Biên Thành Ðao Thanh

Chương 27: Mười Chín Năm Của Kinh Vô Mệnh


Bạn đang đọc Biên Thành Ðao Thanh – Chương 27: Mười Chín Năm Của Kinh Vô Mệnh

Cả hậu viện trong phút chốc chìm trong ánh sáng chói ngời như ban ngày, tàng cây cổ thụ giữa sát na đó để cho tiếng hống chấn động đung đưa không ngừng, lá cây lất phất rơi rớt.
Chùm tia sáng đến lúc nào mới tan biến ? Thanh âm đến lúc nào mới đình chỉ ?
Diệp Khai cái gì cũng không biết, chàng chỉ biết hình như đã qua một lúc rất lâu, hình như cả một thế kỷ, tai chàng tuy đã không còn cảm thấy nhức nhối nữa, nhưng dư âm vẫn lùng bùng quanh tai.
Tia sáng tuy đã không còn cường liệt như trước nữa, nhưng trong mắt đang nhắm chặt, vẫn còn có bóng dáng ánh sáng lưu dấu.
Đợi đến khi tai có thể nghe thấy gió tây xào xạc, đợi đến khi tròng mắt có thể nhìn thấy cảnh tượng trong đêm tối, toàn thân Diệp Khai đã ướt đẫm mồ hôi lạnh.
Hồi nãy chuyện gì xảy ra vậy ?
Diệp Khai ngưng thị nhìn về phía hậu viện, an an tĩnh tĩnh, không có chút biến hóa gì, không, không đúng, trong hậu viện có một vật không còn thấy nữa.
Thi thể đâu ?
Vật không còn thấy nữa là thi thể.
Nơi vốn đáng lẽ có thi thể, hiện tại chỉ có một hai chiếc lá rơi rớt.
Diệp Khai lập tức nhìn bốn phía, cả phương viên cũng không bỏ qua, nhưng chu vi xung quanh chỉ có bóng đêm lành lạnh trong suốt, và một mảng sương mù mê mê mông mông.
Thi thể không còn thấy nữa.
Đã có “thi biến” ?
Có lẽ nào tiếng hống và chùm ánh sáng quái dị hồi nãy là quá trình biến thành Hấp Huyết Quỷ ?
Nếu quả là vậy, tại sao lại nhìn không thấy Hấp Huyết Quỷ ?
Nếu quả thi thể đã biến thành Hấp Huyết Quỷ, tại sao lại không đến cắn Diệp Khai ? Có phải không nhìn thấy chàng, hay là sợ cây cọc gỗ đào hoa giắt bên hông chàng ?
Những vấn đề đó giống như “tơ tình” vây khốn Diệp Khai, chàng nhấc hồ rượu còn lại, ực một ngụm đầy, đợi cho rượu rót hết vào bao tử, chàng mới thở dài một hơi nặng nề, sau đó phóng lên xoay một vòng.
Vừa phóng người, hạ mình xuống, hạ bên cạnh đám lá xanh rì rơi rớt trên đất, Diệp Khai ngưng chú nhìn lá rơi, lại đưa thị tuyết từ từ lần về hướng cái giếng khô, người cũng bước về hướng cái giếng khô.
Mượn ánh trăng, Diệp Khai nhìn thấy đáy giếng rất rõ ràng, đất khô nứt nẻ, thành giếng loang lổ rong rêu xanh xám bám phủ.
Một miệng giếng khô như vậy có thể phát xuất thanh âm và ánh sáng làm cho người ta không tin được sao ?
Diệp Khai cúi mình lượm một hòn đá quăng xuống giếng, “cạch” một tiếng, hòn đá đập vào đất cứng dưới đái giếng, thanh âm khô khan, cái giếng này đất dưới đáy giếng rất cứng, tịnh không có gì mờ ám.
Diệp Khai từ từ đứng thẳng dậy, song thủ khoanh trước ngực, nhíu mày suy nghĩ, có lẽ nào tình cảnh nhìn thấy hồi nãy là ảo giác và tưởng tượng của mình ?
Cho dù ánh sáng và thanh âm đều là ảo giác của Diệp Khai, nhưng thi thể không còn nhìn thấy nữa lại là sự thật !
Sự tình đến nước này, đổi là người khác, nhất định đi về ngủ một giấc cho khỏe, chuyện gì đợi đến sáng mai hãy nói, nhưng Diệp Khai lại không phải là hạng người đó.
Chàng nếu quả có cá tính đó, tất không thể phát sinh bao nhiêu cố sự bi bi hỉ hỉ ai ai oán oán.
Giếng khô xem ra không có gì dị dạng, nhưng Diệp Khai nếu quả không tự mình xuống xem, chàng nhất định ba ngày ngủ không vô, cho nên chàng nhíu mày không lâu, đã phóng người vào giếng khô.
Đất dưới đáy giếng cứng như sắt, Diệp Khai vừa hạ mình xuống, biết dưới này không thể có vật gì mờ ám tồn tại, cho nên chàng chú ý nhìn lên thành giếng.
Rong rêu xanh rờn phủ bám, Diệp Khai chằm chằm nhìn đám rong rêu trên thành giếng.
Thành giếng cả năm khô cạn, làm sao có thể có bao nhiêu rong rêu tươi tốt như vậy ?
Nhìn một hồi, khóe miệng Diệp Khai chợt hé một nụ cười, tay chàng đã giơ lên, từ từ mò về phía đám rong rêu trên thành giếng.
Đang lúc ngón tay đụng vào đám rong rêu, nụ cười trên khóe miệng Diệp Khai càng tươi hơn, ngón tay của chàng kéo nhẹ, rong rêu trên thành giếng đã bị lột xuống một mảng.
Trên thế gian có thứ rong rêu nào có thể bị lột cả mảng như vậy ? Rong rêu nắm trong tay Diệp Khai là giả tạo.

Dùng một thứ chất liệu giống như rong rêu làm thành, cho dù mình đứng rất gần để coi, rất khó lòng nhìn ra là giả, trừ phi mình dùng tay mò đụng.
Rong rêu giả trên thành giếng bị xé xuống, hiển lộ bốn năm cái lỗ tròn nhỏ, những cái lỗ tròn nhỏ đó dùng để làm gì ? Xem ra thứ rong rêu giả dán lên để che giấu những lỗ nhỏ đó.
Trên thành giếng khô cạn tại sao có những lỗ tròn nhỏ đó ? Những lỗ tròn nhỏ đó có tác dụng gì ?
Lột hết tất cả màn rong rêu giả trên thành giếng, càng để lộ nhiều lỗ tròn nhỏ hơn.
Đưa đầu ngón tay chui vào trong lỗ, không với được tới bên kia, xem ra những lỗ tròn nhỏ đó còn rất sâu.
Tối đen, đương nhiên nhìn không thấy tình hình bên trong lỗ, dùng tai nghe cũng không nghe thấy gì.
Đầu Diệp Khai lại không khỏi bị sưng bự, tuy đã khám phá tác dụng của màn rong rêu giả, lại đụng phải bí mật của những lỗ tròn nhỏ đó.
Vọng nhìn những lỗ tròn nhỏ đó, lại đoán không ra tác dụng của chúng, làm sao mà đầu Diệp Khai không sưng bự ra được ?
Cũng may khi đầu Diệp Khai bắt đầu sưng lên, chàng bỗng phát hiện những khối đá chồng chất trên thành giếng có chỗ không giống nhau.
Có rất nhiều khối đá lớn có nhỏ có, cho nên sắp xếp không quá chỉnh tề, nhưng trên thành giếng cách đáy giếng cỡ năm thước, lại xuất hiện một khớp nối rất chỉnh tề.
Tất cả những khối đá chất đến đó đều hình thành một hàng song song, hiển nhiên đã chuyên tâm an bài.
Phát hiện được điểm đó, đầu Diệp Khai không những khôi phục lại trạng thái bình thường, nụ cười nơi khóe miệng càng nồng đậm, chàng nhìn chỗ nối đó một lúc, sau đó thò tay đẩy phiến vách đó.
Mới dùng có ba phần khí lực, phiến tường đó đã thụt rớt vào trong, vừa thụt vào liền có một luồng gió lạnh bộc phát vào mặt, hơn nữa còn phát xuất tiếng “hù hù” quái dị.
Diệp Khai đương nhiên biết không khí bên trong và không khí bên ngoài đột nhiên liên thông mới sản sinh ra hiện tượng đó, cho nên chàng đợi cho tiếng gió quái dị đó tiêu biến mới bước qua cánh cửa ngầm đó.
Thông đạo tối đen không nhìn thấy gì, không biết có thẳng không ?Hay quanh quẹo ? Cho nên Diệp Khai chỉ còn nước lần theo tường vách mà đi, đại khái đã qua bảy tám khúc quanh, chàng mới nhìn thấy xa xa le lói một ánh đèn mông lung.
Đi lần tới hướng ánh đèn, tâm Diệp Khai lại không khẩn trương chút nào, bởi vì nơi có ánh đèn nhất định là nơi giải quyết mọi câu hỏi, đương nhiên cũng là nơi nguy hiểm, “đã đến thì nên điềm tĩnh”, đạo lý đó Diệp Khai luôn luôn thấu rõ hơn người khác, cho nên chàng mang một tâm tình rất thư thả mà đi về phía ánh đèn.
Ánh đèn rất dịu, ánh mắt lại xám đục chết chóc.
Vừa đi đến nơi có ánh đèn, Diệp Khai nhìn thấy một đôi mắt xám đục chết chóc.
Không những xám đục chết chóc, hơn nữa còn lạnh tựa hàn băng ngàn năm trên đỉnh Thánh Mẫu Phong, lạnh đến mức làm cho máu huyết của bất cứ người nào cũng đều đông cứng.
Diệp Khai tránh ánh mắt người đó, nhìn thấy tay của y.
Tả thủ của người đó đã bị cụt, hữu thủ cũng màu xám xịt chết chóc, giống như mới từ trong quan tài bước ra.
Y vận trường bào xanh nhạt, đầu tóc vừa dài vừa bung loạn, cặp mày lại đậm dày, mũi hắn rất cao, nhưng thườn thượt trên mặt y càng làm hiển lộ vẻ cô độc của y.
Môi y rất mỏng, nhưng chỉ cần liếc một cái đã biết y là người lời nói tựa Thái Sơn, chỉ có người sát nhân vô số, dùng tay nhiều hơn dùng miệng mới làm cho người ta có thứ cảm giác đó.
Hông trái của y có giắt một thanh kiếm không có vỏ.
Kiếm đen sì, giống như lông mày của y.
Nói một cách nghiêm túc, đó thật sự không thể coi là một thanh kiếm, đó chỉ là một phiến sắt dài ba thước, không có lưỡi kiếm, cũng không có mũi kiếm, thậm chí cả cán kiếm cũng không có.
Chỉ dùng hai miếng gỗ mềm cột bên trên, coi như là cán kiếm.
Thanh kiếm đó làm cho người ta có cảm giác giống như một thứ đồ chơi của con nít, nhưng Diệp Khai lại biết thứ đồ chơi đó nhất định rất nguy hiểm, tốt hơn hết là đừng chơi là hơn.
Con người đó tuy tĩnh lặng đứng dưới ánh đèn, nhưng lưng của y vẫn thẳng như ngọn bút, người của y giống như đúc bằng sắt. Băng tuyết, lạnh lẽo, mệt mỏi, lao lụy, đói khát, đều không thể khuất phục được y.
Trên thế gian xem chừng không ai có thể làm cho y khuất phục.
Lông mày y dày rậm, mắt lớn, đôi môi mỏng ngậm chặt thành một đường thẳng mong manh, mũi cao hẹp làm cho khuôn mặt y xem càng hóp háp, gương mặt đó khiến người ta rất dễ dàng liên tưởng đến đá hoa cương, quật cường, kiên định, lãnh đạm, đối với bất cứ chuyện gì đều không quan tâm đến, thậm chí đối với mình cũng vậy.

Nhìn thấy con người đó, trực giác của Diệp Khai nhớ liền đến A Phi, A Phi bạn sinh tử chi giao của sư phụ chàng.
Con người đó có nhiều chỗ rất giống A Phi, chỗ duy nhất không tương đồng là ánh mắt, ánh mắt của A Phi vĩnh viễn tràn ngập nhiệt tình, ánh mắt của con nguời đó lại chỉ có tử vong.
Diệp Khai tin rằng thứ mà kiếm của con người đó mang theo cũng thông thường đều là tử vong.
“Kiếm hạ vô hoạt khẩu, tả hữu song sát kiếm”.
Con người đó nhất định là người đã cùng A Phi tề danh, Lãnh Diện Sát Thủ.
Kinh Vô Mạng !
Nhất định là y, Diệp Khai tin tưởng con người trước mắt nhất định là trợ thủ đắc lực của Thượng Quan Kim Hồng, Kinh Vô Mạng.
Cũng chỉ duy nhất có Kinh Vô Mạng mới có thể cấp cho người ta một thứ cảm giác tử vong.
Diệp Khai lại đưa mục quang chuyển về hướng ánh mắt của con người đó, lần này ngưng chú nhìn ánh sáng xám đục chết chóc đó.
Nếu quả con người đó là Kinh Vô Mạng, Diệp Khai hôm nay sẽ đối mặt với một trường quyết đấu nguy hiểm nhất trong đời.
Chàng vẫn còn nhớ sư phụ từng nói với chàng:
“Võ công của Thượng Quan Kim Hồng tuy cao hơn so với Kinh Vô Mạng, nhưng lão không đáng sợ bằng Kinh Vô Mạng, bởi vì lão thiếu hơi thở chết chóc của Kinh Vô Mạng”.
“Ta thà cùng Thượng Quan Kim Hồng quyết chiến ba ngày, cũng không nguyện làm địch nhân của Kinh Vô Mạng một canh giờ”.
Đó là lời bình luận của Tiểu Lý Phi Đao đối với Kinh Vô Mạng, cho thấy con người Kinh Vô Mạng đáng sợ tới cỡ nào.
Hiện tại Diệp Khai chung quy đã đối diện y, đối diện Kinh Vô Mạng.
Năm xưa Lý Tầm Hoan chưa từng giao thủ với Kinh Vô Mạng, ngày nay Diệp Khai có thể “không đánh mà lui” sao ?
Tận đầu địa đao là một gian phòng trống không, trừ Kinh Vô Mạng ra, chỉ có bảy tám ngọn khổng minh đăng.
Đèn tuy nhiều, quang tuyến lại rất dịu, tiếng nói từ từ chầm chậm, không lên xuống, cũng không có tình cảm.
Chỉ có Kinh Vô Mạng mới có thanh âm như vậy.
“Người trên thế gian có rất nhiều hạng, có những người rất dễ giết, có những người không dễ”. Thần tình của y xem ra rất tiều tụy, nhưng thanh âm của y lại lạnh lẽo giống như ánh mắt của y, làm cho người ta phát run:
“Tay cũng có rất nhiều loại, có thứ có thể giết người, có thứ không thể giết người”.
Diệp Khai đang lắng nghe, chàng chỉ còn nước lắng nghe.
“Năm xưa ta bằng vào tả thủ kiếm mà thành danh, nhưng từ lúc tả thủ của ta bị chặt, rất nhiều người đều đã nghĩ ta là phế nhân”.
Con người đó quả nhiên là Kinh Vô Mạng.
“Cho nên những người đó đều chết dưới hữu thủ kiếm của ngươi”. Diệp Khai nói thế y.
Kinh Vô Mạng đưa hữu thủ ra, từ từ giơ lên, mục quang lạc trên bàn tay:
– Ta mười một tuổi bắt đầu luyện kiếm, mười lăm tuổi đã sử kiếm một tay phải nhanh nhẹn, nhưng ta lại tốn bảy năm luyện thêm tả thủ kiếm, ngươi có biết ta tại sao lại làm vậy không ?
– Xin ngươi cứ nói.
“Ta luôn luôn tin cường trung tự hữu cường trung thủ , ta khổ luyện tả thủ kiếm vì khi có ngày đụng phải một địch thủ chân chính, tả thủ kiếm của ta có thể phát huy tác dụng”. Kinh Vô Mạng hững hờ thốt:
“Không tưởng được ngày đó còn chưa đến, tả thủ của ta lại đã cụt”.

— Tả thủ của y tịnh không phải bị người chặt cụt, mà là tự mình phế bỏ, tuy vai trái của y trúng phi đao của Lý Tầm Hoan, nhưng nếu quả y không tự mình dụng lực ấn phi đao đâm thẳng vào cốt tủy, tả thủ của y vẫn không bị tàn phế.
Chuyện đó Diệp Khai đương nhiên biết, cho dù Lý Tầm Hoan không kể cho chàng nghe, chuyện truyền miệng trong giang hồ cũng rất nhiều, Diệp Khai có tai, tự mình có thể lắng nghe, cũng có thể bình luận, cho nên chàng rất bội phục tác phong lần đó của Kinh Vô Mạng.
Tác phong ? Tác phong anh hùng ?
Anh hùng ? Thế nào là anh hùng ? Lẽ nào tác phong của Kinh Vô Mạng là anh hùng ?
Ý tứ đại biểu cho anh hùng, thông thường là lãnh khốc, tàn nhẫn, tịch mịch, vô tình ?
Từng có người định nghĩa hai chữ “anh hùng”:
giết người như nhổ cỏ, đánh bạc như điên, uống rượu như khát nước, hiếu sắc như mạng !
Đương nhiên, đó tịnh không nhất định là tuyệt đối, anh hùng cũng có một hạng khác.
Một hạng khác như hạng Lý Tầm Hoan.
Nhưng hạng anh hùng như Lý Tầm Hoan có bao nhiêu người trên thế gian này ?
Không cần biết là hạng anh hùng nào, bọn họ có lẽ chỉ có một điểm tương đồng — vô luận muốn làm hạng anh hùng nào, đều tuyệt không phải chuyện dễ dàng thích thú gì.
Kinh Vô Mạng đưa mục quang từ hữu thủ của mình lên nhìn Diệp Khai trước cửa, sau đó mới chầm chậm thốt:
– Ta tên là Kinh Vô Mạng.
– Ta biết.
“Niềm hối tiếc lớn nhất cả đời này của ta là không thể cùng Lý Tầm Hoan chân chính giao thủ qua”. Kinh Vô Mạng ngừng một chút, đợi cho thanh âm tan biến trong tai Diệp Khai, lại mở miệng:
“Ngươi tên là Diệp Khai ?”.
– Diệp trong lá cây, Khai trong khai khẩu.
– Ngươi là đồ đệ duy nhất của Lý Tầm Hoan ?
– Tiếc là không thể tập thành đồ đệ thứ hai thứ ba của sư phụ.
Kinh Vô Mạng lại ngưng chú nhìn Diệp Khai:
– Phi đao của ngươi đâu ?
– Ở đây.
– Ở đâu ?
“Ở nơi nên ở”. Diệp Khai điềm đạm đáp lời.
— Nơi nào mới là nơi nó nên ở ? Chỗ yếu hại trên mình cừu nhân ?
Câu trả lời của Diệp Khai rất diệu kỳ, Kinh Vô Mạng lại nghe không rõ, cho nên ánh mắt xám đục chết chóc của y đột nhiên lóe một tia sáng buông lơi, nhưng rất mau chóng tiêu tán.
“Tốt, tốt, danh sư quả nhiên có cao đồ”. Kinh Vô Mạng thốt:
“Năm xưa Lý Tầm Hoan nếu cũng tiêu sái hư thoát như ngươi, hắn cũng không phải gặp mệnh vận thê thảm như vậy”.
Diệp Khai cười cười, đối với loại vấn đề đó, chàng không bao giờ hồi đáp, Kinh Vô Mạng đương nhiên hiểu rõ ý tứ của Diệp Khai, cho nên y rất mau chóng chuyển đề tài.
“Hôm nay là ngày mấy ?” Kinh Vô Mạng chợt hỏi Diệp Khai.
“Mười một tháng tám”. Diệp Khai liền trả lời:
“Ngày hôm nay có ý nghĩa gì ?”.
“Có”. Trong mắt Kinh Vô Mạng đột nhiên lộ xuất vẻ thất thần, cả thanh âm đều có ý vị hồi ức:
“Mười chín năm trước, ngày hôm nay, là ngày Thượng Quan Kim Hồng chết dưới đao của Lý Tầm Hoan”.
Y ngừng một chút, lại nói:
– Mười chín năm trước, ngày hôm nay, cũng chính là sinh nhật thứ mười chín của ta.

Hôm nay là sinh nhật của Kinh Vô Mạng, cũng là ngày giỗ của Thượng Quan Kim Hồng.
Diệp Khai chú thị nhìn Kinh Vô Mạng, nói một cách khác, hôm nay cũng chính là ngày nên kết thúc mọi ân oán.
Kinh Vô Mạng thu hồi mục quang khỏi trạng thái thất thần, lại nhìn lên mặt Diệp Khai:
– Năm nay ta mới ba mươi tám, nhưng nếu quả ta không nói, ngươi có thể nghĩ ra ta mới ba mươi tám không ?
Diệp Khai nhìn kỹ mặt Kinh Vô Mạng, nếu quả từ dung mạo mà phán đoán tuổi tác của Kinh Vô Mạng, bất cứ ai cũng đoán không ra y mới ba mươi tám.
Trên mặt y tuy vẫn có đường nét của người trung niên, nhưng đuôi mắt lại đã có vẻ tiều tụy của người già cả, cả hai má gồ ghề cũng bị phong sương in hằn những nếp nhăn thời gian, vầng trán rộng càng rõ rõ ràng ràng để màu sắc mệt mỏi già nua xâm chiếm.
Đầu tóc y tuy còn đen nhánh, nhưng hai thái dương đều bạc nhiễm ưu thống cảm thương, thân người y cứng rắn, nhưng bất cứ một ai đều nhìn ra đó là vì thống khổ và cừu hận sinh ra.
Cả người y làm cho người ta có cảm giác không còn cần dùng tiều tụy, già nua để có thể hình dung, chỉ cần dùng một chữ “lão” mới có thể hình dung.
“Ngươi thật sự không giống người ba mươi tám tuổi”. Diệp Khai chiếu theo sự thật mà nói:
“Ngươi nhìn tối thiểu cũng cỡ năm mươi tám tuổi”.
“Phải, bộ dạng của ta nhìn tối thiểu cũng cỡ năm mươi tám”. Kinh Vô Mạng gật gật đầu:
“Đó là vì suốt mười chín năm qua, ta so với người khác còn già thêm mười chín năm nữa”.
So với người khác còn “già” thêm mười chín năm ? Đích xác là vậy, người khác tuy thống khổ, cũng chỉ bất quá là mười chín năm, y lại so với người khác còn thêm vào mười chín năm cừu hận.
Trên thế gian, cái dễ dàng làm cho người ta già nhất chỉ có hai thứ, cừu hận và tơ tình.
Tơ tình làm cho người ta ảm đạm tiêu hồn, cừu hận lại có thể gặm nhấm người ta tới tận xương cốt, cho tới chết mới thôi.
“Đã mười chín năm”. Kinh Vô Mạng không ngờ đã thở dài:
“Mười chín năm nay ta không giờ nào phút nào không chờ đợi ngày cùng Lý Tầm Hoan quyết thắng bại một trận, nhưng cho đến hôm nay ta gặp ngươi, ta mới phát giác một chuyện, cả đời này ta đừng mong thắng được Lý Tầm Hoan, ngươi có biết vì sao không ?”.
– Vì sao ?
– Vì cừu hận.
– Cừu hận ?
“Ta vì cừu hận mà sống, lại cũng vì cừu hận mà bại”. Kinh Vô Mạng đáp:
“Ta cho dù có khổ luyện thêm mười chín năm nữa, vẫn vô phương thắng được Lý Tầm Hoan, bởi vì trong tâm ta phần nhiều chỉ có cừu hận, trong tâm Lý Tầm Hoan lại chỉ có khoan thứ”.
Diệp Khai không hiểu ý tứ câu nói đó. Kinh Vô Mạng đương nhiên cũng biết chàng không hiểu, cho nên liền giải thích.
“Nhìn bề ngoài mà nói, ta nhất tâm nhất ý nghiên cứu võ công của Lý Tầm Hoan, tìm kiếm kẽ hở trong võ công của hắn, mười chín năm nay ta tự nghĩ đã tìm ra kẽ hở, nhưng ta vẫn vô phương thắng hắn”. Kinh Vô Mạng lại giải thích:
“Bởi vì mười chín năm nay ta chỉ cố nghiên cứu kẽ hở trong võ công mười chín năm trước của hắn, võ công của mình vẫn ngừng một chỗ như mười chín năm trước, còn Lý Tầm Hoan lại vì tâm không có khói mù, mười chín năm nay võ công đã tiến nhập đến cảnh giới khác”.
— Võ công không tiến tất lùi, nước không chảy tất đục sình, đó là đạo lý thiên cổ bất biến.
Tuy đại đa số con người đều vô phương hiểu thấu đạo lý đó, tưởng không được Kinh Vô Mạng không ngờ đã lãnh ngộ được, xem ra võ công của y đã không còn như Kinh Vô Mạng của mười chín năm trước.
— Có thể lãnh ngộ, là có tiến bộ, đó là đạo lý thiên cổ bất biến.
“Ta tuy biết rõ vô phương thắng được Lý Tầm Hoan, nhưng ta vẫn muốn cùng hắn quyết chiến, đó là vấn đề nguyên tắc”. Kinh Vô Mạng hỏi Diệp Khai:
“Ngươi có hiểu không ?”.
“Ta hiểu”. Diệp Khai đáp:
“Cũng như hôm nay ta biết rõ không phải là địch thủ của ngươi, nhưng ta cũng quyết chiến với ngươi, bởi vì đó cũng là nguyên tắc của ta”.
Biết rõ đánh là chết, cũng phải đánh.
Bởi vì đó không phải là vấn đề sinh tử.
Đó là trận chiến chính và tà, thiện và ác, sỉ nhục và tôn nghiêm.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.