Bức Thư Của Người Đàn Bà Không Quen Biết

Chương 3


Bạn đang đọc Bức Thư Của Người Đàn Bà Không Quen Biết: Chương 3

Tôi đã trở lại hí viện ; lần này, buồn thay, không có cô. Tôi tiếc cho tôi mà cũng cho cô nữa. Tôi muốn la :”Giỏi quá, Roussin, hài kịch như vậy là hay !”. Đặc biệt có một xen làm cho khán giả thích thú. Một thanh niên làm cho cô thư kí của cha chàng mang bầu. Chàng ta chẳng có địa vị gì cả, mà cô nọ giỏi giang, kiếm tiền dễ dàng. Chàng xin cưới, cô ta từ chối. Thế là mâu thuẫn chàng rên rỉ :”Tội nghiệp thằng nhỏ của tôi, bị cô đó quyến rũ rồi bỏ rơi…Cô ta làm tổn hại danh dự của nó mà không chịu bồi thường !”.
Một tình thế cổ điển đã đảo lộn. Là vì ngày nay nhiều khi sự tương quan kinh tế giữa đàn ông và đàn bà đã đảo lộn. Đàn bà kiếm ăn dễ hơn hồi xưa nhiều. Họ ít khi lệ thuộc ý muốn và tính tình bất thường của đàn ông. Thời Balzac (1) , người chồng là một giải pháp ; thời Roussin bây giờ, người chồng là một vấn đề. Ngay trong tác phẩm Immaculée (Tinh khiết) của Philippe Heriat, chúng ta đã thấy một thiếu nữ đòi khoa học ình phương tiện không chồng mà có con.
Khoa học vẫn chưa thể thoả mãn người mẹ cố chấp đó được, nhưng các nhà sinh vật học đã tiến vào những khu vực nguyên cứu kì cục và nguy hiểm. Có một cuốn sách, cuốn Thế giới tốt đẹp nhất của Aldous Huxley trong đó tác giả rán tả một trăm năm nữa sự sinh đẻ sẽ ra sao. Trong cái thế giới tốt đẹp nhất đó, không khi nào trẻ được cấu tạo theo phương pháp tự nhiên. Nhà giải phẫu lấy noản sào (trứng) ở cơ thể đàn bà ra, duy trì nó trong một chỗ thích hợp và nó tiếp tục sản xuất những trứng mà người ta làm cho thụ thai bằng một cách nhân tạo. Một noản sào (trứng) có thể sinh được 16.000 anh chị em, có những nhóm 96 trẻ sinh đôi y hệt nhau.
Ái tình ?Tình cảm? Lãng mạn ư? Cổ lỗ quá rồi. Các nhà chỉ huy cái Thế giới tốt đẹp nhất ấy rất khinh thị thứ cũ xì đó. Họ thương hại cho con người ở thế kỉ XX có cha mẹ, chồng và tình nhân. Bọn người tương lai đó bảo rằng con người thời trước đã điên khùng, tàn ác, khổ sở, đâu có gì lạ. Gia đình, đam mê, sự ganh đua, những cái đó gây ra xung đột, mặc cảm ; cứ bắt buộc phải cảm xúc ạnh, mà cảm xúc mạnh thì làm sao có thể an định được? Cộng đồng, Nhất trí, An định đó là châm ngôn gồm ba điểm của cái thế giới không tình yêu kia.
Nhưng đó chỉ là chuyện hoang đường và may thay, nhân loại không theo con đường đó. Nhân loại thay đổi rất ít mà ta không ngờ. Bề mặt có vẻ xáo động như biển đấy. Nhưng hễ xuống sâu một chút trong cái biển người cũng như trong cái biển nước thì người ta ngạc nhiên thấy rằng những tình cảm căn bản nay cũng như xưa.

Thanh niên của ta hát khúc nào ? Hát một khúc của Prevert và Kosma mà ý nghĩa như sau :”Hỡi cô em, hỡi cô em, nếu cô em tưởng tượng , cô em tưởng tượng rằng tuổi xuân của cô em bất tuyệt thì cô em lầm lẫn đấy…” Đề tài đó ở đâu ra? Ở một bài thơ cách nay đã bốn thể kỉ, của Ronsard :
Hưởng, hưởng tuổi xuân của cô đi,
Tuổi già sẽ làm cho sắc của cô tàn
Như đoá hoa này.

Người ta có thể dùng lại tất cả đề tài của nhóm Thất tình (2) , hoặc của Musset mà làm thành những bài ca trâng tráo và tình tứ cho chợ phiên Saint Germain des Prés. Cô nên chơi cái trò đó ; nó dễ, vui mà có lợi. Cô bạn không quen biết của tâm hồn tôi (3) , cô nên quyết định đi. Cô thư kí tự cao, tự đại trong kịch của Roussin rốt cuộc cưới anh chàng bị cô ta quyến rũ ; mà chính cô, cô vẫn còn giống hệt các người cùng lứa với cô ở thế kỉ XVI.
Vạn an.
(1) Thế kỉ XIX.
(2) Bảy thi sĩ nổi danh thời Phục hưng ở Pháp.
(3) Nguyên văn là tiếng Y Pha Nho : de mi aima..


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.