Đọc truyện Bốn Năm Phấn Hồng – Chương 32: Cậu nam sinh vay tiền
Không đến một tuần sau khi chia tay, cậu bạn qua mạng của Trần Thuỷ đã gọi điện thoại hỏi vay cô ấy 1.000 tệ.
Buổi tối hôm đó, khi anh ta gọi điện tới tôi đã nghe loáng thoáng thấy tiền nong gì đó. Lúc gác máy trông Trần Thuỷ có vẻ phân vân do dự.
Quả nhiên, cô ấy ngồi yên lặng một lúc rồi nói: “Bây giờ các cậu có tiền không? Anh ấy nhờ tớ vay giúp 1.000 tệ, anh ấy nói lần trước số tiền dùng để từ Quảng Đông đến thăm tớ vốn là tiền để đóng học phí. Anh ấy đã tiêu lạm vào số tiền ấy, bây giờ không đủ tiền đóng học. Cho nên nhờ tớ vay trước cho anh ấy 1.000tệ”.
Trần Thuỷ nói ra những lời này với một giọng vô cùng rụt rè và thảm hại.
Tôi thực sự không hiểu cái đó có gì hay ho mà nói ra. Yêu phải một thằng đàn ông “bẩn thỉu” như vậy giấu đi còn không kịp, sao còn nói ra mà không biết ngượng như thế? Qua việc này có thể dễ dàng nhận thấy cậu nam sinh đó không phải là người tốt. Khi một người đàn ông yêu một người phụ nữ, nếu không đến nỗi bất đắc dĩ thì anh ta không thể mở mồm vay tiền bạn gái được. Huống hồ chàng trai đó cũng biết rằng Trần Thuỷ vốn không có khả năng để ngay lập tức cho anh ta vay 1.000tệ. Lòng dạ của anh ta thế ai ai cũng biết. Thằng cha đó chẳng qua là muốn lấy lại số tiền mà trước đây hắn đã đầu tư.
Thương thay, người trong cuộc thì mụ mẫm, người ngoài cuộc thì sáng suốt.
Trần Thuỷ nói xong, cả ba chúng tôi đều không lên tiếng.
Trần Thuỷ thấy chúng tôi không ai tỏ thái độ gì bèn chuyển sang nói kiểu thương lượng bàn bạc: “Các cậu thấy tớ có nên cho mượn tiền không?”
Ba người chúng tôi vẫn lặng thinh. Tôi tin chắc rằng lúc đó ai ai cũng ngầm cười nhạo Trần Thuỷ. Sự khinh rẻ đó là điều tất nhiên. Chỉ có điều là chúng tôi chọn cách trốn tránh mà thôi.
Thấy chúng tôi không ai lên tiếng Trần Thuỷ bèn thở vắn than dài: “Ái dà, thật chán quá!”
Tô Tiêu cuối cùng không kìm nén được, liền nói: “Chán cái gì chứ, nếu cậu có tiền lại tình nguyện cho anh ta vay thì cứ cho vay đi. Không có tiền thì nói là không có. Đơn giản thế thôi. Cậu có 1.000 tệ không?” “Không có”. “Được, vậy thì đừng cho vay”.
Nghe xong những lời đó của Tô Tiêu, Trần Thuỷ lặng thinh không nói nửa lời.
Tôi biết chắc chắn cô ấy vẫn muốn cho anh ta vay tiền. Con gái khi yêu đều như con bạc khát nước, mê muội dốc hết cho canh bạc cuối cùng, cứ cho là họ biết được kết cục sẽ thua nhưng họ vẫn dốc hết tất cả, dù cho không thể thu lại vốn ban đầu.
Bi kịch lớn nhất của người phụ nữ là gặp phải người không tử tế, gặp phải người không tử tế mà lại yêu sâu sắc người đó thì quả là đã rơi xuống địa ngục, muôn kiếp không thể ngoi lên.
Trịnh Thuấn Ngôn nói lạnh băng: “Đừng nói là không có tiền, có tiền cũng không cho vay”.
Tôi liền nói: “Tớ đồng ý với quan điểm của Trịnh Thuấn Ngôn. Cậu xem, cú điện thoại đầu tiên anh ta gọi cho cậu sau khi đi đã nhắc ngay đến chuyện vay tiền, cứ cho là anh ta muốn chiếm phần hơn, thì bất luận thế nào cũng phải bỏ vốn trước chứ?”
Có thể tôi đã quá nặng lời. Nhưng, xưa nay đối với những người đàn ông như thế tôi luôn nói rất khó nghe.
Nghe xong những lời tôi nói, Trần Thuỷ liền đứng dậy đi ra ngoài.
Chú ý của tôi là chê bai cậu nam sinh đó, nhưng thực sự cũng đã làm tổn thương Trần Thuỷ. Nhận thức được điều này, tôi liền gọi cô ấy lại.
“Cậu ra ngoài làm gì? Đi vay tiền các phòng khác à? Cậu đừng ngốc nghếch thế! Tớ nói những lời khó nghe như vậy cũng là vì muốn tốt cho cậu.”
Lúc đó Trần Thuỷ mới dừng bước và hỏi tôi: “Sao cậu biết tớ sắp đi vay tiền phòng khác? Dịch Phấn Hàn, cậu đoán việc thật chuẩn đấy. Vậy cậu nói xem tớ nên làm thế nào bây giờ?” Được coi là quân sư tình yêu của phòng, thậm chí là của khoa chúng tôi, xuất phát từ tình nghĩa bạn học, tôi phải có trách nhiệm và nghĩa vụ dìu Trần Thuỷ vượt qua lận đận này.
Tôi nói: “Thực ra tớ cũng biết cậu đang phân vân do dự và cũng đang lo lắng nữa.
Thứ nhất, bây giờ trong tay cậu không có 1000 tệ.
Thứ hai, cậu cũng sợ rằng cho anh ta vay tiền mà anh ta sẽ không trả, có đúng không?
Thứ ba, kì thực có lẽ là cậu chưa nhận ra, có thể anh ta không hề yêu cậu. Chẳng qua là chính cậu đã rung động mà thôi. Tớ nói ba điều này có đúng không? Nếu đúng, tớ sẽ tiếp tục giảng giải cho cậu thấy”.
Trần Thuỷ đóng cửa lại, ngồi xuống bên tôi và xin tôi nói tiếp.
Tôi biết đã nói trúng tâm tư cô ấy. Nếu không xem cô ấy là bạn cùng phòng tôi đã không nói những lời này. Tuy lời nói thẳng thừng chướng tai, nhưng tôi việc gì phải nói những lời vừa đắc tội với người khác như thế này lại vừa không có lợi gì cho tôi?
Trần Thuỷ nói: “Vậy cậu bảo nên làm thế nào? cậu chỉ cho tớ với”.
Tôi cởi mở thẳng thắn, nói: “Nếu cậu không muốn tiếp tục với anh ta nữa thì hãy nói thẳng là không có tiền. Nếu cậu vẫn còn chút xao động với anh ta và muốn tiếp tục xem thế nào, thì cậu hãy nói với anh ta rằng cậu đã mượn được tiền rồi nhưng trên đường đi gửi tiền cho anh ta đã bị kẻ trộm lấy mất. Cậu hãy khóc lóc kể lể cho anh ta đã bị anh ta phản ứng thế nào? Làm như vậy, về tình về lí anh ta đều không thể nói gì được. Cứ cho là anh ta biết cậu không muốn cho vay, nhưng cũng coi là đã giữ thể diện cho anh ta rồi, hãy bịt miệng anh ta trước khiến anh ta không thể nói gì được”.
Tôi vừa dứt lời, ba người trong phòng cùng lúc ồ lên, rồi xì xào bàn tán.
Về sau, cách này được phát triển rộng ra, hễ cứ có ai tìm chúng tôi mượn tiền mà chúng tôi không muốn cho mượn nhưng cũng không tiện từ chối thì đều có thể dùng cách này. Phải linh hoạt ứng phó, học một biết mười.
Trần Thuỷ làm theo cách tôi bày ra. Trưa ngày hôm sau, cô ấy gọi điện cho anh ta khóc lóc và kể cho anh ta hay chuyện không may, cô ấy nói một cách rất xúc động đến nỗi trong mắt cô lấp lánh những giọt lệ. Nhưng điều mà chúng tôi không thể ngờ tới là sau khi nghe Trần Thuỷ khóc lóc kể lể, anh ta lại có thể nói ra câu này: “Tái ông thất mã, hoạ phúc khôn lường.” Vậy rốt cuộc 1.000 tệ đó của em có thể chuyển qua cho anh không?”