Câu lạc bộ Dumas

Chương 4- Phần 1


Đọc truyện Câu lạc bộ Dumas – Chương 4- Phần 1

II. BÀN TAY NGƯỜI CHẾT
Milady mỉm cười, và d’Artagnan cảm thấy chàng có thể xuống địa ngục rồi từ đó quay về vì nụ cười đó.
Dumas, BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM.
Có những bà góa không thể an ủi được và cũng có những bà mà bất kỳ người đàn ông nào cũng sẵn lòng đưa ra những lời khuyên thích hợp. Liana Taillefer chắc chắn thuộc loại thứ hai. Cao lớn tóc vàng, làn da trắng xanh, điệu bộ uể oải, ả thuộc loại đàn bà châm thuốc lá lâu ghê gớm và suốt thời gian đó cứ nhìn thẳng vào mắt người đàn ông. Vẻ lạnh lùng cao ngạo đó là kết quả của việc ả biết mình hao hao giống nữ minh tinh Kim Novak dù rằng thân hình hơi quá phì nhiêu, và là người hưởng lợi duy nhất từ ngài Enrique Taillefer quá cố, chủ nhà xuất bản và công ty trách nhiệm hữu hạn có tài khoản nhà băng mà thuật ngữ “có khả năng thanh toán” chỉ là một cách nói mập mờ hoa mỹ mà thôi. Thật đáng ngạc nhiên về số “xiền” một cá nhân có thể kiếm được từ việc xuất bản mấy cuốn sách dạy nấu ăn, thí dụ như Một ngàn món tráng miệng ngon nhất của La Mancha hay mười lăm xuất bản phẩm bán chạy nhất thuộc loại sách cổ điển đó, Bí quyết các món nướng.
Nhà Taillefer sống tại một căn hộ sang trọng ở nơi từng là lâu đài Marqués de Los Alumbres. Về phương diện trang trí, người chủ có vẻ nhiều tiền hơn là khiếu thẩm mỹ. Đó có thể là lý do duy nhất biện minh cho việc đặt thứ đồ sứ khó coi của Lladro – cô bé và con vịt – trong cùng một ngăn tủ với tượng mấy người chăn cừu bé nhỏ của hãng Meissen mà Enrique Taillefer quá cố hoặc bà vợ hẳn đã phải trả một món hậu hĩnh cho một tay buôn đồ cổ ma mãnh đặng mua về, Corso bình thản ghi nhận vậy. Tất nhiên còn có một cái bàn Bierdermeier và một chiếc piano Steinway đặt trên tấm thảm phương Đông quý phái. Và một sofa ấm cúng bọc da màu trắng trên đó Liana Taillefer ngồi vắt tréo đôi chân với những đường nét tuyệt mỹ. Chiếc váy đen dành cho các bà góa sành điệu chỉ che đến trên đầu gối khi ngồi, gợi ý tế nhị tới những đường cong phong nhiêu, bí ẩn và tăm tối ở phía trên, theo lời kể của Corso sau này. Cần nói thêm rằng không nên xem thường bình luận của Corso. Gã giống như một trong những tay đàn ông tư cách đáng ngờ sống với bà mẹ già mà mỗi sớm Chủ nhật đều vá áo rồi mang nước ca cao đến bên giường cho con; cái loại con cái hay xuất hiện trên phim ảnh, mắt đỏ hoe, vừa kéo lê hình hài cô độc theo quan tài dưới trời mưa vừa nức nở tuyệt vọng gọi mẹ, hệt một đứa bé mồ côi không nơi nương tựa. Nhưng cả đời Corso chưa bao giờ cần nhờ ai. Và nếu biết gã rõ hơn, hẳn bạn sẽ nghi ngờ liệu đã khi nào gã có một bà mẹ hay chưa.
“Tôi xin lỗi đã quấy rầy bà vào lúc như thế này,” Corso nói.
Gã ngồi đối diện người đàn bà góa, áo khoác vẫn trên người, cái túi vải trên đầu gối, thân hình vươn thẳng ghé vào mép ghế. Đôi mắt to xanh nhạt lạnh băng của Liana Taillefer chậm rãi quét từ đầu đến chân gã như thể muốn xác định gã thuộc típ đàn ông nào ả từng biết. Gã dám đảm bảo việc đó không dễ tí nào. Lặng lẽ chịu đựng ánh mắt dò xét của ả, gã cố không tạo nên ấn tượng nào đặc biệt. Gã đã quen với trò này và biết rằng lúc đó bà quả phụ Taillefer chẳng hề đánh giá gã cao cho lắm. Dù sao thì điều đó cũng hạn chế bớt việc dò xét bởi thói tò mò không đáng có. Ả đã bắt Corso chờ đợi mười phút sau khi gã cãi lộn với cô hầu phòng cho rằng gã là một tay chào hàng và định sập cửa trước mũi gã. Nhưng giờ tình thế đã thay đổi, người đàn bà góa đang liếc nhìn tập bản thảo bọc nhựa gã moi từ trong túi ra. Về phần gã, qua cặp kính cong queo, Corso buộc mình dõi theo cái nhìn chằm chặp của Liana Taillefer để khỏi bị hút vào những lượn cát nóng bỏng khiến người ta choáng váng ngất ngây kéo dài từ trên ngực (bộ ngực phì nhiêu, từ này mới chuẩn, gã quyết định sau khi đã nghĩ hồi lâu) xuống tận gót dưới chiếc áo len angora bó sát thân hình.
“Sẽ rất có ích cho tôi,” sau cùng gã nói, “nếu bà nói cho tôi những điều bà biết về tài liệu này.”
Gã đưa tập bản thảo cho ả, bất chợt bàn tay gã chạm nhẹ vào những móng tay dài sơn đỏ như máu. Cũng có thể tay ả quệt vào tay gã. Bất kể thế nào, sự đụng chạm này cũng cho thấy mệnh giá của Corso đã tăng lên đáng kể. Gã liền ra cái vẻ bối rối rất chi là thích hợp, vừa đủ để ả thấy rằng quấy quả một góa phụ xinh đẹp không phải là thói quen của gã. Bây giờ thì đôi mắt xanh không còn nhìn vào tập bản thảo nữa, nó nhắm thẳng vào Corso và lóe lên thích thú.
“Tại sao tôi phải biết về nó?” người đàn bà góa hỏi, giọng sâu lắng và hơi khô. Dấu hiệu của một đêm nặng nề. Ả chưa lật xem bản thảo mà vẫn đăm đăm nhìn Corso, như đang chờ điều gì khác trước khi xem bản thảo và thỏa mãn trí tò mò. Gã chỉnh lại cặp kính trên sống mũi và làm bộ nghiêm nghị. Đây là bước giới thiệu theo khuôn phép, vì vậy gã muốn dành “nụ cười thỏ non” cho bước sau.
“Cho đến gần đây nó thuộc về ông nhà.” Gã ngừng một chút. “Cầu cho linh hồn ông ấy bình an.”
Ả chậm rãi gật đầu, tuồng như nói thế là đã rõ, rồi mở tập bản thảo. Corso nhìn lên tường qua vai ả. Ở đó, giữa bức tranh của Tapies và một bức khác mà Corso không nhận ra chữ ký, là một khung tranh thêu với đường nét trẻ thơ có những bông hoa nhỏ nhiều màu sắc, có ký tên và đề ngày tháng: Liana Lasauca, năm học 1970-1971. Corso nghĩ tác phẩm sẽ thành công nếu những bông hoa, mấy con chim thêu và cô bé mang tất ngắn có bím tóc vàng kia thuộc loại có khả năng làm trái tim gã tan chảy. Nhưng chúng lại không được như thế. Vì vậy gã quay sang một bức hình nhỏ trong khung bạc. Trong hình là ngài Taillefer quá cố, ông chủ nhà xuất bản, với cái muỗng thử rượu vang bằng vàng đeo trên cổ, đeo chiếc tạp dề bằng da khiến ông ta trông như một tay thợ nề. Ông ta đang chuẩn bị xẻ thịt một con lợn sữa quay và mỉm cười với ống kính. Một tay cầm cái đĩa, tay kia cầm một trong mấy ấn phẩm thành công. Ông ta nom bình thản, múp míp, bụng phưỡn, hớn hở trước con vật bé nhỏ nằm trên cái đĩa trước mặt. Corso tự nhủ, Taillefer chết sớm thì ít nhất cũng đỡ phải lo lắng về bệnh gút và cholesterol cao. Gã cũng băn khoăn, với bản tính tò mò lạnh lùng nghề nghiệp, không hiểu lúc chồng còn sống Liana Taillefer làm sao để có thể đạt đến cực khoái khi ả cần cực khoái. Nghĩ vậy, gã liếc nhanh bộ ngực và cặp chân người góa phụ và tin là mình đúng. Còn lâu ả mới thỏa mãn với con lợn sữa nọ.

“Đây là của cái ông Dumas ấy,” ả nói và Corso hơi nhổm lên, lanh lợi và nhạy bén. Liana Taillefer gõ gõ móng tay đỏ chót lên cái vỏ nhựa của tập bản thảo. “Cái chương nổi tiếng. Đương nhiên tôi biết.” Mái tóc xõa xuống mặt khi ả nghiêng đầu về phía trước. Nhìn người khách qua suối tóc vàng với vẻ nghi hoặc, Liana hỏi, “Làm sao nó ở trong tay ông?”
“Chồng bà bán đi. Tôi đang cố tìm hiểu xem nó có phải đồ thật hay không.”
Người đàn bà góa nhún vai. “Theo như tôi biết, nó không phải là đồ giả.” Ả thở dài đưa trả lại tập bản thảo. “Ông nói ông ấy bán nó đi ư? Thật lạ.” Ả nghĩ ngợi đôi chút. “Bản thảo này có ý nghĩa với Enrique nhiều lắm.”
“Có thể bà nhớ ông nhà đã mua nó ở đâu.”
“Khó nói lắm. Tôi nghĩ ai đó đã mang đến cho ông ấy.”
“Ông ấy có từng sưu tập những bản thảo gốc không?”
“Theo tôi biết đây là bản duy nhất ông ấy có.”
“Ông nhà có từng nói là định bán nó không?”
“Không. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy thế. Ai mua nó vậy?”
“Một người buôn sách, khách hàng của tôi. Anh ta sẽ bán ngay sau khi tôi có bản báo cáo về nó.”
Liana Taillefer quyết định chiếu cố tới Corso thêm một chút. Thân giá của gã tăng vọt. Gã tháo kính ra lau bằng cái khăn tay nhàu nát. Không có kính trông gã vụng về yếu ớt hơn, gã biết thế. Khi gã nheo mắt như một con thỏ cận thị, ai cũng cảm thấy mình có nghĩa vụ giúp gã qua đường.

“Đây là nghề của ông à?” ả hỏi. “Chứng thực các bản thảo?”
Gã thoáng gật đầu. Người đàn bà góa trở nên mờ ảo và, thật lạ, gần gũi hơn.
“Đôi khi. Tôi cũng săn lùng sách hiếm, tranh in, những thứ tương tự. Tôi được trả tiền để làm chuyện đó.”
“Bao nhiêu?”
“Cũng tùy.” Gã đeo lại cặp kính và hình bóng Liana rõ nét trở lại. “Đôi khi rất nhiều, đôi khi chẳng đáng gì. Thị trường lên xuống lung tung.”
“Ông là một loại thám tử, đúng không?” ả vui hẳn lên. “Thám tử về sách.”
Đúng là thời điểm để mỉm cười. Gã cười, chìa ra bộ răng cửa, với mức độ khiêm nhường được tính tới từng milimet. Chấp nhận ta đi, nụ cười của gã nói.
“Phải. Tôi nghĩ bà có thể gọi như vậy.”
“Và khách hàng của ông kêu ông tới gặp tôi?”
“Đúng thế.” Lúc này gã có thể cho phép mình trông đáng tin cậy hơn, vì vậy gã gõ gõ mấy đốt ngón tay lên tập bản thảo. “Nói cho cùng thì tập bản thảo này từ đây mà ra. Từ nhà bà.”
Góa phụ chậm rãi gật đầu, mắt nhìn tập bản thảo, như đang nghĩ gì đó. “Thật lạ kỳ,” ả nói. “Tôi không tưởng tượng là Enrique lại đem bán bản thảo này. Mặc dầu mấy ngày cuối cùng hành vi của ông ấy khá lạ lùng… Ông nói tên người buôn sách đó là gì nhỉ? Người chủ mới ấy.”

“Tôi chưa nói.”
Ả ngạc nhiên song bình thản nhìn gã từ trên xuống dưới. Có vẻ ả không quen chờ đợi quá ba giây để khiến một người đàn ông bất kỳ làm theo ý mình.
“Vậy thì nói đi.”
Corso đợi một lát, đủ để Liana Taillefer bắt đầu sốt ruột gõ móng tay lên thành ghế sofa.
“Tên hắn là La Ponte,” sau cùng gã đáp. Đây là một mánh khóe của gã: nhượng bộ ít nhưng đủ khiến người khác cảm thấy thắng lợi. “Bà biết hắn?”
“Tất nhiên. Anh ta cung cấp sách cho chồng tôi.” Ả cau mày. “Anh ta thường lượn qua lượn lại mang tới cho ông ấy những tờ báo đăng những câu chuyện nhiều kỳ ngu ngốc. Tôi nghĩ anh ta có một tờ phiếu thu. Tôi muốn có một bản tờ phiếu đó, nếu anh ta không phiền.”
Corso khẽ gật và hơi nghiêng mình về phía ả. “Chồng bà rất hâm mộ Alexandre Dumas phải không?”
“Dumas á?” Liana Taillefer mỉm cười rũ lại mái tóc, mắt lóe lên vẻ giễu cợt. “Theo tôi.”
Ả đứng dậy, khoan thai, chậm rãi vuốt váy cho phẳng, nhìn quanh như thể chợt quên mất mình đứng lên làm gì. Ngay cả khi không mang giày cao gót ả cũng cao hơn Corso nhiều. Corso theo Liana Taillefer sang phòng làm việc kế bên. Theo sau ả, gã để ý tấm lưng rộng cùng cái eo chắc lẳn của ả, như của một vận động viên bơi lội. Gã đoán ả chừng ba mươi. Ả có nhiều tiềm năng trở thành một người phụ nữ Bắc Âu với bộ hông không biết nghỉ ngơi được tạo nên để cho ra đời những chú Erik và Siegfried tóc vàng.
“Tôi ước chúng đều là của Dumas,” ả trỏ những thứ trong phòng và nói. “Xem đi.”
Corso đưa mắt nhìn. Những bức tường phủ kín các giá sách oằn mình dưới sức nặng của những tập sách dày. Bản năng chuyên nghiệp khiến gã ứa nước miếng. Bước vài bước về phía trước, Corso sửa lại kính. Bá tước de Charny, Alexandre Dumas, tám tập, bộ sưu tập tiểu thuyết có hình minh họa do Vicente Blasco Ibanez biên tập. Hai nàng Diana, A. Dumas, ba tập. Ba người lính ngự lâm, A. Dumas, bốn tập, nhà xuất bản Miguel Guijarro, tranh khắc của Ortega. Bá tước Monte Cristo, A. Dumas, bốn tập của nhà xuất bản Juan Ros, tranh khắc của A. Gil. Cả bốn mươi tập Rocambole của Ponson du Terrail. Toàn tập Pardellanes của Zevaco. Lại Dumas nữa, ngoài ra còn có chín tập Victor Hugo và cũng ngần ấy cuốn của Paul Feval, có một cuốn Thằng gù[1] đóng bìa sang trọng bằng da Maroc màu đỏ viền vàng. Và The Pickwicj Papers của Dickens được Benito Pérez Galdós dịch sang tiếng Tây Ban Nha, cùng với mấy tập của Barbey d’Aurevilly và Bí mật thành Paris của Eugène Sue. Còn đây nữa Dumas – Bốn mươi lăm người lính cận vệ, Chuỗi hạt của Nữ hoàng, Các bạn đồng hành của Jehu rồi cuốn Cuộc báo thù ở đảo Corso của Mérimée. Mười lăm tập Sabatini, một số cuốn của Ortega y Frías, Conan Doyle, Manuel Fernández y González, Maye Reid, Patricio de la Escosura…
[1] Thằng gù: truyện phiêu lưu lịch sử của Paul Féval (1816-1887), xuất bản năm 1858 ở Paris.
“Hết sức ấn tượng,” Corso đánh giá. “Ở đây có bao nhiêu cuốn sách?”

“Không biết. Chừng hai ngàn. Hầu hết là ấn bản lần đầu theo xê ri, vì được đóng bìa theo từng kỳ. Một số có minh họa. Chồng tôi là một người sưu tầm nhiều tham vọng, ông ấy có thể trả bất cứ giá nào.”
“Xem ở đây thì thấy ông nhà đúng là một người đầy nhiệt huyết.”
“Nhiệt huyết?” Liana Taillefer mỉm cười ngỡ ngàng. “Đó thực sự là một niềm say mê.”
“Tôi muốn nói tới nghệ thuật ẩm thực…”
“Mấy cuốn sách dạy nấu ăn hoàn toàn chỉ là phương tiện kiếm tiền. Enrique có bàn tay vàng: trong tay ông ấy một cuốn sách dạy nấu ăn rẻ tiền cũng trở thành hàng bán chạy nhất. Nhưng đây mới là thứ ông ấy yêu quý thực sự. Ông ấy thích nhốt mình ở đây lật lật những tập sách cũ này. Chúng thường được in trên giấy xấu và ông ấy bị ám ảnh với ý nghĩ mình phải bảo vệ chúng. Ông có thấy cái nhiệt kế và cái đầu đo độ ẩm không? Ông ấy có thể đọc thuộc lòng tất cả các trang trong mấy cuốn ưa thích. Thỉnh thoảng lại thốt lên ‘lạy Chúa’ hay ‘úi dà’ v.v. Mấy tháng cuối cùng ông ấy viết.”
“Một thiên tiểu thuyết lịch sử?”
“Truyện nhiều kỳ. Tất nhiên, sao mà khác được.” Liana lại gần giá sách, lấy xuống một bản thảo viết tay dày, các trang được khâu vào nhau bằng tay. Nét chữ tròn và to. “Ông nghĩ gì về tựa đề của nó?”
“Bàn tay người chết hay tiểu sử Nữ hoàng Anne nước Áo[2],” Corso đọc. “Ồ, quả thực…” Gã đặt một ngón tay lên hàng lông mày để tìm từ chính xác. “Rất có ý nghĩa.”
[2] Anne Nữ hoàng nước Áo (1601-1666), đương kim Nữ hoàng nước Pháp và xứ Narva, nhiếp chính thay cho con trai Louis 14. Trong thời bà trị vì (1643-1651), hồng y giáo chủ Mazarin giữ chức thủ tướng. Là một nhân vật trung tâm trong Ba người lính ngự lâm của Dumas.
“Và chán ngắt,” ả tiếp lời, xếp lại tập bản thảo. “Hoàn toàn lỗi thời. Đúng là ngu ngốc, bảo đảm thế. Tin tôi đi, tôi biết mình nói gì. Mỗi lần viết xong một phần, ông ấy lại bắt tôi nghe từng trang, từ đầu chí cuối.” Ả cay đắng gõ lên dòng tựa đề được viết chữ hoa. “Trời ạ, tôi căm ghét mụ nữ hoàng ngu ngốc và cuốn tiểu sử này quá chừng.”
“Ông nhà dự định sẽ xuất bản chứ?”
“Phải, tất nhiên. Ký tên giả. Có lẽ ông ấy sẽ chọn cái tên gì đấy như Tristan de Longueville hay Paulo Florentini. Đó là tính cách rất điển hình của ông ấy.”
“Còn về chuyện tự treo cổ? Có phải cũng là tính cách của ông ấy không?”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.