Đọc truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình – Chương 26: Quyển 1 –
Chiều hôm sau công tước Andrey lên đường. Sau bữa ăn, cũng như thường lệ, không mảy may thay đổi trật tự thời gian biểu, lão công tước trở về phòng riêng. Công tước phu nhân nhỏ nhắn ở buồng em chồng. Công tước Andrey mặc áo đuôi én đi đường không có tua vai đang soạn hành lý cùng người hầu buồng trong văn phòng dành riêng cho mình. Sau khi tự mình kiểm tra lại xe cộ và cách xếp đặt các va li, chàng cho thắng ngựa. Trong phòng chỉ còn lại những đồ dùng mà chàng thường mang luôn theo mình: một chiếc tráp nhỏ, một cái hộp lớn đựng bộ đồ ăn bằng bạc, hai khẩu súng tay Thổ Nhĩ Kỳ và một thanh kiếm của chàng mang từ Otsakov(1) về làm quà cho chàng. Tất cả các hành lý này đều được công tước xết đặt rất thứ tự, tất cả đều sạch sẽ, mới tinh: áo phủ băng nỉ và buộc dải cẩn thận.
Trong phút ra đi và thay đổi cuộc đời, những ai có thể suy nghĩ về hành động của mình đều thường có những ý nghĩ nghiêm trang;
Đó là lúc người ta kiểm định lại quá khứ và vạch những kế hoạch cho tương lai. Vẻ mặt của công tước Andrey vừa ưu tư vừa dịu dàng. Hai tay chắp sau lưng, chàng đi đi lại lại rất nhanh từ góc phòng này sang góc phòng kia, mắt đăm dăm nhìn phía trước, đầu gật gù có vẻ tư lự. Không biết chàng lo vì phải ra trận hay chàng buồn vì phải xa vợ – có thể là cả hai. Nhưng dù sao thì có lẽ chàng cũng không muốn người ta trông thấy mình đang ở trong tâm trạng ấy nên khi nghe tiếng chân đi ở phòng bên, chàng vội buông tay ra, dừng lại cạnh bàn, làm như đang bận buộc lại tấm vải phủ cái tráp con, với vẻ mặt lạnh lùng, khó hiểu như mọi khi. Đó là những bước đi nặng nề của công tước tiểu thư Maria.
Nàng vừa thở vừa nói (rõ ràng nàng vừa chạy đến đây):
– Em nghe nói anh đã cho thắng ngựa, nhưng em còn muốn nói chuyện riêng thêm với anh một chút. Không biết chúng ta còn phải xa nhau bao nhiêu lâu nữa? Em đường đột vào đây anh không bực mình chứ? Anh đã thay đổi nhiều, anh Andrey ạ. – Nàng nói tiếp, tựa hồ như để giải thích câu hỏi của mình.
Nàng mỉm cười khi gọi anh là “Anđrusa”. Hẳn là nàng lấy làm lạ rằng người đàn ông khôi ngô và nghiêm nghị kia lại chính là cậu Anđrusa gầy gò và tinh nghịch, bạn thuở bé của nàng.
Chàng chỉ đáp lại câu hỏi của em bằng một nụ cười và hỏi lại:
– Liza đâu?
– Chị mệt quá đã ngủ thiếp đi trên đi-văng bên buồng em. À, anh Andrey ạ! Anh có một người vợ thật là quý? Hệt như một cô bé, một cô bé thật ngoan, thật vui. Em thích chị ấy quá.
Công tước Andrey làm thinh, nhưng công tước tiểu thư nhận thấy trên nét mặt chàng vẻ mỉa mai và khinh khỉnh.
– Phải biết lộng lượng đối với những nhược điểm nhỏ nhất của người khác, anh ạ, ai mà chẳng có ít nhiều nhược điểm. Anh Andrey ạ? Anh chớ quên rằng chị ấy được giáo dục và lớn lên trong giới xã giao. Vả lại, tình cảm của chị ấy lúc này không lấy gì làm vui vẻ. Ta phải đặt mình vào cảnh ngộ của người khác. Hiểu thấu hết là tha thứ được hết! Tội nghiệp. Anh hãy nghĩ xem chị ấy vừa qua sống như thế nào mà nay đã phải xa chồng, một mình ở chốn thôn quê, nhất là lại bụng mang dạ chửa. Khổ lắm anh ạ.
Công tước Andrey mỉm cười nhìn em như người ta thường mỉm cười khi nghe những người mà mình tự cho là đã hiểu rất rõ. Chàng nói:
– Em ở thôn quê đấy thôi, nhưng em có thấy lối sống này đáng sợ gì đâu.
– Em là khác. Nói đến em làm gì. Em không thích và không thể thích cách sống nào khác vì em có biết cách sống nào khác đâu. Nhưng anh hãy nghe em mà xem, anh Andrey ạ, đối với một thiếu phụ trẻ trung sống ở thôn quê, trong những năm tươi đẹp nhất của đời mình, sống lẻ loi, cô độc, vì cha thì lúc nào cũng bận, còn em… anh còn lạ gì em… anh biết là em chẳng có tài ứng phó gì để khuây khoả một người đã từng sống trong xã hội lịch sự. Chỉ có cô Burien…
Công tước Andrey ngắt lời:
– Cái cô Burien của em, anh chả ưa tí nào.
– Sao thế? Cô ta là một thiếu nữ rất ngoan, rất tốt và nhất là đáng thương. Cô một thân một mình, không có ai thân thích cả. Nói thật ra không những em không cần gì cô ta mà cô ta lại còn làm cho em thêm vướng nữa. Xưa nay em vẫn thích sống một mình hơn bao giờ hết. Em chỉ thích sống một mình… Cha rất thương cô ấy. Cô ấy và Mikhail Ivanovich là hai người mà cha lúc nào cũng đối đãi tử tế và nhân hậu, vì cả hai đều chịu ơn cha; cũng như lời Stem nói: “Ta thương yêu người khác vì họ chịu ơn ta nhiều hơn là ta chịu ơn họ”. Cô ấy mồ côi, không nhà không cửa, và cha đã đem cô ấy về nuôi. Cô ta rất tốt. Cha thích lối đọc sách của cô ấy; tối nào cô ấy cũng đọc cho cha nghe. Cô ấy đọc rất hay.
Công tước Andrey hỏi đột ngột:
– Này, anh hỏi thật Maria, anh chắc em nhiều khi cũng phải khổ sở vì tính tình của cha phải không?
Câu hỏi thoạt đầu làm cho nàng ngạc nhiên, rồi kế đến nàng lại sợ hãi. Nàng hỏi:
– Em ấy à? Em ấy à?… Em mà khổ sở à?
– Xưa nay tính cha bao giờ cũng nghiêm khắc và anh thấy độ này tính cha lại càng khó chịu. – Rõ ràng công tước Andrey có ý nói đến cha với một giọng khinh nhờn như vậy cốt để làm cho em gái lúng túng hay để thử lòng em.
Công tước tiểu thư thì cứ theo dòng tư tưởng của riêng mình hơn là theo dõi câu chuyện, nàng nói:
– Anh là người tốt về mọi mặt, anh Andrey ạ, nhưng tư tưởng anh có phần kiêu ngạo, và đó là một tội lỗi lớn. Có lẽ nào con cái lại phê phán cả cha mẹ đẻ ra mình? Mà nếu có thể như thế được nữa thì đối với một người cha, anh bảo không tôn kính sao được? Còn em thì rất bằng lòng, rất sung sướng được ở với cha! Em chỉ muốn rằng mọi người cũng đều sung sướng như em.
Công tước lắc đầu ngờ vực.
– Chỉ có một điều, em nói thực với anh, anh Andrey ạ, một điều làm em phiền lòng là cách suy nghĩ của cha về tôn giáo. Em không hiểu sao một người thông minh, uyên bác như thế lại có thể không thấy những điều rõ ràng như ban ngày, và có thể lầm lẫn đến thế. Đó là điều làm em khổ. Nhưng về mặt ấy em cũng nhận thấy độ này cha đã khá hơn trước. Ít lâu nay, những lời chế giễu của cha đã bớt cay độc, cha đã tiếp một tu sĩ và nói chuyện với ông ta rất lâu.
– Thôi cô ạ anh chỉ e rằng ông tu sĩ và cả cô nữa đều chỉ hao hơi tốn sức mà thôi. – Công tước Andrey nói giọng giễu cợt nhưng âu yếm.
– Anh ạ, em chỉ cầu Chúa và mong rằng Chúa nghe lời em. – Sau một phút im lặng, nàng lại rụt rè nói – Anh Andrey, em có một lời thỉnh cầu mong anh thuận cho.
– Gì thế hở em?
– Anh hãy hứa với em là anh sẽ không từ chối. Việc này không làm cho anh phải tốn công sức gì và cũng không có gì không xứng đáng với anh cả. Anh chỉ làm em yên tâm mà thôi. Anh hứa đi, anh Anđrusa. – Nàng vừa nói vừa thò tay vào cái túi con nắm lấy một vật gì, nhưng chưa dám đưa ra, tựa hồ vật nàng nàng nắm chính là mục đích của điều nàng cầu khẩn, nhưng chưa được lời hứa của anh thì nàng không thể rút ra được.
Nàng nhìn anh với đôi mắt rụt rè, van lơn.
– Dù việc ấy có làm anh cho phải khó nhọc nhiều… – Công tước Andrey đáp lại, dường như đoán biết là việc gì rồi.
– Anh muốn nghĩ gì tuỳ anh! Em biết anh chẳng khác gì cha. Anh nghĩ gì tuỳ anh nhưng xin anh hãy vì em mà nhận lời. Anh nhận lời đi, em van anh! Ông nội ta trong trận nào cũng đeo nó cả… – Nàng nói nhưng vẫn không rút tay ra khỏi cái túi, – Vậy anh có hứa với em không?
– Hứa chứ, nhưng mà cái gì thế?
– Andrey, em sẽ cầu phước cho anh với bức tượng thánh này, anh hứa với em là sẽ không bao giờ bỏ nó ra đi cả. Anh hứa đi nào!
– Vâng, nếu nó không nặng hàng chục cân và không kéo cổ anh xệ xuống… Để cho em, vui lòng… – Công tước Andrey nói đoạn lại xệ xuống… Để cho em, vui lòng… – Công tước Andrey nói đoạn lại hối hận ngay vì thấy câu đùa làm cho gương mặt em gái lộ vẻ phiền muộn. Chàng lại nói tiếp – anh rất sung sướng, thật rất sung sướng em ạ!
– Dù anh không muốn Người cũng sẽ cứu vớt anh, sẽ ban phước lành cho anh và đem anh về với Người, vì chỉ Người mới có chân lý và yên tĩnh. – Nàng nói giọng run run vì cảm động, hai tay trịnh trọng cầm một chiếc tượng thánh cũ bằng bạc có khảm hình Chúa Cứu thế mặt đã rỉ đen, hình bầu dục và đeo và một sợi dây chuyền nhỏ cũng bằng bạc chạm rất tinh vi. Nàng làm dấu thánh giá, hôn chiếc ảnh thánh rồi trao cho công tước Andrey.
– Andrey, em xin anh, anh hãy đeo nó vì em…
Đôi mắt nàng to, ánh ra những tia sáng rụt rè và nhân hậu. Đôi mắt rọi sáng cả bộ mặt ốm yếu, gầy gò và làm cho nó đẹp hẳn lên.
Andrey muốn cầm lấy bức tượng, nhưng nàng ngăn lại. Chàng hiểu ý đưa tay làm dấu thánh giá và hôn bức tượng. Vẻ mặt chàng vừa dịu dàng (vì, chàng cảm động) vừa giễu cợt.
– Cảm ơn anh!
Nàng hôn lên trán anh rồi ngồi xuống đi-văng. Cả hai đều im lặng.
– Anh Andrey ạ, em xin nhắc anh là nên nhân từ và độ lượng, như tính anh từ trước đến nay. Không nên xét đoán Liz nghiêm khắc quá. Chị ấy ngoan thế kia, tốt bụng thế kia, mà hiện nay tình cảnh chị ấy rất khổ.
– Maria, anh nhớ rằng anh có thể nói với em là anh trách cứ vợ anh điều gì hay không băng lòng về vợ anh đâu? Tại sao em lại bảo như thế?
Mặt công tước tiểu thư Maria đỏ lên từng đám, và nàng làm thinh, tưởng chừng như cảm thấy mình có tôi.
– Anh chẳng hề nói gì với em cả, nhưng người ta đã nói với em rồi. Việc ấy làm cho anh rất buồn.
Những đám đỏ lại hiện lên trên trán, trên cổ và trên má nàng đậm màu hơn trước. Maria muốn nói nhưng không thốt ra được tiếng nào. Andrey đã đoán đúng: bữa ăn chiều, công tước phu nhân đã khóc và nói rằng nàng linh cảm thấy kỳ ở cữ sẽ khó khăn nên rất sợ; nàng than thân trách phận, phàn nàn về cả chồng lẫn bố chồng.
Ăn xong nàng ngủ thiếp đi. Công tước Andrey thấy thương hại em gái.
– Masa ạ, em nên biết rõ một điều là hiện anh không có gì phải trách vợ anh cả, anh chưa bao giờ trách móc vợ anh và sau này anh cũng không bao giờ trách móc, còn về phần anh thì anh cũng sẽ không phải tự trách mình một điều gì về cách đối xử với vợ, và sau này mãi mãi cũng sẽ như vậy, trong bất cứ trường hợp nào. Nhưng nếu em muốn biết sự thật… em muốn biết là anh có được hạnh phúc không? Không. Vợ anh có được hạnh phúc không? Không. Tại sao? Anh cũng chẳng biết…
Nói đoạn chàng đứng dậy, lại gần em gái và cúi xuống hôn lên trán em. Đôi mắt chàng sáng lên một cách khác thường, thông minh và hiền hậu, nhưng chàng không nhìn Maria mà nhìn qua đầu nàng, và bóng tối của khung cửa để ngỏ.
– Thôi ta lại đằng ấy đi. Hay là em đến một mình, đánh thức chị dậy, anh sẽ đến sau. – Rồi chàng gọi người hầu buồng – Petruska! – Vào đây mang tất cả những cái này đi. Cái này để trên ghế xe, cái kia để bên phải.
Công tước tiểu thư Maria đứng lên và đi ra phía cửa. Nàng dừng lại nói:
– Andrey, nếu anh có lòng tin thì có lẽ anh nên cầu Chúa ban cho anh cái tình yêu mà anh không có được là có thể Chúa sẽ chuẩn theo lời cầu nguyện của anh…
– Phải, có lẽ đúng thế! Đi đi Masa, anh sẽ đến ngay.
Đi đến phòng em, công tước Andrey gặp cô Burien trong dãy hành lang nối liền hai dãy nhà dọc của toà dinh thự. Cô Burien cười rất có duyên, và trong ngày hôm ấy, lần này là lần thứ ba cô đã tình cờ xuất hiện trên đường đi của chàng, ở những chỗ vắng vẻ, lúc nào cũng nở một nụ cười phấn khởi và ngây thơ.
– A! Tôi tưởng công tước đang ở phòng riêng? – Cô vừa nói vừa đỏ mặt và cúi nhìn xuống đất, không hiểu tại sao.
Công tước Andrey nghiêm sắc mặt nhìn cô. Gương mặt chàng bỗng tỏ vẻ tức giận. Chàng không nói gì, cũng không nhìn thẳng vào mặt cô mà chỉ nhìn cái trán và cái đầu tóc cô một cách khinh bỉ làm cho cô gái Pháp đỏ mặt bỏ đi không nói thêm được một lời.
Khi chàng đến gần phòng em gái thì vợ chàng đã dậy, và qua cánh cửa mở chàng nghe tiếng nói nhỏ nhẹ và vui tươi của nàng đang liến thoắng chuyện trò, tưởng chừng như sau một thời gian dài, phải nhịn đói, nàng muốn gỡ lại thời gian đã mất.
– Ấy cô hãy tưởng tượng, bà cụ bá tước phu nhân Zubov(2) đần đội tóc giả uốn xoắn miệng đầy răng giả như muốn thách thức cả năm tháng, không chịu già… Ha ha, ha, Maria ơi!
Lần này đã là lần thứ năm công tước Andrey nghe vợ nói đúng câu ấy cũng với lối cười ấy, với một người khác. Chàng lặng lẽ đi vào Công tước phu nhân hồng hào và hơi đẫy – ngồi trong một chiếc ghế bành, tay đan, miệng nói không ngớt, kể một tràng những chuyện cũ ở Peterburg và lặp lại cả những câu đã nói nhiều lần rồi.
Công tước Andrey đến cạnh vuốt tóc vợ và hỏi nàng đã hết mệt chưa. Nàng trả lời. Rồi lại tiếp tục câu chuyện.
Một chiếc xe mui trần thắng sáu ngựa đang chờ trước thềm.
Đêm mùa thu tối như mực. Cả đến càng xe người xà ích cũng chẳng trông thấy đâu. Trên thềm, người nhà xách đèn lồng đi lại tíu tít.
Tất cả cửa sổ lớn của toà nhà đồ sộ đều thắp đèn sáng trưng. Gia nhân tôi tớ tấp nập trong phòng áo, để tiễn công tước lên đường; những kẻ thân thuộc đều tề tựu trong phòng lớn: Mikhail Ivanovich, cô Burien, công tước tiểu thư Maria và công tước phu nhân nhỏ nhắn. Công tước Andrey được gọi vào phòng làm việc vì lão công tước muốn cha con từ biệt nhau riêng không có ai chứng kiến, những người khác đều phải chờ ở ngoài.
Khi công tước Andrey bước vào phòng làm việc thì lão công tước với cái kính kiểu cổ to tướng không gọng kẹp trên sống mũi, đang ngồi viết ở bàn giấy, mình mặc áo đài ngủ màu trắng. Chỉ khi nào tiếp con trai công tước mới mặc chiếc áo này. Công tước quay lại, hỏi:
– Anh đi ấy à? – Rồi lại tiếp tục viết.
– Con vào chào cha.
Công tước chìa má ra cho con, nói:
– Thế thì hôn cha đi, cảm ơn, cảm ơn!
– Tại sao cha lại cảm ơn con?
– Tại anh không để lần chần, anh không bám lấy váy đàn bà. Nhiệm vụ trước đã. Tốt, tốt. Anh có điều gì dặn lại thì nói đi. Ta có thể vừa nghe vừa viết. – Công tước vừa nói vừa viết, viết nhanh đến nỗi ngòi bút kêu lên xèn xẹt, bắn mực bẩn cả giấy.
– Con muốn nói về việc vợ con. Thật con lấy làm ngượng là đã đem vợ con về đây làm phiền cha.
– Anh tán cái gì đấy? Muốn gì thì cứ nói đi nào.
– Khi nào vợ con ở cữ, xin cha cho gọi một bác sĩ sản khoa ở Moskva về, cho có mặt.
Lão công tước dừng bút, và vẻ như không hiểu con nói gì. Ông nhìn chàng chòng chọc với đôi mắt nghiêm khắc.
Công tước Andrey lúng túng nói tiếp.
– Con cũng biết điều kiện tự nhiên mà không thuận thì chẳng ai có thể cứu giúp gì được. Con cũng công nhận rằng trong một triệu trường hợp, mới có một lần tai nạn, nhưng vợ con, và cả con nữa, đã trót lo nghĩ vẩn vơ như vậy. Nghe thiên hạ họ nói thế này thế nọ, vợ con sinh ra mộng mị rồi đâm hoảng sợ.
Lão công tước vừa viết nốt vừa hừm… hừm… một mình rồi nói:
– Được, ta sẽ làm như thế.
Ông ký một chữ to tướng rồi đột nhiên quay về phía con trai và phá lên cười:
– Thế nào, không tốt, hử?
– Cha bảo cái gì không tốt ạ?
– Vợ anh ấy! – Lão công tước nói vắn tắt, gỉọng như bao hàm nhiều ý nghĩa.
– Con chẳng hiểu sao cả – công tước Andrey nói.
– Chẳng biết làm thế nào được, anh ạ, đàn bà đều thế cả, anh chẳng trốn thoát được đâu. Anh đừng ngại, ta không nói lại với ai đâu; nhưng chính anh cũng biết đấy.
Ông cầm lấy tay con trong bàn tay bé nhỏ xương xẩu của mình, giật giật mấy cái, nhìn thẳng vào mặt con, đôi mắt linh lợi như thấu suốt trong lòng người ta, rồi lại cười, tiếng cười lạnh lùng thường lệ.
Chàng thở dài, như thú nhận rằng cha đã đoán biết hết lòng mình. Ông lão tiếp tục gấp lá thư, bỏ vào phong bì, gắn xi lại; tay cầm lấy cái ấn, phong thư và thỏi xi, xong rồi lại ném xuống, động tác nhanh nhẹn như mọi ngày. Vừa gắn phong bì công tước vừa nói nhát gừng:
– Làm thế nào được? Chị ta đẹp! Cha sẽ liệu mọi thứ cần thiết. Cứ yên tâm.
Andrey im lặng, thấy cha hiểu rõ mình, chàng thấy vừa dễ chịu vừa khó chịu. Ông lão đứng dậy đưa phong thư cho con và lại nói:
– Này, dừng lo ngại gì về vợ cả, cái gì có thể làm được, ta sẽ làm cho cả. Bây giờ thì nghe đây, đưa bức thư này cho Mikhail Ivanovich (3). Cha viết cho ông ta là nên dùng con vào những chỗ ứng đáng và không nên giữ mãi con làm sĩ quan phụ tá: đó là một công việc bần tiện! Nói với ông ta là cha vẫn nhớ và rất mến ông ta. Rồi biên thư cho cha biết ông ta đã biết con như thế nào. Nếu ông ta tốt thì hãy ở lại với ông ta. Con trai Nikolai Andreyevich Bolkonxki không đi hầu hạ ai để được chiếu cố hết. Bây giờ thì lại đây!
Công tước nói rất nhanh đến nỗi không có tiếng nào ông nói hết được một nửa, nhưng Andrey nghe đã quen. Ông ta dắt con trai đến bên bàn giấy, mở cái nắp, rút ngăn kéo lấy ra một cuốn vở dày đặc, nét chữ to, dài và ép sít vào nhau.
– Cha chắc là sẽ chết trước con. Con nên biết đây là những điều cha ghi lại, sau khi chết phải gửi lên hoàng thượng. Còn đây, một ngân phiếu của Địa ốc ngân hàng và một bức thư: đó là giải thưởng cho ai viết lịch sử của Xuvorov, con chuyển cho Viện Hàn lâm. Và đây là ghi chép của cha: cha chết rồi thì lấy mà đọc, nó có thể bổ ích cho con.
Andrey không nói với cha rằng ông còn sống lâu. Chàng biết là không cần nói như vậy, chàng trả lời.
– Con sẽ làm tất cả mọi việc cha dặn.
– Và bây giờ thì chào con! – Công tước đưa tay cho con hôn rồi ôm lấy con và bảo – Con phải nhớ một điều, công tước Andrey con mà tử trận thì người cha của con sẽ rất đau lòng… – công tước bỗng làm thinh rồi đột nhiên nói tiếp như thét lên, tiếng lanh lảnh – nhưng nếu cha được tin con không xứng đáng là con trai Nikolai Bolkonxki thì cha… xấu hổ lắm?
– Đáng lẽ cha không cần dặn dò con điều đó – Công tước Andrey mỉm cười đáp.
Ông lão lặng thinh.
– Con lại xin cha một điều này nữa. – Công tước Andrey nói tiếp – Nếu con chết trận mà vợ con đẻ con trai thì xin cha giữ lấy cháu mà nuôi như con đã thưa với cha hôm qua, để cho nó được lớn lên bên cạnh cha… Con xin cha như thế.
– Chứ đừng để nó cho vợ anh nuôi phỏng? – Lão công tước nói đoạn cười lên mấy tiếng.
Hai bố con lại yên lặng đứng trước mặt nhau. Đôi mắt linh hoạt của ông lão nhìn sâu vào mắt con. Ở phần dưới mặt ông như có một cái gì khẽ rung lên. Bỗng nhiên, lão công tước quát:
– Từ biệt nhau thế là được rồi… Đi đi! Đi… – Công tước vừa mở cửa vừa quát tướng lên, giọng cáu kỉnh.
Trông thấy công tước Andrey bước ra và thoáng thấy bóng lão công tước mặc áo ngủ trắng dài, đầu không đội tóc giả, mắt đeo đôi kính kiểu cổ to tướng, đang quát tháo một cách giận giữ, tiểu thư Maria và công tước phu nhân hốt hoảng hỏi:
– Cái gì thế? Cái gì thế?)
Công tước Andrey thở dài không đáp. Rồi chàng bảo vợ:
– Nào.
Và trong tiếng “Nào” ấy có một giọng mỉa mai lạnh lùng, tựa hồ muốn nói: “Bây giờ muốn làm bộ làm lịch gì thì làm đi cho xong”.
– Anh Andre, đã đi rồi đấy à! – Công tước phu nhân kêu lên, kinh hãi nhìn chồng, mặt tái nhợt.
Andrey ôm lấy vợ. Nàng kêu lên một tiếng rồi ngã ngất đi trên vai chồng.
Chàng thận trọng gỡ ra, nhìn kỹ mặt nàng rồi nhẹ nhàng đặt nàng xuống chiếc ghế bành.
Chàng nói nhỏ với em gái:
– Maria ở lại nhé!
Hai anh em hôn nhau tay nắm lấy tay, rồi chàng bước nhanh ra khỏi phòng.
Công tước phu nhân nằm trên ghế bành. Cô Burien xoa hai thái dương cho nàng. Maria đỡ chị dâu, đôi mắt đẹp đẫm lệ vẫn cứ nhìn mãì phía cánh cửa mà công tước Andrey vừa đi ra, tay làm mãi dấu thánh giá với theo. Từ phòng làm việc vẳng ra những tiếng liên tiếp nghe như những phát súng, cho biết lão công tước đang xỉ mũi một cách cáu kỉnh. Công tước Andrey vừa đi khỏi thì cánh cửa phòng làm việc vụt mở ra và bóng dáng nghiêm nghị của ông lão mặc áo ngủ trắng xuất hiện trong khung cửa.
– Đi rồi à? Thế thì tốt! – Công tước vừa nói vừa đưa mắt cáu kỉnh nhìn phu nhân nhỏ nhắn đang nằm bất tỉnh, lắc đầu có ý khiển trách, rồi đóng cửa đánh sầm một cái.
Chú thích:
(1) Thành phố Thổ Nhĩ Kỳ bị Xuvorov đánh lấy năm 1788.
(2) Trong chữ Zubov có chữ “Zub” là răng
(3) Tên của Kutuzov