Câu truyện tuổi 23

Chương 22


Bạn đang đọc Câu truyện tuổi 23: Chương 22

Năm 2 đại học, Hoa Ngọc Linh có bạn trai – một tình yêu chính thức và đàng hoàng, không phải kiểu yêu đương chíp hôi của thời học sinh. Chính thức và đàng hoàng nghĩa là anh chàng (hoặc cô nàng) có thể thông báo với mẹ mình như vầy: “tối con không ăn cơm nhà đâu, đi ăn với bạn gái (hoặc bạn trai) nhé!”. Chứ đứa nào đang tuổi cấp hai cấp ba mà nói câu ấy, không ăn mấy phát bạt tai mới lạ. Ít nhất là điều trên đúng với thời của tôi chứ với các thế hệ sau này, tôi nghĩ nó chẳng còn mấy chính xác nữa.
Con người là thứ sinh vật dễ bị ám ảnh bởi sự “đầu tiên”. Nhiều gã nói rằng họ nhớ cô gái đầu tiên mà họ trao tình cảm. Phụ nữ cũng vậy, nhưng người đầu tiên của họ phải là một anh chàng có quan hệ tình cảm chính thức và đàng hoàng. Thế nên ông nào hôn được con gái hoặc có mối tình thời học sinh thì hãy bớt hoang tưởng, các cổ chẳng nhớ mấy ông đâu! (Ở đây tôi loại trừ những thằng đã abcxyz con gái khi còn đang tuổi học sinh). Khỏi nói đâu xa, Hoa Ngọc Linh là ví dụ điển hình. Khi tôi đề cập câu chuyện hôn trộm năm lớp 7, em lại tỏ ra khá ngạc nhiên, như thể phát hiện một câu chuyện thú vị:
-Lâu quá rồi, Tùng vẫn còn nhớ cơ à?
Là vậy đó! Rõ ràng Linh chẳng ấn tượng gì về cái chuyện mà tôi cho là “ấn tượng” hết!
Cuộc tình giữa Linh và anh chàng trí thức tên Trung kia kéo dài gần một năm, tôi không chắc lắm. Vô số lý do để người ta yêu nhau và cũng muôn vàn vấn đề làm tình yêu tan vỡ. Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn chẳng hiểu tại sao họ chia tay. Khi kể cho tôi nghe về mối tình đầu “chính thức và đàng hoàng” đó, em toàn nói chuyện vui, vui tẹt ga và chẳng có tí buồn nào luôn! Em kể tới đâu, tôi ghen tị tay Trung trí thức đến đó.
-Hồi hè mình với Trung đi phượt. Ừ, hắn có chơi với hội bạn phượt nên mình đi cùng. Mỗi lần đi là khoảng… ờm, sáu người, mình không nhớ lắm, trai gái đủ cả. Vườn quốc gia Ba Vì, Mộc Châu, Cao Bằng… mình đi cả rồi. Lúc đầu mẹ không cho đi, mình phải nhờ Trung sang xin hộ. Thế mà được đấy! Mẹ bảo hắn đứng đắn tử tế, lại có trách nhiệm. Trung sang nhà mình nhiều, bố mẹ mình quen mặt hắn luôn mà! Hồi Tết dương, bố mình còn rủ hắn ở lại uống rượu nữa!
Nghe em kể, tôi đoán được phần nào nguyên nhân khiến em thích anh chàng kia. Ngay từ năm nhất đại học, mỗi lần café, Linh đều nhấm nháy chuyện phượt. Ngày nay, những cô gái luôn đầy năng lượng và khát khao, khác xa những cô gái thời xưa. Họ tiếp nhận nhiều tri thức hơn, đọc nhiều thông tin hơn từ báo chí và Internet. Họ hình dung hôn nhân là điểm kết thúc của tuổi trẻ, số khác tiêu cực hơn thì cho rằng hôn nhân là ngục tù núp dưới bóng truyền thống xã hội. Tuổi trẻ đẹp và không dài – họ hiểu điều đó sớm hơn những gã con trai còn mải cày game online hoặc đương mải nhậu nhẹt. Họ muốn những năm tháng ngắn ngủi ấy trở nên đáng nhớ theo cách của mình. Với Linh, em muốn phượt, và anh chàng tên Trung cho em thỏa ước nguyện. Khỏi cần bày binh bố trận, chiến thuật chiến lược như tôi, thằng cha đó chiếm cảm tình của Linh bằng cách rủ em đi phượt. Hắn cung cấp thứ mà em hằng ao ước và sau một tháng, em đáp lại tình cảm của hắn. Con bà nó đúng một tháng! Trong khi tôi vật vã chín năm mười tháng mà chẳng xơ múi được gì! Đời bất công, quá bất công! Grào!
-Thế từ hồi chia tay đến giờ, Linh còn gặp thằng cha ấy lần nào nữa không?
-Cũng có, không nhiều lắm. Từ hồi ra trường mình chưa nói chuyện với hắn lần nào.
Và rồi Linh im lặng, ánh mắt tạm rời xa hiện tại và tìm về hoài niệm tình đầu tươi đẹp. Có thể cái tay Trung trí thức không quá tử tế và đứng đắn như bề ngoài, nhưng nói gì đi chăng nữa, Linh sẽ nhớ hắn và rất khó để quên. Tình đầu mà! Đôi chút ghen tị, đôi chút tò mò, tôi hỏi Linh một câu mà tôi biết chắc em sẽ từ chối trả lời:
-Thế tóm lại là vì sao chia tay? Uống rượu với bố vợ rồi mà vẫn không ăn thua à?
Linh cười, chỉ cười vậy thôi. Tôi cũng chỉ hỏi cho vui và không mong chờ lời giải đáp. Nhưng một lát sau, bỗng nhiên em nói:
-Tại hắn cứ đòi mình tốt nghiệp xong là làm đám cưới luôn. Mình không thích thế và bảo hắn nghĩ xa quá. Mình nói đợi khi kiếm được việc làm rồi tính tiếp thì hắn không chịu. Thế là cãi nhau!
-Chia tay luôn? – Tôi hỏi.
-Cũng không hẳn. Về sau mình với hắn cố làm hòa, nhưng quan điểm sống khác quá, đành chia tay thôi.
Trước câu trả lời của em, tôi vừa thấy bình thường lại vừa ngạc nhiên. Bình thường vì chẳng có cô gái nào đang tuổi yêu đương đã tính ngay chuyện cưới. Ngạc nhiên vì tôi cứ ngỡ Linh sẽ giữ chuyện đó như bí mật riêng, vĩnh viễn không kể với đứa con trai khác. Thời gian thực quá khắc nghiệt, nó đủ sức biến những kỷ niệm đẹp đẽ trở thành chuyện phiếm, hoặc ít nhất là không còn riêng tư nữa. May mắn cho gã Trung trí thức là em không nói xấu anh ta sau lưng. Em không giống nhiều cô gái khác hễ cứ hở ra là bôi xấu tình đầu của mình, như thể những thằng đấy là đám mù dở tốt số vớ được công chúa như mấy cổ vậy.
À, đọc tới đây, chắc bạn đang hỏi khi Linh chia tay, liệu tôi có tiếp tục theo đuổi em không? Dĩ nhiên là có và nó không phải chuyện gì vui vẻ. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy biết ơn thời gian. Thời gian quá khắc nghiệt, đến nỗi nó đủ sức biến câu chuyện buồn thành chuyện hài và tôi có thể kể cho Linh nghe mà không ngại ngùng hay xấu hổ. Phiền nỗi mấy chuyện kiểu đấy hơi nhiều và tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nhân lúc Linh vẫn đương mải nhớ nhung tình đầu, tôi rút điện thoại di động, vờ như trả lời một tin nhắn quan trọng, nhưng thực chất là thu mình vào nội tâm. Tâm trí tôi bừa bộn nào ký ức nào kỷ niệm, tôi cần sắp xếp chúng về chỗ cũ.
Vì mải dọn dẹp đầu óc mình, tôi không để ý Linh đã quay về thực tại từ lúc nào. Em bỗng lên tiếng:
-Tùng bận à?
-Hả? À, không! – Tôi đáp lời, ngón tay vẫn vờ như bấm phím điện thoại – Bạn nhắn tin rủ tối đi chơi ấy mà!
Em chăm chú nhìn tôi, như thể tò mò muốn coi tôi nhắn tin cho ai. Tôi hơi nóng lưng, bèn cất ngay điện thoại. Không đợi tôi mở miệng, Linh liền nói:
-Mình hỏi cái này được không?
-Ờ thì cứ hỏi, rào trước đón sau ghê thế?
-Có bao giờ Tùng ghét mình không?
Tôi nở nụ cười méo xệch, em hỏi câu này khó quá! Tôi không thân thiết với em tới độ có thể nói thẳng rằng “lắm lúc ghét vãi ra!”, song lại chẳng đủ xa cách để buông một câu khách sáo “làm gì có chuyện đấy?!”. Chậc! Đàn bà là chúa hỏi khó! – Tôi tặc lưỡi rồi trả lời thành thực:

-Có, thực sự là có.
-Những lúc nào vậy? Nói mình nghe được không?
Có bao giờ bạn ghét người mình yêu không?
Tôi khẽ thở dài. Những dòng ký ức vốn đã ngăn nắp, giờ Linh lại bắt tôi lôi ra, thực phiền phức. Mà câu chuyện tôi sắp kể sau đây có hơi nhục một tí.
* *
Hoang tưởng là căn bệnh chung của những thằng lần đầu đi tán gái. Bệnh này căn bản không có phương pháp chữa, chỉ khi bị sự thật phũ phàng vả lệch mặt nhiều lần, người bệnh tự khắc khỏi. Sau sự kiện ở quán café nọ, chứng hoang tưởng tình yêu trong tôi vẫn còn, nhưng vơi đi khá nhiều. Tôi học được một kinh nghiệm quý báu là trước khi con gái lên tiếng, đừng nghĩ rằng mình hiểu suy nghĩ của cô ta. Phụ nữ rất giỏi che đậy, họ có thể che giấu chính mình chứ đừng nói người khác.
Tôi kể toàn bộ câu chuyện ở quán café cho thằng Choác và thằng Xoạch. Hai đứa không chửi bới cũng chẳng bình luận chi nữa vì chúng nó đã quen vận số nhọ hơn mõm chó của tôi. Vả lại, sự thể đã rồi, chúng nó nói nữa chửi nữa cũng chẳng thể thay đổi điều gì. Chỉ duy thằng Choác có vẻ ngạc nhiên. Nó không nghĩ sau chừng ấy thời gian, Hoa Ngọc Linh đối xử với tôi như một người bạn. Nó cũng tin rằng tôi có thể đến với Linh mà không hề gặp trở ngại.
-Đáng ra mày nên tỏ tình sớm hơn! – Thằng Choác nói với tôi – Đúng là trâu chậm uống nước đục mà!
Tôi chép miệng chán nản:
-Thì chính mày bảo cứ từ từ còn gì nữa? Mày bảo cái Linh rắn chắc như cứ điểm Điện Biên Phủ, công phá từ từ mới được, đúng không?
-Thì tại tao không biết có thằng khác đang cưa nó. – Thằng Choác nói – Mày ở gần nó thế mà không biết thằng khác theo đuôi nó à?
-Bạn thì bạn chứ tao có phải mẹ nó đâu mà biết thằng nào cưa nó? Mà tao thề mẹ nó cũng không biết luôn!
-Kể ra thằng kia cũng tài, có một tháng là xong phim. Mày nghiến răng nghiến lợi mười tháng mà đếch xơ múi nổi!
Thằng Xoạch im lặng từ đầu nãy giờ bỗng xen vào:
-Thôi chuyển qua con khác đi. Vợ tao có con bạn, trông cũng được, mày thử tán nó xem? Mày chuyển đối tượng được rồi. Nói thật, nếu là mày thì tao nghỉ sau ba tháng! Chẳng hơi đâu mà mười tháng cả!
Thằng Choác cũng đồng tình với quan điểm đó. Nó khuyên tôi nên từ bỏ Hoa Ngọc Linh và tìm cô gái khác. Ban đầu, tôi cũng gật gù nghe theo chúng nó. Cuộc đời đại học của tôi còn hai năm nữa mới kết thúc (trong trường hợp tôi không nợ môn nào), nếu cứ bám vào một người con gái, tuổi trẻ sẽ phí hoài vô ích. Cứ tưởng tượng bạn đang tản bộ trong vườn hoa mà chỉ chăm chú một bông hoa, bạn sẽ không thấy những bông hoa khác đẹp hơn, không có cơ hội hái hoa, thậm chí là đập chậu cướp hoa… tôi đang lảm nhảm đấy, đừng để ý! Tóm gọn vấn đề là tôi nên quên Hoa Ngọc Linh.
Ngay hôm sau, tôi bắt đầu chiến dịch lãng quên Hoa Ngọc Linh. Tôi để ẩn nick Yahoo! (và nhìn nick em online), không nhắn tin rủ em đi café hay xem phim (thực chất là đợi chờ em nhắn tin trước). Nhưng chỉ sau một tháng hai ngày và ba tiếng, tôi lại quay về nếp cũ. À, tiện nói luôn, tôi đã hủy ý định cưa cẩm cô nàng mà thằng Xoạch giới thiệu. Tôi cũng chẳng biết mặt cổ ra sao bởi tôi luôn nay hẹn ngày mai, mai hẹn ngày kia mỗi khi thằng Xoạch đề cập chuyện hẹn hò. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần ột mối quan hệ khác, một cô gái khác.
Tôi chưa sẵn sàng…
Bạn có thể chê tôi thiếu ý chí, nhưng ai từng yêu đơn phương đều hiểu thời gian là thứ cực kỳ đáng ghét. Nó ngăn cản ta đến với người mình yêu và tệ hại hơn, nó khiến ta không thể quên người ấy. Hoa Ngọc Linh, Hoa Ngọc Linh… thời niên thiếu của tôi gọi cái tên đó, vui vẻ hay điên khùng cũng vì nó. Nói quên là quên? Sao dễ thế được?
Vậy là Hoa Ngọc Linh vui vẻ yêu đời bên cạnh người em yêu, còn tôi vẫn âm thầm theo dõi em, như một gã hề nấp trong bóng tối ngắm nhìn nàng công chúa của mình. Thi thoảng, em cũng hỏi han tình hình của tôi, tất cả đều qua Yahoo!, điện thoại thì hầu như không liên lạc. Con gái khi có người yêu thì hay xao nhãng bạn bè, mà tôi lại là bạn của em mới đau đời! Thua trận chốn tình trường, tôi tiếp tục cuộc sống thường nhật. Sáng đi học, chiều về ngủ hoặc đi chơi cùng mấy thằng bạn, tối ngồi vẽ. Những lúc ngồi không, tôi nhìn vào màn hình điện thoại và chờ đợi trong hi vọng. Nhưng đợi mãi, đợi tới hết năm hai, chẳng có ông bụt bà tiên nào hiện lên giúp tôi cả.
Học kỳ hai đại học đã chán thì chớ, kỳ nghỉ hè sau đấy cũng chẳng khá hơn. Nguyên do là bởi Facebook. Món này nhập khẩu về Việt Nam hồi năm 2009, nhưng do dân tình bản xứ còn lưu luyến Blog 360 nên chưa vội dùng ngay mà chuyển sang 360 Plus. Có điều 360 Plus lại quá lòe loẹt và rối mắt nên sau năm 2010, mọi người đổ xô xài Facebook như zombie cắn mồi. Thằng này có một đặc điểm mà đám Blog 360 hay 360 Plus không bì nổi: upload và chia sẻ ảnh. Thiết nghĩ người ta nên trao giải Nobel, sau đó kết tội tù chung thân cho thằng cha nào nghĩ ra tính năng này. Mùa hè năm đó, mỗi lần vào Facebook của Linh, hàng chục bức ảnh đi phượt của em lại đập vào mắt tôi. Em chụp một mình thì ít, chụp với người yêu em thì rõ nhiều. Khốn nạn thay, trong mọi bức ảnh, thằng cha Trung trí thức kia đều cười toe toét. Hắn cười vì có bạn gái, cười thẳng vào mặt tôi – thằng trâu chậm uống nước đục. Hắn như nhân viên cửa hàng đồ ngọt ném vào mặt tôi hàng chục chiếc bánh GATO cỡ lớn – loại đặt tiệc ười người ăn. Ăn nhiều GATO quá, bụng của tôi thở ành ạch vì ghen tức, miệng thì lảm nhảm: Đan Mạch, Đan Mạch. Thành thử mỗi lần ăn xong, tôi phải nghe nhạc cho dễ tiêu. Hai giờ sáng, nhìn trời đêm, trong giọng ca khắc khoải và tiếng bass trầm đục của bản nhạc “To bid you farewell”, tôi cảm giác nhẹ nhõm phần nào. Âm nhạc của Opeth luôn là liều thuốc tốt cho những thằng đàn ông thất tình.
I stand motionless
In a parade of falling rain
Your voice I cannot hear

As I am falling again
(Tôi trở nên vô hồn
Trong cơn mưa rào
Tôi không thể nghe thấy giọng nói của em
Dường như tôi lại gục ngã thêm lần nữa)
Nhưng với bản tính hiếu thắng, tôi không ủ ê quá lâu trong thất bại. Facebook đáng ghét, nhưng không phải hoàn toàn. Mục About (tổng quan) về chủ nhân Facebook, theo tôi, là một thứ thú vị. Khi mà người ta bắt đầu kiệm lời nói chuyện với nhau và dán mắt vào màn hình smartphone, món About của Facebook đâm ra lại hữu hiệu. Biết được gu âm nhạc, cuốn sách ưa thích, chương trình TV đang theo dõi, ta có thể đoán ra tính cách của vị chủ nhân, không ít thì nhiều. À, tất nhiên, theo dòng thời gian, thế giới Internet ngày càng nhiễu loạn, cái định lý trên giờ chẳng đúng nữa. Quay lại vấn đề, ý tôi là khi ngó vô phần About của Linh, tôi nhận ra em không những thích nhạc rock mà còn khoái mấy anh chơi guitar như Paddy Sun và Sungha Jung. Độ ấy mấy chàng này nổi như cồn, dân tình hâm mộ và đổ xô tập fingerstyle (một kiểu chơi guitar). Nhắc tới đàn, tôi lại nhớ tới thiên tình sử của thằng Choác. Chỉ một cây đàn guitar, nó đốn gục luôn đàn bà. Chẳng nghĩ chẳng rằng, tôi khởi động kế hoạch chiếm lấy trái tim Hoa Ngọc Linh. Việc đầu tiên: rủ thằng Choác đi mua đàn. Tôi gọi điện cho nó:
-Này, thiết kế cho tao một con đàn!
-Hở? Sao tự dưng mày lại chơi đàn?
-Vì tao thích thế! Chiều nay dẫn tao đi mua cái! Vừa xin tiền bà cụ xong!
Và thế là chiều hôm ấy, thằng Choác dẫn tôi đi mua đàn. Đàn mua ở Hàng Trống, giá 800 nghìn. Lần đầu tiên cầm đàn, như bao thằng khác, tôi cảm giác mình sắp trở thành Jimi Hendrix tới nơi. Có điều sau một ngày luyện tập, tôi thấy Jimi xa xôi quá, thôi thì Jimmy Page hoặc Eric Clapton cũng được. Nhưng các cụ trên cũng xa quá, thôi hạ xuống Steve Vai hoặc Joe Satriani vậy. Cơ mà tập đàn khoảng một tuần, tôi nhận ra mình vẫn đặt tiêu chuẩn quá cao, lại tiếp tục hạ xuống Dave Mustain, James Hetfield hoặc Alexi Laiho. Đan Mạch, chỉ cần tôi được một nửa Alexi, gái nào cũng chết chứ đừng nói Hoa Ngọc Linh!
Nhưng rồi sau ba tháng hè, tôi chợt tỉnh ngộ. Tôi hiểu ra đôi tay mình chỉ giỏi vẽ, hoàn toàn không có tí năng khiếu nào về đàn. Một tí không, nửa tí cũng không! Khỏi bàn Alexi, ngay như thằng Choác, tôi tập mãi mà chẳng thể theo kịp trình độ chơi đàn của nó. Một sự thật rất buồn cười là đa phần những thằng to mồm về rock metal lại chẳng biết chơi nhạc cụ (như tôi là ví dụ, he he). Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi cũng tập tọe được bài “Hòn đá cô đơn”, dù rằng khi chơi vẫn thường bấm sai nốt. Tôi tạm coi đó là thành tựu. Nhưng bài này cần phải hát, mà khi tôi hát thử cho hai thằng bạn nghe, chúng nó rền rĩ thấu trời. Mặt thằng Choác nhăn như khỉ ăn ớt, tay xua tới xua lui:
-Thôi mày! Tai tao chảy máu rồi! Mày chơi đàn thôi, đừng hát! Tao xin!
-Thế tao hát bè được không?
-Là “bè” thì đã tốt! – Thằng Xoạch nói – Tao nghĩ nó giống “phà” hơn!
Thằng Choác lắc đầu chê thằng Xoạch:
-“Phà” á? Ông đánh giá nó cao thế? “Xà lan” thì có!
Về khoản này, tôi nghĩ hai thằng chúng nó nói đúng. Nghe lại bản thu âm giọng của mình, thay vì đi thi The Voice hay Vietnam Idol, tôi sẽ gửi thẳng tới bộ công an, ngành thẩm vấn phạm nhân, bảo đảm vụ án nào cũng xong xuôi hết. Tôi bèn quay lại mục About trên Facebook của Linh và tìm xem em có bất cứ sở thích nào liên quan đến vẽ không? Nhưng ông trời lại cười vào mặt tôi: “Không có đâu con, hố hố hố!”. Tại sao? Tại sao con gái cứ đâm đầu vào nhạc nhẽo với mấy thằng bảnh? Những lúc ấy, tôi ghét Linh. Ghét vì em không có đầu óc nghệ thuật, ghét vì em khoái đàn chứ không khoái vẽ. Tại sao không phải là vẽ? Tại sao? Grào!
Dù vậy, tôi vẫn kiên cường bám trụ trên mặt trận chiếm trái tim Hoa Ngọc Linh. Vào năm ba đại học, thay vì chơi đàn, tôi quay ra… nấu ăn. Khó hiểu phỏng? Nguyên do: một ngày nọ, trên Facebook của Linh có đường link dẫn đến bài báo. Tựa đề là gì thì tôi không nhớ, nhưng đại khái là cái thằng bỏ mẹ, ý tôi là tác giả bài báo, cho rằng phụ nữ không cần biết nấu ăn và đàn ông sẽ thay cái thiên chức đó. Thực tình, chẳng thằng quái nào thích cắm mặt vào bếp trừ phi hắn làm nghề đầu bếp. Mà những ông đầu bếp thì luôn chỏng lỏn khó tính trong việc ăn uống và bạn đừng tưởng họ khoái chuyện nấu ăn cho gia đình. Nói như các cụ: mỡ đấy mà húp! Tuy nhiên, điều tôi quan tâm là dòng ment của Linh phía dưới bài báo:
“Giá mà người yêu mình biết nấu ăn! TT”.
Phía cuối dòng ment, Linh tag tên của bạn trai em. Qua vụ này tôi mới biết gã Trung trí thức nọ cũng giống tôi, đều có những bà mẹ quán xuyến việc gia đình và hầu như không đụng vào nấu nướng. Đã vậy, tôi bèn đi trước thằng người yêu của Linh một bước. Khỏi đi đâu xa, tôi chỉ cần bước xuống cầu thang rồi rẽ phải là gặp ngay sư phụ: mẹ tôi.
-Mày? Nấu? – Mẹ ngạc nhiên.
-Vâng, tại sao không? – Tôi ngạc nhiên không kém vì nghĩ mẹ nên vui mừng mới phải.
Trước tinh thần sốt sắng bất thường của thằng con vốn lười chảy thây, mẹ tôi hơi nghi ngờ, song vẫn chỉ dạy. Thật may, về khoản nấu ăn, tôi không đến nỗi đầu đất như chơi đàn. Ít nhất, mỗi khi mẹ vắng nhà, tôi có thể ăn được nhiều món khác nhau thay vì quanh quẩn mì tôm hay trứng luộc. Tôi dự tính sẽ hỏi mẹ cách chặt thịt gà. Thiệt tình, thằng nào thời này biết chặt gà, nhà vợ phải nhìn bằng con mắt khác. Linh ơi, em bỏ thằng người yêu kia đi được rồi! Hế hế hế!

Tuy nhiên, tôi đã từ bỏ ý định thể hiện tài năng nấu nướng. Ấy là vào một ngày đẹp trời (luôn là ngày đẹp trời!), mẹ bảo tôi làm món canh khoai với sườn trong nồi áp suất. Thằng con làm nhanh lắm, như đầu bếp chuyên nghiệp, mẹ vui mừng khôn tả vì “cháu nó đảm đang”. Có điều bà mẹ không tính được rằng thằng con đảm đang chưa nấu nồi áp suất bao giờ. Bạn biết đấy, trên nắp nồi áp suất có một cái van, khi thức ăn gần chín, nó sẽ quay tròn và xì khói. Lúc ấy, tôi cứ theo công thức nấu canh xong phải mở vung mà van vẫn đang xoay mòng mòng. Đến khi mở nắp thì ôi thôi. Bùm! Một tiếng nổ như lựu đạn rút chốt, nắp một nơi, nồi một nẻo, còn những thứ trong nồi õa ra khắp nơi. Mặt tôi dính đầy khoai, tóc nhuộm màu đỏ cà chua. Nghe tiếng nổ, mẹ tôi từ trên nhà chạy xuống, miệng hú hét:
-Mày làm cái gì thế hả? Ai bảo mày mở nồi?
Và rồi mẹ phải đi dọn bãi chiến trường mà tôi tạo ra. Dọn đến đâu, bà cụ chửi tới đó, chửi như thể tôi là thằng khủng bố phá hoại hòa bình bằng nồi áp suất. Mà tổ sư, canh khoai ngon thì ngon nhưng ám vào người thì tắm gội mấy vẫn có mùi. Kỳ cọ mãi vẫn chưa sạch cái đầu bết cà chua, tôi đâm ra ghét Linh. Tại sao lại là nấu ăn? Tại sao không phải uýnh lộn mà lại là nấu ăn? Đàn bà lắm điều! Grào!
Dù vậy, nhìn vào hai sự vụ trên, tôi tức Linh theo kiểu giận cá chém thớt. Nguyên nhân sâu xa cũng vì tôi không có được em. Nhưng chuyện mà tôi sắp kể sau đây thì đúng là lỗi của em thật. Tôi phát hiện ra em nói nhiều kinh khủng! Và phụ nữ không hiểu rằng tật nói nhiều của họ sẽ gây nên án mạng nếu họ không kiềm chế.
Chuyện bắt đầu khoảng cuối học kỳ I năm 3 (trường tôi vẫn theo quy tắc niên chế, chưa đổi sang học tín chỉ), tôi bắt đầu làm quen với đám bạn của Linh. Đại khái có một cô bạn của Linh add facebook tôi, rồi tôi chat với cổ, xem chừng khá hợp cạ. Rồi sau đó cô nàng hẹn tôi đi café. Ừ thì café! – Tôi đồng ý. Ở buổi hẹn, hai đứa nói chuyện cũng hợp nhau một số vấn đề, thế là thành bạn. A, trước khi tiếp tục thì tôi khuyên bạn đừng mong chờ cuộc tình nào giữa tôi và cổ bởi cô ta đã có bạn trai từ trước rồi.
Nói sơ qua về nhân vật này thì đó là một cô nàng thấp thấp bé bé, miệng tuy nhỏ nhưng hét khá to. Cổ đã có người yêu, thằng này tập thể hình nên to vật vã; giả sử tôi và nó bụp nhau thì chẳng khác gì David choảng Goliath. Vì ngoại hình lệch lạc của cặp tình nhân này, tôi tạm gọi cô nàng là Oắt, anh chàng là Khủng. Bởi cô nàng Oắt hay gọi đi café nên tôi quen biết thằng cha Khủng. Thanh niên to vật vã này hễ hở ra là chém gió về thể hình và chương trình WWE, nhất là mấy tay đô vật. Nghe hắn kể, tôi nghi ngờ hắn dành tình yêu cho tay đô vật Undertaker nhiều hơn là Oắt. Tôi thì cứ nghe, thi thoảng thi triển vài món công phu bợ đít, Khủng khoái lắm. Hắn add facebook của tôi và hấp diêm mục News Feed bằng ảnh thể hình, chẳng khác mấy em gái mê nhạc Hàn đăng ảnh trai đẹp là mấy.
Những cuộc café với nàng Oắt và chàng Khủng kéo theo một lô lốc bạn của Linh. Nhưng nhân vật chính, Hoa Ngọc Linh gần như không bao giờ xuất hiện. Hoặc nếu xuất hiện, bên cạnh em lúc nào cũng có tay Trung trí thức. Em chào tôi, cười nói với tôi, hỏi han chuyện học hành, bạn bè; tất cả chỉ gói gọn trong ba phút, thời gian còn lại, em dành hết cho người yêu. Biết con gái khi yêu thì quên hết thảy, nhưng em kiệm lời với tôi quá! Tôi mong em quay sang nhìn tôi một chút, nói nhiều hơn một chút, cười nhiều hơn một chút. Song… chậc, bạn biết số tôi nhọ thế nào nên thôi khỏi kể thêm nữa, chứ không câu chuyện này sẽ dễ thành bi kịch lắm!
Nhưng lời khẩn cầu của tôi xem chừng đã chọc vào màng nhĩ của ông trời. Giữa tháng 12, gần dịp Noel, chàng Khủng tổ chức sinh nhật. Hắn gọi điện rủ tôi đi ăn lẩu. Ban đầu, tôi từ chối vì nghĩ đây chỉ là bạn bè xã giao, chúc mừng trên facebook là được, khỏi cần ăn uống nhiêu khê. Tôi nói với hắn:
-Em bận anh ạ, mai có buổi kiểm tra!
-Thế à? Anh tưởng chú rỗi thì qua đèo cái Linh. Thằng người yêu nó hôm nay bận cả ngày. Thôi để anh bảo Oắt qua đèo…
Chưa để hắn nói xong, tôi cướp lời:
-Sao anh không nói sớm? Anh qua đèo Oắt đi! Sao lại bỏ vợ con bơ vơ thế được? Để em đèo cái Linh cho!
-Chú vừa nói mai kiểm tra mà?
-Thế anh muốn nghe con Oắt gào lên à?
-Ờ… ờ… thằng này khôn! Ờ, thế 7 rưỡi nhé, ở phố… Chú qua giùm anh cái!
Khỏi cần hắn giục giã lần hai, tôi phóng xe đi ngay. Gần một năm không được đèo Linh, giờ mới lòi ra cơ hội, cả tôi lẫn con xe máy mừng vui khôn xiết. Tôi như Lữ Bố, xe như Xích Thố, cả hai cứ thế phóng vù vù. Chưa đầy mười lăm phút sau, tôi đã có mặt ở nhà Linh (bình thường phải nửa tiếng mới đến nơi). Đã bao lâu rồi tôi chưa được thấy em đứng một mình và không có thằng người yêu quẩn quanh? Tối nay, em là của tôi, không phải của đứa nào khác, khửa khửa!
Và rồi tôi đèo Linh tới điểm hẹn. Bàn tiệc sinh nhật gã Khủng hôm ấy có hơn mười người, dăm ba gã sở hữu thể hình rất “vâm”, chắc chắn là bạn của Khủng. Còn dăm ba người khác là bạn của Oắt và Linh, số còn lại lạ hoắc. Nói tóm lại, ngoài cặp tình nhân đũa lệch và Linh, tôi chẳng biết thằng cha căng chú kiết nào sất. Nhưng lẩu mùa đông ngon ở chỗ có rượu Vodka, mà đã Vodka vào thì chẳng phân biệt quen hay lạ, nam hay nữ, cứ rượu là xong hết. Ngay cả đám con gái như Linh và Oắt, mỗi nàng đều một chén. Vodka, Connecting People! Tôi uống kém, chấp nhận làm chiếu dưới rót rượu cho đàn anh, thi thoảng thổi đít cho những thằng to mồm nhất bàn nhậu, rồi âm thầm diệt mồi trong lúc chúng nó còn mải tán phét. Chỉ tội cho chàng Khủng bị thổi nhiều quá, thành ra hắn cứ uống mãi, uống mãi, tới mức suýt ngủ luôn trong nhà vệ sinh của quán lẩu.
Nhậu nhẹt tới 9 giờ, Linh bấm tay tôi bảo về. Hai đứa liền rời bàn nhậu. Trên đường về, tôi cố tình đi xe thật chậm. Tôi muốn lưu giữ khoảnh khắc này lâu, muốn ngửi thấy mùi rượu từ miệng em đang phả ra, muốn nhìn gương mặt đỏ vì rượu của em qua gương chiếu hậu. Tôi chờ đợi em lên tiếng. Nhưng xe đương bon bon chạy, bỗng nó lao xuống ổ gà. Một cơn xóc mạnh kèm theo một áp lực nhè nhẹ đè xuống bụng của tôi. Là Linh ôm tôi chăng? Không, tôi nhận ra thứ áp lực này không phải từ bên ngoài, mà là từ trong dạ dày của tôi. Khốn nạn thay, đây không phải “đi nhẹ”, mà là “đi nặng”. Thôi bỏ mẹ con rồi! Ban nãy nhúng thịt gà chưa kỹ đây mà! – Tôi tái mặt. Và tới lúc này, Linh mới lên tiếng:
-Lâu quá Tùng không đèo mình nhỉ? Tùng nhớ ngày trước đèo mình qua lăng Bác không?
Lãng mạn đấy em ơi, nhưng bây giờ đếch hợp tí nào! – Tôi đáp khe khẽ như cố ngăn cái bụng mình nặng thêm:
-Ừ…ừ…
-Không biết giờ người ta còn cho đi xe đạp vào lăng Bác không nhỉ? Hồi lớp 9, bọn mình thường ra đấy chơi, đúng không?
Tôi khịt mũi, cố gắng điều hòa nhịp thở. Tôi bắt đầu cảm thấy nặng nề hơn, đũng quần như đeo quả tạ nặng năm ký. Tôi thở dốc:
-Ừ… ừ… tôi nhớ!
Em cười tươi:
-Mình nhớ hồi ấy Tùng đi xe mini Nhật, đúng không? Cái xe ấy giờ sao rồi?
Tôi rẽ xe máy sang phải tiến vào đường mới. Ngay khúc rẽ có một cái ổ gà, xe lại chồm xuống rồi nảy lên. Tôi gần như nín thở vì quả tạ dưới đũng quần giờ đã thành mười ký. Trong thoáng chốc, tôi cảm tưởng hàng chục cái xi lanh loại tiêm phòng cho bò đang đâm vào mông mình, khó chịu vô cùng! Tôi thở ngắt quãng như bà bầu đang đau đẻ, giọng yếu ớt:
-Tr… tr… trượt cá! Hỏng! Cho… cho thằng em họ!

Tôi chẳng hiểu tại sao em kể chuyện cũ, mà tôi cũng không quan tâm. Tôi chỉ mong con đường phía trước đừng có ổ gà hay nắp hố ga nữa, dính vài phát chồm xuống nảy lên nữa là có án mạng! Linh cười tươi, chẳng thèm để ý đầu tôi chảy đầy mồ hôi, dù là đang giữa mùa đông. Lát sau, em lại nói:
-Ờ, tự dưng mình kể chuyện ấy làm gì nhỉ? Chắc mình say rồi! Đừng đế ý nhé! Dạo này mình gặp nhiều chuyện quá! Ông Trung ấy mà… trông vậy thôi, ổng bừa bộn lắm! Ổng quen đi phượt rồi, tính cách bừa bãi, mình nói mãi chẳng chịu nghe. Hồi trước, mình cứ tưởng ông ấy hiền lành, ai dè cũng gia trưởng lắm! Lấy con nhà gia trưởng khổ lắm, Tùng thấy đúng không? Ổng con một mà…
Linh cứ tiếp tục huyên thuyên về chàng người yêu của em. Em nói nhiều khủng khiếp! Luẩn quẩn mỗi cái chuyện gã người yêu sống bừa bãi, em nói không ngừng nghỉ. Mà mỗi lần nói xong một đoạn, em lại “Tùng thấy đúng không”, thành ra tôi phải mở miệng đáp lời. Chó chết là khi nói, cái bụng của tôi càng thêm nặng, đũng quần giờ nặng như quả tạ hai mươi ký:
-Ừ…ừ… tôi thấy… ui… ui… cứ từ từ giải quyết… ui…
Mấy tiếng “ui” là tôi đang nín thở. Lúc đang dừng đèn đỏ, tôi phải nhổm người lên, hai chân khép lại, năm đầu ngón chân cào đế giày liên hồi. Trời ơi, cuộc hẹn của con sao lại biến thành thế này? Đừng có ra! Đừng có ra! – Tôi thở phù phù. Trong khi đó, Linh vẫn nói như chẳng có chuyện gì xảy ra:
-Mà khổ cái nữa là ông Trung không biết nấu ăn. Hôm trước mình nhờ ổng luộc rau thôi mà cũng không làm được. Ổng được chiều từ bé rồi mà, có biết làm cái gì đâu! Mà Tùng biết nấu ăn không vậy?
Lúc này, tôi thở còn khó chứ đừng nói là mở miệng phát ngôn. Bằng một nỗ lực tuyệt vời, tôi thít cơ mông gồng cơ đít, sau trả lời:
-Có… có… biết!
Giọng nói của tôi giờ mong manh như dây đàn căng hết cỡ mà chỉ cần chạm nhẹ vào là mọi thứ… tóe tòe loe. Linh nhận ra điều ấy, em hỏi:
-Tùng sao thế? Sao đổ mồ hôi nhiều thế?
-Mình… say… – Tôi đáp.
-Thế à? Thế dừng xe lại nghỉ đã, đi kiểu này nguy hiểm lắm!
Em dừng xe để giết tôi à! – Tôi muốn gào lên. Dù vậy, điều an ủi là từ đó tới khi về nhà Linh, em không nói câu nào nữa vì sợ tôi mất tập trung. Em nghĩ tôi say thật! Lúc xuống xe, em ân cần hỏi han tôi:
-Tùng đi được chứ? Hay vào nhà mình một tí đã rồi về?
Vào nhà em? Trong đó có nhà vệ sinh! – Tôi sáng rực mắt. Nhưng tôi ngay lập tức từ bỏ ý định, bởi lẽ cơn đau trong bụng tôi khi thoát ra sẽ nổ như bom nguyên tử, chất phóng xạ lan khắp bảy gian nhà ba gian bếp không chừng! Và Linh sẽ biết ngay tôi xạo ke chuyện say rượu. Không được, không thể được! Thà chết oai hùng trước mặt gái còn hơn sống tủi nhục! Tôi hùng hồn đáp:
-Không sao! Mình tự về được!
-Ừ, về rồi nhớ gọi điện ình nhé!
Nói xong, tôi liền đi ngay. Song khốn khổ là tôi không thể đi nhanh vì cơn buồn đi nặng giờ đã như quả tạ trăm ký sắp kéo rách đũng quần. Lỡ xe va phải ổ gà, thảm kịch sẽ xảy ra! Cố lên, chiaki, rồi mày sẽ về được nhà! Cố lên! – Tôi tự nhủ.
Sau hai mươi phút, cuối cùng tôi đã về đến nhà. Chẳng còn dáng điệu hiên ngang mọi khi, tôi vừa bước vừa ôm bụng, hai chân líu ríu vào nhau như nàng dâu ngày đầu về nhà chồng, như gái còn trinh lần đầu đi nhà nghỉ. Thuyết tương đối khó hiểu sao? Albert Einstein khó hiểu sao? Đây này, thuyết tương đối đây này! Với tôi, đường tới nhà vệ sinh giờ còn xa hơn cả đường sang Tây Trúc thỉnh kinh. Bước được hai bước, tôi chợt nghe điện thoại rung. Là thằng Choác gọi. Mày bị làm sao? Bị gái đá? Hay bị sốt cao? Không, dù thế nào, mày cũng không thể cản tao tới nhà vệ sinh, tao phải lo cho cái thân tao trước đã, xin lỗi mày! Tôi ngắt điện thoại, tay kia ôm mông mà bước. Nhưng chưa đặt chân vào nhà vệ sinh, điện thoại lại réo. Ai gọi? Là Hoa Ngọc Linh gọi! Tính sao? Sau vài giây nấn ná, tôi bèn trả lời, mắt gần như ứa nước:
-Mình… về rồi nhé!
-Ừ, tại thấy Tùng đi lâu quá! Vậy là về rồi hả?
Tôi uốn éo vặn vẹo người trả lời em:
-Ừ… ừ…
-Hôm nay mình cũng say quá, Tùng đừng để ý nhé! Tí nữa…
Chẳng còn ngôn từ nào đủ sức diễn tả cảm giác của tôi lúc này. Trong niềm căm hận Hoa Ngọc Linh, tôi bèn trả lời gấp:
-Ừ, ừ! Tí mình gọi lại nhé!
Tôi vứt quách điện thoại rồi chạy vào nhà vệ sinh, sau đó làm việc cần phải làm. Em giận tôi cũng được, nhưng em đâu có biết vì tật nói nhiều của em, suýt chút nữa đời tôi biến thành thảm kịch?
Và đó cũng là đầu tiên, tôi thấy Hoa Ngọc Linh rất đáng ghét. Thật!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.