Bạn đang đọc Biểu Tượng Thất Truyền (The Lost Symbol): Chương 7 – 9
CHƯƠNG 7
Biểu Tượng Thất Truyền
Dịch giả: Nguyễn Xuân Hồng
Chương 7
Katherine Solomon vội vã băng qua bãi đỗ xe bất chấp làn mưa lạnh ngắt, lòng thầm ước giá như mình mặc nhiều hơn chứ không chỉ phong phanh chiếc quần jeans và áo len cashmere thế này. Càng tới gần lối vào chính của toà nhà, tiếng ồn của máy lọc không khí nghe càng ầm ĩ, nhưng Katherine hầu như không nhận thấy, bởi tai cô vẫn ong ong cuộc nói chuyện điện thoại vừa rồi.
Có thể tìm được… thứ mà anh trai bà tin rằng đang giấu ở thủ đô.
Katherine nửa tin nửa ngờ trước thông tin ấy. Cô còn nhiều điều phải thảo luận với người gọi, và họ đã thoả thuận là sẽ gặp nhau vào tối muộn hôm nay.
Đến cửa chính, Katherine lại cảm thấy phấn khích, y như mọi lần bước vào toà nhà đồ sộ này. Chẳng ai biết nơi ấy lại nằm ở đây.
Tấm biển trên cánh cửa ghi:
TRUNG TM HỖ TRỢ BẢO TÀNG SMITHSONIAN
(SMSC)
Viện Smithsonian sở hữu một bộ sưa tập hiện vật khổng lồ đến nỗi hơn một tá bảo tàng đồ sộ bên Công viên Quốc gia chỉ đủ cho họ trưng bày 2% trong số đó cùng một lúc. 98% còn lại của bộ sưu tập đành phải lưu giữ ở nơi khác, và cái nơi khác ấy… chính là nơi đây.
Quả vậy, toà nhà này chứa đựng hàng loạt hiện vật phong phú đến kinh ngạc, từ những pho tượng Phật khổng lồ, sách cổ chép tay, tên tẩm độc xứ New Guinea, dao chạm đá quý đến thuyền độc mộc làm từ tấm sừng hàm cá voi. Các báu vất thiên nhiên cũng khiến người ta choáng váng không kém, chẳng hạn như những bộ xương khủng long cổ dài, nhiều mảnh thiên thạch vô giá, một con mực khổng lồ, thậm chí cả bộ sưu tập sọ voi được Teddy Roosevelt mang về từ một khu bảo tồn tự nhiên châu Phi.
Tuy thế, chẳng báu vật nào trong số đó là lý do khiến Peter Solomon, Tổng thư ký của Smithsonian, phải giới thiệu em gái mình tới SMSC. Ba năm trước, ông mời Katherine về đây, nhưng không phải để nhìn ngắm những kiệt tác khoa học, mà là để sáng tạo ra chúng, và đó chính là những gì Katherine đang thực hiện.
Sâu trong toà nhà này, trong bóng tối của nơi chốn tách biệt nhất, có một phòng thí nghiệm khoa học nho nhỏ khác hẳn bất kỳ phòng thí nghiệm nào trên thế giới. Tại đây, Katherine đã đạt được nhiều bước đột phá trong lĩnh vực Lý trí học, những đột phá ấy có dây mơ rễ má với tất cả mọi ngành từ vật lý, lịch sử, triết học tới tôn giáo. Chỉ ít lâu nữa, mọi thứ sẽ thay đổi, cô nghĩ.
Khi Katherine bước vào tiền sảnh, người bảo vệ ngồi ở quầy giấu vội chiếc đài của mình và giật vội tai nghe ra khỏi tai.
– Cô Solomon! – Anh ta cười hì hì.
– Lại đội áo đỏ hả?
Người bảo vệ đỏ mặt ngượng nghịu.
– Mới là chương trình trước trận đấu thôi ạ.
Katherine tủm tỉm.
– Tôi không mách đâu.
Cô bước tới máy dò kim loại và bỏ hết mọi thứ trong túi ra. Khi tháo đến chiếc đồng hồ Cartier bằng vàng ở cổ tay, Katherine lại thấy lòng đau tê tái. Chiếc đồng hồ này là món quà mẹ tặng cô nhân ngày sinh lần thứ 18. Ngót mười năm đã trôi qua kể từ khi mẹ chết thảm… chết ngay trên tay Katherine.
– Thế, thưa cô Solomon? – người bảo vệ thì thầm giọng bông đùa – Cô đã định nói cho ai biết cô thường làm gì trong này chưa?
Katherine ngước nhìn lên.
– Một ngày nào đó, Kyle ạ. Nhưng không phải tối nay.
– Nào, – Kyle giục – Một phòng thí nghiệm bí mật… trong một bảo tàng bí mật? Chắc chắn là cô đang làm gì đó rất hay ho.
Hơn cả hay ho ấy chứ
Katherine nghĩ và thu gom lại đồ đạc. Sự thật là cô đang làm cho khoa học tiên tiến đến mức nó thậm chí không còn là khoa học nữa kia.
CHƯƠNG 8
Biểu Tượng Thất Truyền
Dịch giả: Nguyễn Xuân Hồng
Chương 8
Robert Langdon đứng chết sững ở cửa Đại sảnh Tượng đài Danh nhân Quốc gia, trân trối nhìn khung cảnh bất ngờ trước mắt. Căn phòng vẫn y nguyên như trong ký ức của anh với hình bán nguyệt cân đối xây dựng theo phong cách khán đài Hy Lạp. Những bức tường vòng cung duyên dáng bằng sa thạch và thạch cao Italia làm nền cho hàng cột ốp đá sặc sỡ, điểm xuyết loạt tượng danh nhân quốc gia – cả thảy là ba mươi tám pho lấy nguyên mẫu từ các công dân Mỹ xuất chúng, kích thước như người thật, quây thành nửa vòng tròn trên nền nhà lát đá cẩm thạch đen trắng.
Mọi chi tiết đúng như Langdon ghi nhớ hồi tham dự thuyết giảng ở đây
Ngoại trừ một chi tiết.
Tối nay, căn phòng trống rỗng.
Không ghế ngồi. Không cử toạ. Không có Peter Solomon. Chỉ có vài du khách đi lại vẩn vơ, chẳng hề để tâm đến sự xuất hiện của Robert Langdon. Hay là Peter dặn đến Nhà Tròn(13) nhỉ? Langdon ngó xuống hành lang phía nam dẫn tới Nhà tròn và cũng chỉ thấy dăm ba khách du lịch lang thang ở đó.
Tiếng vọng của chuông đồng hồ đã dứt hẳn. Giờ thì anh đến muộn thật rồi.
Robert Langdon vội vã quay lại tiền sảnh và gặp được một hướng dẫn viên.
– Xin lỗi anh, sự kiện tổ chức ở đâu nhỉ, sự kiện của Viện Smithsonian tối nay ấy?
Người hướng dẫn ngập ngừng.
– Tôi không dám chắc, thưa ông. Khi nào thì nó bắt đầu?
– Giờ này!
Người kia lắc đầu.
– Viện Smithsonian không có sự kiện nào vào tối nay cả, chí ít là ở đây.
Ngơ ngác, Langdon vội vã quay trở lại trung tâm căn phòng, đưa mắt nhìn quanh một lượt. Hay là Solomon đang trêu đùa gì đây?
Langdon không tài nào hiểu nổi. Anh rút điện thoại di động cùng tờ fax nhận được sáng nay và bấm số của Peter.
Điện thoại phải mất một lúc mới bắt được tín hiệu trong toà nhà rộng lớn. Cuối cùng, nó cũng đổ chuông.
Giọng miền nam quen thuộc trả lời máy.
– Văn phòng Peter Solomon, tôi là Anthony. Tôi giúp gì được quý vị?
– Anthony! – Langdon thở phào – Rất vui là anh vẫn còn ở văn phòng. Robert Langdon đây. Hình như có gì đó nhầm lẫn về buổi thuyết giảng. Tôi đang đứng trong Đại sảnh Tượng đài Danh nhân, nhưng chẳng có ai ở đây cả. Hay là buổi lễ được chuyển tới một phòng khác?
– Tôi không nghĩ như vậy, thưa Giáo sư. Để tôi kiểm tra nhé! – Viên trợ lý dừng lại một lát – Giáo sư đã xác nhận trực tiếp với ông Solomon chưa?
Langdon bối rối.
– Không, tôi xác nhận với anh, Anthony ạ. Sáng nay!
– Vâng, tôi nhớ rồi – Đầu dây bên kia im bặt một lúc – Đó là sơ suất của Giáo sư đấy, Giáo sư có nghĩ thế không?
Langdon giật thót.
– Anh bảo sao cơ?
– Hãy xem nhé… – người đàn ông nói – ông nhận được một bản fax đề nghị gọi tới một số điện thoại, và làm theo. Ông nói chuyện với một người hoàn toàn xa lạ tự nhận mình là trợ lý của Peter Solomon. Sau đó, ông sẵn sàng leo lên một chiếc máy bay riêng để tới Washington và chui vào một chiếc xe đợi sẵn. Có phải thế không nào?
Langdon rùng mình ớn lạnh.
– Anh là thằng quái nào vậy? Peter đâu?
– Tôi e rằng Peter Solomon không hề biết rằng ông đến Washington tối nay – âm sắc miền nam biến mất, và giọng gã đàn ông chuyển thành tiếng thì thầm dịu dàng – Ngài ở đây, thưa ngài Langdon, bởi vì tôi muốn như vậy.
Chú thích:
(13) Nhà tròn Điện Capitol nằm ngay phía dưới mái vòm và là phần cao nhất của toà nhà này, được xem như “trái tim biểu tượng và vật chất” của Điện Capitol. Nhà tròn được bao quanh bởi những hành lang nối hai khu Hạ viện và Thượng viện. Phía nam Nhà tròn là Đại sảnh Tượng đài Danh nhân Quốc gia – Phía đông bắc là phòng họp cũ của Thượng viện – ND
CHƯƠNG 9
Biểu Tượng Thất Truyền
Dịch giả: Nguyễn Xuân Hồng
Chương 9
Robert Langdon áp chặt điện thoại di động vào tai và bồn chồn đi đi lại lại trong Sảnh Tượng đài.
– Anh là thằng quái nào vậy?
Gã đàn ông bình tĩnh trả lời bằng giọng thầm thì mượt như nhung.
– Đừng cuống thế, Giáo sư. Ngài được triệu tới đây vì một lý do.
– Triệu tới ư? – Langdon cảm thấy mình như con thú bị nhốt – Anh định bắt cóc tôi chăng?
– Không hề – Giọng gã kia thản nhiên – Nếu tôi chủ tâm làm hại thì ngài đã chết ngay trong chiếc Town Car rồi – Gã bỏ lửng câu nói một lúc.
– Ý định của tôi hoàn toàn cao quý, tôi khẳng định như vậy. Đây chỉ đơn giản một lời mời.
Thôi xin kiếu!
Sau những trải nghiệm tại châu u trong mấy năm vừa qua, sự nổi tiếng không hề mong muốn của Langdon khiến anh trở thành một khối nam châm với những kẻ điên rồ, nhưng gã này đã đi quá giới hạn cho phép.
– Xem nào, tôi không biết chuyện quái gì đang diễn ra ở đây, nhưng tôi sẽ tắt máy…
– Đừng dại dột thế? – gã kia nói – Cơ hội cho ngài cứu rỗi linh hồn Peter Solomon không có nhiều đâu.
Langdon hít một hơi lạnh buốt.
– Anh nói gì?
– Tôi chắc là ngài nghe rõ lời tôi.
Nghe cách gã nọ nhắc đến Peter, Langdon thấy bình tĩnh lại.
– Anh biết gì về Peter nào?
– Tôi biết những bí mật sâu kín nhất của ông ta. Ngài Solomon là khách của tôi, và tôi có thể là một chủ nhà đầy sức thuyết phục.
Không thể như thế được.
– Peter không hề ở chỗ anh.
– Tôi trả lời điện thoại di động riêng của ông ta. Như thế là đủ rồi chứ gì?
– Tôi sẽ gọi cho cảnh sát.
– Không cần đâu, – gã kia đáp – Các nhà chức trách sẽ đến với ngài ngay thôi.
Gã điên này đang nói về chuyện gì không biết
Langdon đanh giọng.
– Nếu Peter ở chỗ anh, hãy để ông ấy nghe máy đi.
– Không được. Ngài Solomon bị kẹt ở một nơi không hay ho lắm – Gã kia ngừng lại – ông ta đang ở Araf(14).
– Ở đâu?- Langdon nhận ra mình đang siết chặt điện thoại đến nỗi tê cứng cả mấy ngón tay.
– Araf? Hamistagan(15)? Cái nơi Dante(16) dâng hiến thần khúc ngay sau trường đoạn Hoả ngục huyền thoại của ông ấy.
Những trích dẫn văn học và tôn giáo của gã đàn ông càng củng cố thêm mối nghi ngờ của Langdon, rõ ràng anh đang phải đương đầu với một tên loạn trí. Thần khúc thứ hai. Langdon biết rất rõ tác phẩm ấy ai học ở Phillips Exeter cũng phải đọc Dante cả.
– Anh bảo rằng Peter Solomon đang… ở trong luyện ngục à?
– Một từ ngữ thô tục mà lũ Thiên Chúa giáo các người sử dụng, nhưng phải, ngài Solomon đang ở quãng giữa.
Lời nói của gã đàn ông ong ong trong tai Langdon.
– Ý anh là Peter đã… chết?
– Không, không hẳn.
– Không hẳn ư?! – Langdon thét lớn, giọng anh dội vang trong đại sảnh. Cả một nhóm du khách trố mắt nhìn anh. Langdon quay đi và hạ giọng:
– Chết là chết, sống là sống chứ!
– Ngài làm tôi ngạc nhiên đấy, thưa Giáo sư. Tôi cứ tưởng ngài hiểu biết sâu sắc hơn về những bí ẩn của sự sống và cái chết cơ. Có một thế giới trung chuyển, một thế giới Peter Solomon đang lang thang vào lúc này. Ông ta có thể quay trở lại thế giới của ngài, mà cũng có thể bước sang thế giới tiếp theo… tuỳ thuộc vào hành động của ngài hiện thời.
Langdon cố gắng tìm hiểu ý nghĩa đằng sau câu nói ấy.
Vậy anh muốn gì ở tôi?
Rất đơn giản. Ngài đã được tiếp cận với một thứ rất cổ xưa, và tối nay, ngài sẽ chia sẻ nó với tôi.
– Tôi chẳng rõ anh đang nói chuyện gì.
– Không. Ngài giả vờ không hiểu những bí mật cổ xưa đã được gửi gắm cho ngài chăng?
Langdon bỗng thấy lòng trĩu nặng, cố gắng đoán xem câu chuyện định dẫn tới đâu. Những bí mật cổ xưa. Anh chưa hề hé một lời với bất kỳ ai về những trải nghiệm của mình hồi ở Paris, nhưng những kẻ cuồng tín Chén Thánh đã theo sát tin tức truyền thông, một số kẻ đoán già đoán non cho rằng Langdon hiện nắm giữ thông tin bí mật liên quan đến Chén Thánh, thậm chí cả nơi cất giấu nó.
– Xem nào, – Langdon nói – nếu chuyện này liên quan đến Chén Thánh thì tôi dám quả quyết với anh rằng tôi chẳng biết gì hơn…
– Đừng có xúc phạm trí thông minh của tôi, ông Langdon, – gã kia gắt lên – Tôi không quan tâm đến mấy thứ vớ vẩn như Chén Thánh hay cuộc tranh cãi ba lăng nhăng của loài người xem phiên bản lịch sử của ai đúng hơn ai. Tôi cũng không hứng thú với các luận điểm quẩn quanh về ngữ nghĩa của tín điều. Đó là loại câu hỏi chỉ được trả lời thông qua cái chết.
Những lời cay nghiệt ấy khiến Langdon bối rối.
– Thế chuyện quái này là gì vậy?
Gã kia nín lặng vài giây.
– Chắc ông cũng biết, ở Washington có một cánh cổng cổ xưa.
Một cánh cổng cổ xưa?
– Và tối nay, thưa Giáo sư, ông sẽ mở nó ra cho tôi. Ông phải lấy làm vinh hạnh vì tôi đã liên hệ với ông. Đây là lời mời đáng giá nhất đời ông đấy. Chỉ riêng ông được lựa chọn mà thôi.
Mày đúng là thằng mất trí.
– Xin lỗi, nhưng anh chọn nhầm người. – Langdon từ chối – Tôi chẳng mảy may hay biết về bất kỳ cánh cổng cổ xưa nào cả.
– Ông không hiểu rồi, thưa Giáo sư. Không phải là tôi chọn ông… mà là Peter Solomon.
– Sao cơ? – Langdon đáp, giọng chỉ như một tiếng thì thầm.
– Ngài Solomon chỉ cho tôi cách tìm cánh cổng, và tiết lộ rằng trên đời này chỉ có một người đủ khả năng mở nó ra. Người đó chính là ông.
– Nếu Peter nói vậy thì chắc ông ấy nhầm… hoặc nói dối.
– Tôi không nghĩ thế. Khi thú nhận sự thực, ông ta đang ở trong trạng thái rất yếu ớt, và tôi thiên về hướng tin lời ông ta.
Langdon cảm thấy tức điên lên.
– Tôi cảnh cáo anh, nếu anh làm hại Peter bằng bất kỳ…
– Lời cảnh cáo quá muộn mằn – gã kia đáp bằng giọng thích thú – Tôi đã khai thác được những gì mình cần từ Peter Solomon. Nhưng vì lợi ích của ông ta, tôi khuyên ông nên đưa cho tôi thứ tôi yêu cầu ở ông. Thời gian chẳng còn bao nhiêu đâu… đối với cả hai vị. Tôi khuyên ông hãy tìm cánh cổng và mở nó ra. Peter sẽ chỉ đường.
Peter?
– Nhưng anh vừa nói Peter đang ở “luyện ngục” kia mà.
– Thượng hạ tương liên(17) – gã kia đáp.
Langdon cảm thấy rùng mình. Câu trả lời lạ lùng này là một ngạn ngữ bí ẩn cổ xưa tuyên ngôn cho niềm tin vào sự liên kết vật lý giữa trời và đất. Thượng hạ tương liên. Langdon dõi mắt nhìn khắp căn phòng rộng lớn và tự hỏi làm thế nào mà tối nay mọi việc lại thay đổi đột ngột ngoài tầm kiểm soát như thế này.
– Chà, tôi không biết cách tìm bất kỳ cánh cổng cổ xưa nào. Tôi sẽ gọi cảnh sát.
– Tại sao ông lại được chọn nhỉ? Thật sự thì nó vẫn chưa hé mở gì với ông à?
– Chưa, – Langdon trả lời.
– Sắp rồi, – gã kia đáp, cười khùng khục – Có khi ngay bây giờ đấy.
Sau đó máy tắt.
Langdon kinh hãi đứng đờ ra một lúc, cố gắng phân tích những gì vừa xảy ra.
Đột nhiên, anh nghe thấy một âm thanh bất ngờ từ xa vọng lại.
Chỗ Nhà tròn.
Ai đó đang gào thét.
Chú thích:
(14) Theo quan điểm Hồi giáo. Araf là vùng ranh giới giữa thiên đàng và địa ngục, dành cho những người không tốt không xấu. Araf cũng là một bức tường cao ngăn giữa thiên đàng và địa ngục. Trên bức tường này là những người thoát khỏi địa ngục nhưng chưa được tiếp nhận lên thiên đàng. Họ rất muốn được vào thiên đàng nhưng tội lỗi và đức hạnh của họ cân bằng nhau – ND.
(15) Hamistagan là một khái niệm chỉ địa điểm tương tự như Araf – ND.
16. Dante Alighieri (1265-1321), một trong những nhà thơ kiệt xuất nhất Italia và thế giới thời Trung cổ, tác giả trường ca Thần chức (La divina media). Tác phẩm này được sáng tác bằng tiếng Italia trong thời gian Dante bị trục xuất khỏi quê hương Florence, từ khoảng năm 1308 đến khi ông mất năm 1321, gồm 100 khổ thơ với 14.226 câu thơ, chia làm ba phần, mỗi phần bao gồm 33 khổ thơ: Hoả ngục (Infemo). Luyện ngục (Purgatorio) và Thiên đường (Paradiso). Tác phẩm được xếp vào hàng những bản trường ca vĩ đại nhất của nền văn học thế giới. Trường ca kể lại cuộc du hành của Dante qua ba thế giới bên kia, diễn ra tại thời điểm Ba ngày lễ Phục sinh thiêng liêng mùa xuân năm 1300. Nhà thơ La Mã Virgil dẫn ông đi qua Hoả ngục và Luyện ngục; trong khi nàng Beatrice, người phụ nữ mà Dante coi là lý tưởng, dẫn ông qua Thiên đường. Beatrice là người phụ nữ thành Florence, người mà ông biết đến từ thời thơ ấu, và mang lòng ái mộ, theo hình mẫu tình yêu thuần khiết thời thượng truyền thống – ND.
(17) Nguyên văn: As above, so below. Cụm từ này được dùng trong giới thần bí và yêu thuật và khởi nguồn từ các văn bản của phái thần bí chủ nghĩa. Khái niệm này được đặt ra đầu tiên trong The Emerald Tablet của Hermes Trismegistus, “That which is Below corresponds to that which is Above, anh that which is Above, corresponds to that which is Below, to a plish the miracles of the One Thing” (Tạm dịch: Cái gì ở Dưới tương ứng với cái gì ở Trên, và cái gì ở Trên tương ứng với cái gì ở Dưới, để đạt tới những phép nhiệm màu của Nhất thể). Theo các cấp độ khác nhau của thực tại: vật chất, tâm thần và tinh thần, khái niệm này được hiểu rằng những gì xảy ra ở một cấp độ nào đó cũng sẽ xảy ra ở mọi cấp độ khác. Tuy nhiên, khái niệm này thường được dùng với thế giới vi mô và vĩ mô. Thế giới vi mô là cá thể còn thế giới vĩ mô là vũ trụ, cái này nằm trong cái kia, và nhờ hiểu một cái (thường là vi mô) mà ta có thể hiểu cái kia – ND.