Bạn đang đọc Chân Long Kiếm – Chương 7: Chuyện cũ
Một tên lính mở miệng hỏi:
– Tướng quân, thuộc hạ nghe ngài nói vậy, xem ra sư phụ ngài quả là một cao nhân trăm năm khó tìm.
Nghe tên thuộc hạ khen sư phụ mình, Từ Phong càng thêm sướng trong bụng, mặt vênh lên tự đắc, y cười đáp:
– Còn phải nói, sư phụ ta là bậc kỳ tài hiếm có trên đời. Bản lĩnh của người kẻ phàm tục đâu thể hình dung ra được, có thể nói là rồng trong loài người… Được làm đệ tử của người là may mắn của đời ta, nếu không nhờ ông ấy, ta sao có được như ngày hôm nay.
Hai mắt gã kia sáng rực, hỏi thêm một câu:
– Tướng quân, đại danh quý tánh của sư phụ tướng quân là gì vậy, thuộc hạ rất mong có cơ hội được đến bái phỏng.
Từ Phong vặn lại:
– Ta nói tên ông ấy ra liệu ngươi có biết không?
– Dù không biết thuộc hạ vẫn cố gắng tìm cho bằng được.
Gã thuộc hạ cười khan để lấp đi sự xấu hổ. Từ Phong gật gù vẻ hài lòng:
– Tốt! Có tinh thần như vậy là tốt! Sư phụ ta tên Địch Cối, cư ngụ ở Đại Tuyết Sơn.
Cả đám lính ồ lên kinh ngạc, danh tiếng Đại Tuyết Sơn vang khắp “Trung Nguyên”, sư phụ của Từ Phong ở đấy thì hai chữ cao nhân thật chẳng ngoa. Còn Phùng Sĩ Chu ngồi phòng bên thì thiếu chút nữa bật cười lớn. Nãy giờ nghe tên Từ Phong ca ngợi sư phụ y đến tận mây xanh, ông cứ tưởng ông ta là bậc thần thánh phương nào, hóa ra lại là tên phản đồ của Hoàng Liên tông bị đánh đuổi bốn mươi năm về trước.
Năm đó không hiểu vì sao Địch Cối sang Đại Việt xin vào làm đệ tử của Hoàng Liên tông. Tông chủ của Hoàng Liên tông bấy giờ thấy y là nhân tài, lại không ngại y là ngoại tộc, đồng ý thu nhận làm đệ tử tông phái, còn tận tình truyền thụ võ công cho.
Ban đầu Địch Cối tỏ ra là một đệ tử chăm chỉ, hiếu học, rất có năng khiếu về võ công. Y thường xuyên nhờ các sư huynh đệ khác giải đáp thắc mắc trong lúc luyện công, cũng như tìm hiểu về các truyền thuyết của Đại Việt, các đệ tử trong tông phái đều quý mến y. Về sau y lại làm ra chuyện không thể tha thứ, phản lại sư môn khiến cho ai nấy đều vô cùng tức giận, hận y thấu xương.
Chuyện này kinh động đến cả thiên hạ, tông chủ chưa kịp ra tay trừng phạt thì đại đệ tử của Hoàng Liên tông đã giao đấu một trận với Địch Cối, đánh cho y thất bại thảm hại. Đáng tiếc cuối cùng lại để cho y trốn thoát về nước, về sau thì không một ai biết số phận y ra sao.
Đến bây giờ thì Phùng lão mới biết y đến Đại Tuyết Sơn khai tông lập phái, mà cũng chỉ có y mới tạo ra một đệ tử như Từ Phong. Mấy kẻ hậu sinh chẳng biết thực hư thế nào nên cứ tung hô y lên làm thần làm thánh. Đám lính kia cũng như vậy, chỉ có một tên ngay từ đầu đã không tin truyền thuyết, gã nói một cách thận trọng:
– Tướng quân, những chuyện ngài vừa kể tuy rất hay nhưng truyền thuyết dù sao vẫn chỉ là truyền thuyết, thuộc hạ vẫn không tin hai món thần khí đó thực sự tồn tại, Hoàng thượng thông minh tài giỏi, chắc Ngài không tin đâu.
Từ Phong gật đầu đáp:
– Ngươi nói đúng, ban đầu khi sư phụ kể, ta không tin, Hoàng thượng cũng không tin, nhưng sau đó Lưu quốc sư khẳng định là chúng có thật nên Hoàng thượng mới phái ta đi truy tìm chúng.
Lại thêm một tiếng ồ kinh ngạc, đám lính bàn tán xôn xao, danh tiếng Lưu Bá Ôn khỏi phải bàn, liệu sự như thần, ông ta đã nói có thì triều đình nhà Minh không ai nghĩ là không có. Phùng lão đã hiểu đầu đuôi mọi chuyện, tất cả đều từ Lưu Bá Ôn mà ra.
Tên lính khác hỏi:
– Tướng quân, theo như truyền thuyết thì hai món thần khí kia đều đã mất tích, vậy chúng ta biết đi đâu tìm bây giờ? Lưu quốc sư chỉ dẫn ra sao?
Từ Phong thở dài, giọng tiếc nuối:
– Cái này thì đến tận lúc mất, Lưu quốc sư vẫn không biết, nhưng theo truyền thuyết của dân Việt thì thanh thần kiếm biến mất ở vùng đất phía nam Đại Việt, còn bộ giáp thì chẳng rõ tung tích, nên chúng ta sẽ đi tìm thanh Chân Long Kiếm trước.
– Vì thế mà tướng quân quyết định đi xuống phía nam?
– Đúng vậy. Mà cũng đến giờ nghỉ ngơi rồi, tất cả các ngươi mau đi ngủ để mai còn lên đường.
Mấy tên lính đồng thanh hô:
– Vâng thưa tướng quân.
Phùng Sĩ Chu biết hai thứ báu vật kia hoàn toàn có thật, chỉ là chúng đang bị thất lạc ở đâu đó mà thôi, ông nghĩ thầm: “Không thể để thần khí lọt vào tay vua Ngô được, giết hết bọn lính này cũng không ổn, có lẽ ta nên ngầm theo dõi, nếu bọn chúng tìm thấy trước thì cứ để cho chúng lấy, sau đó âm thầm đoạt lại.”
Ban đầu ông tính dừng chân ở kinh thành vài ngày để hai sư huynh đệ tâm sự, nhưng khi nghe xong cuộc nói chuyện của đám lính Ngô kia, ông bỏ ý định ban đầu. Dù sao sư đệ ông quá cố chấp, có khuyên bảo thêm nữa cũng chỉ vô ích, chi bằng bám theo bọn lính Ngô, quyết không thể để cho bảo vật của đất nước rơi vào tay chúng. Sau khi suy tính cẩn thận mọi thứ, ông nhắm mắt dưỡng thần, lấy sức khoẻ để mai đi.
…
Trên đỉnh núi thấp thoáng hai bóng người xẹt qua xẹt lại, xen lẫn vào là những tiếng binh khí đụng nhau liên hồi. Một cuộc giao chiến tay đôi. Cả hai đều đã là những ông lão ngoài sáu chục tuổi.
Không biết họ đi lên bằng cách nào, chỉ thấy một bên là vách núi cheo leo, hiểm trở vô cùng, một bên là vực sâu thăm thẳm, nhìn không thấy đáy, chỉ cần sẩy chân một cái là thịt nát xương tan. Ấy thế mà hai ông lão đứng ngay lưng chừng núi, chân đạp trên con đường nhỏ rộng chưa đầy một thước, thi triển tuyệt học bình sinh, quyết đấu với nhau. Đây rõ ràng chẳng phải là cuộc tỷ thí bình thường nữa mà là một trận chiến sống còn. Vô số vết kiếm hằn sâu trên vách đá. Mỗi một chiêu của người này đánh ra đều nhằm vào chỗ yếu hại của đối phương mà chém mà đâm. Bỗng người bên trái quát lớn:
– Ngươi giỏi lắm, ngươi là kẻ đầu tiên khiến ta phải tung ra chiêu thức cuối này, tiếp chiêu…
Nói rồi ông ta phóng kiếm đâm tới. Bóng kiếm tỏa ra trùng trùng điệp điệp, bao phủ bốn phương tám hướng, hoàn toàn không có một sơ hở nào.
Người kia thấy chiêu kiếm đối phương cực kỳ lợi hại, vội vàng tụ kình chống đỡ. Đột nhiên hai mắt ông trợn trừng, lộ vẻ sợ hãi, thế kiếm của ông đã bị phá vỡ tan nát, kiếm của kẻ địch đâm thẳng tới như sấm vang chớp giật.
Lưỡi kiếm khi vừa gần tới ngực thì thân hình ông ta đột nhiên tan biến như làn khói, rồi tất cả mọi thứ cũng biến mất theo…
Phùng lão đột ngột mở mắt, thở hắt ra. Thì ra trận giao đấu vừa nãy nằm trong suy nghĩ của ông, kẻ thù cũng là kẻ thù trong suy nghĩ, khi ông đang luyện công thì đã tưởng tượng ra điều này.
Nhưng nó hoàn toàn có thật, nó đã xảy ra từ mấy chục năm về trước, người bị kiếm đâm chính là ông, kẻ thù là đại ma đầu Trọng Kiệt. Y dựa vào kiếm pháp xuất quỷ nhập thần của mình hoành hành bá đạo, không chừa một tội ác nào. Thấy hắn làm hại vô số người vô tội, ông bừng bừng lửa giận tìm y khiêu chiến.
Trận đấu hung hiểm nhất đời Phùng lão. Ông buộc phải dùng tuyệt kỹ lợi hại nhất – Tru Hồn Kiếm, nhưng tiếc rằng vẫn phải nhận thất bại về mình. Ông bị đánh bay từ trên núi xuống, nghĩ rằng bản thân chắc chắn sẽ mất mạng thì may sao trong khi rơi thì có cao thủ vọt ra cứu ông, chính là Viên Ngộ đại sư.
Ông không chết nhưng thất bại khiến ông mất đi hùng tâm tráng chí. Sau đó ông làm theo lời dặn của sư phụ, quyết định thoái lui khỏi chính trị lẫn giang hồ, chỉ chuyên tâm vào việc nghiên cứu hoàn thiện Tru Hồn Kiếm nhằm phá giải kiếm pháp của tên đại ma đầu kia.
Khi khám phá được cách hóa giải rồi, ông quay lại tìm, tiếc rằng tới nơi thì hay tin y đã chết từ lâu, chết bởi chưởng pháp của sư đệ ông. Thì ra Trần Thì Kiến nghe tin Phùng lão thua trận, lại lâu quá mà chẳng thấy ông trở về thì cho rằng tên ma đầu giết ông, bèn kiếm hắn trả thù. Trọng Kiệt vốn dĩ đã trọng thương trước, kế tiếp hứng chịu thêm chưởng lực hùng mạnh, tất nhiên không thể thoát khỏi cái chết bi thảm.
Từ đó Phùng lão càng xa lánh thế tục, ông đi khắp nơi, nay đây mai đó. Nhưng mà, nỗi đau thất bại thì mãi khắc sâu trong đầu, nó luôn ám ảnh ông bấy lâu, muốn quên không được, chính vì thế, mỗi lần luyện công khung cảnh nọ luôn luôn xuất hiện. Sáng sớm nay cũng không phải ngoại lệ.
“Cạch!” Tiếng động mở cửa ở phòng bên kéo ông ra khỏi dòng suy tư, bọn lính Ngô sửa soạn chuẩn bị lên đường.
Phùng lão đợi bọn chúng đi được một quãng đường xa mới xuống trả phòng và bám theo.
Sau khi Phùng lão rời đi khoảng một canh giờ, một thanh niên chừng mười chín hai mươi tuổi tìm đến quán trọ. Anh ta hỏi ông chủ:
– Ông chủ, tôi muốn tìm một ông lão đang trọ ở đây, ông ấy thường mặc bộ đồ màu trắng.
Ông chủ ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp:
– Có phải ông lão râu tóc bạc trắng như bụt phải không?
Ông lão đó được tả khá giống với Phùng lão, hình như là đúng rồi. Vẻ ngoài của ông ấy khá nổi bật nên chủ quán trọ nhớ rất kỹ. Chàng thanh niên gật gật đầu:
– Đúng rồi, chính là ông ấy đấy, tôi có việc rất quan trọng cần gặp ông ấy, xin hỏi bác ông ấy ở phòng nào?
Ông chủ quán trọ tặc lưỡi nói:
– Thật tiếc quá, cậu đến trễ quá, ông ấy đã trả phòng và rời đi cách đây khoảng hai canh giờ rồi.
Anh kia thở dài chán nản:
– Thật sao? Giờ này có lẽ ông ấy đi xa lắm rồi…. Ôi, không tốt rồi!
– Sao thế, cậu gặp chuyện xấu à?
– À à, không có gì cả đâu, cám ơn bác đã quan tâm. Thôi, cháu không làm phiền bác nữa, cháu đi.
Chàng thanh niên không tìm được người thì tạm biệt ông chủ quán trọ và rời đi. Anh ta là ai và đến gặp Phùng lão có mục đích gì?
——————————-
Hiện tại đám lính Ngô đang đi theo hướng Đông Nam. Trong một canh giờ, chúng đã đi được ba mươi mấy dặm. Phùng Sĩ Chu vẫn không nhanh không chậm, duy trì khoảng cách nhất định với bọn chúng nên không kẻ nào biết ông ở phía sau. Mà khinh công của ông nhanh hơn cả tuấn mã, nhẹ nhàng như cơn gió, cho dù ông đi gần sát, chúng cũng chằng thể nào nhận ra, theo dõi chúng, chi bằng cứ nói dạo chơi nghe hay hơn.
Toán lính đi được nửa canh giờ nữa thì một tên lính lên tiếng:
– Tướng quân, cho bọn thuộc hạ nghỉ ngơi chút, chúng ta đã đi được một lúc lâu rồi.
Từ Phong ngoảnh lại quát:
– Các ngươi là lính mà đi chưa bao lâu đã than mệt rồi.
Gã thuộc hạ nói tiếp:
– Tướng quân, bọn thuộc hạ không mệt nhưng mấy con ngựa này chỉ là ngựa thường, chúng mệt lắm rồi.
Từ Phong liếc mắt nhìn mấy con ngựa. Đúng là chúng rất mệt mỏi, hắn hừ một tiếng và nói:
– Đi thêm một đoạn nữa, tới dưới chân núi kia hãy nghỉ, nếu các ngươi còn chậm chạp, trời mà mưa thì chạy không kịp đâu.
“Trời đang nắng thế này lấy đâu ra mưa chứ.” Mấy tên lính quay sang nhìn nhau, trong lòng có ý bất mãn nhưng nào dám lộ ra, vâng lệnh đi theo gã.
Hình như tên Từ Phong làm nhiều việc xấu, bị trời ghét hay sao đó, sau khi hắn dứt lời không bao lâu thì gió bắt đầu thổi mạnh từng cơn ù ù, làm hai mắt cay xè; trời mù mịt che hết tất cả ánh nắng, mây đen bắt đầu xuất hiện từng mảng lớn, ánh chớp ẩn hiện sau đám mây.
– Trời mưa thật sao! Không xong, chạy mau!
Cả đám lính trở nên rối loạn, lúc nãy thì đòi nghỉ ngơi, giờ thì chả cần Từ Phong ra lệnh, tên nào tên nấy giục ngựa ầm ĩ, đua nhau chạy nhanh tới cánh rừng phía trước.
Phùng lão ngẩng đầu lên nhìn trời, từng đám mây đen đều bay theo hướng bắc, tập trung ngay trên thành Thăng Long, sấm nổ đùng đoàng, báo hiệu một trận mưa giông. Ông bèn tìm một nơi để nấp. Ông nhìn sang đám lính Ngô, chúng đang co cụm dưới một cây đại thụ, tán xoè ra rất rộng.