Bức Thư Của Người Đàn Bà Không Quen Biết

Chương 1


Bạn đang đọc Bức Thư Của Người Đàn Bà Không Quen Biết: Chương 1

Tối nọ tôi đi coi hát ở Hí viện Pháp ; tôi không đi một mình. “Chỉ là Molière”, nhưng Molière đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Hoàng hậu Iran cười ; Robert Kemp có vẻ sung sướng ; Paul Léautaud làm ọi người nhìn. Một bà ngồi cạnh tôi nói với chồng :”Em sẽ điện thoại cho dì Clémence hay rằng em đã thấy Léautaud ; dì sẽ thích lắm “.
Cô ngồi trước mặt tôi, quàng áo lông chồn trắng và đong đưa, như thời Musset, “một cần cổ mảnh khảnh và đẹp dưới một mớ tóc đen”. Trong khi tạm nghỉ, tôi nghe thấy cô nghiêng qua phía một cô bạn, vui vẻ hỏi :”Làm sao cho người ta yêu mình nhỉ?” Tôi cũng muốn ngã về phía cô và dẫn lời của một người đồng thời với Molière :”Muốn lấy lòng người khác thì phải nói về cái gì họ thích, làm động lòng họ, tránh bàn cãi về những điều tầm phào, rất ít khi đặt câu hỏi và đừng bao giờ cho họ nghĩ rằng mình có thể có lí hơn họ”.
Đó là lời khuyên của một người đàn ông biết rõ lòng đàn ông. Phải, muốn cho người khác yêu mình thì phải nói về họ cái gì làm động lọng họ chứ không phải làm động lòng mình. Mà cái gì làm động lòng họ ? Chính bản thân họ. Nói chuyện với một người đàn bà mà khen tính tình, sắc đẹp của họ, hỏi han về tuổi thơ, thị hiếu, nỗi ân hận của họ thì không khi nào làm cho họ chán. Gợi chuyện ột người đàn ông về chính họ thì họ cũng không bao giờ chán. Biết bao người đàn bà thành công rực rỡ trong đời chỉ nhờ cái nghề nghe ; mà họ cũng chẳng cần nghe nữa, chỉ làm bộ nghe thôi. “Tránh bàn cãi về những điều tầm phào”. Trình bày lí lẽ bằng một giọng gây gổ thì người nghe sẽ bực bảo :”Lí luận đúng thì luôn luôn xúc phạm người nghe”. Người nghe có lẽ phải tự thú rằng sự chứng minh của cô không sao bác được và sẽ không bao giờ tha thứ cho cô. Đàn ông, trong ái tình, tìm sự hoà bình chứ không tìm chiến tranh. Sung sướng thay những người đàn bà âu yếm và nhu mì, vì họ được yêu nhiều hơn cả. Không có gì làm cho đàn ông bực mình bằng một người đàn bà gây gổ. Hạng nữ trượng phu được đàn ông phục hơn là yêu quí.

Một cách rất lương thiện để lấy lòng người khác là nói tốt cho họ. Nếu lời nói tốt của cô tới tai họ thì họ nhờ cô mà cảm thấy sung sướng. Do đó họ cho cô là dễ thương .
Ông đó bảo :
– Tôi không ưa bà X…
– Đáng tiếc thật, bà ấy thấy ông rất khả ái và gặp ai muốn nghe, bà ta cũng khen ông như vậy.
– Vậy ư ?… Tôi xét lầm bà ấy rồi.

Ngược lại thì cũng đúng. Một câu hiểm độc, do người khác có ác ý kể lại, có thể gây những mối thù ghê gớm. “Nếu ai cũng biết hết những lời mà mọi người nói về mọi người thì không còn ai dám nói với ai nữa”. Cái tai hại là sớm muộn gì mọi người cũng biết mọi người nói về mọi người ra sao.
Chúng ta trở lại câu của La Rochefoucauld :”Đừng bao giờ cho họ nghĩ rằng mình có thể có lí hơn họ”. Nhưng người ta có thể yêu một người mình thán phục chứ ? Đành vậy, nhưng với điều kiện này là người đó đừng có vẻ ngạo mạn bắt ta phải nhận rằng họ hơn ta, và họ tuy hơn ta nhưng bù lại cũng có những nhược điểm để ta che chở lại họ được. Người thông minh nhất mà tôi được biết, Valéry, minh triết một cách nhẹ nhàng. Những tư tưởng nghiêm trang được ông diễn một cách thú vị ; ông có những lời đùa cợt, nghịch ngợm như trẻ con làm cho ông rất dễ thương. Một bậc thượng trí lỗi lạc khác thường nghiêm trang hơn, nhưng bạn bè thấy ngộ nghĩnh vì tính tự phụ hồn nhiên, hoặc thói đãng trí, kì cục của ông. Nhờ những thói đó mà người ta tha thứ cho ông cái thiên tài của ông : còn cô thì nhờ cô có tự nhiên nên người ta tha thứ cho cô cái sắc đẹp của cô. Một người đàn bà nhớ rằng một vĩ nhân chỉ là một người đàn ông như ai thì không bao giờ làm cho ông ta chán cả.
Làm sao cho người ta yêu cô ư ? Thì cho họ những lí do để họ thoã mãn về họ. “Ái tình bắt đầu với cảm giác một khả năng sung sướng hoà hợp với một hạnh phúc khác”. Làm đẹp lòng, tức là cho và nhận. Đó, thưa cô bạn không quen biết của tâm tình tôi , (nói theo người Y Pha Nho), tôi muốn trả lời cô như vậy. Tôi thêm một lời khuyên cuối cùng nữa, lời Mérimée khuyên cô bạn không quen biết của ông ta :”Đừng bao giờ cô nói xấu cô nhé. Các bạn cô sẽ nói xấu cô, như vậy đủ rồi”.

Vạn an (1)
(1) Nguyên văn: Adieu, mà ta thường dịch là vĩnh biệt. Ở đây không phải là vĩnh biệt mà chỉ là tạm biệt. Tôi đoán tác giả dùng nghĩa gốc của tiếng đó : je vous r mande à Dieu : Xin Chúa phù hộ bạn ; nên dịch thoát là vạn an.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.