Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 32: Buổi sáng


Đọc truyện Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm – Chương 32: Buổi sáng

Bên cạnh cái định mệnh sầu thảm của ông vua nằm ở Bastille gặm nhấm chấn song, ổ khoá nhà ngục một cách tuyệt vọng, những viên thái sử ngày xưa tha hồ mà vung vít về cuộc sống vương giả đối lập của Philippe. Không phải những lời hùng biện ấy lúc nào cũng có dụng ý xấu xa và gieo rắc lầm lạc về những cái đẹp điểm xuyết vào lịch sử, nhưng ở đây, chúng tôi vẫn xin phép quý vị đánh bóng phía đối lập và vẽ lại bức tranh cốt để ta dễ theo dõi cảnh đầu tiên kia.

Ông Hoàng trẻ vào nhà Aramis trong khi ông vua đi xuống căn phòng của thần Morphée. Dưới sức cách tay của ông D Herblay ấn mạnh, chiếc vòm nhà xuống từ từ và chiếc long sàng sau khi để người tù dưới hầm sâu lại trở lên đến trước mặt Philippe.

Chỉ khi một mình đứng trước sự xa hoa này, chỉ khi đứng trước quyền lực vô biên đó, chỉ khi đứng trước nhiệm vụ to lớn mà ông ta phải lãnh, lần đầu tiên Philippe cảm thấy cảnh làm vua ngợp người khiến tim đập liên hồi. Nhưng khi nhìn chiếc giường trống trơn, còn dấu nhăn do thân xác người anh để lại, ông ta thấy tái mặt đi.

Sự đồng loã mặc nhiên trở lại sau khi chịu đồng ý để tiến hành công việc vừa qua. Nó trở lại mang dấu vết của tội ác, nó nói lên một cách thẳng thắn thô bạo như những lời đồng loã nói với nhau sự thật. Trong khi cúi xuống để nhìn cho gần hơn, Philippe nhận ra chiếc khăn ướt mồ hôi lạnh chảy trên trán của Louis XIV. Những giọt mồ hôi ấy khiến Philippe kinh khiếp như là những giọt máu của Abel đã làm kinh khiếp Cain(1)

Philippe nói, mắt rực lửa, mặt mày nhợt nhạt:

– Thôi bây giờ là ta phải đối mặt với số mệnh rồi. Chẳng biết nó có kinh khiếp như ở ngục thất không. Bây giờ, cứ mỗi lần phải theo sát những sự phỉnh phờ của lí trí, chẳng biết ta có còn nghe theo tiếng gọi ngại ngùng của lòng nữa hay không? Ô, quả đúng như vậy rồi? Ông vua đã nghỉ trên giường này, chiếc gối còn in hằn vết đầu ông, chiếc khăn tay còn mềm đi vì những giọt nước mắt cay đắng của ông, còn ta thì ngần ngại không nằm trên chiếc giường này, tay ta không dám nắm chiếc khăn tay có thêu huy hiệu, tước vị của vua! Nhưng thôi đi, hãy bắt chước ông D Herblay, con người lúc nào cũng nghĩ đến mình, con người coi người lương thiện chỉ là kẻ bị kẻ thù không bằng lòng và phản bội thôi. Nếu Louis không chiếm đoạt thì nó đã là của ta. Chiếc khăn tay có thêu quốc huy nước Pháp này cũng là của ta như lời ông D Herblay nói, nếu lúc nhỏ ta được chọn là kẻ kế nghiệp, Philippe của nước Pháp ơi! Leo lên giường này đi! Philippe, vị vương độc nhất của nước Pháp, hãy lấy huy hiệu của mình đi! Philippe, kẻ chỉ định kế nghiệp độc nhất của Louis XIII, cha ta, đừng thương xót kẻ phản nghịch nữa – hắn ta, đến bây giờ cũng không có chút gì ân hận về tất cả những cay đắng mà ta phải chịu đựng.

Philippe nói xong, mặc dù trong tận cùng thân xác còn thấy nhờn gớm mình, mặc dù ý chí cố đè nén cho khỏi rùng mình, khiếp sợ, nhưng vẫn lên nằm trên chiếc long sàng, ráng gân cốt ép mình trên vùng hơi còn ấm của Louis XIV, chiếc khăn tay đẫm mồ hôi áp lên trán.

Bây giờ, ta hãy nhìn cái ông vua chiếm ngôi run rẩy và ủ rũ này. Trông ông ta giống như một con cọp lạc đường đi vào giữa đám lau sậy, khe nước lạ lùng, và nằm ngủ trong hang ổ của con sư tử vắng nhà – ngủ trên chiếc giường của con sư tử thì cũng hãnh diện thực đấy, nhưng thật khó mà mong được ngủ yên.

Philippe lúc nào cũng lắng tai dò từng tiếng động một chút lo lắng gì cũng làm xao động tâm hồn. Nhưng vốn là người tin tưởng ở sức mạnh của mình ông vẫn vững tâm chờ đợi một chuyện gì xảy ra để đo lường khả năng của mình. Ông mong một mối nguy hiểm to lớn sẽ làm cho êng sáng chói lên. Nhưng không có gì xảy ra hết. Sự im lặng vốn là kẻ thù sống chết của những tấm lòng bất an, của những kẻ đày tham vọng, sự im lặng đó vẫn bao trùm một đêm ông vua tương lai của nước Pháp đang nấp dưới chiếc vương miện đánh cắp.

Vào lúc rạng sáng, một thân mình len vào trong phòng như một chiếc bóng. Philippe không ngạc nhiên vì đang chờ đợi, ông hỏi:

– Sao, ông D Herblay?

– Xong rồi, thưa ngài, xong hết rồi.

– Có kháng cự gì không?

– Thật ghê gớm: khóc lóc, kêu la.

– Rồi sao nữa?

– Thành công hoàn toàn và im lặng tuyệt đối.


– Người chủ ngục Bastille có nghi ngờ gì không?

– Không chút nào.

– Vì chuyện giống nhau phải không?

– Nguyên nhân thành công đấy.

– Nhưng ông cũng nên nghĩ rằng người tù cũng có thể giải thích ra. Tôi từng phải kháng cự với một quyền lực mạnh hơn tôi nhiều mà tôi cũng làm thế rồi đấy.

– Tôi nghĩ tới hết rồi. Vài ngày nữa, và cũng có lẽ sớm hơn, nếu cần thì lôi tên ấy ra khỏi nhà giam cho đi đầy thật xa.

– Nhưng người đi đầy cũng trở về được, ông D Herblay ạ.

– Xa thật là xa, xa thế nào mà để cho sức lực hắn tàn tạ không thể sống đợi ngày về được.

Lại một lần nữa đôi mắt của ông hoàng trẻ và của Aramis gặp nhau trong sự toan tính thật lạ lùng. Philippe lái câu chuyện sang hướng khác.

– Còn ông Vullon thì sao?

– Ngày hôm nay ông ta sẽ đến triều kiến và sẽ nói riêng cho ngài nghe về những mối nguy hiểm mà tên chiếm đoạt đó đã gây khó khăn cho ngài đến đâu.

– Bây giờ phải phong cho ông ta như thế nào? Một tước công có kèm theo lãnh địa có phải không?

Aramis trả lời với nụ cười khác lạ:

– Vâng, một tước công có kèm theo lãnh địa.

– Sao ông D Herblay lại cười?

– Tôi cười về sự lo xa của Hoàng thượng.


– Lo xa? Ông nói gì thế?

– Hoàng thượng hẳn là sợ lão Porthos trở thành một chứng nhân khó chịu nên phải trừ đi.

– Trừ bằng cách phong quận công à?

– Đúng vậy ngài giết hắn đấy? Hắn vui sướng đến mức chết đi và mang sự bí mật theo hắn. Còn tôi – Aramis lạnh lùng tiếp – tôi mất một người bạn thật là bạn.

Giữa lúc hai tay âm mưu đang nói chuyện tầm phào để che giấu nỗi vui mừng và kiêu ngạo vì sự thành công, thì Aramis vểnh tai nghe ngóng một thứ gì bên ngoài. Philippe hỏi:

– Gì thế?

– Thưa ngài, sáng rồi.

– Thế rồi sao?

– Hôm qua, trước khi đi ngủ trên chiếc giường này, chắc ngài có nghĩ rằng hôm sau, sáng ra ngài sẽ làm gì chứ?

– Ta có bảo viên chưởng quan ngự lâm quân đến đây.

– Nếu ngài có nói như vậy thì hắn đến ngay đấy. Hắn là người đúng hẹn.

– Ta nghe có tiếng bước chân bên ngoài phòng rồi.

– Hắn ta đấy.

Ông hoàng lấy dáng kiên quyết trả lời:

– Thế thì bắt đầu tấn công đi.


Aramis kêu lên:

– Chớ! Tấn công mà bắt đầu với d Artagnan thì là điên đấy! D Artagnan bây giờ chẳng biết gì hết, chẳng có gì nghi ngờ chúng ta hết. Nhưng nếu sáng nay hắn ta là người đầu tiên bước vào phòng này, hắn sẽ đánh hơi thấy ngay có chuyện gì hắn phải lo. Ngài ạ, trước khi cho d Artagnan vào đây, ta phải cho căn phòng này thật nhiều không khí, mời thật nhiều người vào để cho tay thám tử tinh tế nhất nước này cũng bị đánh lạc trên cả hàng tá hướng khác nhau.

Ông hoàng thấy lo lắng trước viễn cảnh phải đối phó với một tay kình địch có hạng như thế:

– Làm sao cho hắn lui về được một khi ta đã bảo hắn tới đây rồi?

Vị giám mục trả lời:

– Xin để tôi lo, bắt đầu là đập cho hắn tá hoả trước đã.

– Hắn ta cũng đập một cái ngay đây, – ông hoàng vội vã nói.

Quả thực có tiếng đập bên ngoài của d Artagnan đánh tiếng. Cửa mở ra, người chưởng quan cứ tưởng là ông vua mở cửa. Chuyện khó có thể xảy ra theo tình trạng của Louis XIV khi d Artagnan giã từ hôm trước. Nhưng lúc ông sửa soạn kính cẩn chào gương mặt ông vua thì lại thấy khuôn mặt dài thòng và điềm đạm của Aramis. Suýt nữa ông kêu lên vì ngạc nhiên quá.

– Aramis!

– Chào bạn, d Artagnan thân mến!

Người lính ngự lâm lắp bắp:

– Bạn ở đây à?

– Hoàng thượng xin bạn báo cho mọi người biết rằng ngài đang nghỉ ngơi vì suốt đêm qua ngài mệt quá.

D Artagnan chỉ kịp thốt lên một tiếng “Ồ” ngạc nhiên vì không hiểu tại sao ông giám mục Vannes, thuộc loại trước chẳng được yêu chuộng gì lắm, thế mà sau mới sáu giờ đồng hồ lại được ưu ái len vào đến tận giường ngủ. Đúng vậy, muốn đứng nơi ngạch cửa ngự phòng để truyền ý chỉ của vua, muốn làm người trung gian cho Louis XIV, muốn nhân danh vua để ra lệnh chỉ cách vua hai bước thì đến Richelien thời Louis XIII cũng không được như vậy đâu.

Mắt Aramis trợn tròn lên, miệng há ra, hàng ria vểnh lên, tất cả đều biểu lộ thật rõ ràng điều đó với người sủng thần ưu ái đang giữ dáng đứng thật vững vàng. Giám mục tiếp lời:

– Ông chưởng quan cần biết thêm sáng nay không cho ai vào làm ồn ào hết. Hoàng thượng còn nghỉ lâu chút nữa.

– Nhưng mà, – người lính ngự lâm phản đối như muốn cự lại vì nghi ngờ vì thấy vua không lên tiếng, – nhưng Hoàng thượng có hẹn với tôi sáng nay mà.

– Hẹn lại! Hẹn lại đi! – Có tiếng ông hoàng từ cuối phòng vọng ra làm cho người lính ngự lâm rùng mình.

Ông nghiêng mình sửng sốt, bàng hoàng, mụ đi vì nụ cười của Aramis hiện ra khi tiếng nói kia cất lên. Vị giám mục tiếp tục:


– Thế này, để trả lời cho điều bạn vừa xin ở Hoàng thượng, bạn hãy xem để biết ngay sắc chỉ mới này về việc ông Fouquet.

D Artagnan giơ tay nhận lệnh đọc: “Thả! Ồ!”. Rồi ông lại thốt lên một tiếng “ồ” thứ hai có ý nghĩa hơn. Đó chính vì tờ lệnh cho ông biết tại sao Aramis có mặt bên cạnh nhà vua.

Aramis muốn xin cho ông Fouquet được ân xá, tất phải có ân sủng lâu lắm và sự sủng ái này lại cắt nghĩa tại sao ông D Herblay lại nhân danh vua ra lệnh một cách đường hoàng đĩnh đạc như thế.

D Artagnan cúi chào và lui ra vài bước. Vị giám mục nói:

– Để tôi đưa bạn.

– Đi đâu?

– Đi lại nhà ông Fouquet, tôi muốn thấy ông ta bằng lòng ra sao.

D Artagnan còn nói thêm:

– Ồ! Aramis, lúc nãy bạn làm tôi thắc mắc quá đi!

– Nhưng bây giờ thì bạn hiểu rồi chứ gì?

– Ờ? Tôi cũng hiểu, – ông nói to lên.

Rồi thấp giọng, răng nghiến chặt:

– Này, không đâu! Tôi không hiểu gì hết. Nhưng chẳng sao, lệnh đây rồi.

Và nói tiếp:

– Mời ngài đi trước.

D Artagnan dẫn Aramis đi về phía nhà Fouquet.

Chú thích:

(1) Cain giết Abel, hai người đều là con của Adams và Eva


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.