Chai Thời Gian

Chương 5


Đọc truyện Chai Thời Gian – Chương 5

“Hôm nay cùng ăn trưa đi, Béo.” Vừa thấy mặt tôi, Eik đề nghị liền. “Chai, Porm và mình sẽ đãi cậu.”

“Thôi nào, chả cần đâu.” Tôi vỗ vai cậu bạn.

“Cái gì? Gì hả?” Eikkarong nhặng lên. “Một năm có mỗi một lần. Đừng có làm cao. Thực ra bọn mình tính đưa cậu đi ăn tối cơ nhưng hôm nay mình và Chai có trận đấu.”

“Hay lắm.” Tôi gật đầu. “Mình sẽ đi cổ vũ các cậu.”

“Cậu mà không đi thì mình sẽ băm nhỏ luôn.” Eik hất tay tôi vẻ khinh miệt.

“Muốn mình lấy thịt đè người hả?” Tôi ngả người vào cậu ta doạ dẫm.

“Ấy đừng!” Eik nhảy tránh. “Mình bị một cái xe lu cán qua còn an toàn hơn là bị cậu đè.”

“Oắt con…” Tôi cúi người nhặt một viên cuội nhưng cậu ta đã chạy biến núp lẫn vào một đám nữ sinh đi ngang qua rồi không kìm được mà ló đầu ra trêu tôi.

Bữa trưa hôm đó là bữa ăn tuyệt nhất mà đã lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức. Porm đã cuống cuồng đặt chiếc bàn khuất nẻo nhất trong góc căng tin. Chiếc bàn ấy tốt hơn tất cả bàn còn lại bởi hồi còn thầy hiệu trưởng cũ nó là bàn của giáo viên, thầy hiệu trưởng hồi đó thích dùng bữa trưa với đồng nghiệp và học sinh trong căng tin, chính sách của thầy đã bị thay đổi khi người kế nhiệm lên nắm quyền: thầy hiệu trưởng mới thích dùng bữa trưa ở ngoài với bạn bè và các viên chức trong Bộ Giáo Dục, vậy nên giáo viên cũng dần biến mất khỏi căng tin và cuối cùng học sinh chiếm chiếc bàn.

“Nào, giờ thì gọi bất cứ thứ gì cậu khoái đi. Hôm nay chủ tiệm là người nhà mình,” Chai tuyên bố.

“Tiệm nào?” Eik mỉm cười hỏi.

“Đã bao giờ nghe tiếng ‘Ground Sales & Co’ chưa? Bán buôn không bán lẻ, khẩu hiệu của họ đấy.”

“Mình thật sự chán ngấy các cậu rồi!” Porm lắc đầu. “Càng ngày càng gàn.”

“Cho cháu càng cua hấp, xúp vây cá mập và vịt quay Bắc Kinh,” tôi gọi món trêu tụi bạn.

“Khoan đã, Béo!” Eik vẫy tay điên cuồng ngăn tôi lại. “Đừng có ăn tào ăn huyệt như vậy chứ. Cậu muốn mình phá sản hả?”


“Lợn quay, gà nướng, tôm, cá chim ôi ngon làm sao

Cà ri Ấn Độ sánh đặc, trứng rán vàng rộm cực kỳ

Nai khô tẩm cà ri rùa xào

Lưỡi om kiểu hoàng gia để ngợi cá mãi với lòng khát khao

Những khúc xúc xích đáng bị nguyền vạn năm

Bơ sữa và bánh ngọt Thuỵ Sĩ giòn tươi

Bbao loại trứng cá tầm từ biển Caxpi

Tất cả được nấu cho nững người đã khuất

Rồi ngươi thực hưởng trong hân hoan…”

Porm khẽ đọc mấy khổ thơ của Angkharn.

“Này cậu!” Chai ngăn. “Hôm nay là ngày tốt lành. Đừng có nói về đồ cúng cho người chết đi.”

“Không sao, mình chẳng để ý đâu.” Tôi cười nhìn mặt Porn đang tái đi. “Thôi nào, Porm, giúp mình chọn ít đồ ăn đi. Tốt nhất bọn mình nên ăn mau mau lên để hai tên hề này còn thời gian mà chuẩn bị cho trận bóng.”

Tôi đứng dậy tới các quầy đồ ăn, Porm ngoan ngoãn bước theo tôi. Chúng tôi gọi mấy món để dùng với cơm.

“Bỏ qua cho mình nhé,” Porm lầm bầm. “Lúc đó mình không nghĩ.”

“Quên chuyện ban nãy đi.” Tôi đưa cho nó một bát mắm ớt nhỏ. “Mình không nhạy cảm như Chai đâu. Đừng để ý đến những gì cậu ta nói. Mình đoán trận đấu tối nay khiến cậu ta căng thẳng mà không biết.”


Porm lầm lì gật đầu không nói gì nữa. Nhưng chỉ mấy phút sau, trong bữa ăn, chúng tôi đã đua nhau nhai nhồm nhoàm và cười đùa ầm ĩ như thường lệ.

Trường tôi chẳng có tiếng tăm gì về thể thao, nhất là bóng đá, chưa bao giờ đội tuyển của trường vào đến vòng bán kết. Như tôi còn nhớ, thời ấy chỉ có một chiếc cúp duy nhất bày trong tủ kính trước văn phòng thầy hiệu trưởng, của môn tennis hay cầu lông gì đó tôi không chắc, nhưng có một câu chuyện đùa lan truyền từ đời này qua đời khác rằng chúng tôi thắng nó trong giải đấu với một trường khiếm thị.

Dù sao điều ấy cũng không hề khiến chúng tôi kém nhiệt tình hay ngăn cản chúng tôi cổ vũ đội bóng của trường, và lần nào cũng vậy, chúng tôi vẫn đi thành từng đoàn để cổ vũ tinh thần trong lúc thi đấu và an ủi sau trận đấu. Ngày hôm đó, trường tan sớm một tiếng để học sinh đi xem trận đấu cổ vũ cho đội tuyển. Các xe buýt chạy trên tuyến nối trường tôi với sân vận động chật ních học sinh, từ bọn nhóc mới vào tiểu học đến những anh chàng lực lưỡng sắp hết cấp hai. Tiếng cười, tiếng chuyện trò, đùa cợt và hò hét hợp lại thành khối thanh âm đinh tai nhức óc khủng khiếp trong xe, dù chúng tôi biết sau trận đấu tất cả sẽ thất bại não nề ra về. Khi thời điểm ấy tới, khó mà nghe thấy thanh âm nào phát ra từ cả bọn.

Hôm đó, đội bóng của trường tôi vào sân trước. Đối thủ là một đội mạnh, năm ngoái đã vào tới bán kết. Vậy nên kết quả cảu trận đấu gần như đã được biết trước và hầu hết đều tin chắc chúng tôi sẽ bại trận. Khán giả chỉ gồm học sinh trường tôi ngồi rất đông ở khán đài Bắc và học sinh trường kia ngồi ở khán đài Nam.

Trận đấu bắt đầu chậm chạp. Đội cổ động của hai bên thì đang vui vẻ giữa bạn bè. Porm gào thét rạc cả giọng:

“Lợn thái, lợn nướng, lợn xé

Lợn đóng hộp – sẵn sàng vào trận

Lòng ta không mảy may vướng bận

Ta sẽ mang thịt xông khói về nhà.”

Sau khi chúng tôi thua bàn thứ hai, trận đấu hăng lên nhiều. Tất cả cầu thủ trên sân guồng hết tốc lực, và cuối cùng chúng tôi cũng ghi bàn được và rồi gỡ hòa trước khi hiệp một kết thúc.

Ngay khi hiệp hai bắt đầu, cả hai đội dốc hết sức vào trận đấu. Nhờ phép mầu nào đó, đội trường tôi bất ngờ chiếm thế tấn công và khi bàn thắng thứ ba nghẹt thở được Chai ghi từ một cú sút penalty, cả khán đài như chết lặng.

Bị dẫn trước ba-hai, đối phương trở nên dữ tợn. Tiếng cổ vũ vui vẻ trở thành la ó tức giận. Đội cổ vũ bên kia biến bài cổ động của Porm thành:

“Lợn thái, lợn nướng, lợn xé


Lợn đóng hộp – sẵn sàng bị thịt

Hãy giúp chúng ta

Cho chúng ăn cám nào.”

Một vài phút trước khi hiệp hai kết thúc, trung phong của đội bạn nhảy lên đá Chai một cú trời giáng. Tôi bật dậy khi thấy Chai sụp xuống lộn mấy vòng trên sân. Eik lao vào tay trung phong đấm thẳng mặt gã. Cảnh hỗn loạn nổ ra trên sân giữa cầu thủ cả hai đội. Rồi học sinh cả hai trường được thể lao khỏi khán đài nhào vào nện nhau. Tôi tóm tay Porm kéo về phía các giám thị vừa xuất hiện để bảo vệ học sinh nữ nhưng nó vùng ra, vơ một cây gậy rơi gần chỗ mình mà chạy xuyên qua đám đông đang túm tụm trên sân bóng, vừa khua tứ lung tung vừa gầm gừ như con hổ cái đang bảo vệ hổ con.

Tôi chạy theo nó, ngay sát phía sau. Chiếc áo trắng mộc đã rách toạc dính máu nhưng nó không chịu thôi cho đến khi tới chỗ Chai. Ba đứa chúng tôi – Eik, Porm và tôi – tạo thành vòng bảo vệ quanh Chai đang nằm bất động trên mặt sân cỏ.

Tôi không biết bao nhiêu giây phút đã trôi qua hay chính xác chúng tôi đã làm những gì cho đến khi tiếng còi làm tôi bừng tỉnh quay sang Porm. “Ra khỏi đây, Porm,” tôi hét lên.

“Không.” Nó nhất nhất không chịu.

“Đưa mình cái gậy rồi về với bọn con gái đi,” tôi ra lệnh trong khi Eik cúi xuống đỡ Chai còn cảnh sát bắt đầu đuổi bắt lũ học sinh đang chạy toán loạn.

Porm do dự nhìn tôi và Eik.

“Khốn khiếp, Porm,” tôi gào lên. “Mình bảo cậu biến ngay. Không nghe thì không bạn bè gì nữa.”

Porm đưa tôi cây gậy rồi vừa khóc vừa chạy đi. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi thấy nó khóc.

Tôi dõi theo Porm cho tới lúc nó lẫn vào tụi con gái, và tôi cũng để ý thấy Jom rướn cổ, nhìn về phía tôi đầy quan tâm, lo lắng.

Khôn lâu sau khi Porm đi, một ông cảnh sát chạy đến chỗ tôi và Eik lúc này đang ôm Chai. “Lũ du côn…” Ông ta khua cái dùi cui như chuẩn bị nện cho tụi tôi nhừ tử. “Đi! Lên đồn, cả lũ chúng mày!”

Khoảng hai nươi đứa từ cả hai trường bị ném vào phòng giam chật chội ở đồn. Cơn thịnh nộ và máu chiến có vẻ đã biến đâu hết. Cả lũ ôm chân ngồi xụi lơ. Vài đứa đã bắt đầu khóc lóc, rên rỉ, vì đau do sứt đầu mẻ trán hoặc lo sợ cho số phận của mình. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy đến. Có thể chúng tôi sẽ bị tống vào trại cải tạo, bị đuổi học hoặc chịu hình phạt nghiêm khắc nào khác.

Porm là người đầu tiên tới thăm tôi. Nó đã thay quần áo nhưng mặt vẫn tái mét và tím bầm. Bám vào chấn song, chúng tôi nói chuyện trong khi Eik ngồi thu lu lặng lẽ ở một góc phòng giam.

“Mình mang cơm rang và nước ngọt cho hai cậu đây,” Porm nói đoạn đưa tôi một túi ni lông.

“Chai đang ở Bệnh viện Cảnh sát,” Tôi đón lấy chiếc túi, nhìn Porm biết ơn.


“Mình sẽ đi thăm cậu ta ngay,” Porm nói nhỏ, không nhìn tôi.

“Cậu nên về nhà thì hơn, trời sắp tối rồi.”

“Không sao đâu,” nó nói. “Mình muốn gặp cậu ta. Mình không biết cậu ta bị thương nặng nhẹ thế nào.”

Tôi gật đầu, chịu thua trước sự bướng bỉnh của nó.

‘Mình mang cho cậu cuốn này,” Porm nói rồi thọc tay vào túi, lôi một quyển sách mỏng ra đưa tôi. “Cho cậu đỡ buồn.”

Đó là Đôi cánh gãy của Khalil Gibran nhưng có lẽ Porm sẽ không bao giờ biết được rằng tôi chưa hề đọc lấy một dòng trong đó, và tôi chỉ có thể thầm mong rằng người mà tôi giao quyển sách ấy giữ nó cẩn thận.

Mẹ và Ning đến thăm tôi vào sau bảy giờ tối, cùng một giờ với bố Eik, theo như tôi nhớ. Ning khóc nhiều lắm, lấy mu bàn tay quệt nước mắt, trong khi mặt mẹ tối sầm.

“Kẻ nào làm chúng mày đến nông nỗi này, hả?” mẹ làm ầm lên ngay khi trông thấy tình cảnh của chúng tôi. “Người ta đối xử với chúng mày như chó lợn hay bọn trộm cắp tù tội ấy.”

“Mẹ, con xin mẹ đấy!” tôi nhìn bà vẻ van nài.

“Tao bảo mày đừng chơi bóng đá mà mày có bao giờ nghe. Giờ xem mày được gì? Mày đúng là thằng con hư, vô dụng,” bố Eik mắng con trai xối xả.

“Cảnh sát đã làm gì mày chưa? Ngẩng đầu lên để tao xem thương tích nào. Suốt từ lúc đó mà không có bác sĩ nào sát trùng cho mày à?”

“Tao bảo mày tập trung học hành, thế mà nhìn mày này! Mày chỉ muốn bóng bánh, mày chỉ muốn làm rạng danh trường! Đáng lắm con ạ. Mày có ý thức được là nếu mẹ mày biết chuyện này, bà ấy sẽ đau tim mà chết không hả?”

“Có đau không, anh Nat? Bao giờ họ cho anh về?” Ning chìa bàn tay khẽ chạm vào tôi.

“Tao sẽ đi gặp lão cảnh sát trưởng,” mẹ tôi oang oang tuyên bố cho cả phòng nghe. “Gì thì gì, tao sẽ đưa mày ra khỏi chỗ này ngay tối nay. Mày cứ đợi đấy mà xem!”

Tôi không khỏi thở dài bất an khi mẹ không để ai can ngăn, sầm sầm đến chỗ bàn viên hạ sĩ trực, đòi gặp cảnh sát trưởng. Dù mẹ có khăng khăng đến đâu, viên cảnh sát vẫn kiên quyết giữ chúng tôi đến sáng hôm sau. Các phụ huynh lần lượt rời đồn. Chỉ còn mình mẹ tôi ngồi trên ghế băng, Ning gà gật dựa vào vai bà ngủ. Ánh mắt mẹ thấp thỏm dán chặt vào xà lim và mỗi khi có viên cảnh sát nào đi qua chỗ này là mẹ lại căng thẳng như thể bà là con gà mái sẵn sàng giang đôi cánh bảo vệ máu mủ của mình trước hiểm họa.

Tôi cũng ngủ gục vài lần, nhưng bất cứ khi nào mở mắt, tôi lại thấy mẹ ngồi đó như pho tượng, ánh mắt không lay chuyển. Những đứa khác đã ngủ hết. Không còn tiếng khóc lóc, kêu than hay những âm thanh tương tự. Tôi chỉ nghe thấy tiếng thở, tiếng ngáy nhè nhẹ, cả tiếng thở dốc vì kiệt sức và bởi cái nóng ngột ngạt của xà lim.

Tôi cố nhắm mắt để không phải thấy cái nhìn của mẹ, để không phải nhận thức rằng mẹ đang canh chừng cho tôi ngay đây, nhưng tôi không thể. Tôi không thể phớt lờ tình yêu và nỗi lo lắng mẹ dành cho tôi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.