Bạn đang đọc Cất Giấu Một Tấm Chân Tình – Chương 32
Hai ngày sau, Hà Phương được xuất viện, khi thanh toán viện phí mới biết cô được bệnh viện miễn phí toàn bộ chi phí điều trị, xách đồ ra bên ngoài còn thấy cả mấy chiếc xe Jeep của quân đội đang chờ sẵn.
Tư lệnh Quách Dĩ Kiên đích thân đến tận nơi để tiễn bọn họ, anh đứng dưới nắng, thân thể cao lớn đổ một chiếc bóng dài xuống nền đất cằn cỗi nơi biên giới.
Dù lúc này chỉ mặc một bộ quần áo bộ đội bình thường không có hàm tư lệnh, nhưng Quách Dĩ Kiên vẫn tỏa ra chí khí đội trời đạp đất hơn người, lẫn trong đám đông, chỉ cần liếc một cái vẫn nhận ra được anh.
“Việt”.
Quách Dĩ Kiên rảo bước tiến về phía hai người.
Đình Việt cũng nhanh chóng tiến về phía trước, gọi một tiếng: “Tư lệnh”.
“Tư lệnh gì chứ, tôi không đứng trong doanh trại, cứ gọi như bình thường được rồi”.
Đình Việt liếc rất nhiều quân nhân đang đứng phía sau, có hơi lưỡng lự một chút, nhưng cuối cùng vẫn đổi cách xưng hô: “Công việc ở doanh trại bận rộn, sao cậu còn đến đây?”.
“Đến tiễn cậu chứ.
Sáu năm rồi mới gặp mặt nhau, không có cơ hội đánh một trận cũng phải tiễn đến nơi đến chốn”.
Quách Dĩ Kiên cười cười, ánh mắt như có như không nhìn về phía Hà Phương: “Bao giờ kết hôn nhớ thông báo một tiếng, nếu không bận thì tớ nhất định sẽ sắp xếp về tham dự”.
“Bây giờ tớ mà cầu hôn thì đảm bảo cô ấy sẽ chạy mất ngay, thế nên tư lệnh, cậu cứ vượt trước tớ đi.
Chờ cậu kết hôn xong tớ thì tớ mới xách dép chạy theo”.
“Tớ còn kết hôn gì nữa.
Không cô nào thèm lấy quân nhân, còn quanh năm lang bạt ở biên giới như tớ đâu”.
Một tư lệnh trẻ tuổi, gia phả cực khủng, lại đẹp trai và cao quý như Quách Dĩ Kiên, chỉ sợ rằng tiêu chuẩn cao đến nỗi người phàm không với tới nổi, làm gì có chuyện không có cô nào thèm lấy quân nhân như anh.
Có điều, Đình Việt biết rõ lý do Quách Dĩ Kiên không kết hôn chẳng phải là tiêu chuẩn kén vợ quá cao, mà là trong lòng chỉ chứa đựng duy nhất một người phụ nữ, cố chấp đến nỗi chẳng ai có thể lay chuyển được.
Anh cũng không động đến nỗi đau trong lòng Quách Dĩ Kiên, chỉ chuyển sang chủ đề khác: “Bao giờ cậu hành quân xuống biên giới phía nam?”
“Sau đợt truy quét nạn buôn người này.
Chờ giải quyết xong rồi tớ sẽ xuống phía nam”.
“Ở đó thời tiết ấm áp, hoa phù dung dễ nở hơn đấy”.
Quách Dĩ Kiên gật đầu, nhắc đến hoa phù dung, đôi mắt trong veo của anh mới khẽ động một cái: “Hy vọng là thế.
Tớ trồng đi trồng lại gần 5 năm nay nhưng không được, chắc là phù dung không phù hợp với khí hậu phương bắc”.
Nói đến đây, Quách Dĩ Kiên lại vỗ vai Đình Việt: “Tớ có sắp xếp xe để đưa cậu về bản A Tứ, Việt, không biết khi nào mới gặp lại, nhớ giữ gìn sức khỏe”.
“Kiên, cậu cũng vậy”.
Đình Việt nhìn chiếc xe Jeep biển đỏ cấp bậc VIP phía sau, cảm thấy hơi ngại khi được đãi ngộ như vậy: “Bọn tớ định ra đường quốc lộ bắt xe.
Cậu đưa tớ ra đường quốc lộ là được rồi, không cần phải đưa về tận bản A Tứ”.
“Cái này là chính sách đãi ngộ đặc biệt cho người có công phá đường dây buôn người đấy chứ”.
Quách Dĩ Kiên cười: “Đừng ngại, chỉ là một chuyến xe thôi.
Cô ấy bị gãy xương sườn, đi xe khách nhồi nhét, còn xóc nữa, không chịu được đâu”.
Hà Phương đứng ở xa không nghe được những lời này, nhưng cô có cảm giác Quách Dĩ Kiên và Đình Việt không giống như quen biết bình thường, hơn nữa mấy lần tư lệnh có nhìn sang cô bằng một ánh mắt ôn hòa nhưng nhiều hàm ý, khiến Hà Phương cảm thấy như ‘bạn của chồng đang đánh giá cô vợ nhỏ của Đình Việt vậy’.
Nhưng lạ nhất là cô không thấy khó chịu, thỉnh thoảng còn khẽ cười với Quách Dĩ Kiên.
Lúc bọn họ lên xe, tư lệnh Quách Dĩ Kiên có nói: “Nhà văn Hà Phương, tôi có đọc tác phẩm Mùa Hạ Ở Vùng Cao của cô rồi”.
Anh cười: “Viết rất hay”.
“Cảm ơn tư lệnh.
Có thời gian, xin phép tư lệnh cho tôi đến thăm doanh trại một lần nữa để lấy tư liệu viết sách.
Tôi đã viết rất nhiều sách về chiến tranh, động vật, nhưng chưa từng viết về quân nhân”.
“Cũng không có gì để viết đâu”.
Quách Dĩ Kiên khiêm tốn đáp: “Chúng tôi cũng chỉ là người bình thường thôi”.
Hà Phương gật đầu, cũng không miễn cưỡng anh nữa, trước khi xe nổ máy, cô nhìn Quách Dĩ Kiên, nói một câu thật lòng: “Tôi rất ngưỡng mộ anh, tư lệnh Quách Dĩ Kiên”.
Ngưỡng mộ vì có một tình yêu sâu sắc đối với Trịnh Vân Trang, đời này kiếp này, chỉ một lòng vì cô ấy, không thay đổi.
Chiếc xe Jeep biển đỏ nổ máy rời khỏi bệnh viện huyện giáp biên, chẳng mấy chốc đã khuất hẳn sau con đường nhỏ ngoằn ngèo.
Quách Dĩ Kiên nhìn đến khi không còn thấy khói bụi nữa mới lên chiếc xe còn lại, quay về nơi đóng quân.
Ngồi trên xe, anh trầm mặc nhìn ra ô cửa kính phủ một màu xanh của lá ở bên ngoài, một vài cành cây vươn ra đường va vào thân xe, như đ.âm vào mắt anh.
Không hiểu sao từ khi gặp Hà Phương, nỗi nhớ Trịnh Vân Trang trong lòng anh lại da diết thêm nhiều như thế.
Nhiều đến đau lòng, nhiều đến không chịu đựng được!
Có lẽ, Hà Phương mà anh vừa gặp đó có sự ngông cuồng, tự tin và cố chấp giống hệt người phụ nữ trong lòng anh suốt hai mươi năm nay, cũng có thể vì năm xưa cũng từng có một điệp vụ Vân Trang xách theo giấy bút đến căn cứ Z11 để xin anh lấy tư liệu như thế.
Hai người khác nhau mà lại giống nhau, khiến Quách Dĩ Kiên không nhịn được, mỗi giây mỗi phút đều nhớ về chuyện cũ.
Lồng ngực anh đau nhói, không thể nhìn tiếp cảnh vật bên ngoài, đành lặng lẽ nhắm mắt ngửa đầu tựa vào thành ghế.
Văn Đường ngồi ở ghế lái nhìn qua gương chiếu hậu thấy sắc mặt của Quách Dĩ Kiên phảng phất một nỗi đau không che giấu được, cũng cảm thấy lòng mình đau nhói.
Sau cùng, Văn Đường đành hít sâu vào một hơi: Tư lệnh, sau này sẽ khác thôi.
Người phụ nữ không tim không phổi Trịnh Vân Trang đó, sau này anh sẽ quên đi được thôi!
***
Quãng đường từ huyện giáp biên về đến bản A Tứ phải mất ròng rã nửa ngày.
Hà Phương cuộn tròn trong lòng Đình Việt ngủ một giấc, đến khi tỉnh dậy mới thấy chỉ đi được nửa đường.
Cô buồn chán không có chuyện gì làm nên hỏi anh: “Vừa nãy anh với tư lệnh nói chuyện gì thế?”.
“Chuyện của đàn ông, em không biết được”.
Anh búng mũi cô: “Đói chưa?”.
“Không đói, chỉ muốn mau về nhà, nằm mãi mỏi mông quá”.
“Cố chịu thêm mấy tiếng nữa, nghe anh bộ đội kia nói khoảng 3 tiếng nữa sẽ về đến bản A Tứ thôi”
“Sau đó còn phải chờ bắt xe ở ngã tư Cổ Lương, còn phải đi bộ mấy cây số vào bản nữa”.
Hà Phương bất mãn thở dài một tiếng: “Aizz, sao mà xa thế chứ?”
“Sao thế, lúc đầu còn hăng hái đòi tìm một anh ngon trai để vào rừng chơi dã chiến cơ mà.
Giờ thấy quãng đường gian nan nên nản lòng rồi hả?”
Hà Phương không nghĩ anh còn nhớ những lời cô nói từ ngày đầu gặp mặt, thầm rủa cái tên này thù dai thật.
Cô cười lấy lòng: “Em tìm được rồi”.
Hà Phương liếc người lái xe phía trước, nói rất khẽ, âm thanh mờ ám, chỉ đủ để hai người nghe thấy: “Không những được chơi dã chiến trong rừng, mà còn ở dưới nước nữa kia.
Bác sĩ Việt, về bản A Tứ không được thoải mái như trong rừng nữa, anh bảo làm sao em hăng hái được nữa đây?”.
Đình Việt lẳng lặng hít vào một hơi thật sâu, nghiến răng, chỉ muốn mắng cho người phụ nữ này một trận.
Cô không cần động chạm anh, chỉ cần chớp đôi mắt trong veo nhìn anh, khóe miệng cong cong lên, như thế là anh đã đủ cảm thấy máu trong người sôi lên rồi.
Đình Việt lấy tay che mắt Hà Phương: “Bớt nói nhảm, ngủ tiếp đi”.
“Bác sĩ Việt, anh xấu hổ gì chứ?”.
Anh mím môi không đáp, Hà Phương ở bên dưới cứ loay hoay lấy tay ra nhưng không được, lại tủm tỉm trêu chọc: “Em cảm nhận được rồi.
Ở lưng em, cứng”.
Đình Việt thầm chửi tục một tiếng trong lòng, chỉ muốn hất Hà Phương ra khỏi đùi mình.
Anh nhỏ giọng mắng: “Hà Phương, câm miệng lại”.
Cô ôm bụng cười như nắc nẻ, người lái xe phía trước cũng không rõ hai người cười cái gì, cũng cười theo!
Xe Jeep gầm cao, lại đi được các địa hình đồi dốc, cho nên hai người không phải xuống ngã tư Cổ Lương chờ xe hàng nữa, mà được đưa thẳng đến bản Tam.
Lúc xuống xe, Đình Việt có lấy mấy chiếc bánh mì anh đã mua trên đường, đưa cho người bộ đội: “Cảm ơn cậu.
Cậu cầm cái này đi đường ăn cho đỡ đói nhé”
Anh bộ đội kia rất trẻ, chắc khoảng 26, 27 tuổi là cùng.
Cậu ta nhận lấy túi bánh mì to trên tay Đình Việt, đáp: “Vâng.
Cảm ơn anh.
Tư lệnh dặn đưa hai người về tận nơi, nhưng đường vào bản A Tứ nhỏ quá, xe Jeep chỉ có thể vào đến đây thôi.
Quãng đường tiếp theo hai người cố gắng tự đi nhé”.
“Không sao, bình thường bọn tôi cũng vẫn hay đi bộ.
Chỉ còn mấy cây số nữa thôi”.
Đình Việt nhìn bầu trời đã bắt đầu chuyển về ban chiều, nói: “Cậu quay về đi.
Đi đường cẩn thận nhé”.
“Vâng”.
Xe Jeep đi khỏi, Đình Việt và Hà Phương cũng quay người đi vào bản A Tứ.
Mùa này con suối ở giáp bản Tam có rất nhiều nước chảy qua.
Hà Phương không đi ủng, cũng lười lết bộ qua suối giống như hơn một năm trước, cô vỗ vai Đình Việt: “Bác sĩ Việt, cõng em”.
Anh hơi buồn cười: “Không tự đi bộ nữa à?”.
“Không.
Hốt được anh ngon trai ở bản A Tứ rồi, em phải vắt kiệt sức lực mới được”.
Cô thấy anh vẫn đứng thẳng, cơ thể cao như núi, liền tóm lấy vai anh cố kéo xuống: “Mau lên, bác sĩ Việt, cõng em”.
Đình Việt thấy cô cứ nhảy lên nhảy xuống thì hết cách, đành ngồi xổm xuống trước mặt Hà Phương: “Trèo lên”.
Cô hài lòng ôm cổ anh, trèo lên lưng anh, để Đình Việt cõng vào bản A Tứ.
Lúc này, ánh sáng ở trong rừng đã bắt đầu yếu dần, những con chim bay đi kiếm thức ăn cả ngày cũng đã về trú ngụ.
Hai chiếc bóng chồng lên nhau lững thững bước trên con đường nhỏ, bên tai có tiếng róc rách của nước suối, cảnh vật an tĩnh giống hệt như cách đây một năm, khiến Hà Phương có cảm giác như mình mới chỉ đến bản A Tứ ngày hôm qua.
“Nhanh thật”.
Cô nói: “Đi hết một vòng, rồi vẫn quay lại đây”.
“Ừ”.
Đình Việt chậm rãi bước từng bước về phía trước, cõng cô ở trên lưng: “Ngày đó sao em lại chọn bản A Tứ?”
“Anh đoán xem”.
“Không đoán được”.
Hà Phương hít hà mùi bồ kết trên tóc anh, mỉm cười: “Hồi đó có đọc được một bài viết kêu gọi ủng hộ từ thiện, có một list địa điểm đến, mấy cái tên dài gì đó em không nhớ.
Chỉ nhớ mỗi hai từ A Tứ vì nó ngắn nhất”.
Đình Việt phì cười: “Rồi đến đây?”.
“Em nhắn tin hỏi người viết bài từ thiện đó, người ta nói bản A Tứ là điểm xa nhất, lần này nếu không quyên góp đủ thì chắc không lên được.
Kết quả là họ không lên bản A Tứ, cho nên em lên”.
Bước chân Đình Việt dẫm xuống mấy cành cây mục bên dưới, ánh mắt anh mông lung nhìn về phía trước, rất lâu sau mới nói với cô: “Hà Phương”.
“Ừ”.
“Em đã làm được rất nhiều điều cho trường tiểu học A Tứ”.
Và cả cho anh nữa, trong lòng Đình Việt vốn nghĩ vậy, nhưng lại không nói ra.
Hà Phương cười cười: “Cũng không phải là chuyện to tát gì.
Mọi người đến ủng hộ là tốt rồi”.
Nói xong, lại nhớ ra chuyện gì nên cô hỏi: “Bác sĩ Việt, anh sẽ ở chỗ này bao lâu?”
Bước chân Đình Việt ngay lập tức khựng lại, nhưng một giây sau, anh lại nhanh chóng bước đi như bình thường, tỏ ra như không có gì.
Thực ra, không phải anh chưa từng nghĩ đến việc rời khỏi bản A Tứ, nhưng bác sĩ Lâm mới đến chưa quen được với công việc, hơn nữa các bệnh nhân trong thôn anh đang chữa trị có rất nhiều, bảo bỏ đi ngay thì anh không làm được.
Thêm cả, còn có công trình nghiên cứu phương pháp chạy thận nhân tạo mới của anh, chưa hoàn thành, anh chưa có mặt mũi quay về!
Cuối cùng, Đình Việt nói: “Trước khi bị bắt qua biên giới, anh chưa từng nghĩ sẽ rời khỏi chỗ này”.
Hà Phương gật đầu, cô không hỏi bây giờ thì anh suy nghĩ thế nào, bởi vì mỗi người có một vết thương lòng khác nhau, có sự cố chấp khác nhau.
Giống như cô, không màng nguy hiểm chạy đến tìm Lâm Hạo, có được câu trả lời kia thì mới có thể thôi tự trách chính mình.
Còn anh, trên vai anh gánh ba mạng người, cho nên anh cần thời gian để tự chữa lành vết thương trong lòng.
Cô hiểu.
Cũng không ép anh!
Đi hơn ba mươi phút, cuối cùng hai người cũng về đến trường tiểu học A Tứ.
Hà Phương vừa nhìn thấy A Văn đang thu hạt ô mai phơi trên giàn ngoài sân thì lập tức nhảy xuống khỏi lưng Đình Việt.
Anh chưa kịp mắng cô thì đã thấy Hà Phương chạy đi.
Cô đứng trước sân, gọi thật to:
“Thầy A Sì Lử, A Văn”.
Nghe tiếng gọi của cô, tất cả mọi người đều quay đầu lại.
Thầy A Sì Lử kinh ngạc dụi mắt thật kỹ mấy lần, A Văn thì vứt cả đống ô mai trên tay, hét to: “Chị Phương, anh Việt, là hai người thật à?”
“Bọn tôi về rồi đây”.
Hà Phương vẫy vẫy tay, vừa định nói thêm thì đã thấy một bóng người chạy thật nhanh từ trong dãy nhà đi ra, vụt qua cô rồi lao đến chỗ Đình Việt, ôm anh thật chặt.
Nhã Lam khóc òa lên như một đứa trẻ: “Bác sĩ Việt, may quá anh vẫn bình an.
Bác sĩ Việt, em cứ tưởng là không gặp lại được anh nữa.
Tạ ơn trời phật, anh vẫn còn sống quay về”.
Hà Phương thầm chửi bậy một tiếng trong lòng.
Cái gã bác sĩ đào hoa này, sao đi đến đâu cũng có phụ nữ theo như vậy.
Ở thị trấn giáp biên có Lý Ban, về đến bệnh viện có các cô y tá, còn quay lại đây thì có Nhã Lam.
Cô xưa nay vốn không thích đàn ông có quá nhiều ong bướm xung quanh, thế mà bây giờ lại dây vào đúng một tên vừa đẹp trai vừa tốn gái.
Hà Phương thở dài, đúng là tạo nghiệp mà!
Cô không buồn quan tâm đến Nhã Lam đang khóc như mưa như gió phía sau lưng, chạy lại hỏi thăm thầy A Sì Lử và A Văn, còn có bác sĩ Lâm mới đến đang loay hoay ở trong bếp.
Hai người mất tích gần nửa tháng trời, tất cả mọi người đều lo lắng, bây giờ gặp lại thì cứ túm lấy Hà Phương và Đình Việt hỏi đủ chuyện, lát sau thầy A Sì Lử mới sực nhớ ra trời đã tối, lại vội vàng giục mọi người mau dọn cơm lên.
Bữa cơm hôm ấy ngoài trời không có trăng sáng, A Văn phải thắp bóng điện tròn ngoài sân lên.
Nhã Lam vẫn dính như sam lấy Đình Việt, chỉ có Hà Phương thèm mấy món rau dưa ở bản A Tứ đến không cầm lòng được, cả một buổi ngồi ăn từ đầu đến cuối.
A Văn thấy cô không để ý đến Đình Việt mới nói: “Chị Phương, chị bị thương có nặng không?”
“Không, khỏe lắm.
Chỉ trầy xước một ít thôi”.
Hà Phương gắp một miếng dưa cải muối, bỏ vào miệng nhai: “Gần đây mọi người vẫn tốt chứ?”
“Vẫn tốt”.
A Văn thở phào một tiếng: “Ôi, hai người mất tích, bọn em lo lắng c.hế.t mất.
Có báo công an rồi mà mãi vẫn chẳng thấy tin tức gì.
Có cả gia đình anh Việt lên tìm nữa”.
Cô gật đầu: “Chuyện đi khám bệnh thì sao?”
“May mà có Lâm đến, cũng đỡ đi nhiều.
Nhưng có một số việc chỉ có anh Việt mới làm được thôi.
Ví dụ như các thuốc nam mà bà con trong thôn vẫn đang uống ấy, bọn họ nói sắp hết rồi, nhưng em với Lâm không biết hái.
May quá, đang không biết phải làm sao thì anh Việt về”.
A Văn nói đến đây lại cười cười, gắp một miếng thịt thật to vào bát Hà Phương: “Chị Phương, mau ăn đi.
Trông chị gầy lắm, gầy hơn cả trước rồi”.
“Gầy mới đẹp đấy”.
Cô cười: “Ô mai cậu ngâm à?”
“Hả?”.
Mặt mày A Văn hơi ngơ ra, lại theo phản xạ liếc Đình Việt đang bị Nhã Lam quấn lấy gắp thứ này thứ khác.
Không thấy anh tỏ ý kiến gì, A Văn mới nói: “Mùa mơ, anh Việt mua về tự ngâm đấy.
Trời nắng em lấy ra phơi”.
Hà Phương cũng nhìn anh, trong mắt như có như không một ý cười.
Đình Việt cũng cười, nhưng không phải với Nhã Lam mà là với cô.
Ăn cơm xong, Đình Việt phải lên trạm xá kiểm tra công việc, anh là trưởng trạm, lại vắng mặt tận nửa tháng nên công việc chất lại như núi, không ai giải quyết thay được.
Hà Phương cũng chẳng có việc gì làm nên mượn điện thoại của A Văn, gọi cho Việt Anh một cuộc.
Cô mất tích nửa tháng, bọn họ có thể không biết hoặc không lo lắng, nhưng dù sao cũng là máu mủ, không bỏ được.
Hà Phương cầm điện thoại ngồi ở chiếc ghế dài ngoài sân, bấm một dãy số rồi gọi đi, chuông đổ rất lâu mới có người nghe máy: “Alo”.
“Việt Anh”.
Giọng Việt Anh rất uể oải, nhưng khi nghe tiếng Hà Phương gọi thì giật thót mình, vội vội vàng vàng cầm ngay ngắn lại ống nghe: “Chị Phương, chị đấy à? Có phải là chị không?”
“Ừ, là chị”.
“Chị đi đâu tận nửa tháng trời, em gọi bao nhiêu cuộc không được.
Nửa tháng qua chị ở đâu thế?”.
“Đi đến vùng không có sóng nên không liên lạc được”.
Cô nghĩ địa chỉ mình đăng ký hộ khẩu là nhà riêng, khi có việc, có lẽ công an chỉ gửi thông báo đến đó.
Không có ai nhận được nên mẹ cô mới không biết chuyện Hà Phương bị bắt qua biên giới.
Cô nói: “Có chuyện gì mà gọi chị vậy?”.
“Mẹ bị xe đụng phải, nằm viện bốn ngày nay rồi”.
Việt Anh gấp gáp thông báo: “Trước lúc hôn mê, mẹ chỉ nói muốn gặp chị thôi.
Chị Phương, chị mau về đi”.
Tim Hà Phương nhói lên một cái, cô không nghĩ mới có mấy ngày đã xảy ra chuyện lớn như vậy: “Tình hình mẹ thế nào rồi?”
“Vẫn hôn mê.
Bác sĩ nói mẹ bị chấn động não, không rõ bao giờ mới tỉnh lại.
Bây giờ vẫn đang nằm ở trong phòng hồi sức tích cực.
Chị Phương, bao giờ thì chị về”.
Hà Phương suy nghĩ vài giây rồi dứt khoát đáp: “Ngày mai”.
Buổi đêm, cô ngủ một giấc rồi nhưng lại đột nhiên tỉnh dậy.
Theo thói quen quờ sang bên cạnh tìm Đình Việt, lúc không thấy mới nhớ ra hai người đã trở về bản A Tứ.
Ở ký túc xá, cô ngủ phòng riêng, anh cũng ngủ phòng riêng.
Hà Phương hơi khát nước, cô lật chăn bước xuống giường định tìm nước nhưng gian phòng này lâu rồi không có ai ở, A Văn cũng chưa kịp để nước vào, cô đành lục túi đồ mới đem từ bệnh viện về sáng nay ra, cuối cùng cũng tìm được một chai nước còn nguyên.
Hà Phương mở nắp, lại phát hiện ra nắp đã bị ai mở từ trước rồi, cô nghĩ chắc do lỗi đóng gói nên không để ý, định đưa lên tu một hơi, nhưng khi nước vừa vào đến miệng thì lại có cảm giác mùi rất khác.
Vừa hăng lại vừa nồng, không giống như nước bình thường.
Hà Phương suy nghĩ rất nhanh, lập tức nhổ ra.
Chỉ vài giây sau đầu lưỡi cô liền bỏng rát như ăn phải ớt, Hà Phương nhíu mày, bật điện lên nhìn cho rõ chai nước, thấy màu nước vẫn trong vắt không có gì khác thường, ngửi cũng không thấy có mùi lạ, nhưng miệng cô thì như ăn phải axit, muốn lột ra đến nơi.
Hà Phương khó chịu, vội vàng đặt chai nước xuống rồi mở cửa đi ra ngoài.
Ra đến hành lang, cô mới thấy phòng Đình Việt vẫn còn sáng đèn, bên trong có thấp thoáng bóng của Nhã Lam, nhưng Hà Phương không có thời gian để ý, chỉ đi thẳng đến giếng súc miệng.
Nước giếng ở bản A Tứ mát rượi, nhưng không thể xoa dịu hoàn toàn được cảm giác bỏng rát trong miệng cô.
Hà Phương bị bỏng đến ngứa ngáy chân tay, cứ múc từng gàu nước lên súc miệng mãi, mấy phút sau đột nhiên có tiếng bước chân đi ra, Hà Phương chưa kịp ngẩng lên thì đã nghe giọng Đình Việt:
“Em sao thế?”.
“Không biết”.
Cô gần như vùi đầu vào trong gáo, cố dùng cảm giác mát rượi của nước xoa dịu miệng mình: “Em uống chai nước, nhưng mùi rất hăng, em có cảm giác như bị bỏng”.
Đình Việt ngay lập tức kéo cô đứng lên: “Mùi vị nước thế nào? Há miệng ra anh xem”.
“Hăng, hôi”.
Hà Phương há miệng ra, trời tối, anh nhìn không rõ, lại kéo cô vào trạm xá.
Khi bật điện lên mới thấy niêm mạc trong miệng cô đã chuyển thành màu trắng, giống như ăn phải axit.
Cũng may là vẫn còn nhẹ nên chỉ bị bỏng.
“Uống phải gì đó rồi, em có nuốt xuống không?”.
Sắc mặt anh xanh mét: “Hà Phương, nói với anh là em không nuốt xuống”.
Hà Phương thấy anh lo đến mức mồ hôi trên trán vã ra đầm đìa mới nhận ra sự việc nghiêm trọng hơn cô nghĩ, vội vã lắc đầu: “Em không nuốt xuống, em thấy mùi lạ thì nhổ ra ngay”.
“Chắc chắn không?”.
Cô gật đầu: “Chắc chắn.
Một giọt cũng không nuốt”.
Tay Đình Việt siết chặt tay cô, chặt đến nỗi Hà Phương rất đau, cô định kêu lên mới chợt thấy hai mắt anh đỏ hoe, cuối cùng đành lao lại ôm chặt anh: “Em không nuốt, không sao mà”.
“Hà Phương”.
Anh giữ chặt lấy đầu cô, rõ ràng muốn nói gì đó nhưng miệng lại không thốt ra được câu nào.
Một lát sau, anh mới run rẩy nói: “Ở yên đây, anh pha thuốc cho em.
Một lát nữa là hết đau ngay thôi”
“Vâng”.
Hà Phương ngồi xuống ghế, nhìn anh luống cuống tìm từng loại nguyên liệu để pha thuốc.
Đình Việt hình như vẫn rất run nên cứ loay hoay mãi, hết nhặt chai này lại lấy chai kia, cuối cùng cô đành lên tiếng: “Em không uống giọt nào, anh đừng lo.
Em không uống thật”.
Đình Việt quay đầu nhìn cô, mím môi, lại tiếp tục pha thuốc.
Lát sau, anh cầm một cốc nước đưa đến cho Hà Phương, bảo cô uống hết loại này.
Chẳng biết anh pha loại thuốc gì mà chỉ một lát sau cảm giác bỏng rát trong miệng đã dần dần dịu bớt, không còn đau nữa.
“Thế nào rồi?”.
Anh ở bên cạnh cầm tay cô, lo lắng hỏi: “Còn đau không?”
“Hết đau rồi”.
Hà Phương giơ tay sờ đầu mày đang nhíu chặt của anh: “Nước em uống phải có chất gì đó độc phải không?”.
Đình Việt hít vào một hơi, khẽ gật đầu: “Phải là một loại chất độc nào đó tương tự axit thì mới bỏng như vậy được.
Nhưng vì pha loãng với nước nên em mới chỉ bị nhẹ”.
Anh ôm cô vào lòng: “Ban nãy nếu em nuốt hai ngụm thôi thì có lẽ không cứu được nữa rồi”.
“…”
“Hà Phương, em lấy loại nước đó ở đâu?”.
“Ở trong túi đồ mang từ bệnh viện về, em nghĩ là anh mua”.
Cô đoán được ra là ai bỏ, nhưng không có bằng chứng, nên chỉ nói đến thế.
Tuy nhiên, có những chuyện Hà Phương không cần nói ra thì Đình Việt cũng hiểu, anh siết chặt lấy cô: “Lát nữa đưa chai nước đó cho anh, anh gửi đến công an giám định vân tay”.
“Ừ”.
Hà Phương thở dài, theo lẽ bình thường thì cô sẽ tự tay xử lý Lý Ban, nhưng ý Đình Việt như vậy, cô đành nghe theo anh.
Hà Phương không muốn nhắc đến nữa, đành lảng sang chuyện khác: “Ban nãy em thấy cô giáo Lam ngồi ở trong phòng anh.
Bác sĩ Việt, em còn chưa rời khỏi đây mà anh đã vội vàng quay lại với tình cũ rồi”.
Đình Việt hơi buồn cười: “Em bị thương, không làm được cũng đâu phải lỗi của anh”.
Hà Phương véo hông anh: “Thế nào? Kỹ thuật cô giáo Lam tốt hơn em không? Lúc lên đỉnh kêu có dễ nghe như em không?”.
Đình Việt bị véo đến đau điếng, nhưng không dám đẩy cô ra, sợ làm Hà Phương đau, anh nghiến răng đáp: “Không bằng”.
“Còn dám nói”.
Cô càng véo mạnh hơn, Đình Việt hết cách, đành giơ tay đầu hàng: “Cô ấy sang hỏi thuốc nam, anh đuổi về rồi nhưng không chịu.
Vừa rồi thấy em là anh tìm cớ đứng dậy đi luôn”.
Anh cảm nhận được mảng thịt ở eo mình như sắp đứt ra, nói liền một mạch: “Nhà văn Hà Phương, không có ai bằng em”.
Hà Phương phì cười, cô muốn hôn anh, nhưng lại sợ chất độc ở miệng mình vẫn chưa hết, sẽ lây cho Đình Việt, cuối cùng đành nhịn lại.
Hà Phương ôm chặt lấy cổ anh, cười bảo: “Bác sĩ Việt, em về Hà Nội rồi thì cho anh ăn bên ngoài đấy”.
Đình Việt nhìn cô, ngữ điệu này của Hà Phương là nửa đùa nửa thật, không phải đe dọa, cũng chẳng phải đồng tình, nhưng quen nhau chừng ấy thời gian, Đình Việt chắc chắn cô không phải là loại phụ nữ thích dùng chung, ít nhất là trong thời gian hai người còn ở bên nhau.
Anh đáp: “Không cần.
Anh đã nói cho em cả đời”.
Hà Phương vuốt môi anh: “Thật không?”
“Thật”.
“Em về Hà Nội rồi, anh sẽ không quên em chứ?”
Ý cô là quên cảm giác trên giường cùng cô, quên cả tiếng hô hấp rối loạn cùng những tiếng kêu yêu kiều mỗi đêm quấn quít.
Tuy nhiên, Đình Việt lại hiểu theo nghĩa khác, anh nghĩ cô muốn chia tay nên lạnh mặt đáp: “Nói lung tung gì vậy”.
“Anh cứ trả lời đi”.
“Em trả lời trước đi.
Em thì sao?”.
Anh nhìn thẳng vào đôi mắt trong vắt của cô, khẽ hỏi: “Có quên anh không?”.
“Không quên, đêm ngày đều nhớ anh”.
Lúc này, tảng đá đè nặng trong lòng anh mới nhẹ bớt, Đình Việt ôm cô, gật đầu: “Vậy thì anh cũng không quên em”.
“Rất tốt”.
Hà Phương rúc trong lồng ngực ấm áp của anh, lắng nghe từng tiếng tim đập của anh, còn cả mùi da thịt quen thuộc của Đình Việt.
Trước giờ, chưa từng vì tạm biệt người đàn ông nào mà khiến cô lưu luyến, nhưng hiện tại đây, chỉ tạm xa anh một thời gian mà Hà Phương lại cảm thấy không nỡ, cứ muốn mãi mãi ở lại chốn này.
Nhưng cô ở lại được sao? Cô là một nhà văn, có nhiều dự định cho tương lai, cô còn người mẹ đang hôn mê ở bệnh viện dưới Hà Nội, cô không thể ở mãi tại đây như Đình Việt được.
Rất lâu sau, cô nói: “Bác sĩ Việt, ngày mai em sẽ về Hà Nội”.