Đọc truyện Câu lạc bộ Dumas – Chương 21- Phần 1
X. SỐ BA
Họ ngờ rằng hắn không có tim.
R. Sabatini, SCARAMOUCHE.
Corso có một sở trường hiếm thấy: gã có thể ngay lập tức biến một người xa lạ thành đồng bọn trung thành bằng một chút tiền boa, thậm chí chỉ bằng một nụ cười. Như đã thấy, có một vài điều ở gã – sự vụng về nửa có tính toán nửa không, cái dáng vẻ thỏ non thân thiện, vẻ bơ vơ lạ lõng không ra kiểu gì của gã – tất cả đều rất lôi cuốn. Điều này xảy ra với một vài người trong chúng ta. Và cũng xảy ra với Gruber, người gác cổng ở Louvre Concorde, người mà Corso có quan hệ làm ăn từ mười lăm năm trước. Gruber là người khô khan và điềm tĩnh, với mái tóc húi cua và biểu hiện của một tay chơi bài xì quanh năm suốt tháng trên khóe miệng. Trong cuộc rút quân năm 1944, khi y mười sáu tuổi và là quân tình nguyện Croatia trong sư đoàn Horst Wessel thứ mười tám, một viên đạn Nga đã xuyên vào xương sống y. Chuyện đó đã bắt y mang suốt đời tấm huân chương Chữ thập sắt hạng hai và ba đốt sống nhân tạo. Đấy là lý do khiến y luôn đứng cứng quèo đằng sau cái bàn tiếp tân, giống như trên người có một chiếc coóc xê bằng thép.
“Tôi cần ông giúp một tay, Gruber.”
“Vâng, thưa ngài.”
Y hầu như rập gót khi đứng nghiêm. Chiếc áo jacket màu vàng đỏ hoàn hảo với những chìa khóa vàng trên ve áo khiến lão già tha hương này mang bộ dáng nhà binh, rất chi hợp khẩu vị dân Trung Âu trọ trong khách sạn. Sau khi hệ thống Đông Âu sụp đổ và cộng đồng sắc tộc Xlavơ tan rã, họ tới Paris ngắm nhìn quảng trường Champs-Elysées bằng nửa con mắt và mơ về đế chế thứ Tư.
“La Ponte, Flavio, quốc tịch Tây Ban Nha. Và cả Herrero, Liana cũng vậy, mặc dù cô ta có thể dùng cái tên Taillfer hay de Taillefer. Tôi muốn biết họ có trọ ở khách sạn nào trong thành phố hay không.”
Gã viết mấy cái tên lên một tấm các rồi đưa cho Gruber kèm theo năm trăm quan. Corso thường nhún vai khi đưa tiền boa hay tiền hối lộ, như muốn nói, “Thỉnh thoảng tôi sẽ lại làm thế này với ông.” Điều đó khiến nó trở thành một sự trao đổi thân thiết và bí ẩn, thật khó nói là ai đang giúp ai. Gruber thường lịch sự lẩm bẩm “Merci m’sieu” với những người Tây Ban Nha theo tua trọn gói, với người Ý mang cà vạt to, với người Mỹ đeo những cái túi mang tên hãng hàng không và đội mũ bóng chày để nhận được món tiền boa mười quan khốn khổ, lẳng lặng cầm tờ giấy bạc ngân hàng của Corso, thậm chí không buồn gật đầu. Chỉ có bàn tay y vẽ thành nửa vòng tròn lịch thiệp đặng nhét nó vào túi với vẻ nghiêm trang dửng dưng của một tay hồ ly dành cho dăm ba người vẫn còn biết luật chơi, như Corso. Gruber học nghề từ thuở một người khách chỉ cần nhướng mày là đủ khiến nhân viên khách sạn lon ton chạy tới. Cái chất châu Âu sang cả ngày xưa trong các khách sạn quốc tế nay đâu còn nữa, chỉ đôi ba người sành sỏi còn sót lại.
“Quý ông và quý bà đó ở cùng nhau?”
“Không biết.” Corso nhăn mặt. Gã tưởng tượng cảnh La Ponte mặc áo choàng thêu trong phòng tắm và bà góa Taillefer nằm trên giường với chiếc áo ngủ bằng lụa. “Tôi cũng muốn biết điều đó.”
Gruber hơi khom lưng. “Sẽ mất vài giờ, ông Corso.”
“Tôi hiểu.” Gã nhìn dọc hành lang dẫn tới phòng ăn. Cô gái vẫn đấy, hai tay đút túi, cái áo khoác len thô kẹp dưới nách, đang chăm chú xem một màn hình quảng cáo nước hoa và khăn lụa. “Cô ta thì sao?”
Người gác cổng lôi dưới bàn ra một tấm các.
“Irene Adler,” y đọc. “Hộ chiếu Anh, cấp hai tháng trước. Mười chín tuổi. Địa chỉ: 223B phố Baker, London.”
“Đừng đùa với tôi, Gruber.”
“Chẳng bao giờ tôi tùy tiện thế, thưa ông Corso. Đó là những điều được ghi trong này.”
Có một sự nhắc nhở, một gợi ý rất khéo từ nụ cười của tay cựu nhân viên lực lượng võ trang SS. Corso mới chỉ một lần thấy y cười: ngày bức tường Berlin sụp đổ. Gã nhìn Gruber với cái đầu trọc bạc trắng, cái cổ cứng đờ, hai tay chống vào mép bàn rất cân xứng. Châu Âu ngày xưa, hay phần còn lại của nó. Gruber đã quá già, chẳng còn hơi sức đâu trở về quê hương, cộng với nguy cơ chẳng còn tìm thấy những gì trong trí nhớ của y; không còn tháp chuông Zagreb, không còn những thôn nữ tóc vàng nồng nàn thơm mùi bánh mì mới, không còn những cánh đồng xanh với những dòng sông và những cây cầu y đã chứng kiến nổ tung hai lần – một lần khi y còn trẻ, trong khi chạy trốn quân du kích của Tito, và lần nữa trên ti vi, mùa thu 1991, khi có mặt những người theo phong trào dân tộc Serbia. Corso có thể tưởng tượng Gruber đứng trước chân dung bụi bặm hoàng đế Franz Joseph trong phòng y, cởi chiếc jacket màu hạt dẻ với những chìa khóa vàng bé xíu trên ve áo như thể đó là tấm áo khoác của quân đội Áo Hung. Y có khi còn cho đĩa khúc quân hành của Radetsky vào máy hát, uống mừng bằng một cốc nước quả Montenegro và thủ dâm trong khi xem video về nữ hoàng Sissy.
Cô gái không xem màn hình nữa mà nhìn Corso. 223B phố Baker, gã thầm nhắc lại và cảm thấy rất muốn cười phá lên. Có thể gã sẽ chẳng hề ngạc nhiên nếu một gã hầu nhỏ xuất hiện để tống đạt lời mời tới uống trà với Milady de Winter ở lâu đài If hay tới cung điện Ruritania để gặp gỡ Richelieu, giáo sư Moriarty hay Rupert de Hentzau. Từ khi chuyện này trở thành sự kiện văn học, dường như đó là việc tự nhiên nhất trên đời.
Gã mượn cuốn danh bạ điện thoại rồi tìm số của bà nam tước Ungern. Rồi, mặc cho cô nhìn chằm chằm, gã bước tới phòng điện thoại công cộng ở hành lang xin một cuộc hẹn trong mấy ngày tới. Gã thử gọi số Varo Borja ở Toledo, không ai trả lời.
***
Gã đang xem tivi vặn nhỏ tiếng: một phim có Gregory Peck với những con hải cẩu quấn quanh, một vụ ẩu đả trên sàn nhảy khách sạn, hai con tàu buồn dọc đi bên nhau, sóng vỗ ầm ầm vào đuôi con tàu đang giương hết buồm lướt về phương Bắc, hướng về nền tự do địch thực bắt đầu chỉ cách bờ biển gần nhất mười dặm. Nơi cùi chỏ gã là một chai Bols – mực rượu nằm dưới vạch chuẩn cho phép – đứng gác trên cái bàn bên cạnh, trông như gã vệ binh già say rượu trước một trận đánh, giữa Chín cánh cửa và kẹp giấy đựng bản thảo Dumas.
Corso buông ly rượu, day day đôi mắt đỏ ngầu vì thuốc lá và rượu gin. Gã bày lên giường, với độ chính xác như một nhà khảo cổ, phần sót lại của cuốn thứ hai cứu được từ lò sưởi trong nhà Victor Fargas. Chẳng còn được bao nhiêu: tấm bìa cứng được lớp da bên ngoài bảo vệ ít hư hại hơn cả, nhưng phần còn lại thì chẳng gì hơn những lề giấy cháy thành than và dăm đoạn văn khó khăn lắm mới đọc được. Gã nhặt một mẩu giấy bị ngọn lửa nướng giòn đã ngả vàng:… si non obig.nem me. ips.s fecere,f.r q.qe die, tib. do vitam m.m sicut t.m… Hẳn là nằm ở góc bên dưới trang sách. Sau khi quan sát một hồi, gã tìm trang như thế ở cuốn số một. Đó là trang 89, và hai đoạn văn giống hệt nhau. Gã tiếp tục làm vậy với tất cả các đoạn còn lại, chỉ có thể xác định được mười sáu đoạn. Không thể tìm ra vị trí của hai mươi hai mẩu khác; chúng quá nhỏ hoặc quá nát. Mười một mẩu khác không có chữ, gã chỉ xác nhận được một trong số đó nhờ đoạn uốn số bảy của chữ số thứ ba nơi chỗ đánh số trang, trang 107.
Điếu thuốc cháy hết làm môi gã nóng bỏng. Giụi đầu mẩu vào cái gạt tàn, gã với chai gin tợp một ngụm. Gã đang mặc cái áo kaki vải bông cũ có những cái túi to đùng, tay áo xắn cao, đeo cái cà vạt nhăn nhúm. Trên ti vi, gã người Boston ôm một bà hoàng người Nga bên bánh lái của con tàu. Hai người đang lặng yên chuyển động cặp môi, hạnh phúc và đắm say dưới bầu trời Technicolor nhiều màu sắc. Trong buồng chỉ nghe thấy tiếng ồn từ những ô kính cửa sổ rung lên theo tiếng xe cộ ngoài đường chạy về phía Louvre, ở hai tầng bên dưới.
Nikon thích thứ đó. Corso còn nhớ nàng dễ dàng mủi lòng, một cô gái nhỏ đầy đa cảm, trước cảnh một cặp hôn nhau dưới bầu trời đầy mây, trong tiếng vĩ cầm và dòng chữ “The end” vắt ngang màn ảnh. Đôi khi, vẫn tóp tép nhai khoai tây rán đóng bao trong rạp chiếu bóng hay trước ti vi, nàng gục đầu vào vai Corso lặng lẽ khóc rất lâu, mắt đăm đăm nhìn màn ảnh. Lúc đó có thể là Paul Heinreid hát bài Merseillaise ở cà phê Rick; Rutger Hauer hấp hối gục đầu xuống sau viên đạn cuối cùng trong Blade Runner; John Wayne và Maureen O’Hara trước lò sưởi ở Innisfree; Custer và Arthur Kennedy trong đêm trước khi xảy ra chiến dịch Little Big Horn; O’Toole trong vai Jim bị quý ngài Brown lừa gạt; Henry Fonda trên đường tới O.K Corral; hoặc Mercello Mastroianni đứng dưới hồ nước ngập nửa người trong khu điều dưỡng, vớt cái mũ của một quý bà lên quơ đi quơ lại một cách trang nhã, điềm tĩnh, đắm chìm trong tình yêu một cặp mắt huyền. Nikon thích khóc về tất cả những thứ đó; nàng tự hào về những giọt nước mắt của mình. Thế nghĩa là em đang sống, sau đó nàng cười nói, mắt vẫn đẫm lệ. Vì em là một phần của thế giới và em lấy làm vui vì thế. Phim dành cho tất cả mọi người, chúng thật tập thể và bao dung, chúng làm cho lũ trẻ hân hoan khi chàng kỵ sĩ xuất hiện. Thậm chí sẽ hay hơn nếu được chiếu trên ti vi: hai người có thể cùng xem cùng bình luận. Còn những cuốn sách của anh thì thật ích kỷ. Cô độc. Thậm chí một số cuốn còn không thể đọc được. Chúng tan thành những mẩu vụn ngay khi ta mở ra. Một người chỉ quan tâm đến sách thì không cần ai khác, điều đó làm em sợ. Nikon ăn nốt miếng khoai rán cuối cùng rồi nhìn gã chăm chú, môi hé mở, tìm kiếm một dấu hiệu bệnh tật trên khuôn mặt gã mà rồi sẽ mau chóng tự bộc lộ. Đôi khi anh làm em sợ.
Kết cục có hậu. Corso bấm cái nút trên bộ điều khiển từ xa, hình ảnh trên ti vi liền biến mất. Bây giờ gã ở Paris, còn Nikon thì ở đâu đó tận châu Phi hay cùng Balkans chụp ảnh những đứa trẻ có đôi mắt buồn. Một lần trong quán bar, gã tưởng chừng thoáng được tin về nàng, trong âm thanh hỗn loạn của bom rơi đạn lạc. Những người tị nạn hoảng hốt vây quanh nàng, tóc nàng tết bím, một chiếc máy ảnh đeo trên cổ và một chiếc nữa giơ lên ngắm, đằng sau toàn khói và lửa. Nikon. Với tất cả những lời dối trá nàng chấp nhận không hề hỏi han, một kết thúc tốt đẹp quả thật là phi lý đến cùng cực. Những nhân vật chính nam và nữ sống hạnh phúc mãi mãi, và đoạn kết có vẻ như không còn gì để bàn cãi. Không có câu hỏi nào được đưa ra để hỏi hạnh phúc hay tình yêu kéo dài đến bao giờ trong cái sự “vĩnh hằng” vốn có thể chia theo tuổi thọ, năm tháng kia. Thậm chí là ngày. Cho tới khi kết cục đích thực, định mệnh không tránh được kia đến với họ, Nikon không chịu chấp nhận rằng sau đó hai tuần nhân vật nam chính có thể chết đuối khi thuyền của chàng đụng phải đá ngầm ở vùng biển phía Tây Xcốtlen. Hoặc rằng ba tháng sau nhân vật nữ chính bị tai nạn xe cộ. Hoặc rằng mọi thứ có thể khác đi theo hàng ngàn cách: một trong hai người có nhân tình, một trong hai người trở nên cay nghiệt và chán ngắt, một trong hai người muốn thoái lui. Có thể những đêm dài đầy nước mắt, im lặng và cô đơn rồi sẽ tiếp nối cái nụ hôn trên màn hình ấy. Có thể bệnh ung thư giết chết chàng trước tuổi bốn mươi. Có thể nàng vẫn sống rồi chết trong căn nhà của bố mẹ mình ở tuổi chín mươi. Có thể viên sĩ quan đẹp trai kia biến thành một phế nhân thảm hại, những vết thương của chàng trở thành một vết sẹo kinh khủng và trận chiến vinh quang của chàng bị mọi người quên lãng. Và có thể, già nua và bất lực, nhân vật chính nam và nữ chịu đựng những thử thách mà không có sức mạnh để chiến đấu hay bảo vệ chính mình, bị quăng quật tứ phía bởi sóng gió cuộc đời, sự ngu ngốc, thói ác độc và sự bất hạnh của thân phận con người.
Đôi khi anh làm em sợ, Lucas Corso.
***
Mười một giờ kém năm đêm hôm ấy, gã tìm được đáp án cho ngọn lửa bí ẩn trong nhà Victor Fargas. Mặc dù điều đó không làm mọi chuyện sáng tỏ hơn. Gã vươn vai ngái ngủ nhìn đồng hồ. Lại liếc nhìn lần nữa những mẩu giấy trên tấm ga trải giường, gã thoáng bắt gặp mình trong tấm gương nằm cạnh tờ bưu thiếp cũ lồng trong khung gỗ có hình mấy tay khinh kỵ binh bên ngoài giáo đường Reims. Áo quần xộc xệch, râu ria không cạo, cặp kính nằm vẹo vọ trên sống mũi. Gã bật cười, một nụ cười cáu kỉnh, vặn vẹo, như chó sói, chỉ dành cho những dịp đặc biệt. Và đây là một dịp. Tất cả những mẩu vụn của Chín cánh cửa mà gã đã cố nhận dạng được đều có xuất xứ từ những trang có chữ. Không thấy dấu vết của chín tranh minh họa và trang đầu. Có hai khả năng: hoặc chúng bị thiêu trong ngọn lửa, hoặc – có khả năng hơn, khi xem xét tờ bìa bị xé – ai đó đã lấy chúng trước khi ném phần còn lại của cuốn sách vào lửa. Dù là ai đi nữa, một gã hay một ả, thì cũng rất khôn ngoan. Hoặc là một bọn. Có lẽ là, sau khi bất ngờ nhìn thấy La Ponte và Liana Taillefer ở cột đèn giao thông, gã sẽ phải tập cho quen dùng ngôi thứ ba số nhiều. Vấn đề là những đầu mối Corso đang lần theo có sai sót hay là do âm mưu của đối phương. Dù là sai sót hay âm mưu, bọn họ cũng đều rất tinh vi kỹ lưỡng.
Vừa nghĩ tới âm mưu, chợt tiếng chuông vang lên, Corso mở cửa và thấy cô gái đứng đó. Gã chỉ kịp giấu cẩn thận cuốn sách số một và bản thảo Dumas xuống dưới chăn. Cô vẫn mặc cái quần jean và áo pull như thường lệ, đi chân trần.
“Chào ông Corso. Hy vọng ông không định ra ngoài đêm nay.”
Cô không vào phòng mà vẫn đứng ở cửa, hai ngón tay cái thọc vào túi. Cô nhăn mặt như thể đang chờ đợi tin xấu.
“Cô khỏi cần đề phòng.” Corso cam đoan.
Cô cười, an ủi gã. “Em kiệt sức rồi.”
Gã quay lưng lại phía cô rồi bước tới cái bàn đầu giường. Chai gin trống rỗng, vì vậy gã tìm trong tủ rượu cho đến khi đắc ý đứng lên với một chai gin bé xíu trong tay. Gã dốc cạn rượu trong chai vào cái ly rồi tợp một ngụm. Cô gái vẫn đứng ở cửa.
“Họ lấy mất các bức tranh khắc. Cả chín bức.” Gã huơ cái chai về phía đám mẩu vụn của cuốn sổ 2. “Họ đốt phần còn lại để không bị lộ. Do vậy mà không phải tất cả đều bị cháy. Họ muốn bảo đảm còn một số mẩu vụn nguyên vẹn để cuốn sách chính thức được coi như bị hủy.”
Cô gái nghiêng đầu nhìn gã chăm chú. “Ông thật thông minh.”
“Tất nhiên. Đấy là lý do người ta cần có tôi.”
Cô gái đi mấy bước trong phòng. Corso nhìn đôi bàn chân trần đặt trên thảm, bên cạnh giường. Cô đứng đó xem những dòng chữ trên mẩu giấy cháy.
“Fargas không đốt cuốn sách,” gã thêm. “Ông ta không có khả năng làm chuyện như thế… Họ đã làm gì ông ta? Phải chăng ông ta tự tử, như Enrique Taillfer?”
Cô không trả lời ngay mà nhặt một mẩu giấy lên coi. “Hãy tự tìm câu trả lời,” cô nói. “Đấy là lý do người ta cần ông.”
“Còn cô?”
Cô vẫn im lặng đọc, cặp môi mấp máy như thể cô hiểu các từ ngữ. Khi đặt mẩu giấy xuống giường, nụ cười của cô quá già so với tuổi.
“Ông biết vì sao em ở đây rồi: Em phải trông nom. Ông cần em.”
“Tôi chỉ cần thêm rượu gin.”
Gã tự rủa mình rồi uống cạn cốc rượu, gắng sức che giấu vẻ bồn chồn lo lắng. Mặc xác nó. Màu xanh như ngọc, màu trắng sáng ngời, đôi mắt ấy cùng nụ cười ấy bừng lên trên nền da nâu, cái cổ trần ấm áp đầy sức sống ngẩng cao. Mày có tin nổi không, Corso. Ngay cả bây giờ, với bao nhiêu phiền não, mày vẫn đang nghĩ đến đôi tay rám nắng kia, cái cổ thanh mảnh kia, những ngón thật dài kia. Gã nhận ra dưới lần áo pull chật căng, bộ ngực cô tuyệt đẹp. Trước đó gã chưa có lúc nào quan sát nó cẩn thận. Gã hình dung chúng rám nắng và nặng trĩu dưới lớp vải bông, hình dung xác thịt tạo thành từ bóng tối và ánh sáng. Một lần nữa gã để ý hơn tới chiều cao của cô. Cô cao bằng gã. Có khi còn hơn.
“Cô là ai?”
“Một con quỷ,” cô đáp. “Con quỷ đang yêu.”
Rồi cười. Cuốn sách của Cazotte nằm trong cái tủ buýp phê, bên cạnh Hồi ký đảo Sainte Hélène cùng với một số giấy tờ. Cô nhìn nhưng không đụng vào chúng. Rồi đặt một ngón tay lên đó và quay lại Corso.
“Ông tin ma quỷ không?”
“Tôi được trả tiền để tin. Đại khái như trong việc này.”
Cô chậm rãi gật đầu, như thể đã biết gã sẽ trả lời thế nào. Cô tò mò nhìn Corso, miệng hé mở, đợi chờ một dấu hiệu hay cử chỉ mà chỉ cô mới hiểu.
“Ông biết vì sao em thích cuốn này không, Corso?”
“Không. Nói đi.”
“Bởi vì nhân vật chính là người thành thật. Mối tình của anh ta không phải là một trò bịp để vùi dập một linh hồn. Biondetta dịu dàng chung thủy. Những điều cô ngưỡng mộ ở Alvaro cũng giống như những điều con quỷ ngưỡng mộ ở loài người: lòng dũng cảm, tính độc lập…” Mi mắt cô cụp xuống trong một thoáng. “Khát vọng hiểu biết và sự minh mẫn.”
“Có vẻ như cô biết rất nhiều. Cô biết những gì về toàn bộ chuyện này?”
“Nhiều hơn ông tưởng tượng nhiều.”
“Tôi chẳng tưởng tượng gì sất. Mọi thứ tôi biết về con quỷ, những yêu và ghét của nó đều từ văn học: Thiên đường đã mất, Hài kịch thần thánh, Faust và Anh em nhà Karamazov.” Gã phác một cử chỉ mơ hồ, lảng tránh. “Tôi chỉ gián tiếp biết về Lucifer.”
Giờ thì cô nhìn gã vẻ chế giễu. “Vậy ông thích con quỷ nào hơn? Quỷ của Dante?”
“Không. Quá khủng khiếp. Quá Trung cổ đối với tôi.”
“Mephistopheles?”
“Cũng không phải. Hắn quá hài lòng với bản thân. Một gã gạt người quá đáng, giống như một luật sư lừa đảo… Dù gì đi nữa tôi cũng không bao giờ tin những người cười quá nhiều.”
“Còn con quỷ trong Anh em nhà Karamazov?”
Corso nhăn mặt. “Bần tiện. Một tên đầy tớ tầm thường với móng tay bẩn.” Gã ngừng lại. “Tôi nghĩ con quỷ tôi ưa là thiên thần sa đọa của Milton.” Gã nhìn cô vẻ thích thú. “Đó là điều mà cô muốn tôi nói.”
Cô mỉm cười khó hiểu, ngón tay cái vẫn để trong túi. Gã chưa thấy ai mặc quần jean như thế bao giờ. Tất nhiên cần có cặp chân dài như của cô. Cặp chân của một cô gái trẻ vẫy xe đi nhờ bên đường, ba lô dưới chân, đôi mắt xanh quá là xanh kia chứa toàn bộ ánh sáng trên thế gian này.
“Ông thấy Lucifer thế nào?”
“Tôi chẳng có ý kiến gì.” Corso nhăn mặt, hững hờ. “Lầm lì và lặng lẽ, tôi nghĩ thế. Chán ngắt.” Gã trở nên chua chát. “Trên ngai vàng trong lâu đài hoang phế. Giữa một vương quốc tiêu điều, lạnh lẽo, đơn điệu, chẳng có bất cứ chuyện gì xảy ra.”
Cô im lặng nhìn gã. “Ông làm em ngạc nhiên đấy, Corso,” cuối cùng cô nói.
“Tôi không biết vì sao. Ai cũng có thể đọc Milton. Kể cả tôi.”
Cô chậm chạp đi một nửa vòng tròn quanh cái giường, giữ khoảng cách cố định với nó cho tới khi đứng giữa gã và cái đèn. Hoặc do cố ý hoặc không, cái bóng cô trùm lên những mẩu vụn của Chín cánh cửa rải trên tấm ga.
“Ông vừa nói đến cái giá phải trả.” Lúc này mặt cô chìm trong bóng tối. “Niềm kiêu hãnh, tự do… Tri thức. Dù là ngay từ đầu hay khi kết thúc, ông vẫn phải trả giá cho mọi thứ. Thậm chí cho lòng can đảm, đúng không? Ông không nghĩ rằng cần rất nhiều dũng cảm để đối mặt với thượng đế ư?”
Lời cô thầm thì êm như ru giữa cái tĩnh lặng tràn ngập căn phòng, thứ tĩnh lặng chui vào từ dưới cửa và qua những khe hở quanh cửa sổ… Ngay cả tiếng ồn ào của xe cộ ngoài đường có vẻ cũng dịu đi. Corso nhìn một cái bóng rồi cái bóng tiếp theo. Đầu tiên là hình bóng cách điệu trên tấm ga giường và những mẩu vụn của cuốn sách, rồi đến thân người đứng ngược sáng. Gã băn khoăn không biết cái nào mới thực hơn.
“Cùng với tất cả những đại thiên sứ đó,” cô, hay cái bóng cô nói thêm. Câu nói mang theo vẻ cay đắng, một tiếng thì thào khinh bỉ, tiếng thở dài của kẻ bại trận. “Đẹp đẽ và hoàn chỉnh. Có kỷ luật như lũ quốc xã.”
Vào thời điểm ấy cô không hề trẻ. Tựa như cô kiệt sức vì gánh nặng tuổi tác: một di sản mờ mịt, tội lỗi của những người khác, tội lỗi mà gã ngạc nhiên không thể xác định được là gì. Gã nghĩ có lẽ cả cái bóng trên giường lẫn hình người ngược sáng đều không phải là thực.
“Có một bức tranh ở bảo tàng Prado. Ông nhớ không, Corso? Những người đàn ông cầm dao đối mặt với các kỵ sĩ mang kiếm. Em luôn cho rằng thiên thần đọa lạc trong cơn bạo loạn trông cũng giống như thế. Cũng với vẻ mặt không còn gì để mất như đám người khốn khổ trong tay chỉ có mấy con dao đó. Lòng can đảm trong cơn tuyệt vọng.”