Đọc truyện Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm – Chương 46: Trong động Locmaria
Động Locmaria ở khá xa kè đá nên hai người bạn của chúng ta phải giữ sức để đi cho tới nơi.
Họ đi qua cánh đầm lầy nằm giữa kè đá và động, tai lắng nghe mọi động tĩnh và cố tránh tất cả những chỗ phục kích. Họ đi thật vội vã, nhưng vẫn nhiều lần phải thận trọng dừng lại và cuối cùng đến cái động mà trong đó ông giám mục Vannes lo xa đã để sẵn một chiếc thuyền trên đà gỗ lăn để có thể ra khơi bất cứ thời tiết nào. Sau khi thở dốc, Porthos nói:
– Bạn ạ, hình như đến nơi rồi. Nhưng cũng hình như bạn có nói với tôi rằng có ba người, ba người giúp việc đi theo, thế họ đâu rồi?
Aramis trả lời:
– Porthos thân mến ơi, làm sao ta thấy được. Chắc họ đang ở trong hang và không biết chừng lại nằm ngủ đâu đó sau khi làm xong công vlệc mệt nhọc khó khăn này đấy.
Ông giơ tay ngăn khi thấy Porthos muốn đi vào động:
– Bạn để cho tôi đi trước được không? Tôi biết tín hiệu đã thỏa thuận với những thuộc hạ của tôi, nếu không họ lại bắn vào anh hay cho anh một nhát dao từ trong bóng tối thì phiền.
– Đi trước đi, Aramis, bạn thì lúc nào cũng khôn ngoan cẩn thận. Tôi cũng đang phải chịu cơn mệt mà tôi đã nói với bạn đấy!
Aramis để Porthos ngồi trước cửa động, rồi cúi đầu đi vào bên trong, miệng kêu giả tiếng cú rúc. Sâu bên trong động, có tiếng cu gù nho nhỏ đáp lại.
Aramis tiếp tục bước thận trọng và dừng ngay lại lúc nghe có tiếng gù như lần đầu, cách ông độ mươi bước.
Ông hỏi:
– Yves đấy phải không?
– Thưa Đức ông vâng. Có cả Goerrec và con anh ấy theo ta.
– Tốt, mọi sự êm xuôi cả đấy chứ?
– Thưa Đức ông, vâng.
Anh ra ngoài cửa động gặp nhà quý tộc xứ Pierrends ở đấy đang ngồi nghỉ mệt, đang bước xuống từng bước nặng nề vang động giữa hàng cột đá hoa cương chống trần hang. Aramis nói:
– Chúng ta đi thăm chiếc thuyền xem thử chứa gì trong ấy?
Chủ thuyền Yves nói:
– Chớ đem đèn gần quá vì như theo lời ngài dặn, nơi phía lái tôi đã để thùng thuốc súng với đạn pháo tay gởi từ đồn tới.
– Được rồi, – Aramis trả lời.
– Thế rồi ông cầm đèn đi soi kỹ lưỡng mọi ngóc ngách trên thuyền với cung cách của một con người đứng trước nguy hiểm không hề nhút nhát, sợ sệt.
Chiếc thuyền dài, nhẹ, nổi nhiều, là loại ở Belle-Isle đóng kỹ, lườn hơi cao, vững vàng dưới nước, rất dễ sử dụng và có trang bị những tấm ván che cho người chèo và ngăn sóng đập vào khi biển động. Trong hai thùng đậy kín, đặt dưới mũi thuyền và sau lái, Aramis thấy có sẵn bánh mì, bánh bích quy, trái cây khô thịt mỡ và các bình đầy nước, tất cả đủ cung cấp cho mọi người ở đấy. Vũ khí gồm có súng trường và súng lục cho người kỵ sĩ, đều ở tình trạng tốt và có lắp đạn sẵn. Có các mái chèo dự bị trong trường hợp hư gãy và một chiếc buồm nhỏ không làm nặng thuyền mấy để phụ cho các tay chèo khi có gió thổi.
Khi Aramis xem xét xong, ông rất bằng lòng và nói với Porthos.
– Bây giờ chúng ta phải xem thử nên kéo thuyền qua phía cửa hang bên kia hay là đem thuyền ra ngoài, kéo trên các cục lăn qua các bụi rậm, qua vách đá cao tới hai mươi bộ, nhưng xuống ngay được chỗ nước sâu.
Chủ thuyền Yves kính cẩn trả lời:
– Tôi thấy là theo độ dốc và theo bóng tối đen của động thì con đường chuyển thuyền của ta cũng không tiện bằng lối chuyển ngoài trời đâu. Tôi biết vách đá đó, tôi cam đoan nó bằng phẳng như là bãi cỏ trong vườn thôi. Phía trong động thì gồ ghề chưa kể là phía đầu kia phải qua các ngách chưa chắc thuyền ta đã lọt được đấy.
Người giám mục trả lời:
– Tôi đã tính rồi, chắc chắn là lọt qua được.
Người chủ thuyền gắng cản:
– Thưa Đức ông, tôi cũng mong như thế. Nhưng ngài cũng biết là muốn qua ngách phải đẩy hòn đá lớn, nơi con chồn luồn qua phía dưới để vào ngách động đấy.
Porthos nói:
– Không sao đâu. Đẩy nó đi.
– Ồ, tôi biết Đức ông có sức bằng mười người, nhưng sợ làm Đức ông mệt nhiều.
Aramis nói:
– Ông chủ thuyền nói có lý. Thôi, hãy thử đẩy thuyền ra ngoài xem sao.
Người chủ thuyền nói tiếp:
– Thêm nữa là vì nếu phải bỏ công nhiều quá thì chúng ta không thể đi trước lúc trời sáng được mà sáng ra thì ta cần phải đặt ngay thuyền nơi cửa động đến canh chừng các tàu tuần tình mò chúng ta.
– Đúng, Yves ạ, anh nói phải đấy. Ta đi về phía bờ đá vậy.
Ba người Breton lực lưỡng đặt đòn lăn dưới thuyền sắp đẩy đi thì có tiếng chó sủa đằng xa vọng qua cánh đồng. Aramis vụt ra khỏi hang. Porthos theo sau.
Trời rạng ra, nhuộm các đảo và cánh đồng một màu hồng nhạt và màu sáng bạc mờ mờ. Trong làn ánh sáng chập choạng, những cây thông nhỏ rũ buồn vặn vẹo trên vách đá và từng đàn quạ lượn đôi cánh đen sà xuống các đồng lúa kiều mạch lưa thưa. Tiếng chó sủa kéo vọng dài trong hẻm núi sâu, cách hang chừng một dặm. Porthos nói:
– Chó săn đấy? Chúng được cho đi đánh hơi.
Aramis nghĩ:
– Gì thế? Ai mà lại đi săn vào lúc thế này?
Porthos tiếp:
– Và lại săn ở đây, ở nơi ta đang sợ bọn lính Hoàng gia đến!
– Tiếng chó gần lại rồi, Porthos, bạn có lý đấy. Chúng đang dò theo vết con mồi.
Rồi ông vụt kêu lên:
– Ơ, Yves, Yves đến đây nhanh lên.
Yves đang cầm thanh gỗ định chèn dưới thuyền, nghe tiếng vị giám mục kêu vội bỏ đấy chạy lại.
Porthos hỏi:
– Chuyện đi săn như thế này là nghĩa lý gì?
Người Breton trả lời:
– Thưa Đức ông, tôi cũng không biết. Nhà quý tộc ở Locmaria đâu có thể đi săn vào lúc này được. Thế mà, bọn chó.
– Chắc là chúng sổng chuồng?
– Không, – Goennec nói, – không phải chó của nhà quý tộc Locmaria.
Aramis tiếp:
– Cẩn thận hơn hết là ta đi vào động. Tiếng chó đến gần rồi, chốc nữa, ta sẽ biết là của ai.
Họ đi vào mới được năm bước trong bóng tối thì có tiếng thở ồ ồ của một con vật hoảng hốt nổi lên trong động, rồi một con chồn thở hồng hộc vụt chạy qua trước mặt bọn người trốn nấp, nhảy qua chiếc thuyền rồi biến mất để lại phía sau mùi xạ thỏang vài giây dưới vòm động.
– Con chồn! – Đám người Breton kêu lên theo thói quen của tay săn giật mình.
– Rủi cho chúng ta, – Aramis kêu lên – chỗ chúng ta núp bị lộ rồi.
Porthos hỏi:
– Sao thế? Sao chúng ta lại sợ con chồn?
– Ờ, bạn ơi, nói gì thế, ta sợ gì con chồn? Không phải chuyện đó đâu. Bạn không biết là sau con chồn là đến con chó, sau chó là người sao?
Như để xác nhận lời của Aramis, bầy chó săn hung hăng theo vết con vật chạy ào tới như gió lốc. Sáu con chó cùng lúc ló ra từ phía đầm lầy, sủa vang như tiếng kèn thắng trận. Aramis đứng nấp sau kẽ hở của hai hòn đá, nhìn ra và nói:
– Có đây rồi, người đâu?
Người chủ thuyền nói:
– Nếu là nhà quý tộc ở Locmaria thì ông ta không vào mà để chó tự lùng trong hang, vì ông ta biết chỗ, cứ để chúng đuổi theo và ông ta qua bên cửa kia đón sẵn con chồn.
– Không phải nhà quý tộc ở Locmaria đi săn, – vị giám mục trả lời mà tái mặt.
– Thế thì là ai? – Porthos hỏi.
– Trông kìa!
Porthos nép sát vào lỗ hổng và thấy trên đồi có khoảng mười hai người kỵ sĩ đang thúc ngựa theo sau bầy chó.
– Quân cận vệ.
– Đúng đấy bạn, cận vệ của Nhà vua.
– Thưa Đức ông, cận vệ của Nhà vua à? – Những người Breton xanh mặt nói theo.
Aramis nói tiếp:
– Có Biscarrat dẫn đầu, cỡi ngựa xám.
Cùng lúc ấy, bọn chó chạy ùa vào động như nước lũ và cả vách đá vang lên tiếng sủa điếc tai. Aramis lấy lại tất cả bình tĩnh trước mối hiểm nguy không gì tránh được đó.
– Chúng ta nguy rồi. Nhưng ít ra ta cũng còn có một cơ hội may mắn. Nếu bọn lính cận vệ theo chó đến đây thấy có lối vào hang thì hết hy vọng vì vào thì chúng thấy thuyền, thấy chúng ta mất. Cho nên không để cho bọn chó ra, không để cho chủ chúng vào.
Vị giám mục tính toán thật chính xác và nhanh chóng theo lối quen chỉ huy:
– Các anh hiểu không? Sáu con chó thế nào cũng phải dừng lại trước tảng đá mà con chồn chui qua được nhưng chó không qua được và phải bị giết.
Những người Breton cầm dao chạy tới. Vài phút sau có những tiếng ư ử xen lẫn tiếng rú, rồi không có gì nữa cả. Aramis lạnh lùng nói:
– Tốt. Bây giờ tới phiên chủ chúng.
Porthos hỏi:
– Làm gì đây?
– Đợi chúng đến, nấp đi và giết.
– Giết à?
Aramis bảo:
– Phải xong trong mười phút. Nào? Yves, Goennec và chú em trai đưa súng cho chúng tôi. Porthos đợi đến đúng tầm tay hắn. Chúng ta sẽ giết ngay tám người trước khi chúng kịp trở tay. Chúng ta sẽ tiễn chúng đi bằng dao găm.
Porthos hỏi:
– Còn anh chàng Biscarrat đáng thương thì sao?
Aramis nghĩ ngợi một chút rồi lạnh lùng nói:
– Giết Biscarrat trước. Vì hắn biết chúng ta.
Mặc dầu Aramis thật giỏi tính toán, nhưng chuyện xảy ra toàn là tình cờ, nên không diễn ra như ý ông tiên liệu.
Người sĩ quan có ngựa tốt hơn nên đến ở cửa động trước các bạn và biết ngay là chồn; chó đều chui vào đấy. Tuy nhiên, cũng như bất cứ ai vẫn thường sợ các ngách động tối đen, anh ta dừng lại và chờ người đi theo tụ tập. Cả đoàn người thở dốc ngạc nhiên trước sự bất động của bạn.
– Sao?
– Không nghe tiếng chó nữa. Có lẽ chồn và chó đều vào sâu trong hang hết cả rồi.
Một người lính cận vệ nói:
– Chúng theo sát lắm, không lạc được mồi đâu. Với lại, chúng ở ngoài thì ta cũng nghe tiếng nơi này hay nơi khác. Vậy chắc như lời Biscarrat, chúng phải ở trong động này.
Một người khác:
– Nhưng lạ làm sao là ta không nghe tiếng chó nữa?
Lại một người khác:
– Lạ thực.
Một người thứ tư:
– Thế thì ta vào động đi. Có lệnh cấm vào không?
Biscarrat trả lời:
– Không có. Nhưng mà tối quá, ngã gãy cổ đấy.
Một người lính cận vệ:
– Bọn chó không gãy cổ mà! Chúng ra sao hết rồi?
Một người chủ gọi tên chó của mình, huýt gọi theo lối quen thuộc, nhưng không có tiếng nào đáp lại. Biscarrat nói:
– Không lẽ động có ma. Để xem sao.
Anh ta xuống ngựa, cất bước vào động.
– Đợi đợi tôi theo với, – một người lính cận vệ kêu với theo khi thấy Biscarrat sắp sửa biến vào vùng tranh tối tranh sáng.
Biscarrat trả lời:
– Không, chắc có điều gì lạ đây, đừng liều, nếu trong mười phút nữa không có tin tôi thì các anh hãy vào, mà vào một lượt.
– Được rồi, chúng tôi đợi, – những người trẻ tuổi trả lời vì tin rằng Biscarrat chẳng gặp nguy hiểm gì lớn lắm.
Rồi họ không xuống ngựa mà đứng vây quanh động. Cho nên Biscarrat đi một mình trong hang tối đen, đến tận mũi súng của Porthos. Anh thấy vật lạ cản nơi ngực nên ngạc nhiên vươn tay ra nắm lấy nòng súng lạnh ngắt. Cùng lúc, Yves giơ dao sắp đâm mạnh xuống người trẻ tuổi với tất cả sức lực có trong cánh tay của một người Breton thì cánh tay sắt của Porthos cản lại rồi có tiếng “ồ” gầm lên trong đêm tối:
– Tôi không cho ai giết hắn.
Biscarrat như vậy là đang ở giữa một sức bảo vệ và một sự đe doạ, cái nào cũng ghê gớm như nhau. Dù can đảm đến đâu, người trẻ tuổi cũng thốt lên tiếng kêu, bị chặn lại vì chiếc khăn tay của Aramis nhét vào miệng. Ông nói nhỏ với anh ta:
– Ông Biscarrat ạ, chúng tôi không muốn làm hại ông, và ông phải biết điều đó vì ông đã nhận ra chúng ta rồi, nếu ông nói lên một tiếng, thở một chút, phì một hơi là chúng tôi giết ông như đã giết chó của ông đó.
Người trẻ tuổi nói nhỏ:
– Phải, tôi nhận ra các ông rồi. Nhưng sao các ông lại ở đây? Làm gì ở đây? Thật rủi ro? Tôi cứ tưởng các ông ở trong đồn.
– Còn ông, chắc ông đã giúp chúng tôi được một ít chứ gì?
– Tôi gắng làm hết sức, nhưng thưa các ông có lệnh rõ ràng rồi.
– Lệnh giết chúng tôi?
Biscarrat không trả lời gì cả. Nói về sợi dậy treo cổ với các nhà quý tộc này thì cũng như đem quàng nó vào mình. Aramis hiểu sự im lặng đó của người tù binh:
– Ông De Biscarrat ạ, ông đã chết rồi nếu như chúng tôi không tiếc cho tuổi trẻ của ông và sự quen biết với cha ông xưa kia. Còn bây giờ ông cũng có thể thoát chết lần nữa nếu không nói với các bạn những gì ông thấy ở đây.
– Không phải chỉ không nói mà còn cố sức ngăn bạn bè tôi đặt chân vào đây.
– Biscarrat? Biscarrat? – Ở bên ngoài có nhiều tiếng gọi và hút theo ngách động như một luồng gió xoáy.
Aramis nói:
– Trả lời đi.
– Tôi đây, – Biscarrat kêu lên.
– Thôi đi đi chúng tôi tin ở lòng trung thực của anh.
Nói rồi, ông thả người trẻ tuổi ra. Biscarrat tiến lại phía ánh sáng.
– Biscarrat! Biscarrat! – Những tiếng kêu càng tiến gần lại.
Thế rồi có các bóng người đổ vào bên trong động.
Biscarrat chạy vụt về phía trước đón các bạn, chặn kịp lúc họ suýt tiến vào trong động. Nhờ ánh sáng bên ngoài, một người kêu lên:
– A! Anh xanh dễ sợ?
Một người khác kêu tiếp:
– Xanh à? – Phải nói là mét mới đúng?
– Tại sao? – người trẻ tuổi nói mà trong lòng cố gắng hết sức để tự trấn tĩnh.
Cả bọn cùng la lớn:
– Ôi trời à, anh gặp chuyện gì đấy?
Một người khác cười vang:
– Bạn ơi, anh không còn một giọt máu nào trong người hết.
Lại một người khác:
– Các ông ơi, chuyện nghiêm trọng rồi, hắn sắp ngất đi đấy, ai có mang muối trong mình không?
Rất tất cả phá lên cười ầm ĩ.
Mọi câu hỏi vặn, mọi lời giễu cợt đều đan xen chung quanh Biscarrat giống như cơn lửa đạn trong một trận giáp chiến. Anh ta lấy lại được tinh thần và nói:
– Có thấy gì đâu. Lúc vào động trời nóng quá, trong ấy tôi lại bị lạnh, có thế thôi.
– Còn chó, anh có thấy mấy con chó không?
Biscarrat nói:
– Chắc là chúng đi vào ngả khác rồi.
Một người trẻ tuổi nói:
– Này các ông, trong chuyện vừa xảy ra, qua nét mặt xanh mét không chịu nói của bạn ta thì chắc có chuyện lạ mà Biscarrat không muốn hay là chắc không thể nói ra. Nhưng đúng chắc là Biscarrat đã thấy cái gì trong động. Tính tôi hay tò mò, cứ muốn biết xem hắn đã thấy những gì, dù là yêu tinh gì cũng được.
– Hè! Vào động đi các ông ơi! Vào động đi!
Tiếng vọng trong động vang đến tai Aramis và Porthos như một lời hăm doạ “Vào động đi! Vào động đi!” Biscarrat nhảy vụt ra chắn trước mặt các bạn, kêu lên:
– Các ông, các ông! Chớ có vào! Trời à!
Nhiều tiếng nói nổi lên:
– Có gì ghê gớm trong ấy thế?
– Nói đi, Biscarrat!
Nhất định là hắn gặp yêu tinh, đó là lời của người đầu tiên nêu ra giả thiết ấy.
– Ồ hắn đã thấy yêu tinh thì không thể đứng đây ngăn chúng ta không được thấy.
– Các ông, xin can các ông. – Biscarrat van lơn. Xin các ông đừng vào?
– Nhưng anh, anh đã vào mà?
Thế rồi, một sĩ quan lớn tuổi hơn những người khác từ nãy giờ vẫn đứng phía sau, bây giờ tiến lên nói giọng bình tĩnh khác với giọng sôi nổi của các bạn.
– Thưa các ông, trong đó có người nào hay vật gì không phải là yêu linh nhưng có sức để làm cho lũ chó chúng ta im tiếng. Ta phải tìm biết các người hay vật gì đó.
Biscarrat cố tìm cách ngăn các bạn lần chót nhưng không được. Anh nhảy ra trước mặt những người táo bạo nhất. Vô ích.
Vô ích khi anh bám vào đá để chặn làn sóng người theo chân người sĩ quan lớn tuổi nói sau nhưng làm trước đi vào, tay mang gươm tuốt trần để đề phòng mối hiểm nguy chưa biết.
Biscarrat bị các bạn đầy lùi, không thể theo họ vào hang được vì sợ Aramis và Porthos coi là kẻ phản bội thất hứa. Anh đứng dựa vào một tảng đá xù xì tai nghe ngóng hai tay chắp lại, cứ mong cho đạn hai bên bắn nhau có một phát trúng vào ngay mình.
Các lính cận vệ đi càng lúc càng sâu với tiếng kêu la càng lúc càng yếu dần trong động. Thình lình, một loạt đạn súng tay vang lên như sấm dưới vòm hang.
Hai ba viên trúng vào tảng tá, Biscarrat đang dựa. Cùng lúc ấy có những tiếng rên rỉ, kêu thét, cầu khẩn vang lên và toán quân nhỏ hiện ra, có người xanh mét, có người máu chảy đầm đìa, giữa một đám khói toả như là bị khí trời bên ngoài hút từ trong đáy động ra. Những người chạy tới la lên:
– Biscarrat! Biscarrat! Mày biết trong động có phục binh mà mày không chịu nói với bọn tao.
– Biscarrat, mày làm cho bốn người trong chúng ta bị giết! Khốn cho mày rồi đó, Biscarrat!
– Mày làm cho ta bị tử thương đấy, – một người trẻ tuổi vừa nói vừa vốc máu trong tay ném vào mặt Biscarrat. – Máu tao sẽ làm cho máu mày đổ!
Rồi anh ta lăn ra hấp hối dưới chân người trẻ tuổi. Nhiều tiếng kêu giận dữ la lên:
– Nhưng ít ra mày cũng phải nói cho chúng tao biết là ai ở trong kia!
Biscarrat nín lặng.
– Nói đi, không thì chết? – Người bị thương kêu lên và gắng gượng quì một chân, tay chĩa thanh gươm lúc này đã trở thành vô ích vào người trẻ tuổi, Biscarrat vội chạy đến phía hắn, mở ngực ra và sẵn sàng nhận nhát đâm, nhưng người bị thương đã buông mình xuống, không trở dậy nữa và thốt ra tiếng thở hắt cuối cùng.
Biscarrat đầu óc rối bời, mắt ngơ ngác, không nghĩ ngợi gì được hết, cứ đi thẳng vào trong động, tự bảo: “Anh nói đúng, ta phải chết đi, tội ở ta đã để cho các bạn bị ám sát. Ta là thằng hèn”.
Thế rồi anh ném thanh gươm đi xa và vì muốn chết mà không phải tự vệ; anh cúi cầu, chạy vụt vào đường hầm. Mười một người còn lại bắt chước theo.
Họ chưa đi xa được hơn lúc trước thì một loạt đạn thứ hai làm năm người ngã xuống cát. Không thể nào thấy rõ cú sấm sét chết người ấy từ đâu đến, những người còn lại phải hoảng hốt lui ra. Nhưng chỉ mình Biscarrat không lùi, cứ ngồi đợi trên một tảng đá, mà yên lành, không một vết thương. Bây giờ chỉ còn có sáu người cận vệ. Một người nói:
– Có phải thực là yêu tinh không?
Một người khác:
– Úi, còn hơn nữa kìa?
– Hỏi Biscarrat xem, hắn biết.
– Hắn đâu?
Những người trẻ tuổi nhìn quanh, không thấy Biscarrat trả lời.
Có hai, ba tiếng:
– Hắn chết rồi.
– Không, chưa đâu, tôi thấy hắn đứng giữa đám khói, bình tĩnh ngồi trên một hòn đá, bây giờ nhất định hắn đang chờ chúng ta trong động đấy.
– Chắc hắn biết những kẻ trong động.
– Sao mà biết được?
– Hắn bị bọn nổi dậy bắt một lần.
– Đúng rồi. Gọi hắn đi, xem chúng ta gây chuyện với ai đây!
Nhưng Biscarrat không hề trả lời. Người sĩ quan đã tỏ ra điềm tĩnh nói:
– Tốt! Bây giờ chúng ta không cần đến hắn nữa, tiếp viện đến kìa.
Đúng vậy, một đại đội cận vệ khoảng 75-80 người bị các sĩ quan hăng hái theo cuộc săn bỏ rơi đằng xa, đang tiến đến có trật tự, dẫn đầu là người đại uý và người phụ tá thử nhất.
Năm cận vệ chạy lại trước toán lính, hấp tấp kể chuyện vừa xảy ra và cầu cứu. Viên đại uý chặn lại hỏi:
– Bạn các anh đâu?
– Chết rồi.
– Các anh có mười sáu người mà.
– Mười người chết. Biscarrat trong động, và chúng tôi ở đây năm.
– Biscarrat bị bắt phải không?
– Chắc vậy – Không, hắn ta đấy, trông kìa.
Đúng vậy, Biscarrat đã hiện ra ngoài cửa động. Đám sĩ quan nói:
– Anh ta ra dấu cho chúng ta lại kìa! Đi đi!
– Đi đi! – Cả toán đồng thanh rồi cùng đến trước mặt Biscarrat.
Viên đại uý nói với Biscarrat:
– Thưa ông, người ta bảo với tôi là ông biết những người trong hang đang chống cự tuyệt vọng. Đó là ai vậy? Nhân danh Hoàng thượng tôi buộc ông phải nói những điều ông biết.
Biscarrat nói:
– Thưa đại uý, ông khỏi cần mất công bắt buộc tôi, tôi vừa mới được giải toả lời hứa xong. Những người ấy để tôi đến đây để nói là họ sẽ chống cự đến chết nếu chúng ta không chịu nhận thỏa hiệp.
– Họ có bao nhiêu người?
– Hai – Biscarrat nói.
– Chỉ có hai, mà muốn đặt điều kiện với chúng ta à?
– Họ có hai, mà lại vừa giết ta mười người đấy.
– Họ là ai thế? Những người khổng lồ à?
– Còn hơn thế nữa. Chắc đại uý nhớ câu chuyện pháo đài Saint-Gervais?
– Ờ, ở đó bốn người lính ngự lâm chống lại cả một đạo quân.
– Đúng, hai người trong kia là những người lính ngự lâm đó
– Tên họ là…
– Vào lúc đó, người ta gọi họ là Porthos và Aramis. Bây giờ họ là ngài D Herblay và ngài Du Vallon. Chính họ chống giữ cho ông Fouquet đấy.
Những người lính xì xầm khi nghe hai tiếng “Porthos và Aramis”. Họ lập lại với nhau: “Lính ngự lâm, lính ngự lâm pháo thủ.
Những người trẻ tuổi này khi có ý nghĩ là họ sẽ phải đương đầu với hai con người có tăm tiếng nhất của quân đội, họ rùng mình, vừa sợ hãi vừa đầy hứng khởi. Bốn cái tên d Artagnan, Athos, Porthos và Aramis được những tay kiếm tôn thờ như các tên Hercule, Théséc, Castor và Pollux được tôn thờ trong thời xa xưa.
Viên đại uý kêu lên:
– Hai người mà giết được mười người của ta? Không thể được, ông Biscarrat ạ.
Người này trả lời:
– Ô, thưa đại uý, tôi không giấu rằng họ cũng có hai, ba người phụ giúp như hồi các tay lính ngự lâm ở St. Gervais cũng có ba, bốn người giúp việc. Nhưng mà ông cứ tin tôi đi, tôi đã thấy họ, đã bị họ bắt, tôi biết rõ họ. Chỉ có mình họ thôi cũng đủ tiêu diệt cả một quân đoàn.
Viên đại uý nói:
– Để xem, chốc nữa thì biết. Các ông chú ý đây!
Nghe nói như thế, mọi người đều im lặng, sẵn sàng tuân lệnh. Chỉ có Biscarrat cố thử lần chót. Anh ta nói nhỏ:
– Thưa ông, cứ tin tôi đi. Chúng ta bỏ qua vụ này. Hai con người ấy, hai con sư tử ta sắp tấn công ấy sẽ chiến đấu đến chết.
– Họ đã giết của ta mười người, họ sẽ giết gấp đôi thế và cuối cùng sẽ tự tử hơn là chịu đầu hàng. Ta có lợi gì mà đánh họ?
– Thưa ông, ta có được điều là lương tâm ta không cho phép để cho tám chục lính cận vệ của vua lại chịu rút lui trước hai tên phản loạn. Nếu tôi nghe lời ông, thì tôi sẽ mất danh dự, mất danh dự của tôi là mất danh dự của quân đội. Các bạn hãy tiến lên đi!
Thế rồi ông đi trước đến cửa hang.
Đến đây, ông dừng lại. Dừng để Biscarrat và các bạn trẻ cho ông biết địa thế bên trong hang. Rồi nghĩ rằng đã biết đủ, ông chia đại đội làm ba phân đội, nối nhau tiến vào, bắn tới tấp đủ mọi hướng. Đánh theo kiểu này thì chắc là sẽ chết năm người nữa, mười người không biết chừng, nhưng rồi lại sẽ bắt được hai tên phản loạn vì chúng không có đường rút lui và cũng không thể giết hết tám mươi người, Biscarrat nói:
– Xin đại uý cho tôi đi đầu toán tiên phong.
Người đại uý trả lời:
– Được ông đáng được vinh dự đó. Đây là món quà tặng của tôi gửi cho ông.
– Cám ơn? Người trẻ tuổi nói giọng cương quyết của con nhà nòi.
– Thế thì cầm kiếm đi.
– Thưa đại uý, tôi đi như thế này thôi, tôi vào không phải để giết mà là để bị giết.
Rồi anh ta đứng trước toán quân, ngẩng đầu lên khoanh tay lại, nói:
– Chúng ta đi đi, các ông.