Bạn đang đọc Bức Thư Của Người Đàn Bà Không Quen Biết: Chương 11
Người lớn thường sống bên cạnh thế giới của trẻ mà không tìm cách khám phá nó. Mà trẻ thì lại nhận xét thế giới của cha mẹ, rán tìm hiểu, phê phán ; những câu ta vô ý thốt trước mặt chúng, chúng nghe được, hiểu theo óc của chúng rồi do đó tạo một hình ảnh về vũ trụ mà sau này tới tuổi thanh xuân chúng vẫn còn giữ mái. Một người đàn bà nói trước mặt một đứa con tám tuổi :” Tôi là một tình nhân hơn là một người mẹ.” Bà ta có lẽ đã vô tình gây cho con một vết thương lòng suốt đời không lành được.
Tôi nói quá ư ? Không đâu. Cái ý niệm bi quan về thế giới mà trẻ tự tạo ra do kinh nghiệm mấy năm đầu, ý niệm đó sau này lớn lên, trẻ có thể sửa lại được, nhưng một cách chậm chạp và khó nhọc. Nếu , trái lại, ngay từ hồi trẻ bắt đầu hiểu biết, cha mẹ gợi cho chúng được lòng tin ở sự khoan hồng và trung tín của loài người thì chúng tập được cái tính tự nhiên : dễ thấy sung sướng. Những biến cố trong đời sau này có thể làm thất vọng những người hồi nhỏ sung sướng, sớm muộn gì họ cũng sẽ thấy những phương diện bi thảm của đời sống và những khía cạnh tàn ác của bản tính con người ; nhưng trái với điều người ta nghĩ, những người đó sẽ dễ chịu đựng được sự bất hạnh nếu trong tuổi thơ yên ổn đã được biết tình thương và hi vọng.
Chúng ta nói trước mặt trẻ những điều ta cho là vô hại mà trẻ lại cho là chứa đầy một ý nghĩ thầm kín. Một bà giáo giá kể cho tôi nghe rằng hồi xưa có lần bà bảo một em gái :” Vẹt tấm màn ra cho thêm ánh sáng”, bà thấy nó do dự :
_ Thưa cô, con không dám…
_ Con không dám ? Tại sao vậy ?
_ Thưa cô, tại con đọc trong Thánh sử rằng bà Rachel chết khi sanh ra Benjamin. (1)
Một em trai luôn luôn nghe người lớn nói : đồng hồ quả lắc (kiểu) Marie Antoinette, “xa lông” (kiểu) Louis XVI tưởng rằng đồng hồ đó tên là Marie Antoinette cũng như tên của em là Francois. Người ta có thể tưởng tượng khi trẻ bắt đầu học sử Pháp, thấy những biến cố đẫm máu và buồn thảm mang tên những đồ thường dùng thì trong đầu óc của chúng thoáng hiện lên những tiểu thuyết kì dị ra sao.
Vậy có biết bao nỗi lo sợ không dám nói ra, biết bao thành ngữ thần diệu lởn vởn trong đầu óc của trẻ. TÔi nhớ hồi năm sáu tuổi, trong thị trấn nhỏ tôi ở, một gánh hát dạo rao tuồng Những sự kì dị của li hôn. Tôi không hiểu li hôn là gì nhưng lờ mờ cảm thấy rằng tiếng đó là một tiếng cấm kị, cám dỗ và nguy hiểm, nó mở cho ta thấy được nhiều bí mật của người lớn. Và cũng đúng cái ngày gánh hát đó tới thì một người hớt tóc trong thị trấn bắn mấy phát súng vào vợ vì ghen tuông. Người ta kể lại truyện đó trước mặt tôi. Trong óc con nít của tôi, hai sự kiện cách nhau rất xa đó liên kết với nhau ra sao, bây giờ tôi không nhớ rõ được, nhưng hồi đó tôi cứ ngỡ rằng li hôn là chồng giết vợ khi vợ có tội, và giết vợ giữa công chúng, trên sân khấu rạp hát ở Cầu Sông Eure.
Đành rằng cha mẹ dù chú ý tới mấy cũng không ngăn cản được sự phát sinh những huyền thoại kì cục và những liên tưởng ngây thơ trong đầu óc của trẻ. Kinh nghiệm của cha mẹ không truyền lại được cho con, mỗi người phải tự rút lấy kinh nghiệm trong đời sống ; nhưng ít nhất ta cũng không nên cung cấp cho óc tưởng tượng kì cục của trẻ những thức ăn dễ lên men quá. Ta sẽ tránh được cho trẻ những đau khổ lớn nếu ta nhớ rằng cảm tình của chúng sắc bén hơn của ta và sự chú ý của chúng mẫn nhuệ hơn. Đó là bài học cho người mẹ.
Vạn an.
(1) Chữ jour của Pháp có nghĩa là ngày, rồi từ nghĩa đó chuyển qua nghĩa : ánh sáng ban ngày, ánh sáng mặt trời, và nghĩa : đời người, sinh mệnh. Cô giáo bảo : donnez nous un peu de jour là dùng theo nghĩa ánh sáng: học trò hiểu theo nghĩa đời người, sinh mạng : donner le jour à Benjamin là sinh ra Benjamin.