có cách nào cao thượng đứng ngoài vấn đề liên quan đến cả đời người của con trai, vì vậy bà dùng đôi tay vốn định cho thằng bé một cái bạt tai để dém chăn cho con, chuyện cũng đã xảy ra rồi, một cái bạt tai nào có thể thay đổi được gì?
Về sau Tôn Cẩn Linh dùng nhiều cách, nhiều lý do để cho tiền nhà họ Tạ, nhà họ Tạ cũng chẳng nghĩ gì nhiều chỉ cảm ân đội đức tiếp nhận, thứ cảm ân đội đức đó đã từng khiến bà vô cùng nhục nhã, bởi số tiền bà gửi vào trại giam đều hết lần này đến lần khác bị trả lại. Sau này, bà và chồng còn âm thầm kiếm cho đứa con trai sớm thất học lại đang thất nghiệp của nhà họ Tạ một chân lái xe. Ngay đến lần này, dù bà không sao chấp nhận nổi khuôn mặt đắc thế của Tạ Mậu Hoa tự ình đang nắm đằng chuôi, nhưng vẫn ngầm thương lượng với chồng nên làm thế nào xếp suất vào biên chế kia cho Tạ Vọng Niên. Không phải hai vợ chồng bà sợ sự ép buộc của vợ chồng Tạ Mậu Hoa, cặp vợ chồng tham lam ấy chẳng qua chỉ là những tên hề nhảy cầu, nhưng bà biết vợ chồng bà đã nợ những gì. Tuy trả không hết, nhưng chỉ cần đối phương đồng ý ột cơ hội, bà vẫn nguyện trả – ngoại trừ việc lấy Hàn Thuật ra làm cái giá.
Làm sao bà có thể tin một cô gái đã từng vì Hàn Thuật chịu oan vào tù, mất đi mọi thứ tốt đẹp lại vẫn còn thiện ý đối với con trai bà? Hàn Thuật ân hận, điều này bà biết, nhưng cũng không thể dễ dùng cả đời để bù đắp. Việc này bà đã nói rất rõ ràng với Hàn Thuật, nhưng sự thất vọng trong ánh mắt thằng bé ngày một nhiều lên, nó lo lắng đứng ngồi không yên, cứ như trái tim đã thiếu đi một phần, hồn phách cũng đã mất luôn. Đứa con trai cưng của bà, có thật chỉ là vì ân hận? Hay vì thằng bé quan tâm, còn người ta lại chẳng hề nghĩ như vậy.
Trong giây lát bà cảm thấy có chút rối bời. Bà nói với Cát Niên: “Cháu nhận lời nhanh như thế, vậy còn thằng con trai ngốc của cô thì sao, mấy ngày trước nó còn nhảy dựng lên đòi cưới cháu. Cô chỉ còn nước van nó, cô nói, ông tổ nhỏ ơi, bé tiếng một chút… nhưng nó nhất quyết làm kinh động đến bố nó, nói con của cháu chính là con của nó, chúng ta không muốn đứa trẻ, không nhận cháu cũng có nghĩa là nhà họ Hàn đoạn tử tuyệt tôn. Kết quả bố nó tức lên đã đánh cho nó một trận ra trò. Cô biết đứa trẻ đang nằm trên giường bệnh kia không phải của cháu cũng không phải của nó, nhưng thằng bé cứ kiên quyết như thế, cô thật đã nghĩ hai đứa…”
Cát Niên nói: “Hàn Thuật là thật lòng đối tốt với Phi Minh, nhưng giữa cháu và anh ấy trước nay không hề có khả năng ấy.” Cô đã không còn hận anh, nhưng cũng không có cách nào để yêu anh. Bọn họ giống như loài hải miêu ở kỷ Nhị Điệp và loài hải miêu ở kỷ Chấn Đán, cách nhau hơn một tỷ năm, hoàn toàn chẳng có bất kỳ liên hệ gì với sự tồn tại của nhau. Cô muốn cho Phi Minh một gia đình, điều này một mình cô không sao làm nổi, những người đàn ông tốt cũng sẽ chẳng chọn cô, vì vậy hôm đó cô thà chấp nhận điều “nếu như” của Đường Nghiệp. Cô hiểu sự tuyệt vọng cố thoát khỏi vũng bùn của Đường Nghiệp, cũng như cô hiểu ước mơ con sâu bướm của Tiểu hoà thượng. Có lẽ cũng chính vì sự mịt mù của điều “nếu như” ấy, cô đồng ý giữ niềm hy vọng mơ hồ như vậy. Điều “nếu như” của Đường Nghiệp có thể vĩnh viễn không bao giờ xảy ra, đó là một giấc mộng, nhưng nếu thật có ngày đó, cũng giống như một bài hát cô không biết tên đã viết thế này, nếu tỉnh lại còn ở bên nhau, xin hãy cho số phận chúng ta thành đôi.
Bác sĩ Tôn thở dài: “Cô không muốn nói xấu người khác, nhưng cháu thật quá khác bố mẹ cháu.” Lòng bà bỗng chùng xuống, không chỉ Hàn Thuật, ngay bà cũng cảm thấy thật cảm thông với cô. Tôn Cẩn Linh đưa tay định vỗ nhẹ đôi vai gầy gò của Cát Niên, nhưng Cát Niên nhẹ nhàng tránh qua một bên.
Bác sĩ Tôn thu tay lại vị trí cũ trên đầu gối rồi nói: “Vì sao cô luôn nhớ bộ dạng cháu hồi bé? Là vì khi nhà chúng ta vừa chuyển tới, Hàn Thuật mới bốn tuổi, còn chưa quen nơi ở mới, bạn bè ở nhà trẻ cũng không biết ai. Mấy hôm sau, cô giáo nói có một vở diễn của trường thiếu mất một chú lùn, hỏi Hàn Thuật có muốn diễn không, thằng bé vui không để đâu cho hết. Hôm đó chúng ta đã chụp rất nhiều ảnh, trong đó có một bức rất buồn cười, Hàn Thuật nhà chúng ta bị một cô bé dắt đi, mặt đỏ như đít khỉ. Chúng ta vẫn lấy bức ảnh đó ra trêu thằng bé, vì vậy nó đặc biệt không thích bức ảnh đó, hồi nhỏ cứ có ai lôi ra là nó lại cáu nhặng với người đó. Năm thằng bé vào cấp Ba, bức ảnh đó không hiểu vì sao mà biến mất, cho đến khi thằng bé vào đại học, cô giúp nó thu dọn đồ đạc mới tìm được bức ảnh dưới gối nó. Thằng bé Hàn Thuật này không ít khuyết điểm, cũng chỉ trách cô, vậy nên bố nói mới nói con hư tại mẹ. Tuy ông ấy động một tý là đánh nó, nhưng có ai nói con trai ông ấy không phải, là ông ấy liền cáu lên với người đó. Chúng ta đã bao bọc ấy nó quá kỹ, đến nỗi tính khí nó vẫn cứ như một đứa trẻ, có thể đáng ghẻt nhưng hoàn toàn không xấu, trong lòng nó ẩn giấu…”
“Mẹ, mẹ nói cái gì thế!” Hàn Thuật đứng ngoài cửa bực bội ngắt lời, càng không biết anh đã đứng ở đó bao lâu. Anh gõ gõ cửa vào tấm biển để chức vụ trước cửa phòng làm việc, “Mẹ là bác sĩ hay là mấy bà ngồi phơi nắng tán chuyện dưới tầng thế, mẹ nói về bệnh tình đi, đừng nói mất chuyện vô dụng ấy nữa!”
Cát Niên cũng đã mau chóng đứng dậy trong lúc anh đang nói, bác sĩ Tôn đầu hàng nhìn con trai cười, rồi tiếp tục quay sang nói với Cát Niên: “Về bệnh tình của Phi Minh, cô phải đợi có báo cáo kiểm tra kỹ càng đã, sau đó cô sẽ thông báo ngay cho cháu.”
“Vâng, cảm ơn bác sĩ Tôn, cảm ơn cô.” Cát Niên cúi người chào bác sĩ Tôn rồi đi ra, bước đến trước cửa văn phòng, cô không thể không dừng lại bởi Hàn Thuật mặt lạnh băng đang đứng chắn quá nửa lối đi chẳng hề có ý định nhường đường.
“Cho đi nhờ.” Cát Niên nói nhỏ.
Hàn Thuật không hiểu sao rất kiên định, đứng im không động đậy như thần canh cửa.
“Cho đi nhờ, cảm ơn.” Cát Niên nói hai ba lần rồi cũng từ bỏ ý định thuyết phục anh nhường đường.
Bác sĩ Tôn thấy chướng mắt cũng nói: “Cái thằng này, con đang làm gì thế hả!”
“Đừng quản chuyện của con có được không?” Hàn Thuật gằn lên.
Cát Niên chỉ muốn mau mau đi ra, thấy giữa Hàn Thuật và một bên khung cửa còn ít kẽ hở, cô bèn cứng đầu cố chui người qua.
Cô cố gắng không để người mình chạm vào Hàn Thuật, mọi việc đã sắp thành công liền nghe Hàn Thuật ơ hờ buông một câu: “Em là chuột chũi đấy à, sao lại đào lỗ chó?”
Cát Niên đã thoát được ra ngoài, lòng thầm nghĩ không hiểu anh ta bị chập sợi thần kinh nào, đến mỉa người cũng chẳng có tí logic nào, cô hạ giọng đáp trả: “Chuột chũi thì làm sao biết đào lỗ chó chứ, với cả không phải cái lỗ ấy là tự anh dựng lên còn gì?”
Cát Niên về đến phòng bệnh vẫn thấy Bình Phượng còn ở đó, đúng lúc Hàn Thuật cũng quay lại lấy đồ của mình rồi chẳng thèm chào hỏi liền đi thẳng.
“Anh ta rốt cuộc là ai?” Bình Phượng không biết đã lấy ở đâu được một gói hạt dưa, vừa cắn vừa hỏi, thấy Cát Niên lẳng lặng nhìn bình truyền của Phi Minh liền nói tiếp. “Mình vẫn nhìn nãy giờ đây, không sao đâu… à, mình biết rồi… anh ta có phải là…”
“Được rồi.” Cát Niên không để cô nói tiếp.
“Toà án hay bên Viện Kiểm sát?”
“Làm sao?”
“Đội mũ lớn, mặt vểnh ngược, ăn của nguyên cáo lại ăn của bị cáo. Loại người này mình gặp nhiều rồi.”
“Cậu gặp nhiều rồi?” Cát Niên cũng lờ mờ cảm thấy câu này có gì không đúng, cô vốn hay để tâm, lúc này bất giác lại nhớ ra vẻ kỳ lạ của Bình Phượng khi nhìn tấm ảnh trong đống tài liệu của Hàn Thuật. Xác định Hàn Thuật đã thực sự đi khỏi, cô mới thì thầm hỏi, “Có phải cậu quen người trong tấm ảnh không?”
Bình Phượng gật đầu, “Quen một người, chính là người trẻ hơn ấy.”
Cát Niên không nhìn kỹ tấm ảnh, đương nhiên cũng không biết “người trẻ hơn” ấy là ai.
Bình Phượng nói tiếp: “Tướng mạo cũng ra dáng, chắc là công tử nhà giàu, họ gì thì mình không nhớ, nhưng toàn nói nhà anh ta kinh doanh khu suối nước nóng gì đó, chẳng biết nói thật hay nói khoác.”
“Anh ta là… khách hàng của cậu à?”
“Cũng có thể nói vậy, mà cũng không phải, anh ta đưa tiền hộ người khác, còn bản thân chắc có chỗ khác rồi. Mình nhìn anh ta khom lưng cúi đầu trước lão dê béo đó mà đến buồn cười, hì hì…” Cô làm vẻ bí hiểm ghé vào tai Cát Niên nói: “Anh chàng họ Diệp ấy dẫn đến một ông già cũng có tuổi, thần kinh rồi, thực ra chẳng làm nổi trò trống gì, mình cũng chẳng hiểu vì sao ông ta hay lui tới thế, lại toàn bắt mình mặc mấy bộ trời ơi đất hỡi ở đâu, nói những chuyện trời ơi đất hỡi gì đấy. Ối dào, dù gì cũng chẳng phải là tiền của lão ta, chúng ta tiếp nhận cũng đúng thôi!”
Cát Niên càng nghe lại càng lo, Hàn Thuật làm gì cô đều biết, anh chắn chắn không vô duyên vô cớ cầm ảnh người khác theo, cô bèn khuyên Bình Phượng: “Mình thấy chuyện này có điều gì đó không đúng, cậu ấy, kiếm chút tiền rồi mau chóng mà rút ra đi, đám người đó quá phức tạp, mình sợ cậu rước họa vào thân đấy.”
Bình Phượng cười khà khà: “Người đến tìm mình có ai mà không phức tạp chứ, cậu đừng bận tâm về mình, cứ lo cho cậu đi. Cái anh chàng công tử bột vừa rồi chắn cũng lắm ‘mỡ’ đấy, coi như cậu không có ý định gì với anh ta nhưng người ta đã dâng đến tận cửa thì cũng nên nhận đi, đừng có mà mềm lòng, sao phải tha cho anh ta chứ?”
Cát Niên không đôi co với Bình Phượng làm gì, nói thêm mấy câu rồi Bình Phượng phải vội “đi làm”, cô bèn tiễn bạn ra ngoài.
Bình Phượng vẫn không sửa nổi bệnh hoang phí, vừa mới kêu “mất mùa” trên tay đã có ngay chiếc túi mới, thấy ánh mắt Cát Niên nhìn vào chiếc túi, cô cười cười quẳng túi lại hỏi: “Thế nào, đẹp không?”
“Được… đẹp.”
Cát Niên lặng người, lúc này cô mới nhìn thấy hình vẽ phác hoạt hình Bình Phượng treo trên túi.
“Gì đây, cái này này.”
“Con thỏ, con thỏ vẽ phác thảo, có người tặng đấy.” Bình Phượng nhìn sang Cát Niên, giọng nói có gì đó mơ hồ.
“Vẽ đẹp thật đấy.” Cát Niên khen ngợi.
“Đương nhiên, cậu ta nói con thỏ này là độc nhất vô nhị.” Bình Phượng lúc này mới cao hứng trở lại.
“Bạn tặng à?”
“Ừm, đúng thế.”
Bình Phượng đi rồi, mỗi bước chân Cát Niên quay về phòng bệnh đều không che đậy nổi sự kinh hoàng. Cô hiểu quá rõ Bình Phượng, Bình Phượng làm gì có bạn bè nào, ngoài đám khách hàng, những người cô quen biết cũng chỉ là mấy bạn tù và mấy người cùng nghề. Con thỏ “độc nhất vô nhị” ấy Cát Niên cũng biết vẽ, vì đó là do Tiểu hoà thượng dạy cho cô, trước khi vào tù, cô đã dạy lại cho em trai Vọng Niên, khi ấy vẫn còn là một đứa bé con.
Cát Niên cảm thấy người mình hết lạnh rồi lại nóng, đầu óc cũng không còn tỉnh táo. Bởi Vọng Niên, bởi Bình Phượng, và cả bởi nụ cười chân thành từ tận đáy lòng khi nãy của Bình Phượng. Sao có thể, Vọng Niên mới mười tám tuổi? Thế giới này quá điên loạn rồi.
Cô cố nhấc thân hình trì trệ của mình, thơ thẩn lết từng bước, đến khi sắp kề gần phòng bệnh của Phi Minh, cô lại gặp một cơn chấn động khác.
Ngoài phòng bệnh, có người đang đứng im lặng nhìn vào, ánh mắt đó khao khát biết bao, nhưng bước chân lại không dám tiến vào.
Cuối cùng cô ta cũng đến rồi, Trần Khiết Khiết.
Sau đó Trần Khiết Khiết cũng xuất hiện thêm mấy lần, có lúc Cát Niên đang chơi với Phi Minh vô tình quay đầu lại có thể bắt gặp bóng cô ta vội vàng né qua một bên, có lúc trước giờ đóng cửa ban đêm của bệnh viện. Cát Niên thấy cô ta ngồi một mình trên chiếc ghế trong khu nghỉ công cộng. Cát Niên giả như không nhìn thấy gì, sự xuất hiện của Trần Khiết Khiết cũng chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống của họ. Chỉ là cô ta ngày nào cũng tới, tới rồi cũng chẳng biết có thể làm gì, dường như là bị một thứ bản năng mơ hồ điều khiển, chỉ có thể dừng lại ở mong muốn mà thôi.
Để tiện cho việc điều trị và xét nghiệm, mái tóc vốn đã rụng kha khá của Phi Minh bị cạo sạch theo yêu cầu của bác sĩ. Cát Niên đan cho cô bé một chiếc mũ len đỏ. Hôm đó, cô gom đám tóc còn lại của cô bé bỏ vào thùng rác bệnh việc, lúc quay lại bỗng nghe thấy tiếng khóc xé lòng ngay gần phòng bệnh.
Sau một thời gian dài ở trong bệnh viện, người ta khó mà không thờ ơ trước những tiếng khóc, sự tuyệt vọng và nỗi đau, ngay đến Phi Minh cũng như vậy, cô bé thậm chí đã không còn sợ sự biến mất của những bạn bệnh khô héo quắt queo, chỉ cảm giác như mất mát thứ gì đó trong lòng, không biết lúc nào ngày đó sẽ xảy ra với mình. Vì vậy, tuy tiếng la khóc thê lương là vậy nhưng Phi Minh vẫn bình thản uống cháo cô Cát Niên bón, chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, đương nhiên, cô bé cùng chẳng để ý đến vẻ thất thần của cô.
Cát Niên biết tiếng khóc ấy là của ai, Trần Khiết Khiết đã từng là một người mạnh mẽ là vậy, nhưng vài lọn tóc rụng của Phi Minh lại có thể dễ dàng đánh ngã cô ta. Đó là máu thịt của cô ta, là kỷ niệm duy nhất người con trai cô ta từng yêu để lại cho cô ta, cô ta có thể giả như đứa trẻ không tồn tại, nhưng khi biết sự sống cô ta cố gắng lờ đi ấy sắp bị chôn vùi, liệu có thể không đau sao được. Càng đau khổ hơn là, cô ta nhận ra mình đã không còn là cô gái tuỳ tiện bốc đồng có thể vì tình yêu của mình mặc kệ hết thẩy, cao chạy xa bay của mười một năm trước nữa.
Cô ta ngày hôm nay chỉ là một người phụ nữ bình thường nhất có chồng có con sống trong một lớp bụi hồng, có quá nhiều thứ bận tâm, trói buộc, tuổi xuân điên cuồng trong ký ức, cùng tình yêu và vết thương đã vứt bỏ mãi mãi không thể lặp lại. Dù đã gào khóc một hồi, nhưng rồi lau khô nước mắt đứng dậy, cô ta vẫn không có dũng khí để thừa nhận, đúng vậy, giờ này nơi này, tình này cảnh này, cô ta không còn cách nào khác.
Có một lần, Hàn Thuật cũng đã bắt gặp Trần Khiết Khiết.
Kể từ hôm Hàn Thuật cắt ngang cuộc nói chuyện giữa Cát Niên và mẹ, không hiểu vì sao trong lòng anh bị đè chặt một cục tức, anh vẫn thường xuyên tới thăm Phi Minh nhưng không thèm để ý gì đến Cát Niên nữa. Cát Niên đương nhiên không chủ động dây vào cái mặt lạnh của anh, cũng chẳng hề vì ít tiếp xúc mà thấy không thỏa. Hàn Thuật thì ngược lại, tuy chính anh là người gây chiến tranh lạnh nhưng anh vẫn thường chọn những lúc Cát Niên có mặt để xuất hiện, còn hết lần này đến lần khác cố tình gây tiếng động, trên mặt viết rõ rành rành một câu “Nói chuyện với anh, mau chủ động nói chuyện với anh.” Nếu thời gian đến bệnh viện đúng vào giờ cơm, anh thường tiện đường mang vào ăn ngay trong viện, rõ ràng ngoài suất của mình còn mua thêm hai suất nữa nhưng anh vẫn nói với Phi Minh: “Cả hai suất đều là chú Hàn Thuật mua cho cháu, cho cháu chọn.” Rồi đợi đến lúc Cát Niên quả thật xuống nhà ăn bệnh viện gọi cơm lên, anh lại buồn bực không biết để đâu cho hết.
Trong lòng anh vốn đã tích tụ bao điều không vui, đụng phải Trần Khiết Khiết vô cớ lửa giận lại bùng bùng bốc lên. Nghĩ tới sự đáng thương của Phi Minh và tình trạng khổ sở của Cát Niên mấy năm nay, anh chẳng còn buồn màng tới mối giao hảo xưa nay chưa hề bạc giữa mình và Trần Khiết Khiết. Anh đón đầu ngay một câu, “Đại tiểu thư Trần, mà không, phu nhân Chu không ở nhà hưởng phúc lại chạy tới đây làm gì? Chẹp chẹp, có nhàn quá phát bệnh cũng không đến nỗi phải vào khoa Não chứ?”
Trần Khiết Khiết chẳng hề muốn cãi nhau với anh, chỉ nói một câu ngoài dự liệu: “Hàn Thuật, không liên quan đến anh.”
“Không liên quan đến tôi?” Hàn Thuật nửa nghiêm túc nửa ung dung bật cười, “Lẽ nào liên quan đến cô?”
“Tôi không đắc tội gì với anh, Hàn Thuật.” Hai mắt Trần Khiết Khiết đã đỏ lên, “Cũng không phải anh không biết vì sao tôi tới đây, con bé đã ốm thành thế này rồi…”
“Con bé đã ốm thành thế này rồi thì cô có thể thế nào? Hơn nữa ‘con bé’ là ai? Tôi không biết vì sao cô tới đây, bên trong là người thế nào với cô ? Hay là cô nói khẽ cho tôi biết, để tôi mở rộng tầm mắt?”
“Anh đừng cho rằng tôi không biết vì sao anh nhằm vào tôi, Hàn Thuật, chút tơ tưởng ấy của anh… anh có nghĩ nữa cũng vô dụng…”
Hai người đều ưa thể diện, trong lòng lại có ngổn ngang riêng, chẳng ai chịu ai cứ ra sức cãi vã, nhưng bọn họ quên mất rằng vị trí đang đứng cách phòng bệnh quá gần, hơn nữa những người nằm trên giường bệnh lâu ngày tứ chi co rút, chỉ duy có thính lực lại trở nên nhạy cảm kỳ lạ.
Cô bé Phi Minh đội mũ đỏ vừa chìm vào giấc ngủ, cơn đau đầu giày vò khiến con bé khó lòng ngủ yên giấc, mơ mơ màng màng nói với Cát Niên: “Cô ơi, hình như cháu nghe tiếng chú Hàn Thuật đang nói chuyện với ai.”
Cát Niên xoa mặt cô bé. Tiếng cãi cọ ngoài cửa vẫn chưa thôi.
“Thật đấy cô ạ, cháu nghe tiếng chú Hàn Thuật, còn cả một cô nữa, hai người họ đang nói gì thế?”
Thực ra Cát Niên đã nghe thấy từ lâu, chỉ có điều cô đang tự rụt vào cái mai của mình, từ chối quan tâm đến những tranh cãi vô dụng. Nhưng Phi Minh khó khăn lắm mới chợp mắt đã bị đánh thức, cuối cùng cô không thể nhẫn nhịn thêm nữa.
Cô nói với Phi Minh: “Ngoan, cháu cứ ngủ đi. Chú Hàn Thuật đang nói chuyện với cô y tá, để cô ra xem xem.”
“…Chỗ này căn bản không cần tới cô.”
“Anh có tư cách gì nói với tôi những điều ấy!”
…
Hai người cùng đang bực bội phẫn nộ tìm không ra chỗ xả stress đều không để ý thấy Cát Niên đã từ phòng bệnh bước ra từ lúc nào, đợi đến khi bọn họ nhận ra, cô đã yên lặng đứng một bên từ lâu.
Hành lang lạnh run người, Cát Niên khoác vội chiếc áo khoác len màu xanh ngọc bích làm tôn thêm đôi mắt bình thản phẳng lặng của cô, đôi mắt ấy như đầm nước sâu băng lạnh đã lâu mà vẫn chưa đông kết, như miếng ngọc thời thượng cổ, không lấp lánh, chỉ ngưng lại thành một màu phỉ thuý xanh ngắt. Cô không nói lời nào nhưng Hàn Thuật và Trần Khiết Khiết đang mặt đỏ tía tai vừa nhìn thấy cô đều không hẹn mà cùng dừng cuộc tranh cãi lại.
“Đi đi.”
Cát Niên chỉ về phía cửa lớn cuối hành lang nói.
Bọn họ vẫn không hề động đậy.
“Cát Niên…”
“Xin hai người đấy, tới chỗ khác mà cãi cọ, xin hai người đấy, đi đi!”
Cô trước nay không phải là người dễ tức giận, nhưng lúc này khuôn mặt xanh xao đã trở nên đỏ lựng. Đêm qua cơn động kinh của Phi Minh lại phát tác, suýt nguy hiểm đến tính mạng, Cát Niên lo lắng đến nỗi cả đêm không ngủ, đến sáng lại vẫn phải tuân theo lệ thường, cô sức tàn lực kiệt, thấp thỏm không yên chỉ sợ cơn động kinh tiếp theo, giờ chỉ mong hai người này biến mất khỏi tầm mắt. Cô vốn không quen nói sẵng, chỉ vừa thốt ra một câu đã thấy mắt mình ươn ướt.
Trần Khiết Khiết ngẩng đầu lên không để những giọt nước mắt kịp lăn xuống, không nói một lời quay người rời đi.