Đọc truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình – Chương 42: Quyển 2 –
Sau khi đã vượt qua trận tuyến từ cánh phải sang cánh trái, công tước Andrey lên vị trí đơn vị pháo binh đóng ở đấy nơi mà theo lời viên sĩ quan tham mưu có thể nhìn bao quát được khắp chiến trường. Đến đây, chàng xuống ngựa và dừng lại cạnh khẩu pháo cuối cùng trong số bốn khẩu đã tháo ra khỏi xe. Một người pháo binh đứng gác trước súng, thấy có một vị sĩ quan đến liền bồng súng chào, nhưng công tước Andrey ra hiệu bảo nghỉ, và anh ta lại bước đi theo lối bước đều đều, buồn buồn của mình. Đằng sau các khẩu pháo là những cỗ xe kéo pháo, đằng sau nữa có mấy người lính túc trực cưỡi ngựa và những đống lửa của pháo binh.
Bên trái, cách khẩu súng cuối cùng không xa là một cái lều mới dựng lên, từ trong lều vang ra những tiếng nói chuyện rôm rả của các sĩ quan.
Đúng như viên sĩ quan tham mưu đã nói, từ vị trí của đội pháo binh nhìn ra, có thể nhìn thấy hầu hết cách bố trí của quân đội Nga, và một phần lớn vị trí của dịch. Phía trước mặt đội pháo binh, trên ngọn đồi đối diện, làng Songraben in lên nền trời. Ở bên trái và bên phải làng Songraben, trong làn khói của các bếp lửa do họ đốt lên, ở ba chỗ có thể nhận ra những đám quân Pháp. Hẳn là phần lớn các đơn vị ở ngay trong làng và ở đằng sau núi. Bên trái làng, ở trong làn khói, thấp thoáng một cái gì giống như một đội pháo, nhưng nếu chỉ nhìn bằng mắt trần thì không thể nào quan sát cho rõ được. Cánh phải của quân ta bố trí trên một cao điểm khá dốc khống chế vị trí của quân Pháp. Bộ binh của ta được bố trí cao điểm này, và ở phía ngoài cũng có thể trông thấy những đơn vị long kỵ binh. Ở trung tâm, nơi đội pháo binh của Tusin bố trí, và là nơi công tước Andrey đứng quan sát, sườn núi dốc thoai thoải xuống thẳng đến một ngọn suối ngăn cách quân ta với Songraben. Cánh trái quân ta ở sát khóm rừng, nơi có những đám khói bốc lên từ những đống lửa của các đơn vị bộ binh ta đang đẵn củi. Trận tuyến quân Pháp rộng hơn trận tuyến quân ta và rõ ràng là quân Pháp có thể dễ dàng bao vây quân ta từ cả hai phía. Đằng sau các vị trí của quân ta là một cái khe sâu và dốc đứng, kỵ binh và pháo binh rất khó rút lui theo phía đó.
Công tước Andrey chống khuỷu tay lên nòng đại bác lấy ra một quyển sổ tay phác hoạ sơ đồ cách bố trí quân đội để dùng riêng. Ở hai nơi chàng ghi lại những điều nhận xét bằng bút chì, định để báo cáo lại với Bagration. Chàng đề nghị là trước nhất nên tập trung tất cả các pháo binh vào giữa, thứ hai là chuyển kỵ binh lùi về phía bên này khe. Công tước Andrey luôn luôn ở bên cạnh Tổng tư lệnh đã từng chú ý theo dõi sự vận chuyển của một đại quân và những cách bố trí đại thể, chàng lại thường xuyên lo việc miêu tả lịch sử các trận đánh, vì vậy trong trận chiến đấu sắp tới, chàng vô tình chỉ nghĩ đến sự phát triển của chiến sự trên đại thể. Chàng chỉ hình dung ra những khả năng lớn sau đây: “Nếu quân địch tấn công vào cánh phải – chàng tự nhủ – thì lính thủ pháo thành Kiev và khinh binh Podolxki nhất định phải giữ vững trận địa của mình cho đến khi những đội quân dự bị ở trung tâm đến tiếp viện. Trong trường hợp này, đội long kỵ binh(1) có thể đánh vào sườn quân địch và đẩy lùi chúng. Trong trường hợp chúng đánh vào giữa – chàng nghĩ thầm – ta đặt ở trên cao điểm này một pháo đội pháo trung tâm và dưới sự yểm hộ của nó, quân ta sẽ dàn cánh trái ra rồi rút lui dần từng đợt về đến khe núi.
Suốt cả thời gian đứng bên khẩu đại bác của đội pháo binh, chàng vẫn luôn luôn nghe rõ tiếng nói của các sĩ quan ở trong lều, nhưng đúng như ta vẫn thường gặp, chàng chỉ nghe thấy tiếng nói mà không hiểu một chữ nào. Đột nhiên một giọng nói từ trong văng vẳng ra, giọng nghe tha thiết đến nỗi chàng bất giác lắng tai nghe:
– Này cậu – một giọng nói dễ ưa mà công tước Andrey nghe có vẻ quen thuộc đang nói – tôi bảo là giả sử có thể biết được sau khi chết sẽ có cái gì thì thì bọn chúng mình chẳng ai sợ chết cả. Chính thế đấy cậu ạ.
Một giọng khác trẻ hơn ngắt lời:
– Nhưng mà sợ hay không sợ thì cũng thế thôi, chẳng có cách nào tránh khỏi chết.
– Ấy thế mà người ta vẫn cứ sợ đấy! Chà, các nhà thông thái! – một giọng thứ ba ồm ồm ngắt lời hai giọng kia – Con nhà pháo binh các cậu thông thái lắm vì lúc nào cũng có thể mang theo đủ thứ, cả rượu, lẫn thức nhắm.
Và người có cái giọng ồm ồm, hẳn là một sĩ quan bộ binh, cười phá lên.
– Ấy thế mà người ta vẫn cứ sợ – Giọng nói nghe quen thuộc lúc nãy tiếp – Cái gì người ta chưa biết thì người ra sợ, có thế thôi.
– Người ta cứ bảo là linh hồn sẽ lên thiên đường, nhưng chúng ta thừa biết rằng chẳng làm gì có thiên đường mà chỉ có khí quyển thôi. – Cái giọng ồm ồm lại ngắt lời người pháo binh.
– Được! Nếu thế thì cậu rót rượu cỏ thết bọn mình đi, Tusin.
– À đó chính là anh là chàng đại uý không đi ủng trong lều bán hàng ăn lúc nãy – công tước Andrey nghĩ thầm trong khi nhận ra cái giọng nói dễ ưa đang triết lý.
– Rượu cỏ thì cũng có thể được – Tusin nói – Nhưng còn hiểu được đời sống sau này… – anh ta không nói được hết câu.
Ngay lúc ấy, từ trong lều chàng Tusin nhỏ bé nhảy ra trước mọi người, mép còn ngậm tẩu thuốc, khuôn mặt hièn hậu, thông minh của anh hơi tái đi. Tiếp theo sau là người có giọng ồm ồm. Đó là một sĩ quan bộ binh còn trẻ. Hắn ta chạy vội về phía đại đội của mình, vừa chạy vừa cài lại cúc áo.
Chú thích:
(1) Long kỵ binh: Kỵ binh võ trang bằng súng trờng có thể chiến đấu trên mình ngựa cũng như không có ngựa.