Bạn đang đọc Cất Giấu Một Tấm Chân Tình – Chương 30
Hà Phương chưa từng nghĩ đến việc sẽ gặp ‘phụ huynh’ của Đình Việt, cũng không có ý muốn nịnh nọt lấy lòng gia đình anh.
Cô vốn định lịch sự chào hỏi vài ba câu, nhưng Trần Nguyệt Hoa tỏ thái độ khó chịu như vậy, Hà Phương cũng không muốn niềm nở nữa.
Cô nói: “Người mà bác quan tâm là con trai bác, cho nên cháu nghĩ bác nên chờ Việt để hỏi xem anh ấy coi cháu là gì thì sẽ có câu trả lời chính xác hơn”.
Câu trả lời này làm Trần Nguyệt Hoa lập tức sửng sốt, bà nhướng mày nhìn người phụ nữ quần áo rách tả tơi trước mặt, dù bề ngoài có chút thê thảm nhưng ánh mắt lại kiên định không một chút nao núng, giống như chẳng hề biết e dè hay sợ hãi trước bất cứ điều gì.
Trần Nguyệt Hoa có hơi mất tự nhiên, kéo cao khăn quàng cổ lông chồn chắn gió từ bờ sông thổi đến, nói: “Nghe nói ý tưởng vào thôn tìm bọn bắt cóc người qua biên giới là cô đưa ra? Còn kéo con trai tôi đi cùng để nó đến nông nỗi này?”
Mặc dù Trần Nguyệt Hoa không nhắc đến chuyện ai nói, nhưng Hà Phương cũng có thể đoán được người đó là ai.
Cô cười đáp: “Đúng là cháu muốn vào thôn tìm mấy đứa trẻ con suýt bị bắt cóc.
Nhưng Việt là một người trưởng thành, anh ấy biết tự cân nhắc đúng sai, vả lại, cứu người là việc tốt”.
Ngừng một lát, cô mới nói thêm: “Anh ấy là người tốt, cho nên mới không ngại nguy hiểm đi cứu mấy đứa trẻ”.
“Cô biết vì sao nó lại tốt như thế không?”.
Hà Phương quay đầu nhìn Trần Nguyệt Hoa, im lặng chờ bà tự trả lời.
Trần Nguyệt Hoa cười cười: “Chắc là nó vẫn chưa kể cho cô nghe về lý do nó đến bản A Tứ làm việc suốt bảy năm nay.
Như thế có nghĩa là cô cũng không quá quan trọng với nó”.
Hà Phương không phản bác, nói: “Bọn cháu quen nhau chưa lâu, cũng chưa từng hứa hẹn điều gì cả”.
Trần Nguyệt Hoa gật đầu, tuy miệng nói vậy, nhưng trong lòng lại rõ hơn ai hết, Hà Phương chắc chắn là người có vị trí rất khác trong tim đứa con trai chưa từng yêu ai của mình.
Nếu không, Đình Việt đã chẳng xông qua biên giới vì cô.
Trần Nguyệt Hoa liếc vào lều chỉ huy, thấy bên trong vẫn im lìm mới chầm chậm nói: “Năm nó hai mươi tư tuổi đã là một bác sĩ rất giỏi ở khoa hồi sức tích cực ở bệnh viện X.
Chắc cô cũng đã nghe vụ án ở bệnh viện X năm 2015 rồi phải không?”.
Năm đó Hà Phương đang phiêu bạt ở Trung Đông viết sách về chiến tranh, thỉnh thoảng có thời gian rảnh rỗi vẫn lên mạng đọc báo.
Có một lần cô xem được một đoạn clip ghi lại cảnh một bác sĩ bị rất nhiều người dân vây lại ném cà chua thối, trứng thối, trăm nghìn tiếng chửi rủa thô thiển cùng với những bãi nước bọt bẩn thỉu nhổ về phía bác sĩ kia.
Hà Phương cứ nghĩ đó chỉ là bạo loạn gì đó ở bệnh viện, nhưng đến khi đọc lại tiêu đề mới biết bác sĩ ở bệnh viện X đó đã y lệnh chạy thận nhân tạo khi chưa kiểm tra hệ thống RO, khiến 3 bệnh nhân đang chạy thận ở bệnh viện bị nhiễm độc c.hế.t.
Lúc đó, báo không viết rõ tên vị bác sĩ kia, clip cũng quay quá xa, từ đầu đến chân anh ta lại bẩn thỉu nhớp nháp nên không nhìn rõ mặt, tuy nhiên Hà Phương vẫn nhớ rõ thời ấy bài viết đã có đến hơn 40 nghìn bình luận chửi bới, số lượng người quan tâm đến vụ việc đó nhiều một cách khiếp sợ.
Tuy nhiên, khiếp sợ hơn là chỉ đúng nửa ngày sau là toàn bộ thông tin về việc làm c.hế.t người đó đã bị xóa sạch, tất cả các bài báo lẫn diễn đàn đều đồng loạt gỡ bài.
Hà Phương cũng muốn vote một vé đòi lại công bằng cho nạn nhân nhưng lại tìm kiếm không được, cuối cùng chính cô cũng mỉa mai một tiếng: Không biết bác sĩ kia là con nhà danh gia nào mà có thể g.iế.t người xong lại một tay che trời như vậy.
Không ngờ đến giờ khi nghe mẹ anh nhắc lại, cô mới chợt nhận ra rất có thể đó chính là bác sĩ Việt!
Hà Phương chậm rãi hỏi: “Ý bác là bác sĩ làm c.hế.t ba bệnh nhân đó là Việt ạ?”.
“Nó thì có lỗi sai gì chứ?”.
Nhắc đến chuyện cũ, mẹ anh vẫn cảm thấy lòng mình như bị bóp nghẹt lại: “Bên công ty sửa chữa thiết bị y tế làm sai, thế mà mọi tội lỗi đều đổ hết lên đầu con trai tôi, nói nó không kiểm tra hệ thống lọc thận đã cho bệnh nhân chạy, cuối cùng làm c.hế.t người”.
“…”
“Con trai tôi là đứa giỏi giang, được đi đào tạo ở Đức về, năng lực hơn hẳn các bác sĩ khác trong bệnh viện.
Nó cũng từng chạy thận nhân tạo cho biết bao nhiêu người, làm sao biết hệ thống lọc RO hỏng mà vẫn chạy thận được.
Là người khác thấy nó trẻ tuổi nên mới tìm cách đổ mọi tội lỗi cho nó”.
Hà Phương ngẫm nghĩ một lúc, cảm thấy rất phải.
Đình Việt hiện tại không còn là một chàng trai 24 tuổi của năm xưa, nhưng tính cách cẩn thận, điềm đạm và chững chạc của anh không phải do thời gian mài thành, mà là cốt cách của anh vốn luôn như vậy.
Trần Nguyệt Hoa lại nói: “Vụ án năm đó cũng đưa ra tòa xét xử.
Cuối cùng tòa tuyên con trai tôi vô tội, lỗi là ở bên công ty thiết bị y tế.
Nhưng có làm thế nào thì danh tiếng của con trai tôi cũng không rửa sạch được nữa.
Việt nó cũng không vượt qua được chuyện cũ, nó luôn tự trách bản thân mình nên mới rời khỏi bệnh viện X, một mình lên bản A Tứ làm một bác sĩ quèn ở trạm xá.
Cô nhà văn, cô nói xem, con trai tôi có xứng đáng sống một cuộc đời như thế không?”.
Hà Phương không cần nghĩ đã dứt khoát đáp: “Sẽ không”.
“Đúng thế”.
Trần Nguyệt Hoa mỉm cười: “Nó phải sống một cuộc đời tươi sáng.
Không thể chôn vùi mãi ở nơi nghèo nàn đó được.
Cũng như cô, con trai tôi và cô không cùng một loại người, không thể ở bên nhau được”.
Hà Phương không bất ngờ trước những lời này của mẹ anh, bởi vì chính cô cũng hiểu rõ, bản thân mình bẩn thỉu như vậy, so với bác sĩ Việt sạch sẽ cao quý vốn không cùng một loại người.
Chỉ là lần đầu tiên trái tim có thể rung động vì một người đàn ông lại gặp cản trở lớn như vậy, trong lòng Hà Phương không khỏi cảm thấy nực cười.
Cô nhìn Trần Nguyệt Hoa, mỉm cười một cái: “Vâng”.
“Lúc nghe tin con tôi và cô mất tích, tôi đã thử tìm hiểu sơ qua về cô”.
Mẹ anh nói: “Cô Phương, nghe nói trước đây có bị tâm thần, phải điều trị tâm lý suốt 6 năm?”.
Hà Phương không giấu giếm, gật đầu nói: “Vâng.
Bị trầm cảm mức độ IV, đã tự tử nhiều lần nhưng không thành.
Cháu có hút thuốc, uống rượu, thử những trò mạo hiểm kích thích.
Đến giờ vẫn chưa hoàn toàn khỏi bệnh”.
Trần Nguyệt Hoa rất ngạc nhiên, lúc Nghiêm Quỳnh đưa tài liệu về cô, bà đã đọc qua một lượt.
Cảm thấy người phụ nữ này thật tồi tệ quá mức tưởng tượng, dù gia đình có khá giả, nhưng bố mẹ lại ly hôn, sau đó không lâu thì cha mẹ cũng nhanh chóng kết hôn với người khác.
Hà Phương trở thành kẻ lạc lõng bị bỏ lại, cô trầm cảm nặng, sau khi bị mẹ tống sang Mỹ thì trò bẩn thỉu cuồng loạn nào cũng thử qua, không khác gì một người đàn bà cặn bã.
Nhưng một kẻ như thế lẽ ra phải nói dối không chớp mắt mới đúng, tại sao lại không biết xấu hổ thừa nhận tất cả như vậy?
Trần Nguyệt Hoa dò xét nhìn Hà Phương một lượt, nghĩ cô chỉ đang giả vờ thành thật mà thôi.
Bà vốn xuất thân trong một gia đình danh giá quyền quý, không thể nào chấp nhận con trai mình quen một người phụ nữ có đời sống cá nhân sa đọa như vậy.
“Nghe nói ngoài những trò đó, bên cạnh cô còn có rất nhiều đàn ông?”.
Như lời Nghiêm Quỳnh nói thì chính là ‘dùng tình dục để giải phóng bản thân mỗi lần lên cơn’.
Nhưng Trần Nguyệt Hoa không nói ra lời đó.
Hà Phương đáp: “Vâng, không nhớ rõ anh Việt là người thứ bao nhiêu.
Bên cạnh cháu trước đây có rất nhiều đàn ông”
“Gia đình tôi đã nhắm cho Việt một cô gái hợp với nó rồi.
Cũng là con gái nhà gia giáo, được học hành và có công việc đàng hoàng.
Bố mẹ cô gái đó cũng không ly hôn”.
Trần Nguyệt Hoa chạm vào vết thương trong lòng cô: “Thằng Việt cũng đã lớn tuổi, ở tuổi này lẽ ra đã nên kết hôn rồi.
Tôi cũng chẳng mong con trai mình lấy được người giỏi giang xuất sắc gì, chỉ cần nó kết hôn với một người phụ nữ bình thường là được.
Cô Phương, điều này cô không có phải không?”.
Từ đầu đến cuối Trần Nguyệt Hoa không mắng không chửi, nhưng mỗi lời nói ra đều sắc lẹm như d.a.o.
Tất cả những điều bà nói là sự thật, Hà Phương không thể phản bác: “Vâng, những lời bác nói đều đúng cả”.
“Con trai tôi đã gặp quá nhiều chuyện tồi tệ rồi.
Có xen vào cuộc đời của nó, cũng chỉ là tôi muốn tốt cho nó mà thôi.
Cô Phương, hy vọng cô hiểu”.
Hà Phương bình tĩnh nhìn Trần Nguyệt Hoa, cô không phải kẻ nhu nhược, gặp chút trắc trở đã buông tay.
Nhưng giữa cô và Đình Việt, nói chỉ là tình một đêm thì không phải, nói sâu đậm đến mức muốn cưới nhau cũng không đúng, hai người chưa từng hứa hẹn gì với nhau cả.
Sau cùng, cô nhắc lại lời ban nãy: “Việt đã trưởng thành rồi, anh ấy biết phân biệt đúng sai, cũng có cuộc đời riêng của anh ấy.
Bác gái, cháu hiểu bác suy nghĩ gì.
Nhưng cháu đã nói rồi, cháu là gì đối với Việt không quan trọng, quan trọng là anh ấy coi cháu là gì.
Nếu con trai bác chỉ xem cháu là đối tượng chơi qua đường, thế thì dễ rồi.
Bác không cần phải xen vào, tự khắc anh ấy cũng sẽ rời đi”.
Gió lồng lộng từ con sông cạn thổi đến, mùi hương của cỏ cây nhẹ nhàng đưa đến, làm dịu cảm giác khô nóng của mùa hè chói chang.
Hà Phương rời đi không lâu thì Đình Việt đi từ lều chỉ huy ra.
Anh thậm chí chỉ liếc Trần Nguyệt Hoa đúng một cái:
“Mẹ, cô ấy đâu rồi?”.
Trông thấy con trai mình sốt ruột như vậy, còn không thèm hỏi han bà lên đây thế nào, Trần Nguyệt Hoa vừa ấm ức vừa giận: “Nghe bảo vừa đi thăm bọn trẻ bị bắt cóc”.
“Con đi tìm cô ấy đã”.
Đình Việt vừa định đi thì Trần Nguyệt Hoa đã gọi lại: “Con không có gì muốn nói với mẹ à? Mẹ lặn lội lên đây tìm con, khó khăn lắm mới chờ được con về.
Thế mà con không thèm để lời của mẹ vào tai, không đi chữa bệnh mà vừa ra khỏi là đi tìm cô gái đó luôn.
Việt, cô ta là gì của con”.
“Người con thích”.
“Con…”.
Trần Nguyệt Hoa giận đến nỗi không nói được nên lời: “Con lại định làm chuyện gì thế? Cô ta là người thế nào con có biết không? Còn con bé Thanh thì sao?”.
“Mẹ, con đã nói là con không thích con của bạn mẹ”.
Đình Việt thấy mắt mẹ mình đỏ hoe, cũng cảm thấy bản thân quá đáng.
Anh đi lại gần, an ủi Trần Nguyệt Hoa: “Mẹ, mấy ngày rồi mẹ vất vả rồi.
Mẹ mau quay về Hà Nội đi.
Ở đây điều kiện sống không tốt, mẹ không ở được đâu.
Con không sao cả, mẹ đừng lo lắng”.
“Con thế này mà bảo không sao?”.
Trần Nguyệt Hoa nhất quyết không chịu: “Việt, con lên bản A Tứ chịu khổ bao nhiêu năm rồi, lần này còn suýt nữa thì mất mạng.
Mẹ không đồng ý cho con ở đây nữa, con theo mẹ về Hà Nội đi.
Về đó đến bệnh viện kiểm tra toàn diện một chuyến”.
“Mẹ”.
Đình Việt thở dài, nắm đôi vai mẹ mình: “Con đã nói là con không sao, bị cành cây cào vào xước xát vài chỗ thôi.
Nếu bị thương nặng thì còn đứng ở đây được à? Hà Phương bị thương nặng hơn, con phải đi tìm cô ấy.
Mẹ về đi.
Khi nào đến nơi thì gọi điện thoại cho con”.
“Cái thằng này…”.
Anh không đợi Trần Nguyệt Hoa nói hết câu đã quay sang gọi tài xế: “Chú Nam, chú đưa mẹ cháu về đi.
Đường xa, đi sớm mới về đến Hà Nội trước khi trời tối được”.
Chú Nam đang quanh quẩn hút thuốc gần đó, nghe anh gọi mới vội vàng chạy lại nói “Vâng” một tiếng.
Đình Việt ngay lập tức kéo tay mẹ lên xe, vừa đi vừa dỗ dành an ủi, còn nói vài hôm nữa sẽ về thăm mọi người trong nhà.
Trần Nguyệt Hoa có thể nghiêm khắc với tất cả mọi người, nhưng con trai cưng dỗ dành vài câu là lòng dạ đã mềm nhũn.
Lúc lên xe, bà vẫn nắm tay anh dặn dò:
“Việt, con phải sớm về Hà Nội đấy.
Mẹ có nhiều chuyện cần nói với con.
Về rồi sắp xếp ăn cơm với Thanh một bữa”.
“Con biết rồi.
Mẹ mau về đi.
Trời tối đi đường nguy hiểm lắm”.
Anh đập hai cái vào thân xe, gọi: “Chú Nam, chở mẹ cháu về cẩn thận nhé”.
“Vâng.
Tôi biết rồi cậu Việt”.
Chiếc xe hạng sang vừa rời khỏi doanh trại thì Đình Việt cũng ngay lập tức quay lưng đi tìm Hà Phương.
Anh hỏi mấy người lính biên phòng đang canh gác gần đó, biết được lều trại mà đám nhóc bị bắt cóc đang ở liền rảo bước đi đến.
Mở cửa ra, thấy Hà Phương đang ngồi bên trong nói chuyện với từng người.
Cô rất tự nhiên, ngồi xếp bằng dưới đất hỏi thăm mấy đứa bé nhất, đám trẻ con khi ở hầm giam còn rất sợ Hà Phương, bây giờ đứa nào cũng ríu ra ríu rít, còn có đứa nói khi trở về nhất định phải mời ‘chị Phương’ đến nhà ăn cơm để cảm ơn.
Cô cười cười, vừa ngẩng lên thì thấy Đình Việt đi vào: “Anh xong việc rồi à?”
“Ừ.
Em đã đói chưa?”
Nhắc đến mới thấy ruột gan đã bắt đầu cồn cào, mấy ngày qua toàn ăn quả dại trong rừng, Hà Phương thực sự cảm thấy thèm cơm.
Cô nói: “Đói rồi.
Nghe nói cơm trong quân đội ngon lắm.
Hôm nay phải ăn nhiều mới được”.
Đình Việt cũng cười, anh nắm tay cô, đỡ eo Hà Phương đứng dậy: “Còn đau chỗ nào không?”
Cô lắc đầu: “Thuốc của anh hiệu nghiệm lắm, không đau nữa”.
“Vẫn phải đi khám mới biết được”.
Anh nói: “Anh đã mượn tư lệnh Quách Dĩ Kiên một chiếc xe rồi.
Ăn cơm xong, anh đưa em đến bệnh viện kiểm tra”.
Hà Phương không muốn Đình Việt phải lo lắng cho mình, hơn nữa, kiểm tra là cần thiết, cho nên cũng không từ chối.
Cô đi cùng anh ra bên ngoài, lúc này bộ đội đã dọn cơm lên bàn ăn dài trong lán, Quách Dĩ Kiên cũng đã thay một bộ đồ đơn giản sạch sẽ, đứng dưới nắng ngắm mấy chậu phù dung.
Hà Phương nhìn vị tư lệnh được mệnh danh là chiến thần vĩ đại lưu danh sử sách, vẫn có cảm giác kinh ngạc không thể tin được.
Cô hỏi: “Anh quen Quách Dĩ Kiên à?”
“Hồi trước có đánh nhau mấy lần”.
Đình Việt bất đắc dĩ thừa nhận: “Lần nào cũng bị Quách Dĩ Kiên đánh cho thê thảm”.
Hà Phương cười, nắm tay anh: “Trước đây em có đọc nhiều giai thoại về tư lệnh Quách Dĩ Kiên lắm.
Không nghĩ là còn trẻ như vậy”
“Em đọc ở đâu?”.
“Trong sách.
Tựa sách lên là Cánh hoa tàn trong gió”.
Hà Phương nhớ đến cuốn sách cô đã từng mua vào 4 năm trước, hồi đó đang lang bạt ở Châu Phi, buổi tối nhàn rỗi có lôi ra đọc thử.
Không ngờ từ đó đến nay trong lòng lại in dấu một vị chiến thần vĩ đại như vậy: “Ở đó có viết rất nhiều về Quách Dĩ Kiên.
Nghe nói anh ấy trồng hoa phù dung ba màu vì một người con gái”.
Cô thở dài: “Vẫn chưa có đoạn kết, em chỉ mới đọc được đến thế thôi”.
Đình Việt và Quách Dĩ Kiên cũng tính là quen biết gần 20 năm, hồi đó anh hâm mộ bác sĩ Quách Cảnh Đức, nhờ mối quen biết của cha mình và Quách Cảnh Đức, anh mới được thường xuyên ôm sách vở đến nhà bác sĩ Đức, sau đó thì quen Quách Dĩ Kiên.
Đình Việt đáp: “Người con gái trong lòng anh ấy không ở đây nữa, nghe nói đã kết hôn rồi.
Năm năm nay anh ấy trồng đi trồng lại hoa phù dung ba màu, nhưng không cây nào nở hoa.
Hy vọng vài tháng nữa đi xuống phía nam, phù dung hợp thời tiết hơn sẽ nở được”.
“Một tư lệnh đã trở thành truyền kỳ, không thiếu người theo đuổi, thế mà trong lòng vẫn chỉ có một người phụ nữ, còn trồng mãi hoa phù dung vì người đó”.
Hà Phương tặc lưỡi: “Anh ấy thâm tình thật đấy”.
Đình Việt liếc đôi mắt sáng rực của Hà Phương, lại cảm thấy trong lòng có chút khó chịu.
Anh véo mũi cô: “Không đến lượt em quản”.
Hà Phương phì cười: “Đồ xấu tính”.
“Mau đi ăn cơm”.
Quách Dĩ Kiên đặc biệt để hai chiếc ghế gần mình cho Đình Việt và Hà Phương, anh liền chen vào giữa.
Cô không được ngồi gần để hít hà mùi hoa trà trên người tư lệnh, liền bất mãn dẫm chân anh.
Đình Việt lườm cô, lại gắp cho Hà Phương một miếng thịt thơm nhất.
Cơm của bộ đội nấu ăn có khác, ngon đến không thể cưỡng lại được.
Hà Phương chưa bao giờ được ăn thịt kho ngon như vậy, vèo một lúc ăn liền 2 bát cơm.
Ăn xong, Đình Việt mượn một chiếc xe Jeep chở cô đến bệnh viện huyện.
Đường ở địa phương giáp biên rất khúc khuỷu khó đi, dù anh đã cố gắng tránh ổ gà nhưng Hà Phương vẫn bị xóc đến mức đập cả đầu vào trần xe, sau cũng vẫn là Đình Việt vươn tay giữ cô lại.
“Xương sườn có đau không?”.
Anh sợ động đến vết thương của cô, sốt ruột hỏi.
“Không sao, không đau”.
Hà Phương ngồi thẳng, tay nắm chặt tay anh: “Việt, khu nhà của chú Lý thế nào rồi?”.
Đình Việt nói sẽ có quân đội đến, cô cũng đoán được sẽ có một đợt truy quét, hơn nữa vừa rồi Quách Dĩ Kiên muốn nói chuyện riêng với anh, có lẽ cũng vì chuyện này.
Hà Phương không dám hỏi lúc ở trong doanh trại, đành đợi đi đường mới hỏi anh.
Đình Việt đáp: “Tư lệnh nói đợt truy quét đã xong rồi.
Đám người của chú Lý đã bị phía cảnh sát Trung Quốc bắt giữ.
Bây giờ đang mở rộng điều tra”.
“Thế thì tốt rồi”.
Hà Phương vẫn có cảm giác lấn cấn trong lòng, nhất là về Lý Ban.
Nếu cùng xuất phát từ đêm hôm đó và cùng chạy về phương nam, thì lẽ ra bây giờ con bé phải đặt chân đến Việt Nam rồi.
Cô thở dài, vừa ngoảnh đầu về phía trước thì lại thấy một bóng dáng gầy gò liêu xiêu từ trong bụi cây xông ra, người kia còn chưa kịp kêu lên đổ gục xuống đường.
Đình Việt khẽ cau mày, anh đạp phanh thật mạnh, lúc cả hai mở cửa đi xuống mới nhận ra người quen.
Hà Phương nói: “Lý Ban”.