Chai Thời Gian

Chương 8


Đọc truyện Chai Thời Gian – Chương 8

Tôi vẫn nhớ ngôi nhà cũ bên sông. Đó là một ngôi nhà gỗ hai tầng sơn màu lục sẫm, mái ngói bằng, ba chái. Một dải họa tiết được đục theo đường viền mái, và khi ánh mặt trời chiếu qua các họa tiết, nó tạo thành những bóng nắng nghiêng nghiêng trên giường hay sàn nhà. Mái nhà được lợp những viên ngói kiểu cũ. Hai anh em tôi thích nhặt những mảnh ngói vỡ liệng xuống sông. Nếu vẩy cổ tay chuẩn xác, mảnh ngói sẽ chỉ chạm sượt qua mặt nước rồi lại nẩy thêm một đoạn khá xa.

Sàn nhà lát những tấm gỗ lớn, được mẹ lau chùi nhiều nên láng bóng. Thỉnh thoảng, mẹ mua dầu hỏa về rồi bảo tôi và Ning thoa khắp sàn. Như thế sàn không chỉ bóng lộn mà còn trừ được những con côn trùng nhỏ sống trong các khe gỗ.

Còn một thứ nữa tôi vẫn còn nhớ rất rõ là những bậc thang, chúng cao tới nỗi tôi với Ning phải trèo từng bậc một, và đã có lần Ning bị ngã lộn cổ từ trên cầu thang xuống, phải băng đầu mấy ngày liền.

Sau nhà có một con mương nhỏ nông choèn. Mấy con cá lon mây với đôi mắt lồi và bộ vây ngắn vẫy vùng trong bùn lầy bên bờ. Vào mùa mưa, những con thuyền nhỏ có thể chèo qua đó. Thỉnh thoảng cũng có cả thuyền bán than hay nước mắm. Những lúc ấy, bùn từ dưới đáy sủi lên trên mặt nước, làm cả con mương đen sì bốc mùi nồng nặc.

Tôi và Ning thích nhất là dùng vợt cá có tay cầm dài để chụp cá nhái. Anh em tôi chỉ bắt mấy con to đuôi đỏ, cho vào bát rồi ngắm nhìn chúng lanh lẹ bơi vòng quanh, nhưng chẳng được mấy chốc thì chúng lao đầu như điên vào thành bát cho đến khi miệng nứt toác ra. Chẳng ai biết tại sao chúng lại làm thế. Có thể cố tìm đường thoát, hoặc cố chống cự, hoặc chúng đang phát điên lên vì bị giam hãm trong một cái bát chật chội.

Có đôi lần tôi thấy con songkrarn. Đó là những con giun đỏ nom giống sợi chỉ bò thành từng bầy như những đoàn thương lái dọc theo dòng nước vào mùa khô. Thoạt nhìn trông chúng giống con rắn, hoặc những con trăn huyền bí trong một câu chuyện cổ. Nếu ta ném thứ gì đó vào chúng, chúng lập tức tán loạn như ong vỡ tổ, nhưng ngay sau đó nhanh chóng tụ lại tiếp tục cuộc hành trình bất tận.


Có một loài gắn liền với căn nhà, đó là thằn lằn. Tôi chưa bào giờ đếm xem có bao nhiêu con, nhưng tôi biết là rất nhiều, con sau to hơn con trước, và tất cả đều xấu xí, đáng sợ không thể tả nổi. Chắc chúng dọn tới đây từ lúc nhà mới xây. Ban đêm chúng lần mần bò khắp quanh tường và trên trần nhà, ban ngày thì nấp sau các cột và cửa sổ. Chỉ một cái vẫy đuôi hay tiếng kêu rùng rợn của chúng đã đủ làm hai anh em tôi run bắn lên vì sợ và gặp ác mộng.

Bởi bọn thằn lằn là những tên phản diện hung ác nên người hùng của chúng tôi, hoặc có thể gọi nhà vô địch của chúng tôi thời ấy, là Già Jan. Già Jan chèo thuyền kiếm sống. Già quấn một cái xà rông cũ quanh hông và vắt chiếc khăn ca rô qua vai hoặc buộc quanh đầu khi chèo thuyền. Tôi chưa bao giờ thấy Già mặc áo. Nhưng những hình xăm đủ kiểu trên bộ ngực răn reo và đôi bắp tay đã nhão khiến Già trông thật cổ xưa. Khi không có khách, Già Jan thường neo thuyền ngồi nghỉ trên căn chòi bên bến đỗ. Có lúc Già uống rượu gạo và nhấm quả me, có lúc Già lơ đãng nhìn dòng nước, lúc khác lại ngêu ngao những khúc dân ca về tình yêu và mất mát.

Già Jan không đi đâu mà thiếu cây ba toong bịt thiếc của mình. Người ta kể rằng thời trai trẻ Già đã đập vỡ đầu không biết bao nhiêu kẻ, nhưng mà vào thời điểm mà tôi đang nhớ tới thì Già chỉ dùng nó để bước cho vững những lúc say túy lúy, dọa đám chó sủa dọc đường và, quan trọng nhất, Già thường dùng nó làm vũ khí diệt lũ thằn lằn.

Già Jan rất thân với bố. Già hay qua chuyện phiếm với bố và ra về cùng những con thằn lằn xấu số. Phương thức mà Già sử dụng để kết liễu lũ thằn lằn khiến bọn trẻ chúng tôi vô cùng hứng thú. Mỗi khi tia thấy con nào, Già liền gắn mẩu thuốc lá lên đầu cán phất trần và chọc con thằn lằn cho tới lúc nó điên tiết quay lại ngoạm mẩu thuốc. Một khắc sau, con vật say lử đử không còn bám nổi vào trần, rơi bịch xuống sàn. Đó là lúc tôi và Ning hét váng lên chạy ra nấp sau lưng bố mẹ. Còn Già Jan thì buông phất trần, tóm lấy cây gậy, ấn cái đầu gậy bịt thiếc lên cổ con thằn lằn và buộc một dải lá chuối ướt thành chiếc thòng lọng thít chặt quanh cổ nó rồi treo nó ra ngoài hiên, mặc nó giãy giụa cho tới tàn hơi. Còn Già quay vào nhà uống rượu với bố như không có chuyện gì xảy ra. Đến lúc về, Già túm lấy con thằn lằn, lôi nó khỏi hiên ném xuống dòng sông. Có những khi cao hứng, Già dùng gậy nện con thằn lằn cho tới khi máu bắn tung tóe và tôi sẽ có nhiệm vụ ghê tởm là lau cho sạch vết máu sau khi Già kéo xác con vật khỏi đó.

Già Jan chết đuối trong một đêm mưa nặng hạt. Thuyền của Già đâm vào một cái ca nô ở giữa sông. Mấy ngày sau, người ta thấy thi thể của Già dạt vào bậc thềm của tu viện phía Nam. Nhà tôi tới phụ một tay trong đám tang. Mẹ nói đó chính là nghiệp Già phải gánh vì đã chồng chất không biết bao nhiêu thằn lằn cho Hà bá, nhưng bố thì bảo cả đời Già gắn với sông nước nên âu cũng là sinh nghề tử nghiệp. Tôi chẳng biết ai đúng ai sai, nhưng có một điều chắc chắn là, khi Già Jan không còn nữa, lũ thằn lằn vốn đã ít đi một thời gian giờ trở lại hùng mạnh và không ai còn đủ can đảm loại bỏ chúng nữa.


Tôi xuống xe buýt ở bến cuối rồi thả bước trên cái cầu gỗ ọp ẹp, đi về phía bến thuyền. Đã nhiều năm rồi tôi không quay trở lại đây dù lúc nào tôi cũng nghĩ về nơi này. Ngôi nhà cũ nơi gia đình chúng tôi từng sinh sống đã bị phá dỡ từ lâu. Nhiều thứ đã đổi thay theo thời gian. Không còn những dãy hàng quán lụp xụp, không còn quán của ông người Tàu bán ổi dầm, có bàn tay vàng vọt như tay người chết, mất hết cả móng tay; không còn cả bác Daeng đun bếp bằng củi ướt khói mù mịt và rán chuối trên chiếc chảo lớn xèo xèo cả ngày. Bây giờ chỗ này đều là những cửa hàng mới tinh, một cửa hàng sửa xe ba bánh inh tai tiếng thử động cơ, và một hàng bánh buồn tẻ. Tôi e rằng mình đã bị tách rời hoàn tòa khỏi quá khứ.

Tôi ngồi xuống chòi nghỉ bên bến thuyền nhìn nước sông sóng sánh đập vào sườn những con thuyền đuôi dài đang nối nhau cập bờ. Tất cả những cây lamphu bên rìa nước đã bị đốn bỏ. Đám đom đóm hẳn phải cảm thấy lẻ loi lắm, và buổi tối của bọn trẻ ngày nay bởi thế mà cũng buồn tẻ hơn. Tôi rời ánh mắt khỏi bờ sông nhìn về cái nơi từng sừng sững một ngôi nhà gỗ mái bằng màu lục sẫm và thấy khó lòng mường tượng lại nó trong tâm trí. May sao, cây me tây vẫn tỏa bóng ở đó dù trông nó giờ già cỗi và rệu rã đi nhiều.

Cây me tây nhắc tôi nhớ đến Ning và một cậu con lai tên Johnny. Bố Johnny là người da trắng tóc vàng cao lớn. Tôi không biết chú là người nước nào, vì trong mắt chúng tôi thời đó tất cả người da trắng trông đều na ná nhau. Mẹ Johnny là người Philippin, nói tiếng Thái bập bõm. Khi họ chuyển đến sống kế bên nhà tôi, Johnny chừng năm tuổi rưỡi. Nó còn có một đứa em gái bé tí rất hay khóc nhè. Johnny không nói được tiếng Thái, nhng nó cũng cố gắng kết bạn được với Ning. Hai đứa nó cùng chơi, cười đùa vui vẻ với nhau, trong khi cô em gái nhỏ của Johnny luôn lẽo đẽo theo anh nó khắp mọi nơi. Còn tôi thì đã quá lớn không thể chơi búp bê hay mấy trò con nít đó nữa.

Johnny làm một căn nhà nhỏ bằng thùng gỗ dưới gốc cây me tây. Nó trộm sơn trắng của bố sơn được một mặt thì bị nện một cú khiến nó la oai oái, và mặt nhà đó vẫn giữ nguyên màu trắng cho tới khi cả căn nhà mục nát. Tôi không biết Johnny bày tỏ với Ning bằng cách nào nhưng con bé kể với tôi rằng cậu bé hứa lớn lên sẽ cưới con bé và xây cho nó một ngôi nhà thật ngay bên gốc me tây.

Ngày gia đình Johnny chuyển đi, cả hai đứa đều ảo não lắm. Ning đứng bám chặt hàng rào, trơ trọi nhìn bố mẹ Johhny chất đồ lên chiếc xe tải nhỏ. Còn Johnny thì lien tục lấy tay quệt nước mắt. Khi xe tải sắp chuyển bánh, nó chộp lấy con búp bê của em gái chạy tới đưa cho Ning. Hai đứa bị rịn lâu lắm mới chịu chia tay, và Ning tin rằng một ngày nào đó Johnny sẽ quay lại tìm nó, cưới nó và xây cho nó một ngôi nhà thật. Nhưng từ đó chúng tôi chẳng còn hay tin gì về Johnny nữa.


Tôi vẫn nhớ ngày chúng tôi phải chuyển nhà. Đầy nâng niu, Ning mang con búp bê mà Johnny tặng nó chậm rãi đặt vào hốc cây me tây và bảo búp bê ở đó chờ Johnny về để báo cho thằng bé biết chúng tôi đã chuyển nhà.

Bố luôn dặn dò tôi phải chăm sóc em gái vì chúng tôi chỉ có nhau. Ông không bao giờ nhắc đến mẹ, không bao giờ nhắc tôi phải nghe lời mẹ hoặc chăm sóc mẹ khi tôi lớn. Tôi không bao giờ hiểu được nguyên nhân vì đâu, chỉ có thể thầm nhủ rằng bố lo lắng về tôi và Ning hơn là về mẹ.

Sự nghiệp của bố như một đồ thị đầy thăng giáng. Ông chuyển việc thường xuyên và dù làm bất cứ thứ gì ông cũng thích nghi rất nhanh, nhưng không bao giờ trụ được lâu; lúc nào cũng có sự gì đó khiến ông mất việc và lại vất vả tìm việc mới. Đôi khi chúng tôi sống như giới thượng lưu, dùng bữa ở một nhà hàng sang trọng, suốt ngày tới nhà hát và rạp chiếu bóng, hầu như cuối tuần nào cũng lên rừng xuống bể dã ngoại. Nhưng cũng có những lúc chúng tôi phải sống tằn tiện, mua từng nắm gạo để bỏ vô nồi và từng cút rượu Siangchun cho bố sống qua ngày, nhưng bất kể khổ sở thế nào, bố cũng không bao giờ cho phép bản thân nom tuềnh toàng. Mỗi khi ra ngoài bố vẫn diện quần áo đẹp, đi giày da bóng loáng và cười vang như thể ông không có gì phải lo lắng trên đời.

Mẹ bảo chúng tôi đó là đặc trưng của đàn ông cung Sư tử, những người kiêu ngạo, yêu cái đẹp và thích tiện nghi, dễ bị quyến rũ và không quan tâm tới gia đình. Bà rất tin vào chiêm tinh và tới lượt chúng tôi tin rằng tính mẹ ngoan cố bướng bỉnh như vậy là bởi bà sinh dưới ánh sáng của chòm Kim Ngưu.

Nếu những ngôi nhà biết nói, tôi chắc ngôi nhà của gia đình chúng tôi có nhiều chuyện để kể, không chừng là những chuyện tôi chưa bao giờ hay biết hoặc đã lãng quên. Điều lạ lùng là tôi cứ luôn nghĩ về căn nhà này và cảm thấy cơ hồ mình vẫn đang sống ở đó, không lớn lên nổi, mặc dù chẳng còn gì sót lại nữa, bản thân ngôi nhà, cả cái mái chạm trổ nhô ra, những viên ngói, những con thằn lằn, tiếng cười hay tiếng khóc.

Khi nhìn những gì còn sót lại của chòi nghỉ trên bến thuyền ngày nay, tôi không hiểu sao mình lại tìm đến đây, chỉ để nhận ra mọi thứ đã thay đổi và làm tổn thương đến những kí ức của chính mình thay vì cứ giữ chúng vẹn nguyên trong một góc bí mật của tâm hồn như trước. Có thể tôi cô đơn quá và cần một ai đó, một cái gì đó, mang đến cho tôi chút hơi ấm và yêu thương. Cũng có thể chỉ là tôi nhung nhớ tuổi ấu thơ thuần khiết và ngây ngô, hoặc có lẽ chỉ là tôi đang huyễn hoặc những thứ ấy mà thôi.


Tôi cố gắng níu giữ thời gian để nó trôi đi càng chậm vàng tốt. Tôi lặng ngắm hết con thuyền này đến con thuyền khác đi qua và bị hút hồn bởi những chiếc sà lan gạo chất cao đến tận mép, được kéo thành những chuỗi dài không dứt như hàng đoàn học sinh thẳng hàng ngay lối nối đuôi nhau.

Hôm đó bữa trưa của tôi là một bát bún bán trên thuyền ngon tuyệt. Tôi tháo giày tất ngồi trên bậc thềm, vừa đung đưa chân dưới nước vừa ngấu nghiến đến sợi bún cuối cùng. Tôi không chắc người Tàu bán bún kia vẫn là người bán bún năm xưa. Chúng tôi chỉ nói với nhau vài câu. Trông ông ta mệt lả nhưng vẫn luôn mỉm cười. Dù đôi mắt ông rất kém nhưng vẫn ánh lên niềm hi vọng.

Tôi về nhà vào lúc trời sẩm tối sau cả một buổi chiều lang thang vô định. Tôi chán ngấy bản thân mình, trường lớp, gia đình, chán ngấy mọi thứ. Tôi chỉ muốn bỏ trốn tới một nơi xa thật xa và quên đi tất cả.

Ning chưa đi học về, mẹ cũng không có nhà. Tôi tự hỏi không biết từ đêm qua tới giờ, mẹ đã tạt qua nhà chưa. Ngôi nhà tĩnh mịch và cô độc, như thể nó chỉ là một cái thùng các tông cũ dùng để chứa những thứ đồ bỏ đi. Tôi quẳng cặp sách lên bàn phòng khách, kéo tất ra ném sang một bên rồi thả người xuống ghế mây. Thứ gì đó đã thay đổi trong căn nhà này, nhưng tôi không rõ đó là gì. Gió luồn lách qua các khe tường nứt khiến căn nhà vốn mát mẻ nay trở nên lạnh lẽo – lạnh thấu xương. Tôi chỉ không muốn đối diện với sự thật rằng tôi đang ở đây một mình.

Tôi mơ màng về bãi biển cát trắng xóa bên bố, mẹ và Ning cười đùa vui vẻ, mơ về những đêm bố nằm ôm tôi và Ning kể chuyện hài, mơ về những lúc hai anh em gối đầu trên đùi mẹ tận hưởng bàn tay mẹ vuốt tóc chúng tôi quá đỗi dịu dàng…

Nhưng rồi một lần nữa, tôi lại choàng tỉnh, bởi vì những giấc mơ ấy của tôi sẽ không bao giờ thành sự thật.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.