Đọc truyện Breathing Room – Chương 6
Nhưng đúng vậy. Người đàn ông tự gọi là Dante lừ đừ đứng trên ngưỡng cửa. Dante với con mắt đăm đăm, nóng bỏng và những vuốt ve sa đoạ. Ngoại trừ mái tóc của người này ngắn hơn và mắt anh màu xanh bạc chứ không phải nâu.
“Chó thật”
Chị nghe thấy giọng Anh Mỹ- tiếng Anh của ngôi sao màn bạc- được nói bằng giọng trầm quen thuộc của gã trai bao người Ý mà chị gặp đêm trước nữa ở quán Piazza della Signoria. Thế mà mất một lát chị mới hiểu ra sự thật. Lorenzo Gage và Dante gã trai bao chỉ là một.
“Anh…” chị nuốt ực. “Anh không phải…”
Anh trừng trừng nhìn chị với đôi mắt của kẻ ám sát. “Khỉ gió. Tự dưng đi rước một kẻ theo đuôi”.
“Anh là ai?” Nhưng chị đã xem phim của anh và chị đã biết câu trả lời.
“Signore Gage!” Anna Vesto xông vào phòng. “Người phụ nữ này! Tôi đã bảo rồi mà cô ta vẫn không đi. Cô ta là …cô ta là…”. Tiếng Anh không hàm chứa hết sự phẫn nộ, và bà ta tuôn ra một tràng tiếng Ý.
Lorenzo Gage, ngôi sao màn bạc lang chạ, kẻ đã khiến Karli Swenson tự vẫn, cũng là Dante, gã trai bao Florentin, kẻ chị đã cho phép làm ô uế một góc tâm hồn mình. Chị sụp xuống một trong những cái ghế cạnh tường và cố hít thở.
Anh ta gầm gừ với bà quản gia bằng tiếng Ý.
Bà ta trả lời bằng những cử chỉ điên cuồng.
Một tiếng gầm gừ khác từ phía anh ta.
Người phụ nữ giận dỗi và rời khỏi phòng.
Anh nặng nề đi ra hành lang ngoài dập mạnh nút tắt nhạc. Khi anh quay lại, một món tóc đen như mực xoà trên trán. Anh bỏ cái chai lại, nhưng khẩu súng lục vẫn lủng lẳng trên tay.
“Cô đang lạm dụng đấy, cưng ạ”. Môi anh nhúc nhích và giọng nói lè nhè chết chóc trong đời thực nghe thậm chí còn hăm doạ hơn âm thanh vòng kỹ thuật số (SurroundSound). “Cô nên gọi điện trước đã”.
Chị đã ngủ với Lorenzo Gage, gã đàn ông khoe khoang khoác lác trên một bài báo rằng anh ta đã “quan hệ với năm trăm phụ nữ”. Và chị đã để mình trở thành người thứ năm trăm linh một.
Dạ dày chị nhộn nhạo. Chị úp mặt vào tay và thì thầm những lời chị chưa từng nói với ai khác, chưa bao giờ nghĩ sẽ nói. “Tôi ghét anh”.
“Đó là cách tôi kiếm sống”.
Chị nhận biết anh ta tiến tới gần hơn và thả tay xuống tay, thấy mình trân trối vào khẩu súng lục.
Nó không hẳn chĩa vào chị, nhưng cũng không hẳn không chĩa vào chị. Anh ta cầm nó lỏng lẻo sát bên hông. Chị thấy nó là đồ cổ có lẽ đã hàng trăm năm tuổi, nhưng điều đó không khiến nó đỡ chết chóc hơn chút nào. Nhìn những gì anh ta gần như đã làm với Julia Roberts bằng một thanh gươm samurai xem. (Nữ diễn viên người Mỹ đã dành giải Oscar. Chị này có nụ cười tuyệt đẹp, cực kỳ rạng rỡ. Những phim mình thích nhất là Pretty woman, Notting Hill, Erin Brockovich…)
“Tôi vừa mới nghĩ báo chí không thể nhúng mũi vào sâu hơn nữa. Có chuyện gì với non parler anglais của cô thế, người Pháp?”
“Cùng một thứ xảy ra với tiếng Ý của anh đấy”. Chị ngồi thẳng lên, cuối cùng cũng tập trung vào điều anh ta nói. “Báo chí? Anh nghĩ tôi là phóng viên hả?
“Nếu cô muốn một cuộc phỏng vấn, chỉ cần hỏi thôi”.
Chị nhảy dựng khỏi ghế. “Anh nghĩ tôi vượt qua tất cả những thứ này để kiếm một câu chuyện?
“Có thể”. Hơi rượu nhẹ thoảng tới chỗ chị . Anh ta đứng chôn chân bên chiếc ghế bỏ trống. Chị nhìn trân trân vào khẩu súng để trên đùi anh và cố quyết định xem anh ta đang doạ chị hay chỉ quên mất nó ở đó.
“Làm thế nào cô tìm được tôi, và cô muốn gì?”
“Tôi muốn nhà của mình”. Chị lùi lại một bước rồi tức điên với mình vì làm vậy. “Đây là cách anh tìm thú tiêu khiển à? Cải trang để kiếm phụ nữ à?”
“Tin hay không thì tuỳ, Fifi, tôi có thể làm vậy không cần cải trang. Và tôi xứng đáng nhiều hơn 50 euro chết giẫm mà cô bỏ lại”.
“Tuỳ từng quan điểm. Súng có đạn không?”
“Chịu”.
“Được, để nó xuống “. Chị xiết chặt tay lại.
“Tôi không nghĩ thế”.
“Tôi cho là anh sắp bắn tôi?”
“Cứ tin điều cô muốn”, anh ngáp.
Chị tự hỏi anh đã uống chừng nào và ước không cảm thấy chân mình như không xương vậy. “Tôi không chịu nổi ở gần súng ống”.
“Thế thì đi đi”. Anh ườn ra ghế, chân duỗi ra, vai chùng xuống, khẩu súng đặt trên gối. Một bức chân dung hoàn hảo của sự suy đồi trong Biệt thự Thiên thần.
Không có sức mạnh nào trên trái đất bắt chị đi được đến lúc chị hiểu chuyện gì đã diễn ra. Chị nghiến chặt tay hơn để giữ chúng khỏi run lên và quyết định ngồi vào chiếc ghế đối diện anh ta mà không lộn ngược nó lên. Cuối cùng chị cũng biết căm thù là thế nào.
Anh ta nghiên cứu chị một lát rồi chỉ khẩu súng về phía chiếc thảm to như bức tường tả một người đàn ông đang cưỡi ngựa. “Ông tổ của tôi, Lorenzo de Medici”.
“Oách gớm”.
“Ông là người bảo trợ của Michelangelo. Cả Botticelli nữa, nếu các nhà sử học đúng. Khi nói tới đàn ông thời Phục Hưng, Lorenzo là một trong những người tuyệt nhất. Ngoại trừ…” Anh ấn vào cò bằng ngón cái và quan sát chị với đôi mắt nheo nheo đe doạ. “Ông để người của mình cướp thành phố Volterra năm 1472. Nhà Medicis không phải những kẻ tử tế chịu phá bĩnh đâu”.
Anh ta chẳng là gì hơn một ngôi sao điện ảnh luôn xem mình là trung tâm thế giới, còn chị không phải kẻ dễ doạ dẫm. Dẫu sao cũng không nhiều.
“Dành lời đe doạ của anh cho những người mua vé xem phim ấy”.
Vẻ hăm doạ biến mất, thay thế bằng điệu chán nản. “Ok, Fifi, nếu cô không phải giới báo chí, vậy có chuyện gì?”
Giờ đã xông vào rồi, chị nhận ra mình không thể nói về đêm trước nữa, sẽ không, không bao giờ. Ngôi nhà. Đó là lý do chị tới đây đầu tiên.
“Tôi đến đây để giải quyết sự bất đồng về ngôi nhà tôi thuê”. Chị cố đặt nhiều uy quyền đằng sau lời nói, điều quá bình thường với chị nhưng không dễ như vậy vào lúc này. “Tôi đã trả tiền thuê hai tháng, và tôi sẽ không đi đâu”.
“Chính xác thì, sao tôi lại phải quan tâm tới chuyện này chứ?”
“Nhà anh mà”.
“Cô thuê toà nhà này? Tôi không nghĩ vậy”.
“Không phải toà nhà này. Ngôi nhà nông trại. Nhưng người làm thuê của anh cố đá tôi ra”.
“Nhà nào nhỉ?”
“Ngôi nhà dưới chân đồi”.
Môi anh cong lên. “Tôi có nên tin là người phụ nữ tôi vô tình gặp ở Florence hai đêm trước lại thuê nhà của tôi. Tốt hơn cô nên có chuyện gì hay ho hơn đi”.
Ngay cả chị cũng thấy khó mà nuốt trôi sự thật đó, ngoại trừ trung tâm du lịch của Florence quá nhỏ và chị đã đâm vào cặp thanh niên mà chị đã gặp ở Uffizi tại hai chỗ khác nữa cùng trong một ngày. “Chẳng chóng thì chày mọi du khách ở Florence đều kết thúc tại Piazza della Signoria. Chúng ta chỉ đến đó cùng lúc thôi”.
“Chúng ta may thật. Nhìn cô quen quen. Tôi đã nghĩ vậy tối qua”.
“Tôi á?” Chị không muốn tiếp tục chủ đề này. “Tôi thực lòng muốn thuê căn nhà nông trại, nhưng tôi vừa mới đến, người ta đã bảo tôi phải đi”.
“Cô nói về nơi Paolo già cả từng sống, dưới chỗ rừng ôliu phải không?”
“Tôi chẳng biết Paolo già cả nào hết. Một phụ nữ tên là Marta dường như đang sống ở đó, tôi không ưa chút nào nhưng sẵn lòng chịu đựng”.
“Marta… chị của Paolo”. Anh nói cứ như vừa mới moi được chút hồi ức xa xăm. “Phải, tôi đoán đó là một phần trong số bất động sản này”.
“Tôi không quan tâm bà ta là ai. Tôi đã trả tiền, và tôi không đi đâu”.
“Sao cô lại bị tống ra nhỉ?
“Có trục trặc gì đó ở đường nước thải”.
“Tôi ngạc nhiên khi cô muốn ở lại đấy, nếu cân nhắc những gì đã xảy ra giữa chúng ta. Hoặc có thể cô chỉ vờ vịt bị phá bĩnh thôi”.
Những lời của anh đẩy chị về hiện thực. Tất nhiên chị không thể ở lại. Chị đã làm phương hại cảm xúc của chính bản thân mình bằng gã đàn ông này và không thể chịu nổi nếu lỡ va phải hắn ta lần nữa.
Cảm giác thất vọng tràn trề ngập lên cùng với những xúc cảm đau đớn khác. Trong khu vườn ấy, chị đã trải nghiệm sự yên bình đầu tiên trong hàng tháng trời và giờ nó lại rũ bỏ chị. Chị chỉ còn niềm kiêu hãnh nhỏ nhoi. Nếu phải đi, ít nhất chị cũng làm sao để hắn ta không nghĩ hắn ta đã thắng. “Anh mới là diễn viên, Mr. Gage ạ, không phải tôi”.
“Tôi nghĩ cái phế tích đó cần được trông nom”. Một con quạ kêu thảng thốt trong vườn. “Nếu cô ở lại, tốt hơn hãy tránh xa biệt thự này”.
Anh chà báng súng vào đùi. “Và đừng để tôi phát hiện cô nói dối. Cô sẽ không thích hậu quả đâu”.
“Nghe như trích từ một bộ phim rùng rợn của anh vậy”.
“Thật vui vì biết tôi có người hâm mộ”.
“Tôi chỉ xem mấy bộ phim ấy là bởi cựu hôn phu của tôi thôi. Không may, tôi đã không thấy mối liên hệ giữa khẩu vị phim tồi tệ của anh ta và chuyện quan hệ nhăng nhít đến lúc đã quá muộn”. Sao lúc này chị lại nói vậy nhỉ?
Anh chống khuỷu tay lên tay vịn ghế. “Nên cuộc phiêu lưu tình dục của chúng ta là cách cô có lại anh ta”.
Chị sắp sửa phủ nhận, nhưng hắn ta tới quá gần sự thật.
“Xem nào…” Anh ta đặt khẩu súng lên bàn. “Chính xác ai là đối tác sai lầm hai đêm trước đây? Là cô, người phụ nữ thù hận hay tôi, con tốt thí ngây thơ trong ham muốn trả thù của cô?”:
Anh ta thực sự thích thú. Chị đứng dậy để có thể nhìn xuống anh ta rồi ước chị đã không làm vậy bởi chân chị vẫn còn chưa vững. “Anh say à, Mr Gage?”
“Tôi đã qua cữ say rồi”.
“Mới chỉ khoảng 1 giờ thôi”.
“Bình thường cô đúng đấy, nhưng tôi vẫn chưa đi ngủ, nên giờ vẫn là giờ uống đêm “.
“Bất cứ điều gì hợp với anh” Chị phải ngồi xuống hoặc ra khỏi đây, nên chị hướng về cửa.
“Này, Fifi”.
Chị quay lại rồi ước mình đừng làm vậy.
“Chuyện là…” Anh nhấc quả cầu bằng đá hoa cương bóng loáng nằm ở chân cột đá gần mình và rê ngón tay cái lên nó. “Trừ phi cô muốn người hâm mộ tôi lúc nhúc quanh cái ngôi nhà nông trại bé tẹo này, tôi khuyên cô nên giữ mồm giữ miệng chuyện tôi ở đây”.
“Tin hay không tuỳ anh, tôi có khối thứ hay ho hơn nhiều mấy chuyện ngồi lê đôi mách ấy”.
“Chắc chắn thế nhé”. Anh xiết quả cầu đá trong tay phòng chị vẫn chưa lĩnh hội được thông điệp này.
“Diễn hơi quá đấy, Mr Gage?”
Sự đe doạ bốc hơi, và anh cười phá lên.”Gặp cô thật vui, Fifi”.
Chị chậm rãi đi ra cửa phòng khách không va vào vật gì nhưng không thể cưỡng nổi một cái liếc trở lại.
Anh đang tung quả cầu từ tay này sang tay kia, một Nero tuyệt đẹp chơi đàn khi thành Rome bốc cháy. (Nero 37-68, vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Julius-Claudius, sử sách ghi lại vị vua này nổi tiếng vì tàn bạo và xa xỉ. Tương truyền đã sai đốt thành Rome tìm cảm hứng làm thơ, và trong lúc thành Rome cháy rực thì ông ta đang chơi đàn lyre hoặc đàn fiddle)
Cơn đau xóc bên hông buộc chị phải chậm lại trước khi tới căn nhà nông trại. Sỏi lọt vào những ngón chân trong đôi xăng đan Kate Spade của chị, có lẽ là đôi cuối cùng chị mua được. Chị hài lòng vì đã không co rúm lại trước anh ta, nhưng sự thực chị phải đi. Nếu đóng đồ ngay bây giờ, chị có thể trở lại Florence vào 4 giờ.
Và sau đó thì sao?
Ngôi nhà lọt vào tầm mắt. Tắm trong ánh sáng vàng rực, nó trông vững chắc và dễ chịu, những cũng có sức lôi cuốn nào đó. Nó trông như nơi có thể bắt đầu mường tượng về một cuộc đời mới.
Chị quay đi và theo con đường nhánh rẽ vào vườn nho. Những chùm nho tím đỏ, mọng nước, trĩu trịt trên cành. Chị bứt một quả và bỏ vào miệng. Nó tan ra trên lưỡi chị, run rẩy trong vị ngọt ngào. Hạt quá nhỏ nên chị không cần nhả ra.
Chị hái một chùm nhỏ và đi sâu vào vườn. Chị cần giày đế mềm. Những viên sỏi cứng như đá dưới đôi xăng đan mỏng mảnh. Nhưng chị không nghĩ về điều chị cần, chỉ nghĩ về những gì chị đang có, mặt trời vùng Tuscany ở trên đầu chị, chùm nho ấm áp chín mọng trong tay chị, Lorenzo Gage trong ngôi biệt thự trên đỉnh đồi…
Chị đã trao mình đi quá rẻ rúng. Sao chị có thể vượt qua chuyện này?
Không thể bằng cách bỏ chạy.
Tính bướng bỉnh trỗi dậy. Chị đã chán buồn bã. Chị chưa bao giờ là kẻ nhát gan cả. Chị có để mình bị xua đuổi khỏi những điều đáng quý bởi một ngôi sao điện ảnh suy đồi? Việc chạm trán chẳng có ý nghĩa gì với anh ta hết. Anh ta rõ là không ưa chị, nên anh ta khó mà đi tìm chị. Còn chị lại cần ở đây. Mọi bản năng nói rằng đây là nơi chị phải ở lại, nơi duy nhất chị có thể tìm thấy cả sự cô độc và cảm hứng để tìm cách đưa cuộc sống của mình vào một chặng đời mới.
Ngay lúc đó, chị quyết định. Chị không sợ Lorenzo Gage, và chị sẽ không để bất cứ ai buộc mình rời khỏi đây, cho đến khi chị đã sẵn sàng.
*
Ren bỏ khẩu súng từ thế kỷ 17 anh vừa lấy ra để kiểm tra ngay trước khi Fifi xông vào. Anh vẫn nghe vọng lại tiếng gót giày gõ nhẹ khi chị chuồn khỏi phòng. Anh hẳn bị coi là ác quỷ, nhưng ngoại trừ anh lầm, Ms Fifi đã để lại mùi lưu huỳnh đằng sau.
Anh cười nhẹ, rồi đóng cửa tủ. Khẩu súng là sản phẩm đẹp đẽ của sự khéo léo, một trong nhiều đồ vô giá trong biệt thự. Anh thừa kế nơi này hai năm trước, nhưng đây là cơ hội đầu tiên ghé thăm từ khi dì Philomena qua đời. Anh vốn có kế hoạch bán sạch tài sản này, nhưng anh có những hồi ức đẹp từ ba chuyến thăm nơi đây khi còn nhỏ. Dường như không phải khi bán nơi này mà chưa nhìn lại nó. Anh bị ấn tượng với quản gia và chồng bà khi nói chuyện với họ qua điện thoại và anh quyết định chờ.
Anh lấy lại chai rượu Scotch từ chiếc bàn trong cửa tò vò để tiếp tục uống, việc lúc nãy Ms Fifi đã cắt ngang. Anh thích cho cô ta một khoảng thời gian khó khăn. Cô ta đã quá bồn chồn, căng thẳng, cô run rẩy, nhưng chuyến viếng thăm của cô lại khiến anh cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Kỳ cục thật.
Anh đi qua một khung cửa tò vò của hành lang vào vườn và tản bộ dọc theo những hàng rào được xén tỉa gọn ghẽ về phía bể bơi, nơi anh thả người vào chiếc ghế dài. Khi hưởng thụ sự yên bình, anh nghĩ về tất cả những người vẫn vây quanh mình, đội giúp việc trung thành, người quản lý công việc và các vệ sĩ, những trường quay thỉnh thoảng muốn anh ở đó. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng cần người trợ giúp vây quanh bởi phải khẳng định họ là ngôi sao. Những người khác, như anh, làm điều đó để cuộc sống thoải mái hơn. Các trợ lý giữ những người hâm mộ quá đáng ở một khoảng cách an toàn, hữu ích nhưng cũng có giá của nó. Ít người nói thật với những người chịu trách nhiệm trả lương cho họ và tất cả những sự khúm núm quỵ luỵ đã thành cũ rích.
Ms Fifi, mặt khác, dường như không biết gì về chuyện quỵ luỵ và đó là cảm giác dễ chịu kỳ cục.
Anh đẩy chai rượu mạnh không đóng nắp sang bên và chìm sâu hơn vào ghế. Từ từ mắt anh khép lại. Thật yên bình…
*
Isabel cắt một mẩu pecorino lâu năm chị vừa mua trong thị trấn. Đây là loại pho mát cừu mà người Tuscany rất thích. Trong lúc chị đếm tiền trả, người phụ nữ bán hàng ấn một bình mật nhỏ vào chị. “Đây là kiểu Tuscany”, cô gái nói. “Mật và pho mát”.
Isabel không tưởng tượng được chuyện này, nhưng chị đang cố ít câu nệ hơn phải không? Chị sắp pho mát và bình mật lên một chiếc đĩa gốm cùng với một trái táo. Tất cả những gì chị ăn hôm nay chỉ là mấy trái nho hái trên đường từ biệt thự trở về ba giờ trước. Cuộc chạm trán với Gage đã lấy mất cảm giác ngon miệng ở chị. Có lẽ một chút thức ăn sẽ làm chị thấy khá hơn.
Chị tìm được nửa tá khăn ăn bằng vài linen cứng quèo trong một cái ngăn kéo, lấy một chiếc rồi xếp những chiếc kia thành chồng gọn ghẽ. Chị cũng dỡ đồ trong vali và sắp xếp phòng tắm. Dù mới 4 giờ, chị mở chai Chianti Classico kiếm được trong thị trấn. Chianti chỉ có thể là classico (hạng nhất), chị đã biết vậy, nếu nó được ép từ những trái nho trong vùng Chianti nằm cách đây vài dặm về hướng đông.
Chị tìm được vài chiếc ly không chân trong tủ. Lau sạch vết nước, chị rót đầy một ly và mang mọi thứ ra vườn.
Một mùi hương dìu dịu của hương thảo và húng quế thoang thoảng trong lối đi rải sỏi khi chị thong thả bước về phía chiếc bàn cũ nằm dưới bóng mộc lan. Hai trong ba con mèo trong vườn đi tới đón chị. Chị ngồi xuống và nhìn bao quát những quả đồi cổ kính. Những cánh đồng đã cày xới màu nâu xám trong buổi sớm đã chuyển thành màu oải hương trong ánh chiều tà. Thật đẹp.
Sáng mai chị sẽ bắt đầu tuân theo lịch trình đã sắp xếp cho hai tháng tới. Chị không cần kiểm tra lại ghi chép để nhớ mình đã lên kế hoạch sắp xếp từng ngày thế nào.
Tỉnh dậy lúc 6 giờ
Cầu nguyện, Thiền, Biết ơn và lặp lại những lời khẳng định hàng ngày.
Tập yoga hoặc đi bộ nhanh
Ăn sáng nhẹ
Việc vặt buổi sáng
Viết cuốn sách mới
Ăn trưa
Vãn cảnh, xem hàng, hay các hoạt động ưa thích khác (cần thúc đẩy)
Xem lại phần viết ban sáng
Ăn tối
Đọc sách theo cảm hứng và việc vặt buổi tối
Ngủ lúc 10h
NHỚ HÍT THỞ
Chị không lo ngại về sự thật là chị chưa có ý tưởng gì về loại sách chị sắp viết. Điều đó giải thích tại sao chị cần ở đây, để chị có thể giải toả những nguồn cảm xúc và trí tuệ mình.
Rượu tràn trề và ngọt mùi nho chín, nó tan chảy trên lưỡi chị. Nhưng khi ngả người để thưởng thức, chị thấy một cuốn phim đầy bụi nằm trên bàn đá. Chị nhổm dậy, đi vào trong lấy giẻ lau. Khi lau sạch, chị lại ngồi xuống.
Chị hít vào mùi rượu và mùi hoa hương thảo. Xa xa, con đường uốn lượn theo những quả đồi thành một chiếc đuôi xanh mờ ảo. Nơi đẹp đẽ này… Nghĩ rằng chỉ mới hôm qua thôi chị đã không còn muốn ở đây nữa.
Trên đỉnh quả đồi phía bên phải, chị thấy có lẽ là một phần của ngôi làng, nhưng giờ nhìn như một phế tích với những bức tường tróc lở và những tàn tích của một tháp quan sát. Chị dợm đứng dậy để tìm cái kính xem opera, rồi nhắc mình nên thư giãn.
Chị hít một hơi trong lành, lại ngả ra ghế và tìm kiếm sự mãn nguyện trong mình.
Nó không ở đó.
“Signora!”
Giọng nói vui tươi thuộc về một chàng trai trẻ đi con đường lúc nãy xuyên qua vườn. Cậu mới chỉ tầm cuối 20 đầu 30, và thanh mảnh. Một chàng Ý đẹp trai khác. Khi chàng trai tới gần, chị thấy một đôi mắt nâu trong sáng, mái tóc đen mượt mà buộc túm đuôi ngựa và một cái mũi dài thẳng đẹp đẽ.
“Signora Favor, tôi là Vittorio”. Anh chàng xởi lởi giới thiệu, cứ như tên anh không thôi cũng làm chị vui thích.
Chị cười đáp lại lời chào.
“Tôi có thể tham gia được không?” Giọng anh thể hiện rõ anh đã học tiếng Anh với trọng âm nhẹ lịch lãm từ những giáo viên Anh chứ không phải người Mỹ.
“Tất nhiên rồi. Anh uống rượu chứ?”
“À, tôi rất thích”.
Anh ngăn chị khi chị định đứng dậy. “Tôi đã ở đây nhiều lần rồi”, anh ta nói. “Tôi sẽ lấy cho. Ngồi và thưởng ngoạn cảnh đẹp đi”
Anh ta quay lại chưa đầy một phút sau với cái chai và một chiếc ly. “Thật là một ngày đẹp trời”. Con mèo cọ cọ vào anh khi anh ngồi xuống rìa chiếc bàn. “Nhưng mọi ngày ở Tuscany đều đẹp cả, phải không”.
“Có lẽ vậy”
“Và chị đang tận hưởng chuyến thăm quan?”
“Rất nhiều. Nhưng nó còn hơn một chuyến thăm. Tôi sẽ ở đây vài tháng cơ”.
Không như Giulia Chiara, Anna Vesto, và Marta khắc khổ, trông anh vui mừng với tin này. “Rất nhiều người Mỹ tới bằng xe du lịch rồi lại đi trong ngày. Sao người ta trải nghiệm Tuscany như thế này được?”
Khó mà lờ đi nhiệt tình lớn đến vậy và chị mỉm cười. “Đúng là không thể”.
“Chị chưa thử pecorino của chúng tôi”. Anh ta dúng cái thìa trên đĩa vào bình mật và rưới nhẹ lên miếng pho mát. “Giờ chị sẽ là một người Tuscany chính hiệu”.
Nhìn anh ta quá háo hức nên chị không nỡ lòng làm anh thất vọng, dù chị ngờ anh ta được phái đến để tống cổ chị đi. Chị cắn một miếng và phát hiện cái giòn của pho mát với cái ngọt ngào của mật khiến chúng là cặp đồng hành hoàn hảo. “Ngon quá” .
“Cách nấu nướng ở Tuscany là tuyệt nhất trên thế giới. Ribollita (xúp), panzanella (xa lát bánh mì), xúc xích lợn lòi, fagioli (mì ống) với xô thơm, lòng bò Florentine…”
“Tôi nghĩ sẽ bỏ qua món lòng bò”.
“Bỏ qua á?”
“Tránh xa”.
“À, vâng. Có lẽ chúng tôi ăn nhiều thịt hơn chị ăn ở Mỹ”.
Chị cười. Họ bắt đầu chuyện gẫu về cách nấu nướng cũng như sức hấp dẫn của vùng đất này. Chị đã tới tháp Pisa chưa? Volterra thế nào? Chị phải đi thăm vài nhà máy rượu ở vùng Chianti. Và Siena… Piazza del Campo ở đó đẹp nhất ở Ý. Chị có biết về Palio, cuộc đua ngựa diễn ra vào các mùa hè ở Campo không? Và thành phố tháp San Gimignano không thể bỏ lỡ. Chị đã thấy nó chưa?
Chị chưa từng thấy.
“Tôi sẽ chỉ cho chị thấy mọi thứ”.
“Ôi, không”
“Nhưng tôi là một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Tôi đã dẫn nhiều tua khắp các vùng Tuscany và Umbria. Cả tập thể và cá nhân. Các tua đi dạo, tua nấu ăn, tua thưởng rượu. Không ai kể cho chị về dịch vụ của tôi à?”
“Họ còn bận đuổi tôi đi”.
“À, vâng. Đường thoát nước. Đúng là chị không tới vào lúc tốt nhất, nhưng gần đây có rất nhiều thứ để xem, và tôi sẽ đưa chị đi vãn cảnh suốt cả ngày để chị có thể thoát khỏi bụi bẩn và tiếng ồn”.
“Tôi đánh giá cao lời đề nghị này, nhưng tôi sợ không thể trả cho một hướng dẫn viên riêng”.
“Không, không”. Một cử chỉ từ chối tao nhã. “Chúng ta chỉ đi khi tôi không có khách thôi, một cử chỉ bè bạn. Tôi sẽ chỉ cho chị mọi chỗ mà chị không tự mình tìm được. Chị sẽ không phải lo về việc lái xe trên những con đường xa lạ và tôi sẽ phiên dịch cho chị. Một món hời đấy, chị sẽ thấy”.
Một món cực kỳ hời. Trùng hợp ngẫu nhiên là điều đó sẽ đưa chị khỏi căn nhà trang trại. “Tôi không thể lợi dụng anh như thế được”.
“Nhưng đây không phải lợi dụng. Chị có thể trả tiền xăng mà, nhá?”
Ngay lúc ấy Marta thò lên từ căn phòng phía sau. Bà ta bẻ vài cành húng quế và mang vào bếp.
Anh ta lại uống Chianti. “Sáng mai tôi rỗi. Chị có thích tới Siena trước không? Hay có lẽ là Monteriggioni. Một thị trấn nhỏ tinh tế. Dante đã viết về nó trong tác phẩm Inferno đấy” (phần Địa ngục, trong trường ca Thần khúc của đại thi hào Ý Dante Alighiery gồm ba phần Địa ngục, Luyện ngục, Thiên đường).
Làn da chị râm ran khi nghe tên ấy. Nhưng Dante gã trai bao không tồn tại, chỉ có Lorenzo Gage, một ngôi sao điện ảnh tay chơi, kẻ đã là bạn tình của chị trong nỗi hổ thẹn. Giờ chị đã gặp anh ta, chị không khó tin rằng anh ta đã khiến Karli Swenson tự vẫn. Isabel sắp làm điều tốt nhất để chắc chắn chị không bao giờ còn gặp lại anh ta nữa.
“Thực sự là tôi tới đây để làm việc, và tôi cần bắt tay vào ngay ngày mai”.
“Làm việc? Quá tệ. Chúng ta phải làm những điều mình cần”. Anh ta cười đôn hậu, uống nốt chỗ rượu rồi ghi số điện thoại trên một mảnh giấy rút trong ví ra. “Nếu chị cần gì, cứ gọi tôi”.
“Cảm ơn anh”.
Anh ta tặng cho chị nụ cười loá mắt rồi vẫy tay chào khi ra về. Ít nhất anh ta cũng chuẩn bị tống chị đi bằng sự quyến rũ, hoặc có thể chị đã quá đa nghi. Chị tìm cuốn Tự truyện của một Yogi (ai thích thế giới tâm linh đọc cuốn này cũng thú vị lắm nhe) của Yogananda nhưng cuối cùng lại quay sang đọc sách hướng dẫn du lịch. Ngày mai bắt tay vào đổi mới công việc cũng kịp chán.
Lúc chị trở vào nhà trời bắt đầu tối, một mùi thơm toả đầy gian bếp. Chị bước vào khi Marta đặt một bát đầy súp thịnh soạn lên cái khay phủ khăn trắng toát. Cái khay cũng có chiếc ly Chianti của Isabel, chị đoán nhờ chiếc chai bên cạnh cũng như món cà chua hồng thái lát tô điểm bằng những trái ô liu đen sẫm nhăn nheo và một ổ bánh mỳ giòn. Bất cứ hy vọng nào Isabel từng có rằng chỗ thức ăn này có lẽ là dành cho chị đã phai tàn, khi Marta bê nó ra khỏi cửa. Một ngày nào đó, Isabel thực sự phải học cách nấu ăn thôi.
Đêm đó chị ngủ ngon, sáng hôm sau chị tỉnh dậy lúc tám giờ chứ không phải sáu giờ như dự định. Chị chồm ra khỏi giường và vội vã tới nhà tắm. Giờ chị phải lược bỏ phần cầu nguyện và ngồi thiền nếu không chị không bao giờ bắt kịp thời gian biểu nữa. Chị bật nước để rửa mặt, nhưng nước không ấm lên. Chị tất tả đi xuống tầng và kiểm tra chậu rửa. Tình hình cũng vậy. Chị tìm Marta để có thể nói với bà họ không có nước nóng nhưng khu vườn vắng tanh. Cuối cùng chị tìm cái card Giulia Chiara để lại.
“Vâng, vâng”. Giulia nói khi Isabel túm được cô ta. “Rất khó cho chị khi có quá nhiều việc cần làm ở đó. Ở ngôi nhà trong thị trấn, chị sẽ không phải lo những chuyện như vậy”.
“Tôi không chuyển vào thị trấn”, Isabel nói quả quyết. “Tôi đã nói chuyện với… ông chủ hôm qua. Cô vui lòng cố cho sửa chữa đường nước ổn định càng sớm càng tốt nhé?”
“Tôi sẽ xem có thể làm gì”, Giulia nói, vẻ miễn cưỡng rõ rệt.
*
Casalleone có một bức tường La Mã cổ, chuông nhà thờ điểm 15 phút một lần, và lũ trẻ ở khắp mọi nơi. Chúng gọi những đứa khác vào sân chơi và nô đùa gần mẹ dọc theo những con phố hẹp rải sỏi chạy ngang dọc như mê cung. Isabel rút card của Giulia ra và kiểm tra địa chỉ so với tấm biển. Dù tên phố hơi giống nhau, vẫn không giống hệt.
Một ngày đã trôi qua từ khi chị nói chuyện với nhân viên môi giới bất động sản và chị vẫn chưa có nước nóng. Chị đã gọi cho Anna Vesto, nhưng bà quản gia giả vờ không hiểu tiếng Anh và gác máy. Marta dường như mù tịt chuyện này. Theo thời gian biểu của Isabel, lúc này chị phải viết, nhưng vấn đề nước nôi làm chị rối bời. Bên cạnh đó, chị chưa có gì để viết cả. Mặc dù chị thường tuân theo kỷ luật riêng, chị lại dậy muộn sáng nay và chưa thiền, và những gì chị viết suốt hai ngày qua chỉ là những lá thư gửi bạn.
Chị đến gần một phụ nữ trẻ đang đi ngang một tiệm bánh nhỏ trong làng tay dắt đứa bé chập chững. “Scusi, signora.” Chị giơ cái card của Giulia ra. “Cô có thể cho tôi biết đường Via San Lino ở đâu không?”
Người phụ nữ bế đứa trẻ lên và vội vã lảng đi.
“Well, xin…xin lỗi”. Chị cau mày và đi về phía một người đàn ông trung niên trong chiếc áo khoác thể thao dúm dó với khuỷu tay vá. “Scusi, signore. Tôi tìm đường Via San Lino”.
Ông ta cầm card của Giulia, nghiên cứu một lát rồi săm soi Isabel. Với một tiếng nghe như tiếng chửi, ông ta cho cái card vào ví và nặng nề đi mất.
“Này!”
Người tiếp theo bảo chị “non parlo inglese” khi chị hỏi vị trí của đường Via San Lino, nhưng một người đàn ông trẻ trông như con ong trong chiếc áo phông vàng đã chỉ đường. Không may, chúng quá phức tạp tới mức chị kết thúc tại một kho hàng bỏ hoang trên con phố cụt.
Chị quyết định đi tìm cửa hàng rau với người bán hàng thân thiện mà chị gặp hôm qua. Trên đường tới quảng trường, chị vượt qua một cửa hàng bán giày và profumeria bán mỹ phẩm. Những bức màn ren che cửa sổ các ngôi nhà sắp hàng trên phố và đồ giặt khô treo thành hàng trên đầu. “Máy sấy Ý” hướng dẫn viên du lịch gọi dây phơi quần áo như thế. Bởi điện quá đắt đỏ, các gia đình không có máy sấy điện.
Mùi thơm dẫn chị tới một cửa hàng bánh ngọt nhỏ, nơi chị mua một chiếc bánh tạc nhân vả từ một cô gái khiếm nhã với mái tóc màu tím đỏ. Khi bước ra, chị nhìn lên trời. Những đám mây bông xốp trên cao nhìn như được in trên bộ đồ ngủ flannel màu xanh lơ. Đó là một ngày đẹp trời và chị không để một trăm người Ý kém thân thiện làm hỏng nó.
Trên đường lên quả đồi rải đá cuội tới cửa hàng rau, chị dừng ở một quầy bán báo có những tấm bưu thiếp in cảnh vườn nho, những cánh đồng hoa hướng dương lộng lẫy và những thị trấn Tuscany quyến rũ. Khi chị dừng lại chọn vài chiếc, chị thấy vài bưu ảnh in hình David của Michelangelo, hay ít nhất một bộ phận đầy ý nghĩa của bức tượng. dương v*t đá hoa cương của bức tượng chĩa thẳng vào chị, dù nhìn từ phía trước hay bên cạnh. Chị kéo một bức trên giá xuống để xem kỹ hơn. Bức tượng dường như có chút thay đổi nhỏ ở bộ phận sinh dục
“Có phải em đã quên béng mất cái đó nhìn thế nào rồi không, cô bé?”
Chị quay nghiêng quay ngửa thấy mình nhìn chằm chằm vào một cặp mắt kính khung thép cổ. Chúng thuộc về một thày tu mặc áo đen, cao ráo với bộ râu đen rậm rịt. Anh ta trông xấu xí khác thường, không phải vì bộ râu, dù nó cũng khó coi, mà chính là vết sẹo đỏ rực quanh rìa lởm chởm khiến làn da căng ra trên gò má, kéo khoé mắt xanh bạc trễ xuống.
Một đôi mắt xanh bạc quen thuộc.