Chỉ Cần Em Còn Yêu

Chương 2: Gặp lại người xưa


Đọc truyện Chỉ Cần Em Còn Yêu – Chương 2: Gặp lại người xưa

Xe dừng trước
trường tiểu học đã thấy Seven đứng từ xa vẫy tay rồi chạy như bay vào lòng cô,
sau đó dường như cậu bé thấy người đàn ông đứng sau cô mới lặng lẽ buông tay. Rồi
cậu bé vòng tay lại cúi đầu chào rõ to.

– Cháu chào chú ạ. – Rồi đưa ánh mắt nhìn Viên theo kiểu dò xét từ đầu tới
cuối, tất nhiên cuối cùng cậu bé thốt lên một câu khiên hai người lớn đỏ mặt.

– Chú là bạn trai mới của mẹ cháu ạ… Nhưng… hình như là cũ, cháu từng thấy
chú trong album. – Vừa nói cậu bé vừa khoanh tay suy nghĩ.

– Seven, đây là bạn mẹ, cũng là
hàng xóm cũ của mẹ, con không được nghĩ lung tung. Không ngoan chú sẽ không dẫn
đi ăn bánh ngọt đâu. Nào, nói mẹ nghe, hôm nay con được bao nhiêu điểm môn
toán?

Cô biết đối với cậu bé, phải dời sự chú ý đi
nơi khác nếu không muốn bị hỏi cả ngày về chuyện vừa rồi. Ngày xưa, có một đồng
nghiệp nam đến nhà cô lấy tài liệu, cậu bé không nể mặt cô, liền hỏi đồng nghiệp
ấy có phải ba cậu bé không. Lần ấy cô đã rơi nước mắt, khóc cả nửa ngày, rồi
nói với con ba mất rồi, được cái Seven rất thương mẹ, từ đó về sau không bao giờ
mở miệng nói tới ba nữa.

– Hôm nay… hôm nay… con được 7 điểm toán ạ! – Cúi gằm mặt xuống là tác
phong thường thấy nhất ở Seven mỗi khi làm sai.

– Thế lớp trưởng lớp con được bao nhiêu điểm? – Cô không phải là người
phụ nữ dữ dằn, đánh mắng con chỉ vì những lỗi ấy.

Bạn phải quan tâm con, dạy chúng
theo một cách hiện đại hơn. Sau ngày khai giảng năm học mới, cô dành một buổi
nói chuyện với cô chủ nhiệm. Cô nói với cô chủ nhiệm, Seven nhà cô không có chí
tiến thủ, vì thế hãy xếp cậu ấy ngồi gần lớp trưởng, hãy để một bạn nữ xinh xắn
ngồi phía trước.

– Bạn ấy được 10 điểm, thế là bạn Hoa mới chuyển tới cứ xúm lại hỏi bài
bạn ấy thôi. – Seven vẫn không dám ngẩng đầu lên nhìn cô.

– Thế thì con phải được điểm cao hơn bạn ấy, thì bạn Hoa sẽ hỏi bài con
thôi, đúng không nào? – Lần này thì cậu bé đã ngước mắt lên nhìn cô, mắt sáng
ngời hỏi một câu nghi vấn.

– Có thật là con được điểm cao hơn bạn sẽ chú ý tới con không, nhưng lỡ
con bằng điểm lớp trưởng thì bạn ấy có nói chuyện với con không?

– Tất nhiên là có chứ, Seven của chúng ta đẹp trai thế cơ mà. – Câu nói
này là của Viên.

– Thật không mẹ? – Có lẽ không tin câu trả lời của một người lạ nên quay
lại hỏi mẹ.

– Thật. Mẹ đã bao giờ lừa con chưa?

– Thế hôm nay mình ăn cơm ở nhà nhé, con muốn ăn cơm chiên dương châu.
Nhưng mẹ nấu cơm ai dạy con học bài? – Nói rồi cu cậu nhìn quanh một vòng, rụt
rè chỉ vào người đang đứng gần cô.

– Hay để chú này dạy con nhé, mẹ nấu luôn cơm cho chú ấy ăn đi, coi như
trả công cho chú, được không hả mẹ?

Đợi khi Seven
lon ton chạy đến xe trước, Viên bước lên hỏi cô một câu, cũng là chạm vào nỗi
đau tận xương tủy của cô.


Nói cho Viên biết đứa bé là con ai đi.

Con ai ư, chính

bản thân cô cũng không biết thì làm sao trả lời câu hỏi đó chứ. Chỉ đành lắc đầu
bất lực, lắc đầu mạnh mà thôi. Viên thấy thế cũng không hỏi nữa, đành lên trước
mở cửa xe.

Khi còn ở Hà Nội,
cô ở chung với anh trai và chị dâu, chẳng
phải lo chi phí gì nhiều, cộng với thu nhập nghề diễn giả mấy năm sau đó nên
cũng để dành đủ để mua một căn chung cư nhìn ra sông Sài Gòn. Nói thế thôi chứ
cũng chỉ là ở tầng bốn, cô vốn dĩ là người sợ độ cao nên chẳng dám trèo cao. Nhà
có sẵn đồ ăn trong tủ lạnh, Seven về đến nhà lon ton chạy đi thay đồ rồi kéo
chú Viên mới quen vào phòng, bỏ mặc cô với căn bếp, đúng là dở khóc dở cười. Đang
nấu ăn, Viên bước ra, quan sát khắp nhà sau đó lên tiếng.

– Cậu ở với cu cò nhà cậu à?

– Ừ, mà cậu cứ thử gọi cò trước mặt Khang xem, lại chẳng trợn mắt nhìn cậu
ấy chứ?

– Sao thế, trước đây tớ vẫn gọi thế mà.

– Nói thế nào nhỉ, lớn rồi, thấy xấu hổ. Tết năm kia tớ về, buổi tối nó triệu
tập cả gia đình lại, bắt tớ đọc to câu nói ghi trong tờ lịch.

– Câu gì?

– Đừng nên đặt cho trẻ con một biệt hiệu để lớn lên chúng thấy xấu hổ với
biệt hiệu đó. Lúc đó tớ ôm tờ lịch cười nửa ngày, cu cậu giận tớ đúng nửa
tháng.

– Thế giờ cậu gọi Khang là gì?

– Vẫn là cò thôi, tớ quen rồi, cái tên gọi gần hai mươi năm, sửa thế nào
được? Nhưng cũng đang tập dần đây.

– Giờ chắc cũng sinh viên năm hai nhỉ?

– Năm cuối rồi. Chuẩn bị lại có một nhà Marketing nữa thực hiện giấc mơ dang
dở của tớ đấy.

Sau đó cô lại tiếp tục công việc, còn Viên đứng dựa cửa một lúc lâu mới
lên tiếng.

– Miền Bắc thế nào?

– Thế nào là thế nào, mấy triệu người chen chúc lên một mảnh đất bé xíu,
còn chẳng có chỗ mà thở, mùa đông thì lạnh đến nỗi Seven chẳng dám dậy đi học,
mùa hè thì nóng đến chảy hết cả mỡ.

– …

– Cậu cứ thử ra thì biết, nhưng thật ra cũng có lúc Hà Nội đáng yêu, ví
dụ như đầu thu chẳng hạn, buổi tối trời mát mẻ, nhóc con nhà tớ cứ đòi ra nhà
thờ uống trà chanh, ăn phô mai que, cắn hạt dưa… – Cô vừa nói vừa nở nụ cười,
giống như bao ông bố bà mẹ khác khi nói về con mình.

– Seven cũng biết cắn hạt dưa sao?

– Tất nhiên, ngày bé toàn nhai cả vỏ lẫn hạt, sau đó tớ phải cắn sẵn cho
cậu bé, giờ lớn rồi, việc gì cũng tự làm, bà mẹ này cũng thấy hụt hẫng.

– Sao tớ có cảm giác cậu nuôi dạy một đứa trẻ dễ dàng như ăn một bát cơm
vậy.

Cô nghe thấy thế
liền lườm Viên

– Cậu tưởng nuôi con dễ thế hả, hồi mới chân ướt chân ráo đặt chân ra

đó, anh hai lại chưa mua nhà, tớ vừa
đi làm, về nhà lại phải chăm con, có lúc còn phải làm thêm, giao Seven cho anh
hai, cứ lo đứt ruột, lúc lại không còn tiền mua sữa cho con, … cậu cứ thử chăm
con đi thì thấy, chẳng đơn giản là cứ quẳng đó cho thằng bé tự sinh tự diệt.

– Thế ba mẹ cậu…

– Ngày tớ nói với họ, tớ có thai, hai mẹ con ôm chầm nhau mà khóc, bố chỉ
nói bỏ đi một sinh mạng là cái tội, giữ lại mà nuôi, không nuôi được còn có hai
ông bà già này.

Quay qua thấy cậu
bạn trầm ngâm, cô lại lên tiếng:

– Sao, thấy bố mẹ tớ tuyệt vời không?

– Dĩ nhiên rồi.

– Thôi, vào gọi Seven ra ăn cơm.

***

Sài Gòn sáng đầu
hè.

Hôm nay là ngày
cuối cùng trong năm lớp một của Seven, tờ
mờ sáng cậu bé đã gọi cô dậy đánh răng rửa mặt và mặc đồ đẹp chỉ để lên nhận
thưởng. Nhìn cảnh tượng ấy, cô bỗng nhớ lại mình của năm ấy.

Hai mươi mốt năm đã trôi qua nhưng cô vẫn nhớ
như in hình ảnh cô bé với mái tóc ngố mặc bộ quần xanh áo trắng đã cũ, cầm giấy
khen học sinh khá trên tay. Ngày ấy nhà rất nghèo, lại phải nuôi bốn anh em ăn
học, chắc bố mẹ rất vất vả, vì thế khi cô làm mất cây viết mực đầu tiên trong đời,
mẹ đã phải băn khoăn cả ngày trời mới cắn răng mua cho cô cây viết mới. Thật ra
lỗi cũng chẳng phải ở cô, không hiểu sao một sáng ngủ dậy cắp sách đến trường
cô đã chẳng thấy cây viết đó đâu.

Mấy năm sau, bố
chuyển chiếc giường ở ngoài vào trong, cô bỗng thấy cây viết ấy nằm im dưới
chân giường. Nhưng cô bé của mấy năm sau đã được phép viết viết bi, chẳng cần tới
thứ bút mỗi lần bơm lại dây mực ra áo ấy nữa. Bỗng hiểu sâu sắc đạo lý, cái gì
là của mình, đến cuối cùng cũng sẽ trở về với mình thôi, tuy nhiên không hiểu
sau bao năm, ta có cần tới thứ ấy nữa không. Tình yêu của cô và anh cũng thế,
giờ đây người ngồi bên cạnh cô là một người đàn ông khác, dù chỉ là bạn bè
nhưng ít ra không phải anh.

– Nghĩ gì mà thẫn thờ thế, Seven chuẩn bị nhận giấy khen kìa, đưa máy ảnh
đây anh chụp cho. – Người đàn ông ngồi bên cạnh cô cũng là người ngồi cạnh cô từ
khi Seven bắt đầu học mẫu giáo tới giờ lên tiếng.

– Đây, cầm lấy, anh phải chụp đẹp vào đấy.

– Biết rồi, bà cô già.

– Này, anh nói ai già đấy?

– Ừ, gái hai bảy, chưa chồng, lại xấu xí chẳng phải bà cô già còn gì.

– Này anh nói lại cho em nghe … anh đứng lại.. Trịnh Minh Hoàng, đừng để
em bắt được anh.

Bỗng cô khựng lại,
nhìn về phía bóng người trước mắt, quá bất ngờ làm cô mất khả năng suy nghĩ nên

làm gì tiếp theo, có lẽ người đối diện cũng thế. Vẫn là Seven kéo cô về thực tại.

– Chú Phong, đây là mẹ cháu đấy. Cháu đã nói rồi mà, mẹ cháu rất xinh đẹp.
– Rồi cậu bé lại kéo tay cô.

– Mẹ, đây là chú của bạn Lệ, bạn ấy
còn chuyển đến học sau con nữa. Còn đây là chú Hoàng của mình. – Tất nhiên đó
là người đàn ông vẫn âm thầm nắm tay cậu bé nãy giờ.

Hóa ra là cháu
anh sao, thế con anh đâu, đứa con ấy đáng lẽ cũng phải bằng con cô chứ, hay là
mất rồi, hay là học trường khác. Dù sao đó cũng chẳng phải chuyện cô nên quan
tâm nữa rồi.

– Chào con, cô là mẹ của Kiến Văn, con cũng mới chuyển trường tới sao? -Cô
cũng mỉm cười gật đầu với anh:

– Chào anh.

– Đã lâu không gặp, con em đây ư? Lớn thế này rồi sao? Cha cậu bé đâu?

– Phải, đã lâu không gặp, cha Seven mất rồi. Hôm nào rảnh nói chuyện sau
nhé, giờ em phải đi rồi. – Cứ nghĩ đã chuẩn bị tốt để gặp anh nhưng gặp rồi cô
mới biết mình chưa sẵn sàng.

– Cho anh số điện thoại của em đi. – Anh kéo tay cô lại.

– Họp lớp lần này em sẽ đến, lúc đó nói chuyện với anh sau.

Lớp đại học của cô
vẫn tổ chức gặp mặt đều đặn, từ ngày ra Hà Nội, cô chưa bao giờ tham gia cả.
Nhưng đã quyết định đối mặt thì chẳng có lý do gì cô lại không đi họp lớp cả,
cô cũng rất nhớ mọi người thời ấy.

Thật ra nói thì dễ
nhưng quên một người không phải chỉ cần thời gian là đủ. Những ngày mới rời
thành phố, cô nhớ anh tới da diết, vừa nhớ vừa hận, hận anh bạc tình, hận anh
chạy theo sự giàu có mà vứt bỏ những gì hai người từng có. Sau cô lại nghĩ, nếu
là mình thì có thể mình cũng làm thế, ai chẳng muốn cuộc sống tốt hơn chứ, vì
thế chẳng còn hận nữa, tất nhiên không hận thì tình yêu cũng không còn.

Nhưng đợi cô hiểu
ra điều đó con trai cô đã lên lớp một rồi.
Cô đã từng nghe đâu đó một câu nói thế này: “Tương lai rồi cũng sẽ trở
thành hiện tại. Hiện tại rồi cũng sẽ trở thành quá khứ. Chỉ có quá khứ là không
bao giờ thay đổi… Vậy nên muốn thay đổi quá khứ chỉ có thể thay đổi từ hiện tại.
Đừng để một lúc nào đấy, tự thấy tiếc nuối vì quá khứ. Bởi vì, sai lầm không phải
ở quá khứ… mà nó bắt đầu từ hiện tại”. Thế nhưng lúc ấy còn quá trẻ để hiểu
ra đạo lý ấy, bởi bây giờ mới có hai chữ hối hận. Nếu lúc ấy… lúc ấy… thì
bây giờ cô sẽ ra sao, có thấy nuối tiếc như bây giờ không?

– Mẹ, nhà bà ngoại có KFC không, có rạp chiếu phim không, cậu
út có về chơi với con không?

– Có chứ, cậu út về với Seven, nhưng nhà bà ngoại không có
KFC thế nên con không thể ăn gà rán, nhưng sẽ có những món khác. Con muốn ăn có
thể nói với bà ngoại hoặc dì út. – Xe đang chạy trên đường, còn cô thì mới hoàn
hồn sau khi nhớ về một thời đã qua.

– Con chỉ nói với bà ngoại thôi, dì út nấu ăn dở lắm. – Seven
vừa nói vừa làm bộ chu môi ra.

– Này, khi nào chú gặp dì út sẽ mét dì út đấy, sợ không nào?
Xe dừng lại trước cửa sở thú, lúc này Hoàng cũng lên tiếng chọc ghẹo cậu bé nhà
cô.

– Con ứ sợ đâu, dì út chỉ ở trên nhà không xuống đây đâu, chú
không gặp được đâu. Nhưng mà con muốn đi xem khỉ trước. – Nói rồi lon ton chạy
vào trước khi cô chưa kịp mua vé.

Lần đầu đến Thảo cầm
viên nên cậu bé vô cùng hào hứng, dẫn tay Hoàng lon ton chạy hết chỗ này đến chỗ
khác, cô bỗng thấy hổ thẹn vì lâu nay mình bận rộn không có thời gian dẫn nhóc
con đi chơi. Đến quá trưa, chơi đã nên Seven vừa mệt vừa đói, níu tay cô đòi đi
ăn cơm, uống nước, cô bỗng bật cười vì tính vô lo, vô nghĩ của trẻ con.

Anh đứng sau nhìn
cô nắm tay con trai trìu mến đi vào quán cơm, bỗng nhớ tới lần đầu gặp Kiều

Lam, hôm ấy hình như là đầu thu, trời Hà Nội khá mát, phòng Marketing công ty
anh đứng ra tổ chức một buổi tọa đàm giữa một nhà diễn giả nổi tiếng với sinh
viên.

Cũng thật không
may cho anh, hôm ấy nhà diễn giả trên đường đến nơi gặp tai nạn giao thông
không thể đến, anh lo đến mức nhào vào sau hội trường tìm hướng giải quyết. Bỗng
anh giám đốc Marketing chỉ vào một cô gái mặc chiếc váy màu lam dài đến đầu gối,
tóc búi củ tỏi, đang nghe điện thoại.

– Hay là em đi, Kiều Lam. – Suy nghĩ đầu tiên trong anh là một
cái tên rất êm tai, một khuôn mặt dịu dàng như lá mùa thu, sau này anh biết được
cô sinh ra vào mùa thu, mùa lãng mạn nhất trong
năm, cũng từ đó chẳng hiểu sao anh yêu mùa thu lạ lùng.

– Em sao? Em đi đâu cơ? – Cô ngơ ngác hỏi lại giám đốc.

– Làm nhà diễn thuyết tạm thời đi, khả năng ăn nói của em rất
được, lên đó cứ nói là ông Thái Bình bị tai nạn không đến được, em là học trò của
ông ấy, thay mặt ông ấy nói chuyện với sinh viên.

Cô gái chưa kịp phản đối đã bị mọi người đẩy lên sân khấu.

Đó là lần đầu tiên
anh có kiên nhẫn ngồi nghe những chia sẻ của một cô gái về tình yêu, cuộc sống,
và về cả cách sống, cô đã thẳng thắn thừa nhận mình là bà mẹ đơn thân. Anh bỗng
thấy khâm phục cô, một cô gái mỏng manh gió thổi có thể bay bất cứ lúc nào
nhưng lại có can đảm đối chọi với mọi lời ong tiếng ve của xã hội. Đó cũng là
nhân duyên đưa cô đến với con đường diễn thuyết.

Đi chơi cả một
ngày dài, chiều chiều anh chở mẹ con cô về nhà, xe vừa tắt máy đã nghe tiếng
khóc nức nở của một cô gái trẻ, xen lẫn tiếng dỗ dành của một chàng trai đại loại
như anh chỉ về nhà có một tháng, khóc gì chứ… Tiếng nấc nở là của Ngọc Thư, bạn
gái cậu út nhà cô. Seven lon ton chạy vào nhà nắm tay Thư, nói với giọng ông cụ
non:

– Cậu lại làm mợ út khóc rồi à, cậu hư quá, mợ út đừng chơi với
cậu nữa. Chơi với con đi.

-…

-…

-…

Tất cả mọi người đều
im lặng không biết nói gì, làm thế nào để cậu bé sáu tuổi hiểu tình huống đang
xảy ra chứ.

Vẫn là anh kéo
Seven lại và giảng giải cho cậu bé.

– Seven, chú hỏi con nhé, con sắp về quê nghỉ hè, thế xa mẹ
Seven có nhớ không, có khóc không?

– Nhớ chứ, nhớ cả chú nữa, nhưng Seven không khóc, sao mợ út
lại phải khóc chứ, mợ xấu xí quá, lớn mà còn khóc, mợ phải can đảm như con chứ,
mẹ nói đàn ông và người lớn thì không rơi nước mắt vì chuyện bé xíu mà.

Cậu út nghĩ, đừng
nói nó là cháu tôi nhé.

Cô nghĩ, đừng nói
nó là con tôi nhé.

Mợ
út nghĩ, đừng nói nó quen tôi nhé.

Anh
nghĩ, thế chứ, sắp làm con trai bố được rồi đấy.

Tối đến cô xếp đồ vào vali cho Seven, còn cậu bé chơi xếp hình với anh
ngoài phòng khách, thật ra có ai muốn xa con chứ, chỉ vì xưa nay cậu bé về ngoại
không nhiều, mỗi lần chỉ khoảng mười ngày, thường thì vào dịp tết. Nhưng tháng
sau cô thật sự rất bận, chi nhánh Đà Nẵng khai trương, cô lại có lịch nói chuyện
với người khuyết tật ở Nha Trang. Vì thế cậu út phải tháp tùng cháu đi đi về về.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.