Bạn đang đọc Buồn Làm Sao Buông: Tản văn 5
Tản văn 5
Hướng về riêng phía người thôi
Hoa nở để mà tàn. Người gặp để rẽ ngang
Ngày đó, tôi chẳng thiết tha gì với hoa cỏ và facebook cá nhân tuyệt nhiên không có chỗ để post hình hoa hòe. Hai loại hoa duy nhất tôi phân biệt được là hoa hồng và hoa vạn thọ, một cái để tặng sinh nhật, cái kia để chưng bàn thờ – tuyệt đối đừng nên nhầm lẫn nếu không muốn tiệc sinh nhật người ta thành ra đám giỗ ối quan hệ của mình.
Nhưng từ khi quen người, tôi thuộc lòng tên gọi từng loại hoa. Buổi hẹn hò của hai đứa dù có chạy loanh quanh thành phố, nói xàm nói nhảm thế nào thì trước lúc tiễn nhau về, trên tay sẽ luôn cầm sẵn một bó hoa như lời hẹn cho lần gặp kế tiếp. Niềm vui của người nhiều khi chỉ đơn giản là tìm được bó hoa súng tím xanh vì biết tôi thích màu của bầu trời, rồi mang về nhà để tôi hậu đậu cắm xiêu vẹo trong bình và ngay hôm sau, nó đã héo queo chỉ còn có thể đem ra nấu lẩu mắm. Rồi để dỗ dành một đứa vụng về đang buồn bã vì hoa cỏ chết yểu, người sẽ lại kiên nhẫn cùng tôi ra hàng hoa mà tỉ mẩn chọn mua hoa khác, kèm theo cái liếc mắt dặn dò: “Hoa tulip khó trồng lắm đó, mang về xong nó héo nữa thì đừng có than vãn”. Rốt cục, tôi vẫn chọn tulip và cả hai phải lúi cúi kiếm đá lạnh để thả vào bình hoa, vì tulip chỉ nở tươi được trong nước lạnh mỗi ngày.
Nếu theo kết quả khảo sát xã hội gần đây cho thấy một trong những biểu hiện của người hạnh phúc là thích cắm hoa, thì quả thật tôi phải cảm ơn người đã có thời tập cho tôi thói quen được hạnh phúc. Dù rằng hạnh phúc ngắn ngủi và thời gian bên nhau chẳng tròn đầy, nhưng thói quen mang hoa về rải khắp nhà đã thành nếp sống từ ấy. Mà đã là nếp sống, bắt quên sao đành?
Thế nên khi bạn bè mang đến tặng tôi những giỏ hoa tràn ngập hướng dương trong một ngày-đáng-lẽ-phải-vui, thì cái thói quen xưa cũ lại thảng hoặc trở về. Tôi nhớ người hay gọi hướng dương là “cúc Mặt trời”, theo kiểu chúng tôi thường gán ghép tên gọi khác cho những thứ vốn dĩ quen thuộc (như cách người gọi tôi là “quờ lờ a cờ”, và tôi gọi người là “người lạ thân thương”). Đến độ sau này khi không còn cùng nhau đi qua những hàng hoa ngày cũ, tôi vẫn cứ một mình bảo cô chủ bán hoa: “Cho một bó cúc Mặt trời” khiến người xung quanh kỳ thị hoang mang chẳng hiểu tôi đang nói thứ ngôn ngữ gì.
Tôi nhớ thần thoại Hy Lạp có lần kể về tình yêu đơn phương của cô nàng Clytie yêu thầm Thần Mặt trời Helios. Mỗi ngày, cô gái phàm trần ấy chẳng thể làm gì khác hơn ngoài việc ngước nhìn cỗ xe ngựa của thần đi qua bầu trời rồi chết dần chết mòn, hóa thân thành một bông hoa hướng dương. Chẳng biết thần thoại xưa có thật trong đời không, chứ hoa hướng dương từ bao thế kỷ nay vẫn cứ nở rực dưới Mặt trời, cứ vươn về một phương ánh sáng mà ươm vàng một sắc màu lành lặn nhất của thứ tình yêu tròn đầy. Với mỗi một bông hướng dương, thứ ánh sáng đó là nguyên vẹn và duy nhất để nhuộm vàng đời sống thảo mộc ình. Còn trên cao, Thái dương vẫn lãnh đạm tỏa sáng cho hàng ngàn hàng vạn loài hoa khác nhau, chứ chẳng thể của riêng bất kỳ thứ thực vật nào.
Tình yêu của Clytie dành cho Helios ngay từ đầu đã hoang đường như thế. Một kẻ thuộc về bầu trời, một người ở lại mặt đất, dẫu có nhìn thấy nhau, dẫu có một phút xao lòng vì nhau cũng chẳng thể nào với tới nhau. Hoa nở để mà tàn. Người gặp để rẽ ngang. Tình cảm đâu phải cứ muốn giữ là sẽ sở hữu mãi được một bàn tay trước những ly tan của năm tháng, nhất là khi chính bàn tay mình còn chưa biết cách cầm-níu-nắm-buông cho đúng lúc và đúng người.
Nhưng, tình yêu đòi hỏi phải sở hữu thì có còn nguyên vẹn là tình yêu? Hay chỉ còn sự chiếm hữu ích kỷ của bao điều áp đặt? Tình yêu thật sự trên đời, không đòi hỏi phải nắm giữ trong tay hay đơn phương ảo tưởng trong lòng, mà là thứ tình cảm cam tâm trong tim. Hoàn toàn cam chịu, hoàn toàn kiên tâm, dẫu cho người ấy có đoái hoài hay không.
Thế nên, vẫn muốn như hướng dương, nở rực hay lụi tàn vẫn hướng về riêng phía Mặt trời. Muốn được thương người, dẫu buồn vui khóc cười vẫn dõi theo đoạn đường đã ngược lối chia đôi.