Bộ Tứ

Chương 2: Viên Giám Thị Nhà Thương Điên


Bạn đang đọc Bộ Tứ – Chương 2: Viên Giám Thị Nhà Thương Điên

May sao, tàu dừng ở nơi gần ga, cạnh đó có một ga ra để chúng tôi đến thuê xe. Nửa giờ sau, chúng tôi đã bon bon trên đường trở lại London. Chỉ lúc đó, Poirot mới chịu đáp ứng sự tò mò của tôi.
– Anh không hiểu ư? Này nhé, lúc nãy, tôi cũng như anh thôi! Nhưng giờ thì tôi thấy rõ: chẳng qua là họ muốn gạt tôi sang một bên, thế thôi.
– Cái gì?
– Phải, họ đã muốn gạt Hercule Poirot vã đã hành động rất khôn khéo. Phương pháp tinh ranh khôn kể. Nơi mà họ muốn tôi đến đã được chọn kỹ lưỡng. Họ sợ tôi.
– Ai?
– Anh còn hỏi ư? Bọn Bốn Người, còn ai nữa! Bốn tên quái kiệt hợp sức với nhau để hành động ngoài vòng pháp luật: Tên người Tàu, người Mỹ, mụ người Pháp, và… tên kia… Hastings, cầu trời cho chúng ta về kịp!
– Anh cho rằng vị khách lạ của chúng ta đang gặp nguy hiểm?
– Tôi chắc chắn!
Bà Pearson kinh ngạc thấy chúng tôi lại trở về. Không kịp giải thích gì, chúng tôi hỏi bà xem có gì xảy ra. Không có gì đáng ngại. Không ai đến, và người bệnh vẫn yên tại chỗ.
Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi bước vào căn hộ. Poirot là người đầu tiền đi vào phòng ngủ. Giọng anh vang lên, đặc biệt xúc động:
– Hastings! Hắn chết rồi.
Tôi lao tới. Người lạ vẫn nằm trên giường như cũ nhưng không còn thở. Tôi chạy đi tìm một bác sĩ khác Ridgeway, vì biết Ridgeway lúc này chưa về nhà. Tôi tìm được ngay một ông vui lòng theo tôi về.
– Tội nghiệp, anh ta chết rồi! Chết thật rồi. Đây chắc là một người mà ông quan tâm?
– Vâng, đại khái vậy – Poirot đáp cho qua chuyện.
– Bác sĩ xem anh ta chết vì gì?
– Thật khó nói! Một kiểu ngất xỉu, tuy nhiên hình như có dấu hiệu của sự ngạt thở. Ở đây có dùng hơi đốt không?
– Không, chỉ dùng điện.

– Vả lại cả hai cửa sổ đều mở… Tôi ước chừng anh ta chết hai giờ trước đây. Các ông đi khai tử thôi.
Bác sĩ ra về, và Poirot đi gọi điện thoại mấy nơi. Cuối cùng tôi vô cùng ngạc nhiên nghe anh gọi điện cho thanh tra Japp, ông bạn cố tri, mời ông ta đến gặp.
Poirot vừa gọi xong thì bà Pearson chạy tới, mắt mở tròn to như cái đĩa:
– Dưới nhà có một người nói là do nhà thương điên Hanwell cử đến. Tôi mời ông ấy lên nhé?
Một người to, khoẻ, mặc đồng phục đàng hoàng, xuất hiện. Anh ta hồ hởi:
– Kính chào các ông. Có nhiều chứng cớ để nghĩ rằng một con chim của chúng tôi đang ở đây! Nó vừa bay đi tối qua.
– Nó đã từng ở đây – Poirot đáp bình tĩnh.
– Lại bay đi rồi?
– Chết rồi.
Người đó tỏ vẻ yên tâm.
– Thật ư? Tội nghiệp? Biết làm sao được… Như vậy càng tốt cho cả mọi người.
– Hắn ta nguy hiểm lắm ư?
– Không, vô hại thôi, hơn thế, mắc bệnh hoang tưởng là mình bị truy bức. Bệnh tâm thần cấp tính mà. Hắn toàn nói chuyện những hội kín Trung Hoa. Cuối cùng họ phải bắt giam hắn. Bọn chúng đều thế cả.
– Hắn bị giam từ bao lâu? – Poirot hỏi
– Gần hai năm.
– A! A! – Poirot vẫn giữ nguyên nét bình thản – Ông có chắc là tâm thần hắn không bình thường?
Viên giám thị cười:

– Nếu bình thường, việc gì người ta phải giam hắn lại? Người điên nào cũng nói là mình bình thường, ông lạ gì.
Poirot không nói nữa, dẫn viên giám thị đến xem cái xác, và ông ta nhận diện ngay. Con người đã chai lỳ ấy nói:
– Thế là xong hết. Giờ tôi phải đi lo các thủ tục. Ông không phải vướng bận vì cái xác này bao lâu nữa. Nếu có điều tra, chắc ông sẽ phải ra làm chứng. Nhưng chỉ thế thôi. Xin chào.
Sau một cái nhăn mặt đặc biệt, hắn ta rút lui.
Vài phút sau, Japp tới. Viên thanh tra của Scotland Yard vẫn như mọi ngày, nhanh nhẹn và vui vẻ.
– Nào ông Poirot, tôi giúp được việc gì nào? Tưởng ông đã đi tới những bãi san hô của một hòn đảo xa xôi nào rồi.
– Japp thân mến, tôi muốn biết anh đã gặp con người tôi sắp chỉ anh xem chưa.
Poirot dẫn thanh tra vào trong phòng, nhìn cái xác nằm trên giường. Thanh tra nói nhỏ, vẻ suy nghĩ:
– Xem nào, người này có vẻ không xa lạ với tôi, mà tôi vẫn tự cho là có trí nhớ tốt. Đúng rồi! Đây là Mayerling. Nếu sai xin cứ treo cổ tôi lên.
– Nhưng Mayerling là ai?
– Một đội viên trong đội cảnh sát mật; không phải của Scotland Yard. Hắn được phái ra nước ngoài cách đây năm năm, từ đó không ai còn nghe nói đến hắn. Chúng tôi tưởng hắn đã bị thủ tiêu.
Khi Japp đã ra về, Poirot nói với tôi:
– Thêm một bằng chứng nữa. Vậy mà thằng cha này có vẻ như chết một cái chết tự nhiên.
Anh gầm gừ một cách bực tức, rồi im lặng.
Một làn gió lay động rèm cửa, khiến Poirot đột nhiên hướng chú ý về phía đó.
– Anh Hastings, tôi nghĩ rằng sau khi đặt xác lên giường anh đã mở các cửa sổ?

– Không. Nếu tôi nhớ không nhầm, cửa sổ vẫn đóng
– Sao? Cửa sổ lúc đó đóng mà bây giờ lại mở, thế là nghĩa gì?
– Tôi cho là có người đã vào đây khi chúng ta vắng mặt.
– Có thể lắm – Poirot công nhận.
Nhưng anh có vẻ như đang nghĩ điều khác.
Sau một phút suy nghĩ, anh nói:
– Thực ra không phải tôi nghĩ như vậy. Chỉ một cửa sổ mở thì tôi không nghi hoặc đến thế; điều lạ lùng là cả hai cửa sổ đều mở.
Rồi đi sang phòng bên, và thốt lên:
– Cửa sổ phòng khách cũng lại mở! Rõ ràng chúng ta đóng rồi mà.
Anh trở lại gần xác chết và cúi xuống, xem xét kỹ lưỡng khuôn mặt, miệng, mép. Lúc đứng lên, anh tuyên bố:
– Hắn đã bị bịt miệng và bị đầu độc.
Tôi kinh hãi kêu:
– Trời! Mổ tử thi, chắc rồi sẽ rõ mọi thứ.
– Sẽ chẳng khám phá ra điều gì hết. Hắn bị đầu độc bằng cách cho hít một hơi axít prussique mạnh. Tên sát nhân ép miếng bông tẩm hơi dưới mũi hắn, rồi bỏ chạy sau khi đã mở toang tất cả các cửa sổ. Axit cyanhydrique bay hơi cực nhanh, nhưng để lại một mùi hạnh đào ngai ngái. Không còn dấu tích của mùi vị đó nữa, và cũng không sẵn nghi ngờ gì đặc biệt, các bác sĩ chỉ có thể kết luận là chết tự nhiên.
Poirot cúi xuống nhìn tử thi lần nữa.
– Anh Hastings này, người này đã từng là nhân viên mật vụ. Và cách đây năm năm hắn đã ra nước ngoài.
– Nhưng hắn đã bị đưa vào nhà thương điên hai năm trời nay, vậy trong ba năm trước đó đã xảy ra những chuyện gì? – Tôi hỏi.
Poirot lắc đầu và túm lấy tay tôi.
– Chiếc đồng hồ! Hastings, hãy nhìn chiếc đồng hồ!

Cùng với anh, tôi nhìn lên bên trên lò sưởi. Chiếc đồng hồ quả lắc đã đứng lúc bốn giờ.
– Có ngươi đã đụng vào đây. Bình thường, nó phải chạy được ba ngày nữa. Tám ngày một lần mới phải lên dây.
– Người nào đó làm việc ấy nhằm mục đích gì? Để đánh lạc hướng điều tra, để mọi người cho rằng vụ án xẩy ra lúc bốn giờ?
– Không, không, anh bạn ơi! Hãy tĩnh trí lại! Hãy bắt bộ óc làm việc một chút. Chất xám ấy mà! Hãy tưởng tượng anh là Mayerling, anh nghe thấy tiếng động lạ, và có thể anh biết rằng giờ cuối của anh đã tới gần. Anh chỉ còn thời gian rất ngắn để để lại một dấu hiệu nào đó có khả năng định hướng công cuộc điều tra sau khi anh chết: Bốn giờ! Con số “4”! Bí mật của Bộ Tứ vĩ đại! Tên “Số Bốn”. “Kẻ tiêu diệt”. Hastings, anh đã hiểu chưa?
Đắm mình trong ý tưởng đó, Poirot chạy vội sang phòng bên để lại gọi điện thoại.
– Alô! Bệnh viện tâm thần Hanwell? Tôi được biết một bệnh nhân của các vị đã bỏ trốn hôm nay… Ông nói sao ạ.? Khoan đã, xin ông nhắc lại. Alô… Rõ.
Anh đặt máy, quay về phía tôi:
– Hastings, anh nghe rõ chưa? Không có vụ bỏ trốn nào cả.
– Vậy cái tay giám thị tới đây?
– Hà hà! Phải chăng tên giám thị đó là… là…
– Là ai?
– Là đích danh “Số Bốn … “Kẻ tiêu diệt”!
Tôi choáng người, nhìn Poirot. Đến lúc mở miệng được, tôi nói:
– Có một điều chắc, chúng ta sẽ nhận ra hắn nếu gặp bất kỳ ở đâu!
– Anh tưởng thế? Tôi không nghĩ như anh. Hắn có dáng điệu chậm chập, huênh hoang, mặt đỏ gay, râu mép rậm, giọng nói ồm ồm. Giờ phút này, chắc chắn hắn không còn giữ những đặc điểm đó. Còn những nét đặc trưng khác: mắt, tai, hàm răng rất đều, không có ý nghĩa lắm. Nhận diện ra hắn không dễ như anh tưởng. Nhưng lần sau tôi sẽ cẩn thận hơn.
– Anh nghĩ còn có lần sau nữa?
Poirot nghiêm hẳn nét mặt:
– Anh bạn ơi đây là một cuộc đối đầu sinh tử. Anh và tôi một bên, bọn “Bốn Người” một bên. Chúng đã thắng keo đầu, nhưng chưa loại được tôi. Từ nay về sau, hãy nhớ còn có Hercule Poirot này.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.