Bạn đang đọc Bộ Tứ – Chương 9: Bí Mật Của Hoa Nhài Vàng
Poirot luôn miệng nói ngày càng có nhiều hiểu biết về kẻ thù. Phần tôi, tôi ưa những kết quả cụ thể hơn.
Từ khi chúng tôi được biết về bọn Bốn Người, chúng đã giết hai mạng người, bắt cóc Halliday và suýt đưa Poirot và tôi sang thế giới bên kia. Thắng lợi duy nhất của chúng tôi là hãy còn sống!
Poirot không chia sẻ sự bi quan ấy.
– Tôi công nhận là đến nay, chúng vẫn qua mặt ta, nhưng hãy đợi đấy: cười người hôm trước, hôm sau người cười! Và anh nhớ cho rằng đây không phải vụ án hình sự tầm thường, mà là một mưu đồ có tầm thế giới do những bộ óc siêu đẳng chỉ huy.
Tôi cố dò xem Poirot định làm gì. Nhưng như thường lệ, anh vẫn giữ kín hành tung của mình, không cho tôi biết.
Tuy nhiên, tôi được tin là anh đã liên hệ với những nhân viên mật vụ ở Ấn Độ, ở Trung Hoa và ở Nga.
Căn cứ vào những lời tự khoe thỉnh thoảng anh thốt ra, thì Poirot đang tiến hành chiến thuật quen thuộc: dò xét tâm trạng kẻ thù, và tiến lên từng bước.
Nhà thám tử cừ khôi đã bỏ lửng hẳn các khách hàng thường lệ. Có nhiều lời mời mọc hấp dẫn, anh đều từ chối, hoàn toàn không quan tâm đến vụ việc nào không liên quan đến hoạt động của bọn Bốn Người.
Cách làm này rất có lợi cho thanh tra Japp; ông ta đạt nhiều thành tích nhờ những lời chỉ dẫn lơ lửng của Poirot. Để đáp lại, Japp cung cấp cho nhà thám tử Bỉ những thông tin mà ông cho là có ích.
Khi Japp được giao điều tra vụ mà báo chí đặt tên một cách văn vẻ là “Bí mật của Hoa nhài vàng”, ông ta điện xin gặp Poirot để tham khảo ý kiến.
Đó là khoảng một tháng sau vụ việc xảy ra với tôi ở nhà Ryland. Tôi đã bắt đầu thấy quá nhàn rỗi, vì vậy rất vui được cùng đi với Poirot đến Market Handford, tỉnh Worcestershire, nơi Japp đang đợi.
Ngồi chễm chệ trên toa tàu rồi, Poirot hỏi tôi:
– Hastings, anh nghĩ thế nào về vụ này?
– Mọi việc có vẻ khá phức tạp … – tôi thận trọng nói nhỏ.
– Anh cho là thế? – Poirot nói, vẻ mặt vui thích.
– Còn gì nữa! Rõ ràng anh cho ông Paytner chết là bị giết, chứ không phải do tự tử hay tai nạn, vì thế chúng ta mới vội và đến Market Handford…
– Không, không, anh chưa hiểu tôi. Dù cho là ông Paytner chết do một tai nạn đặc biệt khủng khiếp vẫn còn có một số điều bí ẩn cần làm rõ.
– Thì tôi cũng nói thế, cho nên mới bảo là phức tạp.
– Ta hãy điểm lại những sự việc chính một cách bình tĩnh, tuần tự. Hastings, anh kể xem, nhưng thật sáng sủa, chính xác.
Tôi cố gắng làm theo yêu cầu của ông bạn nghiêm khắc.
– Ông Paytner là một người giàu có, học thức, thường đi chu du khắp thế giới, năm năm mươi lăm tuổi bỗng tuyên bố mình mệt mỏi, không đi đây đi đó nữa. Ông tậu một cơ ngơi nhỏ ở vùng Worcestershire và mời người cháu tên Gérald Paytner, là người bà con duy nhất còn lại, đến ở cùng tại “Croftlands” (tên cơ ngơi). Gérald Paytner, một nghệ sĩ trẻ, đang chẳng có thu nhập gì, vớ được dịp may hiếm có. Từ bảy tháng nay, anh ta sống với ông chú cho đến khi xảy ra thảm kịch.
– Anh kể rất khá – Poirot nói – Cứ như sách!
Không quan tâm đến lời khen của Poirot, bản thân đang say sưa với câu chuyện, tôi tiếp tục:
– Tại “Croftlands”, ông Paytner có cuộc sống vương giả: sáu gia nhân, không kể một anh hầu phòng riêng, một người Tàu tên là Ah Ling.
– Hầu phòng riêng, tên Ah Ling – Poirot khẽ nhấn mạnh.
– Thứ ba vừa rồi, sau bữa trưa, ông Paytner kêu khó chịu trong người, và một gia nhân chạy đi gọi bác sĩ. Paytner không chịu đi nằm, tiếp thầy thuốc ngay trong phòng làm việc. Không biết hai người làm gì, chỉ biết trước khi ra về bác sĩ Quentin đòi gặp bà quản gia, nói rằng ông Paytner yếu tim, và ông đã tiêm một mũi dưới da. Ông dặn không được làm nhiễu người bệnh, rồi đặt những câu hỏi khá lạ lùng về các gia nhân: họ phục vụ ông Paytner từ khi nào? Từ đâu đến? vân vân. Bà quản gia lấy làm lạ nhưng đều trả lời đủ. Sáng hôm sau, một cô hầu phòng khi đi xuống, ngửi thấy mũi thịt cháy khét lẹt bốc ra từ phòng làm việc của chủ. Cô định mở cửa, nhưng cửa khóa từ bên trong. Gérald Paytner và tên hầu người Tàu phải phá cửa để vào: ôi cảnh tượng kinh khủng! Ông Paytner ngã chúi đằng trước vào cái lò đốt ga, nên đầu hoàn toàn cháy thành than. Mặt không nhận ra tí nào. Ngay lúc đó, chưa ai nghi ngờ gì. Nếu trách ai thì thích ông bác sĩ Quentin đã không buộc người bệnh đi nằm sau khi tiêm. Nhưng rồi người ta tìm thấy dưới đất một tờ báo, hẳn là từ trên đùi ông già rơi xuống. Xem kỹ tờ báo, thấy có một số chữ nguệch ngoạc bên lề.
Bàn tay viết những chữ đó rất yếu. Lại thấy ngón trỏ bàn tay phải của nạn nhân bị giây mực đến đốt thứ hai. Không cầm được bút, ông Paytner đã nhúng ngón tay vào lọ mực (lọ mực để trên bàn, vừa tầm tay) và có viết mấy chữ “Hoa nhài vàng” lên lề tờ báo đang cầm. Nhưng mấy chữ ấy có nghĩa gì? Hoa nhài vàng nở rộ phủ kín các tường ở Croftlands nên có thể giả thử là hình ảnh đó đã đập vào mắt, làm ông già hấp hối viết ra câu đó. Báo chí luôn săn tìm tin giật gân, vớ ngay câu chuyện và đặt tên là “Bí mật Hoa nhài vàng”, mà thực ra mấy chữ ấy có lẽ chẳng có ý nghĩa.
– Anh cho là không có ý nghĩa? – Poirot hỏi – Rốt cuộc, anh đã nói thế, thì chắc là thế.
Tôi nhìn anh, ngạc nhiên, song không thấy ý giễu cợt gì trong ánh mắt. Tôi kể tiếp:
– Cuộc điều tra được tiến hành. Ngay từ đầu người ta đã có định kiến với bác sĩ Quentin. Trước hết, ông ta không phải là bác sĩ quen của gia đình, mà là người thay thế bác sĩ Bolitho đang đi nghỉ. Sự bất cẩn của Quentin có vẻ là nguyên nhân trực tiếp của tai nạn. Nhưng từ đó mà bảo là giết người thì còn xa. Cũng phải nói thêm ngay khi đến ở “Croftlands” ông Paytner đã sinh ra đau yếu, và bác sĩ Bolitho đã điều trị ông được một thời gian. Khi bác sĩ Quentin tiếp xúc với ông lần đầu, ông đã thấy một số triệu chứng đáng ngại. Trước buổi tối oan nghiệt, Quentin mới chỉ xem bệnh cho Paytner có một lần. Khi gia nhân mời ông đến gấp, ông đã thấy người bệnh ở trong cơn kích động kỳ lạ. Paytner nói ông không cảm thấy ốm đau gì, nhưng món càri ông vừa ăn có mùi là lạ, vì vậy ông đã đuổi Ah Ling ra ngoài, rồi đổ món ăn từ đĩa vào bát đưa cho bác sĩ để đem đi xét nghiệm. Quentin khẳng định Paytner không ốm, nhưng bị xúc động quá ảnh hưởng đến tim; nên cần tiêm một ống strychnine, chứ không phải moócphin. Tôi nghĩ đã kể hết, và nói thêm kết quả xét nghiệm: món càri đúng là có lẫn một lượng bột thuốc phiện đủ để giết chết hai người!
– Vậy kết luận của anh ra sao? – Poirot bình tĩnh hỏi.
– Thật khó kết luận. Paytner rất có thể chết do tai nạn; mưu đồ đầu độc chỉ là một sự trùng hợp đúng tối hôm ấy.
– Hãy thú nhận rằng đối với anh, đây là vụ giết người thì hợp lý hơn!
– Còn với anh thì không?
– Anh và tôi, chúng ta không lập luận theo cùng một cách. Tôi không vội tìm kết luận; khi nào vấn đề kia được giải đáp hãy hay. Tôi muốn nói đến “Bí mật của Hoa nhài vàng”. À này, anh còn quên một chi tiết.
– Tôi đoán anh định nói đến hai gạch theo hình thước thợ ở dưới mấy chữ nguệch ngoạc bằng mực trên lề tờ báo? Quả là tôi không coi nó là quan trọng!
– Ta hãy để bí mật Hoa nhài vàng sang một bên mà xem xét món càri.
– Tất nhiên, có thể đặt hàng trăm câu hỏi: ai đã bỏ độc dược? Mục đích gì? vân vân… Ta biết Ah Ling là người dọn món ăn, nhưng vì lý do gì hắn lại định đầu độc chủ? Hay hắn nằm trong một “băng” tội phạm. Băng “Hoa nhài vàng” chẳng hạn? Rồi nữa, còn Gérald Paytner…
– Đúng, đúng, – Poirot gật đầu – anh ta là người thừa kế ông chủ. Nhưng chiều hôm ấy, hắn đi ăn ngoài thị trấn.
– Anh ta có thể dễ dàng vào bếp và trộn thuốc phiện vào một chất liệu nào đó dùng để nấu món càri! Hắn đi ăn ở bên ngoài để khỏi phải đụng đến thức ăn bị bỏ thuốc độc.
Lập luận của tôi có vẻ nghe được và, điều hiếm có Poirot tỏ ra rất quan tâm!
Tôi được khích lệ và tiếp tục trình bày giả thuyết:
– Gérald Paytner về muộn, thấy ánh đèn trong phòng ông chú, biết là kế hoạch đã thất bại, liền đẩy ông già vào lửa.
– Giả thiết này của anh không hợp lý – Poirot nói – Một người năm mươi lăm tuổi, còn vạm vỡ, lại chịu để bị đẩy vào lửa mà không chống cự?
– Được. Vậy thì đến lượt anh trình bày quan điểm.
Poirot cười, ưỡn cao ngực và nói như diễn giảng:
– Giả thử đây là vụ giết người, một vấn đề đặt ra ngay lập tức: tại sao lại chọn cách ấy? Tôi thấy chỉ có một lý do: để không ai nhận diện được! Bộ mặt bị cháy đen, và…
– Sao? – Tôi ngắt lời. Anh nghĩ là…
– Hastings, hãy khoan. Đó chỉ là giả thiết. Có thể nghĩ rằng đó không phải là xác ông Paytner? Mà là của một ai khác? Tôi xem xét hai câu hỏi ấy và xin trả lời: không.
– Vậy thì sao? – tôi thốt lên, thất vọng.
Poirot nháy mắt, nói tiếp:
– Vậy thì tôi tự nhủ có một cái gì đấy ta chưa nắm được và cần nghiên cứu vấn đề này. Không nên để lúc nào cũng bị ám ảnh vì lũ Bốn Người… À được rồi! Anh có biết cái bàn chải áo của tôi để đâu không nhỉ? À! Nó đây rồi. Nhờ anh chải cho tôi rồi tôi chải cho anh.
Bỏ bản chải vào vali, Poirot nói tiếp:
– Hừ, tôi lại bị một ý tưởng duy nhất thu hút… Này, hai gạch thước thợ mà anh nói, nó có nghĩa gì, nếu không phải là người ta bắt đầu viết số 4?
– Trời! – Tôi bật cười – Anh định mò mẫm gì ở đó?
– Tôi thừa nhận là cứ quay đi quay lại mãi một việc thì thật buồn cười… Cần phải thay đổi không khí! Chính vì thế mà tôi đến đây!… Anh Japp thân mến? Khoẻ chứ?