Bạn đang đọc Cậu Ấm Ngây Thơ – Chương 10
Trường nghỉ học để tham dự lễ mừng chiến thắng. Nghi lễ cử hành tại bãi luyện quân. Ông Ta-nu-ki có nghĩa vụ phải đẫn đầu nhà trường, đưa học sinh đi tham dự. Là nhân viên của trường, tôi cũng có nghĩa vụ phải đi. Đường phố ngập trong rừng cờ. Những lá cờ có hình mặt trời đỏ rực đến chói mắt. Trường có tới tám trăm học sinh. Ông thầy thể dục phải chia chúng ra từng nhóm, xếp thành hàng rồi bố trí mỗi nhóm một vài giáo viên cai quản. Lúc phân chia nhóm thì có vẻ đâu ra đấy lắm, nhưng thực tế chẳng nghĩa lí gì. Bọn học trò vốn là trẻ con lại hỗn láo bướng bỉnh. Đứa nào cũng nghĩ rằng ta đây là học sinh. Nếu đã là học sinh mà không phá rối kỉ luật thì còn gì là sĩ diện của một học sinh nữa. Cho nên dù có bố trí một giáo viên hay mấy giáo viên đi kèm thì cũng chả làm sao cho chúng tử tế được. Chẳng ai ra lệnh, chúng cũng tự động hát ầm ĩ bài Tiến quân ca. Hát chán rồi chúng lại đồng thanh gào tướng lên như bọn lông bông đi bát phố. Hò hát chán, quay sang nói chuyện với nhau léo nhéo. Dẫu cái mồm không nói thì cái chân vẫn cứ bước được cơ mà. Nhưng cái dân Nhật này, cái mồm vốn được sinh ra trước khi sinh người, cho nên có quát tháo thế nào cũng không làm cho chúng im lặng được. Mà chuyện của chúng nó có phải chỉ là chuyện không đâu. Toàn là nói xấu thầy này, thầy nọ mới tởm chứ. Sau cái chuyện hôm trực trường, đã bắt học sinh xin lỗi rồi, tôi cứ tưởng từ nay chúng sẽ tử tế hơn. Nhưng thật là lầm to. Nói như bà chủ nhà tôi thì thật là “bé cái nhầm”.
Bọn học trò nhận lỗi không phải thực lòng chúng cảm thấy có lỗi. Chẳng qua bị thầy Hiệu trưởng bắt nhận thì chúng phải nhận thế thôi. Cũng như bọn lái buôn cúi đầu hứa lần sau không gian dối nữa, bọn học sinh nhận lỗi đấy, nhưng chúng không thể chừa nghịch ngợm được. Ngẫm ra trên đời này, tất cả đều hình thành bởi những con người có bản chất như đám học trò này cả. Chỉ những người chân thật, tưởng người khác ăn năn hối lỗi thật, đã thực lòng tha thứ mới là người dại. Lúc nào cũng phải nghĩ rằng người nhận lỗi cũng là giả, mà người tha lỗi cũng là vờ vịt tất. Nghĩ như thế thì mới không bị đánh lừa. Nếu muốn chúng nhận lỗi thực sự thì trước hết phải làm cho chúng thực sự hối hận mới được.
Đi lẫn giữa những hàng học sinh, tai tôi luôn luôn nghe thấy nào là những tenpura với bánh trôi… Giữa đám đông như thế, không thể biết được đứa nào nói. Mà dù cho có biết thì nó cũng chối phăng ngay: “Em có nói gì đâu? Em không nói chuyện tenpura của thầy. Đấy là do thầy bị yếu thần kinh nên thầy nghe nhầm đấy thôi.” v.v… Cái bản chất xấu xa này đã được nuôi dưỡng từ thời phong kiến, đã trở thành phong tục tập quán của vùng này rồi. Dẫu có nói, có sửa, có giáo dục bao nhiêu cũng không sao sửa được tận gốc. Sống ở đây một năm thì người trong sạch như tôi có lẽ cũng bắt chước thói xấu này mất thôi. Không thể có cái trò đánh bạc mà một bên thì cứ liến láu khua môi múa mép, còn một bên thì bị bôi nhọ đến mức nào cũng được. Chúng nó là người thì tôi đây cũng là người. Dù cho chúng là học trò, là trẻ con, nhưng thân thể chúng còn to hơn cả tôi. Cho nên phải làm cái gì trừng phạt, bắt chúng đền tội mới đúng. Nhưng nếu bên này mà có làm gì trả đũa thì sẽ bị bên kia nói lại ngay. Ngay từ đầu chúng nó đã chuẩn bị sẵn để cãi ào ào nào là tại anh xấu, nguyên nhân là tại anh… Cãi rồi tỏ ra mình là chân chính, tốt đẹp, rồi bới móc những cái xấu của bên kia. Mình thì vì trả đũa nên không có lí lẽ để nêu những tội xấu của đối phương. Thế là cuộc cãi nhau, chính ra do lỗi bên kia trước mà thành ra lỗi lại tại mình. Thật là thiệt đơn thiệt kép. Nhưng nếu mình cứ chịu mãi thì bên kia càng lấn tới. Suy rộng ra, như thế không có lợi cho đời. Thế là đành phải lấy độc trị độc, lấy ngay cái thủ thuật của đối phương mà trả thù. Nghĩa là làm cách sao cho bên kia biết mà cũng đành, không sao bắt bẻ được mình. Đã làm cái kiểu ấy thì không còn là dân Êđô nữa. Không còn là dân Êđô, nhưng nếu mà tôi cứ bị như thế này một năm nữa thôi thì chắc tôi không làm như thế không được. Bởi vì tôi cũng là người. Trừ trường hợp tôi mau mau về Tokyo mà sống với bà Ki-yô. Còn sống ở cái xứ nhà quê này, cứ như là người ta đến đây để mà trở thành đồ hư hỏng. Thà làm nghề đưa báo mà kiếm sống còn hơn ở đây để mà đồi bại dần dần như thế này.
Vừa đi theo học sinh tôi vừa miên man suy nghĩ như vậy. Bỗng từ phía đầu hàng có tiếng ồn ào, nhốn nháo. Rồi hàng người bị nghẽn tắc lại. Thấy lạ, tôi vòng qua phía tay phải hàng, để xem thử thế nào thì thấy ở ngã tư đường, chỗ phố Lớn và phố Nhà thuốc cắt nhau đang bị kẹt, mọi người xô đẩy lẫn nhau. Tôi hỏi ông thầy thể dục, đang hét “trật tự, trật tự” đến lạc cả giọng ở phía trước, thì biết ở đầu đường, trường trung học và trường sư phạm đang xung đột nhau.
Ở tỉnh nào cũng thế, trường sư phạm và trường trung học bao giờ cũng ghét nhau như chó với mèo. Chẳng hiểu sao mà cứ như hai người không hợp tính khí với nhau vậy. Hơi một tí là choảng nhau ngay. Có lẽ ở nhà quê chật hẹp và buồn chán quá, cho nên đó là một cách tiêu khiển, giết thời gian chăng? Tôi thuộc loại mê đánh nhau nên nghe nói có xung đột thì có phần thích thú, vội chạy đến xem ngay. Đến nơi thì thấy những bọn ở phía trước luôn miệng la hét: “Lui ra, lui ra, kiểu đâu ăn lương mà thế. Từ phía sau thì những tiếng hét lớn: “Đẩy đi, đẩy đi.”
Tôi chui vào giữa đám học sinh đang đứng chắn chỗ, định vòng ra gần đầu đường hơn một chút thì bỗng nghe thấy tiếng ra lệnh rất to, rất đanh thép: “Tiến lên!”
Sau đó, trường sư phạm từ từ, lặng lẽ tiến bước. Cuộc tranh chấp giành phần đi trước này đúng là đã được giải quyết, nhưng trường trung học đã phải chịu thua một bước, về tư cách mà nói, thì trường sư phạm cao hơn trường trung học.
Lễ mừng chiến thắng tương đối đơn giản. Đại loại là Lữ đoàn trưởng đọc diễn văn, Tỉnh trưởng đọc diễn văn, mọi người hô “muôn năm, muôn năm” thế thôi. Tuy vậy, dư âm vui vẻ vẫn còn lại đến chiều, nên tôi về nhà trọ viết thư cho bà Ki-yô, một công việc mà lâu nay tôi vẫn sốt ruột vì chưa làm được. Bà đã yêu cầu “lần sau cậu phải viết kĩ hơn” nên lần này tôi phải viết cẩn thận. Nhưng khi lấy giấy ra thì mặc dù muốn viết rất nhiều mà tôi không biết nên bắt đầu viết từ chỗ nào. Viết về chuyện ấy chăng? Chuyện đó mà viết thì lôi thôi dài dòng quá. Viết về chuyện này chăng? Chuyện này thì không hay. Tôi nghĩ mãi, xem có chuyện gì dễ viết mà khi đọc bà Ki-yô sẽ thích không? Nhưng theo yêu cầu của bà thì có lẽ chẳng có chuyện nào để mà viết cả. Tôi mài mực, chấm bút rồi ngồi nhìn cuộn giấy. Nhìn giấy, rồi lại chấm bút rồi lại mài mực. Cứ lặp đi lặp lại như thế mấy lần, cuối cùng tôi biết là mình không thể viết được thư, nên đành đóng hộp mực lại. Viết thư viết thủng thật là phiền hà. Đúng là cứ về quách Tokyo, gặp trực tiếp nói chuyện là đơn giản nhất. Không phải tôi không biết nỗi lo lắng của bà Ki-yô đâu. Nhưng mà viết được bức thư như bà yêu cầu thì còn khổ hơn phải nhịn ăn tới ba mươi bảy ngày.
Tôi quẳng giấy mực, nằm kềnh ra sàn, gối tay sau gáy nhìn ra sân và lại lo lắng nghĩ đến bà Ki-yô. Lúc đó tôi nghĩ thế này: “Từ nơi xa xôi này mà tôi lo lắng, nghĩ đến sức khỏe của bà, thì tấm lòng thành của tôi sẽ thấu đến bà. Đã hiểu thấu lòng nhau thì không cần thư từ gì cả. Không có thư gì của tôi thì bà sẽ hiểu đó là tôi bình an vô sự. Chỉ khi nào chết hay đau ốm hay có chuyện gì, thì mới cần viết thư…”
Mảnh vườn rộng khoảng trên ba chục mét vuông, bằng phẳng và không trồng cây cối gì cả. Chỉ có mỗi một cây quýt cao hơn bờ tường một chút, giống như cái mốc để làm dấu hiệu cho bên ngoài nhìn vào. Mỗi khi ở nhà, bao giờ tôi cũng ngắm cây quýt này. Đối với kẻ chưa bao giờ ra khỏi Tokyo như tôi, một cây quýt đang sống như thế này là một điều kì lạ hết sức. Những quả xanh kia sẽ dần dần chín và ngả thành màu vàng, chắc là sẽ rất đẹp. Ngay bây giờ, màu của nó cũng đã thay đổi một nửa rồi. Bà chủ nhà bảo là cây quýt này rất nhiều nước và ngọt lắm, “bao giờ chín thì xin mời thầy cứ xơi thật nhiều.” Bà bảo thế nên tôi định là sẽ ăn dần hàng ngày cho bà. Chắc là ba tuần lễ sau mới chín để ăn được. Chắc chắn trong vòng ba tuần ấy, tôi vẫn còn chưa đi khỏi cái nhà này đâu…
Tôi đang nằm nghĩ về cây quýt thì Nhím đến chơi. Hắn bảo hôm nay là ngày lễ mừng chiến thắng, tôi muốn liên hoan cùng với anh nên đã mua thịt bò. Vừa nói hắn vừa lôi trong ống tay áo ra một gói thịt bò gói bằng bẹ măng và ném xuống sàn. Ở nhà trọ, hết khoai sọ lại đến đậu phụ. Đã thế lại cấm không được vào hiệu phở, hiệu bánh, cho nên đối với tôi, thịt bò quả là món cao cấp. Lập tức tôi đi hỏi mượn chảo rồi xin đường, rồi bắt đầu nấu(*).
(*) Món sukiyaki là món ăn ưa thích của người Nhật. Nguyên liệu chính là thịt bò thái mỏng như giấy, cùng với đậu phụ, tỏi tây… Gia vị là đường và xì dầu, tất cả nấu chung trên chảo, vừa nấu vừa ăn, độ chín tùy thích.
Nhím vừa phồng má nhai thịt bò vừa hỏi tôi:
– Cậu có biết Áo Đỏ quen với các cô đào kĩ nữ không?
Tôi bảo:
– Biết chứ. Hôm liên hoan vừa rồi, cũng thấy một cô.
Hắn khen:
– Đúng đấy. Mãi gần đây tôi mới biết. Thế mà cậu nhạy bén thật đấy.
– Thằng cha ấy, ngoài miệng thì những là “nhân cách”, “thú vui tinh thần”, mà bên trong thì đi quan hệ cả với các cô kĩ nữ. Đúng là đồ xảo quyệt. Đã vậy thì giá hắn cũng để cho người khác được thoải mái một chút còn được. Đằng này, hắn lại mượn mồm ông hiệu trưởng để mà cấm đoán, không cho cậu đến cả hiệu phở, hiệu bánh nữa.
– Ừ, theo thằng cha đó thì đi chơi ả đào là thú vui tinh thần, còn ăn phở, ăn bánh là thú vui vật chất tầm thường. Đã là thú vui tinh thần thì sao không công khai đàng hoàng ra, có được không? Không hiểu hắn là cái loại người gì? Lúc cô đào đó vào, hắn vội vàng đứng lên đổi chỗ và định chuồn. Lúc nào hắn cũng định trí trá, lừa dối mọi người, nhưng đâu có lọt. Vậy mà hễ ai có nói thì hắn lại liến láu, tung hỏa mù lên ngay.
Những là: “Tôi không biết ư, văn học Nga ư, Haiku là gần gũi anh em với thơ hiện đại ư…” Cái loại hèn như thế đâu phải là đàn ông? Hắn đúng là một mụ vú già đã đầu thai lộn kiếp mà thành. Kiểu này chắc bố hắn cũng là đồ đĩ đực của phố Yu-shi-ma cũng chưa biết chừng.
– Đúng là đồ đĩ đực Yu-shi-ma rồi.
– Không hề đàn ông một chút nào cả. Này cậu, cái chỗ ấy chưa chín, ăn vào bị sán đấy.
– Thế à? Cũng được, không sao đâu! Thế rồi, nghe nói Áo Đỏ còn lén lút đến gặp các em ở nhà hàng Ka-do-ya dưới phố suối nước nóng nữa kia.
– Ka-do-ya tức là cái nhà hàng đó ấy à?
– Vừa là nhà hàng ăn uống vừa là nhà trọ đấy. Cho nên, muốn lật mặt hắn, tốt nhất là rình bắt quả tang lúc hắn dẫn nhân tình vào đấy.
– Muốn bắt quả tang thì phải rình cả ban đêm à?
– Ừ. Ở trước mặt nhà hàng Ka-do-ya có nhà hàng Ma-tsu-ya cũng là nhà hàng kiêm nhà trọ đấy. Nếu mình thuê một phòng ở mặt trước của nhà trọ này, rồi thì khoét một lỗ nhỏ ở phên cửa mà nhìn thì sẽ trông thấy được.
– Nhưng lúc mình theo dõi thì liệu nó có đến không?
– Đến chứ! Nhưng dẫu sao thì nếu chỉ rình một đêm thôi cũng không được. Phải rình suốt hai tuần liền thì mới bắt được.
– Thế thì tương đối mệt đấy. Tôi thì, lức bố tôi sắp mất, tôi chỉ thức trông coi cố một tuần thôi mà sau đó bải hoải cả người, yếu hẳn đi đấy.
– Mệt về thể xác một chút không sao đâu. Nhưng cứ để mãi cái đồ gian giảo ấy như thế thì không lợi cho nước Nhật đâu. Tôi phải thay trời trừng phạt nó mới được.
– Hay đấy nhỉ! Thế thì tôi cũng giúp một tay với anh. Thế chúng ta bắt đầu ngay từ hôm nay chứ?
– Chưa hỏi nhà hàng Ma-tsu-ya thì chưa bắt đầu hôm nay được.
– Thế anh định bao giờ thì bắt đầu?
– Cũng nay, mai thôi. Tôi sẽ thông báo cho cậu trước và lúc đó cậu góp một tay cho.
– Được rồi, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng, về mưu lược thì tôi rất kém, nhưng khi cần phải cãi nhau hay đánh nhau thì tôi lại rất cừ đấy!
Chúng tôi đang hăng hái bàn tính về mưu kế trừng trị Áo Đỏ thì bà chủ nhà vào bảo có một học sinh đến, muốn gặp thầy Hot-ta. “Anh ấy đã đến đằng nhà tìm thầy, nghe nói thầy đi vắng, anh ta đoán là chắc thầy ở đây và đang ngồi ngoài cổng kia…” Nhím bảo “thế à?” rồi đi ra cổng. Một lúc sau Nhím quay lại rủ tôi:
– Này cậu, chúng mình đi xem bọn học trò nó biểu diễn những chương trình vui chơi, chào mừng chiến thắng đi.
Hắn rủ rất hào hứng, nói là hôm nay có nhiều người từ Ko-chi cũng đến múa, chẳng mấy khi có dịp được xem múa như thế này đâu. Nhất định phải đi. Cậu cũng đi đi.
Múa thì ở Tokyo tôi đã xem chán ra rồi. Hàng năm vào dịp lễ thần Ha-chi-man, kiệu rước quanh đường phố, rồi những điệu múa múc nước biển nước biếc gì đó, tha hồ xem. Những điệu múa may vớ vẩn của miền To-sa này tôi chả thiết xem chút nào. Nhưng được Nhím rủ, tôi thấy nể nên đi và ra cổng. Thằng học sinh đến rủ Nhím, tưởng ai, hóa ra em Áo Đỏ. Đây là một nhân vật hơi bí hiểm đây.
Vào sân lễ hội, thấy cờ cắm la liệt từng dãy dài, trông như đám vật su mo của chùa E-ko-in (Hồi Hướng Viện) hay hội giỗ tổ của chùa Hon-mon-ji (Bản Môn Tự) vậy. Cờ chăng suốt từ dây nọ sang dây kia, từ vòng này sang vòng khác, trông cứ như là tất cả cờ quạt của các nước trên thế giới đều đã được mượn về chăng ở đây. Bầu trời rộng lớn cũng trở nên tưng bừng nhộn nhịp từ lúc nào không hay. Góc phía đông có một chiếc sân khấu đã được dựng xong trong một đêm, ở trên đó người ta đang múa cái điệu múa Ko-chi gì đó. Phía tay phải sân khấu, cách chừng nửa con sào(*) có quây mành đan bằng sậy và trưng bày những bình có cắm hoa. Tất cả người xem đều trầm trồ khen và ngắm nhìn một cách thán phục lắm. Nhưng toàn những thứ dở òm. Nếu chỉ cần uốn mấy cành tre với cây cỏ lại mà làm cho người ta vui thích đến vậy thì chắc là những người mà có anh chồng đa tình, gù lưng hay chân đi tập tễnh, họ cũng lấy làm kiêu hãnh chăng?
(*) Khoảng 55cm.
Phía đối diện với sân khấu, pháo hoa liên tiếp được bắn lên. Từ trong những chùm pháo hoa bật ra những quả bóng bay, trên có in các khẩu hiệu “Đế quốc muôn năm”. Những quả bóng bồng bềnh phía trên lầu Thiên Thủ Các rồi rơi vào địa phận doanh trại quân lính. Tiếp sau đó lại một tiếng nổ đùng, rồi một viên bánh đen bay vọt lên bầu trời mùa thu. Viên bánh nổ toác ra ngay trên đầu tôi, tỏa ra một làn khói xanh hình chiếc gọng ô, bay ròng ròng vào không trung. Những chiếc bóng bay khác lại được thả lên trời. Lần này là những dòng chữ màu trắng, được nhuộm chừa lại trên nền vải đỏ với khẩu hiệu “Lục, Hải quân muôn năm”. Những quả bóng bay lơ lửng từ phía phố suối nước nóng về làng A-i-ôi. Kiểu này chắc chúng sẽ rơi vào trong lãnh địa của chùa Quan âm mất thôi.
Lúc làm lễ thì không đông đến thế, mà sao bây giờ người ở đâu ra đông thế không biết? Nhà quê mà sao cũng lắm người, lúc nha lúc nhúc đến phát khiếp lên được thế này! Nhìn mặt mũi thì chẳng có mấy ai trông có vẻ khôn ngoan cho lắm, nhưng về số lượng thì quả thật không thể coi thường họ được. Cái điệu múa Ko-chi Ko-chủng mà người ta khâm phục gì đó, cũng đã bắt đầu. Gọi là múa thì phải đều như điệu Fu-ji-ma, hay gì gì mới phải. Đằng này khác hẳn.
Những người đàn ông mặc quần Ha-ka-ma bó ống, có thắt khăn ngang trán chỉnh tề, xếp thành ba hàng trên sân khấu, cứ mỗi hàng mười người. Cả ba chục người đều đeo gươm trần, trông rợn người. Hàng trước cách hàng sau chỉ khoảng một thước rưỡi(*). Khoảng cách giữa hai bên trái phải còn hẹp hơn. Có một người, chỉ có một mình, tách khỏi hàng, đứng ở mép sân khấu. Người đàn ông lẻ đàn này cũng mặc Ha-ka-ma nhưng không thắt khăn ngang trán và thay vì đeo gươm trần, ông ta đeo một cái trống trước ngực. Trống này trông giống trống múa sư tử. Ông ta cất tiếng hát ê, a một bài là lạ, vừa hát vừa gõ trống boong… boong. Giọng bài hát rất lạ. Từ đời ông đời cha, tôi chưa từng nghe thấy bài hát thế này bao giờ. Có lẽ nếu không nhầm thì nó là kết hợp giữa điệu tấu Mi-ka-wa với giọng hát rong Phổ Đà Lạc.
(*) Khoảng 45cm.
Bài hát rất lê thê, ề à, nhão như kẹo mùa hè. Ngắt nhịp đã có tiếng trống “boong”, nên mặc dù lòng thòng, lê thê nhưng vẫn có nhịp điệu, ứng với giọng hát là ba chục mũi kiếm của mọi người vung loang loáng, loang loáng. Động tác của họ rất nhanh, chỉ nhìn cũng lạnh xương sống. Trước, sau, phải, trái chỉ cách nhau có một thước năm phân. Giữa các khoảng cách đó, là những mạng người. Những người đó cũng lại đang vung gươm như mình. Nếu động tác không đều, không khớp nhau thì sẽ chém vào nhau và bị thương như bỡn. Nếu không cử động người, mà chỉ vung kiếm ra phía trước, phía sau, hoặc nâng lên, hạ xuống thì còn đỡ. Nhưng có lúc, cả ba chục người cùng nhảy lên, quay sang bên cạnh. Có lúc lại quay tít một vòng. Có lúc quỳ gối xuống. Nếu người bên cạnh chỉ cần nhanh hơn, hay chậm hơn một giây, thì mình mất mũi như chơi, hay đầu người bên cạnh bị phạt một miếng cũng nên. Những lưỡi gươm trần vung thoải mái hết cỡ, nhưng chỉ trong phạm vi một thước năm phân, cho nên phải loang loáng với cùng một phương hướng, một tốc độ với bốn xung quanh.
Cái này thì sợ thật! Quả thật những điệu múa xúc muối hay tiết mục múa Se-ki-no-to… không thể so sánh với nó được. Sau này nghe nói tôi mới biết là phải tập luyện công phu ghê gớm lắm, chứ không phải dễ dàng mà ăn nhịp với nhau được như vậy. Và khó nhất là cái ông thầy “boong, boong” trông như tấu hề đó. Tất cả các động tác chân, tay hay cúi lưng, gập người của ba mươi người kia đều do nhip điệu của anh chàng boong này quy định. Đứng ở ngoài nhìn vào thì thấy ông tướng này có vẻ nhàn nhã, chỉ thủng thỉnh hát ê ê a a. Nhưng thực tế, trách nhiệm của ông ta rất nặng nề. Thế mới lạ.
Tôi và Nhím đang mê mải xem thì ở cách đó chừng nửa con sào(*) đột nhiên có tiếng la “Xung phong” làm cho những người đang trật tự đứng xem từ nãy đến giờ bỗng nhốn nháo, xô vào nhau, đu qua, đu lại như làn sóng. Tôi nghe có tiếng kêu “đánh nhau, đánh nhau rồi!” Vừa lúc đó thì thằng em của Áo Đỏ chui qua những ống tay áo của mọi người, lại gần báo: “Thưa thầy, lại đánh nhau rồi. Trường trung học lại quyết chiến với trường sư phạm để trả thù cái vụ sáng nay. Thầy đến mau đi.” Nói xong, nó lại lặn vào giữa làn sóng người và biến ngay đi đâu mất.
(*) Bằng 108m.
“Cái lũ của nợ này, lại giở trò rồi à? Vừa vừa phải phải thôi cho người ta nhờ với chứ!” Nhím vừa né, chen những người đang vội vã bỏ chạy vừa chạy vụt đi. Không thể tiếp tục xem được nữa, hắn định đi dẹp bọn đánh nhau chăng? Tất nhiên tôi cũng không bỏ lỡ thời cơ, bám theo gót Nhím lao tới hiện trường. Cuộc đánh nhau đang ở đỉnh cao. Phía trường sư phạm có đâu chừng năm sáu chục đứa. Trường trung học đông hơn quãng ba mươi phần trăm. Học sinh sư phạm vẫn còn mặc nguyên đồng phục. Còn học sinh trung học thì sau khi cử hành lễ xong, đã thay sang quần áo Nhật nên nhìn là biết ngay đâu là địch đâu là ta. Tuy vậy, lúc này cả hai bên đang xông vào nhau, chỗ này ghì lấy nhau, chỗ kia giằng xé ra, chẳng làm sao mà có thể gỡ chúng ra và gỡ từ chỗ nào cho được.
Nhím băn khoăn đứng nhìn cuộc loạn đả một hồi lâu, vẻ bất lực. Thế này mà cảnh sát tới thì thật rầy rà. Hắn đưa mắt nhìn tôi và bảo phải xông vào can ngăn chúng ra. Tôi không nói gì, nhảy thẳng vào chỗ đang đánh nhau hăng nhất.
“Thôi đi. Thôi đi. Đánh nhau như thế này còn gì là thể diện nhà trường nữa. Có thôi đi không?”
Tôi cố sức gào thật to và như muốn vạch ra ranh giới giữa hai phía địch và ta nhưng vô hiệu. Tôi tiến thêm mấy bước nữa thì tiến cũng không được mà lùi cũng không được nữa. Ngay sát mặt tôi có một thằng học sinh sư phạm khá to con, đang ghì chặt một thằng trung học khoảng mười lăm, mười sáu tuổi. Tôi túm vai thằng học sinh sư phạm quát: “Thôi đi. Có thôi đi không?” và định cố gỡ hai đứa ra cho bằng được. Bỗng nhiên có đứa nào khoèo vào chân tôi, làm tôi ngã kềnh ra đất, tay tuột khỏi vai thằng học trò. Một thằng nào đó giậm cả giày rất cứng lên lưng tôi. Tôi chống hai tay và đầu gối, đứng bật dậy, làm thằng đó ngã lộn nhào sang bên phải. Tôi đứng lên nhìn, thấy cách đó mấy mét, Nhím, với thân hình to lớn, đang kẹt giữa đám học sinh, miệng la hét: “Thôi đi, thôi đi. Ngừng đánh nhau lại!” Nhím vừa hét vừa bị đu đi đẩy lại giữa đám học sinh. Tôi nói với Nhím: “Này, không ngăn được đâu,” nhưng có lẽ hắn không nghe thấy nên chẳng nói gì.
Bỗng nhiên có vật gì như hòn đá bay vèo tới, đập bốp vào xương mặt tôi và ngay sau đó, từ phía sau, một thằng lấy que phang tới tấp vào lưng tôi. Rồi có tiếng la hét: “Giáo viên mà cũng đi nhảy vào. Đánh đi. Đánh đi.” Một thằng khác nói: “Có hai giáo viên. Một lão to, một lão nhỏ. Ném đá đi!” Tôi lấy hết sức nện vào đầu thằng học sinh sư phạm đang đứng cạnh, mắng: “Cái gì? Đừng có nói láo. Đồ nhà quê!” Lại một hòn đá nữa bay vèo tới, lần này sượt qua cái đầu húi cua của tôi và rơi ra phía sau. Không hiểu Nhím thế nào? Chẳng còn nhìn thấy hắn đâu nữa. Thế này thì hết cách rồi. Lúc đầu nhảy vào, tưởng là để can ngăn chúng ra cho chúng khỏi đánh nhau. Thế mà kết cục bị đánh, bị ném đá thế này! “Chúng mày tưởng tao là thằng hèn, sợ chúng mày đấy hử? Chúng mày có biết tao là ai không? Trông nhỏ con thật đấy, nhưng kinh nghiệm đánh nhau thì tao đáng bậc đàn anh chúng mày đấy!” Tôi nói và đấm, và bị đấm đá cho tới khi có tiếng kêu “Cảnh sát, cảnh sát tới. Chạy đi!” Từ nãy đến giờ tôi như bơi trong một bể hồ bột sắn quấy, muốn ngọ ngoạy cũng không ngọ ngoạy nổi, bỗng tự nhiên thấy nhẹ bẵng cả người. Cả quân ta lẫn quân địch đều bỏ chạy sạch đâu hết. Cái bọn nhà quê mà cũng chuồn giỏi ra phết. Xem ra trình độ còn hơn cả tướng Ku-ro-pat-kin(*).
(*) Nikolaevich Kuropatkin (1848-1926) Tướng quân Nga, Tổng tư lệnh quân đội miền cực đồng trong chiến tranh Nhật Nga (1904-1905).
Tôi nhìn xem Nhím ra sao thì thấy hắn đang lau mũi ở đằng kia. Chiếc áo khoác Ha-o-ri mỏng, có thêu phù hiệu, đã rách tơi tả. Hắn bị đấm vào sống mũi và chảy máu khá nhiều. Mũi sưng to và đỏ lựng, trông có vẻ rất đau. Tôi thì mặc áo độn Ka-su-ri nên chỉ bị lem luốc bùn đất, chứ không bị rách như áo Ha-o-ri của Nhím. Nhưng má thì nhức, buốt nhoi nhói, không chịu nổi. Nhím khoe “máu chảy nhiều lắm!”
Khoảng mười lăm, mười sáu người cảnh sát đến nơi, nhưng bọn học sinh đã bỏ chạy hết, theo hướng ngược lại. Cuối cùng, chỉ có tôi và Nhím bị bắt. Tôi xưng danh rồi trình bày qua sự việc, nhưng họ bảo hãy cứ về đồn đã. Thế là chúng tôi theo về đồn cảnh sát. Sau khi trình bày đầu đuôi với ông đồn trưởng, chúng tôi về nhà trọ.