Bạn đang đọc Cậu Ấm Ngây Thơ – Chương 1
Với sự khờ khạo bẩm sinh, di truyền từ cha mẹ, từ nhỏ, tôi đã chỉ lãnh toàn những thua thiệt. Hồi học tiểu học, có lần ở trường tôi đã nhảy từ tầng hai xuống sân, bị gãy lưng, nằm mất một tuần. Chắc sẽ có người hỏi tại sao lại có chuyện ngu ngốc như vậy? Thực ra chẳng có lí do gì đặc biệt. Chả là lúc đó tôi đang đứng trên tầng hai của ngôi nhà mới xây, thò đầu qua cửa sổ thì một thằng bạn cùng lớp nói trêu:
– Này, mày có tỏ vẻ ta đây đến đâu cũng chả dám nhảy từ đó xuống đâu. Cái đồ nhát gan ấy mà!
Tôi được người lao công của trường cõng về nhà. Bố tôi trợn tròn mắt hỏi:
– Sao? Trên đời này lại có kẻ ngu đến mức nhảy từ tầng hai xuống để đến nỗi bị sút cột sống à?
Tôi bảo: “Lần sau con sẽ nhảy cẩn thận để không bị gãy lưng nữa.”
Có lần, tôi được một người bà con ột con dao Tây lưỡi sáng loáng. Tôi đưa ột thằng bạn xem, nó bảo:
– Trông lưỡi sáng vậy thôi, nhưng có vẻ cùn lắm!
Tôi tức quá, bảo:
– Mày bảo cùn à? Mày thử đưa đây xem có cái gì là không cắt đứt không nào?
– Vậy thì mày hãy cắt thử ngón tay mày xem?!
Tưởng cái gì chứ ngón tay mà lại không đứt à? Thế là tôi xén ngay một nhát xéo ngang đầu ngón cái bên bàn tay phải của mình. Cũng may là con dao ấy nhỏ mà xương tôi cũng cứng nên nhờ trời ngón tay ấy vẫn còn. Tuy nhiên, vết sẹo thì còn để lại suốt đời, không bao giờ mất được.
Trong vườn nhà tôi, đi về phía Đông chừng hai chục bước, có một vườn rau nhỏ, dốc thoai thoải, cao dần về phía Nam. Giữa vườn có một cây dẻ. Đối với tôi, cây dẻ này còn quý hơn cả tính mạng. Bởi vì, cứ mỗi khi đến mùa quả chín, ngủ dậy là tôi lại chui qua cửa sau vào vườn để nhặt những quả rụng, mang đến lớp ăn.
Phía Tây vườn rau tiếp giáp với tiệm cầm đồ Ya-ma-si-rô. Nhà này có một thằng bé khoảng 13, 14 tuổi tên là Kan-ta-ro. Thằng Kan-ta-ro này tất nhiên là một đứa rất nhát. Đã thế mà nó lại dám leo qua hàng rào, chui vào vườn để nhặt trộm hạt dẻ. Một hôm, vào buổi tối, tôi rình và tóm được nó. Kan-ta-ro bị tóm, cùng đường, đành xông vào tấn công tôi. Nó chỉ hơn tôi hai tuổi và mặc dù nhút nhát nhưng rất khỏe. Cái đầu của nó to như cái liễn sành cứ húc bịch bịch vào ngực tôi. Bỗng nhiên đầu nó bị trượt và chui tọt vào trong nách tay áo tôi. Tôi bị vướng, khó chịu quá nên ra sức giãy giụa, cứ vung thẳng tay sang bên này lại vung sang bên kia để giãy cái đầu của nó ra. Thế là cái đầu của nó ở trong ống tay áo tôi cũng bị vung qua vung lại từ bên này sang bên kia. Cuối cùng, không chịu được, nó cắn vào tay tôi. Tôi bị đau quá, bèn ấn nó vào hàng rào, lấy chân khoèo vào chân nó, làm nó ngã nhào sang bên kia hàng rào.
Đất nhà Ya-ma-si-rô thấp hơn vườn nhà tôi khoảng sáu thước. Thằng Kan-ta-ro đè gãy một nửa hàng rào, lộn nhào xuống và nằm bẹp dí ở chính giữa khoảnh đất nhà nó. Khi nó ngã, ống tay áo của tôi cũng bị rách và rơi theo. Lúc đó tay tôi mới được giải thoát khỏi cảm giác bức bối. Tối hôm đó, mẹ tôi dắt tôi sang xin lỗi nhà Ya- ma-si-rô và lấy ống tay áo về.
Tôi còn có nhiều những chuyện nghịch ngợm phá phách khác nữa. Có lần, tôi dẫn thằng Ka-ne-ko, con nhà thợ mộc và thằng Ka-ku, con nhà hàng cá về giẫm nát cả luống cà rốt giống đang ươm của ông Mo-sa-ku. Chả là, luống rau chưa nảy hết mầm, được rắc trấu phủ kín. Thế là ba thằng chúng tôi chơi vật nhau suốt nửa ngày trên đó. Cà rốt bị giẫm nát nhừ. Chúng tôi cũng đã từng lấp một cái giếng tưới ruộng của nhà Fu-ru-ka-wa và bị bắt đền. Đó là một loại giếng phun. Người ta phải dùng cây bương luồn sâu vào mạch nước, hút cho nước phun ra giếng để tưới lúa. Lúc đó, chẳng hiểu gì về cơ cấu của loại giếng này, chúng tôi tương đầy đất đá và gậy gộc xuống giếng. Khi thấy nước không phun lên nữa, chúng tôi mới bỏ về nhà để ăn cơm. Đang ăn thì thấy ông Furukawa đỏ mặt tía tai chạy đến thét lác. Hình như vụ đó về sau phải đền tiền mới xong.
Bố tôi không hề ưa tôi chút nào. Mẹ tôi thì chỉ bênh anh tôi. Anh tôi có nước da rất trắng và thích ăn mặc giả con gái, thích bắt chước diễn kịch và đóng vai con gái. Cứ hễ nhìn thấy mặt tôi đâu là bố tôi lại ca cẩm:
“Cái thằng này, sao không bao giờ nó tử tế được!”
Còn mẹ thì phàn nàn:
“Lúc nào nó cũng chỉ nghĩ đến chuyện phá phách thôi. Rồi lớn lên cũng chẳng nên người được đâu!”
Đúng là tôi chẳng tử tế gì cả. Như mọi người đã thấy đấy. Suốt từ đầu cho đến cuối. Còn chuyện lớn lên cũng chẳng nên người thì cũng không phải là không có lí. Chỉ có điều là tôi vẫn chưa bị đi tù thôi.
Mẹ tôi bị bệnh và trước khi bà mất vào khoảng hai, ba ngày gì đấy, tôi bị ngã một cái lộn nhào ở trong bếp, đập hông vào cái kiềng đau điếng. Nhìn thấy tôi như thế, mẹ tôi rất bực. Bà bảo:
– Tao không muốn nhìn thấy mặt cái loại như mày nữa!
Thế là tôi bị tống đi gửi ở nhà người bà con. Mấy hôm sau thì nghe tin mẹ mất. Tôi không ngờ mẹ tôi lại mất nhanh như vậy. Trên đường về nhà tôi nghĩ thầm trong bụng rằng giá mà biết mẹ ốm nặng như vậy thì tôi đã ngoan ngoãn hơn một chút, như vậy có phải tốt không! Thế là ông anh của tôi bảo tôi là thằng bất hiếu, vì mày mà mẹ mất nhanh thế đấy. Tôi uất quá, tống luôn cho anh một quả vào má và lại bị bà con họ hàng mắng.
Sau khi mẹ mất, tôi với bố và anh tôi, ba bố con sống với nhau. Bố tôi chẳng làm gì cả, nhưng nhìn thấy mặt ai là luôn mồm kêu ca: “Mày hỏng. Hỏng lắm!” Cho đến bây giờ tôi vẫn chẳng hiểu được hỏng là hỏng cái gì? Có một người cha thật là kì quặc.
Anh tôi bảo sau này muốn trở thành một nhà kinh doanh nên miệt mài lao vào học tiếng Anh. Vốn đã giống tính đàn bà, lại cộng thêm tính khôn lỏi cho nên anh và tôi chẳng mấy hòa thuận. Chúng tôi cứ khoảng mươi ngày lại cãi nhau một lần. Có một lần hai anh em đánh cờ. Anh tôi đánh con chiếu tướng xong, ngồi vênh mặt, tỏ ra khoái chí lắm. Trong khi đó, tôi đang bí. Tôi tức quá, sẵn con xe đang cầm trong tay, tôi nện luôn vào trán anh. Trán anh hơi bị xước và rớm máu. Anh tôi mách bố và ông cụ tuyên bố từ tôi.
Lúc đó tôi nghĩ cũng phải chịu thôi. Nếu bố đã từ tôi thì tôi cũng chẳng còn con đường nào khác là đành phải bị từ. Nhưng bà Ki-yô, người giúp việc đã hơn chục năm nay trong nhà tôi lại vừa khóc vừa xin lỗi hộ tôi. Cuối cùng, mãi bố tôi mới nguôi giận.
Mặc dù vậy, tôi cũng chẳng cảm thấy sợ bố lắm. Ngược lại, tôi chỉ thấy tội nghiệp bà Ki-yô. Bà này nghe nói vốn là con nhà dòng dõi. Khi chế độ Mạc Phủ tan rã bà mới sa cơ lỡ vận, phải đi làm thuê, ở đợ và trở thành người giúp việc cho nhà tôi. Vì vậy bà Ki-yô đã đến tuổi được gọi là bà.
Bà này chẳng hiểu duyên nợ vì sao mà lại rất quý tôi. Thật là một điều kì lạ! Bà đã đi thương quý, chiều chuộng tôi – một cái thằng trước khi mẹ chết ba ngày bị mẹ ghét, không thèm nhìn mặt, bố thì cả năm không thèm ngó tới. Một thằng nổi tiếng trong hàng phố là bất trị, bị bạn bè cạch mặt. Tôi đã tự biết mình là kẻ đạo đức kém nên không mong chờ được một ai, dù là kẻ thấp hèn yêu mến. Với mọi người, tôi chỉ là một thằng bỏ đi. Thế mà lại được một người như bà Ki-yô này yêu quý, chiều chuộng, tôi đâm ra nghi ngờ.
Thỉnh thoảng, những lúc ở trong bếp vắng không có ai, bà thường khen tôi:
“Cậu có tính tốt là rất thẳng thắn.”
Tôi không hiểu lời bà nói. Bởi vì nếu quả tôi có tính tốt như vậy thì ngoài bà ra, những người khác cũng phải đối xử với tôi khá hơn một chút chứ! Mỗi lần nghe bà nói thế, bao giờ tôi cũng bảo là tôi ghét nghe những lời nịnh nọt. Lúc đó bà lại vui vẻ nhìn vào mặt tôi và bảo: “Vì thế mới là tính tốt!”
Bà có vẻ tự hào như chính bà đang tạo ra tôi bằng ảnh hưởng của mình vậy. Tôi thấy hơi khó chịu. Từ ngày mẹ mất, bà Ki-yô càng quý tôi hơn. Tâm hồn non trẻ của tôi thỉnh thoảng đâm ra nghi ngờ, không hiểu tại sao bà lại thương tôi như vậy? Tôi không thích được thương như vậy. Thà bà cứ mặc xác tôi còn hơn. Thật tội nghiệp bà. Tôi nghĩ vậy. Nhưng mặc, bà Ki-yô vẫn cứ quý tôi. Thỉnh thoảng bà lại lấy tiền dành dụm được để mua cho tôi chiếc kẹo bột hay chiếc bánh Hoàng Mai. Những đêm trời rét, bà lặng lẽ mua bánh canh để dành đấy, rồi bất chợt một lúc nào đó, dù tôi đang ngủ bà cũng bưng đến đặt bên cạnh gối cho tôi một bát canh bánh nóng hổi, có lúc bà còn mua hẳn bánh phở để làm cho tôi món lẩu phở. Và không những chỉ có thức ăn, có lúc bà còn cho tôi vay hẳn 3 yên. Tôi không hỏi vay mà bà tự động mang tiền sang phòng của tôi, bà bảo nếu cậu không có tiền thì cũng có nhiều bất tiện, cậu cứ cầm lấy mà tiêu. Tất nhiên tôi từ chối. Tôi bảo là tôi không cần tiền. Nhưng bà bắt tôi phải cầm nên tôi đành cầm.
Thực ra được bà cho vay tiền tôi mừng lắm. Tôi bỏ 3 yên đó vào cái túi vải đựng tiền rồi cất vào túi áo. Đến khi đi nhà vệ sinh, chẳng hiểu sao túi tiền lại rơi tọt xuống hố xí. Không biết làm thế nào, tôi đành lò dò về nhà nói với bà Ki-yô. Bà vội vàng đi tìm cái sào tre và nói là sẽ đi kều tiền cho tôi. Một lúc sau, tôi nghe có tiếng dội nước xòa xòa ngoài giếng. Tôi đi ra xem thì thấy bà đang dội nước để rửa cái sào. Trên đầu sào có móc cái quai túi đựng tiền. Sau đó, khi mở túi ra thì một tờ giấy 1 yên đã ngả sang màu bã chè, những vân hoa trên tờ giấy bạc hầu như đã bị mờ nhòe hết. Bà Ki-yô hơ những đồng tiền trên lò than cho khô rồi đưa cho tôi và bảo:
– Thế này cũng tiêu được đây!
Tôi ngửi thử tờ tiền và kêu thối. Bà bảo:
– Thế thì đưa đây, tôi đổi cho tờ khác.
Thế rồi, không biết bà làm thế nào và đi đổi ở đâu, cuối cùng, thay vì tiền giấy, bà đưa về cho tôi 3 yên tiền xu. Tôi không nhớ 3 yên này tôi đã tiêu như thế nào. Đã nhiều lần tôi tự nghĩ là phải trả cho bà, thế mà cứ lần khân mãi vẫn chưa trả được. Bây giờ thì dẫu tôi có muốn trả gấp mười lần số tiền ấy cũng không được nữa rồi.
Bà Ki-yô mỗi lần muốn cho tôi cái gì cũng nhằm lúc không có mặt bố và anh tôi. Đối với tôi, không có gì đáng ghét bằng việc giấu giếm người khác để lén lút nhận cái lợi cho riêng mình. Tất nhiên tôi chẳng thân thiện gì đối với anh tôi. Song tôi không muốn giấu giếm anh để nhận những chiếc bút chì màu hay kẹo bánh của bà Ki-yô cho. Có lần tôi hỏi bà tại sao chỉ ình tôi mà không cho anh. Bà điềm tĩnh bảo rằng “Không sao cả vì cậu lớn đã có ông nhà mua cho rồi.” Nói như vậy là không công bằng. Bố tôi tuy rất khó tính nhưng không phải là người thiên vị, đối xử con yêu con ghét. Nhưng trong con mắt của bà Ki-yô, bố tôi đã bị coi là người thiên vị. Quả là tình thương đã làm cho bà đối xử bất công giữa tôi và anh tôi.
Tuy xuất thân con nhà dòng dõi, nhưng bà chỉ là một người ít được học hành cho nên không thể có cách làm khác được. Không phải chỉ có thế không đâu, mà con mắt thiên vị còn có nhiều cái đáng sợ nữa. Bà cứ đinh ninh nghĩ rằng “cậu này rồi sẽ làm nên, rồi sẽ trở thành người danh giá sau này”. Thế rồi với con mắt đó, bà quả quyết rằng ông anh tôi mặc dù chăm học như thế đó, nhưng chỉ được cái mã bề ngoài, rồi sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu! Gặp phải một bà già kiểu này, khó ai mà có thể làm bà hài lòng cho được. Người mà bà đã thích thì cứ nhất định rồi sẽ trở nên danh giá. Còn người mà bà đã không ưa thì sẽ chẳng làm nên trò trống gì à xem! Bà nhất thiết tin là như vậy.
Lúc đó tôi cũng chẳng để ý gì đến chuyện sau này mình sẽ trở thành cái gì? Nhưng lúc nào cũng nghe bà nói tôi sẽ trở thành thế nọ thế kia thành ra tôi cũng đâm tin rằng chắc là mình sẽ trở thành một cái gì đó. Bây giờ nghĩ lại thấy thật là dở hơi. Có lần tôi hỏi bà Ki-yô là sau này lớn lên tôi sẽ trở thành cái gì? Nhưng có lẽ bà cũng không có khái niệm cụ thể là tôi sẽ thành cái gì? Bà chỉ nói nhất định rồi tôi sẽ được ngồi xe tay có người kéo, sẽ được ở trong ngôi nhà sang trọng có tiền sảnh… thế thôi. Từ ý nghĩ đó, bà có ý định là khi tôi đã có nhà và ra ở riêng thì bà sẽ ở với tôi. Bà luôn nhắc đi nhắc lại “Cậu nhớ đấy nhé! Nhất định là phải cho tôi ở hầu cậu đấy.” Tôi cũng làm như mình đã có nhà và trả lời: “Vâng, nhất định sẽ cho bà đi theo.” Nhưng bà quả là một người giàu sức tưởng tượng. Bà không chịu dừng ở đó mà còn tiếp tục hỏi:
“Thế cậu thích ở chỗ nào? Phố Ko-ji-ma-chi(*) hay A-za-bu(**)? Chỗ sân trước cậu nên dựng cột làm chỗ chơi đu. Cậu chỉ cần làm một phòng kiểu Tây là đủ…” Cứ như thế bà vạch ra đủ các kế hoạch.
(*), (**) Là những khu trung tâm, có nhiều nhà ở, biệt thự cao cấp tiêu biểu của Tokyo thời đó.
Lúc đó chưa nói đến nhà, mà thậm chí bất cứ một cái gì tôi cũng chẳng dám mong là mình sẽ có. Nghe bà nói, bao giờ tôi cũng trả lời: “Nhà Tây hay nhà Nhật cũng chẳng cần. Tôi chẳng muốn có nhà nào cả!” Nghe thế bà lại khen tôi là người không có lòng tham, “Cậu là người trong sạch!” Bất kì cái gì, thế nào bà cũng khen tôi được.
Chúng tôi sống như thế được khoảng 5, 6 năm kể từ khi mẹ tôi mất. Bị bố mắng mỏ. Cãi nhau với anh. Được bà Ki-yô khen ngợi. Thỉnh thoảng được bà cho quà. Tôi cũng chẳng mong gì hơn nữa. Đối với tôi, thế là nhiều rồi. Những đứa trẻ khác chắc rằng cũng thế này thôi. Nhưng chẳng hiểu sao mà bà Ki-yô thì cứ luôn mồm bảo là “Cậu thật bất hạnh, thật tội nghiệp”. Thế là tự nhiên tôi cũng đâm ra nghĩ mình là kẻ tội nghiệp, bất hạnh. Ngoài ra tôi chẳng có chuyện gì để mà cảm thấy là khổ. Chỉ có chuyện không được bố cho tiền thì quả là tôi thấy bí thật.
Mẹ mất được 6 năm thì vào tháng Giêng năm đó bố tôi bị xuất huyết não, đột ngột từ trần. Tháng Tư năm đó, tôi tốt nghiệp trường trung học tư lập. Tháng Sáu anh tôi tốt nghiệp trường thương nghiệp. Anh được điều đi làm việc ở một chi nhánh công ti tại Kyu-shu(*). Tôi vẫn phải tiếp tục ở Tokyo để học. Anh tôi bàn bán nhà, thu xếp tài sản để đi đến nơi làm việc. Tôi bảo thế nào cũng được. Dù sao tôi cũng không muốn dựa dẫm vào anh. Nếu tôi phải nhờ vả anh ấy thì rồi thế nào cũng cãi nhau và tôi sẽ bị anh nói này nói nọ. Nếu tôi cứ cố bám vào anh để hòng được anh che chở thì tôi phải chịu cúi đầu khuất phục trước ông anh này. Tôi tự xác định ình dù có đi đưa sữa thuê chắc cũng kiếm đủ miếng ăn.
(*) Đảo Cửu Châu, ở phía cực Tây nước Nhật. Đương thời được coi là một nơi rất xa xôi, hẻo lánh.
Thế là anh tôi gọi cửa hàng đồ cũ đến, bán thúng bán mớ tất cả những đồ thượng vàng hạ cám, từ mấy đời ông cha để lại. Còn nhà thì sang tên ột gia đình giàu có, thông qua một người môi giới, về khoản tiền nhà, chắc là được nhiều, nhưng tôi hoàn toàn chẳng biết đích xác là bao nhiêu. Từ trước đó một tháng tôi đã dọn đến ở trọ dưới phố Ô-ga-wa ở Kan-đa và ở đó cho đến khi tìm ra hướng đi mới. Bà Ki-yô rất tiếc ngôi nhà mà bà đã từng chung sống với gia đình tôi hơn chục năm, nay phải giao cho người khác. Song bà cũng biết không phải là nhà của bà nên đành phải chịu. Bà cứ an ủi tôi: “Giá mà cậu lớn hơn một chút thì được thừa hưởng gia tài này.” Nếu lớn hơn một chút mà được thừa hưởng thì ngay bây giờ tôi cũng phải được thừa hưởng mới đúng chứ. Cái bà già này thật chả biết cái gì cả. Cứ tưởng là hễ tôi lớn tuổi hơn thì sẽ được hưởng cái nhà của ông anh chắc.
Tôi và anh tôi chia tay nhau như thế là xong. Nhưng cái gay là bà Ki-yô bây giờ sẽ đi đâu? Anh tôi tất nhiên không phải là người có địa vị có thể đưa bà đi theo được rồi. Mà bản thân bà cũng không hề có ý định đi theo cái ông anh này đến tận Kyu-shu xa thế một chút nào. Còn tôi, lúc đó tôi chỉ có căn phòng nhà trọ rộng bốn chiếu rưỡi(*) mà luôn luôn dễ dàng bị mời ra khỏi ngay bất kì lúc nào. Thật là khó giải quyết. Chúng tôi hỏi ý định bà thế nào. Bà bảo bà không có ý định đi ở giúp việc cho nhà nào khác. Cuối cùng, không còn cách nào nữa, bà phải quyết định là sẽ nương tựa vào một người cháu của bà cho đến khi “cậu có nhà, có gia đình riêng”. Người cháu họ của bà là một nhân viên thư kí tòa án. Cuộc sống của anh ta cũng tương đối khá. Đã nhiều lần anh ta nói với bà Ki-yô là nếu bà muốn thì hãy về sống với anh ta. Nhưng bà Ki-yô không muốn về đó. Ở nhà chúng tôi, tuy là thân phận người giúp việc nhưng đối với bà là chỗ đã sống lâu năm, quen thuộc vẫn hơn. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, nếu phải đi giúp việc ột nhà xa lạ khác thì thà nương tựa vào cháu còn hơn. Mặc dù vậy bà vẫn giục tôi hãy mau chóng có nhà, có gia đình để cho bà ở giúp việc. Quả thật bà vẫn quý tôi hơn cháu của mình, mặc dù tôi chẳng có quan hệ họ hàng thân thích gì với bà cả.
(*) Mỗi chiếu là 180cm x 90cm.
Trước khi lên đường đi Kyu-shu hai ngày, anh tôi tìm đến nhà trọ, đưa cho tôi sáu trăm yên. Anh bảo đây là số tiền chú dùng làm vốn để mà buôn bán hay học hành, hoặc làm gì thì tùy chú. Có điều nếu sau này chú nên người hay nên cái gì thì mặc kệ chú, không có liên quan gì đến anh. Đúng là một cách xử sự đáng quý của ông anh tôi! Tôi vẫn nghĩ rằng nếu không có sáu trăm yên này thì tôi cũng chả chết. Nhưng bằng lòng với cách giải quyết giản tiện, khác với thường ngày của ông anh tôi, tôi đã cảm ơn và nhận số tiền đó. Sau đó anh tôi lại lấy ra năm mươi yên bảo tôi giữ để đưa cho bà Ki-yô, tôi cũng nhận ngay, không nói năng gì. Hai ngày sau tôi chia tay anh ở bến xe Shin-ba-shi và sau đó chẳng bao giờ gặp lại nữa.
Tôi nằm nghĩ mãi cách sử dụng số tiền này. Buôn bán đối với tôi là một công việc thật phiền hà rắc rối. Mà buôn bán chắc gì đã khá.Vả lại với sáu trăm yên tiền vốn thì cũng chẳng buôn bán được cái gì cho ra hồn. Giả sử có làm được gì đi chăng nữa thì trước mọi người, tôi cũng chỉ là một kẻ không có học như lúc này, thì rồi lại chỉ lãnh đủ mọi sự thua thiệt mà thôi. Nếu đã gọi là dùng làm vốn thì vốn nào chả là vốn. Thôi, hãy dùng để làm vốn học hành vậy. Sáu trăm yên chia làm ba phần. Nếu mỗi năm mất hai trăm yên thì vị chi cũng học được ba năm. Ba năm, nếu mà chịu khó thì chắc cũng học được một cái gì đó.
Sau đó tôi lại quay sang suy nghĩ xem nên học cái gì?
Nói đến học hành thì xưa nay tôi vốn chẳng ham thích bất kì môn nào. Đặc biệt ngôn ngữ và văn học là hai cái tôi ngại nhất, về thơ mới thì nếu có một bài thơ khoảng hai mươi câu, đọc lên tôi không hiểu nổi lấy một câu. Tất cả đều đáng ghét thì học môn nào mà chả giống môn nào! Còn đang băn khoăn suy nghĩ như vậy thì một hôm, nhân đi qua một trường khoa học tự nhiên thấy có biển quảng cáo chiêu sinh, tôi nghĩ có thể đây là do số phận run rủi nên tôi xin bản khai và làm giấy tờ xin học. Bây giờ nghĩ lại mới thấy, đây cũng là một thất sách mà nguyên nhân sâu xa là từ cái ngu dại di truyền bẩm sinh của tôi.
Trong ba năm, tôi cũng đã cố gắng miệt mài học hành như mọi người. Song, vì không có năng lực đặc biệt cho nên nếu nói về thành tích của tôi theo thứ tự xếp hạng trong lớp thì tốt nhất nên tính từ dưới trở lên cho đỡ mất thì giờ. Có điều lạ là mặc dù thế, cuối cùng sau ba năm tôi cũng đã tốt nghiệp. Chính bản thân tôi cũng thấy đây là một sự lạ. Song cũng chẳng cần phải thắc mắc gì, tôi ngoan ngoãn chấp nhận tốt nghiệp vậy.
Sau khi tốt nghiệp được tám ngày, thầy hiệu trưởng gọi tôi lên.Tôi nghĩ chắc có chuyện gì đây và lên xem thử. Hóa ra là có chỗ thay chân một giáo viên dạy toán ở một trường trung học dưới vùng Shi-ko-ku(*) với mức lương bốn mươi yên một tháng. Thầy hỏi tôi thế nào, có muốn nhận hay không? Tôi đã học được ba năm nhưng quả thật chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại trở thành giáo viên và đi về dạy học ở nông thôn như vậy. Tuy thế, tôi cũng chẳng có nguyện vọng gì đặc biệt khác ngoài cái nghề giáo viên này, cho nên khi được hỏi, tôi nhận lời ngay. Đây cũng lại do cái sự ngu ngốc bẩm sinh mà ra.
(*) Đảo Tứ Quốc ở Tây Nam nước Nhật, tiếp giáp với Cửu Châu.
Đã đồng ý rồi thì tôi phải đi nhận việc thôi. Suốt ba năm qua tôi chỉ sống ru rú trong căn phòng hơn bốn chiếu, chưa có lần nào bị ai kêu ca phàn nàn về một cái gì. Cũng không phải cãi nhau với ai. Ngẫm lại, chính ba năm này là quãng đời thanh thản nhất trong cuộc đời tôi. Nhưng bây giờ thì cũng phải trả nhà thôi.
Từ bé đến nay, ngoài Tokyo ra, nơi xa nhất mà tôi đã đi trong những dịp đi chơi cùng bạn bè trong lớp là Ka-ma-ku-ra(*). Lần này thì không phải Ka-ma-ku-ra nữa. Tôi phải đi thật xa. Nơi mà tôi sẽ đến, nhìn trên bản đồ chỉ là một nét chấm nhỏ bằng đầu chiếc kim khâu, nằm trên bờ biển, chẳng có gì tỏ ra tốt đẹp cả. Tôi không hề biết phố phường và con người ở nơi đó ra sao. Không biết thì cũng chẳng sao. Có lo lắng cũng chả giải quyết được gì. Hãy cứ biết đi đã. Lo lắng đối với tôi cũng là một chuyện phiền hà.
(*) Thuộc tỉnh Kamagawa, tiếp giáp với Tokyo về phía nam.
Thu dọn nhà cửa xong, thỉnh thoảng tôi lại đến chỗ bà Ki-yô. Người cháu của bà, không ngờ là một người rất tử tế. Mỗi lần tôi đến, nếu có mặt ở nhà, anh ta đều tiếp tôi rất chu đáo. Còn bà Ki-yô thì kiêu hãnh khoe với cháu bà về cái hay, cái tốt của tôi, ngay trước mặt tôi. Rồi bà hỏi tôi bây giờ tốt nghiệp rồi thì sẽ đi làm công sở và mua nhà ở phố Ko-ji-ma-chi chứ? Bà cứ tự quả quyết như vậy, làm tôi ngượng chín mặt. Mà nào bà chỉ nói có một lần? Thỉnh thoảng bà còn đem cả chuyện hồi nhỏ tôi hay đái dầm ra mà nói. Tôi thật chỉ còn thiếu nước chui xuống lỗ nẻ.
Chẳng hiểu người cháu nghe chuyện của bà thì nghĩ thế nào? Có điều bà là người nghĩ theo nếp cổ, cho nên bà vẫn nghĩ giữa bà và tôi là mối quan hệ giữa chủ nhà và người làm thuê theo quan niệm thời phong kiến. Có lẽ bà cho rằng đã là cậu chủ đối với mình thì đương nhiên cũng là cậu chủ đối với cháu bà. Chính người cháu bị gây phiền hà, khó xử.
Quyết định xong ngày đi, trước khi lên đường ba ngày, tôi lại đến chỗ bà Ki-yô. Bà đang bị cảm, nằm trong căn phòng rộng ba chiếu quay về hướng Bắc. Thấy tôi đến, bà vừa ngồi lên đã hỏi ngay “Bao giờ thì “cậu nhỏ”(Botchan) mua nhà?” Bà cứ làm như là hễ tốt nghiệp xong thì tiền trong túi cứ tự đầy lên không bằng! Đã nghĩ tôi là một người oai như vậy mà lại còn gọi là “Botchan”. Thât đúng là lẩm cẩm. Tôi đơn giản bảo bà rằng trong lúc này tôi không có ý mua nhà. Khi biết là tôi sẽ đi về nông thôn bà có vẻ rất thất vọng, bàn tay bà cứ vuốt vuốt mãi mái tóc muối tiêu rối bù. Tôi thấy tội nghiệp, liền an ủi bà:
– Đi thì đi, nhưng rồi cháu lại về ngay ấy mà. Nghỉ hè sang năm nhất định cháu sẽ về.
Nghe nói vậy nét mặt bà vẫn đăm chiêu. Tôi lại hỏi:
– Cháu sẽ mua quà cho bà, bà thích quà gì?
Bà nói thích ăn kẹo gói bằng lá tre của vùng E-chi-go. Kẹo gói bằng lá tre của vùng E-chi-go! Tôi chưa nghe đến kẹo này bao giờ. Chắc là bà nhầm vùng nọ với vùng kia? Tôi bảo nơi tôi đến là vùng nông thôn, có lẽ ở đó không có kẹo gói bằng lá tre của vùng E-chi-go đâu thì bà hỏi: “Thế thì cậu sẽ đến miền nào?” Tôi bảo miền Tây. Bà lại hỏi thế thì đã tới Ha-kô-ne chưa(*)? Hay là quá Ha-kô-nê? Không làm sao mà trả lời cho hết được những câu hỏi của bà.
(*) Hakone cũng thuộc tỉnh Kanagawa.
Hôm tôi lên đường, bà đến từ sáng sớm sửa soạn cho tôi. Trên đường đi, bà ghé vào cửa hàng mua cho tôi nào là bàn chải răng, tăm xỉa răng, khăn mù xoa… nhét vào một cái túi vải thô. Tôi bảo những thứ ấy không cần đâu nhưng bà nhất quyết không nghe. Hai chiếc xe kéo tay đi sóng đôi ra tới bến xe. Vào trong bến, bà đứng dưới luồng đường nhìn chằm chằm vào mặt tôi lúc đó đã chui vào trong xe, bà nói khe khẽ: “Sắp phải xa cậu rồi. Cậu đi khỏe nhé!” Mắt bà rơm rớm, mọng những nước. Tôi cố nén nhưng cũng suýt thì khóc. Khi xe chuyển bánh, tôi nghĩ thôi thế là ổn rồi và thò đầu qua cửa sổ, ngoái lại nhìn. Bà vẫn đứng nguyên chỗ đó. Bóng bà nhỏ dần, nhỏ dần như một dấu chấm.