Đọc truyện Bức Thư Của Người Đàn Bà Không Quen Biết – Chương 25
Cô là một người thông minh ; cô đã nhận rõ được mối nguy. Phản ứng tự nhiên của cô là làm cho hai người sống không yên được với cô. Cô có thể theo dõi chồng hoặc mướn người theo dõi. Chính Người kia cũng có chồng và chắc ông chồng chẳng nghi ngờ gì cả. Còn gì dễ dàng hơn là báo cho ông chồng biết để ông ta tự coi chừng vợ. Nhưng ngồi một mình, rầu rĩ, vơ vẩn, cô đã suy nghĩ.
“Ừ, mình có quyền ghen và làm cho đời sống của họ điêu đứng. Nhưng như vậy có lợi gì ình không? Anh ấy sẽ oán mình như hồi hôm, ình là một thứ chướng ngại, là hạng kì đà, chưa biết chừng là hạng ác phụ nữa. Từ trước đến nay, dù sao đời anh ấy cũng liên kết với đời mình do nhiều kỉ niệm, do nhiều thói quen mà có lẽ cũng do một tình âu yếm chân thật nữa. Anh ấy cảm thấy có lỗi với mình và anh đau khổ vì đã làm mình đau khổ ; mà cái phần ái tình anh ấy toan lấy của mình để san sẽ cho người kia, anh ấy có tỏ vẻ ân cần , vồn vã để bù lại.”
“Toan ư?.. Chỉ toan thôi ư?.. .Có gì chứng tỏ rằng anh ấy đã sa ngã đâu. Người đàn bà đó không có vẻ tự do lắm, anh ấy cũng vậy. Có thể rằng họ chỉ mới dạo mát hoặc ngồi chuyện trò với nhau trong một quán giải khát… Nếu mình làm cho anh ấy nổi quạu lên, nếu mình làm cho anh ấy có cảm tưởng rằng anh ấy bị mình cột chân thì anh ấy sẽ mong được thoát li. Mà nếu ả nọ cũng theo con đường đó thì có Trời biết được họ sẽ đi tới đâu. Nếu rốt cuộc không phải là sự đoạn tuyệt giữa anh ấy và mình thì cũng là sự tan cửa nát nhà do chính mình gây ra, còn như chịu khó kiên nhẫn một chút…”
Rồi nỗi giận của cô lại bừng bừng trong lòng :
“Dù sao thì cũng là quá bất công! Mình đã hi sinh tất cả đời mình cho chồng, không tiếc tí gì. Từ khi cưới, mình không bao giờ nhìn người đàn ông nào khác nữa. Đối với mình, bọn đàn ông khác không hơn nhưng hình múa rối. Chỉ khi nào có lợi cho chồng mình thì mình mới chú ý tới họ… Có lẽ như vậy mình dại chăng? Anh ấy thấy như vậy được yên ổn quá chăng? .. Thỉnh thoảng mấy chị bạn bảo mình :”Chị coi chừng đấy… Đàn ông cần được khích động, họ tò mò, thích cái mới. Nếu không thấy chị có cái gì bí mật nữa thì anh ấy sẽ đi tìm cái bí mật ở nơi khác…”. Mà nếu mình muốn, thì trước kia và ngay bây giờ nữa, có thể làm cho anh ấy nổi ghen một cách rất dễ dàng… Làm cho nổi ghen chơi vậy thôi… Chỉ cần bớt tỏ vẻ lãnh đạm khi nghe lời khen của người khác, thế thôi. Nhiều ông bạn của anh đã tìm cách và hiện còn tìm cách ve vãn mình. Hết thảy họ đều hỏi mình :”Buổi chiều tôi lại thăm chị được chứ?”. “Khi nào anh Jacques đi xa lo chuyện làm ăn, tôi có thể lại đón chị đi coi diễn kịch được không?”. Mình luôn luôn từ chối, cương quyết một mực tiết nghĩa. Và nếu mình nhận lời, lẽ đó là một cách nhắc cho anh ấy nhớ rằng chính vợ anh ấy cũng được nhiều người khác thèm muốn , quí mến”.
Cô đã sáng suốt gạt bỏ dự định đó đi. Nó vô lí và nguy hiểm. Vô lí vì không ai có thể làm trái với bản tính của mình được. Hiển nhiên là cô vẫn yêu chồng mặc dầu có cho rằng chồng có lỗi, và cô sẽ thấy tởm ngay nếu bạn của chồng tỏ vẻ săn đón cô hơn. Nguy hiểm vì không thể nào biết trước được phản ứng của chồng ra sao. Nếu anh ấy có lí do để ngại rằng cô bỗng biến tính, nhẹ dạ thì anh ấy có rầu rĩ, hối hận không? Ai mà biết chắc được? Nếu anh ấy quá mê Người kia thì, trái lại, rất có thể tự nhủ:
“Mặc thây! Từ trước đến giờ mình đã nể nang, thận trọng. Nhưng nếu chính nàng không muốn cứu vãn hạnh phúc lứa đôi thì cần quái gì phải nể nang, thận trọng nữa. Tự do, ai đi đường nấy”.
Sự õng ẹo là một con dao hai lưỡi. Vụng sử dụng nó một chút thôi là đứt tay đấy. Cô hiểu điều đó rồi. Vậy thì phải làm sao đây? Bữa trưa, ngồi ăn một mình, cô lại tiếp tục rầu rĩ trầm tư:
“Giờ này đây chắc đương ăn với Ả? Họ kể chuyện gì với nhau? Anh ấy có kể cho Ả nghe cái trận của mình hồi hôm không ; lúc đó mình đã không dằn được, la lối om sòm, và bây giờ so sánh mình với Ả, anh ấy có cho Ả là chỗ nương tựa yên ổn, âu yếm, sung sướng, trái hẳn với mình không? Mình đã nói xấu, nghĩ xấu nhiều về Ả ; nhưng bây giờ một mình một bóng, tự vấn tâm, mình phải nhận rằng mình không thật là vô tư, công bằng. Mình ở vào địa vị tình địch, không lấy tư cách một người biết điều mà xét cô ta. Thử ráng tìm hiểu… Nếu mình không sợ cô ta thành kẻ thù của mình, làm tan nát hạnh phúc của mình thì mình sẽ xét cô ta ra sao?”
Như vậy là cô đã can đảm gắng sức tự chủ để nhìn thẳng vào sự thật, và buổi tối khi về nhà, anh ấy ngạc nhiên – và nhẹ mình – thấy rằng cô rất bình tĩnh. Cô không vặn hỏi anh ấy giờ nào giờ nào nào làm những gì và đi đâu. Chính anh ấy tự ý thú một cách vụng về và cảm động rằng đã không hẹn mà gặp Người kia trong một phòng triễn lãm tranh. Cô không hỏi, anh ấy vốn không ưa nghệ thuật mà sao lại bốc đồng đi coi tranh, do một phép nhiệm màu nào vậy! Trái lại, cô gợi ý với thấy rằng nếu thấy quí cặp vợ chồng đó thì hôm nào nên mời lại nhà dùng bữa trưa hay bữa tối. Anh ngạc nhiên, lại con gạt bỏ ý đó đi nữa:
_ Vậy ư? Ông chồng chán chết đi. Cô ta thì dễ chịu, nhưng tính tình khác hẳn mình. Mình đã bảo anh rằng không thích cô ta mà. Anh đâu muốn bắt mình phải tiếp họ.
Cô bảo rằng hồi hôm vì mệt nhọc nên bẳn tính nhưng thực ra không có ác cảm gì với Người kia cả, trái lại là khác. Cô ráng thuyết phục và anh ấy chịu đồng ý về nguyên tắc: hôm nào sẽ mời họ lại dùng bữa. Xử sự như vậy là khéo léo vì hai lẽ. Cô nghĩ rằng mời cặp đó lại chơi thì Tình địch của cô sẽ mất sức quyến rũ của sự bí mật, của vật cấm đi, và nghĩ vậy là phải. Hơn nữa, cô muốn tiếp cô kia, dò xét, ráng tìm hiểu xem cô ta có cái gì quyến rũ anh ấy như vậy.