Đọc truyện Bóng Hoàng Hôn – Chương 2
Biệt thự Lê Viên, nằm bên bờ hồ Bích đầm, với vườn hoa rộng lớn bao bọc chung quanh.
Trúc Phượng do dự đứng ngoài đôi cổng lớn. Nhà giàu ngay cánh cổng cũng khác. Đôi cột tròn màu son thật cao, với tấm biển thếp vàng có hai chữ “Lê Viên” nét thảo như rồng bay phượng múa. Đứng ngoài cổng thôi cũng thấy khớp. Phượng nhìn lại mình – Áo quần vải thô mà mặc cảm. Nhưng mà… hôm nay Phượng là khách mời của con gái chủ nhân cơ mà… Và như vậy bất cứ giá nào Phượng cũng phải vào đấy.
Phượng cố lấy lại bình tĩnh. Rồi đưa tay lên bấm chuông. Rất lâu có lẽ trên năm phút, Phượng mới nghe tiếng chân bước ra rồi cổng mở.
Nhưng Phượng chợt giật mình, vì người mở cổng cho nàng chẳng ai khác hơn là Bội Quân, người mà hai hôm trước nàng đã đối đầu ở thư viện, điều đó khiến Phượng ngượng ngùng. Nàng thấy tiếc là đã không hẹn cùng Lê Văn đến một lúc.
Bội Quân không nói gì cả, chỉ ra dấu mời Phượng vào trong, Phượng cố nở nụ cười rồi bước vào. đôi cổng sắt sau lưng đã đóng lại
Trước mặt Phượng là một khu vườn rộng lớn. Rừng cây gần như che khuất cả tòa biệt thự, hèn gì Quân chẳng lâu ra mở cửa.
Nghĩ tới Quân, bất giác Phượng quay nhìn ra sau. Quân đang lặng lẽ đi cách nàng có mấy bước, điều đó làm Phượng lúng túng hơn.
– Cảm ơn anh đã ra mở cửa cho tôi.
Phượng nói, Quân giải thích:
– Vì tất cả công nhân đều bận việc ở vườn cây ăn quả phía sau, nên chẳng ai nghe chuông reo cả.
– Khu vườn này rộng lớn quá!
Phượng kiếm chuyện nói để cho không khí bớt ngỡ ngàng:
– Thế này tối đến… chắc đáng sợ lắm!
Nhưng Quân lắc đầu:
– Tôi thì không thấy sợ, vì chỉ có những vùng ngoại ô như vầy, mới có được nhà cửa rộng rãi. Tôi thích cái tĩnh mịch của nó.
Trúc Phượng chợt hỏi:
– Thế anh Lê Văn đến chưa?
Nhưng Quân không đáp ngay mà nói:
– Cho tôi xin lỗi chuyện hai hôm trước nhé!
Phượng dừng chân lại, nghi ngờ nhìn Quân. Anh chàng có thật tình không? Nhưng Phượng cũng nói:
– Hôm ấy tôi cũng không phải. Nhưng mà bỏ qua chuyện đó đi, đừng nhắc đến nữa. À, còn Bội Hoàng đâu rồi?
Quân nhìn Phượng như thăm dò, rồi nói:
– Hoàng và Lê Văn đã đi bơi thuyền trên hồ Bích đầm, chắc còn lâu lắm họ mới quay về.
– Vậy à?
Phượng nói mà cảm thấy thất vọng. Tại sao họ lại không chờ nàng.
– Vâng – Bội Quân nói – Nếu bây giờ cô muốn tìm họ, thì để tôi đưa đi.
– Thôi khỏi. Phượng đáp. Họ đã cố tình bỏ nàng thì đi tìm họ làm gì? để làm cái bung xung ư? – Tôi sẽ chờ họ một chút, nếu không được, tôi về trước thôi.
Hai người đi vào phòng khách. Căn phòng rộng lớn được bài trí theo kiểu xưa. Bộ trường kỷ bằng cẩm lai điêu khắc tỉ mỉ nằm giữa phòng. Gần đấy cũng có một bộ salon nệm, nhưng thiết kế cũng không trái mắt với cách bày trí trong phòng. Trúc Phượng ngồi xuống ghế, im lặng.
Bội Quân nói:
– Nghe Bội Hoàng khen cô là vui tính nhưng sao thấy cô ít nói vậy?
Trúc Phượng bào chữa:
– Chuyện đáng thì nói không thì thôi, chứ bằng không người ta lại chê là mình lắm mồm.
Phượng nói, chứ thật ra từ lúc đến đây, nghe tin Lê Văn và Bội Hoàng bỏ đi không chờ, Phượng đã mất hết thích thú. Quân nhìn Phượng, ánh mắt anh chàng không lạnh như hôm trước:
– Chứ không phải cô không thích nói chuyện với tôi ư?
– Không phải đâu. Phượng lắc đầu nói – Mà anh cũng là con người ít nói, tôi nghĩ hẳn anh cũng không thích ai nói nhiều.
– Tại cô nghĩ như vậy. Quân cười – Khi gặp người mình thích, tôi cũng nói nhiều lắm đấy chứ. Nhưng cô biết không tôi cô độc, vì ít có người chịu tiếp xúc với tôi.
Thái độ thành thật của Quân làm Phượng kinh ngạc:
– Đó là tại anh. Anh nhiều lúc làm như lạnh lùng xa cách. Người ta nghĩ là anh cao ngạo, nên không muốn gần.
– Vậy à? Quân chau mày – Cả cô cũng nghĩ như vậy?
Trúc Phượng gật đầu:
– Không phải chỉ có tôi mà cả anh Lê Văn cũng cho như thế.
– Tôi không cần Lê Văn, tôi chỉ muốn biết ý kiến của cô thôi.
Trúc Phượng suy nghĩ:
– Tôi à?… Hình như tôi hơi sợ anh.
– Sao vậy?
Bội Quân hỏi rồi không đợi Phượng đáp, nói:
– Thôi để tôi vào lấy nước giải khát cho cô, nước trái cây nhé?
Trúc Phượng có ngăn cũng không kịp, Quân đã bỏ đi vào trong. Phượng thấy Quân cũng không hẳn là khô khan lắm.
Một lúc Quân mang hai ly nước màu cam ra:
– Nước đu đủ, tôi mới xay đấy.
Trúc Phượng đỡ lấy ly nước, liếc nhanh về phía Quân. Anh chàng khi ở nhà ăn mặc khá giản dị. Thái độ có vẻ bình dân hơn. Phải chăng vì vậy mà Phượng thấy gần gũi hơn?
– Anh có biết tại sao hôm nay Bội Hoàng rủ chúng tôi đến đây không?
– Không nghe nó nói. Quân đáp – Không lẽ không có chuyện gì rồi rủ lại không được à?
Phượng đỏ mặt, thật ra Phượng muốn thăm dò chuyện của Hoàng với Lê Văn. Phượng nói:
– Không phải, nhưng tại tôi thấy kỳ kỳ. Làm bạn với Hoàng mấy năm nay, nào thấy nó mời đến nhà chơi đâu. Chợt nhiên rồi hôm nay… tôi tưởng là có lễ lộc hay sinh nhật gì đó.
– Không có.
– Vậy à? Trúc Phượng nói rồi nhìn vào đồng hồ – Chắc họ cũng sắp về đến rồi.
Quân gợi ý:
– Trong lúc chờ đợi, nếu Phượng đồng ý, tôi muốn được đưa Phượng ra sau vườn tham quan.
Chẳng có cách nào khác hơn để giết thời giờ, Phượng gật đầu. Thế là hai người đi ra vườn cây ăn quả. Nơi đây rộng lớn. Vườn cây gần như chiếm cả quả đồi, với rất nhiều loại cây, Quân vừa đi vừa giải thích:
– Bên mặt là vườn quýt, bên trái là vườn lựu, phía dưới một chút trồng nho, bưởi và lê…
– Thế khi đến mùa thu hoạch thì sao? Anh mướn người hái?
– Vâng. Nhưng ở gần đây có một cô nhi viện. Trẻ con ở đấy nhiều lắm, tôi nhờ chúng phụ giúp trả lương rồi một phần cho chúng.
– À!
Phượng hiểu ra. Sự thật Phượng biết, gia đình họ Lê này giàu có nức tiếng ở thành phố. Dĩ nhiên chuyện thu hoạch hoa quả trong vườn không phải là mối thu nhập chính của họ. Quân làm thế, như một công tác từ thiện thôi. Vậy thì anh chàng này đâu phải lạnh hoàn toàn. Trái tim anh ta vẫn nóng.
– Anh làm vậy sẽ được phúc.
Phượng nhận xét. Quân cười nhạt:
– Để được phúc mới làm vậy ư? Không, đấy chỉ là niềm vui thôi.
Quân nói nửa đùa nửa thật. Và cả hai đã đi một vòng khắp khu vườn. Khu vườn rộng quá. Chưa giáp vòng mà đôi chân Phượng đã mỏi, nhưng khi về đến phòng khách, Lê Văn và Bội Hoàng lại chưa về tới.
Và cái cảm giác lạc lõng vừa tạm quên ban nãy lại trở về với Phượng. Quân như hiểu ý nói:
– Thôi cô ngồi đây, để tôi cho người ra hồ Bích đầm gọi họ về.
Rồi Quân đứng dậy bỏ đi. Trúc Phượng ngồi một mình trong phòng khách, bắt đầu có thời gian để ngắm mọi thứ. Giống như những tòa biệt thự lớn khác, cái không khí ở đây nó có vẻ âm u thế nào đấy. Cây cối che cả nắng, cửa sổ lúc nào cũng phủ màn, đèn không mở. Rồi những trang thiết bị trong nhà, những bàn ghế gỗ… Phượng thắc mắc sao không trang trí bằng những vật dụng hiện đại có phải là khung cảnh sẽ sáng sủa hơn không?
Bên ngoài hình như có tiếng cười. Tiếng cười của Hoàng và Lê Văn. Vậy là họ đã về đến nơi. Trúc Phượng nghĩ đến họ mà cảm thấy bực dọc. Nàng đứng dậy tiến đến bên cửa sổ, để rồi chứng kiến cảnh Lê Văn nắm tay Bội Hoàng vừa đi vừa cười nói. Họ rất vui, rất hạnh phúc. Như vậy có nghĩa là… đã có tình yêu ư?
Phượng tiếc một điều, phải chi mình biết tàng hình…
Ngay lúc đó, Lê Văn cũng đã trông thấy Phượng:
– Ồ, Phượng đến rồi à?
Bội Hoàng nghe vậy, vội buông tay Lê Văn ra. Họ đi vào nhà, Hoàng phân bua với Phượng:
– Bọn này chờ bồ lâu quá, tưởng là bồ không đến nên mới kéo nhau ra bờ hồ.
Trong khi Lê Văn nói:
– Phượng đến được bao lâu rồi? Vẫn ngồi trong nhà thôi sao?
Phượng cố làm ra vẻ tự nhiên.
– Cũng mới đến không bao lâu. Anh Quân đưa mình đi tham quan vườn cây ăn trái ở sau nhà… À, hình như anh ấy cho người gọi quý vị về đấy phải không?
Lê Văn cười, nụ cười thật tươi:
– Bọn này về một mình đấy. Vậy là họ đi tìm trật rồi.
Bội Hoàng quay người đi.
– Vậy để tôi ra cho người đi tìm anh Quân.
Rồi Hoàng bỏ đi ra ngoài. Dù gì Hoàng cũng là con gái nên cảm nhận ra sự khó chịu của Phượng ngay. Lúc đó Lê Văn vẫn bình thản nói:
– Đến Bích đầm đã mười mấy lần, nhưng chỉ có lần này là vui nhất thôi. Mà cũng thật bất ngờ… Bội Hoàng có vẻ liễu yếu đào tơ như vậy mà bơi thuyền hay lắm nhé.
Trúc Phượng ngồi yên chỉ cười. Lê Văn lại tiếp:
– Phượng nói đúng đấy, muốn biết rõ một người không gì bằng tiếp xúc trực tiếp với người ấy. Như Hoàng đấy! Lúc đầu thấy cô ta vừa cao ngạo, vừa lạnh, mình không có cảm tình. Vậy mà bây giờ…
Trúc Phượng cắt ngang:
– Dễ thương quá phải không?
Lê Văn thú nhận.
– Trúc Phượng, phải nói một điều là từ nào đến giờ tôi chưa gặp được cô gái nào giống như Hoàng. Cái mẫu người như cô ấy thật là khó tìm, nhất là trong thời đại này. Quen với cô ấy rõ là vinh hạnh.
Trúc Phượng hơi ngượng:
– Tại sao anh đem chuyện đó ra nói với tôi?
– Có gì đâu. Tôi xem Phượng như bạn, nên muốn biết ý kiến của Phượng thế nào?
– Có nghĩa là… anh muốn làm thân với cô ấy?
Lê Văn chưa kịp nói thì nghe có tiếng động bên ngoài.
– Thôi để khi khác, cô ấy vào rồi kìa.
Văn nói. Lúc đó Hoàng và Quân đã xuất hiện ở cửa. Hai anh em đều có vẻ rất vui, Phượng làm ra vẻ tự nhiên:
– Ồ! Làm anh Quân mắc công quá phải không?
Quân nhìn Phượng không đáp, trong khi Hoàng hỏi:
– Sao? Quí vị đói rồi phải không? Kiếm cái gì ăn nhé?
Hoàng hỏi, mà mắt chỉ nhìn về phía Lê Văn, rồi cô nàng vội vã đi vào trong… Thái độ của Hoàng hôm nay khác hẳn những ngày cũ. Còn lại ba người, nhưng Quân không ở lâu. Hình như Quân không thích sự hiện diện của Lê Văn lắm. Quân quay qua nói với Phượng:
– Thôi, cô Phượng ngồi chơi nhé. Tôi hơi bận, bài vở còn nhiều quá.
Rồi Quân bỏ đi vào trong. Bây giờ phòng khách chỉ còn lại hai người. Lê Văn nói với Phượng:
– Cái anh chàng này lạ thật. Làm như có điều gì không vui?
Ngay lúc đó Hoàng đã ra tới, sau lưng là một cô gái khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, đang bưng thức ăn. Hoàng đã nghe Văn nói, nên đính chính:
– Không phải có điều gì không vui đâu. Tính ông ấy từ nào đến giờ như vậy đó. Vả lại, năm nay ông ấy rất bận phải viết cả luận văn tốt nghiệp.
Mâm thức ăn vừa mang lên có mấy cái bánh ngọt, mà tính Phượng từ nào đến giờ không thích thức ăn ngọt, nên không ăn. Hoàng không hiểu tưởng là Phượng làm khó nên tỏ ra khó chịu:
– Không ăn gì cả sao?
Hoàng hỏi, Phượng đáp:
– Cái dạ dày của tao yếu lắm, ăn thức ăn ngọt hay bị ợ chua.
– Chứ không phải chê à?
Hoàng hỏi, Lê Văn chen vào:
– Chắc tại cô ấy không thích ăn ngọt đấy.
– Làm sao anh cũng biết?
Hoàng sa sầm nét mặt. Lê Văn phải phân trần:
– Buổi trưa tôi thường dùng cơm chung với Phượng ở câu lạc bộ sinh viên trong trường. Tôi để ý thấy, nhưng mà… nếu cô ấy không ăn thì cũng tốt thôi, tôi có nhiều phần hơn.
Lê Văn bông đùa, nhưng Hoàng lại nói:
– Anh có vẻ lưu ý kỹ quá nhé.
Lê Văn chỉ cắm đầu ăn, không để ý điều Hoàng nói, chỉ có Phượng là kém vui. Biết vậy hôm nay Phượng đã không đến, mãi cho đến lúc Văn ăn đến chiếc bánh cuối cùng, Hoàng như cảm thấy thái độ mình ban nãy có hơi quá đáng, nên nói:
– Những món này ăn cho vui thôi, không ăn cũng không sao, để dành bụng tí nữa ăn cơm cũng tốt.
Nhưng Trúc Phượng đột ngột lắc đầu:
– Chắc không được đâu. Mình hôm nay bận, không thể ở lại dùng cơm tối được… Cái bọn học trò kèm lúc hè qua lại đến kiếm mà mình lại không thể từ chối.
Lê Văn kêu lên:
– Ồ, Trúc Phượng, hôm nay cô làm gì kỳ vậy? Chẳng giống Trúc Phượng ngày thường tí nào.
Trúc Phượng cười:
– Tại mình lỡ nhận lời Hoàng, nên mới đến đây. Bây giờ ở chơi cũng khá lâu. Về cũng được rồi, phải không Hoàng?
– Mình thì… Hoàng nói. Thật ra thì Hoàng thấy sự hiện diện của Phượng cũng không cần thiết, nên tiếp – Nếu bồ bận thì về trước, nhưng sự vắng mặt của bồ rõ ràng hôm nay sẽ kém vui.
– Chuyện đó thì chưa chắc.
Trúc Phượng hàm ý nói, rồi đứng dậy.
– Thôi bây giờ xin phép. Mình về đây.
– Để tôi đưa cô về!
Có tiếng đột ngột của Bội Quân làm tất cả bất ngờ. Vì Quân đã bảo là về phòng riêng làm bài cơ mà.
– Không cần thiết lắm anh ạ, như vậy phiền anh.
Trúc Phượng nói, nhưng Quân đã bước ra.
– Không có gì gọi là phiền cả.
– Vậy thì ta đi.
Rồi Phượng chào Hoàng và Lê Văn, bước ra ngoài.
Quân theo sau, gần như chỉ để tiễn Phượng. Họ đi ra khỏi cổng. Khu vực này rất vắng, con lộ đã ngoằn ngoèo trải dài. Cả hai đang yên lặng bước.
Quân chợt hỏi:
– Phượng cũng nào có bận việc gì, phải không?
Phượng giật mình, không ngờ Quân lại tinh tế như vậy.
– Tôi biết, cô không bận gì cả, chẳng qua cô chỉ muốn bỏ về thôi…
Phượng yên lặng, Quân lại tiếp:
– Cô không nghĩ là… sự bỏ về như vậy của cô cũng khiến người khác thấy lúng túng ư?
Phượng cười:
– Tôi không nghĩ là chuyện bỏ đi của tôi lại làm cho Lê Văn hay Bội Hoàng lúng túng. Và tôi nghĩ là nếu anh ở trong trường hợp của tôi, anh hẳn cũng xử trí như vậy.
Quân chợt lắc đầu nói:
– Con Hoàng nó ngu lắm, nó không thấy là Lê Văn chẳng hợp với nó.
Phượng phản kháng:
– Tại sao anh lại nói vậy? Hoàng có nhận xét riêng của cô ấy. Anh đâu thể nhận xét dùm.
– Cô có lý. Quân suy nghĩ rồi nói – Tôi nói vậy, chẳng qua vì tôi không có cảm tình với Lê Văn.
Trúc Phượng không hiểu sao lại nói:
– Lê Văn cũng tốt, có điều hơi trẻ con và tự tại một chút.
– Cô biết rõ vậy? Cô quen với anh ta lâu chưa?
– Không cần phải tiếp xúc lâu mới biết. Trúc Phượng đỏ mặt nói – Chuyện đó có khi chỉ nhìn qua cũng cảm nhận được. Có người họ thâm trầm hơn.
– Thâm trầm?
– Vâng, họ sâu như một cái giếng mà ta khó mò tới, chẳng hạn như anh.
– Vậy à? Quân cười. Nụ cười cũng khá đặc biệt. – Vậy cô có định nghiên cứu cái giếng đó không?
– Không – Phượng lắc đầu nói, bởi vì giữa hai người dù gì cũng còn quá xa lạ – Tôi là con người không có tính kiên nhẫn, tôi cũng chưa hề có ý định đó.
Quân nhìn Phượng, thấy ngay cái tránh né của Phượng:
– Cô Phượng, cô là người hết sức thông minh.
Họ đã ra tới xa lộ. Ở đây không khí ồn ào hẳn. Quân đưa Phượng tới tận trạm xe buýt, Phượng nói:
– Cám ơn anh đã đưa tôi ra đến đây.
– Tất cả nhờ câu chuyện của cô dẫn đường đấy.
– Anh coi chừng… anh có thể bị thất vọng.
– Vậy à?
Rồi xe buýt đến. Trúc Phượng vừa định leo lên xe. Quân chợt nắm lấy tay Phượng:
– Cô rồi sẽ quay lại đây lần nữa không?
Phượng đáp bừa:
– Chắc có.
– Vậy thì cảm ơn.
Rồi Quân buông tay Phượng ra. Phượng leo lên xe:
– Chào anh nhé!
– Vâng, chào cô!
Rồi Quân không đợi xe chạy, quay người lầm lũi bỏ đi. Phượng có cái cảm giác như vừa hụt hẫng một cái gì đó.
Về đến nhà, Phương cố giữ thái độ tự nhiên. Bà Thục Trinh đang chuẩn bị nấu ăn, thấy con gái về, có vẻ ngạc nhiên:
– Ồ sao về sớm vậy? Nghe nói là bạn bội Hoàng của con mời cơm con mà?
Phương nói dối:
– Chương trình đã thay đổi vào giờ cuối vì… Hoàng không đươc khỏe mẹ ạ.
– Vậy và? nhưng đã lỡ mời người ta… bà Thục Trinh nói – Ồ, dân nhà giàu cách xử sự của họ có khác.
Trúc Phượng xoay chiều câu chuyện.
– Ồ mẹ… em Xuân Kỳ con đâu rồi?
Bà Thục Trinh đáp:
– Nó đang đọc sách trong phòng dấy, con tìm nó có việc gì?
– Không có gì, tại thấy vắng hỏi thôi. Trúc Phượng nói – À chuyện nấu nướng mẹ để đó cho con. Con thay áo xong sẽ ra ngay.
Trúc Phượng đi vào phòng. Nãy giờ Xuân Kỳ đã nghe chị đối đáp với mẹ, thấy Phượng vào, nhìn lên.
– Chị định tìm em?
– Không có. Chị tưởng là em đã đi chơi bóng rổ.
– Năm học này khá bận, có thì giờ đâu mà chơi bóng. Kỳ vừa gãi gãi đầu vừa nói – năm nay em cố tập trung học, để tạo căn bản cho sang năm.
Trúc Phượng kéo màn lại thay áo, nói vọng ra:
– Chi tin là em sẽ thành công.
– Nhưng mà…
– Sao? Có chuyện gì? Em cần tiền mua sách phải không?
– Không phải. Xuân Kỳ ngần ngừ một chút nói – Hôm qua đi học về, em thấy chị đi cạnh anh Lê Văn.
– Lê Văn? Trúc Phượng đỏ mặt – Em cũng biết anh ấy nữa à?
– Em biết, nhưng anh ấy thì lại không biết em. – Xuân Kỳ cười nói – Lúc còn học ở trung học, anh ấy là một nhân vật khá nổi tiếng nên lúc học cấp II em đã nghe tên anh ấy.
– Vậy hả? Trúc Phượng làm ra vẻ thản nhiên – vì năm nay anh ấy học chung với chị.
– Chị phải coi chừng anh ấy – Xuân Kỳ lại ngập ngừng một chút nói – Anh ấy là một con người đào hoa, đa tình. Ở ngay trung học đã có rất nhiều bạn gái.
– Vậy à? Trúc Phượng chau mày – thỉnh thoảng chị đi chung đường với Lê Văn thôi. Mà chị thấy thì ngoài cái tật hay giỡn hơi ồn ào ra, anh ấy có vẻ cũng thật thà, chớ đâu đến đỗi nào.
Thái độ Xuân Kỳ nghiêm nghị:
– Tại chị không biết, trong thời học trung học, anh Lê Văn nhờ đánh banh giỏi, hát hay, đẹp trai nữa, nên có hằng tá bạn gái… Có cô đã vì anh ấy mà đánh lộn nữa.
– Ghê gớm vậy à? Trúc Phượng cười – Nhưng em khỏi lo, chị có trái tim bằng đá hoa cương mà. Vả lại anh ấy bây giờ cũng đã có bồ rồi.
– Ai vậy chị?
Xuân Kỳ có vẻ tò mò, Phượng nói:
– Chị Bội Hoàng đấy!
Xuân Kỳ ngạc nhiên:
– Chị Hoàng à? Chị ấy là bạn rất thân của chị mà? Phải cảnh giác chị Hoàng mới được chị Phượng ạ.
Trúc Phượng thở dài:
– Em còn nhỏ em không biết, chứ cái chuyện đó làm sao khuyên được, không khéo người ta lại hiểu lầm.
Kỳ phản kháng:
– Chị biết năm nay em học lớp 11 rồi nghen. Em đâu phải con nít.
– Thôi được, em chị không còn là con nít, nhưng mà chị khuyên em, đừng lo chuyện người khác, không nên. Chuyện nhà không cũng mệt nghỉ rồi.
Xuân kỳ có vẻ nghe lời chị, nó quay lại với quyển vở. Còn Phượng thay áo xong, định bước xuống bếp phụ mẹ thì lại nghe Kỳ nói:
– Đàn ông con trai mà đẹp trai quá cũng phiền toái, chẳng hạn như anh Lê Văn…
– Tại sao em cứ nói chuyện Lê Văn hoài vậy…
– Vì em nghĩ… anh ấy là bạn trai của chị… Em thấy anh ấy cũng xứng với chị đấy chứ…
– Khỉ thật, cứ nói xàm!
Phượng nói, rồi đi ra ngoài. Bà Thục Trinh hỏi:
– Tui con nói gì đấy? Chuyện bạn trai con à?
– Dạ không phải, mà là chuyện bạn của Bội Hoàng.
Trúc Phượng đỏ mặt nói. Bà Thục Trinh thắc mắc:
– Bội Hoàng mà cũng có bạn trai ư? Cô ấy giống như đồ sứ chưng ở trong tủ kiếng ấy, để ngắm nhìn hay triển lãm tốt hơn là để xài.
– Sao mẹ lại nói vậy. Như vậy mới sang chứ?
– Đúng, sang thì có sang. Bà Thục Trinh nói, bà đã gặp Bội Hoàng một lần khi cô ấy ghé qua tìm Phượng – Cái cô đó mẹ thấy quí phái, nhưng lại cao ngạo, lạnh lùng, thích làm kẻ cả, nếu chọn làm bạn thì không sao, nhưng nếu chọn làm vợ, mẹ, sợ… phải khổ nhiều vì cô ấy.
Trúc Phượng không đồng ý:
– Mẹ nhận xét như vậy sợ không đúng đâu. Khi người ta đã yêu nhau rồi thì phải khác. Họ sẽ bao dung, tha thứ, rộng rãi đễ chấp nhận hết mọi khuyết điểm của người mình yêu.
Bà Thục Trinh nói:
– Con đã lý tưởng hóa tình yêu nhiều quá. Nhưng thực tế không phải vậy đâu, cũng có thế như lời con nói nhưng chỉ là lúc ban đầu, bao giờ đụng rồi con khắc biết.
Trúc Phượng đứng dậy.
– Coi như mẹ đúng đi, nhưng mà hôm nay làm sao vậy. Chúng ta chỉ lo nói chuyện người khác không.
Bà Thục Trinh cười:
– Nếu con không muốn nói chuyện người khác thì nói chuyện của con đi?
– Con à? Trúc Phượng nhún vai – Con chưa có gì cả. Trái tim bằng đá hoa cương của con chẳng ai dám chui vào, họ sợ vỡ đầu.
Bà Thục Trinh lắc đầu:
– Con gái của mẹ lớn rồi mà chẳng biết lo gì cả.
Ngay lúc đó có tiếng động bên ngoài cổng. Có lẽ ông Khiêm đi làm về bà Thục Trinh đứng dậy, còn Trúc Phượng vội vã đi rót nước.
Bà Trinh đón chồng với nụ cười:
– Hôm nay cuối tuần, em có làm thêm thức ăn. Cái món thịt xào tương mà anh ưa đó.
– Vậy thì cảm ơn em.
Ông Bình Khiêm bước vào nhà. Vừa ngồi xuống ghế Trúc Phượng đã mang trà ra,
Ông Khiêm có vẻ ngạc nhiên:
– Hôm nay cuối tuần mà Trúc Phượng với Xuân Kỳ không có đứa nào đi đâu chơi à?
– Dạ không. Phượng nói – Em Kỳ của con đang học trong phòng.
Ông Khiêm gật đầu, hôm nay ông có vẻ khá vui.
– Tháng này cha được lãnh thêm tiền phụ trội. Bữa nay cả nhà ta lại có mặt đông đủ. Vậy để cha đưa cả nhà đi xem phim nhé?
Xuân Kỳ nghe nói chạy vội ra. Cậu ta dù gì cũng chỉ là một đứa bé mới lớn.
– Thật vậy hở cha? Nếu vậy thì hoan nghênh cả hai tay.
Ông Khiêm nhìn con trai cười. Một buổi xem phim đối với gia đình khác chẳng nghĩa lý gì, nhưng với nhà Phượng phải nói là một sự kiện lớn.
Ông Khiêm nói thêm:
– Xem xong phim, chúng ta sẽ đi ăn một bữa hủ tiếu mì nữa.
Hai chi em Phượng nhìn nhau kinh ngạc. Cha hôm nay có vẻ hào phóng quá.
Nhưng nghĩ lại, Phượng thấy tiếc tiền nên nói:
– Thôi khỏi, mình xem phim là đủ rồi cha ạ.
Xuân Kỳ cũng nói vào:
– Vả lại, hôm nay mẹ cũng có làm thêm thức ăn ngon. Ăn ngoài phí lắm.
Ông Khiêm cảm động nhìn con. Ông biết mình là người có phúc vợ hiền, con ngoan. Thế này thì nghèo nào có nghĩa lý gì? Và để giấu đi nỗi xúc động, ông đứng dậy đi vào phòng.
– Thôi được, tùy ý các con đấy. Còn phim thì mấy mẹ con lật báo ra xem chọn đi.
Thế là ba mẹ con xúm xít quanh tờ báo, bàn cãi một hồi, bà Thục Trinh chọn một cuốn phim xã hội nước ngoài. Bản thân bà Trinh thì không ưa xem phim lắm. Phượng biết mẹ chọn phim là vì các con, nên nói:
– Bạn con bảo phim này khá nặng nề, tình tiết lại không bằng phim tình cảm của mình mẹ ạ.
Xuân Kỳ góp ý:
– Con cũng thấy vậy. Đây cũng không phải là loai phim trong nước? Tình tiết vừa gần gũi hơn lại khỏi phải sắp hàng chờ đợi.
Cuối cùng, phim trong nước được chọn.
Lâu lắm rồi cả nhà mới được đi phố một lần. Con đường lúc nào cũng dập dìu người qua lạị đèn đuốc đủ màu sáng choang. Bà Thục Trinh thật vui, thật hạnh phúc. Bà đi giữa chồng con mà thấy kiêu hãnh.
Mua vé xong, thời gian còn rộng rãi nên ông Khiêm đề nghị cả nhà đến các tiệm bách hóa xem hàng. Hàng hóa đầy ắp, ở đây lại bán toàn hàng dành cho khách sang, nên gia đình Phượng chỉ ngắm hơn là có ý mua. Ông Khiêm thỉnh thoảng canh giờ, còn mười phút nữa đến giờ chiếu ông mới giục mọi người quay về rạp.
Trên đường đi, còn khoảng ngắn nữa đến rạp hát thì có tiếng gọi giật:
– Trúc Phượng! Trúc Phượng!
Phượng giật mình quay lại, thì ra là Lê Văn. Lê Văn cũng nhìn thấy Phượng đi với gia đình nên hỏi:
– Đây là hai bác phải không Phượng?
– Vâng. Và Phượng quay sang giới thiệu với cha mẹ – đây là anh Lê Văn…
Rồi Phượng quay lại Văn.
– Sao anh về sớm vậy? Còn Bội Hoàng đâu?
Lê Văn lắc đầu.
– Cô bỏ đi xong thì không khí trở nên tẻ nhạt. Cái thái độ lầm lầm lì lì của Bội Quân làm tôi không chịu nổi, nên dùng cơm xong là tôi về ngay… À… cả nhà đi xem phim à?
– Vâng. Trúc Phượng lúng túng trước cặp mắt thăm dò của mẹ – Xem phim nội địa… Thế còn anh? Một mình đi bát phố à?
– Cũng định xem phim. Lê Văn nhún vai nói – Nhưng mua không được vé nên chắc phải về ngủ thôi.
Trúc Phượng quay lại năm tay mẹ nói:
– Thôi chào anh, chúng tôi đã đến giờ rồi.
Còn bà Thục Trinh lại cười với Văn:
– Lúc nào rảnh mời cậu ghé qua nhà chơi.
– Vâng.
Và Lê Văn chào cả nhà rồi bỏ đi. Trúc Phượng có vẻ không vui, cằn nhằn:
– Mẹ sao mời hắn đến nhà chi vậy?
Nhưng bà Thục Trinh chỉ yên lặng. Không phải chỉ có Trúc Phượng không vui mà cả Xuân Kỳ cũng kém vui.
Sáng sớm thức dậy, Trúc Phượng đã thấy Xuân Kỳ ngồi ngoài sân ôn từ vựng Anh ngữ. Nàng rất vui, vội đi ra sau rửa mặt.
Phòng khách hoàn toàn vắng. Hôm nay chủ nhật, bà Thục Trinh mặc dù không đi làm nhưng cũng có được một ngày nghỉ, vì không phải dậy sớm để lo thức ăn sáng cho chồng con. Trúc Phượng thương cha mẹ, nên làm gì cũng rón rén, nhẹ nhàng để cha mẹ được nghỉ ngơi.
Sau khi làm vệ sinh xong, Phượng vào phòng mở tủ quần áo lựa chọn trong số áo quần ít ỏi, một chiếc váy đầm trắng. Phượng mặc vào rồi ngắm mình qua gương, mái tóc hớt ngắn ôm lấy khuôn mặt tròn, người Phượng như đầy sức sống. Phượng cầm lấy ví tiền, rồi xuống nhà bếp lấy hai miếng bánh mì nướng, một ly trà nóng dằn bụng.
Như vậy là đủ buổi sáng, rồi Phượng vội bước ra cửa.
Xuân Kỳ nhìn theo, chẳng tò mò hỏi, nó lại cúi xuống tiếp tục học. Bởi vì nó biết chắc là Phượng chỉ có thể đến giáo đường gần đấy lễ chúa thôi.
Con đường đầy người. Sáng chủ nhật người đi lễ, đi chơi đều nhiều. Trúc Phượng đang lầm lũi bước ra đầu hẻm thì có một bóng người cao lớn chặn ngang.
– Ồ Trúc Phượng, đi đâu sớm thế?
Trúc Phượng giật mình nhìn lên, chẳng ai khác hơn là Lê Văn. Phượng cười:
– Anh còn dậy sớm hơn cả tôi. Tôi đến nhà thờ, còn anh?
Lê Văn nhìn Phượng:
– Tôi đã đứng đây chờ Phượng từ lâu, tôi đi nhà thờ với Phượng nhé?
Phượng lắc đầu:
– Không được Tôi không thích ai đi theo cả. Vả lại, đi như vậy rất khó coi.
– Có gì đâu mà khó coi? Văn nói – Coi như cô đã mang được thêm một người đầy tội lỗi về với chúa, như vậy không hay sao?
Phượng bình thản:
– Thế anh đã có phép thông công của Bội Hoàng chưa?
– Tại sao phải có phép của Bội Hoàng? Cô ấy đâu là gì của tôi?
Lê Văn nói, nhưng Phượng không tha:
– Rõ ràng hôm qua anh đã tán tỉnh Bội Hoàng, bây giờ định đến đây quấy rầy gì tôi nữa đây?
Lê Văn nhún vai:
– Mấy cô sao hay hiểu lầm quá. Làm quen cũng bị coi là tán tỉnh. Tôi nói thật, tôi chưa thích được xỏ mũi sớm quá.
Phượng bỏ đi.
– Anh lúc nào cũng nói năng không nghiêm chỉnh. Thôi tới giờ rồi, tôi phải đi kẻo trễ.
Nhưng Lê Văn nói:
– Trúc Phượng, hôm nay cô trốn không khỏi đâu, cô đến đâu tôi đến đó.
Trúc Phượng lúng túng. Từ sau sự việc xảy ra hôm qua Phượng không muốn gặp lại Văn. Nhưng bây giờ, nhìn cái ánh mắt trong suốt kia Phượng thấy khó mà thoát khỏi tay anh chàng này.
Phượng chợt thấy giận, mà không biết giận ai.
– Thôi anh tránh ra để tôi đi.
– Sao Phượng lại khó tính như vậy? Lê Văn nói và làm ra vẻ nghiêm chỉnh – Coi như bữa nay tôi đi chơi với cô không được ư?
– Tại sao lại đi với tôi?
– Tôi cũng không biết. Lê Văn lắc đầu nói.
– Sáng nay vừa thức dậy, chợt nhiên tôi nghĩ đến Phượng, và tôi khao khát muốn đến gặp Phượng ngay. Tôi làm vệ sinh rồi vội vã đến đây, tôi biết là sáng chủ nhật thế nào Phượng cũng sẽ đi lễ nhà thờ…
Trúc Phượng lúng túng, nhưng nghĩ có lẽ Lê Văn nói thật.
– Thôi được, để tôi đi lễ trước. Phượng nói – Xong rồi, nếu anh không chê, tôi mời anh về nhà tôi dùng cơm trưa nay.
Lê Văn mừng rỡ:
– Ồ! Thế thì còn gì bằng.
Trúc Phượng cười. Hai người cứ vậy sóng vai nhau đi tới, Phượng cảnh cáo:
– Nhưng mà, tôi nói trước cho anh biết, anh mà nói năng lộn xộn nữa là tôi bỏ đi ngay đấy.
– Vâng, thưa nương nương tiểu đệ xin tuân lệnh!
Lê Văn vòng tay theo kiểu những nhân vật kiếm hiệp. Rồi cả hai đến giáo đường. Người đã đến đông đủ nhưng nghi lễ chưa bắt đầu. Lê Văn hỏi:
– Trúc Phượng này, chiều qua tự nhiên sao cô lại bỏ về như vậy?
Phượng cười nhẹ:
– Vì thấy không cần thiết phải ở lại.
Lê Văn nói:
– Bội Hoàng cho là Phượng giận, nhưng tôi thấy thì không hẳn, sau đó Bội Quân giành đưa Phượng về, tôi thấy là…
Trúc Phượng ngăn lại:
– Thôi anh đừng nói nữa, tôi không thích nghe đâu.
Lê Văn không biết nói đùa hay thật.
– Nói đến chuyện đó tôi cũng nào có vui đâu?
Phượng liếc nhanh qua:
– Bây giờ anh lại định kiếm chuyện gì nữa đây?
– Tôi cũng không biết, chỉ cảm thấy hơi bực mình… Tôi không thích cái ánh mắt của Bội Quân khi hắn nhìn cô.
Phượng nhún vai.
– Tôi thì không quan tâm chuyện đó. Bởi vì ai cũng là bạn!
– Bạn gì? Lê Văn nói một cách trẻ con – Hắn đã nhìn Phượng với ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống… Tôi thấy hắn có vẻ thích cô đấy.
– Làm gì có chuyện đó. Trúc Phượng đỏ mặt nói – Mới gặp mặt qua có mấy lần, nói chuyện cũng chỉ đôi câu… mà toàn là nói chuyện về Bội Hoàng thì làm gì có chuyện đó chứ?
Lê Văn lắc đầu:
– Quả cũng khó nói. Biết đâu là vì… tiếng sét ái tình?
Trúc Phượng trả đũa ngay:
– Chẳng hạn như chuyện của anh với Bội Hoàng đấy phải không?
– Làm gì có chuyện đó.
– Hừ…
Ngay lúc đó, mục sư đã bước lên bục giảng. Lễ bắt đầu, không khí trong giáo đường lắng hẳn xuống, chỉ còn tiếng đàn piano rồi ban đồng ca, với những lời ngợi ca Chúa. Không khí trang nghiêm. Lê Văn liếc nhanh qua Trúc Phượng. Cô nàng đang cúi mặt, đôi mắt nhắm và đang lâm râm nguyện cầu, thần sắc của Phượng thật thuần khiết, thật an lành. Lê Văn không phải là tín đồ của chúa, mà Lê Văn lại thấy mọi thứ như một bầu trời trong sáng không bụi trần. Bất giác chàng cũng nhắm mắt lại.
Và lễ diễn biến trong một không khí tuyệt diệu như vậy. Suốt buổi lễ, Trúc Phượng chăm chú lắng nghe. Không có gì làm Phượng phân tâm kể cả anh chàng Lê Văn bên cạnh.
Lê Văn thì cũng nghe, nhưng vì không là tín đồ… nên lời thuyết giảng của mục sư không phải hoàn toàn thuyết phục được Văn. Thỉnh thoảng chàng quay qua nhìn Trúc Phượng. Chưa bao giờ Văn thấy Phượng đẹp như vậy.
Rồi buổi lễ cũng kết thúc. Mọi người đứng dậy ra ngoài. Lê Văn vẫn còn ngơ ngẩn suy nghĩ.
Trúc Phượng phải giục:
– Anh Văn, sao chưa đi ra đi? Đứng đấy làm gì?
– À! Lê Văn giật mình đứng dậy, nói dối – Lời thuyết giảng hay quá, làm tôi quên hết.
Trúc Phượng cười, biết ngay là Văn xạo, nên hỏi:
– Anh tâm đắc nhất là cái đoạn nào vậy?
Lê Văn quay qua nhìn Phượng rồi nhún vai:
– Tôi thấy thì… toàn bộ bài giảng… vì ít ra nhờ ông ấy mà tôi mới có dịp được lặng lẽ ngắm Phượng… Tôi thấy Phượng đẹp vô cùng.
Phượng đỏ mặt:
– Con người anh đáng xuống địa ngục lắm.
– Nếu có Phượng cùng đi thì tôi không sợ gì cả!
Lê Văn nói làm Phượng cười.
– Con người tôi làm bất cứ điều gì cũng suy nghĩ chín chắn, không hại ai, không làm điều gì trái lương tâm. Thì làm sao có chuyện xuống địa ngục? Thôi đừng nói nhiều nữa, sắp đến nhà tôi rồi đấy. Vào nhà nói chuyện mà giữ lời nhé.
Lê Văn lắc đầu:
– Tôi thấy ở nhà Phượng, ba má và cả cậu em đều có vẻ hiền lành cả, chẳng ai chấp nhất gì đâu.
Trúc Phượng nhìn Văn:
– Em trai tôi nó biết anh đấy. Nó nói là lúc còn ở Trung học anh là người nổi tiếng đào hoa, lắm bạn gái, đúng không?
– Ồ, oan cho tôi quá! Lê Văn kêu lên – Trái tim tôi chỉ có một, tại cái cô kia cứ chực sẵn ngoài cổng trường. Tôi biết làm sao hơn? Phượng cũng biết đó, nào phải là lỗi ở tôi chứ?
Trúc Phượng cố ý nói:
– Xuân Kỳ nó có nói oan anh cũng chẳng sao, tôi hứa sẽ không mách lại cho Bội Hoàng chuyện này là được rồi.
– Tại sao lại có Bội Hoàng ở đây nữa? Cô gả cô ấy cho tôi từ bao giờ? Tôi cũng nào có nhờ cô làm mai đâu?
Phượng cười:
– Hôm qua tôi đã trông thấy tiếng sét giữa hai người. Không lẽ tôi đã nhìn lầm?
Lê Văn thành thật:
– Tôi không phủ nhận chuyện Bội Hoàng đẹp, nhưng cô ấy quá đẹp nên hơi có khoảng cách. Mà không lẽ gặp người đẹp là tôi phải yêu? Nếu vậy, giữa tôi với Phượng thì sao?
Phượng cười:
– Không lẽ… Anh lại có tình yêu bao la như vậy à?
Đã đến trước cửa nhà phương, Lê Văn dừng lại.
– Tôi không định vào nhà, Phượng ạ.
Trúc Phượng nhún vai:
– Lạ không? Tôi cũng không yêu cầu anh vào, chỉ tại anh tự ý đi theo đến đây.
– Tại tôi thích có người chuyện vãn. Còn chuyện vào nhà lúc này có tính đường đột quá! Hay là mình tìm nơi nào nói chuyện đi.
Lê Văn nói làm Phượng phân vân, nàng nhìn xuống chưa biết xử trí ra sao, Lê Văn
nói:
– Thế nào? Phượng không phản đối chứ?
Trúc Phượng nhìn lên:
– Anh không hề cho tôi biết đi đâu làm sao tôi tính?
– À, dĩ nhiên là chẳng đi đâu. Ăn trưa này, sao đó kiếm chỗ nào đó nói chuyện hoặc xem phim chẳng hạn.
Phượng nói rồi tiếp:
– Nếu anh không muốn vào nhà, thì đứng chờ đây, tôi sẽ vào trong xin phép ba mẹ tôi một tiếng.
– Vâng. Lê Văn đồng ý – đi nhanh nhanh nhé.
Truc Phượng vào trong chỉ mấy phút sau đã ra ngay, đôi môi không biết vì sao lại đỏ hồng, chỉ nghe Phượng nói:
– Thôi đi nhanh lên, đừng đứng mãi một chỗ thế này.
Lê Văn chỉ chờ có vậy, anh chàng vội vã nắm lấy tay Phượng bước ra đãu hẻm.
– Chúng ta tìm chỗ nào đó dùng cơm trưa trước nhé.
Lê Văn đề nghị, Trúc Phượng ngập ngừng.
– Cũng được. Chỗ nào bình dân thôi, đừng có đắt lắm.
– Bộ cô sợ tôi không đủ tiền trả à?
– Không phải. Phượng lắc đầu nói – Hôm nay anh mời tôi thi hôm khác tôi phải mời lại anh. Sợ lúc đó tôi không có tiền mời anh ăn sang chứ?
Lê Văn nhìn Phượng có vẻ ngạc nhiên. Vì ít có người con gái nào thực tế như Phượng. Lê Văn gật gù.
– Được rồi, tôi biết cách tính toán.
Cả hai ngồi xích lô đến một đại lộ. Họ ghé vào một cửa hàng ăn nhỏ nhưng bày trí khá lịch sự. Mỗi bàn có một chiếc đèn bàn với ánh sáng thật dịu. Văn chọn một chiếc bàn nơi góc vắng và hai người ngồi đối diện nhau.
– Anh thường đến đây lắm sao có vẻ quen thuộc như vậy?
Phượng hỏi, Văn thú nhận:
– Có đến mấy lần để né tránh cái căng thẳng ở nhà.
– Né tránh căng thẳng ở nhà? Phượng cười – Anh có óc hài hước cao độ đấy.
Hai người gọi hai đĩa cơm Dương Châu, hai ly nước ngọt. Văn tiếp:
– Không phải tôi khôi hài đâu. Thât ra thì không khí ở nhà tôi cũng khá căng thẳng.
– Vậy à? Sao tôi thấy anh có vẻ yêu đời vậy?
– Biết giải thích thế naò? Thôi để từ từ cô sẽ tìm hiểu.
Phượng nghiêng đầu:
– Anh làm như có cả một tâm sự thầm kín. Ai tin?
– Tâm sự? không biết… Cũng có thể vì tôi đòi hỏi nhiều quá, vì vậy hay cảm thấy cô đơn, thất vọng, đau khổ.
Phượng lắc đầu:
– Nhìn cái bề ngoài của anh không ái tin chuyện đó. Không lẽ anh có đến hai nhân cách?
– Tôi cũng không biết. Lê Văn lắc đầu nói – Nhưng cũng có thể là như vậy, khi ở giữa đám đông con người tôi như trỗi dậy. Tôi hò hét, pha trò, vui đùa thoải mái. Nhưng khi quay về nhà một mình tôi lại thấy thất vọng, cô độc, buồn thảm.
Phượng chợt như hiểu ra:
– À vậy thì cái hôm khai giảng; anh đã đuổi theo tôi chẵng qua chỉ là để bám víu, để tìm một điểm tựa… để tránh lạc lõng phải không?
– Thú thật, lúc nào tôi cũng sợ cô đơn. Tôi tìm mọi cách để che giấu con người thật của mình… nhưng vẫn không làm được. Trúc Phượng, cô thấy là tôi phải làm sao đây?
– Tôi không biết, trước kia tôi nghĩ là con người anh khá đơn giản, không ngờ anh lại phức tạp như vậy… Nhưng tại sao anhh không tự tìm hiểu xem mình muốn gì rồi sống thoải mái có phải hay hơn không?
– Tôi không phải là người sống vì người khác nhưng tôi cũng không thể cưỡng lại ý nghĩ: ”Người ta đã nghĩ mình sống thế nào? “
– Đấy là bi kịch
– Vâng đó là bi kịch, Lê Văn nói – Trúc Phượng, tôi nghĩ là cô không lớn hơn tôi, nhưng cô lại có nhiều nhận định khá trưởng thành.
– Ồ chuyện đó có gì lạ – Phượng cười nói – Anh phải biết những người nghèo, cuộc sống khó khăn bắt người ta suy nghĩ nhiều… nên họ có vẻ sỏi đời hơn. Anh nghĩ đúng không?
– Cũng không đáng tin lắm.
– Có những kinh nghiệm sống ở đời mà tiền bạc chưa hẳn là mua được. Người giàu có đầy đủ không cần nghĩ ngợi nhiều, nhưng người nghèo vì sự đấu tranh sinh tồn, nhiều lúc đầu óc phong phú hơn.
Rồi vì tò mò, Phượng hỏi:
– À, anh Lê Văn. Quen với anh mà tôi không hề biết gì về gia đình anh cả. Anh nói thử chuyện gia thế mình xem, để tôi biết tại sao anh có vẻ không hài lòng.
– Gia dình tôi thì hẳn cô có nghe qua. Lê Văn trầm ngâm một chút nói – Cha tôi là ông Lê Bá Vỹ, một viên chức cao cấp trong chính quyền. Ngày xưa khi gia đình tôi còn nghèo, cha tôi chỉ là một công chức nhỏ thì gia đình tôi rất hạnh phúc. Tôi đã có một thời vui sướng, nhưng sau đó khi cha tôi thăng quan tiến chức làm quan to thì mọi thứ thay đổi. Tiền tài danh vọng, sự nghiệp đã làm thay đổi cha tôi. Người không còn là của gia đình nữa, không còn là của riêng mẹ con tôi. Người suốt ngày bận bịu tiếp khách. Ngay cả bản thân tôi cũng rất ít khi gặp cha, mỗi ngày đến trường học, quay về nhà. đón nhận tôi chỉ là một ngôi nhà chết, nhiều lúc tôi muốn phát điên lên…
– Nhưng mà… Trúc Phượng ngạc nhiên – Còn mẹ anh là chi? Bà ấy đâu phải lo việc gì đâu?
Lê Văn cười buồn:
– Bà ấy à, còn bận hơn cha tôi gấp trăm lần, ngoài cái tiệc tùng giao tế phải đi với cha, ban ngày người còn phải tiếp, phải lao vào bài bạc với mấy bà mệnh phụ, vợ các ông lớn hơn cha, rồi còn ngọai giao nữa. Các bà đào hát minh tinh nổi tiếng, rồi hội họp hội từ thiện…
Trúc Phượng chợt nhớ ra:
– Ồ thôi tôi nhớ ra rồi. Tô đã biết cha anh là ai. Ông thứ trưởng Lê Bá Vỹ đấy phải không? tôi đã đọc được tên ông ấy qua trên báo chí.
– Đúng là ông ấy. Lê Văn gật đầu – Nhiều người hết lời tán dương nào là tôi có diễm phúc lớn mới có người cha nổi tiếng như vậy. Nhưng tôi lại không thích… Tôi chỉ muốn có người cha bình thường để được gần gũi hơn.
Trúc Phượng yên lặng, Phượng hoàn toàn không ngờ mình lại có người bạn có cha nổi tiếng như vậy. Trong khi cha nàng, một viên chức nhỏ, nói rõ hơn chỉ là một thuộc hạ của cha Lê Văn thôi, điều đó làm Phượng thấy mặt cảm. Phượng nói:
– Dù gì thì anh cũng là một công tử nhà giàu.
– Đừng nói vậy Phượng. Lê Văn lắc đầu nói – Tôi nói rõ thân thế mình ra, không phải là để phô trương mà chỉ để Phượng thấy rõ nỗi khổ tâm của con người tôi.
– Nhưng điều anh làm lại phản tác dụng. Anh khiến tôi cảm thấy khoảng cách giữa tôi với anh quá lớn.
Lê Văn lắc đầu:
– Tôi không tin là Phượng lại nghĩ vậy. Con người Phượng là con người không có giai cấp, không mặc cảm. Phượng sống thực tế.
– Anh có biết là cha tôi chỉ là một thuộc cấp của cha anh không?
– Nhưng đó đâu có gì quan trọng. Mỗi con người có giá trị riêng của mình… Vả lại, chuyện người lớn, nào có liên can gì đến chúng ta?
Cơm đã được mang lên, cuộc nói chuyện tạm dừng cả hai bắt đầu ăn, nhưng câu chuyện ban nãy đã làm mất đi phần nào cái không khí vui vẻ giữa hai người.
– Thú thật nhận xét của Phượng ban nãy khá chính xác.
Ăn xong, Văn nói:
– Cha mẹ tôi là người thực dụng nhưng dù gì thì họ cũng là cha mẹ của tôi. Tôi yêu họ nên cũng chẳng muốn nghe ai nói xấu họ.
Trúc Phượng nhìn lên:
– Xin lỗi, ban nãy tôi hơi lỡ lời.
Rồi cả hai cùng cười. Trúc Phượng nói:
– Anh có biết không, hoàn cảnh gia đình của Bội Hoàng cũng rất giống anh.
– Vậy à? Ra sao?
Lê Văn tò mò, Trúc Phượng nói:
– Cha của Bội Hoàng là thương gia. Gần như suốt ngày ông ấy bận với công việc, nên không ngó ngàng gì đến con cái. Ông ấy cũng ít về nhà, thường xuyên ở lại xí nghiệp… Trong khi đó, mẹ của anh em Bội Quân, Bội Hoàng lại qua đời lúc cả hai còn rất nhỏ, một tay vú nuôi chăn sóc. Vì vậy có thể nói là anh em Bội Hoàng đã trưởng thành trong cô độc. Đó cũng là lý do giải thích tại sao cả hai lạnh lùng xa lánh… chứ thật ra tôi thấy Bội Hoàng cũng dễ thương đấy chứ.
– Thì ra là vậy. Lê Văn như hiểu ra – Chính Bội Quân cũng có vẻ khó chịu thế nào đấy.
– Khó chịu chưa hẳn là không tốt.
– Tại sao cô lại bênh vực hắn?
– Tôi không bênh vực ai cả. Phượng đỏ mặt nói – Tôi chỉ nhận xét một cách khách quan.
– Vậy à?
– Vâng, chẳng hạn như anh…
– Như tôi thì sao?
– Anh Bội Quân nói là anh và Bội Hoàng không thích hợp nhau.
– Ông ấy biết gì mà nhận xét? Cứ tưởng em gái mình là công chúa ngà ngọc chẳng ai xứng với cô ta cả à?
– Anh ấy không phải nói như vậy.
– Thế thì sao? Rõ ràng là coi thường người ta. Anh chàng tưởng mình là sinh viên năm thứ tư, nhà giàu học giỏi rồi muốn đánh giá người khác thế nào cũng được à?
Trúc Phượng chau mày:
– Làm gì giận dữ như vậy? Anh Bội Quân không ác ý vậy đâu.
– Thôi được xem như điều Phượng nói là đúng đi.
Ăn uống xong, cả hai không thảo luận thêm điều gì nữa. Hình như cả hai đều tránh tạo không khí căng thẳng. Khi bồi bàn đã dọn dẹp xong. Lê Văn chợt hỏi:
– Cô biết khiêu vũ không?
Phượng lắc đầu:
– Không.
– Nếu vậy hôm nào tôi dạy cô nhé?
– Thôi khỏi. Tôi thấy không cần thiết chuyện đó.
Rồi Phượng nói thêm:
– Anh thì cái gì cũng biết, nên Xuân Kỳ nói phải đề phòng anh vì anh là tay ăn chơi…
– Trúc Phượng. Phượng thì cái gì cũng được, nhưng lại hay bảo thủ… Biết nhiều thứ
không có nghĩa là tay chơi. Tôi muốn biết để như người khác thôi.
– Tại sao tôi lại không có cái tò mò đó?
– Không phải là cô không có, chỉ tại cái quan niệm đạo đức cổ hủ của Phượng đã đè nén, hạn chế nó.
– Vâng, nhưng tôi không thích sống buông thả. Cái gì cũng phải có mức độ.
– Khiêu vũ không có nghĩa là buông thả. Lê Văn nghiêm chỉnh nói – Đến vũ trường “Đêm Paris” không khiêu vũ thì xem người khác khiêu vũ cũng nào có gì đáng sợ đâu?
Phượng lắc đầu:
– Tôi thấy không hợp được với môi trường đó.
– Đến để biết thôi vậy.
Văn nói và trả tiền, rồi không đợi sự đồng ý của Phượng, Văn nắm tay Phượng kéo đi làm Phượng đỏ mặt.
– Đừng làm vậy. Tôi một mình đi được rồi.
Văn buông Phượng ra nói:
– Vậy đó có phải được không? Phượng này sống ở đời cái gì cũng nên biết. Thí dụ mình không thích thì cũng xem qua cho biết để khi chết không phải là con ma nhà quê.
Trúc Phượng lắc đầu:
– Anh lại nói nhiều khác hẳn con người dễ thương ban nãy. Đúng là anh có đến hai nhân cách.
Lê Văn nghe trách chỉ cười và từ lúc đó trên đường không nói năng gì nữa.
Hôm nay chủ nhật vũ trường mở cả ban ngày. Đứng nơi đầu thang máy, Phượng lại do dự:
– Lên đấy một chút thôi nhé, tôi không ưa những nơi ồn ào thế này.
Mặc dù là ban ngày, nhưng bên trong vũ trường vẫn tối om, chỉ có những ánh đèn màu.
– Cho hai chỗ ngồi, sát piste nhảy nhé.
Lê Văn dặn dò hầu bàn. Phượng hồi hộp đi sau lưng Văn. Cái không khí ở đây làm Phượng căng thẳng. Có thể vì tiếng nhạc nhưng cũng có thể vì thiếu ánh sáng khiến Phượng sợ lạc mất Văn.
Vừa ngồi xuống bàn. Văn nói:
– Sao? Thấy thế nào?
Phượng đáp:
– Tối như địa ngục, biết thế này đã không vô.
– Ồ sao nói vậy? Cái gì cũng phải qua cho biết.
Lê Văn cười nói. Và bây giờ thì Phượng bắt đầu làm quen được với ánh sáng lờ mờ. Phượng thấy chung quanh mình có một đám con gái ăn mặc gần như hở hang, trang điểm thật đậm đang quay cuồng bên những thanh niên trẻ ăn mặc lố lăng không kém. Họ giật giật theo tiếng nhạc như những người điên. Lê Văn giải thích:
– Đa số các cô đó là vũ nữ, còn mấy người kia mới đúng là dân chơi.
Phượng ngạc nhiên:
– Họ còn quá trẻ lấy tiền đâu chơi?
– Thì xin của cha mẹ, hoặc làm chuyện phạm pháp.
– Thế nhà nước không có cách nào giáo dục à?
– Làm sao bứng hết cỏ hoang được.
– Họ đang nhảy điệu gì mà lắc lư dữ vậy?
– Lambada đấy. Lê Văn cười nói – Cô có ý thử không?
– Thôi, thôi, thôi. Phượng co người lại một cách rất nhà quê – Tôi sợ lắm.
Lê Văn thú nhận:
– Tôi tuy biết khiêu vũ nhưng điệu này tôi cũng chưa thử qua.
Phượng quay lại:
– Anh có vẻ quen thuộc với nơi này quá, chắc thường ghé qua lắm phải không? Trẻ tuổi dư dả thời gian đương nhiên là phải đến đây tiêu khiển thôi.
– Phượng nghĩ như vậy à? – Lê Văn hỏi.
Bản nhạc chấm dứt đám đông trên piste nhảy trở về chỗ ngồi, tiếng ồn ào vang lên, rồi khói thuốc lá. Không khí trở nên ngột ngạt một cách khó chịu. Nhưng ngay lúc đó có bản Rumba nhẹ nhàng lại trỗi lên.
Văn không chờ ý kiến của Phượng đã kéo nàng đứng dậy. Trước mặt mọi người Phượng không thể phản ứng.
– Đây là điệu Rumba rất dễ, Phượng không biết nhảy cũng không sao, chỉ cần đi theo buớc chân của tôi.
Một cảm giác lạ lùng kỳ cục lôi cuốn. Lần đầu tiên Phượng đứng cạnh một người đàn ông, hơi bối rối một chút, hơi choáng váng một chút, nhưng cũng thật dễ chịu. Tiếng nhạc vang vang bên cạnh, Phượng di động theo nhịp chân của Văn. Ngọn đèn màu trên cao, màu cam chuyển sang xanh lam rồi tím. Khuôn mặt người trước mặt nhạt nhòa như hư thực. Phượng có cảm giác như nằm mơ.
– Phượng nhảy cũng được lắm đấy.
Văn nói, hơi thở của Văn nóng ấm làm Phượng giật mình, cảm giác là mình đứng quá gần Văn.
– Tôi thật sự không biết nhảy, chỉ bước theo lối dìu của anh thôi.
– Nhưng cái vóc dáng thon thả của Phượng rất thích hợp với khiêu vũ.
Văn nói làm Phượng đỏ mặt hỏi:
– Chúng mình còn ở đây bao lâu nữa?
Văn cười:
– Nếu Phượng thấy chẳng có gì trở ngại thì bao giờ mệt mình sẽ về.
– Không được còn bài vở ở nhà, tôi chưa làm xong bài.
Văn xoay Phượng một vòng.
– Đang vui mà nhắc chuyện bài vở làm gì? Lúc nào làm việc ra làm việc, lúc nào chơi ra chơi, phải phân biệt rành rẽ.
Phượng lắc đầu:
– Tôi khác với anh. Sau bản này chung ta về nhé?
– Cô thật cứng cỏi như đàn ông.
Văn nói. Và quả thật Phượng cố chấp thật, Phượng biết mình có cảm tình với Văn, nhưng mà thái độ của Văn thì Phượng khó mà chấp nhận được. Văn gần như không chuyên nhất, thái độ mập mờ giữa Bội Hoàng rồi với Phượng… và ý nghĩ đó làm Phượng bực dọc. đã mấy lần Phượng đạp lên chân Văn, không thể giữ mãi tình trạng này Phượng nói:
– Thôi mình nghỉ đi. Tôi không khiêu vũ nữa.
Văn chợt nói:
– Cô Phượng tôi cảm thấy là Phượng hôm nay và Phượng của hôm mới quen như chẳng giống chút nào.
– Vậy à? Tại đi với anh nên bị nhiễm đấy.
Văn đứng lại.
– Đừng trút tội cho tôi như vậy. Tôi cũng nào phải là bệnh truyền nhiễm đâu?
Cả hai đi về bàn, trả tiền rồi đi ra ngoài. Đứng giữa cái nắng chói chang. Phượng có vẻ hoàn toàn thay đổi.
– Anh rất thích làm chuyện bốc đồng phải không?
– Đâu có, Phượng đòi về mà không về đâu được? và Văn gọi chiếc taxi – Bây giờ tôi đưa Phượng về nhé.
Ngồi vào xe, đưa mắt nhìn ra ngoài khung cửa nắng lấp lánh trên tầng cây. Phượng chợt thấy hối hận, sao lại về nhà sớm thế này? Phượng phải công nhận một điều, ở bên cạnh Văn rất vui. Nhưng sao vậy? Phượng cũng không biết… Phượng chỉ thấy như mình bị cuốn hút và không tự chủ được.
Phải chăng đó là tình yêu?