Đọc truyện Cám Ơn Người Đã Rời Xa Tôi – Chương 20: Phúc và nỗi buồn thật đẹp…
Tràn ngập nỗi cô đơn trên những con chữ của Hà Thanh Phúc. Dù muốn dù không, những nhân vật của anh thường không kiếm được cho mình một hạnh phúc trọn vẹn. Họ bỏ trốn để tìm một chân trời khác, cô đơn trọn gói, và những tình cảm tươi đẹp đã thuộc về kỷ niệm. Hà Thanh Phúc thường viết về người Việt ở một xứ sở xa lạ nào đó, khi ở đó họ đối diện với tất cả những điều tốt đẹp của chính con người mình. Họ sống và bộc lộ nó một cách trọn vẹn.
Một người đàn ông bỏ trốn tình yêu để kiếm tìm danh vọng ở một đô thị hàng đầu thế giới. Nhưng cuối cùng, khi bị một người con gái khác từ chối tình yêu, anh ta mới chợt nhớ rằng mình đã có một cuộc tình ở quê nhà. Nhưng ngày trở về, người ấy đã làm mẹ.
Một người đồng tình và mối tình ở xa vời vợi nửa vòng trái đất, đi tìm đến nhau để nghĩ một cuộc hạnh ngộ. Nhưng rồi, cái anh ta nhận được chỉ là sự giả dối. Người yêu của anh ta đã sống với người tình ở Mỹ nhiều tháng trước. Đến mức, anh ta không dám ôm người yêu cũ, người mà anh ta nói sẽ yêu mãi mãi. Anh ta không dám, dù chỉ là một cái ôm.
Một người đàn ông, dù lấy vợ, một người phụ nữ chăm chỉ và cam chịu, nhưng bất ngờ gặp lại tình yêu cũ. Và rồi, họ không quên được nhau, nhưng họ cũng chỉ đến với nhau như đến một giấc mơ. Người đàn ông trong mối tình ấy vẫn chọn người vợ cam chịu. Và mối tình cũ là một kỉ niệm, đến rất nhanh và qua đi không ngờ. Dù rằng, người con gái trong cuộc tình này, vẫn đau một nỗi đau không dễ gì bù đắp…
Truyện của Hà Thanh Phúc đa phần nhiều nhân vật chính là nữ, hoặc những chàng trai đồng tính. Thế giới của những nhân vật ấy là văn phòng, quán cafe, những chuyến đi dài, mạng internet và những cuộc chuyện rời rạc. Họ sống một cuộc đời rất vội vàng, yêu mãnh liệt nhưng thường tan nát từ rất sớm. Có cảm giác, Hà Thanh Phúc không muốn cho nhân vật của mình hạnh phúc, nên họ luôn buộc phải sống trong những nghịch cảnh đến nghiệt ngã.
Theo dõi những trang viết đầu tiên của Hà Thanh Phúc đến nay, gần 10 năm, tôi có cảm giác, văn chương của anh là một cuộc giải bày với chính mình, với nỗi cô đơn gần như tuyệt đối. Nhưng, đến lúc này, khi đã trưởng thành hơn, bị cuộc đời ném vào nhiều dâu bể, nỗi cô đơn của Phúc không còn trong suốt như xưa, mà đã nhuốm màu chấp nhận. Những nhân vật của anh không kiếm tìm một điều cao siêu, họ chỉ tìm kiếm bình yên. Họ cũng không đi tìm những điều lý tưởng, mà chấp nhận tất cả tốt xấu của cuộc đời này.
Những truyện ngắn về đề tài đồng tính trong tập sách này, thực sự là những truyện ngắn hay và nhiều thấm thía về cuộc sống. Ở đó không phải là sự nổi loạn hay bày tỏ quyền được sống và được yêu của những con người vốn từng được xã hội coi là đặc biệt này. Phúc coi đó là một cuộc tình và Phúc diễn ra những nỗi buồn của cuộc tình đẹp đẽ và bình đẳng…
Ai đó nói, văn chương của mỗi người chính là cuộc đời của họ, tác phẩm chính là những trải nghiệm đau đớn mà mỗi người phải rút tỉa thành tinh hoa trong mỗi con chữ, Với Hà Thanh Phúc, có lẽ hành trình ấy dài dằng dặc nỗi buồn, những nỗi buồn thật đẹp của tuổi hai mươi…
Dương Bình Nguyên (Nhà văn)