Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 286Quyển 13 -


Đọc truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình – Chương 286: Quyển 13 –

Cũng như tất cả các cụ già, về đêm Kutuzov ngủ rất ít. Ban ngày thì ông hay ngủ gật bất thình lình, nhưng ban đêm thì ông cứ để nguyên áo quần nằm trên giường, thường không ngủ và trầm ngâm suy nghĩ.

Bây giờ cũng vậy, ông đang nằm trên giường, tựa cái đầu to bị thương tật lên bàn tay phốp pháp, chống khuỷu xuống đệm, trầm ngâm suy nghĩ, con mắt độc long mở thao láo vào bóng tối.

Từ khi được thư đi từ lại với hoàng thượng và trở thành người có thế lực nhất trong bộ tham mưu, Benrigxen đã tránh mặt ông ta, và Kutuzov được yên tâm hơn vì bây người ta không bắt quân đội của ông phải tham gia vào những cuộc hành binh tấn công vô ích nữa. Bài học của trận Tarutino và những việc xảy ra ngày hôm trước ông nhớ rất rõ những việc đó như người ta thường nhớ kỹ một kỷ niệm đau đớn – chắc cũng phải tác động đến họ, Kutuzov nghĩ thế.

“Họ phải hiểu rằng quân ta mà tấn công thì chỉ có thể thua thôi. Kiên nhẫn và thời gian: đó là hai chiến sĩ dũng mãnh nhất của ta!” – Kutuzov nghĩ. Ông biết rằng không nên hái quả táo khi nó hãy còn xanh. Nó sẽ rụng xuống khi đã chín, còn nếu hái quả xanh thì chỉ hại quả, hại cây và hại cả mình nữa. Như một người thợ săn giàu kinh nghiệm, Kutuzov biết rằng con thú đã bị thương, và chỉ có toàn lực lượng của dân Nga mới có thể làm cho nó bị thương nặng đến như vậy được, nhưng vết thương có nguy hại đến tính mạng, thì vẫn còn là một vấn đề chưa được sáng tỏ. Bây giờ, cứ suy qua những chuyến đi của Lorixton và Berthelemy -, và những lời báo cáo của quân du kích, Kutuzov đã biết gần chắc rằng nó đã bị tử thương. Nhưng vẫn cần có thêm bằng chứng, vẫn cần phải đợi.

“Họ cứ muốn chạy ra xem xem họ đã đánh nó bí thương như thế nào. Hãy đợi đấy, rồi sẽ thấy. Cứ nói hành quân với tấn công mãi – Kutuzov nghĩ. – Để làm gì? Lúc nào cũng muốn tỏ ra xuất sắc! Làm như đánh nhau là một việc vui vẻ lắm không bằng. Họ chẳng khác những đứa trẻ mà khi có ai muốn hỏi xem sự việc đã xảy ra như thế nào thì cứ nói lung tung không thể nào hiểu được, bây giờ vấn đề không phải ở đấy”.


“Mà bọn họ đề ra những cách hành quân mới tài tình chứ? Họ tưởng đâu nghĩ ra được hai ba trường hợp có thể xảy ra (ông nhớ lại bản kế hoạch tổng quát ở Petersburg) thế là dự tính được hết mọi trường hợp rồi đấy. Mà trường hợp có thể xảy ra thì vô số!”.

Cái vấn đề chưa được giải quyết, là vết thương của con thú ở Borodino có nguy hại đến tính mệnh nó không, đã suốt một tháng ròng treo lơ lửng trên đầu Kutuzov. Một mặt thì quân Pháp đã chiếm Moskva. Mặt khác Kutuzov cảm thấy rõ rằng không còn chút hồ nghi, rằng cái vố kinh khủng mà ông ta đã cùng toàn dân Nga dốc hết sức lực giáng vào đầu nó, tất phải làm cho nó tử thương. Nhưng dù sao cũng phải có những bằng chứng, ông đợi những bằng chứng ấy đã một tháng nay, và thời gian trôi qua thì ông càng sốt ruột. Trong những đêm trường nằm thao thức không ngủ, Kutuzov cũng làm cái việc mà giới tướng tá trẻ tuổi vẫn làm, chính cái việc mà ông thường chê bai họ. Ông cứ nằm nghĩ ra tất cả những trường hợp có thể xảy ra, cũng đúng như bọn trẻ, chỉ khác một điều là là ông không lấy những điều dự tính ấy làm căn cứ để mưu tính việc gì cả, và không phải chỉ nghĩ ra vài ba trường hợp, mà hàng nghìn. Ông càng nghĩ lại càng thấy có thêm nhiều trường hợp. Ông nghĩ ra đủ các cách hành quân của Napoléon – di chuyển toàn quân hay từng bộ phận – hoặc tiến về Petersburg hoặc tiến đánh ông, hoặc đi vòng để vây bọc ông. Kutuzov nghĩ đến cả cái trường hợp mà ông sợ nhất, là Napoléon cũng dùng cái sách lược của chính ông để chống lại ông: ở lại Moskva đợi quân Nga, Kutuzov lại còn nghĩ đến trường hợp Napoléon cho quân lùi về Medyn và Yukhnov, nhưng là cái trường hợp duy nhất mà ông không thể ngờ được là trường hợp đã thực tế xảy ra, cái cuộc hành quân điên rồ, hốt hoảng của quân đội Napoléon trong khoảng mười một ngày đầu kể từ khi rời bỏ Moskva, một cuộc hành quân đã khiến cho cái việc mà hồi đó Kutuzov chưa dám nghĩ tới lại có khả năng trở thành sự thật: tiêu diệt hoàn toàn quân đội Pháp.

Những bản báo cáo của Dorokhov về sư đoàn Bruxie, tin tức của quân đu kích đưa về kể lại những thảm hoạ của quân Napoléon, những tin đồn về việc sửa soạn rời khỏi Moskva – mọi việc đều xác nhận ức thuyết cho rằng quân Pháp đã kiệt quệ và đang sửa soạn chạy dài, nhưng đó chỉ là những ước thuyết, giới thanh niên thì cho là quan trọng, nhưng Kutuzov thì không. Với cái lịch lãm của một ông già sáu mươi, Kutuzov biết rõ cách đánh giá các tin đồn, ông biết rằng khi người ta mong muốn một điều gì, người ta có thể tập hợp các tin tức một cách thế nào cho nó có vẻ xác nhận điều đang muốn, và sẵn sàng bỏ bớt tất cả những điều có thể chứng minh ngược lại. Và càng mong muốn điều gì đó, Kutuzov lại càng ít cho phép mình cả tin rằng nó đang trở thành hiện thực. Vấn đề này đã thu hút hết tinh lực của ông. Tất cả những việc khác đối với ông chỉ là cách thực hiện quen thuộc nếp sinh hoạt thường ngày: những cuộc nói chuyện với các sĩ quan trong bộ tham mưu, những bức thư gửi bà Mne de Stael viết từ Tarutino, đọc tiểu thuyết, ban phát huân chương, thư từ với Petersburg v.v… Nhưng sự diệt vong của quân Pháp, mà chỉ có một mình Kutuzov dự tính trước, là ước vọng tha thiết nhất, ước vọng duy nhất của ông.

Đêm mười một tháng mười ông chống khuỷu tay nằm nghĩ đến điều đó.

Ở phòng bên có tiếng sột soạt và tiếng bước chân của Toll, Konovnitxyn và Bolkhovitinov.

– Ai đấy? Vào, mời vào đi! Có tin gì mới? – vị nguyên soái gọi to.

Trong khi người cán vụ khắp nến, Toll liền kể lại các tin tức.

– Ai đem tin lại? – Kutuzov hỏi, và khi ngọn nến đã thắp lên, vẻ mặt lạnh lùng và nghiêm khắc của ông khiến Toll phải kinh ngạc.


– Thưa Điện hạ, không còn có thể nghi ngờ gì nữa ạ.

– Gọi người ấy vào đây, gọi vào đây.

Kutuzov ngồi buông thõng một chân xuống giường, cái bụng phệ đè lên chân kia đang xếp lại. Ông nheo con mắt độc long lại để nhìn cho rõ người tín sứ dường như muốn đọc trên nét mặt người ấy một lời giải đáp cho những điều đang khiến ông băn khoăn.

– Nói đi, nói đi anh bạn. – Kutuzov nói với Bolkhovitinov với cái giọng trầm của các cụ già, tay cài cúc chiếc áo sơ mi hở ngực. – Lại đây, lại gần đây nào. Anh đem lại cho ta những tin gì thế? Napoléon đã rời Moskva à? Thật chứ? Hả?

Bolkhovitinov thuật lại tỉ mỉ từ đầu tất cả nhưng điều anh ta được lệnh báo cáo.

– Nói nhanh, nói nhanh đi, đừng làm ta suốt ruột, – Kutuzov ngắt lời viên tín sứ.


Bolkhovitinov đã báo cáo xong và lặng thinh đợi lệnh. Toll toan nói, nhưng Kutuzov đã ngắt lời. Ông muốn nói một câu gì.

Nhưng bỗng nhiên mặt ông nhăn lại; ông khoát tay về phía Toll, quay mặt vào góc bàn thờ của gian nhà, nơi có một bức tượng Thánh tối mờ mờ.

– Lạy Chúa, đấng đã sáng tạo ra con! Người đã nghe lời cầu nguyện của chúng con… – Kutuzov chắp tay lại nói, giọng run run. – Nước Nga đã thoát nạn. Xin đội ơn Chúa! – Nói đoạn ông khóc nức nở.

Chú thích:

(1) Mme de Stael (1776 – 1817) nhà văn hoá Pháp có xu hướng tự do bị Napoléon khủng bố phải lánh ra nước ngoài từ 1802, năm 1812 bà ở Nga.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.