Đọc truyện Câu lạc bộ Dumas – Chương 2- Phần 2
Corso ngồi ghi chép. Rành mạch, bất chấp đạo đức và nguy hiểm như một con rắn đen châu Phi, sau này một người quen gã mô tả như vậy khi cái tên gã được nhắc tới trong câu chuyện. Gã thường nhìn người đối diện chằm chặp qua cặp kính vẹo vọ và thong thả gật đầu đồng tình với nét mặt thích hợp, đầy ý nghĩa nhưng đáng ngờ, giống như một ả gái điếm ngồi nghe bài thơ trữ tình một cách bao dung. Như thể sẵn lòng cho đối phương một cơ hội sửa sai trước khi quá muộn.
Lát sau, gã ngừng lại rồi ngẩng đầu lên. “Nhưng không phải ông chỉ viết tiểu thuyết ăn khách. Ông là một nhà phê bình văn học có tiếng trên những lĩnh vực khác…” gã ngập ngừng, tìm từ, “… nghiêm túc hơn. Bản thân Dumas chỉ coi những tiểu thuyết của mình như là thứ văn chương dễ dãi. Có phần nào thiếu tôn trọng độc giả.”
Đây là chiến thuật quen thuộc của gã. Một trong những nét đặc trưng của gã, giống như Rocambole chìa ra một quân bài thay vì tấm danh thiếp. Corso có thể phát biểu một câu rất bâng quơ, hồ như chẳng có ý gì, nhưng lại ngấm ngầm kích thích người đối thoại. Trong khi tranh luận, nếu anh xúc động, anh sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn cho đối phương. Tôi không ngốc và tôi biết Corso muốn gì, nhưng ngay cả vậy tôi vẫn cảm thấy bị kích động.
“Đừng cứng nhắc thế,” tôi đáp. “Thể loại truyện nhiều kỳ có rất nhiều món chỉ ăn được một lần, nhưng Dumas vượt xa tất cả. Trong văn học, thời gian giống như một vụ đắm tàu theo ý Chúa[4]. Tôi thách ông chỉ đích danh một vị anh hùng tưởng tượng nào mà lại sống sót mạnh khỏe như d’Artagnan và các bạn anh ta đấy. Sherlock Holmes có lẽ là một ngoại lệ. Đúng, Ba người lính ngự lâm là điển hình của tiểu thuyết phiêu lưu lãng mạn đầy rẫy những lời lẽ khoa trương và tội ác đủ loại. Nhưng nó cũng là một ví dụ nổi bật về thể loại truyện nhiều kỳ, và ở trình độ cao hơn hẳn. Một truyền thuyết về tình bạn và những cuộc phiêu lưu vẫn còn tươi rói ngay cả khi thị hiếu đã đổi thay, ngay cả khi có mặt cái xu hướng ngu ngốc xem thường hành động trong tiểu thuyết như hiện giờ. Có vẻ như từ Joyce ta đã phải miễn cưỡng thừa nhận Molly Bloom[5] mà bỏ lại nàng Nausicaa[6] xinh đẹp trên bờ biển sau vụ đắm tàu… Ông đã đọc bài tiểu luận ‘Ngày thứ Sáu hay là chiếc la bàn của con tàu’ tôi viết chưa? Hãy cho tôi Ulysses của Homer bất cứ lúc nào.”
[4] Vụ đắm tàu: ở đây nhắc đến vụ đắm tàu của Ulysses trên đường về quê hương sau cuộc chiến thành Troie.
[5] Molly Bloom: nhân vật trong tiểu thuyết Ulysses của James Joyce, nhà văn, nhà thơ Ireland (1882-1941).
[6] Nausicaa: nhân vật trong trường ca Odyssée của Homer, con gái vua Alcinous và hoàng hậu Arete xứ Phaeacia, từng giúp đỡ Ulysses sau vụ đắm tàu.
Tôi nhấn mạnh vào đó rồi đợi phản ứng của Corso. Gã lặng lẽ cười nhạt, nhưng, nhớ đến biểu hiện của gã khi tôi đề cập đến Scaramouche, tôi cho rằng mình đã đi đúng hướng.
“Tôi biết ông ám chỉ điều gì,” sau cùng gã nói. “Quan niệm của ông được nhiều người để ý và gây tranh cãi, thưa ông Balkan.”
“Đó là vì chính tôi đã từng thể nghiệm nó. Còn về chuyện khinh thường độc giả, như ông khẳng định vừa rồi, có lẽ ông không biết rằng tác giả Ba người lính ngự lâm đã chiến đấu trên đường phố trong thời cách mạng 1830 và 1848. Và chính ông đã cung cấp vũ khí mua bằng tiền túi của mình cho Garibaldi. Đừng quên rằng cha Dumas là một vị tướng nổi danh của nền cộng hòa… Một người thiết tha yêu tự do và nhân loại.”
“Mặc dù ông ta chỉ tôn trọng sự thật một cách tương đối.”
“Điều đó không quan trọng. Ông biết ông ấy trả lời thế nào những người buộc tội mình cưỡng hiếp lịch sử không? ‘Đúng, tôi cưỡng hiếp lịch sử, nhưng để cho ra đời những đứa trẻ tuyệt vời.’”
Tôi đặt bút xuống, đi tới dãy tủ kính ken đầy sách phủ kín cả bức tường trong phòng làm việc, lấy ra một tập sách bằng da sẫm màu.
“Như tất cả những nhà kể chuyện ngụ ngôn vĩ đại,” tôi tiếp tục, “Dumas chẳng cần sự thực. Bá tước Dash, một người biết ông rất rõ, viết trong hồi ký rằng bất kỳ một giai thoại hoang đường nào qua tác phẩm của ông cũng được đón nhận như một sự thật lịch sử. Hồng y giáo chủ Richelieu chẳng hạn, là người vĩ đại nhất thời bấy giờ, nhưng một khi ngài Dumas phản phúc đã nhúng tay vào thì chỉ còn lại hình ảnh một con người hung ác xảo trá là lưu lại cho chúng ta mà thôi…” Tôi quay lại phía Corso, tay cầm cuốn sách. “Ông biết cuốn này chứ? Tác giả Gatien de Courtilz de Sandras là một lính ngự lâm sống vào cuối thế kỷ mười bảy. Đó là hồi ký của d’Artagnan thật, Charles de Batz-Castelmore, công tước d’Artagnan. Người này là dân Gascogne, sinh năm 1615 và đúng là một lính ngự lâm, mặc dù ông ta sống dưới thời hồng y Mazarin chứ không phải Richelieu. Ông ta chết năm 1673 trong chiến dịch bao vây Maastricht vào thời điểm mà, giống như huyền thoại cùng tên, ông ta sắp trở thành thống chế nước Pháp… Ông thấy đấy, hành động cưỡng hiếp của Dumas quả tình đã sinh ra đứa nhỏ xinh đẹp làm sao, một gã Gascogne bằng xương bằng thịt không ai biết tới, bị lịch sử bỏ rơi, nhờ ngòi bút thiên tài của nhà văn mà đã trở thành một huyền thoại phi thường.”
Corso ngồi nghe. Cầm lấy cuốn sách, gã cẩn thận đọc lướt đầy hứng thú. Mấy đầu ngón tay khẽ khàng lật từng trang sách. Đôi khi gã chững lại ở một cái tên hay một đầu chương. Đôi mắt đằng sau cặp kính linh hoạt và tự tin. Chỉ có một lần, gã ngừng lại để ghi vào sổ: “Hồi ký của ngài d’Artagnan, G. de Courtilz. 1704, P. Rouge, 4 tập, khổ 12 mo[7], xuất bản lần thứ tư.” Sau đó gã gập sổ lại rồi nhìn tôi.
[7] mo, vo, folio, recto, quarto…: các chuẩn quốc tế về kích cỡ sách.
“Ông nói ông ta là một kẻ bịa chuyện.”
“Phải,” tôi đáp rồi lại ngồi xuống. “Nhưng là kẻ bịa chuyện thiên tài. Trong khi một số người chỉ biết ăn cắp ý tưởng thì ông ta lại tạo ra một thế giới tồn tại mãi đến nay… ‘Không phải ăn cắp mà là chế ngự’, ông thường nói vậy. Mỗi lãnh địa ông chiếm được liền được sáp nhập vào đế quốc của mình: Ông đặt ra luật lệ, đưa dân tới định cư với lễ nhạc và nghị lực, cái bóng khổng lồ của ông trùm lên toàn cõi. Thử hỏi đó còn là thứ gì khác ngoài sáng tạo văn chương? Với Dumas, lịch sử nước Pháp là một nguồn tài nguyên dồi dào. Và thủ đoạn của ông thật siêu phàm: Ông thay bức tranh nhưng vẫn để nguyên cái khung, vắt kiệt kho báu được dâng tặng cho mình. Ông đổi vai chính thành vai phụ, biến kẻ tầm thường thành nhân vật chủ đạo, rồi ông tạo ra sự kiện từ những chi tiết chỉ chiếm đôi dòng trong biên niên sử. Hiệp ước bè bạn giữa d’Artagnan và các bạn chưa bao giờ tồn tại, lý do là một nửa trong số họ chẳng hề biết những người kia. Không có cả công tước de la Fère. Hoặc đúng hơn là có vài người trong số họ, dù rằng không có ai tên Athos. Nhưng Athos quả thật tồn tại. Đó là Armand de Sillegue, huân tước Athos, chết trong một cuộc đọ kiếm trước khi d’Artagnan trở thành lính ngự lâm của nhà vua. Aramis là Henri d’Artamitz, một điền chủ và là thầy tu dân dã làm quản gia ở Oloron, được nhận vào lính ngự lâm nhờ sự thỉnh cầu của ông chú vào năm 1640. Anh ta chết tại điền trang của mình, có vợ và bốn đứa con. Còn về Porthos…”
“Đừng nói với tôi là cũng có một Porthos nhé.”
“Có chứ. Tên anh ta là Isaas de Portau và hẳn là có quen biết Aramis, bởi vì anh ta tham gia ngự lâm quân chỉ sau anh này có ba năm, năm 1643. Theo biên niên sử, anh ta chết yểu vì bệnh dịch trong thời chiến, hoặc cũng có thể trong một cuộc quyết đấu như Athos.”
Corso gõ gõ ngón tay lên cuốn Hồi ký của d’Artagnan và lắc đầu mỉm cười. “Giờ thì chắc ông nói với tôi là có một Miladdy.”
“Chính xác. Nhưng tên bà ta không phải là Anne de Breuil, cũng chẳng phải nữ công tước De Winter. Cũng không có hình xăm hoa huệ trên vai. Nhưng đúng là mật vụ của Richelieu. Bà ta là nữ bá tước Carlisle và từng nẫng mất hai viên kim cương của công tước Buckingham… Đừng nhìn tôi thế. Tất cả là từ hồi ký của La Rochefoucauld. Và La Rochefoucauld là người rất đáng kính.”
Corso nhìn tôi chằm chằm. Gã là người không dễ ngạc nhiên, đặc biệt khi nói đến sách, nhưng lần này gã có vẻ xúc động. Về sau, khi hiểu gã hơn, tôi tự hỏi không biết vẻ ngạc nhiên của gã là thật hay chỉ là một mánh lới nghề nghiệp. Bây giờ khi mọi chuyện đã qua, tôi nghĩ tôi hiểu: Tôi là thêm một nguồn tin nữa và gã đang cố moi được ở tôi càng nhiều càng tốt.
“Tất cả những điều này rất thú vị,” gã nói.
“Nếu ông tới Paris, Replinger có thể cho ông biết nhiều hơn tôi.” Tôi nhìn bản thảo trên bàn. “Tuy nhiên, tôi không chắc những thứ đó đáng tiền hơn cái giá trị của chuyến đi… Chương này bán được bao nhiêu trên thị trường?”
Gã lại tiếp tục gặm cây bút chì và có vẻ nghi ngờ. “Không nhiều lắm. Thực ra tôi đang theo đuổi thứ khác.”
Tôi cười buồn. Trong số tài sản của tôi, có một bản Don Quijote của nhà Ibarra và một chiếc Volkswagen. Tất nhiên cái xe giá trị hơn quyển sách.
“Tôi hiểu ông muốn nói gì,” tôi nhiệt tình đáp.
Corso phác một cử chỉ ra ý bỏ qua, nhe hàm răng chuột cười chua chát. “Trừ phi người Nhật chán Van Gogh và Picasso, quay sang đầu tư vào những cuốn sách hiếm,” gã nói.
Tôi nhún vai: “Chúa sẽ giúp chúng ta nếu chuyện đó xảy ra.”
“Nói riêng với ông thôi nhé,” gã nhìn tôi nhạo báng qua cặp kính cong queo, “tôi định kiếm một món lớn.”
Gã cất cuốn sổ đi rồi đứng dậy, quàng dây đeo cái túi vải buồm qua vai. Tôi không khỏi ngạc nhiên về gương mặt làm bộ thản nhiên của gã với cái kính gọng thép nằm hững hờ trên mũi. Sau này tôi biết rằng gã sống một mình, xung quanh chỉ toàn sách, của gã và của người khác, và vừa là một người săn lùng sách, gã vừa là một chuyên gia về các trận đánh của Napoléon. Gã có thể sắp xếp trên một tấm bảng hoàn toàn theo trí nhớ của mình vị trí chính xác của các đạo quân trong đêm xảy ra trận Waterloo. Đó là một chi tiết riêng tư hơi lạ lùng mãi về sau tôi mới biết. Phải thừa nhận là theo sự mô tả này thì Corso không mấy quyến rũ. Đúng ra còn phải bổ sung thêm vào cái vẻ ngoài coi bộ rất vụng về của gã, cái vẻ vụng về mà tôi không biết bằng cách nào cùng một lúc lại có thể vừa dễ tổn thương vừa cay độc, vừa ngây thơ vừa hiếu chiến, khiến gã trở nên quyến rũ đối với đàn bà và khả ái với đàn ông. Nhưng cảm giác tốt đẹp mau chóng tiêu tan khi bạn sờ túi và phát hiện ví tiền không còn nữa.
Corso lấy lại tập bản thảo. Tôi tiễn gã ra ngoài rồi chia tay gã ở hành lang, nơi có những chân dung mộc mạc của Stendhal, Conrad và Valle-Inclan in rất xấu mà hội những người thuê nhà quyết định treo ở đầu cầu thang mấy tháng trước, chuyện này đã khiến tôi mất hứng.
Chỉ đến lúc đó tôi mới mạnh dạn nói với gã, “Tôi phải thú thực là rất muốn biết ông tìm được nó ở đâu.”
Corso lưỡng lự hồi lâu. Tôi đã tiếp đãi gã với thái độ thân thiện, gã nợ tôi điều đó. Mà cũng có thể gã còn cần tôi.
“Có lẽ ông biết hắn,” sau cùng gã trả lời. “Khách hàng của tôi mua bản thảo bày từ một tay Taillefer nào đó.”
Tôi cho phép mình biểu lộ một vẻ ngạc nhiên vừa đủ. “Enrique Taillefer? Làm nghề xuất bản?”
Gã cẩn thận quan sát hành lang vắng lặng, rồi mới gật đầu. “Đúng vậy.”
Cả hai cùng im lặng. Corso nhún vai, và tôi hiểu vì sao. Lý do có thể tìm thấy trên bất kỳ tờ báo nào: Enrique Taillefer chết tuần trước. Người ta thấy hắn chết treo trong nhà mình, cái dây lưng áo ngủ bằng lụa tròng quanh cổ, bàn chân đu đưa trong khoảng không, bên trên cuốn sách mở tung và chiếc bình hoa bằng sứ vỡ vụn.
Không lâu sau, khi mọi cái đã qua đi, Corso đồng ý kể cho tôi phần còn lại của câu chuyện. Nhờ vậy lúc này tôi có thể cung cấp một bức tranh chính xác về chuỗi sự kiện mà tôi không được chứng kiến, những sự kiện dẫn tới kết cục định mệnh và lời giải về bí mật xung quanh Câu lạc bộ Dumas. Nhờ có những điều Corso cho biết mà bây giờ, giống như bác sĩ Watson, tôi có thể thuật lại màn kịch tiếp theo xảy ra trong quán bar của Makarova một giờ sau khi chúng tôi gặp nhau.
Flavio La Ponte rũ nước mưa trên mình, ngả người trên quầy về phía Corso, vừa thở vừa kêu một bia. Đoạn hắn nhìn ra phố, hung hăng song đắc ý, cứ như vừa thoát ra khỏi một phát súng bắn tỉa. Cơn mưa thật khủng khiếp.
“Công ty Armengol & Sons, Antiquarian Books and Bibliographical Curiosities định đưa anh ra tòa,” hắn nói, một vệt bọt bia bám vòng quanh chòm râu quăn vàng hoe. “Luật sư của họ vừa điện thoại.”
“Họ buộc tội tôi cái gì?”
“Lừa gạt một bà góa phụ yếu đuối và tước đoạt tủ sách của bà ta. Họ thề rằng mối hàng đó là của họ.”
“Muốn vậy thì họ phải tỉnh giấc sớm hơn tôi.”
“Tôi cũng nói thế, nhưng họ vẫn đùng đùng giận dữ. Khi họ tới lấy sách, cuốn Persiles và Royal Charter of Castille đã biến mất. Và anh đã định giá phần còn lại ngoài dự kiến. Vì vậy bây giờ người chủ không bán nữa, bà ta muốn gấp đôi số tiền họ định trả.” Hắn uống một ngụm bia và nháy mắt đầy ẩn ý. “Mánh khóe đó vẫn thường được dùng để găm một tủ sách.”
“Tôi biết nó gọi là gì.” Corso cười xấu xa. “Và Armengol & Sons cũng biết.”
“Đừng tàn nhẫn thế,” La Ponte nói một cách vô tư. “Thực ra cái làm họ đau nhất là Royal Charter. Họ nói rằng anh chơi đòn ngầm.”
“Đời nào tôi để nó lại chứ? Bản chú giải Latinh của Diaz de Montalvo, không có chi tiết bản in đá nhưng được Alonso Del Puerto in ở Seville, có lẽ vào năm 1482…” Gã sửa lại cặp kính và nhìn tên bạn. “Cậu nghĩ sao?”
“Có vẻ hợp với tôi. Nhưng chúng hơi thất thường.”
“Vậy thì chúng cần một viên thuốc an thần.”
Lúc này mới chập choạng tối, không gian trong quầy bar rất nhỏ nên mọi người phải ép sát vào nhau, vai kề vai trong khói thuốc lá mù mịt và tiếng thì thầm nói chuyện, cố không để khuỷu tay áo dính vào những vũng bia trên mặt quầy.
“Rõ ràng,” La Ponte tiếp tục, “cuốn Persiles là ấn bản đầu tiên. Bìa sách có chữ ký của Trautz-Bauzonnet.”
Corso lắc đầu. “Của Hardy. Bằng da Marốc.”
“Càng hay. Dù sao tôi cũng đã thề không dính dáng gì tới nó. Anh biết tôi ác cảm với chuyện kiện tụng mà.”
“Nhưng không ác cảm với ba mươi phần trăm lợi nhuận.”
La Ponte giơ tay đầy vẻ đường hoàng. “Dừng ở đây. Đừng lẫn lộn việc làm ăn với thú vui, Corso. Tình bằng hữu tốt đẹp của ta là một chuyện, nồi xúp của đám con tôi là chuyện khác.”
“Cậu chẳng có đứa con nào hết.”
La Ponte nhìn gã láu lỉnh. “Cho tôi thời gian. Tôi còn trẻ mà.”
Hắn vóc người không cao, dễ coi, phong nhã và khá bảnh. Mớ tóc trên đỉnh đầu hơi mỏng, hắn vuốt nó xuống bằng tay, sau đó kiểm tra lại dung mạo trong chiếc gương của quầy bar. Rồi đưa mắt nhìn quanh xem xét các bà. Hắn luôn chừng mực và thích dùng câu ngắn trong đối thoại. Cha hắn, một người buôn sách rất trí thức, đã dạy hắn viết bằng cách đọc cho hắn những bài luận của Azorín[8]. Ngày nay rất ít người còn đọc Azorín, nhưng La Ponte vẫn thích ghép câu kiểu Azorín. Với nhiều dấu chấm câu. Cái đó mang lại cho hắn sự tự tin khi đối diện với các nữ khách hàng quyến rũ tại gian trong cửa hàng của hắn ở Calle Mayor, nơi hắn cất giữ những tác phẩm ái tình cổ điển.
[8] Azorín (José Augusto Trinidad Martinez Ruiz, 1873-1967): nhà phê bình văn học, nhà văn tiên phong người Tây Ban Nha.
“Dù sao đi nữa,” hắn thêm, “tôi còn mấy chuyện làm ăn dở dang với Armengol & Sons. Khá nhạy cảm, nhưng tôi có thể nhanh chóng kiếm chút lời.”
“Cậu cũng có công chuyện với tôi nữa,” Corso vừa nói vừa hớp một ngụm bia. “Cậu là gã buôn sách kiết xác duy nhất tôi chịu hợp tác. Và cậu sẽ là người bán những cuốn sách đó.”
“Được rồi, được rồi,” La Ponte điềm đạm trả lời. “Anh biết tôi là người thực tế. Một kẻ thực dụng xoàng xĩnh.”
“Phải.”
“Hãy hình dung đây là một câu chuyện miền Tây. Vì là bạn anh, tôi phải hứng chịu một viên đạn, nhưng chỉ vào vai thôi.”
“Cũng chỉ thế thôi.” Corso nói.
“Dù sao thì cũng chẳng thành vấn đề.” La Ponte lơ đãng nhìn quanh. “Tôi nhắm được người mua cho Persiles rồi.”
“Vậy thì hãy lấy thêm một bia. Ứng trước cho khoản hoa hồng của cậu.”