[Bóng Tối & Ánh Sáng I] Tàn Sát

Chương 36: Quan Âm


Đọc truyện [Bóng Tối & Ánh Sáng I] Tàn Sát – Chương 36: Quan Âm

– Ông già mày mang cái gì vào trong lớp thế kia? -Lan nói bằng giọng chán nản. Cô đã chán lắm ông trưởng hội phụ huynh lớp 12A2.

Huy cũng chán không kém, nhưng anh ngại không muốn nói ra sợ bố anh buồn.

Ông Thuấn làm hội trưởng hội phụ huynh đã mấy năm nay. Thật ra thì giữ chức vụ đó cũng không có gì khó, chỉ cần có nhiều tiền là được. Về chuyện quán xuyến các công việc thuộc quyền hành của mình, ông Thuấn làm rất tốt, không có gì đáng trách. Nhưng ông hay tha lôi ở đâu đó về những bức tranh phong cảnh, tranh chép rẻ tiền, treo khắp lớp 12A2 để “bồi dưỡng tâm hồn cho các cháu”. Cô chủ nhiệm cũng như lũ học sinh, đương nhiên không thích cái kiểu trang trí lòe loẹt ấy nhưng vì sợ mất lòng ông Thuấn, chẳng ai nói gì.

Thằng Huy nhìn bức tranh bố nó mới đem tới. Nó không am hiểu đạo Phật, chỉ biết các hình người xiên xẹo in trên giấy kia là hình Quan Âm Bồ Tát. Huy quay sang hỏi Lan:

– Sao tự nhiên bố tao lại mang cái này về nhỉ?

Lan biết thừa câu hỏi của Huy chỉ là một lời cảm thán trước sở thích gàn dở của bố anh. Tuy nhiên, để tránh cho cuộc trò chuyện giữa hai người đi vào ngõ cụt, Lan lại phun ra một tràng kiến thức theo thói quen:

– Quan Âm tiếng Tàu đọc là “Kuan-Yin”, tiếng Nhật đọc là “Kannon”. Đây được coi là Nữ thần của Lòng từ bi, mang hình hài phụ nữ của Bồ Tát Avalokiteśvara và thường được tả là có nghìn cánh tay, mỗi cánh tay điểm một con mắt. Là người bảo trợ các bà mẹ, nên người ta thường cầu xin Quan Âm Bồ Tát trong những trường hợp không sinh đẻ.

Huy nghe rõ lời giải thích của Lan, nhưng anh không chú ý lắm. Dù là kẻ mù kiến thức tôn giáo nhưng Huy chắc rằng bức tranh ông Thuấn treo quá ư là xấu xí. Bức tranh rất to, to bằng người thật nên Huy dễ dàng quan sát được từng đường nét của nó. Đương nhiên nó không phải lại tranh cổ mà chỉ là tranh in lem luốc. Vị Quan Âm trong tranh không có nghìn tay, mà đang bế theo một đồng tử. Nét mặt của một đấng đại từ đại bi lẽ ra phải hiền hòa, cảm thông thì đôi mắt lại quắc lên như giận dữ. Huy dí sát mắt vào nhìn, thấy những ngón tay của Quan Âm dài như vuốt lang sói.

– Nhìn chả giống Quan Âm Bồ Tát, trông cứ như yêu quái chuẩn bị ăn thịt thằng bé kia! -Huy tặc lưỡi. -Mà cũng không giống thằng bé nữa, giống lợn lai chó!

Câu nói của Huy khiến Lan bắt đầu để ý bức tranh kỹ hơn. Công nhận Huy nói đúng. Màu sắc trong tranh quá mức rực rỡ, chủ yếu dùng hai màu đỏ và đen. Hai nhân vật trong tranh, một bên thì mặt mũi tà ác, một bên thì giống súc vật. Ai đó vẽ ra bức tranh này chắc hẳn có ác tâm muốn báng bổ thần thánh.


Lan ghé tai Huy nói nhỏ:

– Mày bảo bố mày mang tranh này về mà treo, chứ để đây tao thấy rùng rợn thế nào ấy.

– Thôi đi! Sao mày khôn thế? -Huy giãy nảy lên. -Nhà bố tao thì cũng là nhà tao! Mày kêu tao mang cái tranh này về chắc đêm tao không dám đi đái mất!

Lan không nói gì thêm, cô lo âu nhìn bức tranh một lần nữa. Trong tích tắc, Lan thấy hình như đôi mắt của Quan Âm trong tranh hình như vừa quắc lên liếc cô để cảnh cáo.

Không chỉ Lan và Huy, mà cả lớp 12A2 đều thấy bức tranh kia rất xấu và đáng ghê tởm. Ông Thuấn sống quá nửa đời người, lại làm ăn buôn bán, sao lại không phân biệt được xấu đẹp, chính tà mà rước cái của ấy về treo? Nhưng thói xấu của người Việt Nam là không chịu góp ý thẳng thật đã ăn sâu vào máu nhiều người nên chẳng ai dám lên tiếng.

Từ hôm có bức tranh Quan Âm độc ác treo trong lớp, học sinh cũng như giáo viên các môn đều thấy một luồng năng lượng quái dị bao phủ quanh mình. Huy cảm nhận được điều này rất rõ, và anh một mực cho rằng bức tranh xấu xí báng bổ kia chính là nguyên nhân. Lan – người nặng đầu óc khoa học cũng bắt đầu nghi ngờ bức tranh đang gây ra những tác động xấu cho lớp 12A2. Mùa đông, mọi người hay mua xôi giấu trong hộc bàn để giờ ra chơi ăn sáng. Lan cũng không nằm ngoài số đó. Sáng nay, cô cũng mua xôi ở cổng trường. Hộp xôi thập cẩm thơm nức mùi chả quế kho, pate, gà sả ớt. Nhưng mới vào lớp được vài phút, mùi chua thối đã bốc ra từ trong hộp xôi mặn. Khi mở ra, Lan thấy phần ăn sáng của cô đã bị hỏng. Mùi thối xộc lên làm Lan suýt lộn mửa. Lan mất ăn, nhưng bọn dòi bọ trong hộp xôi lại có một bữa no nê.

Ngoài Lan ra, mấy đứa khác trong lớp cũng gặp chuyện quái dị. Thằng Lân mang theo mấy quả trứng gà công nghiệp để giờ Hóa đem đi làm thí nghiệm. Ai ngờ, chưa đến giờ ra chơi, năm quả trứng đã biến mất. Lân giục cả lớp đi tìm, bởi không có trứng thì không làm được bài, không làm được bài thì cả lớp bị điểm kém. Tìm mãi chẳng thấy đâu, thằng Lân thở dài nhìn bức tranh Quan Âm, hỏi bức tranh bằng giọng xấc xược:

– Quan Âm có ăn trứng của bọn này không đấy?

Tức thì, một dòng chất lỏng vàng chảy ra ở đôi môi đỏ như máu của Quan Âm. Bọn học sinh giật mình bu kín lấy bức tranh. Thy – đứa con gái gan nhất lớp lấy tay quệt quang môi vị Bồ Tát trong tranh và sửng sốt kêu lên:


– Lòng… lòng đỏ trứng gà chúng mày ơi!

Một lần khác, lớp trưởng Đông mang đến lớp một chai thuốc diệt côn trùng vì mấy hôm liền anh thấy gián bò lổm ngổm quanh bức tranh Quân Âm. Mặc dù thấy cái tranh ấy rất ghê tởm, Đông vẫn phải làm vệ sinh cho nó. Việc xịt thuốc vào tranh có thể làm hỏng tranh, nhưng Đông lại thầm mong chuyện đó xảy ra. Anh đã chán ngấy cái tranh vừa xấu xí vừa kinh dị này. Nếu bây giờ Đông xịt thuốc vào đúng hai bộ mặt thú vật tà ác trong tranh, không biết có kết quả gì không? Nghĩ thế, Đông nín thở, cầm bình xịt xịt thẳng vào gương mặt độc ác của Quan Âm.

Bức tranh không hỏng, nhưng hành động của Đông không khác nào chọc điên con quỷ đang ẩn trong tranh. Anh chợt thấy sống lưng mình lạnh buốt như đang ngủ trên một khối băng tuyết và da anh thì trơn nhớt, ngứa ngáy như kẻ bị ghẻ lở. Từ phía sau bức tranh, một đàn gián, rết nhện đủ kích cỡ, màu sắc, hình dạng và chủng loài bò ra như đoàn người di cư trước khi núi lửa phun trào. Cảnh tượng hãi hùng ấy khiến Đông sợ chết khiếp, tưởng chừng như anh có thể chết đi vì kinh hoàng.

Ngoài những chuyện đó ra, những hiện tượng lạ lùng vẫn liên tục tiếp diễn. Học sinh trong lớp thỉnh thoảng bị chảy máu mũi hoặc hai lỗ tai. Giáo viên tìm mãi không thấy sổ đầu bài. Sách vở, đồ đạc bị thay đổi vị trí khi trong lớp không có ai. Tranh ảnh (ngoại trừ bức tranh ma quái kia ra) bị tráo chỗ hoặc xoay lệch về hướng tranh Quan Âm. Mỗi sáng đến lớp, mọi người đều ngửi thấy mùi thối bốc ra từ phía bức tranh. Có khi lại là một vệt máu dài chảy ra, kéo dài hàng mét. Trong lớp lúc nào cũng phảng phất mùi tử khí lạnh lẽo, đầy đe dọa.

Ngần ấy chuyện đáng sợ xảy ra khiến lớp 12A2 dần chìm vào trong không khí tang tóc dù chẳng có ai chết. Chính xác hơn là chưa có ai chết. Vì mặt đứa nào đứa nấy trông chẳng khác nào những con bệnh nằm liệt giường chờ tử thần tới cướp đi sinh mạng. Những hố mắt trũng sâu, những làn da bủng beo bệnh tật càng ngày càng nhiều. Cô chủ nhiệm Hằng cũng phải thốt lên trong buổi sinh hoạt cuối tuần:

– Chuyện gì thế này? Cô biết là các em là học sinh lớp 12, chỉ mấy tháng nữa là thi cử. Nhưng các em phải biết giữ sức khỏe chứ? Một hai đứa ham học quá cô còn hiểu được chứ cả lớp đều như xác ve là sao?

Cả lớp im lặng không buồn trả lời. Biết giải thích thế nào bây giờ? Chẳng lẽ lại nói với một cô giáo dạy môn Vật lý rằng “bọn em sợ ma đến mất ăn mất ngủ”? Nhưng Huy, chính Huy cũng không chịu nổi tà khí phát ra từ bức tranh nữa. Anh đứng phắt dậy, không chờ sự cho phép của cô Hằng cũng như sự đồng thuận của bè bạn, phun ra hết những sợ hãi, lo âu một tháng nay.

Cô Hằng không biết phải giải thích những hện tượng kỳ lạ đó như thế nào. Chính bản thân cô cũng từng nghe kể rằng bảy năm trước, trường này phát hiện ra một xác chết nữ sinh mang thai bị giấu trong tường nhà vệ sinh. Người phát hiện là một nam sinh mất tích suốt bốn mươi chín ngày đột ngột trở về. Trong đời, cô Hằng hiếm khi bận tâm đến chuyện ma quỷ, chỉ có khi nào nghe người ta kể bằng giọng nửa âm nửa dương, cô mới đặt dấu hỏi ràng liệu có ma không?

Suy nghĩ hồi lâu, cô Hằng bèn bảo:


– Cô không phải người duy tâm. Nhưng nếu các em thấy sợ qua thì đem bỏ bức tranh ấy đi. Tốt nhất là đem chôn thật kỹ, thật kín. Và nhớ là đừng cho ai biết chuyện này, nếu hở ra cô sẽ bị kỷ luật mất.

Chẳng cần cô Hằng dặn, rất nhiều học sinh các lớp kế cận đã biết đến sự tồn tại bất thường của “con quỷ đội lốt Quan Âm lớp 12A2”. Chúng đồn thổi nhau những chuyện có thật lẫn điêu toa. Không khí sợ hãi đang dần lan ra toàn trường. Nếu việc chôn bỏ bức tranh có tác dụng, thì nỗi kinh sợ sẽ tan đi rất mau, trả lại sự yên bình cho lũ học sinh lớp 12 an tâm ôn thi.

Thế là ngay cuối giờ học, mấy đứa học sinh hè nhau nhấc bức tranh ra khỏi tường. Vì khung gỗ của tranh khá nặng, nên những thằng lực lưỡng, đô con nhất lớp nhận nhiệm vụ gỡ tranh Quan âm ra. Khôi – một trong bốn đứa phải tháo khung tranh thốt lên:

– Tranh chảy máu kìa!

Đúng là tranh chảy máu thật. Máu đen đặc rỉ ra từ mắt, mũi và miệng Quan Âm. Máu còn chảy ra từ bón góc khung tranh. Mùi hôi thối xộc lên nồng nặc như thể trong phòng có một xác chết đuối để lâu ngày không đem chôn. Thối đến độ vài ba đứa khác phải chảy nước mắt nước mũi.

Cái tin lớp 12A2 phá tranh Quan Âm quỷ ám được lan truyền đi rất nhanh. Học sinh lớp khác, cả những đứa biết rồi lẫn bọn chưa biết gì chỉ vì hiếu kỳ mới kéo nhau đến xem bu kín đặc như kiến bu mồi trước cửa lớp 12A2. Tuy nhiên chẳng có ai đứng được lâu vì mũi học bị tra tấn bởi mùi thối bốc ra từ trong tranh. Bức tranh quái dị mỗi lúc mỗi thối khắm hơn. Vài đứa trong lớp xanh mặt, cúi người ôm bụng nôn thốc nôn tháo.

Đột ngột tất cả cửa sổ trong lớp bật tung ra. Gió thổi ùa vào như một trận cuồng phong cuốn theo rác rến và lá khô. Hơi lạnh buốt khiến gần bốn mươi mạng trong lớp nổi da gà da vịt. Rồi liền kề sau đó là những tiếng rầm rầm nối tiếp nhau. Cửa sổ lẫn cửa ra vào lần lượt đóng hết lại như thể trong lớp có cả một đội quân vô hình chỉ chờ lệnh là đồng loạt sập cửa.

Một vài đứa vội chạy ra dùng thân mình húc vào cửa. Mấy cái cửa ọp ẹp, thường ngày chỉ chực chờ gãy bản lề rơi xuống đất thế mà giờ này nhất định không di chuyển một li. Tất cả mọi người trong lớp đều nhận ra đây là một tình huống nghiêm trọng. Bức tranh đang nổi điên. Đúng hơn là con quỷ trong tranh đang phát rồ lên vì bị đuổi khỏi đây. Và để chứng minh cho suy nghĩ của Huy, những bức tranh phong cảnh trên tường bất chợt đồng loạt rơi xuống đât. Mảnh thủy tinh từ khung tranh vỡ vụn, bắn tung tóe.

Lúc ấy, ở bên ngoài lớp, có cỡ hai mươi đứa học sinh đang bàn ra tán vào. Một thằng nhóc có đôi tai vểnh như tai dơi hỏi một câu vu vơ:

– Bọn nó phá tranh Quan Âm thế thì có bị trừng phạt không nhỉ?


Đứa con gái thấp lùn đáp:

– Cái tranh đấy mà bảo là tranh Quan Âm mới là báng bổ! Đứa nào vẽ ra cái tranh đấy ắt ẳn có thù với đạo Phật!

Một đứa khác tiếp lời, nhưng câu nói của nó không ăn nhập gì với đề tài đang được đem ra bàn luận:

– Sao bọn 12A2 im bặt thế? Hay là…

Hay là có chuyện gì rồi? Cả bọn đưa mắt nhìn nhau.

Thằng tai dơi đưa tay bịt mũi, rồi nhìn bạn bè một lượt nữa. Nó lấy hết can đảm giơ chân đạp mạnh vào cánh cửa.

Trong lớp chỉ còn một cô gái đang ngồi với tư thế kiết già và tay bắt ấn. Trên mình cô ta vẫn còn mặc nguyên bộ đồng phục nhưng máu dính bê bết. Thằng tai dơi thốt lên:

– Chị Lan! Chị Lan phải không? Sao lại…

Người ngồi giữa lớp đúng là Lan. Xung quanh cô ngổn ngang bàn ghế và những bức tranh phong cảnh bị vỡ khung. Những người khác đã biến mất.

Trên mặt Lan nở một nụ cười quái dị. Rồi cô bỗng phá lên cười sằng sặc, miệng không ngớt chửi rủa bằng thứ giọng rè rè như loa phường.

Sau lưng Lan, bức tranh ma quái đã được treo vào chỗ cũ. Nhưng hình ảnh Quan Âm lẫn đồng tử trong tranh không còn nữa.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.