Đọc truyện Bút Vẽ Giang Sơn, Mực Tô Xã Tắc – Chương 15: Thư pháp căn bản (1)
Trong vòng một tháng tiếp theo, Vũ Ngôn đều dẫn Nguyễn Phong leo núi vào mỗi buổi sáng sớm. Vì bồi dưỡng cho tên đệ tử này, hắn đã phải chuyển cả lịch học của mọi học sinh sang buổi chiều. Lí do Vũ Ngôn giải thích với các học trò là trời đã vào cuối thu, thời tiết bắt đầu trở lạnh, đi học sớm sẽ không có lợi cho sức khỏe của học trò, vì vậy hắn chuyển lịch học sang buổi chiều. Chỉ có Nguyễn Phong được hưởng ưu đãi mà lại không biết, cứ hay than thở tại sao lịch học thì đổi sang buổi chiều, mà hắn vẫn phải dậy sớm để đi leo núi. Tuy rằng ngoài miệng thì không thích, nhưng Nguyễn Phong cũng nhận ra, cơ thể hắn đã có sự thay đổi rõ rệt. Trước đây hắn leo núi, nhanh thì cũng phải đến gần trưa mới tới đỉnh, nhưng bây giờ, khoảng thời gian này đã được rút ngắn đi rất nhiều, chỉ còn tốn một phần ba thời gian. Thân thể hắn mặc dù vẫn gầy gò, nhưng da thịt đã hồng hào hơn trước, khí huyết lưu thông đều đặn, mặc dù trong không khí đã mang theo hơi lạnh mùa đông nhưng hắn lại vẫn có thể hít thở đều đặn, không bị hàn khí xâm nhập.
Mặc dù nói Nam địa nằm chủ yếu có hai mùa mưa và không, thời tiết ấm áp quanh năm. Nhưng Đại Việt quốc lại là một ngoại lệ. Đại Việt quốc phía đông, nam giáp với biển, phía bắc tiếp giáp Trung địa, thời tiết mùa đông đến, gió đông bắc thổi từ ngoài biển vào, mang theo hơi nước và khí lạnh của các khối áp cao ngoài biển, khiến cho Đại Việt quốc vào mùa đông nhiệt độ cũng giảm thấp. Hơn nữa gió từ phương Bắc tràn về, mang theo khí lạnh và khô cũng làm cho phía Bắc của Đại Việt quốc có mùa đông.
Lại một tháng trôi qua, trời đã vào đông, trên đỉnh núi đã bắt đầu có tuyết phủ. Từ phía đường núi, có hai bóng người đang bước đến, chính là Nguyễn Phong và Vũ Ngôn. Nguyễn Phong lúc này đã khoác thêm một chiếc áo bông bên ngoài, trông rất ấm áp. Hắn mặc dù đã có thể kháng lạnh, nhưng thân thể tiên thiên yếu nhược, cho nên vẫn phải mặc áo bông để đề phòng. Một phần nguyên do khác cũng là vì mẹ hắn thương con, tự tay may cho hắn chiếc áo bông này, hắn không thể không mặc. Trái ngược với Nguyễn Phong trong yên ngoài ấm, Vũ Ngôn vẫn một bộ dáng giản dị như cũ, chiếc áo vải mỏng manh nhìn như không chịu được cơn gió lạnh mùa đông, dính sát vào thân thể hắn, nhưng trên mặt Vũ Ngôn, không có một chút nào khó chịu, thời tiết đã không thể ảnh hưởng đến hắn.
Một cơn gió lạnh thổi qua, mang theo vài bông tuyết trắng đọng lại trên áo Vũ Ngôn, hắn không buồn để ý đến, chỉ quay lại nói với Nguyễn Phong
“Phong, cho đến hôm nay cũng đã là hai tháng thời gian kể từ khi con bắt đầu leo núi. Sở dĩ trong khoảng thời gian này vi sư không dạy con thư pháp, chỉ vì thân thể con quá yếu đuối. Một thư pháp gia, tuy chú trọng vào rèn luyện tinh thần, nhưng thân thể cũng không thể quá yếu đuối, bằng không khi con liên kết với linh hồn của sự vật, thân thể mà không chịu nổi sức mạnh thì hậu quả thật khó lường. Theo vi sư thấy, thân thể của con hôm nay đã đạt đến yêu cầu tối thiểu của một thư pháp gia, vì vậy ta sẽ bắt đầu truyền thụ cho con thư pháp căn bản nhất”.
Rốt cuộc cũng đến, Nguyễn Phong nghe đến được truyền thụ thư pháp, tinh thần chợt rung lên. Hắn so với bất cứ ai càng khát khao hơn trong việc được trở thành một thư pháp gia, bởi hắn muốn tìm đường về nhà. Tinh thần Nguyễn Phong tập trung đến mức tối đa, hắn vận dụng toàn bộ khả năng để ghi nhớ những điều mà sư phụ hắn chuẩn bị nói.
“Thư pháp gia, lấy tinh thần làm gốc, dùng chữ viết để điều động sức mạnh tự nhiên, liên kết với vạn vật trong tự nhiên. Một thư pháp gia yêu cầu phải thường xuyên rèn luyện tâm trí, tu dưỡng linh hồn, từ đó gia tăng tinh thần lực. Tinh thần lực càng cao, liên kết linh hồn càng được củng cố, sức mạnh điều động được sẽ càng mạnh, khả năng vận dụng càng linh hoạt thuận lợi”
“Trò hẳn đã biết, đối với một người học trò, văn phòng tứ bảo là không thể thiếu. Đối với một thư pháp gia, văn phòng tứ bảo càng thêm quan trọng, bởi đây chính là vũ khí của chúng ta trong khi chiến đấu. Muốn viết chữ, trước tiên cần có giấy, hay nói đúng hơn là phải có nền để viết. Nền có bao la, chữ mới viết được càng nhiều, nền có mạnh mẽ mới thừa nhận được càng nhiều sức mạnh của chữ. Nói cách khác, có nền tốt, chữ viết ra mới phát huy hết được sức mạnh của mình. Ban đầu con người thường khắc chữ lên thẻ tre, mai rùa, xương cốt các loài động vật, nhưng kể từ khi giấy ra đời, chúng ta đã có loại tài liệu phù hợp nhất để viết chữ. Giấy vừa nhẹ, mềm, lại có tính thấm hút tốt, dễ bám mực, vì thế chữ viết trên giấy tốn càng ít sức so với thẻ tre hay các vật liệu cứng, mà lại dễ dàng uốn nắn nét chữ, chữ viết ra càng đẹp hơn. Đối với thư pháp gia, viết chữ lên giấy tốn ít thời gian hơn so với việc viết chữ lên các vật liệu cứng, trong chiến đấu, chỉ cần nhanh hơn một chút là đã tăng lên rất nhiều khả năng chiến thắng. Chính vì vai trò quan trọng của giấy trong chiến đấu, nên việc nghiên cứu và phát triển giấy rất được giới thư pháp chú trọng. Từ các loại tài liệu luyện chế giấy, cho đên phương pháp luyện chế đều đa dạng phong phú vô cùng. Mỗi một loại lại có những tính năng cũng như yêu cầu khác nhau. Một thư pháp gia, bắt buộc phải biết phương pháp luyện chế giấy, chỉ có như vậy, mới chế tạo ra được loại giấy phù hợp nhất với mình”.
“Bút, cũng là một nhân tố quan trọng không kém. Giống như võ giả luôn tìm cho mình một thứ vũ khí phù hợp, bút đối với thư pháp gia cũng yêu cầu trình độ phù hợp rất cao. Một cây bút vừa tay sẽ giúp thư pháp gia viết được những nét chữ chuẩn hơn, đẹp hơn, từ đó kích khởi lên được chân hồn của chữ càng thuận lợi hơn. Một cây bút không vừa tay, sẽ khiến chữ viết ra không đạt yêu cầu như mong muốn, nếu kích khởi chân hồn của chữ, rất có thể sẽ bị cắn trả, dẫn đến hậu hoạn vô cùng. Chính vì vậy, mỗi một thư pháp sư, đều phải tìm cho mình một bộ bút phù hợp nhất”
“Mực và nghiên là hai thứ luôn song hành với nhau, tác dụng cũng là vô cùng quan trọng. Mực càng thuần chất, khả năng thành công khi kích khởi chân hồn càng mạnh, sức mạnh điều động được cũng càng lớn. Mực cũng đa dạng phong phú, mỗi loại lại có hiệu quả khác nhau. Ví dụ như mực làm từ tinh huyết thạch xà, khi sử dụng để viết các chữ thuộc hệ thổ sẽ gia tăng sức mạnh của chữ viết. Nghiên mực, tác dụng chính là để lưu giữ cho mực luôn là hoạt mực, khi chiến đấu càng thuận tiện hơn cho việc viết chữ. Nếu như mỗi lần chiến đấu đều phải mài mực để viết, thì chỉ sợ thư pháp gia còn chưa kịp ra chiêu, đối phương đã tiêu diệt chúng ta hoàn toàn rồi. Ngoài ra, nghiên mực cũng có tác dụng phụ trợ, giúp thư pháp gia bình tâm tĩnh khí, điều hòa tâm trạng, từ đó đạt đến trạng thái chiến đấu tốt nhất”.
“Làm một thư pháp gia, nhất thiết phải biết luyện chế văn phòng tứ bảo, chỉ có tự tay luyện chế mới có thể làm ra được một bộ văn phòng tứ bảo phù hợp nhất với bản thân. Phương pháp luyện chế, khi trở về ta sẽ dạy cho con. Nhưng con phải nhớ, dù là việc gì, cũng phải chăm chỉ rèn luyện mới đạt đến đỉnh cao. Phương pháp luyện chế cũng phải chăm chỉ thực hành, mới có thể tự tay làm ra một bộ văn phòng tứ bảo như ý muốn. Đừng bao giờ mang theo tâm lý ỷ lại vào người khác, hoặc trông cậy dùng tiền là có thể mua được. Trong thời điểm nguy cấp, chỉ có thể tin tưởng vào bản thân mình, và cũng chỉ có những gì mà tự tay con làm ra mới mang lại cho con niềm tin lớn nhất, ta hy vọng con sẽ nhớ kỹ điều này”