Bạn đang đọc Chim Sơn Ca Trong Túi Áo FULL – Chương 19: Nhớ Em Được Không
Trăm năm mới có một tin nhắn của ngài Phùng, nội dung súc tích: Cuối tuần về ăn bữa cơm.
Phó Yến mất một tiếng lái xe tới nhà của ông bà Phùng.
Ngôi nhà lớn gần như bán biệt thự xỉn màu sơn cổ kính.
Chiếc xe đen óng của chủ nhà đang sưởi nắng trước cổng.
Cuối tuần nên người giúp việc được nghỉ, Phó Yến bước vào liền thấy bố dượng đang tự pha cà phê phin, ngồi đọc báo trên sofa.
Phùng Kính không buồn nhấc mí mắt, lật qua trang sau: “Tôi uống hết cà phê thì sẽ gặp cậu trong phòng đọc.”
Phó Yến tùy tiện ừ hữ, về phòng tắm rửa thay quần áo, nằm xuống giường chập chờn giấc được giấc không.
Chợt bước hụt chân giật mình tỉnh dậy, anh thấy chỉ mới nửa tiếng trôi qua, đầu óc nặng trĩu.
Uống một viên aspirin, Phó Yến rề rà đi tới phòng đọc.
Từ lúc đặt chân vào nhà, không hiểu sao anh cảm thấy rất mệt.
Phùng Kính gấp cuốn từ điển tiếng Đức, rút một túi đựng tài liệu ném xuống mặt bàn chen giữa hai người.
Phó Yến từ tốn kéo ghế ngồi, xé băng dính nhìn vào.
Không ngoài dự kiến.
Văn kiện luật sư, đơn kiện, đơn tố tụng, ghi chép từ thư ký tòa án…
Ngài chánh thanh tra tựa lưng vào ghế, lồng hai tay với nhau: “Tính đổi cách thách thức tôi à? Thi đua pháp luật? Không tự cảm thấy bản thân cậu ấu trĩ sao?”
“Chỉ vậy thôi?” Phó Yến bỏ giấy tờ vào lại túi, nét mặt không đổi, ngón tay chợt dừng ở một bức ảnh.
Cậu thanh niên hồi còn tóc ngắn trên tai, gương mặt khôi ngô, tươi tỉnh nhìn vào ống kính.
“Bố.” Anh bỗng mỉm cười: “Bố không cảm thấy từ khi rời đội phòng chống ma túy và trở thành thanh tra thì bố dễ nghi thần nghi quỷ hơn à? Tôi nghĩ bố nên về hưu sớm để đi kể chuyện chiến công quanh bếp lửa thôi.”
“Xem cái miệng sắc bén kìa.
May cậu là con vợ tôi, trái lại thì tôi đã xách cổ cậu vào Cục lập biên bản.” Phùng Kính mở một cánh cửa sổ, đốt thuốc lá: “Gần đây vướng vào vụ gì mà phải đuổi tận giết tuyệt như vậy, hửm?”
“Không gì cả.
Tôi chỉ nổi lòng tốt, vì nghĩa diệt thân.”
“Cậu còn dám nói ra bốn chữ vì nghĩa diệt thân.
Không biết hối cải! Đáng lẽ hồi đó tôi nên tống cậu vào tù vài tháng cho biết mùi.”
Ông trào phúng gạt tàn thuốc ra ngoài cửa sổ, che miệng ho khù khụ, rít vào, thở ra một lúc rồi lại hất hàm nói: “Lý lịch cậu kia cũng không sạch sẽ, bỏ đi, tìm người khác mà chơi đùa.”
“Không liên quan đến ông.” Phó Yến lấy lý lịch của Lâm Xuân Tư ra, dùng dũa móng tay cạy ảnh thẻ của cậu rồi cất vào ví ngay trước mặt bố.
Anh dửng dưng: “Ông có tuổi rồi, bớt hút thuốc đi.
Mẹ tôi sẽ nổi khùng nếu phát hiện mùi thuốc lá trong phòng đọc sách.”
“Cậu cũng vậy đấy.” Phùng Kính cắn dẹp đầu lọc, cười nhạt: “Giấu cho kỹ vào, đừng để mẹ cậu phát hiện.”
Phó Yến đóng cửa cắt đứt lời ông, tìm hộp y tế để lấy miếng dán và thuốc đau đầu.
Đoạn anh về phòng, vặn chốt cửa, đặt báo thức rồi cố ngủ lại.
Anh lấy bức ảnh trong ví ra ngắm.
Chàng trai chăm chú nhìn vào ống kính, tựa như cũng đang nhìn anh.
Lâm Xuân Tư quả thật rất ăn ảnh, chụp hình thẻ là nỗi ám ảnh của muôn người mà cậu lên hình thì đẹp như tranh.
Phó Yến dùng ngón tay chậm rãi phác họa đường nét khuôn mặt cậu.
Đến đôi môi, anh bỗng nhớ nhung nụ hôn của Tinh Tinh.
Tràn ngập hơi thở trẻ trung.
Có vị cam thảo.
Lâm Tinh Tinh ngày thường thì giản dị, một khi đã chải chuốt thì có thể khiến cho người ta điên đảo.
Thật muốn hôn em ấy…!Suy nghĩ này bén rễ ăn sâu, đeo đuổi Phó Yến vào giấc ngủ mơ bồi hồi.
Phùng Kính mở banh cửa sổ để khói thuốc thoát ra, nghe luật sư Ngô thở dài, “Ngài thanh tra nói vậy thì khó cho chúng tôi quá.
Luật sư chúng tôi cũng chỉ làm công ăn lương từ khách hàng.
Nhận tiền thì chúng tôi nỗ lực làm vừa ý thân chủ chứ đâu có trục lợi cá nhân.”
“Luật sư Ngô, cái văn vẻ qua cầu rút ván của ông chẳng thay đổi gì cả.
Cậu con riêng của vợ tôi đã ném qua cửa cho ông bao nhiêu, hửm? Bây giờ đơn giản thế này, tôi coi như khoản chi phí bao gồm các phiên tòa lẫn số ông đã xài riêng là thù lao, còn lại là chi phí bảo vệ danh dự của ông.
Được không? Tôi chờ luật sư Ngô chuyển khoản.”
Ngô Sinh thầm nghĩ: ngài thanh tra đúng là thích vắt cổ chày ra nước, may mắn hồi xưa mình co giò chạy.
Trước khi nhấn chuyển tiền, ông còn châm chọc cho bõ tức: “Ngài thanh tra, hành vi hiện tại của ngài có thể xem là nhận hối lộ đấy.”
Phùng Kính ho khan, cười trầm: “Tiền hối lộ này tôi đành nhờ con riêng của vợ giữ giùm tôi.
Tôi có bị bắt thì cũng phải kéo theo cậu rắc rối đó làm tòng phạm.”
Luật sư Ngô chuyển khoản xong liền kéo tên cậu Phó và ngài Phùng vào danh sách đen.
Không chơi với mấy người nữa!
Phó Yến ngủ không yên, mơ hồ cảm thấy nóng bức, tay chân giống như bị chuột rút co lại.
Có một vòng tay từ trong bóng tối ôm lấy anh, ghì vào lồng ngực rắn chắc.
Nụ hôn rơi xuống môi Phó Yến, từ cọ xát đến mút mát, nhiệt tình dây dưa.
Hơi thở anh hỗn loạn, cơ thể bất lực như bồ liễu tùy gió dập.
Cả hai dần trầm vào một vùng nước rất nóng, mồ hôi sền sệt như dung nham.
Nóng đến nỗi anh muốn khóc, xin cậu dừng lại.
Phó Yến thức dậy.
Điều hòa tẩm cho chăn đệm lạnh ngắt mà anh lại đổ mồ hôi.
Nước từ vòi hoa sen xối xuống cổ Phó Yến.
Giọt nước đọng trên xương quai xanh, chảy qua vùng bụng thon gọn đến đôi chân dài, thẳng.
Tắm lần nữa xong, Phó Yến xuống bếp kiểm tra nguyên liệu thì bỗng thấy túi lớn, túi nhỏ trên bàn.
Phùng Kính đang nghe máy và viết lời bình cho tạp chí an ninh ngoài phòng khách.
“Ông mua đấy à?”
“Ừ.
Tôi đi mua bia, tiện thể mua thức ăn.”
Cái lý do nghe có xuôi không chứ? Phó Yến nhíu mày sơ chế thức ăn: muốn ăn món gì thì ông nói thẳng ra, đã không biết lựa nguyên liệu mà cứ thích chơi trò ám chỉ.
Ngài Phùng nhìn anh con riêng nấu nướng, tặc lưỡi, thầm lắc đầu: đàn ông con trai gì mà mảnh khảnh thế kia, nhìn chẳng ra cái gì cả.
Bộ công việc của cậu ta nhiều lắm hả? Lúc nào về đây cũng có dáng vẻ thiếu ngủ.
Phó Yến vừa làm thịt vừa hít sâu nén giận: làm cái quái gì mà mua nhiều thịt như vậy? Thế thì đến khi nào mới ăn hết? Ông không phải nấu ăn nên hành tôi đấy à?
Phùng Kính thì nghĩ: đấy, công việc nhiều thì lo mà ăn nhiều thịt vào để có sức làm.
Đàn ông gì nhìn cứ như ra gió là bay, chướng mắt tôi.
Kỳ thực Phó Yến đâu có gầy yếu, nhưng quan niệm thẩm mỹ cổ hủ của ngài Phùng chính là: con trai vai chưa đủ đô, cơ bắp không liếc mắt cái liền thấy thì đều là gầy!
Phó Yến nấu bữa trưa trong sự cáu kỉnh vì đống nguyên liệu không ra hồn.
Ăn xong, anh đi lên lầu.
Phùng Kính tiếp tục viết bình, bỗng nghe có âm thanh khác vang lên, ông đứng dậy tắt máy hát.
Tiếng cello trầm thấp, sâu lắng mà không kém phần dịu dàng khiến không gian của ngôi nhà như dãn nở.
Tia nắng lọt vào cửa kính màu, hắt những sắc màu chen chúc trên tường, trên sàn, nhảy nhót rực rỡ.
Phùng Kính không biết bản nhạc Phó Yến đang chơi.
Đây là lần đầu tiên ông nghe thấy giai điệu hân hoan đến vậy.
Đã từ lâu, Phó Yến không còn chạm vào cello với những bản nhạc vui tươi.
Ông tiếp tục viết lời bình.
Chợt, một âm thanh méo mó cắt đứt tiếng đàn.
Nó lại tái phát.
Phùng Kính sang trang.
Mỗi khi Phó Yến quá tập trung vào những ngón tay, nó liền trồi lên như một loại nấm mốc.
Từ ít tới nhiều, phủ kín đôi tay bằng cơn run rẩy ăn mòn như acid.
Thử lại rồi thất bại, thử lại rồi thất bại.
Một nghệ sĩ cuồng dại liên tục chắp ghép rồi xé rách các bản nhạc du dương thành tạp âm tan vỡ.
Hừm, chưa hết hi vọng sao.
Vì ngài Phùng mua quá nhiều thức ăn, Phó Yến phải lật sách kiếm các món khác nhau để chế biến thịt.
Đang khi anh loay hoay trong bếp thì bà chủ nhà về, dẫn theo cả em trai bà.
Cậu Út, Diệp Đình Châu cầm một chai vang, cười nhăn răng đến trao cho ngài Phùng: “Lâu rồi không gặp anh rể và cháu trai.
Hôm nay em quyết không say không về!”
Phùng Kính phũ phàng: “Không về thì chú ra vườn mà ngủ.”
“Chú dám say xỉn ở nhà anh chị thì đừng trách ngày mai thức dậy sau song sắt.” Diệp Đình Thấm vắt áo khoác, rồi vào bếp đeo tạp dề.
Phó Yến khẽ nói: “Chào mẹ.
Phiên tòa thuận lợi chứ ạ?”
“Bị cáo rất cứng đầu, tuy mức tuyên án chưa thể làm hài lòng gia đình bị hại nhưng có lẽ cũng an ủi họ phần nào.” Diệp Đình Thấm ôn hòa đáp: “Con ra nói chuyện với cậu đi, lâu rồi không gặp.
Để mẹ làm nốt.”
Diệp Đình Châu chỉ lớn hơn Phó Yến sáu tuổi, tuy không làm trong ngành nhưng có chân trong ngành, lâu lâu thấy miếng ngon thì chạy vào ké.
Vì thế cậu Út luôn có rất nhiều chủ đề chung với anh.
Hai cậu cháu thân cận như bạn bè.
Bà Phùng gọi chồng giúp mình dọn bàn.
Diệp Đình Châu dí đầu lọc vào gạt tàn, thiếu đứng đắn cười: “Cậu nghe nói ông già Trịnh thu nạp học trò mới, nếu vậy thì gần đây cháu rảnh chứ? Đi với cậu đến một nơi.”
“Đi đâu?” Phó Yến chưa muốn để lộ việc mình có đối tượng nên không từ chối điếu thuốc chú* đưa cho.
* Ngôi thứ ba của Diệp Đình Châu xưng tạm là “chú”.
Để cậu thì dễ lẫn lộn, để ông thì bị già.
“Đi kiếm tình yêu chứ đâu.
Gần đây công ty bạn cậu có thêm nhiều người nhìn ưng bụng lắm.
Tụi cậu đang còn trống ghế, cháu đi ngắm chơi cũng được, biết đâu vừa mắt nàng nào.”
“Không đi.” Anh thờ ơ: “Cháu bận rồi.”
“Ây dà, cháu nể cậu một chút, đến nhìn rồi uống mấy ly thôi.
Không thích thì đi về cũng đâu muộn.
Trông cháu ủ rũ, chán nản chưa kìa, đây là biểu hiện của thiếu kích thích tình cảm!”
Phó Yến cười nhạt.
Hôm nay không được gặp chú sơn ca nào đó nên anh buồn chán đấy thôi.
Diệp Đình Châu còn tính tiếp tục nhưng Diệp Đình Thấm nói đến giờ cơm nên mọi người vào bàn.
Diệp Đình Thấm không ngừng gắp thức ăn cho con trai, nhíu mày trách khéo Phó Yến say mê làm việc mà quên chăm sóc bản thân, so với đầu năm thì anh lại gầy hơn.
Cậu Út bèn phải nói: “Chị khéo lo, mấy cô gái ở bên hậu cần tính cách cũng chu đáo lắm.
Em thấy họ cứ canh chừng đưa khăn, đưa nước, nói năng thì nhỏ nhẹ vâng dạ.
Gia Yến chăm chỉ như vậy khéo lại được lòng mấy cổ.”
Diệp Đình Thấm biết em trai ưa ba hoa chích chòe nên cũng không nói nữa.
Lúc Phó Yến phụ giúp dọn bàn, bà lại ôn tồn khuyên nhủ anh về vấn đề lập gia đình.
Cậu Út xổ miệng lưỡi dẻo quẹo năn nỉ anh rể khui bình rượu quý, hớn hở rót rượu cho từng người.
Chú vừa uống vừa nói đến vui trời vui đất, thành công khiến bà Phùng nhức đầu về phòng nghỉ.
Ngài chánh thanh tra cũng ngán hàn huyên với em vợ, thẳng thắn cất rượu rồi về theo.
Còn lại hai cậu cháu, Diệp Đình Châu cười híp mắt nhìn Phó Yến.
Phó Yến kéo ghế đứng dậy: “Cháu chỉ đến đó nửa tiếng.”
“OK, OK.
Nửa tiếng là quá đủ.
Cậu lỡ hẹn con gái nhà người ta rồi, cháu không đến cậu mới bối rối.” Cậu Út tung tăng đi ra xe, huýt sáo mấy tiếng.
Diệp Đình Châu đi chung xe với chị hai nên hiện tại cũng leo lên xe cháu trai.
Phó Yến chỉnh gương chiếu hậu: “Xe của cậu đâu?”
Cậu Út xấu hổ: “Cậu uống say phóng quá tốc độ, bị giam rồi.
Chị hai và anh rể đều mắng cậu.”
“À.”
“Nãy cháu có uống mấy ly, chắc vẫn ổn ha?” Tửu lượng cháu trai kém hơn chú ta, kỹ năng lái xe cũng thần sầu hơn.
Đột nhiên tim Diệp Đình Châu tăng tốc, “Cháu, cháu vẫn ổn chứ?”
Phó Yến bỗng cười, trong mắt hơi mịt mù: “Đòi uống rượu là cậu, rót rượu cho cháu cũng là cậu.
Cậu đoán xem?”
Diệp Đình Châu: “…” Ngày này năm sau sẽ là ngày giỗ của tôi ư?
Sau đó chú ta kêu gọi mọi vị thần của mọi tôn giáo nhớ được ra cầu nguyện.
Gần đến, Phó Yến thờ ơ hỏi: “Cậu nói mình hẹn ai cho cháu?”
“Một cô xinh xắn, dịu dàng gia giáo đúng gu chị hai, cậu nói chuyện thử thì thấy cũng hợp cạ với cháu lắm.”
Diệp Đình Châu tiêu sái xoay thẻ VIP trong tay rồi cất vào túi, tươi cười chào hỏi mọi người.
Phó Yến lãnh đạm ngồi ở một nơi, bởi vì hơi khó chịu nên đôi mắt dưới hàng mi sắc lẹm, lạnh lùng, làm người ta muốn gần mà không dám.
Cậu Út vẫy tay về một hướng.
Cô gái đơn độc ngồi đó dời gót ngọc, xinh đẹp dịu dàng, cử chỉ lễ độ mà không rụt rè, dáng điệu thấm nhuần gia giáo.
Cô ấy mỉm cười tự giới thiệu: “Tôi là Thương Vi, hân hạnh được gặp anh Phó.”
Mắt sáng mà không tục, nụ cười rạng ngời lộ lúm đồng tiền ngọt ngào.
Một kiểu hình đắt giá trong giới giải trí.
Đáng tiếc, Phó Yến chỉ nhớ đến lúm đồng tiền có chút gian xảo của chàng trai nào.
Anh vỗ vai cậu Út, đứng dậy lịch thiệp bắt tay cô, hiền hòa cười: “Tôi là Phó Yến.
Rất cảm ơn Thương tiểu thư…!và tạm biệt.”
Anh cực kì quyết đoán sải bước rời khỏi đây.
Diệp Đình Châu thấy có cơn gió phất qua mặt, người đã không còn tăm hơi.
Phó Yến lái xe khỏi bãi, nhấn mở loa ngoài điện thoại.
Cậu Út: “Cháu đối xử với phụ nữ như thế à? Cháu đi đâu rồi? Ơ hay! Cháu bỏ cậu lại đây luôn hả? Ơ kìa kìa Gia Yến! Cháu trai! Cậu về kiểu gì đây?”
“Cậu bắt taxi đi.” Anh lạnh nhạt đáp: “Cháu không có hứng, cậu còn tự ý sắp đặt là cháu đánh đấy.”
Diệp Đình Châu trừng mắt nhìn điện thoại rồi đau khổ kéo tay Thương Vi: “Cháu trai tôi không chỉ bỏ rơi tôi mà còn muốn đánh tôi! Trái tim tan nát của tôi cần đôi tay xinh đẹp của em tới vá lại.”
Phó Yến vứt hết mọi chuyện ra sau đầu, đạp chân ga phóng về con đường có đại sứ quán Canada và hàng cây lá đỏ.
Anh đỗ xe đối diện hẻm, cầm điện thoại nhắn một tin.
Lâm Xuân Tư đang tập trung khắc gỗ bị chuông báo tin nhắn làm giật mình, chỉ thấy sáu chữ: Tôi nhớ em, muốn hôn em.
Cậu mơ màng đọc, nhìn tên người gửi mới đỏ bừng mặt như có thể trích ra máu.
Lại có thêm một tin nhắn: Em ra ngoài đi.
Lâm Xuân Tư nhảy dựng khỏi giường kéo rèm cửa, thấy bóng ai ven đường thì cuống quýt xỏ giày, chạy ra ngoài như đang trốn động đất.
Chẳng khác chi một chú chim hớn hở sà xuống tay anh, cậu nắm lấy tay Phó Yến, hỏi: “Anh đến bao lâu rồi? Không phải anh bảo mình sẽ về nhà sao? Muộn thế này rồi sao còn đến tìm em?”
Phó Yến tựa vào vai cậu: “Nhớ em, được không?”
Nói rồi không để Lâm Xuân Tư kịp hiểu, anh liền ngậm lấy môi cậu, dịu dàng và đắm đuối như ong bướm say mật hoa, đôi tay ôm chặt vòng eo rắn rỏi.
Lâm Xuân Tư nếm được vị ngọt cay của rượu, nếm được sự tự do trên đầu lưỡi rong ruổi của anh.
Phó Yến giống như vừa thoát ra khỏi một cái lồng, một cái gì đó ràng buộc anh.
Và anh hấp tấp chia sẻ hương vị niềm vui của mình với cậu.
Anh như một đứa bé vội vã cầm viên kẹo vừa trộm được tặng cho cậu.
Thật ngọt.
Ngọt hơn mật ong.
Ngọt thấm vào tim.
Lâm Xuân Tư không nhịn được mút lấy chiếc lưỡi ngọt ngào, phóng túng của người kia.
Phó Yến ôm ghì lưng cậu như hận chẳng thể thu nhỏ cậu lại để ôm gọn vào lòng.
“Phó Yến, anh say rồi.” Lâm Xuân Tư áp sát tay bao lấy hai má anh, có chút tức giận: “Anh uống say mà còn dám lái xe?”
“Tại tôi nhớ em.” Đôi mắt Phó Yến ánh lên nét mơ màng, “Cả ngày hôm nay tôi chỉ toàn nghĩ về em.
Đến trong giấc mơ mà em còn không tha cho tôi…!Vì sao em lại trách tôi?”
Lâm Xuân Tư giận nổi thế nào nữa.
Từ ngày công bố MV kết hợp với tin tức thầy Trịnh chính thức đỡ đầu cho cậu thì cậu không còn theo đuôi anh mà chuyển sang học với thầy.
Thời gian gặp mặt giữa cả hai ít đi hẳn.
Cậu cũng rất nhớ anh chứ đâu phải không.
“Em cấm anh lái xe.” Lâm Xuân Tư miệng cứng lòng mềm cầm tay dắt anh đi: “Vào chỗ em ngồi một chút cho tỉnh táo.”
Cậu nhắn tin cho Kỷ Ca: Ê, ôm tập ra quán đối diện ngồi một lát.
Kỷ Ca: Làm quái?
Lâm Xuân Tư in hoa: Mày muốn nhìn hai thằng đàn ông ôm ấp nhau không?
Kỷ Ca: Bố té! Bố té! Tao sợ mày quá.
Kỷ Ca: Mày đếu được làm gì trong phòng nhá! Tao mà biết thì tao…!(Chưa nghĩ ra.)
Kỷ Ca (nghĩ ra): Tao sẽ đốt phòng!
Lâm Xuân Tư: Lẹ giùm cái.
Kỷ Ca ôm tập vở chạy ra ngoài, thấy thằng bạn ôm lấy người kia, dáng đứng như cố tình che chắn hướng gió.
Lâm Xuân Tư dắt Phó Yến về phòng thì điện thoại của anh đổ chuông.
Anh nói: “Là mẹ tôi.”
“Anh ngồi xuống nghe đi.
Em lấy nước.” Cậu đi vào bếp.
Phó Yến bóp trán bắt máy: “A-lô.”
Diệp Đình Thấm hỏi: “Con đang ở đâu? Cậu nhắn cho mẹ nói là con bỏ đi.
Con không về nhà mà đi đâu?”
“Con thấy váng đầu nên đỗ lại ven đường chờ cho tỉnh.”
“Đường nào? Mẹ đến đón con.”
Phó Yến nhắm chặt mắt rồi mở ra: “Mẹ cầm lái cả ngày hôm nay cũng mệt rồi, đưa điện thoại cho bố đi.”
Diệp Đình Thấm yên lặng hoài nghi rồi đáp: “Ừ.”
Phùng Kính bắt máy: “Ở đâu? Ừ…!Tôi biết rồi.”
Phó Yến nghe ông ấy phối hợp nói với mẹ, “Con đang ở gần nhà riêng.
Em an tâm nghỉ ngơi đi.
Anh sẽ gọi người đưa con về nhà.
Mai con còn phải đi làm nên không ngủ lại.”
Cúp máy, tảng đá trong ngực Phó Yến mới lăn xuống.
Lâm Xuân Tư đưa nước, nhìn anh uống hết rồi nhíu mày sờ trán mình với anh, gắt giọng: “Anh đã cảm mà còn uống say.
Anh muốn chọc em tức chết à?”
Phó Yến cầm tay cậu, dịu dàng hôn lên: “Tôi sai rồi.
Em đừng tức giận…”
Lâm Xuân Tư bực lên chưa được một phút thì lại không nỡ, đi lấy thuốc cảm rồi ngồi xuống bên cạnh, dang tay ôm anh vào lòng, hôn nhẹ lên vừng trán nóng hổi: “Nhớ em phải không? Giờ em ngoan ngoãn ngồi đây cho anh ôm.
Ôm xong là phải khỏi bệnh cho em, được không?”.