Đọc truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình – Chương 317: Quyển 15 –
Piotr, như thói thường vẫn thế, chỉ cảm thấy hết nỗi cơ cực của những cảnh thiếu thốn và cảnh sống tù hãm trong thời gian bị bắt khi những nỗi thiếu thốn và cảnh sống tù hãm ấy đã chấm dứt. Sau khi được giải thoát, chàng về Orel và ở đấy được hai ngày, trong khi đang sửa soạn đi Kiev, thì chàng lăn ra ốm và phải nằm lại ở Orel ba tháng ròng; các bác sĩ nói rằng chàng bị bệnh sốt mệt. Mặc dầu các bác sĩ đã chạy chữa, trích huyết và cho chàng uống đầy đủ các thứ thuốc chàng vẫn cứ khỏi như thường.
Tất cả những việc đã xảy ra từ khi Piotr được giải thoát cho đến khi chàng lâm bệnh đều không để lại một ấn tượng gì trong tâm trí chàng. Chàng chỉ nhớ tiết trời xám xịt, u ám, hết mưa lại tuyết dầm dề, nhớ cái cảm giác day dứt thể xác, cảm giác đau rát ở chân, chàng nhớ lại một ấn tượng chung bao quát những nỗi bất hạnh, những nỗi thống khổ của con người; chàng nhớ lại cái vẻ soi mói đã khiến chàng lo sợ, chàng nhớ lại những khi chàng chạy vạy đi tìm xe và ngựa, và nhất là nhớ lại cái tình trạng mất khả năng tư duy và cảm giác của chàng trong thời gian ấy. Hôm được giải phóng, chàng đã trông thấy xác Petya Roxtov. Cùng ngày hôm ấy chàng được biết rằng sau trận Borodino công tước Andrey còn sống thêm hơn một tháng nữa và mãi gần đây mới chết ở Yaroxlav, trong nhà họ Roxtov. Cũng ngày hôm ấy Denixov, sau khi cho Piotr biết tin này, giữa chừng câu chuyện có nhắc đến cái chết của Elen, Denixov tưởng Piotr đã biết tin này từ lâu. Lúc bấy giờ Piotr chỉ lấy làm lạ về tất cả những việc đó. Chàng cảm thấy mình không thể hiểu được ý nghĩa của những tin tức ấy. Lúc bấy giờ chàng chỉ nóng lòng mong sao chóng thoát khỏi những nơi người ta đang chém giết lẫn nhau, tìm lấy một nơi ẩn náu yên tĩnh để rồi định thần lại, nghỉ ngơi và suy nghĩ về tất cả những điều mới mẻ và kỳ lạ mà chàng đã được biết trong thời gian ấy. Nhưng vừa đến Orel chàng đã lăn ra ốm.
Hồi tỉnh lại sau trận ốm, Piotr thấy bên mình có hai người đầy tớ của chàng là Terenti và Vaxka từ Moskva đến, và công tước tiểu thư Katerina – người chị cả trong ba cô nữ công tước kia ở nhà cha chàng. Thời gian gần đây cô tiểu thư trú ngụ ở Eletx, trong trang viên của Piotr, nghe tin chàng ốm sau khi được giải phóng, cô ta đã lên Orel để săn sóc chàng.
Trong thời gian bình phục, dần dần Piotr mới thoát khỏi những ấn tượng của mấy tháng gần đây đã trở thành quen thuộc đối với chàng, và mãi mới quen được với cái ý nghĩ là ngày mai chẳng còn ai lừa chàng đi đâu cả, chẳng có ai tước mất chiếc gường ngủ ấm áp của chàng, và chắc chắn thế nào cũng có bữa ăn trưa, bữa dùng trà và bữa ăn tối. Nhưng trong một thời gian dài chàng vẫn còn chiêm bao thấy mình sống trong hoàn cảnh tù đày như cũ. Cũng dần dà Piotr mới hiểu được những tin tức chàng được biết sau khi được giải phóng: cái chết của công tước Anđey, cái chết của vợ chàng, sự diệt vong của quân Pháp.
Cái cảm giác vui mừng khi thấy mình tự do – sự tự do toàn vẹn, bất khả xâm phạm, vốn có trong bản chất con người, mà chàng đã nhận thức được ở trạm nghỉ đêm đầu tiên từ Moskva – cảm giác ấy tràn ngập lòng Piotr trong thời gian dưỡng bệnh. Chàng ngạc nhiên nhận thấy sự tự do bên trong ấy, không lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, nay dường như lại được chắp thêm một thứ tự do bên ngoài, như thêm một cái gì thừa thãi, xa hoa.
Chàng sống một mình, trong một thành phố xa lạ, không quen ai. Không ai đòi hỏi gì ở chàng cả; không ai bắt ép chàng đi đâu cả.
Tất cả những gì chàng muốn có đều ở bên cạnh chàng; những ý nghĩ về vợ chàng xưa kia vẫn ám ảnh chàng không ngớt nay không còn nữa, vì nàng cũng không còn nữa.
– Ơ thích thật! Khoái thật! – chàng tự nhủ những khi người nhà đẩy đến cạnh giường chiếc bàn phủ tấm khăn trắng tinh trên có đặt bát xúp thơm phức những chi chàng nằm xuống chiếc gường sạch sẽ êm ái, hay những khi chàng chợt nhớ ra rằng nay vợ chàng và quân Pháp đều không còn nữa – Ồ, thích quá, khoái quá!
Và theo thói quen cũ chàng lại tự hỏi: “Nào, thế rồi sao? Ta sẽ làm gì?” Và lập tức, chàng lại tự trả lời: “Chả sao cả. Ta sẽ sống. Chà thích quá!”
Cái điều trước kia đã day dứt chàng, điều mà chàng đã hoài công tìm kiếm – mục đích của cuộc đời – nay đối với chàng không còn tồn tại nữa. Không phải tình cờ, không phải chỉ trong giờ phút ấy cái mục đích kia mới không tồn tại đối với chàng; chàng cảm thấy cái ấy không làm gì có và không thể nào có được. Và chính cái tình trạng không có mục đích ấy đã đem lại cho chàng cái cảm giác tự do hoan hỉ đã là hạnh phúc của chàng trong thời gian ấy.
Chàng không thể có mục đích, vì bây giờ chàng có niềm tin, – không phải tin vào những quy tắc; những từ ngữ, hay những tư tưởng này nọ, mà tin vào một Thượng đế sinh động, luôn luôn cảm giác được. Trước kia chàng tìm Thượng đế trong những, mục đích mà chàng tự đặt ra cho mình. Việc đi tìm mục đích ấy chẳng qua là đi tìm Thượng đế, và đột nhiên trong thời gian bị cầm tù chàng được biết, không phải bằng những từ ngữ, bằng suy luận, mà bằng cảm giác trực tiếp, cái điều mà u già của chàng đã nói với chàng từ lâu: Thượng đế ở đây ở kia, ở khắp nơi. Trong khi bị cầm tù chàng đã được biết rằng đấng Thượng đế trong Karataiev còn vĩ đại, vô tận và khó hiểu thấu hơn cả đấng kiến trúc sư của vũ trụ mà hội Tam điểm thừa nhận. Chàng có cái cảm giác của một con người chợt thấy mình đang tìm kiếm nằm ngay dưới chân, trong khi mình ra sức vận dụng nhãn lực nhìn thật xa. Suốt đời chàng đã nhìn ở đâu đâu phía trên đầu những người xung quanh, nhưng thật ra việc cần làm không phải là vận dụng nhãn lực, mà chỉ là nhìn thẳng trước mặt mình.
Trước kia, chàng không biết nhìn thấy cái vĩ đại cái không thể hiểu thấu, cái vô cùng, dù là trong vật gì cũng thế. Chàng chỉ cảm thấy rằng chắc nó phải ở đâu đây, và chàng tìm nó. Trong những cái gần gũi, dễ hiểu, chàng chỉ thấy một cái gì hữu hạn, nhỏ nhặt, tầm thường vô nghĩa. Chàng tự vũ trang bằng một chiếc viễn kính tinh thần và nhìn ra xa, nơi mà cái nhỏ nhặt, tầm thường kia mờ đi trong khoảng không mù mịt, rồi tưởng chính đó là cái vĩ đại, là vô cùng chỉ vì mình không trông được rõ. Chàng đã hình dung cuộc sinh hoạt âu châu, chính trị, hội Tam điển, triết học, lòng từ thiện như vậy đấy Nhưng ngay những lúc ấy, những giờ phút mà chàng cho là mình yếu đuối, trí tuệ của chàng đã đi sâu vào cõi xa xăm ấy, và ở đấy chàng vẫn trông thấy những cái nhỏ nhặt, tầm thường vô nghĩa kia. Còn bây giờ thì chàng đã biết được cách nhìn thấy cái vĩ đại cái vĩnh viễn là cái vô cùng trong mọi vật, cho nên lẽ tự nhiên là để thấy nó, để hưởng thụ cái khoái cảm được chiêm ngưỡng nó, chàng đã vứt bỏ chiếc viễn kính mà trước nay chàng vẫn dùng để nhìn qua đầu những con người, và vui mừng ngắm cuộc sống không ngừng thly đổi vĩnh viễn vĩ đại, không sao hiểu thấu và vô cùng vô tận đang diễn ra quanh chàng. Và càng nhìn gần bao nhiêu, chàng lại càng thấy yên tĩnh và sung sướng bấy nhiêu. Cái câu hỏi khủng khiếp trước kia đã làm sụp đổ tất cả những kiến trúc trí tuệ của chàng: “Vì sao?” Bây giờ không còn tồn tại đối với chàng nữa. Bây giờ trong lòng chàng bao giờ cũng có một câu trả lời đơn giản sẵn sàng đáp lại câu hỏi đó: Vì Thượng đế, đấng Thượng đế mà nếu không phải do ý chí của Người thì không có một sợi tóc nào của chúng sinh có thể rơi xuống.