Đọc truyện Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm – Chương 16: Monck lộ rõ ý định
D Artagnan mặc dầu tự hào đã đặt được thành công tốt đẹp, vẫn không hiểu rõ được tình thế lắm. Chuyến đi của Athos sang nước Anh, sự liên kết giữa ông hoàng Anh với Athos và cả sự trùng hợp kỳ dị giữa ý định của ông với ý định của Athos là một vấn đề quan trọng khiến ông luôn thắc mắc, suy nghĩ. Cách hay nhất là cứ để sự việc diễn biến xem sao. Ông đã phạm phải một điều luống cuống, và mặc dầu đã thành công, sự thành công này vẫn không đem đến cho ông một điều lợi nào.
D Artagnan theo Monck đi vào trại. Sự trở về của Đại tướng đã có tác động đối với các thuộc cấp, vì họ cứ tưởng ông đã tiêu rồi. Nhưng Monck, vẫn giữ gương mặt nghiêm nghị và thái độ lạnh lùng, có vẻ như đang hỏi các sĩ quan và binh sĩ của ông vì sao họ vui mừng như thế. Do đó khi viên phụ tá đến trước mặt ông bầy tỏ sự lo ngại của ông ta trong lúc ông vắng mặt, ông nói:
– Tại sao thế? Tôi có bị bắt buộc phải báo cáo cho các ông biết về những hành động của tôi đâu?
– Nhưng, thưa Đại tướng, con chiên mà không có người chăm thì phải run sợ.
Monck trả lời với giọng bình tĩnh và đầy quyền uy:
– Run sợ à? Ông nói gì vậy! Nếu những con chiên của tôi không có răng và móng vuốt, thì tôi không chịu chăn giữ chúng đâu à! Vậy là ông đã run sợ!
– Thưa Đại tướng, vì ngài đấy.
– Đừng xen vào chuyện không dính dáng gì đến ông, và nếu Chúa đã không cho tôi một bộ óc như của Olivier Cromwell thì Chúa cũng đã cho tôi, dù nhỏ đến đâu đi nữa, tôi cũng bằng lòng với nó.
Viên sĩ quan không trả lời, và vì Monck đã làm cho các thuộc cấp mình phải giữ im lặng như thế, nên tất cả đều tin rằng ông vắng mặt là để thực hiện một công tác quan trọng, hay để thử thách họ thôi.
Trong khi đó, người lính ngự lâm của chúng ta vẫn không ngừng lặp đi lặp lại:
– Lạy Chúa! Ước mong lòng tự ái của ông Monck không lớn bằng của tôi, bởi vì tôi khẳng định, nếu một kẻ nào bắt tôi nhốt trong một cái thùng với một miếng lưới sắt bịt trên miệng và chở tôi qua biển cả như trở một con bê, thì tôi sẽ giữ mãi một kỷ niệm xấu xa về vẻ thảm hại của tôi trong cái thùng, tôi sẽ giữ mãi mối thù hận ghê gớm đối với kẻ đã bắt nhốt tôi. Tôi sợ mấy tên lính ranh đó châm chích rồi bắt chước để nhạo báng dáng tôi nằm trong cái thùng khiến cho tôi chán quá, phải lấy dao thay cho tấm lưới để đâm sâu vào cổ họng hắn, và tôi sẽ đóng đinh hắn trong một cái hòm thật sự để hắn nhớ mãi cái hòm giá tôi nằm đóng mốc trong suốt hai ngày.
D Artagnan rất thành thật khi nói những lời đó, bởi vì anh chàng Gascon của chúng ta có một tâm hồn rất dễ xúc động.
May mắn thay, Monck có những ý nghĩ khác hẳn. Ông ta không hề nói về những chuyện đã qua với kẻ chiến thắng nhút nhát của ông, nhưng ông cho phép d Artagnan quan sát thật kỹ những công trình của ông trong trại, dẫn d Artagnan đi xem xét chỗ này chỗ kia, có lẽ để lấy lại sự kính phục của d Artagnan, điều mà chắc chắn ông mong muốn nhất. D Artagnan đã tỏ ra là một kẻ rất khéo nịnh. Ông ngưỡng mộ tất cả chiến pháp của tướng Monck và cách bố trí trong trại quân này. Ông khôi hài một cách rất thú vị về việc Lambert đã nhọc công rào kín một trại quân cho hai mươi ngàn người, trong khi chỉ một sào đất thôi cũng đủ cho viên hạ sĩ và năm mươi quân cận vệ có lẽ hãy còn trung thành với ông ta.
Tướng Monck, ngay khi trở về, đã nhận lời mời hội kiến của Lambert ngày hôm trước, lời mời mà các sĩ quan của Monck đã chối từ, lấy cớ Đại tướng đang bệnh. Cuộc hội kiến này không lâu và cũng không có gì đáng chú ý. Lambert yêu cầu địch thủ xác định một lập trường. Monck trả lời ông không có lập trường nào khác hơn lập trường của đa số. Lambert hỏi có nên chấm dứt cuộc xung đột giữa hai bên bằng một sự liên minh hơn là bằng một trận đánh không. Về vấn đề này, Monck yêu cầu một thời gian tám ngày để suy nghĩ. Thế mà trước kia Lambert đã bảo ông ta sẽ nuốt chửng đạo quân của Monck? Do đó cuộc hội kiến mà những kẻ theo phe Lambert đã nóng lòng trông đợi, đã chẳng quyết định được gì hết, chằng hoà cũng chẳng chiến. Và thế là sau đó như d Artagnan đã tiên đoán, đạo quân phản loạn của Lambert bắt đầu thích chính nghĩa hơn, và thích Nghị viện dầu là Nghị viện xương cụt hơn là những lời huênh hoang trống rỗng của tướng Lambert.
Hơn nữa, binh sĩ của Lambert nhớ đến những bưa ăn ngon lành có bia và rượu tràn trề mà đám trưởng giả khu Trung tâm đã thết đãi họ, và họ kinh hoàng nghĩ đến, nếu có chiến tranh xảy ra, phải ăn bánh mì đen, dùng nước đục ngầu của sông Tweed, uống thì mặn mà nấu thì quá ít, và họ bảo nhau: “Chúng ta qua phe của tướng Monck không hay hơn sao? Người dân London chẳng dành những miếng rô-ti cho đạo quân của Monck hay sao?”
Từ đó, người ta chỉ nghe nói đến nhửng cuộc đào ngũ trong đạo quân của tướng Lambert. Các binh sĩ tuân theo sức mạnh của những nguyên tắc, cũng giống như kỷ luật, là sợi dây kết hợp chặt chẽ một khối người được thành lập nhằm một mục đích nào đó. Monck bảo vệ Nghị viện, Lambert chống lại.
Monck chẳng ưa ủng hộ Nghị viện hơn Lambert đâu, nhưng vì ông ta đã ghi rõ trên lá cờ của ông, nên những kẻ của phe chống đành chỉ còn có nước viết chữ “phản loạn” trên lá cờ của mình thôi, và điều này khiến dân Thanh giáo nghe chối tai quá.
Vì vậy người ta bỏ Lambert để theo Monck, cũng như những người đánh cá xưa đã bỏ tà thần Baal đến với Chúa vậy.
Monck thử làm một bài tính: cứ một ngàn lính đào ngũ mỗi ngày thì chỉ trong hai mươi ngày, Lambert sẽ không còn một người nào. Nhưng cũng giống như vật rơi càng ngày càng nhanh, cho ngày đầu là một trăm người đi, ngày sau sẽ năm trăm, ngày thứ ba một ngàn. Monck nghĩ là đến mức trung bình rồi. Nhưng từ một ngàn mỗi ngày, số đào ngũ tăng lên hai ngàn, năm ngàn rồi tám ngàn, Lambert thấy mình không còn khả năng chấp nhận một trận đánh, bèn khôn ngoan quyết định bỏ trốn về London giữa đêm tối, bỏ ý định phòng chống Monck bằng sức mạnh của đám tàn quân tập họp lại lần nữa.
Monck không gặp sự cản trở, không có gì phải lo ngại, liền tiến vào London, với tính cách của một kẻ chiến thắng, với một đạo quân nỗi lúc một lớn mạnh lấy từ đám lính lang thang trên đường đi.
Nghị viện cưng quý ông vì tưởng đã trông thấy nơi ông một kẻ bảo vệ trung thành, và dân chúng trông đợi ông vì họ muốn thấy rõ ý định của ông để phán xét. Nhưng Monck biết mình không thể vào London với một ý định thầm kín có sẵn trong đầu mà không gây ra một cuộc nội chiến. Ông định để từ từ rồi tính.
Thế rồi, giữa lúc không ai ngờ, Monck đánh đuổi phe quân nhân ra khỏi London, thừa lệnh của Nghị viện để chiếm đóng khu Trung tâm thành phố giữa đám người trưởng giả. Rồi khi đám trưởng giả kêu gào chống Monck, khi binh lính cũng kêu gào chống chủ tướng, thì Monck thấy mình nắm chắc đa số liền nhường chỗ cho một chính phủ đứng đắn. Monck đưa ra lời yêu cầu này với sự ủng hộ của năm mươi ngàn lưỡi gươm, cộng thêm, ngay chiều hôm đó, với những tiếng hoan hô vui mừng của năm trăm ngàn người dân London. Cuối cùng, giữa lúc dân chúng, sau những bữa tiệc linh đình ăn mừng chiến thắng ngay ngoài đường, đang tìm kiếm xem ai là người chủ mới của họ, thì người ta được tin một chiếc tàu vừa rời khỏi La Haye chở theo vua Charles II và tài sản của ông.
Monck nói với các sĩ quan của ông:
– Quý vị, tôi đi tiếp đón vì vua hợp pháp của chúng ta. Ai thương tôi thì hãy theo tôi!
Một tràng tiếng hoan hô vang rền đón nhận khiến d Artagnan thấy lòng rung động thích thú. Ông nói với Monck:
– Chán quá! Ngài thật là bạo.
Monck nói:
– Ông có cùng đi với tôi không?
– Dĩ nhiên, thưa Đại tướng! Nhưng, xin ngài hãy cho tôi biết ngài đã viết những gì với Athos, nghĩa là với Bá tước De La Fère. Ngài biết trước ngày chúng ta trở về đây?
Monck trả lời:
– Tôi không có điều gì giấu ông, tôi đã viết những chữ này:
“Thưa Hoàng thượng, tôi chờ Hoàng thượng trong sáu tuần lễ nữa ở Douvres”.
D Artagnan kêu lên:
– À! Tôi không nói là táo bạo nữa; tôi nói ngài đã sắp xếp thật tài tình. Đây là một cú tuyệt đẹp.
Monck đáp:
– Ông biết rành về những việc này!
Và đây là lời nhắc bóng gió duy nhất của Đại tướng về chuyến đi của ông sang Hòa Lan.