Đọc truyện Bồ Câu Không Đưa Thư – Chương 4
Xuyến, Thục và Cúc Hương nhận được ba trái xoài chỉ vài ngày sau đó. Vẫn với một bài thơ kèm theo. Lần này, giọng điệu của Phong Khê đã bắt đầu ỡm ờ:
Khi chưa biết thì kêu huyền bí
Lúc hay ra, giản dị lắm thay!
Xoài ngon ba trái trao tay
Mong rằng gặp gỡ sau này… có khi!
Đọc xong bài thơ, Cúc Hương ngó Xuyến:
– Mình không muốn gặp hắn, hắn lại mong gặp mình! Giờ tính sao?
– Kệ hắn! – Xuyến phẩy tay – Thật ra hắn chỉ muốn gặp mặt con Thục thôi, nhưng mình sẽ không để hắn thực hiện ý đồ “đen tối” này!
Cúc Hương liếc Thục, thở dài:
– Nếu như vậy con Thục sẽ buồn! Tội nó!
Thục “xí” một tiếng:
– Có mày buồn thì có! Đừng đổ hết cho tao!
Cúc Hương nhe răng cười:
– Mày đừng lo cho tao! Tao có ba trái xoài làm bạn rồi, chẳng còn muốn “gặp gỡ” ai nữa! Hơn nữa tao thuộc hệ PAL, đâu phải hệ NTSC như mày!
Dù đang khẩu chiến, Thục cũng không nén được tò mò:
– PAL là sao?
– Là “Phớt Anh Luôn” chứ là sao! Hùng quăn từng là nạn nhân hệ PAL của tao, mày không nhớ sao!
Thục có vẻ thích thú trước trò chơi chữ của Cúc Hương:
– Thế còn con Xuyến? Nó là PAL hay NTSC?
– Con Xuyến hả? – Cúc Hương tươi cười – Nó khác tụi mình. Nó thuộc hệ SECAM. Sao Em Chê Anh Mãi. Hệ này còn gọi là hệ… ế chồng!
Xuyến trừng mắt:
– Tao cốc ột cái bây giờ! Chuyện quan trọng trước mắt không lo, cứ lo đi trù ẻo bạn bè!
Cúc Hương đưa tay ôm đầu:
– Chuyện gì mà quan trọng?
– Chuyện anh chàng Phong Khê của con Thục chứ chuyện gì!
– Hắn sao?
– Còn trăng với sao nữa! Mày đọc lại bài thơ của hắn coi!Cúc Hương đọc lại bài thơ.
– Thấy gì chưa? – Xuyến hỏi.
Cúc Hương giương mắt ếch:
– Có thấy gì đâu!
– Mắt mày đui rồi! – Xuyến thở dài – Mày đọc kỹ hai câu đầu ấy!
Cúc Hương lại dán mắt vô tờ giấy. Và lần này, nó reo lên:
– À, tao thấy rồi!
Xuyến sáng mắt:
– Thấy rồi phải không?
– Ừ, tao thấy… hai câu thơ.
Bị lỡm, Xuyến đâm gắt:
– Vô duyên! Dẹp mày đi!
Cúc Hương cười hì hì:
– Giỡn với mày vậy thôi chứ tao hiểu rồi! Vấn đề nằm ở hai chữ “giản dị”, đúng không? “Lúc hay ra, giản dị lắm thay!”, câu thơ đó tố cáo rằng hắn là một người rất quen thuộc với tụi mình…
Không đợi Cúc Hương nói hết câu, Xuyến đã vỗ tay:
– Khá lắm!
Thục không nói gì, chỉ gật gù tỏ ý tán đồng với nhận xét của Cúc Hương.
Nghe khen, Cúc Hương khoái chí, tiếp tục bô bô:
– Vì vậy nhiệm vụ trước mắt của tụi mình là khẩn cấp truy tìm thủ phạm, xem thử hắn là cái đứa bố láo nào!
Nào ngờ lần này ý kiến của Cúc Hương bị Xuyến phản đối:
– Không nên! Làm vậy sẽ rơi vào cái bẫy của hắn!
– Bẫy gì? – Cúc Hương trố mắt.
Xuyến thủng thỉnh giải thích:
– Ngay từ lá thư làm quen đầu tiên, hắn đã làm bộ bí mật để dụ tụi mình… đi tìm hắn. Mà hễ con gái đi tìm con trai là coi như “mất giá” rồi…
– Còn giá của hắn thì lại tăng theo giá vàng và đô-la! – Cúc Hương lẹ làng bổ sung.
– Đúng vậy! – Cúc Hương tiếp tục nhận định với giọng nghiêm nghị – Hắn tự muốn nâng giá vô tội vạ như ở các bãi giữ xe. Nhưng tụi mình đã tỏ ra là những công dân đầy bản lĩnh. Ngay cả khi hắn điều tra ra “quý danh” của tụi mình, tụi mình vẫn không thèm tò mò về hắn. Tụi mình cứ thản nhiên ăn ổi, ăn xoài và tiếp tục tỉnh rụi khiến hắn tức điên!
– Sao mày biết hắn tức điên? – Thục hỏi chen ngang.
Xuyến nguýt Thục:
– Sao lại không biết! Chính vì tức điên nên lần này hắn cố tình úp úp mở mở, nói xa nói gần ra vẻ ta đây là người thân quen ghê lắm để đánh vào lòng hiếu kỳ của tụi mình. Kỳ thực hắn chẳng hề quen biết gì với tụi mình, mà chỉ là một thằng nhãi học lớp 11…
– Hay, hay! – Cúc Hương buột miệng khen – Mày quả là Khổng Minh tái thế, phân tích đâu ra đó đàng hoàng. Suýt chút nữa tụi mình rơi vào âm mưu thâm độc của hắn…
– Và sẽ bị hắn cười vào mũi ba ngày ba đêm! – Xuyến hùng hồn nói tiếp.
Thục mỉm cười:
– Còn tụi mình không đi tìm thì hắn sẽ bị sổ mũi ba đêm ba ngày?
– Chứ còn gì nữa! – Cúc Hương hăm hở – Tao sẽ cho hắn biết thế nào là phụ nữ hệ PAL!
Đang ba hoa, Cúc Hương bỗng ngập ngừng:
– Nhưng còn cái vụ viết thư?
– Sao?
Cúc Hương liếm môi:
– Tụi mình không đi tìm hắn nhưng vẫn phải tiếp tục viết thư “dụ ăn” chứ?
– Đương nhiên rồi! – Xuyến phì cười – Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, còn cái miệng là cửa chính. Mình không cho hắn nhảy qua cửa sổ, chứ còn cửa chính thì tha hồ. Ổi, xoài, bưởi, mận gì đều qua được tuốt!
Ngay sau “quyết định” của Xuyến, Phán củi lập tức được triệu tập.
Lần này, Phán không còn bỡ ngỡ nữa. Vừa nghe Xuyến gọi, anh đã bước lại, cười hỏi:
– Làm thơ nữa hả?
– Trời đất! – Xuyến trợn mắt – Mới ăn có một chầu chè mà sao đầu óc bạn thông minh sáng láng hẳn ra vậy?
– Thông minh gì đâu! – Phán bẽn lẽn – Các bạn kêu tôi thì chỉ có nhờ làm thơ thôi chứ có chuyện gì!
– Đừng nói vậy mất đoàn kết lắm à nghen! Tụi này chơi với bạn vì quý bạn chứ không phải để nhờ vả đâu à!Bị Xuyến thình lình “lên lớp”, Phán sượng sùng quay mặt đi chỗ khác. Thấy vậy, Xuyến vội trấn an:
– Nhưng lần này thì đúng là tụi này định nhờ vả bạn thật!
Nói xong, Xuyến cười toe. Thục và Cúc Hương cũng không nhịn được cười trước kiểu ăn nói tráo trở của bạn mình. Chỉ có Phán là vẫn còn ngượng ngập. Anh dè dặt hỏi:
– Các bạn định nhờ tui làm thơ gửi cho anh chàng Phong Khê bữa trước phải không?
– Ừ, nhưng lần này không phải là thơ lục bát nữa đâu! Song thất lục bát chính hiệu đấy!
Vừa nói, Xuyến vừa chìa bài thơ của Phong Khê cho Phán xem.Phán đọc lướt qua tờ giấy rồi chậm rãi hỏi:
– Bây giờ các bạn muốn trả lời như thế nào?
Xuyến chưa kịp lên tiếng thì Cúc Hương đã hùng hổ đáp:
– Bạn nói cho hắn biết là dù hắn có quen biết với tụi này hay không, tụi này cũng cóc thèm để ý đâu. Bảo hắn đừng có giở giọng ỡm ờ ra nữa. Mà hãy tập trung tư tưởng xem ở nhà có món gì ngon ngon nhớ gửi sớm cho tụi này… làm bài tập!
– Bài tập gì? – Phán chưng hửng.
– Bài tập “kiểm tra miệng” chứ bài tập gì! Sao bạn “chậm tiêu” quá vậy?
Nghe Cúc Hương chê mình “chậm tiêu”, Phán không dám hỏi tới hỏi lui. Như lần trước, Phán chắp tay sau lưng đi qua đi lại, mồm lẩm nhẩm. Đã quen với “hoạt động sáng tác” của Phán, ba cô gái không còn tròn mắt kinh ngạc nữa.
Bỗng nhiên Phán dừng lại. Cúc Hương nheo mắt:- Mỏi giò rồi hả?
Phán cười:
– Xong rồi! Các bạn lấy giấy ra đi!
– Bạn làm thơ lẹ ghê! Không thua gì trạng Quỳnh vẽ giun!
Vừa nịnh nọt, Cúc Hương vừa lật tập xé giấy đưa cho Xuyến.
Trước ánh mắt hau háu của ba cô gái, Phán khoan thai đọc:
Dù quen biết hay không quen biết
Thì tụi này có thiết tha chi
Thực lòng thì có thứ chi
Ăn ngon nhớ gửi cấp kỳ, bạn ơi!
Bài thơ của Phán thể hiện đầy đủ nội dung Cúc Hương yêu cầu. Vì vậy, Phán vừa đọc xong, Cúc Hương liền vỗ tay khen ầm:
– Tuyệt cú mèo! Bạn đúng là một ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ!
Xuyến cũng gật gù, tấm tắc:
– Thơ hay không kém gì thơ của thi sĩ Tò Te trên báo Mực Tím. Mặc dù chữ “chi” lặp lại tới hai lần nhưng “khuyết điểm” này thực ra không đáng kể lắm!
Lần nào khen thơ Phán, Xuyến cũng đều chêm vào một câu xiên xỏ. Nhưng Phán làm bộ như không để ý. Anh quay sang Thục:
– Thục thấy sao?
Phán tưởng Thục sẽ khen mình như Xuyến và Cúc Hương. Nhưng Thục lại nhăn mặt:
– Bài thơ kỳ quá!
Phán chột dạ:
– Dở quá hả Thục?
– Không phải dở nhưng nghe nó vô tình và trắng trợn sao sao ấy!
Lời phê bình của Thục khiến Phán đâm lúng túng. Anh chớp mắt phân bua:
– Nhưng đó là ý Cúc Hương mà!
– Trời ơi, bạn đùng có nghe lời con Thục! – Cúc Hương hừ giọng – Nó bị tay Phong Khê kia hớp hồn mất rồi!
– Mày đừng có nói bậy! – Thục nạt Cúc Hương và thò tay định ngắt khiến Cúc Hương phải hấp tấp lùi xa ra.
Phán đứng như chôn chân tại chỗ. Anh ngẩn ngơ nhìn ba cô gái, không biết phải nghe lời ai. Nhưng rồi không thấy Thục nói gì thêm sau khi bị Cúc Hương chặn giọng, Phán mới yên tâm dời gót. Ra tới cửa, anh bỗng nghe tiếng Xuyến gọi vói theo:
– Chiều mai nhớ đi ăn chè với tụi này nữa nghen!