Đọc truyện Bình An – Chương 4
Sau khi đi tới trại giam về, tên Thần Chết tự dưng giữa đường tốt bụng chịu cho tôi quá giang tới chùa. Thả tôi tới trước cổng chùa, hắn nói:
– Cô về mở điện thoại lên đợi tin tôi.
Vừa nói xong chưa kịp để tôi hỏi lại thì tên Thần Chết đã ra lệnh cho tài xế chạy mất dạng. Tôi đứng nhìn theo xe của hắn, càng nhìn càng thấy không hiểu lắm. Cớ làm sao tôi phải đợi tin của hắn, tôi và hắn thân nhau lắm à?
Tôi lầm bầm:
– Ai rảnh đâu đợi anh.
Lầm bầm mấy câu, tôi cũng đi vào trong không đứng nhìn theo xe hắn nữa. Hôm nay là ngày bình thường nên trong chùa không đông lắm, xa xa đằng kia có tóp người đang đứng đông chắc là khách hành hương đi tới cúng bái.
Tôi đi vào cổng rồi quẹo tới quầy bán nhang của cô Thọ, thấy tôi cô ấy kêu:
– An, hồi sáng ông Khang có ghé qua đốt nhang cho mẹ con đó.
Nghe cô Thọ nói tôi liền gật đầu cười, trong mấy năm tôi đi du học, chuyện nhang khói cho hai người mẹ đều nhờ hết vào bác Khang. Bệnh viện cũng gần với chùa nên bác Khang cũng đỡ đi lại cực nhọc. Thiệt, ngoài bác Kiên ra thì bác Khang coi như là người thân duy nhất của tôi ở cái xứ này, tôi coi họ như hai người cha của mình vậy.
Tôi đi tới lấy 2 bó nhang thơm, tôi cười rồi hỏi:
– Bao nhiêu tiền vậy cô Thọ?
Cô Thọ là người sởi lởi, tôi biết cô từ cái hồi còn nhỏ xíu được mẹ Nhung dắt tới thắp nhang cúng kiến cho mẹ tôi hàng tuần. Cô có đứa con gái xinh lắm, nó chắc nhỏ hơn tôi 2,3 tuổi gì đó, đang học cao đẳng ngành y.
Nghe tôi hỏi giá, cô Thọ phủi tay:
– Tiền bạc gì, mày lần nào cũng tiền tiền, lấy vô đốt nhang cho mẹ mày đi. Có bao nhiêu tiền đâu.
Tôi không chịu:
– Đâu có được, nào ra đó mà cô Thọ. Này con mua mà, khi nào con hết tiền con xin, cô mà không tính tiền là con giận luôn á.
Cô Thọ cười trừ:
– Ờ vậy 20 nghìn, bó 10 nghìn. Mà sáng ông Khang ổng mới tới, cô còn tưởng mày bận đi làm.
– Dạ con chưa đi làm, mấy bữa trước con có công chuyện nên không tới thăm mẹ con được. À mà hôm nay ngày thường mà chùa cũng đông dữ cô ha?
Cô Thọ lắc đầu, cô nhỏ giọng:
– Đâu có đông.
– Đâu có, con thấy khách hành hương đang đứng kìa cô.
Cô Thọ nhìn nhìn, cổ kéo tôi lại, nói nhỏ:
– Không phải khách hành hương đâu, người ta đi lên nhờ Thầy Phát coi cho một quẻ. Nghe nói hình như con gái bà kia mất tích.
Tôi có chút ngạc nhiên:
– Mất tích hả cô?
Cô Thọ gật đầu:
– Ừ, nghe nói là vậy. Hôm rằm, con của cô kia nói đi chùa, xong là mất tích luôn tới giờ. Ban đầu người nhà tưởng đi chơi với bạn nên không tìm, giờ quá 3 bữa không nghe tung tích gì… chắc mất tích thiệt rồi.
Tôi gật gù, nghe thì thấy cũng lo cho cô gái ấy nhưng cuộc sống mà nên nghĩ theo hướng tích cực đừng quá bi quan.
– Chắc cô ấy đi đâu chơi, hy vọng là không sao.
Cô Thọ cũng đồng cảm:
– Ừ cô cũng mong là vậy chứ còn trẻ quá mà…
Nói với cô Thọ mấy câu nữa tôi cũng thôi, đứng đây tám chuyện một hồi nữa chắc tới chiều. Cầm hai bó nhang vào thắp cho mẹ tôi với mẹ Nhung. Mẹ Nhung thì được chôn trong phần mộ chôn của chùa, còn mẹ ruột tôi thì tro cốt được thờ trên tháp. Đứng trước tro cốt của mẹ, tôi không hẹn mà thở dài buồn bã… sợi dây chuyền bà để lại cho tôi, thế mà tôi cũng làm mất. Tôi thật sự vô dụng quá mà.
Đứng thủ thỉ tâm sự với mẹ một hồi lâu, nhìn đồng hồ thấy trễ nên tôi cũng thôi, chào tạm biệt mẹ rồi ra về. Lúc đi ra tới chánh điện tôi vô tình gặp được chú Thành, là một người phụ trông coi cho chùa. Chùa do thầy Phát trụ trì, ban đầu chùa không to như bây giờ. Chú Thành trước kia là việt kiều Mỹ, sau khi về lại quê hương thì mua thêm khu đất đằng sau chùa rồi đại thọ toàn bộ cho chùa để xây lên chùa mới. Tôi nghe thầy trụ trì kể lại, chú Thành rất là hiền, ngày ngày làm công quả phụ giúp cho chùa. Chú ấy có con gái đang sống bên Mỹ, con gái cũng đã lớn nên chú về lại quê hương để thực hiện tâm nguyện của mình. Con người chú Thành hiền như cục bột, ai nói gì cũng từ tốn trả lời lại, thiệt tình tôi cũng quý chú dữ lắm. Mà tôi nghe bác Khang kể lại trước kia chú Thành cũng có biết mẹ tôi, đặc biệt chú ấy là bạn cờ của bác Khang, hai người thân với nhau lắm.
Gặp chú, tôi chấp tay cười hỏi:
– Chú Thành, lâu quá con mới gặp chú.
Chú Thành cười tươi:
– A Di Đà Phật, lâu quá mới gặp con. Chú nghe ông Khang kể là con về nước rồi, mà dạo trước chú theo chân Thầy Từ đi học Đạo nên chưa có gặp con. Cha… mới đây hơn 5 năm rồi, nhanh quá Bình An.
Tôi cũng cười, hỏi han thực lòng:
– Dạ, chú khỏe không? Nhìn chú Thành cũng y như 5 năm trước không khác chút nào.
Chú Thành được khen là cười, chú từ tốn nói:
– Con nhỏ dẻo miệng, nhưng mà chú trẻ đúng không con?
Tôi nghe chú hỏi liền bật cười lớn:
– Trẻ mà, chú Thành da còn đẹp hơn da của con nữa á.
Nói qua nói lại vài câu, chú Thành lấy cho tôi một giỏ trái cây tươi, chú nói:
– Đem về ăn lấy thảo, con gái nên bồi bổ, ăn nhiều trái cây hơn. Rảnh thì lên chơi với thầy Phát, thầy mới nhắc con hồi hôm.
Tôi gật đầu vâng dạ mấy tiếng, nhớ còn bé tôi hay cùng mẹ Nhung tới chùa, chùa lúc ấy chưa được xây lại vẫn còn nhỏ lắm. Mỗi lần tới chơi đều được thầy Phát cho bánh ngọt, tôi còn hay làm bạn chơi cờ với Thầy, mặc dù là tôi không hề biết đánh. Nghĩ mà nhanh thật, mới đây đã hơn 15 năm rồi.
Vì ngoài kia có khách hành hương nên chú Thành không nói chuyện với tôi lâu được, cho tôi giỏ trái cây rồi chú cũng đi ra ngoài tiếp khách đi chùa. Tôi đi loanh quanh một chút nữa cũng ra về, lúc ra tới chỗ tóp người đông đông đang đứng trước sân chùa, vô tình tôi nhìn thấy tấm ảnh có hình của một cô gái khá là đáng yêu. Trong ảnh cô gái ấy ôm một bó hoa rất đẹp rất to, nụ cười thập phần tươi tắn rạng rỡ. Nhưng tiếc là… nụ cười được che lấp bởi một màn sương đen dày đặc… đặc quánh như người đã chết.
Nhìn người phụ nữ đã hơn 40 tuổi, một tay ôm tấm ảnh run run, một tay thì đang nắm tay chú Thành khóc tới nghẹn.. chẳng hiểu sao cái nắm tay đó lại làm lòng tôi thổn thức vô cùng. Cái sự xót xa của người đầu bạc tiễn người đầu xanh… có bút mực nào diễn tả hết nỗi đau này được đây?
Tôi bước ra về nhưng trong lòng nặng trĩu, những gì tôi thấy được khi nãy thật sự làm cho tôi quá mức phiền não. Cô gái ấy còn trẻ quá, nụ cười đầy hoài bão thế kia vì cớ làm sao lại đoản mệnh đến như vậy?
Càng nghĩ càng thấy phiền, nhưng dù cho có phiền cỡ nào thì tôi cũng không có cách nào giúp được. Ông Trời cho tôi khả năng đặc biệt là biết được người ta sắp chết nhưng ông lại không cho tôi thêm khả năng cứu người. Có đôi khi tôi cảm thấy khả năng này chẳng có gì là đặc biệt, thậm chí còn cảm thấy nó vô tích sự, tới mức khiến tôi khó chịu vô cùng. Cái cảm giác biết người ta sắp chết nhưng không cứu được thật là khốn nạn, khốn nạn vô cùng.
Nếu là một người lớn tuổi sắp chết, tôi sẽ không cảm thấy khó chịu đến như vậy. Đằng này, đây là một cô gái còn rất trẻ, có khi còn trẻ hơn cả tôi…
Chân thì bước đi thong dong nhưng trong lòng chất chứa bao nhiêu nỗi niềm.
Đêm đến, tôi nằm chiêm bao, tôi thấy cô gái trong tấm ảnh hồi chiều ở sân chùa… Cô gái ấy khóc… khóc mãi không dừng… Tôi có hỏi vì sao cô ấy chết nhưng cô ấy không trả lời, bàn tay cô ấy cầm một bó hoa oải hương… đầy máu!
Qua mấy ngày hôm sau tôi có ghé lại chùa, tôi hỏi chú Thành về chuyện cô gái ấy. Chú thở dài không nói được gì, chú chỉ bảo là công an vẫn chưa tìm được tung tích, nghi là lành ít dữ nhiều. Tôi biết chứ, tôi còn biết là chẳng có điềm lành nào cả nhưng mà… thật sự xót quá. Tôi có nói với chú Thành nhờ chú nói lại với trụ trì là nên cầu an cho cô ấy. Nếu “còn sống” thì bình an mà trở về còn nếu đã chết thì hy vọng vong hồn cô ấy được siêu thoát. Chú Thành cũng đồng ý với ý kiến của tôi. Phàm là người thường, ai mà không mong muốn đồng bào của mình được bình an cơ chớ.
_________
Qua ngày hôm sau, trong lúc đang chơi với bé mèo MiMi thì tôi nhận được tin nhắn của Thần Chết. Lúc thấy tên của anh ta hiện trên mục tin nhắn, tôi giật mình tới làm rơi vãi thức ăn của MiMi. Mở tin nhắn ra, trên đó hiện ra dòng chữ ngắn gọn, đủ ý và cực kỳ xúc tích:
” Cảnh sát cô nói đã chết, ngày mai tôi muốn gặp cô.”
Lại thêm một người nữa chết… xung quanh tôi toàn là người chết!
__________
Từ hôm vụ sợi dây chuyền tới giờ tôi không phụ bưng đồ ăn lên cho gia đình bác Kiên nữa. Thấy tôi không xuất hiện nên hồi sáng này bác Kiên mới kêu tôi tối nay nhớ đừng đi đâu để dùng cơm với gia đình bác. Tôi ban đầu cũng có từ chối nhưng bác không chịu, bác bảo nếu tôi từ chối thì đừng nhìn mặt bác nữa. Hết cách, tôi đành đồng ý chứ bác đã nói thế thì không đồng ý cũng không được.
5 giờ chiều, tôi với chị Nga cùng đi lên phòng mời bà nội xuống ăn cơm. Hôm nay lạ, bác Liên thế mà vui vẻ với tôi vô cùng, còn cười nói với tôi nữa chứ. Cậu Lập thấy cảnh tôi với bác Liên vui vẻ với nhau, cậu vui lắm, suốt buổi tôi cứ thấy cậu cười riết thôi. Mà công nhận gen nhà này tốt, cậu Lập đẹp trai ghê hồn… nhưng mà tên Thần Chết vẫn đẹp hơn.
Xuý xuý, tự dưng lại nhớ tới tên Thần Chết đó, xuý xuý, quên đi.
Lắc lắc đầu mấy cái, Thanh Nga đi bên cạnh hừ hừ mấy tiếng, chị ấy hỏi tôi:
– Cô làm gì vậy?
Tôi nhìn chị ta, không mặn không nhạt trả lời:
– Không có gì.
Đi gần tới cửa phòng bà nội, đột nhiên Thanh Nga kéo tôi lại, chị ấy dịu giọng:
– Nghe nói sợi dây chuyền kia cô vẫn chưa tìm được….
Tôi cau mày, nghe giọng nói này của Thanh Nga thực làm cho tôi thấy bất an.
– Chị nói vậy là có ý gì?
Thanh Nga hai tay khoanh lại để trước ngực, chị ấy nhìn tôi cười nhạt:
– Không có gì, tôi cũng muốn đưa lại cho cô nhưng mà…
Đưa lại cho tôi? Là chị ấy còn giữ???
Nghe tới đây tôi liền kéo tay Thanh Nga, tôi gằn giọng:
– Chị trả đây… trả sợi dây chuyền cho tôi.
Thanh Nga gạt tay tôi xuống, mặt chị ta hiện lên vẻ trào phúng:
– Bình tĩnh đã… đồ của cô thì vẫn còn đó, có gì đâu mà….
Tôi cau mày, không vui:
– Chị muốn gì thì nói luôn đi, vòng vo với tôi làm gì?
Chị ta cười nhếch môi, khẽ nói:
– Bác Liên nói cô rất thông minh, công nhận là như vậy thật. Thế này, hôm nay bác Kiên kêu cô tới ăn cơm là có ý muốn nhận cô làm con nuôi. Nếu cô đồng ý, tôi sẽ trả lại dây chuyền cho cô. Thế nào?
Tôi nhìn chị ta, mẹ kiếp, bộ mặt đắc ý trông phát tởm. Tôi biết ngay mà, nếu sợi dây chuyền mất thật thì không nói, nếu nó rơi vào tay chị ta thì kiểu gì chị ta cũng bắt tôi trao đổi. Mẹ nó, chồn mà muốn làm cáo à?
Nếu trước đây cô ta bắt tôi một hai phải chấp nhận làm con nuôi của bác Kiên thì nhất định tôi sẽ không chịu. Nhưng bây giờ, giữa sợi dây chuyền và chuyện làm con gái của bác Kiên, không cần nghĩ cũng biết sợi dây chuyền quan trọng hơn rồi.
Cậu Lập…. tôi xin lỗi vì không giữ được lời hứa với cậu… xin lỗi.
Nắm chặt hai tay, tôi gật đầu, nói chắc nịch:
– Được, tôi đồng ý với chị. Nhưng nếu xong chuyện mà chị không trả dây chuyền cho tôi thì chị đừng trách tôi.
Thanh Nga cười hô hố, chị ta gật đầu:
– Được thôi.
Nói rồi chị ta đi trước, tôi đi theo sau, hai người một trước một sau đi vào phòng của bà nội. Tôi nhìn biểu cảm của chị ta, thực sự không thấy có chút tin tưởng nào. Nhưng bây giờ tin hay không tin gì thì cũng phải tin, dù cho chỉ có một tia hy vọng để tìm lại được sợi dây chuyền của mẹ, có bắt tôi làm thế nào tôi cũng đồng ý.
________
Trong suốt bữa ăn, tôi rất kiệm lời, hầu hết đều là Thanh Nga với cậu Lập thi nhau pha trò tạo tiếng cười cho mọi người. Lâu lâu có ai hỏi thì tôi trả lời, không thì ai nói gì buồn cười thì tôi sẽ cười theo cho có chứ hoàn toàn không có ý bắt chuyện.
Vừa gắp một con tôm cho tôi, cậu Lập vừa quay sang hỏi tôi:
– Sao em không nói gì?
Tôi nhìn cậu, không biết phải trả lời thế nào nên cười cho qua. Thực ra tôi có thể nói nhiều với bác Kiên, cũng có thể nói dong nói dài với cậu Lập. Nhưng thực sự không bao giờ, không bao giờ tôi nói được quá năm câu trước mặt mọi người trong gia đình của bác Kiên, nhất là trước mặt bác Liên. Không phải vì tôi không thích mà là tôi không muốn. Tôi cảm thấy, tôi không chung tần số để nói chuyện.
Thấy tôi không nói gì, cậu Lập cũng không hỏi thêm, suốt buổi cậu cứ canh gắp thức ăn cho tôi. Cậu gắp thì nhiều nhưng tôi không ăn được bao nhiêu, có món thì tôi không biết ăn, cũng có món tôi bị dị ứng…
Đến cuối bữa cơm, chuyện quan trọng cuối cùng cũng tới. Bác Kiên ngồi ở giữa, tôi nghe giọng bác ấy vô cùng nghiêm túc:
– Sẵn hôm nay có Bình An ở đây, tôi có một chuyện một tuyên bố… là tôi muốn nhận Bình An làm con nuôi, con gái nuôi của tôi. Bình An, con thấy sao?
Bàn tay tôi để trên đùi dần dần co lại, nụ cười trên mặt tôi cũng tắt đi phân nửa. Thanh Nga ngồi kế cậu Lập thì quay sang nhìn tôi, bàn tay chị ta sờ sờ lên cổ rồi cười nhẹ như ra hiệu cho tôi nên nói cái gì.
Mẹ nó, cảm giác này thực là khó chịu mà!
Mọi người đều nhìn tôi, tôi lại nhìn thoáng qua gương mặt xám xịt của cậu Lập, thoáng chốc tôi thấy lòng mình nặng quá…
Tôi mở miệng, cậu Lập cũng mở miệng, hai tiếng nói cùng đồng thời phát ra:
– Con đồng ý.
– Con không đồng ý.
Tôi nghe cậu Lập tuyên bố không đồng ý mà khiến tôi giật mình, còn cậu Lập lại nhìn tôi như kiểu ngạc nhiên lắm. Cậu ngạc nhiên về câu trả lời của tôi, tôi biết…
Bác Liên sửng sốt:
– Lập, con nói cái gì vậy?
Cậu Lập nhìn tôi, cậu nhìn tôi chằm chằm, mãi lát sau cậu mới lên tiếng:
– Con không đồng ý ba nhận con gái nuôi, con không thích.
Bác Kiên cũng có chút lúng túng:
– Huy Lập, con…
Cậu Lập nhìn bác Kiên, tôi nghe giọng cậu trầm đi hẳn:
– Ba, trước kia con đã từng nói với ba rồi, chẳng lẽ ba quên hết rồi sao?
Gương mặt bác Kiên biến sắc, bác bỗng dưng quay sang nhìn tôi, ánh mắt vô cùng khó hiểu. Mà không phải chỉ mỗi bác Kiên, bác Liên cũng nhăn mặt nhăn mày không hề vui chút nào. Bác Liên kéo tay chồng, bà gằn giọng:
– Anh, em đã nói với anh…
Bác Kiên thoáng thở dài, ông nhạt giọng:
– Thôi, không nói nữa.
Bác Liên không đồng ý:
– Anh…
– Anh nói là thôi.
Bác Kiên là người đàn ông thương vợ, thương nhưng vẫn có chính kiến của riêng mình. Không biết sâu xa giữa gia đình bọn họ có chuyện gì mà khiến tình hình bây giờ khó hiểu tới như vậy. Bác Kiên nhìn về phía tôi, ông xua tay:
– Bình An với Thanh Nga về phòng đi, chuyện hồi nãy bác nói coi như bỏ. Đi đi, hai đứa về đi.
Tôi đứng dậy không dám nhìn xung quanh chỉ biết cúi đầu đi thẳng ra bên ngoài. Lúc đi ra ngoài, tôi cảm nhận được ánh mắt của cậu Lập đang nhìn tôi… nhìn rất lâu….
Tôi khẽ thở dài, duyên số… cứ để duyên số định đoạt.
Tôi đi trước, Thanh Nga đi theo sau lưng tôi. Ra tới ngoài, chị ta hằng học tính bỏ về phòng. Tôi còn chưa hỏi chuyện chị ta mà chị ta muốn đi, đâu có dễ.
Kéo tay Thanh Nga lại, tôi hỏi:
– Dây chuyền của tôi đâu?
Thanh Nga nhìn tôi, chị ấy kênh kiệu bực dọc quát:
– Ai mà biết, tôi không giữ cái của nợ nhà cô. Cô hỏi tôi làm gì?
Ơ, con mẹ này….
Tôi nhìn chị ta, tôi quát:
– Chị dở trò à? Vừa nãy chị nói tôi đồng ý làm con nuôi bác Kiên thì chị sẽ trả lại dây chuyền cho tôi. Bây giờ dây chuyền đâu, chị giỡn mặt với tôi?
Thanh Nga mặt nhăn mày nhó, chị ta khẽ hừ mấy tiếng:
– Cô đồng ý nhưng anh Lập không đồng ý thì cũng như không, hơn nữa tôi chỉ nói cho có thôi chứ dây chuyền gì đó của cô tôi không giữ. Đừng tìm tôi nữa, vậy nha.
Mẹ nó, con bánh bèo này lật mặt nhanh y như nướng bánh tráng vậy. Đùa…
Thấy Thanh Nga quay đi tôi liền kéo tóc chị ta ghì lại, tôi cười nhếch môi, nắm đuôi tóc của chị ta giật thật mạnh. Thanh Nga vì đau quá nên la oai oái nhưng với cái sức bánh bèo thì làm sao làm lại tôi chứ.
Tôi cười, vừa cười vừa giật tóc, tôi hỏi:
– Giật tóc đâu không?
Thanh Nga hét um lên:
– Đau, cô điên rồi…đau… tôi đau, cô thả tay ra, thả ra.
Tôi cười khinh, nói chắc nịch:
– Ừ giật tóc thì đau nhưng mà không đau bằng bị giật crush đâu. Chị liệu hồn!