Bạn đang đọc Chim Sơn Ca Trong Túi Áo FULL – Chương 71: Mập Mờ 05 Ngủ Ngon
Đúng sáu giờ sáng mỗi ngày, Paris đều sẽ gọi daddy dậy.
Ôn Dữ đột nhiên bị giật mất chăn, mơ màng vùi mặt vào gối: “Để daddy ngủ thêm chút nữa…”
Nhưng cu cậu vẫn kiên trì chồm hai chân lên giường, vẫy cái đuôi ngắn tũn, rướn cổ sủa oang oang: “Gâu! Gâu! Gâu!”
Chịu thua, anh lọ mọ bò dậy, mắt nhắm mắt mở thò chân tìm dép lê.
Paris chõ mõm hất dép đến chân anh.
“Cảm ơn nhóc.” Anh cúi xuống xoa xoa đầu cu cậu.
Paris hớn hở chạy về phía ban công, cắn góc kéo rèm để nắng tràn vào phòng.
Ôn Dữ hấp háy mắt mãi mới hơi tinh tỉnh, dắt Paris đi dạo về thì lại buồn ngủ.
Anh nghịch điện thoại một lúc rồi thay quần áo, đổ thức ăn cho cún, mò tới tiệm may âu phục.
Đến nơi thì nhận ra chú Nguyễn vẫn chưa mở cửa.
Anh khum tay nhòm vào tấm kính, gõ gõ chữ “Close”, thở dài.
Nguyễn Ngụy Chi hiếm có khi dậy muộn, mở điện thoại kiểm tra không thấy khách hàng gọi tới thì rề rà ngồi dậy.
Y đặt phin cà phê, khoác áo dạ đi ra mở cửa, bỗng thấy một cục chình ình kê ngay trước cửa.
Ôn Dữ ngẩng lên, vừa nhai khoai lang vừa nói: “Ồ? Chào buổi sáng.”
Anh đứng dậy, cười cười đưa ra một củ khoai thơm nức mũi: “Cho chú này, tôi chưa lần nào thấy chú ăn sáng.”
Nguyễn Ngụy Chi bóp trán đi vào trong đeo kính lên.
Ôn Dữ ngồi xuống ghế xé một tờ giấy lót, vừa thổi cho đỡ nóng vừa lột vỏ khoai.
Y khuấy cà phê, đi ra thấy củ khoai nham nhở trong tay người con trai, trong lòng thở dài ngán ngẩm nhưng vẫn nhận, hỏi: “Có số đo chưa?”
Ôn Dữ gõ đầu: “Tôi lại quên mất, lần sau sẽ gửi cho chú.”
Y bẻ củ khoai làm đôi, đáp ừ.
Tuần sau Ôn Dữ lại ghé qua rất sớm, trong tay cầm một cặp lồng.
Anh lấy cái cớ nghe rất xuôi tai: “Cuối tuần cháu tranh thủ thanh lý tủ lạnh luôn.
Lấy nguyên liệu còn thừa ra nấu hết mà ăn không nổi nên đem chia cho chú.”
Nguyễn Ngụy Chi mở nắp cặp lồng.
Ôn Dữ làm bếp rất vụng, hồi xưa đã vậy, bây giờ vẫn chẳng khá hơn.
Rau củ xắt xiên xẹo, nguyên liệu bị xáo tung lên.
Trông bừa phứa, chẳng đẹp mắt gì cả.
Ôn Dữ thấy biểu cảm chán ngán của y, hơi đỏ mặt: “Ban đầu cháu xếp ngay ngắn lắm, nhưng ở trên tàu bị xô đẩy…”
Y gắp một miếng bỏ vào miệng, nói: “Không tệ.”
Người con trai mím môi cười.
Ôn Dữ lấy lý do phải kiểm soát cân nặng nên chỉ ăn có mấy miếng rồi gác đũa, nằm dài ra ghế chơi điện thoại.
Nguyễn Ngụy Chi cũng chẳng nói gì, đi làm việc như thường.
Y cởi kính ra xoa mắt, phát hiện người trên ghế đã thiếp đi từ bao giờ.
Ôn Dữ thường hay mặc áo dáng rộng, cơ thể mảnh khảnh như lọt vào một lớp bông mềm.
Da trắng như sứ, mặt mày thơ ngây.
Y lấy áo khoác phủ lên đầu người con trai.
Vụ may đồ tặng cho vị giáo sư nào đó cứ thế chìm vào quên lãng.
“Cháu đang tính nuôi mèo, chú nghĩ sao?”
Ôn Dữ vừa đọc kịch bản vừa đi vòng quanh bình phong, ngữ điệu lên xuống truyền cảm: “Nhưng sắp tới phải vào đoàn rồi, cháu còn chưa biết nhờ ai chăm Paris nữa…”
“Ừ.” Nguyễn Ngụy Chi ừ hữ.
“Chú có rảnh không? Hay là cháu nhờ chú nhé?”
Y lạnh lùng liếc mắt, hàm ý cảnh cáo rất rõ ràng.
Ôn Dữ im lặng.
Chú Nguyễn cực kỳ bài xích bất cứ thứ gì xen vào cuộc sống riêng tư của mình – anh biết, chỉ là anh muốn hỏi thử để xem y có bao nhiêu kiên nhẫn với anh.
Và đáp án không lạc quan như anh tưởng.
Có vẻ y không đuổi anh chỉ đơn giản là vì anh không làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của y.
Người đàn ông này có thể thản nhiên nhận tình cảm từ nhiều người mà chẳng màng tới việc đáp lại ai.
Y giống như một cái giếng cổ, không thể nhìn rõ lòng dạ sâu cạn là dường bao.
Dù vậy, Ôn Dữ cũng không thấy ngại ngần.
Anh rất muốn thử nghiệm mọi giới hạn của người đàn ông này.
Bởi vì…!rõ ràng giới hạn của Nguyễn Ngụy Chi không phải là đạo đức, cũng không phải là tuổi tác.
Mối quan hệ chú cháu chắc chắn chẳng là cái đinh gì trong mắt y.
Anh nghĩ ngợi, gác cằm lên cánh tay nhìn chú Nguyễn lấy áo khoác, bật dậy nói muốn đi theo.
Nguyễn Ngụy Chi tính ghé siêu thị mua chút nguyên liệu nấu ăn.
Song Ôn Dữ bám theo làm túi của y sinh ra thêm vài món mới.
“Thích sữa chua à?” Y thuận miệng hỏi.
“Ừm!” Người con trai ngẩng mặt lên dưới tán ngô đồng.
Mắt hạnh như ngậm cười.
Nguyễn Ngụy Chi đột ngột túm gáy anh ấn xuống.
Có ai kêu lên coi chừng và một tiếng bộp đập xuống sát bên.
Ôn Dữ tựa vào ngực y, có thể ngửi được mùi khói thuốc nhạt, thấy y thuần thục đưa chân kiểm soát trái bóng vừa bay đến, sút nó về hướng cũ.
Lòng bàn tay lạnh giá rút về.
Anh ngước mắt nhìn nhóm học sinh đang đá banh ở bãi đất trống, kéo tay áo y: “Kìa chú, đó là đồng phục trường cấp hai của cháu.”
Anh không hiểu sao bỗng muốn nói vậy.
Nguyễn Ngụy Chi liếc nhìn, rút tay về, chỉ ừ một tiếng.
Ôn Dữ gửi gắm Paris cho một người bạn yêu chó rồi gói vali lên cao nguyên quay phim.
Vào mùa này, nhiệt độ vùng cao rất thấp, anh vốn quen với khí hậu lạnh nhưng có lẽ do bình thường da dẻ được chăm sóc quá tốt nên chỉ qua mấy ngày phơi gió dầm sương là môi và da tay đã nứt.
Anh liếm môi mấy lần, cảm thấy trên đầu ngón tay khá ngứa, lén gãi một hồi thì tróc da, đau rát.
Quản lý kéo anh đi bôi thuốc, nghiêm giọng nói không được gãi hay lột da.
Một diễn viên nam chú ý đến, cười bảo: “Ma mới nhà cậu cứ như búp bê sứ thế.
Chưa biết chừng lúc quay cảnh tiếp theo thì xỉu mất.”
Ôn Dữ bặm bặm son dưỡng cho đều, cười không trả lời.
Cơ thể anh chịu lạnh rất tốt, có thể khoác một lớp áo mỏng mà không run giữa bầu khí này.
Nhưng bạn diễn thì không được như vậy.
Do đó, một cảnh mất lắm thời gian quay mới qua.
Nhiều cảnh như vậy gộp lại khiến cơ thể anh cũng chịu không nổi.
Ôn Dữ quấn chặt mình trong lớp áo phao lông vũ, tuy rất ấm nhưng ngón tay vẫn không ngừng run, sắc môi tím tái, có ảo giác như cốt tủy, nội tạng đều lạnh ngắt.
Nhận lấy cà phê nóng, anh nhấp môi, nhăn mặt vì quá đắng.
Thầm nghĩ cà phê của chú Nguyễn pha ngon hơn gấp ngàn lần.
Đạo diễn đập cuốn giấy xuống, cho mọi người nghỉ.
Về phòng khách sạn, Ôn Dữ liền trùm kín chăn.
Không rõ chập chờn qua bao lâu, anh bỗng bị tiếng chuông cửa đánh thức, đi ra xem thì thấy quản lý.
Chị đẩy anh về lại giường rồi rót nước, bóc thuốc: “Đạo diễn Trần tuy nghiêm khắc nhưng phim nào cũng chất lượng.
Cậu lấy được vai phụ của ông ấy đã là món hời lớn nên chịu khó chút.
Hôm nào mệt không lết nổi thì nói chị xin phép cho.”
“Em biết rồi.” Ôn Dữ uống thuốc rồi nằm xuống.
Quản lý khuyên nhủ: “Chị biết cậu chẳng để tâm gì đến mấy vấn đề đi lên bằng thực lực hay dựa vào quan hệ.
Nếu mục đích của cậu đơn giản là làm trong cái giới này thì sao không chọn con đường dễ chịu mà đi? Chỉ cần cậu nhờ bố cậu…”
Anh bất ngờ rút gối đầu đánh vào người chị.
“Á! Thằng nhóc này!”
“Em mệt rồi.
Chị về đi.”
Quản lý giận lẫy đứng lên: “Chị mà không được trả lương thì sẽ kệ cậu!”
Không gian yên tĩnh lại, Ôn Dữ trở mình, vắt tay lên trán nhìn trần nhà, đầu óc có chút hỗn độn.
Bên ngoài cửa sổ mây giăng kín trời, dải nắng bảng lảng rọi vào phòng.
Có hạt mưa rơi lên tấm kính.
Lộp bộp, lộp bộp…!nghe như tiếng kéo cắt vải nhỏ giọt.
Anh cuộn tròn người, nhắm chặt mắt lại.
Hồi xưa, mỗi lần nằm trên ghế dài kê sát bình phong, Ôn Dữ thường xuyên nhìn chú Nguyễn làm việc qua khe hở giữa các nan gỗ.
Ban ngày y làm việc mải miết không ngơi nghỉ.
Hiếm khi anh thấy y tháo thước dây ra khỏi cổ hay không đo ướm một xấp vải.
Y rất bận, vừa đi học vừa làm việc, thức khuya dậy sớm, chè chén say sưa, yêu đương phóng đãng, không biết mệt mỏi.
Lối sống hỗn loạn đến mức khiến người ta sửng sốt.
Thậm chí Ôn Dữ còn từng lo nghĩ y có thể sẽ tự giết bản thân hay không?
Dù vậy…
Y vẫn không đáng bị gã đàn ông ngoại tình kia sỉ nhục thậm tệ như ngày đó.
Sau khi đã đánh tan tác ba bàn mạt chược, Nguyễn Ngụy Chi rời khỏi phòng bao hút thuốc.
Y xắn tay áo lên, bỗng thấy có vệt màu đỏ dính trên vải.
Hẳn là sơn móng tay của người phụ nữ nào đó.
Y cắn thuốc tìm bật lửa thì chợt có một bàn tay thuôn dài chủ động mồi lửa.
“Cảm ơn.”
“Không có gì.” Người thanh niên bên cạnh mỉm cười.
Nguyễn Ngụy Chi cụp mắt nhìn sợi dây thanh mảnh rơi trên cặp xương đòn của đối phương.
Hé miệng nhả khói, ngón trỏ chậm rãi vói vào sợi dây chuyền.
Thanh niên chỉ hơi giật mình rồi ngoan ngoãn để y kéo mặt dây của mình ra.
Là một đồng rub* bằng bạc.
Mặt sau có hình Điện Kremlin.
* Đơn vị tiền tệ của Nga.
Đôi mắt người đàn ông trở nên sâu thẳm.
Y thả mặt dây vào lại cổ áo người thanh niên, yên lặng hút hai hơi thuốc rồi xoa cằm cậu ta, hỏi: “Tên gì?”
“Chu Đào.”
Y mở cánh tay, cậu ta tươi cười ngả vào.
Trời trút nước tầm tã, gió lùa chẳng ngừng làm rèm cửa ở ban công dập dìu phất phơ.
Khói thuốc tản ra, vấn vít trong không khí.
Chu Đào nghịch mắt kính, bỗng tò mò chỉ vào vết sẹo trên bả vai y: “Anh bị sao vậy?”
“À…” Nguyễn Ngụy Chi nhả một hơi khói thuốc, chà ngón tay lên vai, hời hợt đáp: “Mấy năm trước bị người ta đánh.”
Người thanh niên phì cười: “Lừa em à? Ai dám đánh anh?”
Y vuốt ve hông cậu ta, rít mạnh một hơi thuốc, cũng cười bỡn cợt: “Một ông bố thương con quá thôi.”
Từng câu, từng chữ, từng nét mặt của gã đàn ông đó…!Y vẫn luôn nhớ kỹ, thậm chí có thể tái hiện lại mỗi một sự sỉ nhục, khinh thường ông ta trút lên y.
Nhưng mà…!y không tức giận, chỉ có buồn cười.
Tất cả những chuyện này đều hết sức nực cười.
Khóe miệng Nguyễn Ngụy Chi vừa rướn lên một chút thì chợt kéo xuống.
Vở hài kịch này, chỉ có Ôn Dữ là không buồn cười.
Y từng trải qua hai cuộc điện thoại lúc đêm thâu.
Một cuộc là giọng nói nôn nóng, run rẩy, quyến luyến gọi ra hai tiếng Ngụy Chi.
Một cuộc là tiếng khóc vỡ òa không thể kìm nén được, đau đớn, nghẹn ngào nói đi nói lại một câu xin lỗi.
Thế đấy, lương tâm rách nát bị vứt cho chó ăn mò về.
Thân là người lớn thì chấp trẻ con làm gì.
Nhắm mắt bỏ qua thôi.
Y vốn dĩ không phải kiểu người sẽ ghim mãi một vấn đề qua nhiều năm.
Không thể yêu lâu dài, cũng không thể thù dai.
Không biết Chu Đào này sẽ kéo dài được mấy tháng đây.
Vừa nghĩ thế thì điện thoại đổ chuông.
Chu Đào vừa mới đi vào nhà tắm.
Nguyễn Ngụy Chi nhìn tên người gọi một hồi, rồi nhận máy.
“A-lô chú.” Ôn Dữ cười hì, giọng nghèn nghẹn như bị nghẹt mũi: “Chú đang ở cửa hàng à?”
“Bên ngoài.”
Có vẻ như nghe được độ khàn đục trong giọng của y, người con trai rõ ràng khựng lại vài giây, mới nói tiếp: “Cũng không có gì quan trọng.
Cháu muốn gọi hỏi thăm chú thôi.
Chỗ chú có mưa không? Ở đây mưa lất phất mà lạnh lắm.
Không biết chú có lạnh không…”
Ôn Dữ chà xát mu bàn chân với nhau, đặt cằm lên đầu gối, nhìn màn đêm giăng đầy trời: “Ở đây lạnh chết đi được.”
Có lẽ là do bị bệnh, đầu óc không được tỉnh táo, anh cứ nói, cứ nói mãi, cảm thấy mình nói nhiều điều lắm.
Nhưng khi hồi tưởng thì lại chẳng nhớ bản thân đã nói gì.
Cảm xúc vừa xấu hổ vừa mừng vui.
Thây kệ.
Người điên có quyền dông dài.
Nguyễn Ngụy Chi không đáp lại nửa lời, gõ ra thêm một điếu thuốc, mồi lên.
Mưa vẫn đang rơi, nước trong nhà tắm vẫn đang chảy…!Mọi âm thanh quyện lại thành một mảnh tĩnh mịch.
Gieo vào màn đêm rồi mất hút, sau đó dội lại bằng những tiếng thủ thỉ bên vành tai.
“Chú…!Lúc đó cháu có nói với mẹ là mình không muốn đi lên nơi lạnh.
Cháu chẳng thích những vùng cao chút nào.
Nhưng chẳng có ai cho cháu ở nhờ nhà giống chú cả.
“Dù cửa hàng của chú có hơi bừa bộn, nhưng lại đặc biệt ấm.
“Cháu ghét cay ghét đắng mùi thuốc lá, mà cháu không ghét mùi thuốc trên áo của chú.
“Kìa…!Chú nói gì đi chứ? Cháu kể lể tới khô cả họng rồi.”
Nguyễn Ngụy Chi bóp bao thuốc trống rỗng, nhìn cửa phòng tắm mở ra, ngữ điệu không chút gợn sóng: “Ôn Dữ.”
Mưa đã tạnh.
Mọi tiếng động xáo trộn trở nên rõ ràng.
“Cậu vừa có một giấc mơ kỳ lạ.
Bây giờ hãy về giường và ngủ đi.” Y ôn hòa nói: “Sau đó quay trở lại với thực tế.”
Người con trai câm lặng, chỉ phát ra tiếng thở, sau đó run run nói: “Vâng…!chúc chú ngủ ngon.”
“Ngủ ngon.”.