Đọc truyện Cánh Hoa Chùm Gửi – Chương 18
Quân vi nữ oa thảo, thiếp tác Thố Ty Hoa.
Khinh điều bất tự dẫn, vi trục xuân phong tà.
Bá trượng thác viễn tòng, triền cẩm thành nhất gia.
Thụy ngôn hội diện dịch. Các tại Thanh sơn dã.
Nữ Oa phát khinh hương,Thố Ty Hoa đoạn nhân trường.
Chi chi tương chấp kết, diệp diệp thanh phiêu dương
Tạm dịch:
Chàng là Nữ Oa Thảo, thiếp tựa Thố Ty Hoa
Thân gây không tự dẫn, chỉ tại gió xuân đưa,
Cách xa nhau trăm trượng, kết nhau thành một nhà.
Người chân mây kẻ núi, gặp mặt đâu nào dễ
Nữ Oa hương thơm ngát, Thố Ty cảnh đoạn trường,
Cành cành ta xiết chặt, lá lá cùng reo vang.
Một chiếc lá lìa cành rơi trên quyển Đường thi che khuất bài thơ Cổ Ý của Lý Bạch mà tôi đang đọc.
Cầm chiếc lá tôi ngẩng nhìn thân cây Tòng cao vời vợi trên đầu với dây Thố Ty Hoa. Bây giờ là mùa hạ, những đóa Thố Ty Hoa đang nở trắng rung rinh theo từng cơn gió nhẹ đưa. Nhìn cành Thố Ty rồi thân Tòng, tôi có một so sánh lạ lùng, cành Thố Ty Hoa thì yếu ớt trong lúc thân cây Tòng to lớn, vững chắc, sự cảm động làm tôi ngẩn ngơ.
Một cành cây nhỏ chạm vào mặt khiến tôi giật mình nhìn lại, thì ra Trung Đan đang đứng trước mặt tôi từ lâu. Tôi hỏi:
– Bức tranh anh vẽ xong chưa?
Chàng cười nói:
– Xong rồi. Một bức vừa ý nhất!
Tôi quay về phiá giá vẽ:
– Có thật không đấy? Anh vẽ gì đó?
Chàng mang bức tranh lại cho tôi. Chàng vẽ cảnh một khu rừng với một cô gái đang ngồi tư lự trên phiến đá, trên gối thiếu nữa có một quyển sách đang mở, tầm mắt cô ta hướng về phiá những chùm hoa trắng trên cao.
Trung Đan hỏi:
– Anh chọn cho bức họa này cái tên “Suy Tư” được không em?
Tôi không đáp câu chàng hỏi, chỉ nói:
– Anh vẽ em đấy à?
Trung Đan dẹp bức họa sang bên, chàng ngồi xuống nắm tay tôi:
– Em nghĩ gì thế?
– Nghĩ về Thố Ty Hoa.
– Em còn nhớ đến chuyện xưa sao? Đã hơn nửa năm rồi, em cũng nên dẹp những hình ảnh kinh hoàng ấy vào ký ức đi chứ?
– Em phải nghĩ đến những chuyện ấy.
– Thế em còn hận bà ta ư?
Tôi hiểu ý chàng muốn nói bà ta đây là ai, chàng muốn ám chỉ bà Nghị – không, không phải thế, mà là muốn ám chỉ Nhã Trúc.
– Bà ấy đã đem cái chết chuộc tội, người đã chết rồi chúng ta cần phải tha thứ tất cả, quên hết tất cả phải không em? Trung Đan tiếp.
Tôi nói:
– Tại sao bà lại chọn cây Tòng quấn đầy Thố Ty Hoa này để treo cổ? Phải chăng bà ấy muốn đem Thố Ty Hoa để so sánh với thân phận chính mình? Em còn nhớ lần nói chuyện với bà ấy về Thố Ty Hoa, bà ta nói nếu lúc mới sinh ra đã là Thố Ty Hoa thì làm sao có thể cãi lại mệnh trời cho được? Đó chính là bi thảm của đời Nhã Trúc.
Thở thật dài, tôi tiếp:
– Thật ra bà ta cũng không có lầm lỗi gì lắm, chẳng qua trời trót sinh ra bà ta với một thân phận Thố Ty Hoa.
Trung Đan hôn tôi, chàng nói:
– Em đã nghĩ đúng, tha thứ là một bản tánh tốt. Em tôi đẹp quá!
Tôi nói:
– Có lẽ bà ấy đã có ý định treo cổ từ lâu rồi, vì sự dày vò ray rứt của lương tâm này còn có thể quật ngã một người khỏe mạnh, nói chi bà ấy đã yếu sức, có lẽ chuyện người treo cổ trong khu rừng này đã gợi ý bà ta. Lúc trước em thường nhìn thấy bóng người, tiếng than khóc tỉ tê có lẽ đều là của bà ấy phải không anh?
– Anh cũng nghĩ thế.
Tôi thở dài:
– Một cành Thố Ty Hoa! Lúc nãy trong khi em đọc bài Cổ Ý của Lý Bạch, em nảy ra một ý nghĩ so sánh lạ lùng. Lúc trước, em thường đem Thố Ty Hoa để so sánh với bà Nghị, cây Tòng để so sánh với giáo sư La Nghị, nhưng bây giờ em thấy cây Tòng đúng ra phải là mẹ em, còn giáo sư Nghị là cây Nữ Oa Thảo. Nữ Oa Thảo và Thố Ty Hoa đã nhờ thân cây Tòng làm mai mối để kết thành lương duyên. Họ đã nhờ mẹ em để trở nên gia thất. Mẹ em là kẻ lẳng lặng hy sinh để mang hạnh phúc lại cho họ.
Trung Đan nói:
– Một so sánh hợp thời, nhưng tại sao em mãi gọi giáo sư La Nghị là giáo sư mà không là…
– Em không quen miệng anh ạ.
– Thử xem, Ức My. Ông ấy thương em, vả lại. Ông ta cũng… cô đơn hết sức.
– Khởi Khởi đến kìa!
Tôi làm lãng. Thật vậy, Khởi Khởi đang vui vẻ chậm rãi bước về phiá chúng tôi, trên tay có một phong thư.
Suốt nửa năm nay, cô ta là người thay đổi nhiều nhất trong gia đình họ La này. Như được sống lại từ sau cái chết của bà Nghị, những nét xuân của nàng đã vươn lên để đối đầu với cuộc sống thực tế. Khởi Khởi không còn là một cành Thố Ty Hoa mà nàng đang là một nhánh Kinh Thảo rắn chắc. Nhìn sự tranh đấu cố gắng vương lên từ trong cơn mưa bão của Khởi Khởi, lòng tôi bỗng đâm ra kính phục nàng. Chỉ nửa năm vừa qua, tôi mới thật sự là một người bạn, một người chị của Khởi Khởi mặc dù bản tính của chúng tôi vẫn còn khác biệt nhưng chúng tôi cố gắng, cố gắng để chìu chuộng nhau.
Khởi Khởi đến gần gọi to:
– Anh Trung Đan ơi! Có thơ của anh cả gởi cho anh nè, mở ra xem nhanh đi.
Trung Đan vừa mở thư vừa cười. Tôi hấp tấp:
– Sao? Anh ấy thế nào hở anh? Anh ấy viết gì đấy?
– Để anh đọc lớn nhé. Rồi chàng đọc: – Hãy báo cho Ức My biết, tôi đã lên tàu ra khơi sống đời tự lập. Ở nước ngoài cái gì cũng đẹp cũng hay, nhưng lại thiếu tình gia đình, thiếu cả những cãi vã lẩm cẩm khiến tôi buồn hết sức. Nơi nào cũng tấp nập nhưng quá chật hẹp, muốn tìm một chiếc sân nhỏ để trượt băng cũng không có, thành ra thấy nhớ chiếc sân ciment cũ và chiếc vườn hoa rộng của mình ghê đi. Không biết ngày nào mới trở về được, có lẽ lúc ấy Ức My đang tập cho chú Trung Đan con hay cô Ức My nhỏ trượt băng rồi không chừng. Có dạy thì dạy cho hay nhé! Chứ đừng để giống mẹ chúng để té cho gãy chân đi. Buổi sáng tuần trước, tôi tập chiên trứng, không ngờ tôi nhúng cả ngón tay vào mỡ chiên luôn. Nhưng nhờ thịt người ăn không ngon bằng trứng, nên rốt cuộc tôi chỉ ăn hết trứng chớ không ăn thêm ngón tay chiên. Tôi vừa làm quen được mấy cô gái, cô nào cũng đẹp. Một cô tóc hoa, hai cô tóc vàng, bốn cô tóc đen. Kết luận: chỉ có tóc đen là dễ thương, nhất là nếu người ấy là người xứ ta. Gần đây, người bạn gái thân nhất của tôi là một cô gái Mỹ. Chúng tôi rất hợp ý nhau, tôi thường đưa nàng về phòng tôi chơi. Có một hôm mưa gió lớn quá, nàng đành phải ngủ lại, chúng tôi đã hưởng một đêm tuyệt vời. Nhưng xin lưu ý quý vị là nàng ngay ngày hôm nay vừa đúng bốn tuổi ba tháng tròn. Khởi Khởi bây giờ ra sao? Nếu mà còn chưa chịu giao thiệp với bạn trai, chắc phen này tôi sẽ phải dẫn chồng về cho nó quá. Còn ba? Tôi mong rằng ông vẫn la hét như xưa, rất tiếc là việc ra đi của tôi đã làm cho ông mất đi một đối tượng để la hét! Cho hỏi thăm luôn Gia Gia và cả lũ súc vật của Ức My nữa nhé.
Tôi và Khởi Khởi nghe xong đều bật cười, Trung Đan gấp thư lại, chàng nói:
– Chỉ cần đọc thư là biết được người ra sao. Lúc nào cũng vậy chẳng thấy thay đổi gì hết.
Tôi nói:
– Nhưng anh ấy đã biết sống tự lập.
– Ai tự lập?
Một tiếng hỏi. Tôi ngẩng đầu nhìn lên, thì ra là giáo sư La Nghị mái tóc bồng với hàm râu rối, đôi mắt già thẫn thờ buồn bã, chỉ nửa năm mà ông như đã già đi hơn 10 tuổi. Trung Đan đáp:
– Thưa thơ của Hạo Hạo, giáo sư có muốn xem không?
Ông lắc đầu, mắt khẽ chớp, giọng xúc động:
– Thôi được rồi. Nhưng nó có khỏe không, có gặp tai nạn gì không?
– Dạ anh ấy khỏe lắm, anh có hỏi thăm giáo sư nữa.
Đôi mắt ông Nghị chớp nhanh:
– Có thật vậy không?
– Thật, anh ấy bảo mong rằng giáo sư sẽ sớm phục hồi bản tính la hét như xưa.
– Hừ!
Hàm râu ông hơi rung động, giáo sư Nghị cúi đầu xuống, khóe mắt ông rưng rưng lệ, ông nhìn tôi nói:
– Ức My, tôi đã xem điểm giùm cho em.
– Thế… Tôi kêu lên tim đập mạnh – Yếu lắm phải không giáo sư? Chắc năm nay không hy vọng rồi.
Giáo sư Nghị chậm rãi nói, hình như ông đang hết sức cố gắng để ngăn bớt sự sung sướng của mình:
– Em được ba trăm sáu mươi tám điểm, không có hy vọng đậu hạng nhất, nhưng có lẽ đậu khoảng hạng 3 hay hạng 4.
Tôi sung sướng nhảy nhỏm lên hét to, quên hết tất cả dè dặt, tôi chồm người về phiá trước ôm chầm giáo sư Nghị, mặt tôi chạm vào hàm râu rậm, ngẩng ra xa một chút tôi nói:
– Đến khi nào hàm râu đáng ghét này được cạo xén đi hở giáo… Cha?
Tiếng cha vừa thoát khỏi miệng, bao nhiêu băn khoăn thắc mắc trong lòng tôi tan biến hết. Giáo sư Nghị – không phải. Cha tôi đang nhìn tôi, râu ông rung rinh từng cơn, mắt ông mờ lệ, miệng ông lẩm bẩm điều chi không rõ, một lúc lâu, một lúc thật lâu, chúng tôi đứng đó xúc động đến nỗi không nói gì cả, nhưng tim tôi như tràn đầy một thứ tình thương nào đó.
Sau cùng, tôi nói:
– Thưa cha con đã biết rồi.
– Biết gì?
– Biết cha, mẹ và Thố Ty Hoa. Cha là Nữ Oa Thảo, mẹ là cây Tòng, còn bà ấy là Thố Ty Hoa. Mẹ thật vĩ đại, thật cao cả, nhưng cha và bà ấy cũng không có lỗi lầm gì cả.
Giáo sư Nghị mỉm nụ cười đau thương, ông đưa bàn tay lên vuốt mái tóc tôi:
– Con là đứa con hiền hậu.
Tôi cũng mỉm cười đầy nước mắt. Từ xa, tiếng hát của Gia Gia vang vọng theo gió:
Chẳng phải là hoa, chẳng phải sương,
Nửa khuya em đến, sáng em về.
Đến như giấc mộng xuân không đợi,
Đi tựa mây trời không định nơi.
Đến như giấc mộng xuân không đợi, đi tựa mây trời không định nơi? Ý muốn nói gì đây? Một mối tình? Một cuộc đời? Giống như câu chuyện xảy ra giữa cha mẹ và Nhã Trúc chăng?
Đó cũng là giấc mộng đêm xuân, một cụm mây trời buổi sáng. Dầu sao đi nữa, chuyện cũng đã qua rồi.
Mặc dù cho hàng ngàn chuyện tình khác đang xảy ra trong thế gian này. Nhưng dù muốn dù không, nó cũng chỉ là những giấc mộng ngày xuân, hay những đám mây trời buổi sáng, rồi cũng sẽ trôi đi.
HẾT