Bạn đang đọc Cánh Hoa Chùm Gửi – Chương 1
Những năm dài trôi qua, tôi là của mẹ, mẹ là của tôi, gian phòng này là của hai người. Thế mà bây giờ, chỉ một khoảnh khắc biến đổi, tất cả đều thay đổi. Mẹ đã ra đi, tôi lại sắp đi xa, gian phòng này rồi đây sẽ đón nhận ai. Không biết tôi đứng lặng như vậy bao lâu, việc đón xe lửa cho đúng giờ đã bị quên lững, mãi đến khi tiếng cửa mở làm tôi giật mình quay lại, bà hiệu trưởng họ Lâm bước vào vỗ về tôi:
– Ức My, con đến Đài Bắc ngay bây giờ sao con?
– Vâng ạ! Tôi nhỏ nhẹ đáp – con đi chuyến xe bốn giờ rưỡi chiều nay.
– Sao gấp quá vậy, con vẫn có thể ở thêm vài ngày nữa được mà.
Tôi lắc đầu không đáp. Bà hiệu trưởng lại nói tiếp:
– Thôi được, muốn đi thì đi cho sớm vậy. Bây giờ chỉ còn bác ở lại, buồn quá.
Bà hiệu trưởng lại thở dài chăm chú nhìn tôi:
– Này Ức My, bác với mẹ cháu sống gần gũi nhau đã trên mười hai năm, như thế cũng có thể kể như là tâm tình lắm rồi, thế mà bác vẫn không hiểu nổi mẹ cháu. Tại sao mẹ cháu lại không tin tưởng bác, bác không thể chăm sóc cháu được hay sao mà lại phải bắt cháu chạy đến nương trọ nhà một giáo sư ở tận phương trời xa xôi? Một người bạn mà suốt mười mấy năm không liên lạc, liệu giáo sư La Nghị có chăm sóc chu đáo cháu được hay không?
Tôi vẫn không đáp, tôi biết là bà làm hiệu trưởng trường tiểu học này đã lâu, lại cũng chơi rất thân với mẹ, nhưng tôi biết mẹ không để tôi sống với người, vì một mục đích, một hy vọng duy nhất, đó là làm thế nào tôi có thể lên đại học, “con phải biết chỉ có một người có thể đưa con đến mục đích, đó là Giáo sư họ La. Mặt khác tuy bà hiệu trưởng Lâm là người bạn tốt của mẹ, nhưng bà có đến sáu đứa con, một người hiện học ở đại học, ba ở trung học và hai ở tiểu học, do đó mẹ sợ bà ta không thể lo thêm cho con”.
– Thôi được, bà Lâm nói – Muốn kịp xe lửa thì phải đi nhanh đi kẻo trễ. Đến đó con xem tình hình xem nếu có thể ở được thì ở, bằng không thì trở về đây, thêm một miệng ăn cũng chẳng có bao nhiêu con nhé!
Tôi gật đầu. Bây giờ thì chỉ còn đúng một giờ nữa là tàu hỏa bắt đầu chạy. Tôi bước ra cửa, bà Lâm lặng lẽ theo sau. Ra đến ngoài, nỗi tiếc nuối làm tôi do dự, tôi quay lại nhìn gian phòng to không hơn sáu manh chiếu mà mẹ con tôi đã sống trên mười hai năm, giờ phải xa cách. Thôi, tạm biệt! Những giọt nước mắt chua xót làm mờ cả mắt.
– Ức My!
Có tiếng ai gọi tôi, tôi quay đầu lại. Một đám đông đầy đủ cả mọi người, giáo sư Trương Ngụy và hầu như đủ cả những người bạn đồng nghiệp của mẹ tôi.
Tôi hít thở một hơi dài để giọt lệ khỏi lăn xuống má. Phải làm thế nào để tỏ ra mình đã là người lớn. Tôi thẳng người đến chào từng người một và nói lời từ biệt, cố giữ vẻ mặt nghiêm trang và yên lặng để nghe những lời chúc may mắn. Lí nhí một vài tiếng cám ơn. Rồi sau cùng tôi rời khỏi cổng trường tiểu học, rời khỏi một nơi mà suốt bao năm tôi đã sống yên ấm.
Bà hiệu trưởng đưa tôi đến tận ga.
Bà đứng trên sân ga đảo mắt nhìn quanh. Tôi bước lên toa tàu tựa người vào cửa sổ ngắm khuôn mặt buồn thảm của người bạn già của mẹ. Tôi không biết nói gì, có lẽ vì tương lai quá mù mịt, không thể đoán được rồi sẽ ra sao khiến cho tôi trầm lặng không nói được chăng?
Bà Lâm không còn vẻ vui tươi hàng ngày, bà cũng lặng lẽ nhìn tôi. Có phải bà đang chua xót cho tôi, chua xót ẹ tôi, hay chua xót cho chính mình, một người không đủ khả năng bao bọc đứa con côi của người bạn bạc số của bà!
Tiếng còi xe hú to, tiếng máy xình xịch nổ, xe đã bắt đầu chuyển bánh, Bà Lâm ngoái đầu sang nói to:
– Ức My, con nhớ viết thư cho bác nhé!
– Vâng ạ! tôi lớn tiếng- xin tạm biệt bà hiệu trưởng.
– Tạm biệt con! Bà Lâm không tự chủ được, chạy với theo xe, – Ức My! con ráng lo bảo vệ lấy thân vì từ nay con đã sống tự lập rồi đấy nhé!
Xe chạy đã xa, chiếc bóng gầy của bà hiệu trưởng khuất dần trong tầm mắt. Phải rồi, từ nay tôi đã là người sống tự lập. Nói khác đi, từ nay tôi sẽ là người không nhà không cửa, không nơi nương tựa. Giáo sư họ La có thông cảm cho tôi tạm trú chăng? Chấp nhận tôi chăng? Ngồi tựa lưng vào cửa sổ, nhìn những bóng núi xa xa mờ bên ngoài tôi càng thấy buồn bã làm sao.
Tôi còn nhớ, cách đây năm năm trong một buổi sáng, mẹ đang xem báo, bỗng bỏ xuống thở dài:
– Không ngờ bây giờ La Nghị lại cũng đến Đài Loan rồi!
Tôi vội hỏi:
– La Nghị là ai vậy mẹ?
– Một nhà Địa Chất học.
Mẹ lạnh lùng đáp. Khi bắt đầu ăn điểm tâm, tôi kéo tờ báo để trước mặt thấy một cái tít: “Địa chất gia trứ danh, Bác Sĩ La Nghị ngày hôm qua cùng gia quyến đáp tàu từ Hồng Kông qua Đài Bắc để đảm nhiêm chức vụ giảng huấn tại tường Đại Học Đài Bắc”.
Mảnh tin nhỏ trên không làm cho tôi chú ý mấy, vì hôm ấy hãy còn nghỉ hè và tôi có hẹn cùng mấy người bạn đến viếng hồ Đại Bối.
Bỏ tờ báo xuống, tôi hỏi mẹ:
– Mẹ có quen với ông giáo sư này hả mẹ?
– Có, lúc trước khi còn ở Lục Đia, mẹ và vợ Ông ta là đôi bạn thân.
– Mẹ có tính đến thăm họ hay không? Vừa hỏi tôi vừa cắn miếng bánh nướng.
– Đến thăm họ à? Mẹ hơi nhíu mày – Không! đến làm chi trong lúc họ đang vui sướng, mình đến thành ra…
Mẹ bỗng nín bặt, đoạn quay sang nhìn tôi hét:
– My, sao con ăn uống không đàng hoàng để bánh rơi đầy nhà thế này.
Đối với Giáo sư họ La, tôi chỉ biết được có bao nhiêu đó. Từù đấy về sau mẹ tôi không hề nhắc dến ông ta nữa. Còn riêng tôi ư? chỉ vài phút sau là quên ngay câu chuyện ở chín từng mây đó. Cho mãi đến ba tháng trước đây, khi mẹ tôi biết chắc bị bệnh ung thư ở tử cung, thì hai mẹ con tôi đều ý thức rằng bóng dáng thần chết ngày đêm đang đe dọa chúng tôi.
Một hôm, mẹ bỗng bảo tôi đi gửi một bức thư, trên phong bì đề tên giáo sư La Nghị, địa chỉ ở đường Roosevelt, Đài Bắc. Khi gửi xong thư trở về, mẹ mới nói về giáo sư La Nghị cho tôi nghe:
– Ông ấy là một nhà học giả rất thân với gia đình chúng ta. Một mai mẹ có bất hạnh qua đời chỉ có ông ta là người mà mẹ hy vọng nhất có thể lo lắng cho tương lai con mà thôi.
Như mẹ thường nói, tôi là một đứa con gái ít khi dám nhìn vào sự thật, có lẽ là vì tôi là con gái độc nhất của mẹ, hay làm nũng và quen được nuông chiều chăng? Mặc dù biết mẹ mang phải chứng bệnh bất trị, không bao lâu người sẽ từ bỏ tôi, nhưng tôi không bao giờ dám nghĩ đến những hình ảnh ấy, vì vậy mỗi khi mẹ tôi đề cập đến vấn đề này là tôi bao giờ cũng quỳ xuống thét to:
– Không bao giờ có ngày đó xảy đến. Mẹ, không bao giờ!
Và tôi vụt chạy đến một góc kẹt nào đó dể ngồi khóc. Nhưng bây giờ cái ngày đó đã đến, trong hành lý tôi có bức thư mà ba ngày trước khi mẹ nhắm mắt mẹ đã viết và dặn dò tôi phải trao tận tay giáo sư La Nghị.
Bức thư được chính tay mẹ dán kín nên tôi không biết được người đã viết những gì trong ấy, nhưng tôi nghĩ đó là những lời nhờ vả gửi gấm. Bản tính của mẹ hồi nào tới giờ chưa bao giờ khuất phục hay van xin một ai, thế mà không ngờ trước khi đến bước đường cùng của cuộc sống, lại phải nài nỉ một người bạn lâu ngày không qua lại để nhờ thu nhận gìum đứa con gái “không bao giờ lớn” của mình.
“Đứa con gái không bao giờ lớn”. Mẹ vẫn thường bảo thế và thường hỏi tôi:
– Này Ức My, đến bao giờ con mới hết là đứa con nít. Đến bao giờ con mới biết chuyện người lớn, không còn là đứa bé tối ngày lẩn quẩn quanh chân mẹ hở con?
Đứa con nít! Tôi chỉ thích làm đứa con nít, để dược suốt ngày nằm vùi trong lòng mẹ. Bất cứ một việc nhỏ nhặt đến đâu cũng đều có mẹ lo, suốt ngày tôi chỉ ăn, ngủ, học bài rồi đùa giỡn, không phải bận tâm điều gì cả.
Nhưng nay, mẹ đã đi rồi, những chuỗi ngày không còn tiếng cười đã đến, tôi bỗng cảm thấy mình biến thành người lớn, bắt buộc phải đối diện với mọi sự thật ở đời.