Đọc truyện Buổi chiều Windows – Chương 12
Cúc Hương “hy vọng” bao nhiêu thì người đàn ông tên Bông ở báo tuổi hoa càng thất vọng bấy nhiêu. Theo đúng như giao hẹn giữa các cô gái và ông thì hôm nay là ngày tổ sắp chữ trao bản nhũ của tờ báo sắp tới cho ông. Nhưng thời gian qua, do Cúc Hương mải sa đà vào cái trò chơi games, Xuyến và Thục sửa lỗi hông xuể nên khi ông lò dò đến thì Xuyến đành nhe răng cười trừ. – Không kịp chú ơi! – Cái gì không kịp? – Người đàn ông chưa hiểu. Xuyến gãi đầu: – Tụi này chưa ra bản nhũ kịp! Người đàn ông trợn mắt: – Các cô hẹn bữa nay mà? – Thì hẹn bữa nay! Nhưng tụi này bận quá! – Rồi nhìn về phía Cúc Hương, Xuyến nheo nheo mắt – Nhất là con Cúc Hương kia kìa! Nó bận tối mày tối mặt! – Chà, kiểu này thì kẹt tụi tôi quá! – Người đàn ông xoa xoa cái đầu hói, vẻ khó nghĩ. Cúc Hương vọt miệng: – Chú đừng lo! Chừng một, hai ngày nữa tụi này sẽ có bản nhũ cho chú! Người đàn ông nhíu mày: – Nhưng một hay hai ngày? Tôi phải biết đích xác ngày nào để sắp xếp quay lại chứ! Cúc Hương quay sang Xuyến: – Chừng nào xong mày? – Tao cũng chẳng biết! Xuyến hạ giọng thì thầm. Rồi nó nhìn người đàn ông trước mặt, cười cầu tài: – Chú khỏi cần quay lại chi cho mệt! Lúc nào in nhũ xong, tụi này sẽ đem thẳng đến tòa soạn cho chú! – Vậy cũng được! – Người đàn ông gật đầu – Nếu không gặp tôi thì các cô đưa cho cô Lan! Nói xong, người đàn ông dợm quay đi thì Cúc Hương đã gọi giật: – Khoan đã chú ơi! – Gì vậy cô Cúc Hương? – Người đàn ông nhướn mắt: Cúc Hương cười toe: – Sao chú mau quên quá vậy? Người đàn ông lộ vẻ bối rối: – Quên chuyện gì cà? – Thì chuyện con thục nhờ chú đó! – Cô Thục nhờ hả? Người đàn ông vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn Thục khiến Thục đỏ mặt chối lia: – Chú đừng có nghe lời con Cúc Hương! Nó xạo đó! Nhưng người đàn ông đã nhớ ra. Ông gật gù: – -, vụ nhà thơ Tóc Mây phải không? – Thì “vụ” đó chớ còn “vụ” nào nữa? – Cúc Hương nhăn mặt – Sao, chú đã gặp ổng chưa? – Chưa! – Người đàn ông lúng túng. Cúc Hương trố mắt: – Làm gì mà đến bữa nay chú cũng chưa gặp ổng? Bộ ổng đi họp công tác viên gì gì đó ở miền Trung chưa về hả? – Ổng về rồi! – Người đàn ông xuôi xị – Nhưng ở về xong, Ổng lại đi… miền Tây! – Chú nói sao khó tin quá! – Xuyến nãy giờ im lặng, bỗng đột ngột hắng giọng – Ổng là nhà thơ chứ có phải tài xế xe đò đâu mà chạy lung tung vậy? – Thì ổng là nhà thơ. Nhưng ngoài ra, ổng còn là người phụ trách mạng lưới cộng tác viên của tờ báo. Khi nào rảnh, ổng mới ngồi làm thơ. Còn bình thường, ổng đi suốt! Lời giải thích của người đàn ông khiến các cô gái hết đường bắt bẻ. Xuyến khịt khịt mũi: – Nhưng chẳng lẽ trước khi ổng đi miền Tây, chú không gặp ổng? Người đàn ông chớp mắt: – Ổng về buổi tối, sáng hôm sau lại đi ngay, làm sao tôi gặp được! Cúc Hương thở dài: – Thật khổ thân con Thục! Lần này ổng đi miền Tây về, chú nhớ bắt ổng trói lại dẫn đến cho tụi này nghen! – Các cô cứ yên chí! – Người đàn ông gật đầu – Lần này về, chắc ổng chẳng đi đâu nữa đâu ! Câu nói của người đàn ông đầu hói gieo vào lòng Thục một tia hy vọng. Ừ nhỉ, rốt cuộc rồi anh cũng sẽ về! Chẳng lẽ anh cứ đi hoài quay năm suốt tháng! Anh phải về để gặp Thục, để gặp người con gái tên Th. Anh từng để tặng dưới bài thơ hôm nào. Thục còn nhớ như in những lớn nhắn gửi của anh: Xin đừng buồn em nhé Mùa xuân xanh qua rồi Xin em đừng tựa cửa Lá vàng nào không rơi… Không, nếu anh trở về thì mùa xuân xanh hẳn sẽ trở về theo. Thục sẽ chẳng còn tựa cửa ngắm lá vàng mà bâng khuâng mơ tưởng. Anh cũng đừng sợ “gặp nhau làm chi vội, để mai người xa tôi”. Máy vi tính đã “bói” rồi: “Thục + Tóc Mây: Trọn đời bên nhau”. Con Cúc Hương bảo “máy bói trúng chóc”, lẽ nào anh lại không tin? Thục mãi đắm chìm trong mơ mộng suy tư. Trong giấc mơ đẹp đẽ của nó, cuộc gặp gỡ giữa nó và nhà thơ mái tóc bềnh bồng, đôi mắt tinh anh và miệng cười duyên dáng có tên là Tóc mây kia diễn ra thật nên thơ và cảm động. Anh dắt tay nó qua ngàn nội cỏ, ngắt những đóa hoa dại trên đường dịu dàng cài lên tóc nó và hát cho nó nghe những bản tình ca bất tử bằng một giọng trong trẻo như tiếng suối reo… – Đủ rồi! Đủ quá rồi, cô nương! Cái giọng đanh đá của Xuyến vang lên bên tai Thục làm cái giọng “trong trẻo như tiếng suối reo” kia hoảng hồn tắt ngấm. Thục giậc mình ngơ ngác hỏi: – Chuyện gì vậy? Xuyến nghiêm mặt: – Chuyện mày chứ chuyện gì! Làm việc không lo làm, ở đó mà mơ mộng! Thục luốn cuống: – Mơ mộng gì đâu! – Mơ mộng đến anh chàng Tóc Mây của mày chứ mơ mộng gì! Bộ mày tưởng tao không đọc được những ý nghĩ trong đầu mày hả? – Thôi đi, đừng có dóc! – Thục phản ứng một cách yếu ớt. Thấy vậy, Xuyến càng trêu già: – Chứ không phải mày đang chờ anh chàng ở Miền Tây về để rủ anh ta đi chơi Vũng Tàu hả. Trước kiểu tấn công ồ ạt của Xuyến, Thục chẳng biết chống đỡ như thế nào. May thay, Cúc Hương đã kịp thời lên tiếng “cứu bồ”: – Con Xuyến chỉ giỏi tài suy bụng ta ra bụng người. Tao cam đoan là con Thục không hề có ý nghĩ đó! – Sao mày biết ? – Xuyến nheo mắt. Cúc Hương thản nhiên: – Sao lại không biết? Con Thục không hề muốn rũ ông Tốc Mây đi Vũng Tàu! Nó chỉ muốn… rủ đi Đà Lạt thôi! Nói xong, Cúc Hương nhe răng cười hì hì. Nhưng mới cười được một, hai tiếng, nó bỗng kêu lên “oai oái” và trừng mắt nhìn Thục: – Không chơi trò ngắt ngéo véo nghen mày! – Ai bảo nói bậy chi! – Bậy gì! Bộ tao nói không đúng hả? Thục nghinh mặt: – Không đúng! – Được rồi! – Cúc Hương gụi gặc đầu – Để ít hôm nữa ông Tóc Mây về tới, xem thử ai “nói bậy” cho biết! Nhưng nhà thơ Tóc Mây “đi miền Tây” chưa kịp về thì Thục đã bất ngờ gặp anh. Hôm đó, theo như lời hứa với người đàn ông đầu hói, Cúc Hương và Thục lọc cọc chở nhau đem bản nhũ đến tòa soạn báo Tuổi Hoa để giao cho ông ta. Thoạt đầu Xuyến định đi cùng nhưng đến phút chót nó lại đâm ra lưỡng lự: – Thôi, tụi mày đi đi! Tao ở nhà! Cúc Hương ngạc nhiên: – Sao tự dưng thay đổi ý kiến kỳ cục vậy? Xuyến thở dài: – Tao phải ở nhà làm nốt một số việc! Còn hai, ba bữa nữa tụi mình nghỉ ở đây rồi, nếu sáng nay kéo nhau đi hết thì lấy ai nhập cả đống dữ liệu còn tộn đọng kia! Cúc Hương “xí” một tiếng: – Mày ở nhà một mình để len lén nhập dữ liệu vào file “Letters” của mày thì có! – Nói bậy nói bạ tao cốc cho một cái bây giờ! Xuyến vừa nói vừa vung tay dọa khiến Cúc Hương vội vã lùi về phía cửa phòng. – Nói với chú Bông là chừng nào ông Tóc Mây ở miền Tây về, tao sẽ ghé thăm tòa soạn nhân tiện biết mặt nhà thơ của con Thục luôn thể! Ra tới cửa, Cúc Hương còn nghe Xuyến ranh mãnh dặn vói theo. 111 Tòa soạn báo Tuổi Hoa nằm trên một con đường tấp nập xe cộ. Cổng vào bằng sắt mở toang, bên trong lố nhố người. Thục và Cúc Hương đứng ngập ngừng trước cổng, hồi hộp nhìn vào. – Sao mày? – Thục khẽ níu áo bạn. – Vào đại chứ sao! Thục liếc đồng hồ nơi tay: – Hôm trước chú Bông dặn tụi mình có đến thì đến lúc chín giờ kia mà! Bây giờ mới có tám rưỡi hà! – Ổng có dặn vậy hả? – Ừ, lúc ra về, chú ấy dặn đi dặn lại là đừng ghé trước chín giờ! – Cứ vào đại! Tụi mình tới sớm còn nữa tiếng chứ mấy! Biết đâu ổng đang ngồi đợi mình trong đó! Cúc Hương vừa nói vừa hiên ngang dắt xe vào trong sân. Nhưng đến khi phát hiện những người ngồi trong căn-tin cạnh đó đang châm chú nhìn mình, nó bỗng đâm ra lúng túng, phải bắt chống xe đến ba, bốn lần mới đứng được xe lên. Để trứng tĩnh, Cúc Hương cố không nhìn ai. Nó mím môi bước thẳng qua cửa. Thục rụt rè lẽo đẽo theo sau. Cúc Hương tiến lại chỗ người thanh niên đang ngồi cắm cúi bóc một chồng thư ngổn ngang trên chiếc bàn kế đó, lí nhí gọi: – Anh ơi! Người thanh niên ngước lên, tò mò nhìn hai cô gái qua tròng kính trắng: – Các cô cần gì ạ? Cúc Hương liếm môi: – Tụi tôi muốn gặp chú Bông! – Chú Bông nào? – Anh thanh niên ngơ ngác hỏi lại. Câu hỏi của kẻ đối diện làm Cúc Hương chưng hửng: – Chú Bông tức là cái chú làm ở đây ấy mà! Anh thanh niên nhíu mày: – Ở đây đâu có ai tên Bông à! Rồi anh băn khoăn nhìn Cúc Hương: – Người đó hình dáng như thế nào? Cúc Hương ấp úng: – Chú đó có cái đầu… cái đầu… Nói tới đó, tự dưng nó bỗng ngắc ngứ khiến anh thanh niên phì cười: – Ai mà chẳng có cái đầu! Người như vậy thì ở đây có đến hàng đống! Câu chòng ghẹo của anh thanh niên làm Cúc Hương đỏ mặt. Nó mím môi: – Nhưng chú ấy có cái đầu… hói! – Cái đầu hói ư? – Anh thanh niên bật kêu khẽ – Như vậy người mà các cô định tìm chính là nhà thơ Tóc Mây rồi! – Không phải! – Cúc Hương vội vàng đính chính – Tụi tôi muốn gặp chú Bông kìa! – Chú Bông của các cô chính là nhà thơ Tóc Mây đấy! Bông là tên cúng cơm của ổng, tôi nhớ ra rồi! Những gì anh thanh niên vừa tiết lộ khiến Thục và Cúc Hương sửng sốt. Thục ngập ngừng: – Nhà thơ Tóc Mây đi công tác miền Tây chưa về kia mà? Anh thanh niên tròn mắt: – Miền tây nào? – đây chẳng có ai đi công tác miền Tây cả! Cúc Hương bỗng thấy chột dạ. Như sực nghĩ ra chuyện gì, nó hấp tấp hỏi: – Thế trước đây có ai đi công tác ở miền Trung không? – Không! – Anh thanh niên lắc đầu – Tụi tôi đi miền Trung để làm gì? Câu hỏi lại của anh thanh niên rơi tõm vào im lặng. Cả hai cô gái lúc này đang bàng hoàng ngơ ngẩn nhìn nhau. Trước sự tiết lộ vô tình của người thanh niên. Thục tưởng như mình vừa bước hụt xuống một hố thẳm. Hình ảnh thơ mộng về nhà thơ Tóc Mây mà nó từng chăm chút vẽ vời trong trí tưởng tượng bỗng đột ngột vỡ tan như bong bóng xà phòng. Không còn là chàng hoàng tử có mái tóc bồng bềnh, miệng cười tình tứ và đôi mắt sáng như hai vì sao nữa, nhà thơ Tóc Mây bây giờ hiện nguyên hình là một người đàn ông đầu hói chuyện chạy việc in ấn giấy má cho tờ báo. Thục có cảm giác mình như một người bị phản bội. Nỗi thất vọng khiến nó bần thần như kẻ mộng du. Cúc Hương đỡ hơn. Sau một thoáng sững sờ. Nó kịp thời trấn tĩnh, quay sang anh thanh niên: – Thế nhà thơ Tóc Mây có đây không hở anh? – Ổng chưa tới. Cúc Hương liếm môi: – Vậy anh cho tụi tôi gặp cô Lan cũng được! Anh thanh niên lại lắc đầu: – Cô Lan cũng chưa vô! Rồi thấy hai cô gái bối rối nhìn nhau, anh chỉ tay về phía bộ ghề nệm kê sát tường dùng để tiếp khách, niềm nở nói thêm: – Các cô cứ ngồi đây đợi! Còn không thì có thể ra căn-tin ngồi uống nước! Khoảng nửa tiếng nữa thế nào họ cũng tới! – Thôi, để tụi này ra căn tin! Nói xong, Cúc Hương kéo tay Thục rảo bước ra ngoài. Cúc Hương chọn một chiếc bàn nhỏ nằm khuất sau chậu dừa kiểng để không ai nhìn thấy mình. Khi nó và Thục vừa bước vào căn tin, những người khác ngồi tò mò đưa mắt nhìn nhưng chỉ một chốc sau họ lại chụm đầu vào trò chuyện khiến nó và Thục thở phào. Cúc Hương kêu hai ly đá chanh. Khi cô chủ quán bưng ra, nó vừa khoấy đường vừa nhìn Thục, pha trò: – Uống đi mày! Uống đi để thấy đời luôn luôn là một bộ phim nhiều tập với những pha hồi hộp, gay cấn, ly kỳ, màn ảnh rộng, âm thanh tuyệt hảo… Thục Nhăn mặt: – Tao không thích giỡn à nghen! – Tao cũng đâu có thích giỡn! – Cúc Hương nhún vai – Chính nhà thơ Tóc Mây của mày mới là người thích giỡn! Nghe nhắc đến nhà thơ Tóc Mây, Thục lập tức sa sầm mặt: – Tao không muốn nghe đến tên của ổng nữa! Cúc Hương liếc Thục, tính mở miệng trêu tiếp nhưng thấy vẻ rầu rầu của bạn, nó bèn hạ giọng an ủi: – Giỡn vậy thôi chứ theo tao, mày nên delete ba chuyện đó đi! Buồn làm chi cho mau già! Vừa nói Cúc Hương vừa lặng lẽ quan sát Thục, thấy bạn mình vẫn chẵng buồn nhúc nhích, vẻ như chẳng nghe thấy gì. Biết lời khuyên của mình vừa rồi không “ép-phê”. Cúc Hương tìm cách khác, Nó nhìn lên trần nhà: – Thực ra… có tóc hay không có tóc, điều đó đâu có quan trọng! Buông một câu lửng lơ, không thấy Thục phản ứng gì, Cúc Hương tặc lưỡi, tiếp: – Những bậc vĩ nhân như Dostoevsky hay Picasso đầu cổ cũng… nhẵn nhụi vậy! Rồi thấy mắt Thục khẽ chớp, Cúc Hương phấn khởi hạ đòn quyết định: – Vậy mà cả nhân loại đều yêu mến, kính trọng họ! Tới đây, Thục không thể kiên nhẫn hơn được nữa. Nó nhìn Cúc Hương bằng ánh mắt cảnh giác: – Ý mày muốn nói gì vậy? – Ý tao hả? – Cúc Hương gãi gáy – Ý tao muốn nói là giá trị của con người nằm ở tâm hồn và tài năng chứ không phải ở… tóc tai! Như nhà thơ Tóc Mây chẳng hạn, giá trị của ổng nằm ở cái tâm hồn đã viết ra những vần thơ đầy cảm xúc kia chứ không phải ở ngoại hình của ổng. Chính trái tim của ổng quan trọng hơn cái đầu, càng quan trọng hơn cái… mọc trên đầu ổng! Trước những phân tích hùng hồn của Cúc Hương, thục chẳng tỏ vẻ gì phản đối. Nó chỉ ngồi lặng lẽ cắn môi. Thấy vậy, Cúc Hương hào hứng “chỉ đạo”: – Do đó chẳng có lý do gì để mày phải thất vọng về ổng, nhất là một khi số phận của mày và ổng đã được sắp đặt “trọn đời bên nhau”! Cúc Hương ba hoa chưa dứt câu đã giật bắn mình người khi nghe một người trong căn-tin lớn tiếng gọi: – Nhà thơ Tóc Mây! Vào làm một ly cà phê đi! Cúc Hương và Thục điếng người trong ra, thấy nhà thơ Tóc mây đang chạy xe vào trong sân. Sau khi lúi húi dựng xe, ổng lừng thừng bước vào căn-tin. Hai cô gái không hẹn mà cùng xích ghế sát nhau, cố giấu mình đằng sau cây dừa kiểng. Không hiểu sao ngay lúc đó cả Thực lẫn Cúc Hương không ai có ý định tiến ra gặp nhà thơ Tóc Mây để giao bản nhũ. Có thể sự khám phá bất ngờ vừa rồi khiến hai cô sợ phải lúng túng khi chừng mặt ra giữa đám đông lạ lẫm đang ngồi đầy trong căn-tin. Nhà thơ Tóc Mây dĩ nhiên không phát hiện ra Thục và Cúc Hương. Ông bước vào quán, thản nhiên ngồi xuống ghế và gọi một ly cà phê đá. – Sao tới trễ vậy? – Người bạn hỏi. Nhà thơ Tóc Mây chép miêng; – Phải đưa thằng con lớn tới hồ bơi Kỳ Đồng. Rồi phải chở con em nó đi học đàn ở Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi. – Chứ bà xã đâu? Nhà thơ Tóc Mây thở dài: – Bà đi tập thể dục thẩm mỹ! Ông đi đầu trong phong trào “nuôi vợ giỏi dạy con ngoan” như vậy là nhất rồi chứ còn ai hơn nữa! Người bạn hắng giọng trêu. Sau đó anh ta còn tiếp tục giễu cợt thêm một vài câu nữa nhưng Thục chẳng nghe thấy gì. Lúc nãy nghe Cúc Hương thuyết phục, nó đã thấy hơi xiêu xiêu. Ừ nhỉ, con người quan trọng ở tâm hồn chứ đâu phải ở diện mạo. Nhà thơ Tóc Mây chỉ có mỗi tội… hói đầu chứ ông chỉ trạc tuổi ba mươi, đâu đã già lắm. Hơn nữa, ông đã dành cho Thục biết bao tình yêu mến qua bài thơ dạo nọ. Và nhất là ông không thể sống thiếu Thục, như máy vi tính đã… bói! Vậy vì cớ gì mà một cô gái lãng mạn như Thục lại ghẻ lạnh với nhà thơ của mình chỉ vì bút hiệu của ông không giống với con người? Những ý nghĩ tươi sáng vừa nhen nhóm trở lại trong đầu Thục, chưa kịp léo lên đã vội tắt ngầm trước mẩu đối thoại phũ phàng vọng lại từ chiếc bàn kê ngay phía bên kia cây dừa kiểng. Thục nhắm mắt và đưa tay bịt hai tai lại như muốn trách sự chế giễu của số phận. Trong tư thế đó, Thục không biết nhà thơ Tóc Mây đã bỏ đi, cũng không biết Cúc Hương đã khẽ khàng đứng dậy và lẻn vào tòa soạn giao bản nhũ một mình để tránh cho bạn những giây khó xử. – Xong rồi! Thôi, tụi mình quit! Đến khi Cúc Hương quay trở lại và thở dài gọi Thục, nó mới khẽ cựa mình đứng dậy lẩn thẩn đi theo, lòng không rõ thực ra mình đang rời khỏi chốn này hay đang từng bước rời khỏi giấc mơ thiếu nữ của một thời mới lớn.