Biết Tỏ Cùng Ai

Chương 16


Bạn đang đọc Biết Tỏ Cùng Ai – Chương 16


Lễ an táng đã cử hành xong. Tất cả đều thi hành đúng theo di ngôn của ông Nghị. Không rầm rộ, không một nghi thức tôn giáo, cũng không đăng cáo phó hay thông tri bà bạn hữu thân thuộc gì cả mà chỉ có sự hiện diện của những người trong gia đình.
Mộ ông Nghị nằm cạnh mộ mẹ Trần, thực hiện đúng câu “Sống không được gần thì chết cũng cạnh huyệt”. Một nắm đất vàng, một quan tài gỗ, thế là xong một kiếp người. Khi linh cữu hạ Vi mới thấy Trần rơi vài giọt nước mắt.
Nhân sinh tự thị hữu tình trị
Thử hận bất văn phong dữ nguyệt.
Vi biết, Trần rất hài lòng khi thấy cha mẹ chôn cạnh nhau, niềm an ủi mênh mông trong lòng chàng.
Bây giờ tất cả đã qua. Giữa phòng khách rộng lớn của vườn mưa gió mọi người đã tụ họp đầy đủ. Bồi Trung, Bồi Hoa, Tứ Văn, Nhược Trần, ông quản Lý hãng dệt họ Đường, luật sư Mậu, chỉ thiếu có mình Vi, Vi thấy sự hiện diện của mình không cần nên rút lên lầu tự bao giờ, nàng sắp xếp lại áo quần để chuẩn bị ngày ra đi.
Với Vi đây là cả một xúc động lớn trong đời, nhất là lúc soạn đến những bộ áo mới, những bộ quần áo của ông Nghị tặng cho do Trần vẽ kiểu. Nỗi buồn nhẹ len qua hồn. Hình bóng ông Nghị và Trần như lảng vảng đâu đây. Thôi thì hối tiếc cũng không ích lợi gì. Tám tháng trôi qua trong “Vườn mưa gió” là một kỷ niệm lớn. Nhưng nó cũng sắp qua rồi, ta cũng sẽ không còn ở đây!
Áo quần nhiều quá, chiếc va ly nhỏ ngày nào của Vi không đủ chỗ sắp, Vi ngỡ ngàng nhìn chiếc va ly. Nỗi buồn lãng đãng. Nàng đến cạnh khung cửa, hồ nước vẫn đầy, bức tượng thần Vénus, những hàng liễu rũ xanh, cánh rừng trúc, giàn hoa bên giả sơn… Tất cả như những lời van xin réo gọi. Nhìn bức tượng, Vi nhớ lại lời ông Nghị. Khuôn mặt bức tượng như mẹ Nhược Trần. Sự thật. Vi hiểu người đàn bà trung quốc không thể nào có được vẻ đẹp như Tây Phương như nữ thần Vénus kia, chẳng qua chỉ vì ông Nghị quá yêu mẹ Trần nên đã nghĩ thế. Con người thật của ông Nghị cũng đâu phải là bãi sa mạc khô cằn, mà là một thứ liễu xanh ông cũng biết say đắm với tình. Chống tay lên cằm, Vi nhìn những giọt nước lấp lánh trên hồ xanh, tất cả chỉ là mộng. Một cơn mộng đẹp như bài thơ.
Đột nhiên Vi cảm thấy khâm phục ông Nghị khôn cùng, một người đa tình biết yêu và sống với cái đẹp. Nhìn quanh, Vi quyến luyến Vườn mưa gió, nàng không muốn rời đi. Rồi nghĩ đến Trần. Ngôi nhà này để lại cho Trần mới có nghĩa và để lại cho Trần thì mới có cơ hội trở lại thăm nó.
– Cô Vi ơi!
Tiếng gọi của bà Lý khiến Vi trở về thực tại.
– Chi đó bác?
– Luật sư Mậu muốn cô có mặt ở phòng khách.
Vũ Vi ngạc nhiên:
– Buổi họp gia đình xong rồi à! Lẹ thế?
– Dạ chưa, ông Mậu nói có sự hiện diện của cô mới đọc di chúc của ông chủ được.
– Sao có chuyện lạ vậy?
– Tôi cũng không biết.
Bà Lý cười nói:
– Tôi nghĩ có lẽ ông chủ muốn tặng một món quà gì kỷ niệm, ông chủ rất mến cô.
– À.
Vũ Vi ngỡ ngàng, thật là một sự bất ngờ. Vi bối rối biết quyết định ra sao. Sống ở Vườn mưa gió hơn tám tháng, với số lương hậu, nàng đã để dành được một số tiền không phải nhỏ, Vi không muốn nhận thêm một món quà nào của ông Nghị, nhất là dưới cái nhìn tò mò soi mói của Bồi Trung và Bồi Hoa. Nhưng sau cùng Vi quyết định xuống lầu.
Đến nơi, Vi đã thấy vẻ khó chịu trên gương mặt hai ông anh khác mẹ của Trần, Tứ Văn và Mỹ Kỳ thì khỏi nói. Trần ngồi cùng dãy ghế với họ.
– Vậy là đủ cả rồi nhé!
Luật sư Mậu bắt đầu:
– Bây giờ thì tôi bắt đầu đọc di chúc của ông Nghị, trước khi đọc, tôi xin thanh minh rõ, di chúc này do chính tay ông Nghị viết, còn tôi chỉ là người thừa hành và chứng kiến thôi, nếu quí vị có điều gì thấy nghi ngờ thì có thể đến đây so nét chữ. Công việc chúng tôi chỉ để công bố thôi.
– Vâng, luật sư cứ đọc đi.
Bồi Hoa có vẻ nóng nảy:
– Chúng tôi không ai nghi kỵ điều gì hết.
– Thế thì tốt. Luật sư Mậu đưa mắt nhìn quanh qua từng khuôn mặt. Thái độ ông thật là nghiêm trọng. Ông bắt đầu đọc.
“Tôi ký tên dưới đây là Định Khắc Nghị xin lập di chúc này với tất cả quyết định sau:
Thứ nhất:
– Tôi tặng tất cả những đức tính tàn nhẫn và ma lanh của tôi cho thằng con lớn tôi là Định Bồi Trung. Tôi tin rằng với phần di sản này nó có thể dùng suốt đời không hết và sẽ giàu có, vì vậy tôi không cần phải cho thêm nó bất cứ một tài sản vật chất nào cả.
Thứ hai:
– Tôi gửi tất cả bản tính ích kỷ và hẹp hòi của tôi cho thằng con thứ hai là Định Bồi Hoa, cũng với sự tự tin mà tôi dành cho thằng con thứ nhất, tôi nghĩ là nó đã dư xài, nên cũng không cho thêm một tài sản vật chất nào hết.
Thứ ba:
– Tôi để lại tất cả những bản tính tự kiêu, cao ngạo và nhiệt tình cho thằng con thứ ba là Định Nhược Trần. Nhưng vì nó không có bản tính thực tế như hai ông anh đáng quý của nó nên tôi xin tặng thêm một bất động sản tọa lạc tại số X đường X.
Đó là hãng dệt và hãng may Định Khắc Nghị…
Di chúc vừa đọc đến đây, tất cả những người trong phòng đều như đứng dựng cả lên. Tứ Văn nhanh miệng nhất.
– Gì mà lạ vậy? Di chúc gì mà ngu thế. Anh Bồi Trung anh hỏi xem lúc viết thư nầy bố có điên không? Người tỉnh ai mà viết di chúc lạ vậy?
Bồi Hoa cũng lớn tiếng.
– Tôi sẽ đưa vụ này ra tòa. Lúc lập di chúc cha tôi bệnh hoạn thần trí hôn mê, nên di chúc vô nghĩa.
– Hừ!
Mỹ Kỳ nghiến răng:
– Ngay từ đầu tôi đã biết ông ta điên rồi mà.

– Yên lặng.
Chỉ có Bồi Trung là còn giữ được bình tĩnh:
– Để ta nghe tiếp xem những đoạn dưới có thêm những trò hề gì nữa không.
Vũ Vi khẽ liếc về phía Trần, chàng đang tựa người bên lò sưởi lạnh với ly rượu trên tay.
– Thưa luật sư, tôi có quyền từ chối di sản không?
Nhược Trần hỏi, luật sư Mậu nhìn chàng rồi nhìn tiếp Bồi Trung và Bồi Hoa.
– Tôi chỉ sợ di sản ông ấy để lại ấy cậu khó bỏ được lắm chứ.
Vũ Vi nghĩ đến di sản ông Nghị dành cho Bồi Trung và Bồi Hoa, nàng không nín cười được.
Bồi Trung nóng nảy.
– Xin luật sư đọc tiếp đoạn dưới đi.
– Vâng, tôi xin đọc tiếp.
Luật sư Mậu mang kính lên, ông không đọc vội mà quay sang Trần nói.
– Phần tài sản cậu chưa hết đâu, muốn bỏ cũng nên đợi tôi đọc hết rồi sẽ quyết định nhé.
Thứ 3:
– Tôi để lại tất cả những bản tính tự kiêu… hãng dệt và cả hãng may cho nó luôn. Có điều ngay lúc này, hãng dệt và hãng may đang đứng vào tình trạng phá sản. Theo lời ông quản lý; thì hiện nay số nợ của hãng đang ở mức độ cao nhất: 20 triệu đồng. Với số nợ nầy tôi cũng dành luôn cho Định Nhược Trần, tôi nghĩ rằng với bản tính tự cao tự phó của nó; 20 triệu bạc nợ chắc chẳng nghĩa lý gì…
Luật sư Mậu ngưng lại, đưa mắt thăm dò, mặt Bồi Hoa đã biến sắc, hắn đứng dậy nói lớn.
– Chắc chắn phải có âm mưu gì đây: ở thành phố nầy ai không biết ông Định Khắc Nghị là triệu phú, làm gì có chuyện nợ đến 20 triệu. Không thể có chuyện đó được tôi không tin!
– Làm gì nóng nẩy thế, cậu Hoa.
Luật sư Mậu là bạn thân của ông Nghị nên thường gọi Bồi Hoa và Bồi Trung bằng giọng thân mật:
– Nếu Nhược Trần nó khước từ tài sản trên thì cậy hay cậu Trung đều có quyền nhận lãnh cơ mà. Riêng về việc hãng bị mang nợ, nếu không tin cậu có quyền hỏi ông quản lý ông ấy sẵn sàng đưa tài liệu ấy cậu xem.
Bồi Trung bắt dịp quay sang ông quản lý Đường.
– Ông quản lý, đấy là sự thật chứ?
– Vâng.
Ông quản lý mở cặp da lấy ra một xấp giấy nợ và phiếu kiểm điểm chi thu đưa cho Trung:
– Mười lăm năm trước quả thực hãng dệt có lời to, nhưng mấy năm gần đây thì lại lỗ nặng, ông giám đốc không muốn để người ngoài biết nên cố xoay xở, xoay xở được hơn năm thì ông ngã bệnh, nên hãng bị sụp luôn. Hãng đã buôn bán lỗ lã lại bị cậu cả và cậu hai mượn vốn nhiều quá nên không làm sao không mang nợ được. Đây nầy, tất cả hồ sơ, sổ sách đây, hai cậu cứ xem đi. Bây giờ hãng cũng không còn tài sản gì đâu, năm trước máy móc trang bị và đất đã thế cho ngân hàng X… Bằng chứng đây.
Vừa nói ông quản lý vừa đưa tài liệu ra:
– Sự thật ra, thì hai năm nay, hãng dệt và hãng may đã gần phá sản, chúng tôi cố hết sức để nó đứng dậy thôi.
– Nhưng còn vốn?
Bồi Trung nhanh ý hỏi:
– Một hãng dệt to thế này mang nợ 20 triệu không phải là điều ngạc nhiên. Nhưng tư sản chắc nó còn, tôi đoán tối thiểu là phải có trên 50 triệu!
– Sáu chứ không phải năm cậu ạ.
Ông quản lý bình tĩnh:
– Lúc ông Nghị chưa mất chúng tôi có làm một cuộc kiểm kê. Có điều tư sản nầy khi tính đã bao gồm cả cơ xưởng, máy móc, hàng hóa… Nhưng nếu bây giờ đem tất cả ra phát mãi thì máy móc là máy cũ trên năm năm rồi, cầm thế người ta còn không muốn nhận nữa chớ nói gì đến mua. Cơ xưởng thì không đáng giá, còn đất thì có giá thật khoảng tám đến mười triệu, nhưng đã cầm thế cho ngân hàng rồi.
– Thôi được, để tôi tính.
Bồi Trung nhanh nhẹn lấy bút và giấy ra:
– Hàng còn trong kho thì chắc lỗi thời rồi, những cái khác không đáng kể, tóm lại chỉ còn số nợ và nợ, đem hãng này phát mài chắc chắn thu lại cũng không tới mười triệu.
– Vâng, cậu nói đúng.
Ông quản lý nói:
– Tuy vốn của hãng trị giá tới 60 triệu, nhưng thực tế chỉ có thể phát mãi mấy triệu thôi, trong khi nợ hơn 20 triệu, chỉ còn nước phá sản chứ không làm gì được hết!
Bồi Trung vẫn còn nghi ngờ bảo ông quản lý.
– Ông làm ơn đưa hết sổ sách cho tôi xem lại coi.
Ông Đường trao cả tép da cho Bồi Trung, anh chàng đặt từng trang một xem, rồi ném cả lên bàn giận dữ.
– Tất cả chỉ là giỏ rác! Không ngờ một đại tư bản lừng lẫy như bố tôi chỉ là một đống rác. Hãng dệt hãng may chỉ là đồ bỏ không đáng một xu.
Luật sư Mậu nhìn Nhược Trần.
– Đấy cậu Trần, cậu có nghe rõ không chứ? Nếu bây giờ cậu không nhận tài sản này thì cơ xưởng của Định Khắc Nghị chỉ còn có nước tuyên bố phá sản, còn nếu cậu nhận thì cậu phải nhận cả số nợ 20 triệu. Biết đâu một khi cậu đảm đang, cậu chẳng trả được nợ phải không?

Trần chưa trả lời, luật sư Mậu đã quay sang Bồi Trung và Bồi Hoa:
– Hay là, hai cậu nầy, cậu nào muốn nhận cũng được.
Bồi Hoa trợn mắt:
– Ông tưởng chúng tôi ngu lắm à?
Trong khi Bồi Trung làm ra vẻ tự nhiên.
– Tôi thấy, cha tôi đã muốn chú Trần nhận di sản đó thì tốt nhất là để chú ấy lãnh luôn vậy.
Giữa khi Bồi Trung, Bồi Hoa tính toán và nghiên cứu hồ sơ Nhược Trần vẫn giữ vẻ yên lặng, mãi đến lúc nghe Bồi Trung nói, chàng mới quay lại nhìn bức ảnh ông Nghị treo trên tường cười to.
– Ồ cha! Cha đúng là một mẫu người pha trò hay nhất thế giới, cha để lại cho Bồi Trung tính tàn nhẫn, Bồi Hoa tính ích kỷ và món nợ lớn thì cho con thì làm sao có đứa nào dám từ chối di sản của cha chứ? Ha! Ha!
Quay sang luật sư Mậu, Trần nói.
– Thưa luật sư, tôi sẵn sàng nhận di sản của ông bố tôi, cha nợ con trả trên đời này không phải là chuyện lạ, vả lại ông bố biết tôi sẽ giữ vững được cơ nghiệp của ông để lại người mới giao cho tôi, nếu bây giờ tôi không nhận chẳng phải là bậu lắm sao?
Luật sư Mậu gật gù:
– Hay lắm! Tôi nghĩ cha cậu rất hài lòng…
Người yên lặng nãy giờ là Tứ Văn, đột nhiên lên tiếng.
– Khoan mừng đã, còn vườn mưa gió nữa chi. Khu vườn này ít nhất cũng trị giá trên bốn, năm triệu cơ mà.
Luật sư Mậu cười:
– Vâng, đoạn đề cập đến chuyện đó tôi sắp đọc tới đây.
Ông cúi xuống tiếp tục đọc di chúc, mọi người nín thở nghe ngóng Vũ Vi thấy thương hại cho ông Nghị. một đời tạo dựng để rồi khi nhắm mắt chỉ còn lại độc mỗi vườn mưa gió mà vẫn chưa yên thân, con cái sẵn sàng hùm hổ chia của.
Vi đứng bên cửa nhìn ra ngoài. Hồ nước và bức tượng đồng vô tri nàng thắc mắc không hiểu luật sư Mậu muốn có sự hiện diện của nàng ở đây làm gì.
Khi ta chỉ là người ngoại cuộc, Vũ Vi tự hỏi, nhưng giọng đọc của ông Mậu đã vang lên, khiến nàng không thể không lắng tai nghe.
Điều thứ 4:
– Riêng về động sản “Vườn mưa gió” tọa lạc số X đường X núi Dương Minh thì nửa tháng trước đây tôi đã sang tên cho cô Giang Vũ Vi, tất cả động sản và bất động sản trong ngôi nhà trên đều thuộc quyền sở hữu của cô Vi cả với điều kiện…
Ông Mậu chưa kịp đọc tiếp thì Tứ Văn đã nhảy xổm vào.
– Tầm bậy! Sao có chuyện vô lý được? Một cô y tá không liên hệ gì cả mà cũng được xí phần à? Chắc chắn phải có sự sai lầm nào ở đây.
Đồng thời Vũ Vi cũng bàng hoàng, nàng bước về phía luật sư Mậu.
– Xin luật sư đọc kỹ lại xem có lộn không, làm sao mà… mà ông ấy lại để nhà cho tôi?
– Hừ.
Mỹ Kỳ trề môi:
– Tại sao lại để nhà cho cô à? Còn giả vờ nữa…
Câu nói của Mỹ Kỳ như đánh thức Tứ Văn, cô ả tru lên.
– Đúng rồi, lão già nầy đúng là “già phong lưu mà”.
Vũ Vi tái mặt, nàng giận xanh môi.
– Mấy người nói thế là thế nào?
– Thế nào à?
Tứ Văn đanh đá:
– Chả cần cô phục vụ có mấy tháng mà ông bố chồng tôi lại tự nhiên cho không một ngôi nhà trị giá trên bốn, năm triệu bạc, như thế chẳng là lạ lắm sao? Ngay từ đầu tôi đã biết ông ta đúng là loại mê gái mà. Tôi nói thế đó, nếu cô chẳng có tịch thì chớ ra miệng.
– Đúng rồi!
Bồi Hoa cũng kêu lên:
– Đúng là chuyện khôi hài lớn trên đời. |Một người có ba thằng con, mà lúc chết đi lại cho di sản đáng giá nhất ột cô y tá xa lạ… Hừ, hèn gì ổng không chết sớm sao được.
– Im mồm.
Nhược Trần hét lớn:
– Anh câm mồm ngay cho tôi, cha chết là vì anh, tôi chưa đập anh vỡ mặt ra, bây giờ anh đi nhục mạ người ta nữa à? Anh lưu ý đấy, hôm nào biết tay tôi.
Mỹ Kỳ the thé.
– Ối giời ơi! Coi bộ không phải chỉ có ông già mê cô y tá thôi mà ngay cả thằng con trai cũng thế.

Tứ Văn gặp dịp ùa vô.
– Ba người ở chung một nhà, thì chỉ có trời mới biết chuyện gì đã xảy ra bên trong.
Mặt Vi càng lúc càng tái, nhưng nàng cố nén cơn giận xuống.
– Thưa luật sư, luật sư ban nẫy nói nhà đã được sang tên rồi phải không?
– Vâng, nói khác đi là trước khi di chúc được thi hành nhà đã thuộc về cô hơn nửa tháng. Đây là nhà đất, ông Nghị bảo ngay khi ông ngã xuống tôi phải đưa cho cô.
– Làm gì mà… Tại sao ông ấy sang tên cho tôi bao giờ mà tôi chẳng biết tí gì cả vậy… A đúng rồi, hai tháng trước, ông ấy có mượn căn cước và ấn của tôi để làm tờ khai ở đậu, không ngờ… thì ra…
– Vâng.
Luật sư Mậu nói:
– Cô nói đúng đấy, tất cả thủ tục đều qua tay tôi cả, nên tôi biết rõ chuyện. Bây giờ cô là chủ nhân Vườn mưa gió nầy.
– Vâng.
Và Vi gật đầu:
– Xin luật sư cho biết đã đọc hết di chúc chưa ạ.
– Dạ chưa, bây giờ tôi đọc tiếp nhé.
Với những điều kiện sau đây!
A) Khu Vườn mưa gió không được đặc chuyển nhượng hay giữ lại cho bất cứ một người thứ hai nào khác, nói khác đi, khi Giang Vũ Vi còn sống thì vườn mưa gió là của Giang Vũ Vi và chỉ được phép để lại cho con của Vũ Vi mà thôi.
B) Định Nhược Trần, thằng con trai út của tôi, có toàn quyền ở lại Vườn mưa gió nầy.
C) Tất cả những người làm cũ của tôi gồm vợ chồng ông Lý, ông Triệu… Trừ trường hợp tự ý muốn rời khỏi thì thôi, bằng không có quyền ở lại vườn mưa gió tiếp tục công việc cũ.
Điều thứ 5:
– Tôi cũng sẽ tặng cho vợ chồng ông Lý và ông Triệu mỗi người một số tiền là 200 ngàn, tiếc là hiện không có tiền mặt, nên kể như nợ lại thằng con tôi là Nhược Trần phải trả khi hãng dệt và hãng may của nó phát triển được. Trong trường hợp 3 năm trôi qua mà sự nghiệp của Nhược Trần không tiến thì Giang Vũ Vi có bổn phận phải bán bớt một số lọ cổ để lấy tiền trả cho họ, để họ làm vốn sinh sống trong tuổi về chiều.
Điều thứ 6:
– Tôi ủy thác cho luật sư Châu chánh Mậu nghiêm chỉnh thi hành những điều khoản của di chúc trên.
Ngày lập di chúc 2 tháng 6 năm 1971.
Ký tên
Định Khắc Nghị.
Sau khi đọc xong, luật sư Mậu ngẩng đầu lên nhìn khắp phòng.
– Đó là tất cả nội dung đi chúc, quý vị đã nghe tôi đọc rõ. Ngoài ra ở đây còn có một y chúc thư do phòng thần kinh của bệnh viện lớn Đài Bắc lập trước hôm viết di chúc một ngày. Chứng nhận là ông Nghị vễn tỉnh táo và bình thường, quí vị có cần xem không?
Luật sư Mậu trao y chứng cho Bồi Trung tiếp.
– Và nếu các bạn không còn thắc mắc điều chi nữa, thì yêu cầu mỗi người ký vào đây một chữ.
Bồi Hoa đứng dậy.
– Tôi không ký gì hết, dù sao Vườn mưa gió cũng không thể để cho cô y tá xa lạ nầy được. Di chúc gì mà kỳ cục bậy, chỉ có quỉ mới tin thôi!
Bồi Trung nhún vai.
– Đừng có ngu, Bồi Hoa ạ. Dù mày có chịu hay không thì Vườn mưa gió đã sang tên cho người ta trước khi lập di chúc nửa tháng rồi. Nói rõ hơn thì nó không còn là di sản nữa. Làm sao minh có thể lật thế cờ lại được chứ? Vả lại ngoài Vườn mưa gió ra cha chỉ còn để lại nợ nần, thôi cậu không ký không lẽ cậu lại muốn lãnh mấy món nợ đó à?
– Nhưng… Nhưng mà…
Bồi Hoa ấp úng, sau cùng bực dọc:
– Ổng đã tính trước rồi… Hừ… Biết tụi mình sẽ chẳng nhận di chúc nên sang tên trước thế nầy thì…
Bồi Hoa trợn mắt nhìn Vũ Vi:
– Chỉ tổ lợi cho hạng người như cô thôi.
Vũ Vi giận run nhưng vẫn đứng yên. Bồi Trung, Bồi Hoa bắt đắc dĩ phải ký tên lên di chúc. Nhược Trần cũng ký, riêng Tứ Văn vẫn còn ấm ức.
– Xã hội bây giờ mà, con gái đâu phải như lúc trước nữa, muốn là bất cứ điều gì mà họ không muốn làm. Anh Bồi Trung ngay từ đầu tôi đã nói với anh, cái cô y tá nầy có cái mắt thuộc hạng lẳng mà anh đâu chịu nghe tôi.
– Thưa luật sư.
Vi lên tiếng, nàng có vẻ thật bình tĩnh:
– Tất cả thủ tục xong hết rồi phải không?
– Vâng.
– Như thế nhà nầy đã là của tôi?
– Vâng, của cô từ trước rồi.
– Thế thì.
Vi quay lại nhìn thẳng vào đám Bồi Trung, Bồi Hoa, Mỹ Kỳ và Tứ văn dõng dạc:
– Yêu cầu tất cả những con người xấu xa mầy ra khỏi nơi nầy. Kể từ nay, nếu bất cứ một người nào vào Vườn mưa gió nầy mà chẳng có sự cho phép của tôi, tôi sẽ cho gọi cảnh sát ngay. Bây giờ mời tất cả ra khỏi đây!
– Ối giời ơi!
Tứ Văn kêu lên:
– Coi kìa chưa chi mà đã lên mặt phượng hoàng rồi…
– Vâng, tôi lên mặt đấy.
Vũ Vi lững thững bước tới:

– Bà là người đầu tiên phải ra khỏi nơi đây, thứ quạ đen kêu réo chói tai. Đi đi! Ra khỏi đây mau.
Bồi Hoa trợn mắt.
– Đừng làm phách, cô tưởng…
– Không có tưởng gì cả.
Vũ Vi cắt ngang:
– Ông Lý, ông Triệu đâu?
– Dạ
Ông Lý cung kính.
– Ông chủ đã nhượng Vườn mưa gió này cho tôi, ông nghe rõ chứ?
– Dạ
– Vậy thì ông với ông Triệu làm ơn đuổi hộ mấy người nầy ra cửa cho tôi!
Ông Lý vừa quay sang Bồi Trung và Bồi Hoa, thì Bồi Hoa đã lớn tiếng.
– Ông Lý, ông muốn phạm thượng hả? Tôi là cậu chủ của ông mà, đuổi cái gì?
Ông Lý trừng mắt tiến tới.
– Ông chủ đã không phải chết sớm nến không có một đứa con như cậu. Lỗi như vậy mà còn muốn mượn oai cũ nữa sao?
Bồi Trung vội can Bồi Hoa.
– Bồi Hoa, người thức thời không phải nhục, đi vậy, ở đây làm gì chỉ tổ giận thêm.
Rồi cả bọn kéo nhau ra cửa, nhưng cũng không quên nói vói lại với Trần.
– Được rồi chú Trần ạ. cha và chú đã sắp xếp khá lắm, ngoài cơ xưởng mà chú được ông bố cho thừa kế chắc có lẽ chú cũng sẽ nhận luôn người đẹp của ổng luôn quá… Hố hố…
Tiếng cười khả ố của họ kéo dài ra đến tận cửa, một hồi còi inh ỏi kế tiếp rồi Vườn mưa gió mới yên lặng trở lại.
Vũ Vi ngã bịch xuống ghế, mặt tái xanh, nàng bất mãn nói với Trần.
– Anh Trần! Cha anh quả thật dụng tính.
Nhược Trần đứng tựa lưng bên lò sưởi mặt chàng cũng cau có không kém Vi.
Luật sư Mậu cười nói:
– Thôi bỏ qua đi, họ nói thế nào mặc họ, các bạn hiện có quá nhiều việc để làm. Bây giờ tôi và ông quản lý xin cáo từ vậy. Ủa! suýt là quên còn hai món này nữa đây.
– Đây là hai phong thư mà một tuần trước ngày ông qua đời, ông Nghị đã trao cho chúng tôi.
Vũ Vi nhận thơ, nét bút của ông Nghị cứng cỏi trên phong bì.
” Thân gửi.
Cô Giang Vũ Vi”
Vi không buồn mở ngay ra xem, lòng rối như tơ vò. Bao nhiêu giông bão dồn dập ban nãy khiến nàng mệt bở hơi, nàng chán nản đến độ không muốn nhận bất cứ một cái gì hết.
Luật sư Mậu và ông quản lý đã cáo từ, trước khi ông đi Nhược Trần dặn dò.
– Mai sáng chúng ta đến hãng để nghiên cứu tìm biện pháp cứu vãn hãng dệt nhé.
Ông Đường gật đầu.
– Vâng tôi sẽ đợi cậu.
Sau khi ông Đường và luật sư Mậu về gian phòng khách rộng lớn chỉ còn lại Nhược Trần và Vũ Vi, cả gian phòng yên lặng. Vi mở bức thư ra. Bức thư của ông Nghị thật vắn.
Vũ Vi.
“Thôi gửi Vườn mưa gió lại cho cô, vì tôi biết rằng cô thích nó và khi thích người ta sẽ chăm sóc nó một cách kỹ lưỡng hơn. Nhưng tôi cững biết rồi Vườn mưa gió cũng sẽ mang đến cho cô thật nhiều gió mưa có điều tôi mong cô vì nó mà nhẫn nhịn. Ai bảo cô tên Vũ Vi làm gì. Một cánh tường Vi trong gió. Nhưng tôi mong rằng cánh tường Vi kia sẽ đẹp mãi trong vườn nầy.”
” Đừng lạ lùng với tặng vật của tôi. Cô đã từng giúp tôi gọi Nhược Trần trở về, cái ơn đó rất to, nên tôi không thể đền bù bằng lời nói được, tôi phải đền bằng những gì cô thích, cô yêu. Và đó là Vườn nưa gió nầy.”
” Nhưng nếu cô là người thông minh, thì cô đừng bao giờ để Nhược Trần chinh phục, vì nó là một thứ sở khanh nặng, nó cứng đầu và bất trị, trước khi nhận lời cầu hôn của nó, phải biết rõ lịch sử đời nó để khỏi hối hận về sau.”
“Chúc cô gặp nhiều may mắn.”
Định Khắc nghị
Vũ Vi ngẩng đầu lên, cũng vừa bắt gặp Nhược Trần đang xếp thư lại. Không biết ông Nghị đã viết gì cho chàng mà Trần nhìn nàng buồn lạ. Vi không đủ can đảm kên tiếng mượn thư, đầu nàng nóng và rối. Tặng vật của ông Nghị làm nàng ngơ ngác, rồi bức thư càng làm nàng bôí rối hơn. Ông Nghị có vẻ không chấp nhận tình yêu của nàng với Trần, phải chăng vì nàng không xứng với chàng?
Tặng vật là khu Vườn mưa gió để đánh đổi lại mối tình vừa đến đã chợt bay cao chăng? Càng nghĩ Vi càng xót xa. Có tiếng chân Trần bước tới gần.
– Anh có thể đọc thư em được không?
Giọng nói của Trần làm Vi giật mình, nàng giữ chặt thư.
– Không, không được!
Sự cự tuyệt của Vi khiến Trần sa sầm nét mặt.
– Trong thư có gì bí mật mà em dấu anh chứ?
Vũ Vi lắc đầu nhìn Trần, đột nhiên nàng bắt gặp ánh mắt nghi ngờ của chàng.
– Anh Trần anh cũng không tin em sao!
– Thôi được không cho xem thi thôi, em có quyền tự do của em.
Trần nói rồi bỏ nhanh lên lầu, chỉ còn vi một mình, nàng thẩn thờ với tất cả sự đột biến vừa mới xảy ra. Lòng rối như tơ, biết làm sao tỏ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.