Đọc truyện Chai Thời Gian – Chương 44
Tôi vẫn nhớ ngày nhận bằng đại học. Đó là ngày duy nhất mà cả nhà hỗn loạn như có lễ lạt. Mẹ dậy từ bốn giờ sáng, phăm phăm gõ cửa phòng tôi và Ning, rồi bảo chúng tôi dậy chuẩn bị quần áo. Còn bác Ngop thì bận nấu một nồi cháo tôm to đùng. “Cháu phải đi lại cả ngày hôm nay đấy, Nat. Ăn gì chắc bụng hẵng đi. Nhưng nhìn nó đi! Một thằng đàn ông lớn đùng mà ngồi ngậm thìa như trẻ con vậy!”
“Nat không ngồi ngậm thìa, bác ạ: anh ấy đang ngủ ngồi đấy. Cháu chả hiểu vì sao mẹ lại vội vàng gọi chúng cháu dậy như vậy.” Ning không bao giờ bỏ lỡ cơ hội chọc ngoáy mẹ.
“Ồ vâng! Mẹ mà không gọi thì hai đứa mày sẽ ngủ quên suốt sáng thôi,” mẹ vặn lại, nhưng với vẻ mặt tươi cười, dấu hiệu chắc chắn rằng bà đang rất vui. “Hôm nay là ngày quan trọng, một trong những ngày quan trọng nhất của đời người. Chúng mày luôn coi nó như chuyện đùa, thế nên mày mới chả đi đến đâu cả. Nat, mày có nghe mẹ nói không?”
“Có mà mẹ.” Tôi đặt thìa xuống bát cháo. “Chỉ cần gọi con dậy lúc mẹ nói xong nhé.”
“Nghe nó kìa!” Mẹ quay qua bác Amorn. “Cái thái độ kiểu đấy thì em còn biết nói gì nữa?”
“Em gieo nhân nào thì gặt quả ấy, em biết mà,” bác Amorn mỉm cười đáp trong khi chấm tẩu. “Mẹ nào con nấy.”
Bác Amorn lái chiếc Chevrolet Behemoth cũ ra ngoài đậu bên đường, rồi ngồi nhả những vòng khói mỏng trong lúc chờ mẹ chạy tới chạy lui, mỗi lúc quên một thứ. Ngay cả Ning cũng thay quần áo khoảng mười ba lần.
“Thực ra em muốn mặc cái chân váy ren trắng cơ. Trông nó hợp với lễ tốt nghiệp,” nó cố bào chữa. Nhưng sau nhiều lần thay ra mặc vào, nó quyết định mặc đồng phục đại học.
“Sao không mặc cái váy trắng em nói?” tôi bảo nó khi cuối cùng nó cũng xuống nhà.
“Chẳng hợp gì cả.” Nó cười khúc khích đoạn mở cửa ngồi vào ghế sau với tôi. “Trông quá tầm thường, như kiểu bọn phù dâu nhà quê ấy.”
Còn bác Ngop thì dù tôi có cầu xin đến đâu cũng không chịu đi với chúng tôi. “Dù có phải chết bác cũng không đi. Bác chưa bao giờ thích đám đông cả. mà có khi bác lại làm điều gì đó ngớ ngẩn khiến cả nhà mất mặt thôi. Thà để Ning kể lại sau còn hơn.”
Bố và Waeo đã ở trước cửa hội trường đại học. Ning và tôi nhào ra khỏi ô tô chào bố, mặc mẹ quay đi bước về hướng khác.
“Chúc mừng con.” Bố vòng tay qua vai tôi ôm chặt. Hơi ấm từ người bố vẫn làm tôi ấm lòng như bao năm trước.
“Bố…”
“Con có nhớ cái ngày con bảo mẹ bắt con học Luật vì con trượt Sinlaparkorn không?”
“Có ạ.” Tôi gật đầu.
“Hôm nay, bố không chắc là có nên vẫn giận mẹ con vì đã làm vậy với chuyện học của con không.”
“Nhưng con vẫn không thích Luật,” tôi thú nhận.
“Ta không cần phải thích tất cả những gì ta làm.” Bố giơ tay gõ đầu tôi. “Cứ làm hết khả năng của con là tốt lắm rồi.”
“Đây mới là cái khó khăn nhất.” Ning xen vào với một giọng quá trang nghiêm khiến tất cả chúng tôi lăn ra cười.
Tôi không biết bố đi về lúc nào, nhưng khi tôi cố tìm ông giữa sự hỗn loạn của người người nhà nhà chụp ảnh trước cửa hội trường, bố đã đi mất.
Tôi vẫn luôn giữ gìn cẩn thận chiếc đồng hồ cát Jom tặng. Mặc dù bụng nó đã nứt và mờ, hai đầu gỗ cũng bắt đầu nứt vỡ, những hạt cát vẫn chảy xuống mỗi khi tôi lật ngược nó lại.
Tôi vẫn hay tự hỏi mình câu hỏi cũ ấy, rằng nếu tôi có thể giữ thời gian đứng yên, liệu tôi có thể có được tất cả những gì mình mong ước – những ngày đêm trong căn nhà cũ bên sông nơi mẹ ngồi ôm hai đứa tôi đợi bố về cho đến khi mặt trời lặn bên kia khúc quanh của con sông, để lại chúng tôi trong bóng tối cô đơn đáng sợ, hay cái khoảng thời gian đầy ắp tiếng cười và trò vui mà tôi, Porm, Chai, và Eik đã có cùng nhau… Tôi vẫn còn nhớ những ngày chúng tôi đi bộ trên con đường rợp bóng cây kèn hồng; những ngày nắm tay nhau làm thành một đoạn xích để một đưa với ra rìa đầm lầy hái đài sen rồi chia nhau ăn; những ngày túm cặp của nhau không cho đứa nào lên xe buýt trước; và tất cả những ngày Jom cùng tôi sánh bước, khoác trên vai hộp đàn đến quán cóc, nơi mà chúng tôi sẽ nhét hàng đống xu vào máy hát nghe “Chai thời gian” hết lần này đến lần khác.
“Nếu cất được thời gian trong chai
Điều đầu tiên tôi mong được làm
Là chắt chiu dành dụm từng ngày
Cho tới khi vĩnh hằng trôi qua
Chỉ để dành trọn chúng bên em
Nếu có thể khiến tháng ngày kéo dài bất tận
Nếu lời nói có thể biến ước ao thành hiện thực
Tôi sẽ lưu giữ mỗi ngày như báu vật
Và vẫn mãi như vậy
Tôi sẽ dành trọn chúng bên em
Nhưng dường như chẳng bao giờ đủ thời gian
Để làm hết những điều mình muốn
Một khi ta nhận ra mình khao khát điều chi
Tôi đã tìm kiếm đủ lâu để hiểu rằng
Em chính là người
Mà tôi muốn đồng hành qua thời gian
Nếu tôi có một chiếc hộp chỉ dành cho ước nguyện
Và những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực
Chiếc hộp đó sẽ chẳng có gì đâu
Ngoài ký ức
Về cách em đáp lại những ước nguyện kia.”
Bài hát ấy vẫn vang vọng trong tâm trí tôi như thể sẽ không bao giờ kết thúc, dù cho máy hát có chuyển sang đĩa khác.
Tôi chậm rãi ngẩng đầu lên hít thở thật sâu trước khi cất bước một mình trên con đường kéo dài hút tầm mắt, con đường sẽ đưa tôi đến với đám đông và bao mờ mịt phía trước.