Bạn đang đọc Bộ Tứ – Chương 14: Cô Gái Tóc Vàng
Kết quả chuyến hành động vừa rồi làm tôi rất thất vọng.
Trước tiên, tên cầm đầu đã trốn thoát. Lúc những cảnh sát của Japp lao đến theo tiếng huýt sáo của Poirot, họ tìm thấy bốn tên Trung Quốc nằm bất tỉnh, nhưng trong số đó không có tên đã doạ dẫm tôi.
Giờ đây, tôi nhớ là lúc tôi bị đưa ra bậc cửa để nhử Poirot, thì tên trùm đã lui lại sâu về phía sau. Chắc hắn ở ngoài vòng tác động của hơi ngạt và đã chạy trốn bằng nhiều lối ra bí mật.
Bọn Trung Quốc bị bắt không khai được tin gì có ích. Chúng không biết tí gì về lũ Bốn Người. Họ là những cư dân bình thường của khu phố Tàu, không hề nghe nói đến tên Li chang-yen. Một chủ người Tàu đã thuê họ làm việc, họ không biết gì về công việc riêng tư của chủ.
Hôm sau, tôi hoàn toàn bình phục, trừ một chút nhức đầu. Chúng tôi trở lại cái khu phố đáng gờm để xem lại ngôi nhà tôi bị giam trong đó. Toàn bộ gồm hai nhà cũ kỹ, nứt nẻ, nối nhau bằng một hành lang ngầm dưới đất. Tầng trệt và gác trên đều trống không, kính cửa sổ vỡ được thay thế bằng những miếng ván xộc xệch.
Japp xuống hầm lục soát, đã tìm ra bí mật của lối vào hầm ngầm, nơi tôi đã trải qua một thời khắc kinh hoàng. Xem xét kỹ, thấy cảm giác của tôi hôm trước là đúng: các màn cửa, nệm giường, chăn, gối, thảm đều đẹp lộng lẫy. Chẳng phải người sành, cũng thấy mỗi thứ đều tuyệt hảo.
Được Japp và đồng đội giúp sức, chúng tôi lục soát rất kỹ, hy vọng tìm ra những tài liệu quan trọng ví dụ như danh sách những tay chân chính của Bộ Tứ vĩ đại hoặc một vài kế hoạch hành động nhưng không thu được gì. Giấy tờ duy nhất tìm thấy là những ghi chép mà tên người Tàu lấy làm cơ sở để đọc lá thư gửi Poirot, đó là một bản báo cáo rất đầy đủ về công việc, tính cách cũng như những điểm yếu của chúng tôi.
Khi nắm tài liệu này, Poirot thích chí như một đứa trẻ. Riêng tôi, tôi chẳng coi trọng nó chút nào, trong đó còn có những nhận xét lố bịch là đàng khác.
Trở về nhà, tôi bảo Poirot:
– Thế là anh đã rõ kẻ thù nghĩ gì về anh. Chúng còn thổi phồng khả năng trí tuệ của anh nữa đấy, ngược lại, đánh giá thấp khả năng của tôi. Nhưng những cái đó chả giúp ta tiến thêm bước nào.
Poirot ghìm một tiếng cười nhỏ:
– Anh không thấy rằng chúng ta dễ dự đoán hơn các phương pháp tấn công của chúng? Ví dụ, giờ đây chúng ta biết phải suy nghĩ trước khi hành động, Chúng ta biết là không nên mủi lòng trước một phụ nữ xinh đẹp tóc hung đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Chả là chúng ghi chép rằng tôi dễ cảm trước những cô gái đẹp tóc vàng, càng vàng càng tốt. Lời ám chỉ của Poirot, tôi cho là không đúng chỗ, nên liền trả đũa bẵng cách gậy ông đập lưng ông:
– Còn anh, bao giờ thì anh hết bệnh “tự phụ quá đáng”?
Lời đáp ấy buộc bạn tôi phải thay đổi ít nhiều ý kiến về giá trị của những nhận xét về tính cách chúng tôi.
– Tất nhiên, chúng nghĩ sai về một số điểm, như vậy càng tốt! Đến lúc nào đó, chúng sẽ biết sự thật. Điều cốt yếu là phải học hỏi. Chớ quên rằng hiểu biết, tức là “sẵn sàng”.
Phương châm ấy, Poirot nói luôn mồm, khiến tôi phát chán.
– Dù sao, Hastings ạ, chúng ta đã biết thêm cái gì đó, vẫn là tốt. Cần biết thêm hơn nữa.
– Nhưng biết gì? Cần phải biết gì nữa?
Poirot ngồi chĩnh chện vào ghế, đặt lại vào chỗ cái hộp diêm tôi vô ý để vương trên bàn, rồi lấy dáng điệu chứng tỏ anh sắp định nói dài về vấn đề này:
– Này nhé, ta phải chống lại với bốn kẻ thù rất khác nhau. Đầu tiên là “Số Một”. Ta chưa từng tiếp cận hắn, chỉ biết hắn qua hành động: tất cả những kế hoạch, mưu mô đã xảy ra là xuất phát từ hắn, tên Li Chang-yen, bộ óc tinh vi, nham hiểm. “Số Hai” và “Số Ba” có quyền lực và địa vị quá cao, nên tạm thời ta chưa thể tấn công. Nhưng chính bởi hai tên này luôn phơi mặt trước công chúng nên mỗi hành động, cử chỉ đều phải giữ vẻ bề ngoài nghiêm chỉnh. Cuối cùng, đến tên cuối cùng: “Số Bốn”.
Poirot hạ thấp giọng như mỗi khi anh nói tới nhân vật này.
– “Số Hai” và “Số Ba” có thể thành công và tiếp tục hành động nhờ danh tiếng và địa vị vững chắc của chúng. “Số Bốn” thì ngược lại: thành công của hắn là nhờ đứng trong bóng tối. Hắn là ai? Không ai biết. Hắn thế nào? Cũng không biết gì hơn. Tôi và anh đã nhìn thấy hắn mấy lần? Năm lần thì phải. Nhưng có lần nào ta nhận ra hắn không?
Tội buộc phải lắc đầu, trong khi trong đầu óc lướt qua hình ảnh của năm con người mà chỉ là một người: Tên giám thị nhà thương điên vạm vỡ, người khách lạ Paris cổ áo dựng cao, James tên bồi, tên bác sĩ trẻ trong vụ “Hoa nhài vàng” và cuối cùng: tên giáo sư người Nga. Không tên nào giống tên nào.
– Không! – Tôi nói giọng chán nản – Chẳng có gì làm ta nhận ra hắn.
Poirot mỉm cười :
– Chớ vội nản lòng. Có một hoặc hai điều mà ta biết.
– Ví dụ? – Tôi hỏi, bán tín bán nghi.
– Chúng ta biết “Số Bốn” người tạng trung bình, tóc màu hạt dẻ hoặc vàng; thật vậy, nếu hắn cao lớn, tóc nâu và lại có da ngăm đen, thì hắn không thể đóng vai bác sĩ Quentin người tầm thước và nước da sáng. Cũng có thể cho rằng James hoặc giáo sư Savaronoff làm cho mình cao thêm hai, ba phân một cách dễ dàng. Mặt khác, mũi hắn phải ngắn và thẳng: khéo cải trang thì có thể làm mũi to hơn, chứ làm ngắn thì rất khó! Cuối cùng hắn không thể quá băm nhăm tuổi. Tóm tắt lại, nhận dạng như sau: tuổi từ ba mươi đến băm lăm, tầm cao trung bình, da sáng. Đặc điểm: mang một số răng giả. Nhận xét: cải trang rất cừ.
– Sao anh biết hắn mang răng giả?
– Nhớ không: tên giám thị nhà thương điên răng sứt và vàng; tên người Paris răng đều và trắng; bác sĩ Quentin răng hơi nhô, còn răng Savaronoff đặc biệt dài. Không gì làm bộ mặt thay đổi bằng một hàm răng thay đổi. Điều đó dẫn ta đến đâu?
– Không rõ ràng lắm.
– Người ta nói bộ mặt con người ta phản ánh nghề nghiệp của người ấy.
– Trường hợp này, nghề nghiệp nó là tội phạm.
– Đúng và là một chuyên gia cải trang.
– Thì cũng vậy.
– Xin lỗi! Có những chuyên gia hoá trang mà không phải là tội phạm! Anh vào hậu trường các nhà hát sẽ thấy… Có thể tin rằng thằng cha ấy đã từng là, hoặc đang là diễn viên!
– Diễn viên?
– Chứ sao, hắn biết đóng kịch vào bậc thầy. Xin nhớ có hai loại diễn viên: những kẻ nhập vào vai nhân vật như người ta nói, và những người áp đặt tính cách của chính mình vào vai họ đóng. Nói chung, loại sau mới sản sinh những diễn viên lớn, còn loại trước chỉ là kẻ bắt chước. Hãy tìm “Số Bốn? trong những kẻ loại này. Hắn đã tạo ra những kiệt tác bắt chước.
– Nếu tôi hiểu đúng, anh định truy tìm dấu tích của tên cướp thứ tư trong giới nghệ sĩ sân khấu?
– Đúng vậy, Hastings. Anh có đầu óc suy diễn tuyệt vời.
– Thật đáng tiếc là ý tưởng này không đến với anh sớm hơn, đỡ mất bao thì giờ – tôi lạnh lùng đáp.
– Anh nhầm rồi, từ nhiều tháng nay các cộng sự của tôi đã ra công tìm kiếm; một trong những cộng sự đó là Joseph Aaronsm, chắc anh còn nhớ. Họ đã thu thập cả một danh sách những người có đặc điểm ít nhiều như tôi vừa nói, nhất là có năng khiếu bắt chước nhân vật; phần lớn là những diễn viên đã rời bỏ sàn diễn trong vòng ba năm trở lại.
– Vậy thì sao? – Tôi bỗng chú ý.
– Danh sách khá dài. Trước mắt, chúng tôi lưu ý bốn người như sau.
Poirot quẳng cho tôi một tờ giấy, và tôi đọc to:
Ernest Luuttrell. Con trai một mục sư tỉnh nhỏ phía Bắc. Tình hình hư hỏng, làm khổ cha mẹ. Bị đuổi khỏi trường trung học. Năm hăm ba tuổi, bắt đầu diễn kịch (tiếp theo là kể các vai diễn hắn đã sắm, có cả ngày giờ). Nghiện ngập ma tuý. Cách đây bốn năm, không thấy còn ở nước Anh, và cho là đã sang Úc. Tuổi: ba mươi hai, cao: 1.78m, mặt nhẵn nhụi, tóc nâu, mũi thẳng, da sáng, mắt màu ghi.
John St. Maeer, tên hiệu. Không rõ tên thật. Nguồn gốc gia đình khiêm tốn. Đã lên sân khấu từ lúc còn trẻ, thành công trong những tiết mục bắt chước ở phần tạp kỹ. Từ ba năm nay không rõ tin tức. Tuổi: khoảng ba mươi lăm. Cao: 1.76m, mắt xanh, da sáng.
Austen Lee, tên hiệu. Tên thật là Austen Foly. Gia đình dòng dõi. Luôn có năng khiếu sân khấu. Bỏ học Oxford đi theo nghề kịch (Tiếp theo là danh sách các vở đã tham gia). Ham mê môn tội phạm học. Cách đây ba năm rưỡi, bị sốc thần kinh do tai nạn xe hơi, không xuất hiện nữa trên sân khấu. Không biết hiện đang ở đâu. Tuổi, ba mươi nhăm; cao: 1.74m, da sáng, mắt xanh, tóc nâu.
Claud Darrell. Có thể là tên thật. Nguồn gốc bí ẩn. Đã diễn tạp kỹ và kịch. Có vẻ cô độc, không bạn bè. Đã đi Trung Quốc cách đây sáu năm, từ đó sang Mỹ và đóng vài vở ở New York. Một tối, không thấy có mặt trên sân khấu và biến mất từ đó. Cảnh sát cho vụ mất tích này là “rất bí ẩn”. Tuổi: chừng ba mươi ba, tóc màu hạt dẻ nhạt, da sáng, mắt màu ghi, cao: l.79m.
Tôi đặt tờ giấy xuống, nói:
– Hay lắm. Vậy đây là kết quả tìm kiếm hàng tháng trời! Trong bốn tên này, anh chú ý ai nhất?
– Lúc này, câu hỏi vẫn còn để ngỏ. Chỉ tạm nhấn mạnh là Claud Darrell đã đi Trung Quốc và Mỹ, điều đó hẳn không phải không ý nghĩa. Tuy nhiên cũng không nên bị ảnh hưởng bởi định kiến. Có thể chỉ là sự trùng hợp.
– Chúng ta sẽ làm gì? – Tôi háo hức hỏi.
– Chúng ta đang làm rồi đó. Hằng ngày trên các tờ báo lớn đều đăng lời nhắn tin viết rất rõ ràng. Thân nhân và bạn bè những ngươi nói trên xin hãy liên hệ với thư ký của tôi, ở văn phòng, tất nhiên. Rất có thể ngay ngay hôm nay… A! A! Có điện thoại…
Tôi nhấc máy:
– Phải, nhà ông Poirot đây; tôi là đại uý Hastings. Ồ! Ông McNeil đấy ư (McNeil và Hodgson là những thư ký của Poirot). Tôi báo ông ấy. Chúng tôi đến ngay.
Tôi đặt máy, quay về phía Poirot, hết sức xao xuyến:
– Anh Poirot! Có một người đàn bà, tự nhận là bạn gái của Claud Darrell, một cô tên là Flossie Monro, đang đợi ở chỗ McNeil.
– Ta đến ngay – nói rồi, Poirot vớ lấy mũ.
Taxi nhanh chóng đưa chúng tôi đến văn phòng của McNeil. Đang ngồi ở ghế trước mặt ông này là một bà từ lâu đã quá tuổi thanh xuân. Bộ mặt phấn son loè loẹt được viền bằng một bộ tóc vàng kỳ lạ. Cãi miệng đỏ chót tô son rất đậm nhoẻn cười với chúng tôi. McNeil nói:
– Xin giới thiệu ông Poirot. Thưa ông Poirot, đây là cô… hờ… Monro, đọc lời nhắn tin, đã vui lòng đến gặp.
– Cô thật tử tế, thưa cô – Poirot nói.
Và anh tiến gần, bắt tay cô một cách thân mật.
– Cái văn phòng cổ lỗ, bụi bặm này càng làm tôn vẻ tươi đẹp của cô bội phần! – Anh nói tiếp, không cần để ý đến những gì McNeil và Hodgson có thể nghĩ.
Lời tán dương ấy không khỏi không có tác động: cô Monro ửng hồng đôi má và nũng nịu:
– Ồ! Ông Poirot, ông cứ đùa! Tôi biết tính người Pháp các ông rồi.
– Khác với các bạn người Anh, chúng tôi không thể im lặng khi đứng trước sắc đẹp, thưa cô. Và cho phép đính chính: tôi không phải người Pháp, mà là người Bỉ.
– Tôi có biết Ostende – cô Monro vội nói. Lỡi lẽ phong nhã của Poirot hẳn đã làm cô siêu lòng.
– Cô bảo cô có thể cho biết vài tin tức về ông Claud Darrell?
– Tôi rất gần gụi với ông Darrell. Khi thấy nhắn tin trên báo, tôi tự nhủ: Các ông này muốn biết tin tức về Claudy tội nghiệp… và họ là các nhà chức trách, nên có thể là liên quan đến của thừa kế. Lúc nãy đang rảnh, nên tôi đến ngay.
Ông McNeil đứng lên:
– Tôi có phải để ông nói chuyện riêng với cô Monro không, thưa ông Poirot?
– Ồ không, ông McNeil. Xin ông cứ ở lại. Tôi nẩy ra một ý: giờ ăn sắp tới, và tôi hy vọng sẽ có vinh dự được mời cô dùng bữa.
Mắt cô Monro sáng lên vì mãn nguyện! Hẳn cô đang không dư dật, một bữa ăn đàng hoàng đến thật đúng lúc.
Lát sau, ba chúng tôi lên xe taxi tới một hiệu ăn sang trọng của London. Poirot đặt một bữa ăn thịnh soạn.
– Cô dùng rượu gì, thưa cô? Sâm banh nhé?
Quả là, không có ai yêu mến Poirot hơn cô Monro lúc này!
Nhà thám tử đại tài liên tục rót đầy ly cho cô gái, khiến tôi hiểu ngay ý đồ. Dần dà, anh dẫn dắt cô vào câu chuyện cần thiết.
– Thật đáng tiếc là ông Darrell không có mặt với ta hôm nay!
– Vâng, thật vậy – cô Monro thở dài. Tội nghiệp cậu chàng. Không hiểu xảy ra chuyện gì?
– Cô không gặp ông ấy lâu chưa?
– Đã lâu lắm… Anh ta rất kín đáo, ít khi nói chuyện mình. Có việc gì vậy?
– Một chút của thừa kế – Poirot nói dối không đỏ mặt. Vấn đề bây giờ là phải xác minh lý lịch. Chúng tôi cần nói chuyện với người nào biết rõ ông ấy. Cô biết rõ ông ấy phải không?
– Quá rõ ấy chứ, thưa ông Poirot! Tôi nói thật, vì ông là người hào hoa quân tử, cứ xem cái cách ông gọi món ăn thì biết, bây giờ ít người sành như thế? Tôi nói vậy chắc không phật ý những người Pháp các ông. Ai Người Pháp là ranh mãnh lắm!
Cô ta tinh nghịch giơ ngón tay đe doạ.
– Vâng chuyện là thế này! Hồi trước, Claudy và tôi, hai người đều trẻ… còn có gì tự nhiên hơn? Thú thật là tôi cũng có phần siêu lòng vì anh ấy. Tuy nhiên, không phải bao giờ anh ta cũng chơi đẹp với tôi!… Anh ta không có thái độ đúng mức của người lịch thiệp đối với phụ nữ. Luôn luôn như thế mỗi khi dính dáng chuyện tiền nong.
– Cô đừng nói thế – Poirot lại rót đầy ly của cô – Chắc chắn Claudy yêu cô. Sao không yêu cô được? Còn cô, cô có yêu anh ta thật tình không? Về hình thức, anh ta thế nào?
– Anh ấy không có gì đặc biệt – Flossie Monro như nói với chính mình – Không cao không thấp, nhưng cân đối, mắt xanh xám, tóc vàng. Nhưng là diễn viên giỏi, tôi chưa từng thấy! Lẽ ra anh phải nổi danh từ lâu, nếu không bị người khác dèm pha, đấu đá. Ôi, ông Poirot, thói ghen tị mà!… Ông không thể hình dung chúng tôi khổ sở thế nào. Tôi nhớ một lần, ở Manchester…
Phải hết sức kiên nhẫn chúng tôi mới ngồi nghe hết một câu chuyện dài và phức tạp về những mưu mô tồi tệ của ngôi sao chính một nhà hát lớn ở Manchester.
Poirot tế nhị kéo cô gái lắm lời trở về Claud Darrell.
– Những điều cô nói về ông Darrell là rất có ích, thưa cô; phụ nữ văn quan sát rất giỏi, trông thấy và đôi khi ghi nhận những tiểu tiết mà chúng tôi không thấy. Tôi đã chứng kiến một bà ra nhận dạng một người trong số mười hai người. Bà ấy làm thế nào?… Đơn giản là bà đã chú ý rằng anh ta có tật sờ tay lên mũi mỗi khi lo lắng điều gi. Một người đàn ông không bao giờ để ý đến chuyện vặt như vậy.
– Tôi không lạ – Cô Monro nói – Quả thật phụ nữ chúng tôi có khiếu quan sát. Nghe ông nói tôi lại nhớ Claudy lại có tật mân mê bánh mì trong khi ăn! Anh ta bẻ vụn bánh mì, hoặc vê tròn những mẩu ruột bánh. Tôi đã thấy anh ta làm thế đến trăm lần! Với cử chỉ ấy, tôi sẽ nhận ra anh ta bất cứ ở đâu!
– Phụ nữ thật tuyệt vời! Cô đã làm vinh dự cho phái đẹp! – Poirot xun xoe – Cô có nói với anh ta về tật ấy không?
– Không bao giờ, ông lạ gì đàn ông. Họ không thích ai nhận xét. Tôi không đả động bao giờ, chỉ cười thầm trong bụng, vả lại anh ta làm thế một cách vô thức.
Poirot gật gù tán thưởng. Tôi nhận thấy tay anh hơi run khi đưa cốc lên miệng. Anh nói:
– Còn một cách nữa để nhận dạng, đó là chữ viết. Cô có giữ lá thư nào của Darrell?
Flossie nhăn mặt.
– Anh ta không hay viết. Không viết cho tôi một chữ nào.
– Thật đáng tiếc – Poirot nói.
– Tuy nhiên, xin nói ông điều này: tôi có một tấm ảnh, ông thấy có cần không…
– Cô có ảnh? – Poirot gần như chờm lên vì mừng.
– Vâng, nhưng cũ rồi… cách đây ít nhất tám năm.
– Không sao! May quá! Hy vọng cô cho phép tôi xem?
– Nhất định rồi, ông Poirot!
– Cô cho phép tôi sao lại nhé? Mất một chút thì giờ.
– Rất vui lòng!
Cô Monro đứng dậy:
– Tôi phải đi đây. Rất vui đã gặp ông, ông Poirot!
– Bao giờ cô cho xin ảnh?
– Tôi về tìm đã. Tôi nhớ đã để nó ở đâu, sẽ xin gửi tới ông ngay.
– Muôn vàn cảm ơn. Cô thật tử tế! Hy vọng chúng ta có dịp cùng dũng bữa.
– Tôi sẽ rất vui lòng – cô gái tóc vàng nhún nhẩy đáp.
– Cho phép tôi xin địa chỉ của cô?
Vui vẻ đàng hoàng, cô Monro rút trong ví một tấm thiếp hơi nhầu, đưa cho bạn tôi: địa chỉ cũ đã bị xoá, thay bằng địa chỉ mới viết bằng bút chì.
Sau nhiều lần chào và đáp lễ, chúng tôi mới từ biệt được với người đẹp. Tôi hỏi:
– Anh có nghĩ bức ảnh ấy sẽ giúp ta được việc?
– Nhất định rồi, ảnh chụp không đánh lừa ta được. Chúng ta sẽ cho phóng to, và sẽ xem xét một số chi tiết còn chưa rõ; hình thù đôi tai thế nào, chẳng hạn… Và nếu Claud Darrell đúng là “Số Bốn”, chúng ta có một quân bài ăn chắc trong tay! Vì vậy ta phải có biện pháp đề phòng.
Poirot gọi điện hỏi một hãng thám tử tư mà đôi khi anh vẫn yêu cầu sự giúp sức. Anh dặn dò cụ thể: cử hai người đến địa chỉ đã định, canh chừng cho sự an toàn của cô Monro.
– Cần thiết phải làm như thế sao?
– Phòng trước là hơn! Dù thế nào – anh và tôi vẫn bị chúng theo sát, và chúng sẽ biết hôm nay chúng ta vừa ăn với ai. Tên “Số Bốn” có thể đã đánh hơi thấy nguy hiểm.
Hai mươi phút sau, chuông điện thoại reo; tiếng người báo:
– Ông Poirot phải không? Đây là bệnh viện Saint – James. Cách đây mười phút, vừa chở tới một phụ nữ. Tai nạn giao thông. Tên là Flossie Monro, bà ta yêu cầu gặp ông. Đến ngay, kẻo bà không còn sống bao lâu.
Tôi chuyển lời nhắn cho Poirot. Mặt anh tái nhợt vì xúc động
– Mau, Hastings, ta đi ngay.
Mười phút sau, tắc xi đưa chúng tôi tới bệnh viện. Một nữ tu trùm mũ trắng gặp chúng tôi ngoài hành lang.
Poirot hiểu ngay:
– Chậm rồi.
– Bà ấy chết cách đây năm phút.
Poirot thực sự bị choáng. Bà nữ tu thấy vậy, nhẹ nhàng:
– Bà ấy không đau đớn, vì đã bất tỉnh. Bị xe hơi đụng, tên lái bỏ trốn, thật là khủng khiếp. Hy vọng có người ghi được số xe.
– Chúng ta không gặp may – Poirot khẽ nói.
– Các ông có muốn vào thăm?
Cô y tá dẫn chúng tôi tới nàng Flossie Monro tội nghiệp. Trông như cô đang ngủ, nụ cười vẫn nở trên môi đậm son. Poirot lại lẩm bẩm:
– Đúng, trời đất không ủng hộ ta.
Rồi ngẩng đầu, anh hỏi:
– Có thật tai nạn không? Ôi anh Hastings, nếu không phải, tôi thề trên thi thể người đàn bà này là tôi sẽ trả thù không thương tiếc!
– Anh nói gì cơ?
Poirot quay về bà nữ tu, hỏi thêm chi tiết. Và anh có danh sách những đồ vật tìm thấy trong ví nạn nhân.
– Anh thấy chưa, Hastings?
– Tôi chưa thấy gì.
– Trong số đồ vật, không thấy có chìa khoá, mà nhất định cô ta phải mang theo chìa khoá. Rõ ràng là cô ta bị cố tình chẹt, rồi bị lấy chiếc chìa khóa trong ví. Chúng ta đến mau, may ra còn kịp trước khi chúng tìm thấy thứ chúng cần!
Tắc xi lại đưa chúng tôi đến địa chỉ mà Flossie Monro đưa ra. Đó là một ngôi nhà bẩn thỉu trong một khu phố tồi tàn. Khó khăn chúng tôi mới vào được căn hộ, ít nhất cũng tự an ủi là ai từ đây đi ra đều bị chung quanh nhìn thấy. Than ôi! Bọn chúng đã tới trước. Bàn ghế bị đập, quần áo bị rạch, vật dụng khác vương vãi trên sàn. Một chiếc ghế, một cái kỷ đổ kềnh chứng tỏ những kẻ đột nhập rất vội.
Poirot bắt đầu tìm kiếm trong động lộn xộn. Bỗng anh đứng dậy, kêu một tiếng, tay giơ một vật. Một khung ảnh cũ… không còn ảnh!
Poirot lật phía sau. Sau lưng dán một nhãn tròn ghi giá tiền.
– Bốn silinh – tôi đọc.
– Anh Hastings, hãy mở to mắt. Cãi nhãn này còn mới! Chúng dán vào để thách thức. Tên đến trước để lấy ảnh biết là chúng ta sẽ tới. Nó là Claud Darrell, tức “Số Bốn”!