Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 47Quyển 2 -


Đọc truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình – Chương 47: Quyển 2 –

Gió đã lặng, những đám mây đen bay là là trên bãi chiến trường, và ở chân trời, màu mây đen hoà lẫn với màu khói súng.

Trời đã xâm xẩm tối, ánh lửa những đám cháy ở hai nơi càng thêm sáng rõ. Tiếng pháo đã yếu đi, nhưng ở đằng sau và ở bên phải tiếng súng trường nố đì đùng nghe càng gần và càng gấp. Tusin cùng với mấy khẩu pháo của anh rút ra khỏi chiến tuyến, tuy đã cố tránh mà vẫn vấp phải những người bị thương. Họ vừa đi xuống một khe núi thì gặp mấy chỉ huy và sĩ quan phụ tá, trong số đó có viên sĩ quan tham mưu và Zerkov, đã hai lần được phái đến tận nơi. Cả tốp người này cướp lời nhau, tranh nhau ra lệnh và truyền dạt mệnh lệnh cho Tusin phải đi đến đâu và đi như thế nào, hết phê bình rồi lại khiền trách Tusin. Tusin không ra lệnh gì hết, anh im lặng không dám hé răng, bởi vì anh cũng không hiểu vì sao cứ mỗi lần mở miệng ra nói là cảm thấy muốn bật khóc lên. Anh cưỡi con ngựa của đại đội pháo lẽo đẽo theo sau. Mặc dầu đã có lệnh bỏ những người bị thương ở lại khá nhiều người vẫn lê theo quân đội, xin ngồi nhờ trên những khẩu pháo. Anh chàng sĩ quan bộ binh hiên ngang, khi trận đánh mở màn đã nhảy ra khỏi lều của Tusin, nay đang nằm trên giá súng Matvevna với một viên đạn ở bụng. Dưới chân núi, một anh chuẩn uý phiêu kỵ mặt tái nhợt, tay phải đỡ tay trái bị thương đến cạnh Tusin van nài cho anh ta ngồi nhờ lên khẩu pháo.

– Đại uý hãy vì Chúa, tay tôi bị giập. – Anh nói, vẻ rụt rè – Tôi không thể nào đi được nữa. Vì Chúa!

Rõ ràng là người chuẩn uý này đã nhiều lần xin ngồi lên xe, ngồi chỗ nào cũng được, nhưng ở đâu cũng bị từ chối. Anh van nài, giọng ngần ngại và thiểu não.

– Ông cho tôi ngồi với, vì Chúa!

– Cho anh ấy lên với, cho anh ấy lên! – Tusin nói – Chú ơi, chú trải áo khoác ra – Anh nói với người lính được anh yêu quý nhất – Còn viên sĩ quan bị thương lúc nãy đâu rồi?

– Bỏ xuống rồi, chết rồi – Một người nào đó đáp.

– Cho anh ấy ngồi lên đi, ngồi lên đi anh bạn, ngồi lên, trải áo khoác ra, Antônov!

Viên chuẩn uý này chính là Roxtov. Mặt tái nhợt, hàm dưới run cầm cập như lên cơn sốt rét, chàng lấy tay phải giữ lấy cánh tay bị sưng. Người ta đặt chàng ngồi trên khẩu pháo Matvevna, chính khẩu pháo vừa chở viên sĩ quan mới chết. Trên áo khoác đầy máu, máu thấm vào quần và dây bẩn tay Roxtov.

– Sao, anh bị thương à? – Tusin hỏi.

– Không, tôi bị bầm cánh tay thôi.

– Thế thì tại sao trên giá súng lại có máu? Tusin hỏi.

– Thưa đại uý, máu viên sĩ quan ban nãy để lại đấy! – Một pháo thủ vừa nói vừa lấy ống tay áo khoác lau vết máu như muốn xin lỗi về chỗ giá súng không được sạch.

Với sự giúp đỡ của bộ binh, họ khó nhọc lắm mới kéo được pháo lên dốc và đến làng Grun thì dừng lại. Trời tối mịt, đến nỗi cách mười bước đã không phân biệt được quân phục của binh sĩ.

Tiếng súng trường vừa ngớt dần. Đột nhiên ở bên phải cách đấy không xa, lại có tiếng quát và tiếng súng nổ, lửa đạn sáng bừng trong đêm tối. Đây là đợt tấn công cuối cùng của quân Pháp. Quân ta nấp trong các nhà ở trong làng bắn trả lại. Mọi người lại chạy ra khỏi làng, chỉ trừ đội pháo binh của Tusin và viên chuẩn uý im lặng đưa mắt nhìn nhau chờ đợi số phận của mình. Những tiếng súng lặng dần, vừa từ trên con dường ngang, binh sĩ lũ lượt kéo về, chuyện trò huyên náo.


– Lành lặn chứ Potrov – một người hỏi.

– Choảng khá đấy cậu ạ – một người khác nói – Bây giờ chúng không dám bén mảng đến nữa đâu.

– Chả trông thấy gì hết. Chúng bắn vào nhau một trận ra trò!

– Chẳng thấy gì hết, tối như bưng ấy. Này cậu có cái gì nốc không?

Quân Pháp đã bị đánh lui hẳn. Và trong dêm tối đen như mực, những cỗ pháo của Tusin, cùng với cả một đám bộ binh vây quanh lao xao như đàn ong, lại lên đường tiến về phía trước mặt. Trong đêm tối, nghe như có một con sông đen ngòm vô hình trôi về một hướng duy nhất mà tiếng nước chảy là những tiếng nói thì thào, tiếng vó ngựa và tiếng bánh xe lăn. Trong tất cả những tiếng ồn ào hỗn hợp ấy, tiếng rên và tiếng nói của những người bị thương trong đêm tối nghe rõ hơn cá. Những tiếng rên của họ như tràn ngập bóng đêm, bao lấy xung quanh và hoà lẫn với bóng dêm làm một. Một lát sau, đoàn người đang đi bỗng nhốn nháo lên. Có một đoàn tuỳ tùng, người ấy nói một câu gì không rõ.

– Ông ta nói gì thế? Bây giờ đi đâu? Có dừng lại ở đâu không? Ông ta cảm ơn chúng mình phải không?

Ở khắp bốn phía có tiếng hỏi xôn xao. Cả đoàn người đang đi bắt đầu xô đẩy nhau (hẳn là người đi đầu đã dừng hẳn). Tin truyền đi là đã có lệnh dừng chân.

– Thế là mọi người đứng lại ở ngay giữa con đường lầy lội.

Lửa được đốt lên và những tiếng nói nghe lại càng rõ. Đại uý Tusin sau khi đã nghe những mệnh lệnh cần thiết cho đại đội liền sai một người lính đi tìm một trạm cấp cứu hay một người thầy thuốc cho viên chuẩn uý, rồi đến ngồi cạnh đống lửa ở trên đường mà binh sĩ vừa đốt lên. Roxtov cũng lê đến cạnh đống lửa. Phần thì đau, phần thì bị lạnh và ướt, toàn thân chàng cứ run lên bần bật.

Chàng cảm thấy buồn ngủ vô cùng nhưng vẫn không ngủ được vì cánh tay nhức nhối không biết đặt thế nào cho đỡ đau. Khi thì chàng nhắm mắt lại, khi thì lại nhìn đăm đăm vào ngọn lửa mà chàng cảm thấy như đỏ rực lên, khi thì đưa mắt nhìn cái thân hình gù gù, yếu ớt của Tusin đang ngồi xếp bằng tròn cạnh chàng. Cặp mắt to, thông minh và hiền từ của Tusin đang nhìn chàng ái ngại. Chàng cảm thấy Tusin hết lòng muốn giúp đỡ chàng nhưng không biết làm thế nào.

Xung quanh đâu đâu cũng nghe thấy tiếng chân người, tiếng vó ngựa và tiếng nói của những bộ binh đang tìm chỗ ngồi xung quanh. Tiếng người nói, tiếng bước chân, tiếng vó ngựa giẫm xuống bùn, tiếng củi nổ lách tách gần xa hoà lẫn với nhau thành một tiếng ồn ào khi to khi nhỏ.

Bấy giờ không còn là con sóng vô hình chảy trong bóng tối như hồi nãy mà là một cái gì giống như mặt biển đen ngòm đang lặng dần và nhấp nhô sau cơn bão, Roxtov ngơ ngác nhìn và lắng nghe xem có những gì xảy ra ở phía trước và xung quanh chàng. Một người lính bộ binh đến gần đống lửa ngồi xổm xuống, giơ hai tay về phía ngọn lửa nhưng quay mặt đi.

– Thưa ngài, ngài cho phép chứ? – Anh ta nói với Tusin có ý dò hỏi – Tôi lạc mất đại đội rồi, ngài sĩ quan ạ. Tôi cũng không biết nó ở đâu nữa! Thật khổ!

Một sĩ quan bộ binh đến cạnh đống lửa với một người lính. Má anh ta quấn băng, anh ta đến nói với Tusin yêu cầu ra lệnh di chuyển các khẩu pháo một chút để cho xe vận tải đi qua. Sau viên chỉ huy đại đội có hai người lính chạy đến lấy lửa. Họ đang chửi mắng nhau thậm tệ và đánh đấm nhau, ra sức giằng lấy một chiếc ủng.

– Thế nào? Mày nhặt được đấy à? Chà ranh gớm nhỉ? – Một người kêu lên, giọng khản đặc.


Rồi một người lính gầy gò, mặt tái nhợt, cổ quấn một miếng giẻ bê bết máu, đến xin các pháo thủ cho nước uống, giọng gắt gỏng:

– Thế nào, chả nhẽ phải chết như chó hay sao? – Anh ta càu nhàu.

Tusin bảo đưa nước cho anh ta uống. Rồi lại một người lính vui vẻ chạy đến xin tý lửa cho bộ binh.

– Nào cho bộ binh xin tí lửa sưởi cho ấm nào! Thôi anh em hàng xứ ở lại may mắn nhé… Cảm ơn các anh cho lửa, chúng tôi sẽ trả lại cả vốn lẫn lãi – Anh ta vừa cười vừa mang thanh củi đỏ rực đi trong đêm tối.

Sau anh ta, đến bốn người lính mang trong áo khoác một cái gì nằng nặng đi qua trước đống lửa. Một người trong bọn vấp một cái, kêu lên:

– Đồ quỷ! Vất bừa bãi củi ra giữa đường.

– Chết rồi thì còn mang đi làm cái quái gì – Một người khác nói.

– Ô cái anh này!

Và họ lại biến mất trong bóng tối với vật họ mang theo.

– Thế nào? Đau phải không? – Tusin thì thầm hỏi Roxtov.

– Đau.

– Thưa ngài, có lệnh tướng quân gọi, tướng quân hiện ở đây, trong ngôi nhà gỗ – Một pháo binh đến gần Tusin nói.

– Tôi đi ngay đây, anh ạ.


Tusin đứng dậy, cài lại khuy áo khoác và rời khỏi đống lửa, vừa đi vừa sửa quân phục lại cho ngay ngắn.

Cách đống lửa của pháo binh không xa, ở trong ngôi nhà gỗ dành cho mình, công tước Bagration đang ngồi ăn và nói chuyện với một vài viên chỉ huy đơn vị tụ tập cạnh ông. Ở đây có ông già mắt lim dim đang gặm cái sườn cừu một cách ngon lành, có viên tướng đã hai mươi năm không có điều gì đáng chê trách, mặt đỏ bừng vì cốc rượu vodka và vì bữa ăn, có viên sĩ quan tham mưu đeo nhẫn có phù hiệu hoàng tộc, có Zerkov đang liếc mắt nhìn mọi người có vẻ lo lắng, và công tước Andrey mặt tái nhợt đôi môi mím chặt và cặp mắt sáng ngời như đang lên cơn sốt.

Trong một góc nhà có dựng một lá cờ cướp được của quân Pháp. Viên pháp quan đang sờ mó vải cờ với vẻ mặt ngây thơ và lắc đầu có vẻ thắc mắc. Có thể ông ta thực tâm chú ý đến lá cờ này cũng nên, nhưng cũng có thể ông ta cảm thấy khó chịu vì đang đói bụng mà lại phải đứng nhìn một bữa ăn không có dao nĩa dành cho ông ta. Ở phòng bên có viên đại tá Pháp bị long kỵ bắt sống. Các sĩ quan của ta xúm xít xung quanh hắn mà ngắm nghía.

Công tước Bagration cảm ơn các sĩ quan chỉ huy và hỏi han họ về những chi tiết của trận đánh và những tổn thất. Viên chỉ huy trung đoàn đã duyệt binh ở Braonao báo cáo với công tước rằng ngay lúc chiến sự bắt đầu ông đã rút ra khỏi rừng, tập hợp những người lính đang hái củi, sau khi để cho quân Pháp đi qua, ông đã mang hai tiểu đoàn dùng lưỡi lê đánh thọc vào quân Pháp và đuổi bật chúng ra ngoài.

– Thưa tướng quân, khi tôi thấy tiểu đoàn thứ nhất đã rối loạn, tôi đứng trên đường cái và nghĩ thầm “Hãy để cho chúng qua, ta sẽ dùng hoả lực của toàn thể tiểu đoàn thể nghênh chiến”. Và tôi đã làm đúng như thế viên chỉ huy trung đoàn rất muốn làm như thế và tiếc rằng mình đã không làm được như thế, đến nỗi ông tưởng chừng sự thực đã xảy ra đúng như vậy cũng nên? Làm sao có thể phân biệt được chuyện gì đã xảy ra với chuyện gì không xảy ra, khi người ta ở trong một tình trạng hỗn loạn như vậy?

– Thưa tướng quân – Ông nói tiếp, sực nhớ đến những lời nói chuyện giữa Kutuzov với Dolokhov và cuộc gặp gỡ của ông ta hồi nãy với người sĩ quan bị cách chức, – Đồng thời tôi cũng xin ngài lưu ý đến Dolokhov, viên sĩ quan bị giáng chức xuống làm lính. Chính tôi đã thấy anh ta bắt được một sĩ quan Pháp và đã tỏ ra đặc biệt xuất sắc.

– Thưa tướng quân, đúng vào lúc tôi đã chứng kiến cuộc tấn công của quân phiêu kỵ Pavlovgrad – Zerkov nói xen vào, đưa mắt lo lắng nhìn quanh; Anh ta suốt hôm ấy không hề trông thấy bóng dáng một người lính phiêu kỵ nào, chỉ nghe viên sĩ quan bộ binh nói chuyện lại – Thưa ngài họ đã đánh tan hai phương trận.

Thấy Zerkov lên tiếng, một vài người mỉm cười chờ đợi anh ta sẽ bông đùa như mọi hôm, nhưng khi nhìn thấy anh ta lại góp phần vào cái việc tán dương những hành động quang vinh của quân đội ta ngày hôm sau thì họ liền làm ra vẻ nghiêm trang, mặc dầu nhiều người thừa biết rằng những điều Zerkov nói chỉ là bịa đặt, chẳng có căn cứ gì hết.

Công tước Bagration nói với viên đại tá già:

– Tôi cảm ơn tất cả các vị, tất cả các đơn vị đã chiến đấu anh dũng: bộ binh, kỵ binh cũng như pháo binh. Nhưng làm thế nào lại bỏ qua hai khẩu pháo ở trung tâm? Ông hỏi và đưa mắt nhìn quanh như muốn tìm một người nào (công tước Bagration không đặt vấn đề những khẩu pháo ở cánh trái. Ông ta biết rằng ngay lúc chiến sự bắt đầu, bao nhiêu pháo ở đây đều đã bỏ lại cho quân địch chiếm hết). Hình như tôi đã phái ông đến đó thì phải? – Ông nói với viên sĩ quan trực nhật.

– Một khẩu bị bắn hỏng – Viên sĩ quan trực nhật đáp – và một khẩu khác thì tôi không hiểu tại sao. Tôi đã ở đấy từ đầu đến cuối và đã đôn dốc mọi việc, mãi sau mới bỏ đi… Quả là ác liệt – anh ta nói thêm một cách khiêm tốn.

Có người cho biết đại uý Tusin đang đóng ở đây, ở gần làng này, và đã phái người đến gọi anh ta.

– Còn ông, ông có đến đấy cơ mà? – công tước Bagration hỏi công tước Andrey.

– Cố nhiên, chúng tôi cùng đến không cách nhau bao nhiêu – viên sĩ quan trực nhật mỉm cười một nụ cười khả ái với Bolkonxki.

– Tôi không được hân hạnh trông thấy ông – công tước Andrey đáp giọng lạnh lùng và ngắt quãng. Mọi người im lặng.

Tusin đã hiện ra ở ngưỡng cửa. Anh rụt rè đi luồn sau lưng các viên tướng. Trong khi đi vòng qua các viên tướng ở trong gian nhà chật chội, và cũng như mọi bận, bối rối khi trông thấy các vị chỉ huy, Tusin không nhìn thấy cái cán cờ và vấp phải nó. Có vài người cười.

– Tại sao lại bỏ lại một khẩu pháo? – Bagration cau mày hỏi, không phải cau mày với viên đại uý mà với những người đang cười, trong đó nghe to nhất là tiếng cười của Zerkov.


Đến lúc ấy, trước mặt vị chỉ huy đáng sợ, Tusin mới hình dung được lỗi của mình ghê gớm như thế nào, và thấy rõ nỗi sỉ nhục là mình còn sống mà lại bỏ mất hai khẩu pháo. Anh xúc động đến nỗi tới giây phút này anh mới nghĩ ra điều đó. Tiếng cười của các sĩ quan càng làm anh hốt hoảng. Anh đứng trước Bagration, hàm dưới run cầm cập và nói lắp bắp:

– Thưa ngài… tôi không biết… Thưa ngài… không có người.

– Anh có thể lấy người ở đội yểm hộ chứ sao?

Tusin không dám nói rằng làm gì có đội quân yểm hộ, mặc dầu đó là sự thực thuần tuý. Anh sợ nói thế là “chơi khăm” một vố cho một vị chỉ huy khác, và anh dành đứng yên, mắt nhìn thẳng vào mặt Bagration không chớp như một anh học trò lúng túng trước mặt ban giám khảo. lm lặng kéo dài một lúc khá lâu. Công tước Bagration rõ ràng là không muốn tỏ ra nghiêm khắc nhưng không biết nên nói như thế nào, còn những người khác thì không dám xen vào câu chuyện.

Công tước Andrey liếc mắt nhìn trộm Tusin, và mấy ngón tay của chàng run lên bần bật.

– Thưa ngài – giọng nói đanh và sắc của công tước Andrey phá tan bầu không khí yên lặng – Ngài có phái tôi đến đại đội pháo binh của đại uý Tusin. Tôi đã đến đấy và thấy hai phần ba người và ngựa bị bắn chết, hai khẩu súng bị hỏng nặng, và không được một đơn vị nào yểm hộ hết.

Công tước Bagration và Tusin đều cùng chăm chú như nhau nhìn Andrey đang nói với một nỗi kích động mà chàng cố kìm nén lại. – Và thưa ngài, nếu ngài cho phép tôi bày tỏ ý kiến – chàng nói tiếp – thì thắng lợi hôm nay của chúng ta sở dĩ có được chủ yếu là do hoạt động của đội pháo binh này và tinh thần kiên cường anh dũng của đại uý Tusin với đơn vị của đại uý – công tước Andrey nói, đoạn không đợi ai trả lời, chàng đứng phắt dậy rời khỏi bàn.

Công tước Bagration đưa mắt nhìn Tusin. Hình như công tước không muốn tỏ ý không tin ý kiến dứt khoát của công tước Andrey và đồng thời cũng cảm thấy mình không thể hoàn toàn tin lời nói ấy. Bagration gật đầu một cái và bảo Tusin là anh có thể lui ta.

Công tước Andrey đi ra theo sau Tusin.

– Cảm ơn anh, anh đã cứu tôi, anh bạn thân mến ạ – Tusin nói với chàng công tước Andrey nhìn Tusin từ đầu đến chân không nói gì, rồi bỏ đi nơi khác. Chàng cảm thấy lòng buồn rầu và nặng trĩu. Tất cả những chuyện đó thực kỳ lạ quá, chẳng giống tý nào với những điều chàng mong mỏi.

“Họ là ai? Họ làm gì ở đây? Họ cần gì? Bao giờ tất cả những cái này chấm dứt?” – Roxtov nghĩ thầm trong khi nhìn những bóng đen chập chờn ẩn hiện trước mắt chàng. Chỗ đau ở cánh tay chàng mỗi lúc một thêm nhức nhối. Chàng thấy buồn ngủ không sao cưỡng nổi, trước mắt chàng những vòng đỏ rực nhảy múa, và những âm thanh kia, những bộ mặt kia cùng với cảm giác cô đơn hoà lại làm một với cảm giác đau nhức ở tay. Chính những người này, những người bị thương hay không bị thương này cứ đè lấy chàng, bóp cổ chàng, vặn các mạch máu của chàng, lấy lửa đốt thịt trên – Cánh tay dập của chàng, và trên vai chàng. Để xua đuổi những hình ảnh đó, chàng nhắm nghiền mắt lại.

Chàng chỉ thiếp đi trong một phút, nhưng trong cái phút mê man ngắn ngủi ấy, chàng đã thấy vô số hình ảnh hiện lên trong giấc mơ: Chàng đã thấy mẹ chàng với bàn tay trắng trẻo, thấy đôi vai mảnh khảnh của Sonya, cặp mắt và tiếng cười của Natasa và Denixov với giọng nói và bộ ria mép của anh ta. Thấy Telyanin, thấy lại câu chuyện giữa chàng với Telyanin và Bodanyts. Tất cả câu chuyện này với người lính có cái giọng the thé kia chỉ là một, và cả người lính lẫn câu chuyện kia cứ cùng nhau nắm riết lấy cánh tay chàng làm chàng đau điếng cả người, ra sức lôi cánh tay chàng, đè lên nó và cùng kéo mãi về một phía. Mặc dầu chàng đã cố hết sức giãy giụa để thoát khỏi tay họ nhưng họ không buông vai chàng ra một giây nào, một ly nào. Nếu họ không kéo như vậy thì vai chàng đã không đau và đã khỏi rồi, nhưng chàng không có cách nào xua đuổi họ đi được.

Chàng mở mắt nhìn lên trên. Màn đêm đen kịt kéo xuống chỉ cách ánh sáng đống lửa than không đầy một thước. Trong làn ánh sáng này, những bông tuyết bay lất phất. Tusin không thấy trở lại, viên thầy thuốc không thấy đến. Chàng ngồi một mình, trước mắt chàng bấy giờ chỉ có một người lính trần truồng ngồi bên kia đống lửa đang sưởi cái thân hình gầy gò vàng võ.

“Không ai quan tâm đến ai cả – Roxtov nghĩ thầm. Không ai giúp đỡ ta, không ai thương hại ta cả. Thế mà vừa mới đây thôi ta còn ở nhà, cường tráng, vui vẻ và được mọi người yêu mến”. Chàng thở dài, và hơi thở dài bất giác chuyển thành tiếng rên rỉ.

– Anh đau ở đâu? – Người lính hỏi trong khi đang hơ cái áo sơ mi trên ngọn lửa, rồi không đợi trả lời, anh ta ho một tiếng và nói thêm – Hôm nay họ làm què khối người ra đấy, khiếp thật!

Roxtov không nghe lời người lính nói. Chàng nhìn những bông tuyết bay nhảy trên ngọn lửa và nhớ đến mùa đông ở Nga, với ngôi nhà ấm áp và sáng sủa; chiếc áo da mềm xốp, những chiếc xe trượt tuyết nhanh vun vút, và chàng, thân thể tráng kiện, được cả gia đình hết sức yêu quý và chiều chuộng. Chàng nghĩ thầm: “Thế tại sao lại đến đây?”.

Hôm sau quân Pháp không tấn công nữa, và tàn quân của chi đội Bagration bắt liên lạc được với đại quân của Kutuzov.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.