Đọc truyện Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm – Chương 7: Kẻ lưu đày
Chúng ta sẽ biết ngay rằng d Artagnan sử dụng thời gian tự do của ông ta như thế nào.
Còn bây giờ thì nếu độc giả cho phép, chúng ta hãy quay trở về nơi quán trọ Medicis có một cánh cửa sổ mở ra khi ở toà lâu đài kia vừa phát lệnh báo Nhà vua ra đi.
Cánh cửa sở mở ra đó là cửa phòng ông hoàng Charles. Cả đêm, ông hoàng khốn khổ này ôm đầu chống tay lên bàn ngồi trầm mặc trong khi Parry ngủ mê mệt trong một góc phòng.
Cuộc đời của người hầu cận trung thành này thật lạ lỳ, anh ta vừa thấy cả chuỗi biến động kinh khủng đã xảy ra ở thế hệ thứ nhất nay lại bắt đầu cho thế hệ thứ hai.
Lúc Charles II suy nghĩ về chuyến thất bại thứ hai của mình, lúc ông thấy rõ nỗi cô đơn hoàn toàn một khi cả mối hy vọng mới nhóm lên đã lùi mãi về phía sau, ông thấy choáng váng cả người và từ trên thành ghế ngã vật xuống chỗ ngồi.
Thế rồi, Thượng đế thương tình cho ông hoàng khốn khổ bèn đưa ông vào giấc ngủ – người anh em vô tội của cái chết đấy. Đến sáu giờ rưỡi ông mới tỉnh dậy, căn phòng đã rực nắng ban mai, còn Parry thì không dám đứng dậy sợ ông tỉnh giấc và đang đau khổ ngắm kỹ chàng thanh niên có đôi mắt đỏ chạch vì thiếu ngủ, đôi gò má xanh xao vì sầu muộn và thiếu ăn.
Tiếng động của những chiếc xe nặng nề lọc cọc đi xuống bến sông Loire đánh thức Charles dậy. Ông đứng lên, nhìn quanh quất như một người đã quên hết mọi sự ở đời. Thế rồi ông nhận ra Parry, bắt tay ông ta và bảo đi thanh toán tiền nong với chủ quán. Cropole bị bắt buộc phải làm việc với Parry nên tính toán một cách thật sòng phẳng. Ông ta chỉ lưu ý Parry, theo thông lệ của ông ta, rằng hai người lữ khách không ăn ở đây thật là uống tới hai lần, một là khiến cho nhà bếp ông phải tủi hổ và hai là khiến ông bắt buộc phải tính thêm một bữa ăn không dùng đến. Parry chẳng biết nói sao và cứ tính toán cho xong.
Ông hoàng nói:
– Ta hy vọng rằng mấy con ngựa sẽ không phải chịu thiệt như thế. Ngựa không thuộc vào phần người phải trả. Những người khách đi đưòng dài như chúng ta mà phải leo lên mấy con ngựa gầy còm thì thật là khốn khổ.
Nhưng Cropole lấy vẻ nghiêm trang để xoá tan mối nghi ngờ đó và trả lời rằng chuồng ngựa nhà Medicis cũng chiều khách như nhà ăn vậy.
Ông Hoàng nhảy lên ngựa, người hầu cũng làm theo rồi cả hai lên đường hướng về Paris. Cả trên các lộ cũng như trong các khu phố đều vắng ngắt.
Đối với ông hoàng thì chuyện vừa xảy ra càng khắc nghiệt vì đây cũng là một cuộc lưu đày mới. Những người bất hạnh thường cố bám lấy bất cứ một tia hy vọng nào đó giống như người sung sướng bám lấy hạnh phúc to lớn và khi phải rời nơi có nhiều hy vọng nuôi dưỡng họ thì họ cảm thấy nuối tiếc cùng cực như người bị ám khi đặt chân lên chuyến tàu đưa họ đến nơi lưu đày. Một tâm hồn nhiều lần chịu đau thương rõ ràng chỉ bị một vết chích nhỏ cũng thấy đau đớn, và khi hắn ta thấy chỉ một lúc nào đó hết khốn khổ thì đã coi như là được hạnh phúc rồi. Rõ ràng là trong những lúc cùng cực nhất, Thượng đế đã lại ban cho chút hy vọng như giọt nước nhỏ mà tên nhà giàu xấu bụng ở địa ngục đã cầu khẩn nơi Lazarre (1).
Có lúc sự hy vọng của Charles tưởng đã là một niềm vui không phải chỉ thoáng qua. Đó là khi ông thấy người anh em Louis tiếp đón nồng hậu. Hy vọng thành rồi ngỡ sắp thành sự thật. Thế nhưng sự chối từ của Mazarin khiến cho điều sắp trở thành hiện thực đó chỉ còn là mơ mộng. Lời hứa của Louis XIV lại trở thành trò giễu cợt, như ngai vàng, vương trượng, như bạn bè của ông, như tất cả những gì vây quanh thời niên thiếu vương giả của ông mà nay đã rời bỏ ông trong quãng đời thanh xuân chịu bị lưu đày này.
Thật là khôi hài! Tất cả đối với Charles II đều là khôi hài trừ nơi yên nghỉ lạnh lẽo, đen tối của cái chết hứa hẹn đem đến cho mà thôi.
Đó là điều của ông hoàng khốn khổ nghĩ suy trong khi ông buông lỏng dây cương, nằm trên mình ngựa, đi dưới ánh mặt trời ấm áp tháng năm mà trong đầu óc thì lại chán ghét nhân loại.
Một kỵ sĩ phóng nhanh trên con đường ngược lên Blois mà chàng vừa rời khỏi nửa tiếng đồng hồ trước đó, đi ngược tới giáp mặt hai lữ khách và dù đang hấp tấp, chàng cũng giở nón chào họ. Ông hoàng không chú ý lắm đến chàng tuổi trẻ nọ vì chàng kỵ sĩ chỉ độ hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi. Chàng thỉnh thoảng quay lại ra dấu với một người đàn ông đứng trước cổng một ngôi nhà thấp sơn màu trắng và đỏ, xây bằng gạch, đá, lơp ngói đen nằm phía trái trên con đường ông hoàng đi.
Người đàn ông nọ đã già, cao to ốm yếu, tóc bạc trắng, đáp lại cái chào của chàng tuổi trẻ bằng những cử chỉ giã từ âu yếm như của một người cha. Chàng tuổi trẻ vừa khuất sau một khúc quanh có hàng cây xanh đẹp che khuất, ông già sửa soạn đóng cổng vào nhà thì chợt lưu ý đến hai người khách đi đường vừa kịp đến trước cổng.
Chúng ta đã nói là ông hoàng trong khi đi đầu cúi gầm, tay buông thõng dây cương để mặc cho con ngựa tự ý thong thả từng bước một. Còn Parry đi sau thì để đầu trần cho nắng ấm chiếu trên mình, và đưa mắt nhìn ngang ngửa hai bên đường.
Mắt lão bắt gặp cái nhìn của ông già đứng tựa vào cổng và ông già như thấy một chuyện kỳ lạ, bỗng thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên rồi bước tới gần hai người khách.
Đôi mắt ông nhìn lướt qua Parry rồi dừng lại nơi ông hoàng. Vẻ dò xét đó, dù chỉ một thoáng thôi cũng biểu lộ trên khuôn mặt của ông già. Vì ông vừa nhận ra người trẻ hơn trong hai lữ khách. Chúng tôi nói nhận ra vì phải nhận biết rõ mới có thể dẫn đến một cử chỉ: ông già giật mình chắp hai tay lại một cách thành kính, rồi giở nón ra cúi chào sát xuống như sắp quỳ lạy vậy. Dù ông hoàng đang phải trầm tư đến mức lơ đãng cũng nhận thấy cái chào đó nên ông đừng ngựa lại và quay sang Parry.
– Chúa ơi, Parry, người chào ta như thế là ai vậy? Chẳng lẽ hắn nhận ra ta?
Parry hốt hoảng đến xanh mặt vội thúc ngựa bước về phía cổng; lão dừng ngựa cách ông già vẫn còn quỳ chừng năm, sáu bước.
– Thưa ngài, ngài thấy tôi cũng ngạc nhiên đấy, vì tôi hình như đã thấy ông cụ này ở đâu rồi. À đúng, đúng là ông ta. Xin Hoàng thượng cho phép tôi nói với ông ta vài lời.
– Nói đi.
Parry hỏi:
– Có phải là ông không, ông Grimaud?
– Vâng, tôi đây. – Ông già đứng dậy nhanh vẫn không bỏ vẻ cung kính.
– Tâu Hoàng thượng, – Parry nói, – tôi không lầm đâu, ông là người hầu của Bá tước De La Fère là nhà quý tộc tôi thường hay nói với Hoàng thượng. Chắc Hoàng thượng còn nhớ không phải chỉ trong trí mà là cả trong tâm khảm đấy.
– Có phải là người chứng kiến giờ phút cuối cùng của cha ta đấy không? – Charles hỏi và giật mình nhớ tới chuyện ấy.
– Tâu Hoàng thượng đúng thế.
– Ôi!
Rồi ông quay sang Grimaud đang nhìn như dò xét ý nghĩ của ông với đôi mắt sáng láng thông minh.
– Ông bạn ơi, chủ ông, Bá tước De La Fère ở gần đâu đây phải không?
– Thưa ở đây, – Grimaud trả lời, tay đưa về phía sau chỉ cánh cổng ngôi nhà màu trắng và đỏ.
– Ngài Bá tước có nhà không?
– Thưa ở phía sau, dưới mấy cây dẻ.
– Parry, – Ông hoàng nói, – ta không muốn bỏ lỡ cơ hội vàng ngọc này cám ơn nhà quý tộc mà gia đình ta phải chịu ơn phục vụ tận tuỵ của ông ta. Giữ giùm ngựa cho ta, ông bạn?
Ông hoàng ném dây cương vào tay Grimaud, một mình bước vào nhà Athos bình dị như vào nhà người bằng vai. Charles đã biết chỗ qua mấy lời vắn tắt của Grimaud nên bỏ qua căn nhà trên mà bước thẳng vào nơi đã chỉ. Chuyện thật dễ dàng vì cách cây dẻ to lớn có ngọn vươn lên trên các cây khác và đầy hoa lá.
Hai bên lối đi xen kẽ những vạt đất hình thoi màu sáng hoặc sẫm ứng với phần tán lá thưa hoặc dày. Ông hoàng trẻ nhận ra nhà quý tộc đang chắp tay sau lưng đi dạo với dáng bộ trầm tư tỉnh táo. Charles II bước thẳng đến nơi. Nghe tiếng bước chân. De La Fère ngẩng đầu lên, thấy một người lạ dáng vẻ thanh tú, quý phái bước lại, bèn giở nón ra, đứng đợi. Charles II đến cách ông vài bước, cũng lấy nón cầm tay và nói, như để trả lời cho câu hỏi trong im lặng của Bá tước:
– Chào Bá tước, tôi đến để làm tròn bổn phận với ông. Từ lâu tôi muốn bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với ông. Tôi là Charles II, con của ông Charles Stuart, người cai trị nước Anh và đã chết trên đoạn đầu đài.
Nghe cái tên danh tiếng ấy, Athos như cảm thấy cả tim mạch run rẩy, như khi nhìn thấy ông hoàng trẻ đứng đầu trần và giơ tay ra với ông, đôi mắt đẹp của ông mờ đi vì hai giọt nước mắt ứa ra.
Ông kính cẩn nghiêng mình, nhưng ông hoàng đã nắm lấy tay ông và nói:
– Bá tước xem, tôi khốn khổ đến chừng nào. Chỉ nhờ sự tình cờ tôi mới gặp được Bá tước, than ôi! Sao tôi không thể ở gần những người tôi yêu mến, kính trọng mà lại chỉ giữ được tên tuổi họ trong đầu óc và công lao của họ trong trái tim của tôi thôi? Nếu như không có người hầu của ông nhận ra tôi thì tôi đi qua trước cửa nhà ông như đối với một người xa lạ rồi.
– Đúng vậy, – Athos lên tiếng xác nhận tình cảnh của ông hoàng rồi cúi chào.
– Đúng vậy, Hoàng thượng đã trải qua những ngày thật gian khổ.
Charles nói tiếp:
– Than ôi, chắc sẽ lại còn những ngày gian khổ hơn đến tiếp theo đấy?
– Thưa ngài, chúng ta nên ráng hy vọng.
Charles lắc đầu:
– Bá tước ơi, cho tới chiều hôm qua tôi vẫn còn mang hy vọng. Tôi thề với Bá tước như vậy, đúng với tư cách một con chiên ngoan đạo.
Athos nhìn ông hoàng như dò hỏi. Charles nói:
– Ôi chuyện giản dị lắm: tôi là người bị lưu đày, không còn chút gì cả, bị mọi người coi thường, cho nên dù ghê tởm mình đến đâu đi nữa, tôi vẫn cố gắng một lần cuối để xây dựng lại cơ đồ của tôi. Có phải chăng Thượng đế đã phán quyết tất cả gia đình tôi, tất cả hạnh phúc cũng như nỗi đau khổ của tôi đều từ nước Pháp đưa đến? Bá tước ôi, chắc ông có biết một vài điều gì đó vì ông là một trong những người Pháp mà người cha khốn khổ của tôi đã gặp dưới chân máy chém. Sau những năm tháng trên chiến trường có các ông bên cạnh.
– Thưa ngài, – Athos nhũn nhặn trả lời, – chẳng phải chỉ một mình tôi mà cả các bạn tôi, trong trường hợp đó chúng tôi chỉ làm tròn bổn phận của người quý tộc thôi. Nhưng nếu như Hoàng thượng muốn nghe lại thì.
– Đúng vậy, tôi được sự che chở. Xin Bá tước tha lỗi vì tôi phải ngập ngừng, vì Bá tước đã hiểu đủ chuyện. Bá tước biết rằng đối với một người trong dòng họ chúng tôi, nói lên lời đó thật là một điều khổ tâm. Vâng tôi được sự che chở của tổng trấn nước Hà Lan, người anh em họ của tôi. Nhưng nếu không có sự can thiệp hay ít ra, không có sự cho phép của nước Pháp thì viên tổng trấn không thể có sáng kiến gì cả. Tôi đành phải đi tìm vua Pháp xin phép và tôi bị từ chối?
– Nhà vua đã từ chối, thưa ngài?
– Ôi chẳng phải ông ta đâu, phải nói một cách công bằng cho người anh em họ trẻ tuổi của tôi. Nhưng ông Mazarin…
Athos cắn chặt môi. Charles nhận ra ngay ý nghĩa của cử chỉ đó.
– Chắc ông nghĩ là tôi đáng lẽ phải thấy trước như vậy?
Bá tước kính cẩn trả lời:
– Đúng như ý tôi nghĩ, thưa ngài. Tôi biết kỹ tên tuổi người đó lắm.
– Thế rồi tôi quyết định giải quyết cho xong và để xem rõ số phận tôi như thế nào. Tôi nói với Louis rằng muốn nước Pháp, nước Hà Lan khỏi dính dấp đến, thì để tôi xin tự lo liệu như tôi đã từng làm, với hai trăm nhà quý tộc ông ta giúp tôi và với một triệu đồng ông ta cho tôi vay.
– Thế rồi sao, thưa ngài?
– Thưa ông, lúc bấy giờ tôi cảm thấy một điều lạ, tôi thấy sự thoả mãn trong tuyệt vọng. Tôi cũng như một số người khác, tôi thấy có sự thoả mãn thực sự khi biết chắc rằng tôi sẽ mất tất cả và đã đến lúc phải tàn tạ rồi.
– Ôi, Athos kêu lên, – tôi mong rằng Hoàng thượng chưa đến lúc phải bi quan quá vậy.
– Thưa Bá tước, khi ông nói với tôi như thế là để tôi giữ lại chút hy vọng, nhưng ông không biết rõ những điều tôi vừa nói với ông, Bá tước ơi, tôi vừa đến Blois để xin vay của người anh em tên là Louis của tôi một triệu đồng làm nguồn hy vọng thu xếp công việc, và người anh em Louis đã từ chối. Bá tước đã rõ là chẳng còn gì nữa cả rồi!
– Hoàng thượng có cho phép tôi bày tỏ một ý ngược lại không?
– Sao, Bá tước cho là đầu óc tôi tầm thường đến mức không thể nhận ra hoàn cảnh của mình chăng?
– Thưa ngài, theo tôi thì ngược lại, bao giờ trong các hoàn cảnh tuyệt vọng cũng nảy ra những bước chuyển biến đem đến may mắn cho con người.
– Cám ơn Bá tước. Thật là hân hạnh được gặp người như ông, được gặp những người đủ tin vào Thượng đế và vào nền quân chủ để khỏi phải tuyệt vọng dù là tình cảnh của Hoàng gia bị sa sút đến đâu cũng vậy. Nhưng than ôi, những lời của ông giống như các thang thuốc gọi là thần diệu mà thực ra chỉ chữa được các vết thương có thể lành, còn bây giờ chẳng có gì cứu được tôi ông bạn ôi, chắc chắn rằng tôi phải lên đường lưu đày với ông bạn già Parry của tôi, tôi sẽ quay về nghiền ngẫm nỗi đau thương trong một tu viện nào đó ở Hòa Lan. Bá tước ơi, rồi ở đó mọi sự sẽ tới hồi kết cuộc và cái chết sẽ đến rất nhanh với cái thân xác mỏi mòn này và tâm hồn này vẫn mong đợi ngày về thiên đường.
– Hoàng thượng có mẹ, có em trai, em gái, Hoàng thượng là trưởng gia đình, ngài phải cầu xin Thượng đế cho sống lâu hơn là mong chóng chết. Hoàng thượng bị lưu đày, trốn chạy, nhưng gia đình ngài có quyền đòi hỏi được chiến đấu, được lăn vào nguy hiểm, vào công việc chứ không phải là yên nghỉ trên thiên đường.
Charles đáp bằng một nụ cười buồn khôn xiết:
– Bá tước ơi, có bao giờ ông thấy một vị vua lấy lại vương quốc của mình bằng sức của một người già như Parry và với số tiền ba trăm đồng écus mà người hầu này mang trong túi hay không?
– Không, thưa ngài. Nhưng tôi đã hơn một lần có nghe nói rằng một ông vua bị mất ngôi đã lấy lại đất nước bằng một tấm lòng cương quyết, bằng sự bền bỉ, nhờ bạn bè và nhờ một triệu đồng francs khéo sử dụng.
– Nhưng ông chưa hiểu tôi nói gì sao? Người anh em Louis của tôi đã từ chối không giúp đỡ một triệu đồng mà?
Athos nói:
– Thưa, Hoàng thượng có cho phép tôi trình bày trong vài phút một đôi điều không?
Charles II chăm chú nhìn Athos và nói:
– Sẵn sàng ông ạ.
– Thế thì tôi sẽ chỉ đường cho Hoàng thượng.
Bá tước vừa nói vừa đi về phía ngôi nhà, hướng dẫn ông hoàng vào văn phòng và mời ngồi:
– Thưa Hoàng thượng, ngài vừa mới nói rằng với tình trạng hiện nay ở nước Anh thì một triệu quan là vừa đủ để chiếm lại ngai vàng phải không ạ?
– Đó là để thử làm thôi và cũng để chết như một ông vua, nếu tôi không thành công.
– Thế thì, thưa Hoàng thượng, xin ngài hãy nghe tôi nói đây!
Charles gật đầu đồng ý. Athos đi thẳng ra vửa, nhìn quanh quất bên ngoài xem có ai ở gần đó không rồi khoá chết cửa và trở về chỗ.
– Thưa Hoàng thượng, hẳn ngài còn nhớ rằng tôi đã giúp một tay cho vua Charles I rất cao cả và rất khốn khổ, khi bọn đao phủ dẫn ngài từ St. James đến White Hall?
– Vâng tôi còn nhớ và chắc chắn sẽ còn nhớ suốt đời việc đó
– Thưa ngài, làm thân người con mà phải nghe lại câu chuyện thảm thương đó thì thật là khổ tâm tuy ngài chắc đã được nghe nhiều lần rồi. Nhưng tôi bắt buộc phải thuật lại lần nữa mà không để quên chi tiết nào.
– Cứ nói đi, thưa ông.
– Khi vua cha ngài bước lên máy chém, hay đúng hơn, khi ngài bước qua căn phòng để bị đưa vào máy chém đặt bên ngoài cửa sổ, thì chúng tôi đã sẵn sàng tất cả để giải thoát Người. Gã đao phủ bị loại rồi, miếng ván dưới căn phòng đã được khoét một lỗ và tôi ngồi phía dưới đã nghe tiếng răng rắc dưới chân Người.
– Parry đã kể cho tôi nghe mọi chi tiết kinh hoàng đó.
Athos nghiêng mình và tiếp tục:
– Đây là đoạn mà ông ta không biết được. Thưa ngài, vì đây là chuyện chỉ xảy ra giữa Thượng đế, cha ngài và tôi mà thôi. Chuyện này chưa được kể với ai hết ngay cả với các bạn thân của tôi. Ông khổ chủ thượng thặng nói với gã đao phủ bịt mặt: “Tránh ra một chút đi. Một chút thôi vì ta biết rằng ta thuộc về người rồi. Nhưng nên nhớ khi ta làm dấu thì hãy ra tay. Để ta đọc kinh một mình”.
– Xin lỗi, – Charles xanh mặt nói, – xin lỗi Bá tước, ông đã biết thật nhiều chi tiết của sự việc thê thảm, những chi tiết như ông vừa nói là chưa hề kể cho ai nghe hết, thế thì ông có biết tên của gã đao phủ hiểm độc đó không, tên của kẻ hèn mạt đã giấu mặt để chém ông vua mà khỏi bị trừng phạt đó không?
Athos hơi tái mặt đáp:
– Tên hắn ta? Vâng, tôi biết nhưng không thể nói ra được.
– Bây giờ hắn ra sao?
– Ở Anh không ai biết số phận hắn sau này như thế nào cả. Hắn đã chết rồi.
– Có ai là không chết trên giường, không chết bình thường, yên ổn, không chết như một người lương thiện?
– Riêng về phần hắn phải chịu cái chết thê thảm trong một đêm kinh hoàng, giữa sự tức giận của người và bão tố của trời đất. Thân xác hắn bị đâm nhiều nhát rồi bị dìm dưới biển sâu.
– Cầu thượng đế tha thứ cho kẻ giết hắn!
– Thôi, chúng ta hãy quên chuyện đó đi. – Charles II nói sau khi thấy Bá tước không chịu nói thêm nữa.
– Vua nước Anh, sau khi nói như tôi đã kể, liền tiếp: “Nhà ngươi chỉ chém khi ta giơ tay lên nói “Remember”, nhớ không?”
– Đúng thế, – Charles nói với giọng khàn khàn.
– Đúng, đó là lời nói cuối cùng của người cha khốn khổ của tôi. Nhưng để làm gì, nói cho ai?
– Nói với nhà quý tộc Pháp đang ở phía dưới.
– Cho ông à?
– Vâng, thưa ngài. Và cả những lời nói của ngài qua các tấm ván có phủ vải đen, cho tới bây giờ vẫn âm vang trong tai tôi. Nhà vua quỳ một gối xuống đất nói: “Bá tước De La Fère ông có ở đó không?” – “Thưa ngài có”. Tôi trả lời như thế. Rồi nhà vua cúi xuống.
Charles II tuy hết sức đau khổ nhưng do nôn nóng cũng nghiêng mình về phía Athos để nhận lấy từng tiếng một những lời đầu tiên Bá tước nói ra. Đầu ông kề sát Athos trong khi Athos đang tiếp tục:
– Thế rồi Nhà vua cúi xuống: “Bá tước De La Fère, tôi không thể để cho ông cứu. Tôi không chịu như thế. Để chống đỡ cho một chính nghĩa tôi cho là không xâm phạm được, tôi đã làm mất ngai vàng của cha ông tôi để lại và làm tản lạc gia sản của các con tôi rồi”.
Charles II giấu mặt trong lòng bàn tay và dòng nước mắt xé lòng chảy qua các ngón tay trắng trẻo, gầy guộc của ông.
– “Tôi còn một triệu đồng vàng. – Nhà vua nói tiếp. – Tôi đã chôn trong hầm dưới lâu đài Newcastle vào lúc tôi rời thành phố đó”.
Charles II ngẩng đầu lên, lẩm bẩm:
– Một triệu! Ôi, Bá tước ơi!
– “Số tiền đó, chỉ mình ông được biết, ông hãy sử dụng nó khi ông thấy rằng đã đến lúc cần sử dụng một cách phải phép nhất cho người con trưởng của tôi”. Thôi Bá tước De La Fère, hãy nói lời vĩnh biệt với tôi đi – “Vĩnh biệt, xin chào vĩnh biệt ngài”, tôi kêu lên.
Charles II đứng dậy áp vầng trán nóng hổi vào cạnh cửa sổ Athos tiếp tục:
– Chính vào lúc đó, ông vua đã thốt lên tiếng “Remember” dành cho tôi. Thưa ngài, ngài thấy rõ là tôi đã nhớ mãi.
Charles không kiềm chế được xúc động. Athos thấy hai vai của ông hoàng rung lên bần bật. Ông nghe tiếng thổn thức trong lồng ngực kia. Ông nín lặng vì cũng xúc động bởi cả những kỷ niệm chua xót mà ông vừa gợi nên cho ông hoàng trẻ tuổi Charles II gắng gượng tột bực để rời khung cửa sổ, nuốt nước mắt đến ngồi cạnh Athos. Bá tước nói:
– Thưa ngài, cho đến nay tôi vẫn tưởng là chưa đến lúc dùng tới số tiền đó, nhưng khi tôi đăm đăm nhìn vào đất Anh, tôi đoán lúc đó đến gần rồi. Mai đây, tôi định cho người tìm xem Hoàng thượng ở đâu và đi tìm ngài. Nay ngài lại đến tôi thì đúng là Thượng đế đã ở về phía ta rồi.
Charles nói với một giọng ngắt quãng bởi cảm động:
– Thưa ông, ông như một thiên thần của Thượng đế gởi đến tôi, ông là người cứu tôi do thân phụ tôi sống từ mồ trỗi dậy nhưng ông thấy không, từ mười năm nay, xứ sở tôi đã lại chịu nội chiến tàn phá, đảo lộn lòng người, xáo trộn đất đai. Chắc không còn chút vàng nào trong đất của tôi cũng như cllẳng còn tình yêu thương nào trong lòng người dân của tôi đâu.
– Thưa ngài, nơi Hoàng thượng chôn một triệu đó tôi biết rất rõ và chắc chắn rằng chẳng ai có thể tìm ra được hết. Vả lại, chắc gì lâu đài Newcastle đã sập hết rồi không? Có phải người ta đã triệt hạ từng viên đá và đào xới từng tấc đất không?
– Không, nó còn ở đó và là chỗ đóng quân của tướng Monck. Ông thấy không, nơi duy nhất mà tôi chờ đợi, nơi tôi có nguồn lợi thì lại bị kẻ thù của tôi chiếm mất rồi.
– Thưa ngài, tướng Monck không thể khám phá ra kho vàng tôi nói đó.
– Đúng vậy, nhưng chẳng lẽ tôi lại đi nạp mình cho Monck để có được kho vàng? Bá tước ơi, ông thấy đó, thôi thì hãy bằng lòng với số phận bởi vì cứ mỗi lần tôi ngẩng đầu lên thì nó lại đạp tôi xuống. Chỉ với Parry là người giúp việc, với Parry mà có lần Monck đã đuổi đi thì làm cách nào? Thôi, thôi, Bá tước ơi, đành phải nhận cú giáng cuối cùng này vậy thôi.
– Điều mà Hoàng thượng không làm được, Parry không làm được, tôi có làm được không?
– Ông, ông Bá tước.
Athos ngả nón chào.
– Tôi sẽ đi, nếu Hoàng thượng cho phép, vâng tôi sẽ đi.
– Nhưng ở đây Bá tước đang sống hạnh phúc.
– Thưa ngài, tôi sẽ không bao giờ thấy được hạnh phúc nếu còn chưa làm tròn bổn phận, thế mà việc vua cha của ngài giao cho tôi trông coi tài sản lại là một bổn phận tối thượng. Cho nên, bây giờ ngài chỉ ra lệnh là tôi đi ngay với ngài.
Ông hoàng quên cả lễ nghi cách biệt, nhảy lại choàng cổ Athos:
– Bá tước! Ông làm tôi thấy rằng còn có Thượng đế ở trên trời và đôi khi ngài cũng đưa thiên sứ xuống với những con người khốn khổ ở trần thế này.
Athos xúc động trước sự nồng nhiệt của chàng trẻ tuổi nên tỏ dấu cảm ơn, rồi bước đến cửa sổ gọi ra:
– Grimaud, thắng ngựa đi.
Ông hoàng thốt lên:
– Sao, ngay bây giờ ư? Đúng ông là một con người kỳ diệu?
– Thưa ngài, – Athos trả lời,
– Đối với tôi, việc gấp nhất là phục vụ Hoàng thượng. – Rồi ông mỉm cười nói tiếp – Vả lại tôi đã tập theo thói quen từ lâu, từ lúc làm việc cho Hoàng hậu. cô của ngài và Hoàng thượng cha ngài rồi. Thế thì làm sao tôi lại mất thói quen vào lúc phải phục vụ ngài?
Ông hoàng lẩm bẩm:
– Con người thật đáng vị nể!
Rồi sau một lúc suy nghĩ, ông nói:
– Nhưng không, thưa Bá tước, tôi không thể để ông lăn lưng vào gian khổ thiếu thốn như vậy. Tôi chẳng có gì để đền ơn công cán cao cả của ông.
Athos cười:
– Ôi Hoàng thượng nhạo tôi, ngài có một triệu đồng mà.
– Nếu tôi chỉ được một nửa như thế là tôi có thể lập cả một trung đoàn. Nhưng cảm ơn Thượng đế, tôi vẫn còn vài vòng vàng và một ít kim cương của gia đình.
– Mong rằng Hoàng thượng xài chung với người tớ trung thành này.
– Chung với một người bạn. Vâng, thưa Bá tước, với điều kiện là ông bạn đó sau này phải chịu chia phần với tôi.
Athos kéo một ngăn tủ rút ra tiền vàng và đồ trang sức.
– Thưa ngài, bây giờ chúng ta giàu rồi. May là chúng ta có tới bốn người để chống với kẻ trộm.
Nỗi vui mừng làm đôi má Charles hồng lên. Ông thấy Grimaud mang giày ủng đi đường, dắt hai con ngựa đến hàng cột hành lang.
– Này Blaisois, mang thư này cho tử tước De Bragelonne. Ai có hỏi thì nói ta đi Paris. Anh trông nhà, Blaisois ạ.
Chú thích:
(1) một nhân vật trong Kinh thánh
(2) Hãy ghi nhớ