Bạn đang đọc Biết Tỏ Cùng Ai – Chương 10
Sáng hôm sau, ông Nghị dậy trễ, Vũ Vi cũng không theo đúng giờ đánh thức ông để chích thuốc vì nàng hiểu giấc ngủ của ông Nghị cũng quan trọng chẳng kém gì thuốc men.
Rảo chân ra vườn, sương mai còn động trên cỏ và những chiếc lá úa rơi trên đường mòn. Gió cuối thu gây gây lạnh. Vũ Vi lâng lâng với bao nỗi nhớ nhung.
Bước gần nhà xe, nàng thấy ông Triệu và ông Lý đang cẩn thận chùi rửa chiếc Scooter của Trần.
– Cô Vi hay quá phải không anh?
Giọng ông Triệu, rồi lời đáp rõ ràng của ông Lý.
– Còn phải nói, tôi biết cô ấy sẽ thành công ngay từ đầu cơ mà.
Vũ Vi thấy mặt nóng lên, nàng không thích nghe lén chuyện thiên hạ nhất là chuyện đang ca tụng mình. Rẽ sang con đường nhỏ lá trúc phủ đầy kêu nhẹ dưới chân như những lời ru êm. Thế mà Vi cứ tưởng rằng trúc không bao giờ cho lá rụng chứ. Cúi xuống nhặt một chiếc lá vàng úa, không phải vàng mà là màu đỏ. Hồng điệp, ở đây cũng có loại hồng điệp nữa sao? Vi ngẩng đầu nhìn lên cây lạ trước mặt. Cành cây khẳng khiu sắp rụng hết lá. Chỉ còn đôi cánh lơ lửng trên cành. Mùa đông lại đến rồi! Bất giác Vi thấy lạnh. Vâng, mặt trời hôm nay gần như ngủ yên trong may, gió sớm mai không đủ ấm. Vi ngẩng mặt lên nhìn trời. Từng đám mây đen và dầy nằm sắp lớp trên cao.
– Trời sắp mưa rồi.
Vi tự nhủ, lần tay tính toán. Bây giờ cũng đã là tháng mười hai. Ngày này năm xưa mưa đã bắt đầu, vậy là năm nay mưa trễ. Bước ra khỏi đường mòn, Vi đến một khu rừng đầy hoa hồng. Loại hồng ở Đài Loan gần như càng lạnh càng đẹp, Vi bước tới ngắt mấy cánh rồi lại thả qua khu bông giấy tím, nàng không ngồi xuống ghế đá mà đến cạnh cây quế.
Những đóa hoa quế đang màu nở rộ, mùi thơm thoảng trong gió, Vũ Vi ngây ngất với mùi hoa. Có tiếng chim hót đâu đây rồi những hạt mưa nhẹ thoảng theo gió.
– Đẹp quá!
Có tiếng của ai vang bên tai. Vũ Vi giật mình quay lại. Dưới giàn hoa giấy, anh chàng đứng đấy tự bao giờ.
– Bức tranh đẹp quá! Đẹp như thơ người xưa. Lạc Hoa nhân độc lập, Vi vũ yến song phi (Người còn đứng giữ hoa rơi, mưa phùn đôi én lững lờ bay qua).
Vũ Vi đang bối rối thì Nhược Trần đã bước tới.
– Chào cô.
– Không dám chào ông.
Vi đáp, Nhược Trần có vẻ khó chịu.
– Cô không biết tên tôi à? Tôi có cần giới thiệu thêm một lần thứ hai không chứ?
Vũ Vi không kém.
– Thế còn ông, ông cũng không biết tên tôi sao?
Nhược Trần cười huề.
– Thôi tôi chịu thua có điều tôi thắc mắc, cái tên Vũ Vi yếu ớt của cô nó có vẻ chẳng phù hợp với bản tính cô tí nào cả.
Cũng một luận điệu của ông Nghị. Vi nghĩ, nhưng có điều nàng không thích bất cứ ai đề cập đến tên của nàng cả.
– Anh cũng vậy, anh giống như một cục đá, chứ tôi nào thấy anh mềm như bụi bao giờ đâu?
– Cô đối đáp khá lắm.
Nhược Trần gật đầu:
– Tại sao cô hành nghề y tá.
Vi mở to mắt.
– Sao? Tôi không có quyền hành nghề y tá à?
– Không phải thế, nhưng tôi thấy với một người đẹp, ăn nói hoạt bát như cô, hành nghề luật sư có vẻ thích hợp hơn.
– Thế à?
Vũ Vi cười tươi!
– Sợ lúc đó không ai đến nhờ tôi cãi chứ.
– Đừng lo, ít ra cô cũng được một người như tôi nhờ đến.
Trần đáp, Vũ Vi cười lớn. Không khí cởi mở bàng bạc, mưa bụi vẫn bay trong gió, tấp lên tóc và trên áo họ.
– Có rất nhiều chuyện tôi muốn nói với cô, cô Vi ạ.
Nhược Trần mở đầu trước:
– Nhất là chuyện xảy ra ở ngôi nhà cây mà hôm trước cô đến viếng.
Mặt Vũ Vi hồng lên vì thẹn.
– Thôi đừng nhắc đến chuyện đó nữa. Hôm ấy vì xúc động quá nên tôi đã nói nhiều điều đúng ra không nên nói.
Nhược Trần nhìn thẳng vào mắt Vi.
– Không được, mấy hôm nay tôi cứ bị chuyện đó dày vò mãi. Thú thật hôm đó tôi nóng quá, bây giờ nghĩ lại mới thấy cảm ơn.
Vũ Vi nghi ngờ.
– Thật không đấy?
– Tôi không hề nói dối.
Nhược Trần nghiêm giọng:
– Tôi phiêu bạt những bốn năm, trong bốn năm đó, tôi trụy lạc, hư đốn… Óan đời, trách trời… Tôi coi tất cả thế giới như kẻ thù sâu, lúc nào tôi cũng có cảm giác như bị đời hắt hủi…
– Tôi hiểu anh. Vi đáp…
Nàng nghĩ đến những ngày sau khi cha nằm xuống. Chủ nợ vây quanh với những lời nhiếc mắng khinh bỉ, ba chị em nàng cô đơn như ba con sói giữa đồn hoang. Vi cũng đã thù hận tất cả những kẻ vây quanh, trách trời oán đất. Cũng may là nàng còn nghĩ đến bổn phận phải nuôi dưỡng hai đứa em trai nên người, chứ bằng không thì có lẽ…
– Trong bốn năm sống buông thả tôi thấy ngày tháng trôi qua một cách nặng nề… Tôi không thiết làm một cái gì cả ngoài lý do cần nuôi sống bản thân, viết lách một ít đăng báo và gạt mấy tên du khách mũi lõ lắm tiền…
Vũ Vi đỏ mặt.
– Thôi đừng nhắc chuyện ấy nữa anh ạ. Hôm ấy vì giận quá, nên tôi mới nói vậy chứ thật ra tranh của anh rất đẹp…
Nhược Trần cắt ngang:
– Đừng bao giờ che dấu sự thật. Cô có lý, tranh tôi chẳng qua chỉ là những trò bịp thiên hạ, sự thật ra tôi có đến trường dạy hội họa bao giờ đâu mà dám đòi vẽ tranh trừu tượng chứ? Cô nghĩ xem có phải không, mười người di mua tranh là hết tám người không hiểu gì cả. Tranh tôi bán khá chính nhờ sự ngu dốt của họ. Vì vậy việc vẽ tranh chẳng qua chỉ là cái cần câu cơm nhất thời của tôi chứ đâu phải là cả sự nghiệp, phải không cô?
– Nhưng nếu anh thích, anh vẫn có thể vẽ đẹp như thường.
– Vâng, Nhược Trần gật đầu với vẻ ngạo nghễ.
– Đúng như lời cha tôi nói, chỉ cần tôi cố gắng một tí là việc gì rồi cũng xong cả.
– Thế bây giờ anh định làm gì chưa?
Nhược Trần cắn môi suy nghĩ:
– Chưa nhưng tôi nghĩ, cô còn ở vườn mưa gió nầy lâu mà.
Vi nhìn thẳng vào mắt Trần.
– Hôm qua tôi có nghe. Hình như anh hứa là sẽ không bao giờ bỏ đi nữa phải không?
– Vâng, nhưng mà…
Nhược Trần hạ giọng:
– Cha tôi không biết còn sống bao lâu nữa… Tôi cũng còn hai ông anh khác mẹ khó tính, chắc lúc cha mất rồi, tôi lại phải đi nữa, vì tôi về đây chẳng qua chỉ là để gần gũi cha, để ông ấy dược vui lòng… chờ ngày nhắm mắt mà thôi.
Vũ Vi lắc đầu.
– Tôi thấy cha anh không phải chỉ cần anh trong lúc này, mà người còn cần anh để tiếp nối sự nghiệp của người nữa.
Nhược Trần kêu lên.
– Cô tưởng là tôi có thể…
– Không phải tưởng tượng gì cả.
Vũ Vi cắt ngang:
– Tôi chỉ thấy anh có vẻ cao ngạo quá, vì vậy lý trí và sự cao ngạo của anh luôn xung đột nhau, và mỗi lần như thế gần như anh đều chọn cái sai cả.
– Tôi không hiểu cô muốn nói gì?
Vũ Vi cười sau cái hách xì.
– Rồi anh sẽ hiểu.
Nhược Trần nhớ ra trời đang mưa vội nói.
– Mưa rồi, thôi vào nhà kẻo cô bị cảm bây giờ.
Chàng cởi áo ngoài ra khoác lên vai Vi, cả hai băng qua đường mòn chạy trở vào nhà. Mưa càng lúc càng nặng hột, gió mang cái rét cắt da phủ vào mặt. Khi vào nhà họ đã nhìn thấy ông Nghị ngồi trong phòng khách từ lâu.
– Ồ cha.
Nhược Trần kêu lên:
– Tối qua cha ngủ có ngon không?
– Ngon, ông Nghị nhìn hai người với ánh mắt thật bén.
– Bên ngoài đang mưa à?
– Vâng. Vũ Vi trả lời thế cho Trần, nàng ôm hai thân tay lại xuýt xoa:
– Trời lạnh quá, lúc này nhiệt độ hạ nhanh, lau nhanh mái tóc ẩm của cô thì lợi hơn.
Ông Nghị pha trò, Vi cười.
– Dạ xong sẽ tiêm thuốc ngay cho ông.
Vũ Vi chạy nhanh lên lầu, Nhược Trần thích thú nhìn theo.
– Nàng thật lạ phải không cha?
Ông Nghị chăm chú nhìn con.
– Ờ, nhưng coi chừng.
– Sao vậy?
– Hoa đã có chủ rồi đấy, một bác sĩ trẻ tuổi phòng quang tuyến.
– À, Nhược Trần có vẻ khó chịu, chàng đổi nhanh đề tài.
– Trời lúc này lạnh quá, thôi để con đi gọi ông Lý đến đốt lò sưởi cha nhé? Nhưng ống khói có bị nghẽn không cha?
– Không.
Nhược Trần nhìn cha với ánh mắt dịu.
– Con còn nhớ mấy năm trước, khi ngồi bên lò sưởi với cha lúc nào con cũng có chuyện để nói, có lần ta nói với nhau hơn nửa khuya hở cha?
– Ờ.
Ông Nghị gật đầu với cái cười hồi tưởng, và đến lúc Vi trên lầu bước xuống, thì hỏa lò đã hừng hực lửa, gian phòng nhuộm kín màu than hồng.
– Ồ tuyệt quá.
Vi kêu lên:
– Cho tôi tham dự hội nghị với nhé?
– Chỉ sợ cô không muốn thôi. Nhược Trần đáp.
– Sao vậy, tôi đang lạnh cóng đây này.
– Ai bảo cô sáng sớm đã ra vườn chi?
– Ai bảo anh cất ngôi nhà quá hấp dẫn thế này?
Vũ Vi đáp, khiến Nhược Trần không chịu được quay sang ông Nghị.
– Đó cha thấy không, cô y tá này còn kiêm thêm nghề chõi nữa mà.
Ông Nghị cười.
– Đến giờ phút này con mới biết sao?
Vũ Vi ngồi xuống ghế, vòng tay ôm gối. Chiếc Pull màu đỏ và chiếc quần ống voi khiến nàng trẻ lạ.
Ngồi bên lò sưởi với những ánh lửa nhuộm hồng đôi má, Vi nói.
– Bây giờ tôi mới thấy tất cả giá trị của đồng tiền. Muốn hưởng thụ đều phải có sự hiện diện của nó. Muốn đọc một quyển sách hay muốn uống một tách trà ngon, muốn có một lò sưởi ấm và những giây phút thoải mái ấm cúng đều phải xài đến tiền, vì vậy sống trong xã hội hiện tại mà bảo là không ham danh lợi, bất cần giàu sang… thì đều là nói chuyện khoác lác.
Ông Nghị gật đầu:
– Cô nói đúng. Sống ở thời buổi này bất cứ một việc gì đều cần sự xông xáo của ta. Sự thành công thì bao giờ cũng khó khăn chứ chuyện thất bại thì không bao giờ ở xa ta cả. Con người thường sợ hãi hai chữ thất bại, nhưng không muốn dấn thân và lúc nào cũng ưa tìm lý do để biện minh cho sự thất bại của mình.
Nhược Trần ngồi bên lò sưởi, yên lặng, mắt chàng chớp nhanh với những ánh lửa hồng. Trong khi Vũ Vi chống tay lên cằm nhìn những ánh lửa màu xanh. Gian phòng lại chìm trong yên lặng. Mãi đến lúc bà Lý vào.
– Ông chủ, cậu ba và cô Vi không dùng điểm tâm à? Trời lạnh thế này để lâu một tí cơm nguội mất.
Vũ Vi nhảy nhỏm lên:
– À tôi quên chứ! hèn gì nãy giờ bụng đánh lô tô mãi.
Thái độ của Vi khiến ông Nghị cười xòa, ông nói nhỏ.
– Vẫn còn trẻ con thấy rõ.
Nhược Trần cũng thấy vui, chàng lên tiếng với bà Lý.
– Bà Lý ơi…
Chưa dứt câu thì bà Lý đã cắt ngang.
– Được rồi cậu khỏi lo, món trứng rán đậu phụ tôi đã làm xong, đang đợi cậu trên bàn đấy.
Nhược Trần đưa tay vò đầu:
– Lạ thật, mấy năm qua không có bà, không biết làm sao tôi sống nổi đến bây giờ.
Mọi người cùng ngồi xuống bàn ăn. Cháo trắng thật nóng, món cải xào với thịt thật thơm, ngoài ra còn trứng rán đậu phụ, thịt chà bông khiến bữa điểm tâm trở nên thịnh soạn. Mọi người bắt đầu dùng bữa, họ vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ.
Nhược Trần lên tiếng:
– Về đây con thấy tủ sách của con bị ai quấy rầy thì phải.
Ông Nghị gật gù:
– Còn ai vào đây, cái cô y tá kỳ quặc này, ngoài những giờ chăm sóc cho cha, gần như cô ấy để hết thì giờ còn lại vào những cuốn sách của con ấy.
– Thế à?
Nhược Trần ngạc nhiên quay sang Vi.
– Tôi đâu có ngờ cô cũng yêu sách như vậy, cô thấy tủ sách tôi thế nào?
Vũ Vi thành thật.
– Một kho tàng đúng nghĩa. Trong vườn mưa gió này tôi thấy cái gì cũng đáng giá hết, chỉ có những kẻ điên mới chịu lìa bỏ nó để đi hoang thôi!
Nhược Trần kêu lên.
– Trời ơi, cha xem, cô y tá lạ lùng của cha lại chửi xiên chửi xỏ con nữa kìa.
Ông Nghị cười thỏa mãn.
– Ai bảo cậu bỏ đi làm tên điên làm gì?
Nhược Trần giả vờ hối hận.
– Thôi mà tha cho con đi, da mặt con mỏng lắm con không chịu nổi đâu, nếu cứ trêu mãi con phải nhờ đến ông Lý bây giờ.
Vũ Vi ngạc nhiên.
– Gọi ông Lý chi vậy?
– Để ông ấy đi lấy xuổng cuốc.
– Lấy xuổng cuốc làm gì?
– Đào lỗ.
– Đào lỗ làm chi?
– Để tôi chui xuống trốn chứ.
Lời của Nhược Trần khiến Vũ Vi không nín được cười, cháo nóng vừa lọt qua miệng đã chui nhanh qua khí quản khiến nàng sặc sụa.
Ông Nghị lắc đầu nói với con trai.
– Cậu vẫn chưa chừa được tật nghịch.
Nhược Trần kéo gân cổ cãi.
– Đó là tại nhiễm sắc chất đấy chứ bố.
– Nghĩa là sao?
Nhược Trần nhún vai.
– Nhiễm sắc chất là phần tử đi truyền nòi giống của con người.
Vũ Vi vừa nín được lại cười to, ông Nghị cũng bị truyền nhiễm. Cả gian phòng ăn bây giờ không còn lạnh như ban nãy, nói tràn ngập tiếng cười nói và hơi ấm của một gia đình.
Giữa niềm vui hạnh phúc đó thì chợt có tiếng chuông cửa, rồi tiếp đấy là tiếng cổng mở, một hồi còi dài xe hơi kéo vang. Hình như có một hay hai chiếc chạy vào. Vừa nghe tiếng còi xe ông Nghị ngưng cười ngay, mặt biến sắc, ông buông đũa xuống nhìn Vũ Vi.
– Hôm nay thứ mấy?
– Thứ bảy.
– Trời hại rồi.
Ông Nghị vỗ tay lên trán…
– Không lẽ những ngày viếng thăm định kỳ của chúng không thể bỏ qua cho tôi được sao?
Nhược Trần nhìn Vũ Vi ngần ngại.
– Tiếng còi xe đó của…
– Vâng, Vũ Vi gật đầu.- Hai ông anh, hai bà chị dâu và lũ cháu của anh đấy.
– Rõ khỉ!
Nhược Trần bực dọc, khuôn mặt chàng cũng đổi sắc ngay. Không khí vui nhộn của gian phòng ban nãy đột ngột biến mất, thay vào đó là sự yên lặng. Một sự yên lặng nặng nề như chờ đón.
Cánh cửa lớn xịch mở, một đám người ùa vào với tiếng chu chéo của Tứ Văn.
– Trời ơi! Cha khỏe chứ? Chúng con đến mừng cha đây… Ông Lý đâu rồi, bế cô Vân Vân xuống coi, còn ông Triệu nữa, ông đứng chết đó làm gì, mau mang quà vào nhà xem… Ê này… Khởi Khởi, đừng trèo lên hồ… té chết bây giờ… ối giời ơi, Mỹ Kỳ đâu, cô không coi Võ Võ con cô, nó nắm tóc bé Vân Vân nhà tôi kìa…
– Trời ơi trời!
Ông Nghị kêu lên, ông ngã người xuống ghế Salon xong quay sang Vũ Vi:
– Cô thấy không tôi hạnh phúc quá phải không? Con cháu đầy đàn… Khổ thật… Cô làm ơn kiếm cho tôi một ít thuốc an thần đi, hôm nay mà chẳng có thuốc chắc tôi phải chết mất!