Bạn đang đọc Biết Tỏ Cùng Ai – Chương 5
Xe lướt êm qua khu phố sầm uất của thị xã Đài Bắc, vượt cầu Viên Sơn rồi hướng về núi Dương Minh. Với tài cầm lái khéo léo của ông Triệu, tất cả những người trên xe đều cảm thấy thoải mái. Nhưng Vũ Vi lo lắng khi thấy xe chạy khá xa thành phố.
– Ông Nghị, tôi không ngờ nhà ông lại ở trên núi thế nầy.
– Cô không thích à? Ông Nghị hỏi – Không sao đâu, tuy xa thật nhưng mỗi tuần tôi sẽ cho cô nghỉ một ngày, để cô khỏi lỗi hẹn với ông Bác sĩ.
Vi ngơ ngác.
– Ông bác sĩ nào?
Ông Nghị tinh ngịch.
– Bác sĩ quang tuyến của cô đấy, Ngô Gia Tuấn phải không?
Mặt Vi đỏ lên.
– Ông làm như nhà trinh thám không bằng.
Ông Nghị cười đắc ý.
– Có gì đâu. Hôm cô đưa tôi vào phòng chiếu điện, nhìn đôi mắt của ông bác sĩ là tôi biết ngay ông ấy yêu cô. Thế nhưng ông ta có chiếm được tim cô chưa chứ?
Vũ Vi khó chịu nhìn ra cửa. Cây cỏ như chạy vụt ra sau.
– Thôi đừng nói chuyện đó nữa, tôi không thích ai đề cập đến đời tư tôi. Đến nhà ông chưa?
Xe trèo lên những con dốc thoải, núi lừng lững xuyên qua mây, loài tòng bá rậm rạp phủ lá xanh rì. Ông Nghị nhún vai.
– Thế thôi, nhà tôi ở trước mặt đấy.
Xe quanh trái rẽ vào con lộ nhỏ trải sỏi hai bên đường những hàng trúc vươn cao.
Vũ Vi đưa mắt quan sát khu rừng thưa nhưng thật đẹp. Xe dừng trước cổng sắt. Một tấm biển bằng đồng treo trên cao với ba chữ “Vườn mưa gió”. Vũ Vi quay lại nhìn ông Nghị
– Tôi chưa bao giờ thấy ai đặt cho vườn của mình một cái tên kỳ cục như vậy.
Ông Nghị tảng lờ như không nghe, người gác cổng đã mở cổng xe lăn bánh vào. Vi ngây ngất với mùi hoa nhài. Nàng đưa mắt ngắm những cánh hoa nở rộ trong vườn, khiu vườn thật lớn, trúc thật nhiều. Thế này thì nhất định chủ nhân phải thích trúc lắm. Một cây tòng cao vút, màu xanh của lá còn bị nhạt nhòa bởi sương mai, qua những vườn là một hồ nước rộng với những vòi nước phun cao liên tục, hơi nước thoảng qua người nàng, nắng xuyên nhẹ qua tầng lá rọi sáng lung linh từng bọt nước. Vi có cảm tưởng như đấy là những hạt ngọc. Sức sống như vun cao trong người; nàng mơ ước, phải chi đôi tay mình thật dài để được ôm lấy tất cả.
Xe dừng lại, Vi bước xuống với một tâm hồn lâng lâng, bức tượng trong vườn hoa thật đẹp. Định bước đến vuốt ve pho tượng nhưng Vi không dám. Có tiếng ông Nghị hỏi.
– Đẹp không? Sang Âu Châu lần trước thấy đẹp quá nên tôi mang về đấy. Bực tượng với khuôn mặt. Nhiều khi tôi có cảm giác như đấy là một người bằng xương bằng thịt chứ không phải là tượng đá.
Ngừng lại một chút ông tiếp.
– Tôi đã tốn một số tiền khá lớn. Vì khi nhìn pho tượng khiến tôi nhớ đên một người.
Vũ Vi tò mò.
– Ai thế? Người yêu của ông?
Ông Nghị gật đầu.
– Vâng, người tôi thương nhất đời.
– Thế bây giờ bà ấy ở đâu, vẫn ở đây chứ?
– Không, nàng đã đi rồi!
Vũ Vi nhìn ông Nghị, nàng chợt thấy mình đi quá vào đời tư của ông Nghị, không nên thế, Vi tự nhủ. Nhất là khi ông ta đã ngoài sáu mươi, cái tuổi mà đời có thể viết thành một truyện dài vô tận, Vũ Vi đưa mắt lẳng ra vườn hoa, loài tường Vi và nhài nở đầy một góc vườn, chen chúc vào đấy là những hoa không rõ tên. Đây đúng là một thiên đàng. Giữa khu vườn là ngôi nhà hai tầng, một màu trắng tinh khiết nổi bật với những cánh cửa sổ lớn rộng.
Bậc tam cấp, cột đều được đúc theo kiểu La Mã thời xưa. Vi kêu lên.
– Tôi không ngờ ông lại có cung điện đẹp thế này.
Ông Nghị cười kiêu hãnh, chỉ tay về phía nhà nói.
– Xong chưa bây giờ để tôi giới thiệu người trong nhà với cô nhé!
Vũ Vi ngoan ngoãn bước theo ông Nghị. Vợ chồng ông Lý và Thúy Liên đều đã đứng sẵn đón họ nơi ngạch cửa. Ông Lý khoảng năm mươi ngoài, người có vẻ dữ dằn với chiếc sẹo trên trán; và khi ông bước tới thì Vi mới thấy chân ông bị tật, bà Lý trái lại mập mạp với khuôn mặt hiền hậu dễ thương, vừa thấy nàng đã cười nói.
– Chào cô. Rồi cô sẽ thích nơi đây lắm cho xem! – đây chúng tôi sẵn sàng giúp cô. Có gì cần cô cứ gọi nhé.
Riêng về Thúy Liên cô nàng chỉ khoảng mười tám mười chín tuổi, người Thượng nhưng đẹp và hiền một cách thật thà. Bà Lý quay sang Thúy Liên.
– Thúy Liên phải vâng lời cô Vi nhé?
– Dạ… dạ… dạ…
Bây giờ thì Vi mới biết vai trò của bà Lý, bà chính là người quản gia trong gia đình này. Nàng quay sang ông Nghị:
– Vào nhà nhé? Ngoài này gió lạnh quá không thích hợp với sức khỏe của ông.
Thật vậy, gió cuối thu ở trên cao lạnh như gió bấc. Khu rừng trúc xào xạc theo từng cơn gió làm cho người ta có cảm giác như bị từng mũi kim ấn mạnh vào người. Tất cả bước vào phòng khách. Ông Nghị vừa ngồi xuống ghế đã thở ra.
Thúy Liên mang nước ra cho ông Nghị và Vũ Vi, trong khi bà Lý mang va ly lên lầu.
Ông Nghị đưa mắt nhìn theo bóng bà Lý rồi nói.
– Ở đây cô khỏi phải mặc blouse cũng được.
– Nhưng tôi là y tá mà?
Ông Nghị lắc đầu.
– Nếu có thể xin cô đừng mặc chiếc áo đáng ghét đó, vì tôi không muốn thấy nhà tôi giống như nhà thương.
Vũ Vi cười nhẹ không phải nàng thích gì chiếc áo blouse, nhưng trong chiếc va ly nhỏ của nàng không có lấy một chiếc áo nào thích hợp với vẻ sang trọng của căn nhà này. Cả phòng khách đều trải khảm, ghế bọc da đen, cửa màu lá, lò sưởi to viền bên ngoài bằng đá cẩm thạch. Cả gian phòng gần như chỉ gồm hai màu đen trắng, trừ bình hoa Hồng màu đỏ trên bàn.
– Tôi không ngờ chỉ cần hai màu đen trắng thế này mà phòng khách lại đẹp như vậy.
Vi nói, ông Nghị gật đầu.
– Kẻ trang trí phòng này kỳ cục lắm cô ạ.
– Sao lạ vậy?
– Tôi nói chắc cô không tin đâu, hắn thiết kế căn nhà này lúc mới mười tám tuổi thôi và chẳng hề đặt chân vào một trường trang trí nào cả.
– Như vậy chắc bây giờ ông ta nổi tiếng lắm rồi hở ông?
– Không – Ông Nghị nói – Nó bây giờ chả là cái gì cả.
Vũ Vi không để ý đến sự biến đổi trên nét mặt ông Nghị, nàng đưa mắt nhìn một bài thơ lộng kiếng trên vách.
“Phong vũ lâu trung thính phong vũ.
Tà dương cảnh lý khán tà dương”
Tạm dịch:
“Ngắm cảnh chiều trong cảnh chiều
Nghe mưa gió trong lầu mưa gió”.
Vi nghe chừng như đây là tâm sự của ông Nghị. Nàng bước đến cửa nhìn ra ngoài, nắng chiều bềnh bồng theo nắng cuối, màu sậm cam chiếm cả khoảng trời rộng và khi nàng quay đầu lại thì thấy ngay ông Nghị đang nhìn mình.
– Cô thích căn nhà này chứ?
Vũ Vi cười nhẹ.
– Vâng, nhưng chỉ sợ không thích hợp với “gió mưa” của nó thôi.
Ông Nghị gật gù.
– Cô thông minh lắm, nhưng đừng thông minh quá coi chừng hố nhé. Bây giờ cô có quyền đi xem khắp nơi nếu cô thích.
Vũ Vi nhìn đồng hồ nói.
– Để tôi lấy thuốc cho ông uống và đưa ông về phòng nghỉ, xong đi sau cũng được.
– Cô đúng là một y tá gương mẫu.
Ông Nghị khó chịu nói. Vũ Vi cười nhẹ, nàng đưa ông lên lầu việc lên xuống lầu đối với một bệnh nhân như ông Nghị quả là một điều khó khăn, sự bực dọc lại đến, ông bắt đầu chửi rủa chiếc cầu thang khốn nạn, mắng đôi chân mất dạy và sau cùng chửi đến cả người xây cất vô duyên.
– Ngu như bò, làm cái cầu thang gì chẳng giống ai cả. Tại sao bày đặt cất lầu làm chi cho người ta mệt mỏi như vầy.
Vũ Vi không nín cười.
– Ông vừa cho người ta là thiên tài, bây giờ lại mắng người ta ngu, lạ vậy? Nhà cất được bao nhiêu năm rồi thưa ông?
– Mười một năm.
– Đấy ông thấy không, mười một năm trước làm gì người ta biết được bây giờ chân ông bệnh.
Ông Nghị yên lặng, lên tới lầu trên khung cảnh khác hẳn bên dưới, cách bày trí bây giờ chỉ xử dụng độc nhất hai màu đỏ và trắng. Không khí có vẻ nóng chứ không lạnh như tầng trệt, Vũ Vi thích thú.
– Kiến trúc sư xây nhà nhà tên chi vậy?
Ông Nghị cụt ngủn.
– Nhược Trần.
Vũ Vi ngỡ ngàng, sự xúc động của nàng không qua được mắt ông Nghị.
– Tại sao khi nghe đến cái tên đó cô lại xúc động.
– Vì tên đó khiến tôi suýt chết, ông quên rồi sao?
Ông Nghị yên lặng. Vũ Vi đưa mắt nhìn quanh.
– Tôi không tin là ông đã quên, tôi cũng không muốn can thiệp vào chuyện của ông.
– Vì đó không phải là bổn phận của cô phải không? Ông Nghị hỏi – Lúc nào tôi cũng thấy cô sắp xếp công việc và tình cảm máy móc quá!
Vũ Vi cười, nàng lảng sang chuyện khác.
– Thưa ông phòng ngủ ông ở hướng nào?
Ông Nghị như chẳng nghe câu hỏi, ông chống gậy bước tới một căn phòng và nói.
– Đây là phòng sách, tôi không biết cô thích xem sách không? Nhưng ở đây thuở xưa có một người rất mê sách, hắn gần như khiêng hết cả sách của thành phố Đài Bắc về chất đống ở đây.
Vũ Vi nhìn vào, suýt chút nàng đã kêu lên. Trong phòng đầy ắp cả sách, ngoài khung cửa sổ ra gần như tất cả đều là kệ sách.
Sách trên kệ được phân loại và sắp xếp hết sức ngăn nắp. Phần lớn là loại nghệ thuật, kiến trúc, văn học… Khi Vi kéo một quyển tuyển tập truyện ngắn của Peal Buch xuống nàng mới thấy bụi bám đầy tay, điều đó chứng tỏ kệ sách đã lâu chẳng được người chăm sóc đến. Trên trang giấy đầu tiên nàng thấy hai hàng chữ:
“Mua tại quán sách cũ đường Cổ Lãnh ngày 14 tháng 10 năm 1964”
“Nhược Trần”
Vũ Vi nhớ đến hình ảnh gã thanh niên mặc áo sờn vai, quần bạc màu với mái tóc bồng… Nhất là đôi mắt lúc nào cũng đầy phiền muộn, nàng không ngờ hắn lại là chủ cuốn sách đang cầm trên tay và cũng là kẻ thiết trí cho ngôi nhà này. Đặt quyển sách vào vị trí cũ rồi nhìn thoáng sang những quyển sách khác “Trên đỉnh vực – Nhà quí tộc – Cha con – Người ngư phủ trên băng đảo – Nước mắt của con nhạn lạc bầy – Anh em nhà Kramazov – Notre dame de Paris – Khải hoàn môn – Lana…” cả một thư viện thu hẹp. Ngoài những quyển sách dịch ra Vũ Vi cũng nhìn thấy những quyển sách về văn học Trung Quốc “Chuyện xưa và nay – Bá Gia Từ – Thạch điểm đầu – Thi kinh thông dịch…” Tất cả 50 mấy cuốn. Mắt Vi như hoa lên tính mê sách ngày nào của nàng như trở lại. Vi mê sách lắm, nhưng có việc vì công việc đã lâu nàng không có cơ hội để đọc, bây giờ ở đây có cả rừng sách thế này thì còn gì bằng. Kéo một quyển khác ra, Vũ Vi đọc thấy “Huyền cơ túy cẩm” đây là một cuốn sách chơi chữ của Trung Quốc. Cũng trên trang đầu nàng cũng thấy một hàng chữ khác của Nhược Trần.
“Mua được quyển sách gần như tuyệt bản này với giá cao vẫn không uổng, tuyệt thật”
Tháng 2 năm 1963
“Nhược Trần”
Lật thêm vài trang Vũ Vi đọc phớt qua những bài thơ Bửu tháp, Hồi văn – Phượng thắng và các thể thơ lạ lùng khác. Nàng như bị cuốn hút theo, mãi đến lúc Vi quay lại, nàng mới đỏ mặt với cái nhìn của ông Nghị.
– Tôi có thể mượn quyển này về phòng xem được không?
Vi hỏi. Ông Nghị gật đầu.
– Sách ở phòng này cô muốn xem cuốn quyển nào cứ lấy, chỉ cần xem xong mong cô để lại đúng chỗ là được.
Vũ Vi chớp mắt.
– Bây giờ tôi mới biết ông là người giàu có thật.
Ông Nghị cười, nụ cười có vẻ buồn phiền.
– Vâng tôi giàu lắm, nhưng cũng thật nghèo. Tôi đã đánh mất đi nhiều thứ…
Vũ Vi không hiểu ông Nghị đã mất mát những gì, nhưng cũng không tò mò hỏi. Trước mắt nàng chỉ có một kho tàng sách quý giá. một lúc thật lâu Vi mới đưa ông Nghị về phòng riêng của ông. Đó là căn phòng rông trải thảm xanh với những vật trang trí cùng màu Vũ Vi có cảm giác như mình đang ngụp trong biển cả.
Cửa sổ đối điện với thung lũng. Nhìn xuống có thể trông thấy bao quát thành phố Đài Bắc. Đẹp thật! Vũ Vi buột miệng. Nhìn lên bờ tường cạnh khung cửa, nàng lại thấy một bài thơ khác.
“Chiều buồn như mây.
Lòng ta bâng khuâng.
Như những con trăng sầu.
Hồn chợt buồn như lá thu”.
Vũ Vi quay lại nhìn ông Nghị như muốn tìm một cái gì trên khuôn mặt già nua. Đâu có gì toàn vẹn trên cuộc đời nầy thì con người cũng chưa hẳn có đủ tất cả. Nếu họ giàu về vật chất thì trên phương diện tinh thần họ cũng phải thiếu thốn. Vi nghĩ vớ vẩn mãi đến lúc ông Nghị nhận chuông trên đầu giường.
– Để Thúy Liên nó đưa cô xem phòng riêng của cô nhé? Sau bữa cơm nếu cô có gì thắc mắc cứ đến đây tôi sẵn sàng trả lời cô.
Thúy Liên đưa Vũ Vi qua một căn phòng gần đấy. Phòng được trang trí toàn màu hồng từ bàn trang điểm, tủ áo đến giường ngủ. Vi thích thú trong sự ngạc nhiên, từ khi bước chân vào “Vườn mưa gió” đến giờ nàng thấy cái gì cũng lạ và lộng lẫy. Vi có cảm giác như mình đang lạc vào một thế giới nào khác.
– Thưa cô, cô còn cần điều chi nữa không?
Câu hỏi của Thúy Liên mang Vi về thực tại.
– Thôi cám ơn.
Đợi Thúy Liên ra khỏi phòng, Vũ Vi khép cửa lại rồi đến thẳng cửa sổ. Pho tượng đá nằm trong tầm mắt nàng vì căn phòng hướng về phía vườn. – đây nàng có thể thấy được cả những dãy núi xa xa. Tiếng chim và côn trùng tạo thành một bản nhạc đại hòa tấu. Vũ Vi đắm chìm trong cơn mộng, nàng không muốn rời khung cửa.
Quyển sách lấy từ thư phòng vẫn còn để trên bàn Vũ Vi bước đến cầm lên, chợt một mảnh giấy rơi xuống đất nàng vội cúi xuống nhặt lên. Đây là một bức phát họa, người trong tranh là ông Nghị, bên cạnh có hàng chữ nhỏ bằng bút chì, chữ đã nhạt nhòa nhưng Vi vẫn đọc được.
“Ảnh của cha
Nhược Trần vẽ.
Mùa xuân 1963″.