Bạn đang đọc Biên Thành Ðao Thanh – Chương 11: Nụ Cười Của Kim Ngư
Vách đá thẳng đứng, người thập thò trong mây.
Giữa đóa mây trắng trong chầm chậm phất phơ một bóng người, một bóng người quỷ bí, quái dị.
Bóng người đó phảng phất là nữ, mái tóc dài mượt mà phiêu đãng nghênh gió, y phục vàng lợt trên người cũng phiêu động phất phơ, phảng phất kim ngư lắc mình quẫy đuôi trong nước.
Diệp Khai và Tô Minh Minh mắt lộ vẻ kinh nghi nhìn bóng người đó xuất hiện trên vách đá thẳng đứng. Nàng là người ? Hay là quỷ ? Hay là yêu ma trong truyền thuyết ?
Thái dương nóng bỏng tàn khốc, Tô Minh Minh lại cảm thấy một luồng hơi lạnh đâm thấu tận cốt tủy mình, tay nàng bất tri bất giác đã nắm chặt tay Diệp Khai.
Diệp Khai không động đậy, tay chàng cũng nắm chặt tay Tô Minh Minh.
Tại một nơi địa thế hiểm ác hoàn toàn xa lạ như vầy, ở nơi tốt nhất để mai phục đột nhiên xuất hiện một “người”.
Không cần biết “người” này là ai, chỉ cần nàng ta vừa công ra một chưởng, bọn Diệp Khai tất nhiên không còn đất chống đỡ, bởi vì bọn họ hiện tại phảng phất giống như cái đầu rắn bị người ta kẹp giữa hai đầu ngón tay.
Hơn nữa người nắm đầu lại đứng giữa vách đá mây mù.
Trán Diệp Khai bỗng vồng lên gân xanh, gân xanh không ngừng giật giật, mỗi khi đến lúc thật sự khẩn trương, gân xanh trên trán chàng luôn giật giật.
Chàng tuy đang nhìn “người” trên vách đá, trong óc lại đang tìm mưu sách ứng biến.
Chàng còn chưa nghĩ ra phương pháp, “người” trên tường đá đã chợt giang hai tay, như con yến tử bay trên đám nham thạch, đứng dưới ánh mặt trời nói lớn:
– Minh Minh, tôi đã nghĩ là chị mà !
Thanh âm của nàng ta trong ngần khoái trá, không có chút gì giống yêu ma quỷ quái, người nàng càng không giống yêu ma quỷ quái, nàng là một tiểu cô nương thanh xuân hoạt bát.
Qua khỏi Tử Cảnh là một phiến bình nguyên phì nhiêu.
Khoảng cách tới thánh địa Lạp Tát đã không còn xa mấy.
Cái lều của Kim Ngư dựng ở đó.
Kim Ngư là cô gái hồi nãy xuất hiện trên vách đá, nàng đến tiếp ứng Tô Minh Minh.
“Nhưng tôi lại muốn hù chị chơi”. Tiếng cười của Kim Ngư trong sáng như ánh mặt trời:
“Tôi lại không muốn chị sợ ngã lăn ra chết”.
Diệp Khai đang cười, chàng chưa từng gặp một cô gái trong sáng như vậy, làm cho người ta khoan khoái đến như vậy.
Nàng ta tịnh không thể coi là mỹ nhân tuyệt sắc hoàn mỹ, mũi của nàng có chỗ cong cong, nhưng sóng mắt của nàng kiều mỵ, làn da nàng vừa trắng như tuyết, vừa trơn mịn tươi tắn.
Diệp Khai phát hiện nàng không ngờ cũng rất thích cười, lại phát hiện Tô Minh Minh cũng rất thích nhéo mũi nàng.
Hiện tại Tô Minh Minh đang nhéo mũi nàng.
“Ngươi đã hứa với ta lần này tuyệt không trốn ra chạy loạn”. Tô Minh Minh hỏi:
“Sao lại trốn ra đây ?” Kim Ngư khôn khéo tránh né vấn đề:
– Chị tại sao lại cứ thích nhéo mũi người ta ?
Kim Ngư hỏi ngược:
– Có phải muốn mũi tôi phải giống như mũi chị vậy ?
Diệp Khai cười cười.
Kim Ngư quay đầu lại nhìn chàng:
– Chàng là ai ?
“Ta tên là Diệp Khai”. Diệp Khai cười đáp:
“Diệp là lá cây, Khai là khai tâm”.
“Diệp Khai ?” Kim Ngư lại cười:
“Nếu quả chàng có đệ đệ, nhất định tên là Diệp Quan”.
“Điểm đó sợ không thể như ý nàng”. Diệp Khai cười đáp:
“Ta là con một”.
Kim Ngư lại nhìn Diệp Khai chằm chằm cả nửa ngày.
“Tôi thích người cười tươi”. Kim Ngư lại bắt đầu cười:
“Hiện tại tôi đã bắt đầu có điểm thích chàng”.
Nàng chợt đã ôm lấy Diệp Khai như hồi nãy ôm Tô Minh Minh, hôn lên trán Diệp Khai.
“Bằng hữu của chị Minh Minh của ta cũng là bằng hữu của ta”. Kim Ngư thốt:
“Người chị ta thích ta cũng thích”.
Mặt Diệp Khai không đỏ hồng, bởi vì mặt Kim Ngư cũng không đỏ hồng.
Lúc nàng ôm chàng, giống như ánh mặt trời ôm ấp mặt đất, trong sáng tự nhiên, lại giống như cá vàng hỗ tương nhau quẫy lội thuần chân trong nước.
Diệp Khai tuyệt không phải là nam nhân e lệ, rất ít khi trong tâm muốn nói gì mà phải nhẫn nhịn không nói ra.
“Ta cũng thích nàng”. Chàng nói:
“Thật sự rất thích”.
Lúc hai người bọn họ thay phiên nhau “thích” đối phương, Tô Minh Minh đứng kế bên tuy cũng đang cười, nhưng sâu thẳm trong mắt nàng chợt đã xuất hiện một tia hối hận.
Hối hận ? Nàng hối hận chuyện gì ? Hối hận đã mang Diệp Khai đến Lạp Tát ?
Hai đạo kiếm quang, một đạo hoạch hướng đao trên không trung, một đạo hoạch hướng yết hầu của Phó Hồng Tuyết.
Kiếm của Truy Phong Tẩu chung quy đã rút khỏi vỏ, kiếm lão dùng không ngờ lại là thứ kiếm nữ nhân dùng.
Đồng thời vào lúc tả thủ của Phó Hồng Tuyết quăng đao, hữu thủ đã thò vào ngực rút cái bịch châu báu mà Lạc Lạc Sơn lúc lâm tử đã phó thác cho hắn.
Khi đó, kiếm của Truy Phong Tẩu đã cách yết hầu của hắn không đầy ba tấc, Phó Hồng Tuyết tấn tốc thoái lui một bước, bịch châu báu trong hữu thủ nghênh hướng mũi kiếm.
“Keng” một tiếng, tiếp đó là tiếng châu báu rớt lạo xạo trên đất.
Một kiếm đâm vào đao, một kiếm đâm vào châu báu.
Châu báu rớt trên đất, sát khí ngưng kết cũng tan biến trong phút chốc.
Song thủ của Truy Phong Tẩu lại buông thõng, hai mũi kiếm be bé lại biến mất không thấy đâu, tư thế lão đứng vẫn giống hệt lúc chưa xuất thủ, chỉ là luồng sát khí bức người đã tiên tán vô tung.
Chỉ là vầng trán phảng phất đã thấm đậm nếp nhăn, thần tình, thái độ, khí thế toàn thân lão đều đã hoàn toàn cải biến.
— Kiếm của kiếm khách, có lúc giống hệt như tiền, trên mỗi phương diện mà nói cơ hồ hoàn toàn nhất dạng.
Một kiếm khách trong tay không có kiếm, giống như một người trong tay không có tiền, thông thường cải biến tất cả mọi chuyện.
— Nếu quả một kiếm khách trong tay không có kiếm, một người trong người không có tiền, một cái bị gạo bên trong không có gạo, đều đứng giống hệt nhau.
Phó Hồng Tuyết cũng không động, hắn vẫn lạnh lùng nhìn Truy Phong Tẩu.
Truy Phong Tẩu lại không nhìn hắn nữa, mục quang của lão phảng phất ghim cứng trên người Phó Hồng Tuyết, lại phảng phất đang lạc lõng xa xăm.
Hai người lẳng lặng đứng như vậy, qua một hồi rất lâu, Truy Phong Tẩu chợt khai khẩu, chợt hỏi một câu:
– Ngươi làm sao biết ta dùng hai thanh kiếm ?
Phó Hồng Tuyết đưa thị tuyến di chuyển xuống hai bàn tay của lão:
– Người thường chỉ có hữu thủ là có vết tích luyện kiếm. Hai tay của tiền bối đều có vết tích.
– Cho nên ngươi mới quăng đao dẫn dụ một kiếm của ta ?
“Tại hạ chỉ còn có biện pháp đó”. Phó Hồng Tuyết điềm đạm đáp:
“Tiền bối cho dù chỉ có một kiếm, ta đều không chắc có thể ứng phó nỗi”.
Đó là lời nói thật, bởi vì trước khi Truy Phong Tẩu đến, trước hết đã đem tinh, khí, thần bồi dưỡng đến mức đỉnh điểm, Phó Hồng Tuyết cho dù vừa gặp mặt đã bạt đao, cũng rất khó lòng công phá “khí” của lão.
Truy Phong Tẩu dùng đôi mắt già nua nhăn nheo nhìn Phó Hồng Tuyết, thanh âm của lão cũng phảng phất càng già cỗi.
“Rất giỏi, rất giỏi …” Truy Phong Tẩu lẩm bẩm:
“Ngươi quả nhiên có đạo lý thủ thắng”.
“Tại hạ thủ xảo, tuy may mắn thoát khỏi kiếm của tiền bối, nhưng cũng không thể thủ thắng”. Phó Hồng Tuyết thốt:
“Tiền bối hà tất …” – Ngươi bất tất phải nói nữa !
Mục quang của Truy Phong Tẩu ngưng chú nhìn hắn, qua một hồi rất lâu cũng không nói thêm tiếng nào, chợt quay mình bước dài ra ngoài cửa.
Phó Hồng Tuyết nhìn theo thân hình lão càng lúc càng xa:
– Phong thái của tiền bối quả nhiên bất phàm.
Lời nói của hắn tuy rất nhỏ, nhưng Truy Phong Tẩu chợt quay đầu lại, vọng nhìn hắn, trầm mặc cả nửa canh giờ, chung quy mới thở dài một tiếng.
“Thắng mà không kiêu, khiêm cung hữu lễ, cho dù có chút lạnh lùng, nhưng tại sao lại không được ?” Truy Phong Tẩu nói dứt lời, lại quay đầu đi về hướng dương quang.
Dương quang sáng lạn, mặt đất nóng bỏng, cỏ cây trong hoa viên phảng phất đều đã bị nung nấu cúi đầu héo úa.
Phó Hồng Tuyết gói số châu báu rớt trên đất hồi nãy lại, gói cẩn thận, sau đó đi ra khỏi phòng, đi qua hoa viên, bước về phía hành lang.
Nơi tối tăm nhất của hành lang dài phảng phất có một bóng người áo trắng lợt lạt, mông mông lung lung, hư hư thật thật.
Phó Hồng Tuyết chầm chậm đi về hướng nàng, đi về hướng một phiến mông mông lung lung.
Bạch Y Linh thất thần nhìn hắn, lại như đang nhìn vào cõi hư vô xa xăm, trên mặt nàng in hằn một nỗi sầu ai thoang thoảng, một nỗi oán trách vu vơ, một tia bất lực.
Đi đến trước mặt nàng, Phó Hồng Tuyết mới dừng chân, ánh mắt thâm thúy đen ảo nghênh đón mục quang thất thần, hai người lẳng lặng đứng đối diện nhau, cũng không biết qua bao lâu sau, phảng phất cả một thế kỷ đã trôi qua, mới nghe thanh âm ba phần sầu ai, ba phần oán trách, ba phần bất lực:
– Tưởng không được ngươi có thể thắng Truy Phong Tẩu.
“Lão không bại”. Phó Hồng Tuyết nghe mình đáp lời:
“Lão chỉ là đã không còn luồng sát khí có thể giết được ta”.
– Ngươi đã sớm biết hôm nay lão nhất định đến giết ngươi ?
– Ta có cảm giác.
“Vậy thì ngươi cũng nên biết chính ta muốn lão đi giết ngươi”. Bạch Y Linh thốt.
Phó Hồng Tuyết không trả lời câu đó, hắn trầm mặc nhìn nàng, qua một hồi rất lâu mới đưa gói châu báu cho nàng.
“Cái bịch này Lạc Lạc Sơn vì nghĩ ngươi thích cho nên đi lấy về”. Phó Hồng Tuyết không nói chữ “trộm”:
“Hy vọng ngươi trân trọng đón nhận”.
Bạch Y Linh tiếp gói châu báu, thị tuyến lại dừng trên mặt Phó Hồng Tuyết:
“Còn ngươi ? Có lẽ nào ngươi đối với ta không có một chút cảm giác gì ?” Cảm giác gì ? Yêu ?
Phó Hồng Tuyết tránh né vấn đề:
– Ta nghĩ ngươi đã sớm biết Lạc Lạc Sơn chỉ có chết ?
— Lạc Lạc Sơn có thể biết số châu báu đó có trong phòng của Mã Phương Linh, đương nhiên là do Bạch Y Linh cố ý tiết lộ cho lão biết.
— Bạch Y Linh đương nhiên cũng biết đêm hôm qua Phó Hồng Tuyết nhất định đến phòng Mã Phương Linh đợi hung thủ.
— Nàng đương nhiên cũng đã tính đến lúc Lạc Lạc Sơn vừa lộ diện, nhất định gặp chết.
Bởi vì dưới đao của Phó Hồng Tuyết chỉ có chết.
Đối với Lạc Lạc Sơn, không phải là địch nhân chết, mà là tự mình chết.
Hoa viên nóng tàn khốc, hành lang lại âm u, âm âm u u phảng phất như địa ngục hư vô.
“Trên thế gian duy nhất chỉ có tình là thuần chân nhất”. Phó Hồng Tuyết hững hờ nói với Bạch Y Linh:
“Có lẽ ngươi còn quá trẻ, không biết tình đáng quý, đợi đến lúc ngươi đã trải qua kinh nghiệm, ngươi mới có thể biết chân giá trị của tình”.
Tiếng nói còn chưa dứt, người của Phó Hồng Tuyết đã tan biến sau cụm hoa tùng, Bạch Y Linh phảng phất vẫn thất thần thẫn thờ trong hành lang mông mông lung lung.
Nhưng nếu quả nhìn kỹ, nhất định có thể nhìn thấy đôi mắt của nàng đã ngấn đọng ánh lệ.
“Ngươi lầm rồi”. Bạch Y Linh dịu dàng vói theo bóng Phó Hồng Tuyết đang tan biến:
“Tình tuy thuần chân nhất trên thế gian, nhưng cũng là thứ làm người ta thống khổ nhất”.
Khi những giọt lệ lăn dài trên má Bạch Y Linh, một bàn tay nhăn nheo nhưng mạnh mẽ đáp trên vai nàng.
Bạch Y Linh không quay đầu, bởi vì nàng đã biết bàn tay đó của ai.
Trên mặt Mã Không Quần cũng dọc ngang nếp nhăn, mỗi một nếp nhăn đều phảng phất hoạch phá một nỗi gian khổ và nguy hiểm từng trải trong đời lão, cũng phảng phất đang kể cho người ta biết, vô luận chuyện gì đi nữa cũng đừng mong đánh gục được lão, thậm chí bắt lão cúi mình cũng đừng mong.
Nhưng ánh mắt lão lại bình hòa, tịnh không mang theo uy lực bức nhân, hiện tại ánh mắt đó đang ngưng thị nhìn Bạch Y Linh.
Trong ánh mắt bình hòa, không ngờ lại xuất hiện nỗi niềm thống khổ thương hại, vừa mâu thuẫn, vừa bất lực, Mã Không Quần im lặng nhìn Bạch Y Linh.
Nàng tựa hồ không chịu trầm mặc mãi mãi trong bi thương, cho nên nàng nhẹ nhàng nói một câu:
– Tôi lầm sao ?
“Ngươi không lầm !” Mã Không Quần chỉ còn nước mở miệng:
“Lầm là mệnh vận”.
Lão lại thở dài nhè nhẹ:
– Đã mười năm rồi, ngươi vẫn không quên được hắn sao ?
“Quên ?” Bạch Y Linh cười thê lương:
“Thứ chuyện đó quên được sao ?” — Nỗi thống khổ thâm thúy nhất, bi ai nhất, cổ xưa nhất của nhân loại, là “quên không được”.
Nhưng quên không được thì sao ? Uống thuốc độc tự tử ? Trầm luân đọa lạc ? Bi kịch của nhân giang thông thường đều là vì “quên không được” mà sản sinh ra.
Bạch Y Linh sao lại quên hắn được ?
Tường thành bằng đá bao quanh khuôn viên Bố Đạt Lạp Cung và Cáp Khắc Bốc Lý Sơn, cổng thành nằm bên dưới một tòa xá lợi tháp, trong tháp tàng ẩn Phật cốt của cao tăng cổ đại và vô số thần thoại và truyền thuyết mỹ lệ thần bí.
Thông qua cổng vòm khung tròn, đại điện khí nhiệt bức người xuất hiện bên phải bọn Diệp Khai.
Cung điện cao bốn chục trượng, rộng một trăm hai chục trượng, liên miên mái ngói uốn lượn, thành phố trên sơn nham cao lớn dựng đứng, tự viện thiền phòng cổ xưa, trụ bia, lầu các, rèm màn song điệp khôi quý xứng hợp, xem ra giống như mộng cảnh, không giống thần thoại.
Diệp Khai phảng phất đã ngây người, chàng không tưởng tượng được Lạp Tát không ngờ lại đẹp đến mức giống như mộng cảnh.
– Đẹp không ?
“Cảnh tượng như vầy làm sao chỉ dùng một chữ đẹp mà hình dung hết cho được”.
Diệp Khai đáp.
Tô Minh Minh chỉ tòa tự viện cổ xưa hùng vĩ hoành lệ bên phải:
– Đó là Đại Chiêu Tự nổi danh ở Lạp Tát.
Đại Chiêu Tự do Đại Đường Văn Thành công chúa kiến dựng.
Vào thời đó, Tây Tạng còn là “Thổ Phồn”, Lạp Tát còn là “La Tư Thành”.
Đại Đường Trinh Quan năm thứ mười bốn, tể tướng Thổ Phồn là Đông Tán mang vô số trân bảo cùng năm ngàn lượng hoàng kim đến Trường An, đón rước điệt nữ của Đường Thái Tông là Văn Thành Công Chúa diện mạo tuệ tú, đoan trang mỹ lệ, thân thể trắng trong, hơn nữa còn tôn kính Phật pháp, trở về La Tư Thành, gả cho Quốc Vương của bọn họ là Tán Phổ, hùng tư anh phát, kinh tài tuyệt nghệ “Tùng Tán Can Bố”.
Vì sự thành kính của nàng, vì sự mỹ lệ của nàng, ông ta đã kiến tạo ra tòa Đại Chiêu Tự cho nàng.
Đi qua Đại Chiêu Tự là đến thị tập phồn vinh Lạp Tát.
Đường xá ở đó cũng giống như đường xá ở Giang Nam, người trên đường đại đa số có thể phân làm hai hạng:
một hạng trú ngụ ở đó, một hạng từ chỗ khác tới.
Đi trên đường trường, Diệp Khai lập tức hưởng thụ được hơi hướm chỉ có ở Lạp Tát.
Hai bên đường đen ám khói đèn dầu và mùi sữa chua nồng nặc làm cho người đi đường không dám hít thở mạnh, ánh mặt trời gay gắt và bão cát mịt mù lại cơ hồ làm cho người ta không dám mở mắt.
Hàng hóa chất trong điếm phô, có thỏi trà lá đến từ Đả Tiễn Lô chất cao như núi, có đào lý tang châm thảo đến từ Thiên Trúc làm cho ai ai cũng chảy nước miếng thèm muốn, nhang tạng hương đến từ Đông Tạng, hương liệu gia vị tinh chế từ Nê Bạc Nhĩ, chàm nhuộm, san hô, trân châu, đồng khí, tơ lụa và từ khí đến từ quan nội, hổ phách và hàng da Mông Cổ, đường quả, xạ hương, và gạo đậu Tích Kim …
Những thứ hàng hóa trân quý đó làm cho người ta không thể không tròn mắt nhìn không chớp.
Nhìn bao thứ hàng hóa và người qua qua lại lại, trong tâm Diệp Khai rất khoái trá, chàng thích đông người, thích nhiệt náo, chàng ưa thích lối sinh hoạt không câu thúc đó.
Thuần phác, lương thiện, không mánh khóe mưu đồ, không giang hồ ân oán, không âm hiểm xảo trá, càng không tranh quyền đoạt lợi.
Mỗi ngày cùng đám hàng xóm lân cư cãi lộn, uống rượu cất lâu năm, sáng sớm ra khỏi cửa làm lụng, hoàng hôn về tới nhà trên bàn đã chuẩn bị cơm nước nghi ngút.
Thứ sinh hoạt đó chính là sinh hoạt mà mỗi một lãng tử đều khao khát nhất, lại là mộng tưởng xa xăm nhất của bọn họ.
Như đóa phù vân nơi chân trời chỉ có thể vọng nhìn mà không thể đến gần.
“Chàng có thích chỗ nào không ?” Kim Ngư hỏi Diệp Khai.
Diệp Khai gật đầu, chàng chỉ có thể gật đầu, không ai có thể không thích chỗ này.
“Chàng trước đây có qua chỗ này chưa ?” Kim Ngư lại hỏi.
Diệp Khai lắc lắc đầu, chàng trước đây chưa từng qua đây, nếu quả đã qua, rất có thể đã không thể bỏ đi.
Kim Ngư chợt ôm tay Diệp Khai, giống như đang ôm tay tình nhân:
– Tôi dẫn chàng đi chơi.
– Đi đâu chơi ?
– Đi tất cả những nơi có thể chơi.
Kim Ngư cười trong trẻo, sắc mặt Tô Minh Minh lại càng lúc càng khó coi, cũng may lúc đó trên trường nhai truyền tới một tràng tiếng kêu:
– Minh Minh thư, chị đã về !
Diệp Khai vừa quay đầu đã nhìn thấy một đám nhỏ mười một mười hai tuổi chạy tới, trai có gái có, cao có thấp có, mập có ốm có, phảng phất còn có một đứa khập khiễng.
Trẻ nhỏ thanh xuân hoạt bát đầy sinh khí cũng là cái Diệp Khai ưa thích, chàng nhìn một đám trẻ nít mau chóng bu quanh Tô Minh Minh, bảy tám cái miệng tranh nhau nói trước.
– Minh Minh thư, chị về hồi nào vậy ?
– Minh Minh thư, chị sao đi lâu vậy ?
– Minh Minh thư, chị đi rồi không có ai dẫn bọn tôi đi chơi !
Tô Minh Minh cười cười xoa đầu từng đứa một, sau đó mới nhìn đứa khập khiễng mà nói:
– Ta không có ở nhà, nhưng còn chị Kim Ngư mà.
“Nhưng Kim Ngư thư có lúc phải đi làm !” Đứa bé khập khiễng đáp:
“Chị ta cũng không thể dẫn bọn tôi đi chơi cả ngày”.
“Ta không đi làm, bọn ngươi lấy gì ăn ?” Kim Ngư cười nói:
“Chưa đánh đã khai hết rồi !” “Không”. Một bé gái tóc dài mập mạp thốt:
“Bọn tôi chỉ là quá nhớ nhung Minh Minh thư đó mà”.
“Nói vậy là không nhớ nhung ta sao ?” Kim Ngư cố ý giả bộ giận dữ.
Cô bé tròn trịa lập tức chạy lại ôm Kim Ngư, nũng nịu thốt:
– Bọn tôi đương nhiên cũng rất nhớ nhung chị mà !
“Là nhớ nhung ta”. Kim Ngư lại cười cười:
“Hay là nhớ nhung bánh trái của ta ?” Nhìn thấy một đám trẻ nhỏ khả ái, không ai có thể không thích thú mỉm cười, Diệp Khai cũng cười tươi.
Chàng vừa cười, đám trẻ đó mới phảng phất nhìn thấy chàng, tròn mắt nhìn chàng chằm chằm.
“Gã là ai ?” Một đứa bé trai cao cao hỏi Tô Minh Minh:
“Có phải là nam bằng hữu tân giao của chị ?” – Ta tên là Diệp Khai.
Diệp Khai còn muốn nói tiếp, Kim Ngư đã ngắt lời chàng.
“Diệp là lá cây, Khai là khai tâm”. Kim Ngư cười thốt:
“Chàng là khách nhân của Minh Minh thư lần này dẫn đến”.
Vừa nghe là khách nhân của chị Minh Minh, mấy đứa bé trai đã chạy qua chào đón.
“Tôi tên là Ấu Nam”. Đứa bé cao nhất thốt:
“Là đại ca của bọn chúng”.
“Nói xạo, ngươi so với ta còn nhỏ hơn vài tuổi, chỉ có cái cao hơn người ta mà thôi”.
Đứa bé khập khiễng nói:
“Tôi tên là Tiểu Hoa, niên kỷ lớn nhất trong đám”.
“Các ngươi ngoan”. Diệp Khai cười thốt.
Người thích cười rất dễ dàng hòa hợp vào nhóm, Tô Minh Minh nhìn đám nhỏ, khuôn mặt khó coi hồi nãy đã tan biến, nàng vọng nhìn một đứa bé, hỏi nó:
– Ngọc Thành đâu ? Sao không thấy Ngọc Thành ?
Cả đám trẻ vốn đang cười toe toét, vừa nghe câu hỏi của nàng, cả đám đều im lìm, nụ cười đã biến chuyển thành vẻ ưu sầu, lại treo thêm nỗi khủng bố.
Diệp Khai nhìn biểu tình trên mặt bọn chúng đột nhiên biến thành trầm trọng như vậy, đang cảm thấy nghi hoặc, lại nghe Tô Minh Minh hỏi:
– Chuyện gì đã xảy ra ?
Bọn trẻ đứa này liếc đứa nọ một cái, lại cúi đầu nhìn giày mình.
“Nói cho ta biết, chuyện gì đã xảy ra ?” Tô Minh Minh quay đầu nhìn Kim Ngư:
“Chuyện này là sao ?” “Tôi cũng không biết”. Kim Ngư tròn xoe mắt:
“Tối hôm qua còn thấy nó đi chơi chung với mọi người mà”.
Tô Minh Minh lại quay đầu nhìn đám trẻ phảng phất như làm lỗi chuyện gì đó, chợt nói với Tiểu Hoa:
– Ngươi đã là đại ca của bọn chúng, ngươi nên đứng ra nói cho mọi người.
Tiểu Hoa ngẫm nghĩ, ngẩng đầu băn khoăn đáp:
– Hắn hôm qua đi mà không trở về.
– Nó đi đâu ?
– Hắn … hắn …
– Có phải nó đã đi Hầu Viên ?
Tiểu Hoa gật đầu.
Tô Minh Minh biến sắc:
– Ta không phải đã dặn các ngươi không được đi vào Hầu Viên sao ?
“Sau khi chị đi, bọn tôi cũng đâu có dám lại gần Hầu Viên”. Tiểu Hoa thốt:
“Ai biết được tối hôm qua trong Hầu Viên đột nhiên truyền ra một tràng thanh âm khỉ gào rít, sau đó … sau đó Ngọc Thành nói hắn muốn đi coi”.
Sắc mặt Tô Minh Minh lại bắt đầu biến thành khó coi, lần này không ngờ cũng khủng bố giống như bọn nhỏ.
Diệp Khai vừa thấy không khí có chiều ngưng trọng, cố làm ra vẻ thanh thản nói với nàng:
– Đã biết là nó đi Hầu Viên, sự tình còn có cách giải quyết mà, đến Hầu Viên tìm không được sao ?
“Tìm không được”. Tiểu Hoa lắc lắc đầu.
– Tại sao tìm không được ?
Tô Minh Minh trả lời câu hỏi đó:
– Chuyện như vầy đã xảy ra bao nhiêu lần rồi, không có lần nào tìm được.
“Đã xảy ra nhiều lần ?” Diệp Khai hỏi:
“Trước đây cũng đã từng có mấy đứa nhỏ thất tung ở Hầu Viên ?” Tô Minh Minh gật đầu.
– Có đi vào tìm không ?
“Có”. Tô Minh Minh đáp:
“Có một lần còn thậm chí dẫn bộ khoái vào, kết quả cũng vậy, cả một cọng tóc cũng không tìm ra”.
– Có thể nào đi chỗ khác không ?
“Không thể”. Tô Minh Minh đáp:
“Chỉ cần đến gần Hầu Viên, đều thất tung một cách kỳ lạ”.
– Ai cũng vậy ?
Tô Minh Minh gật đầu.
Một tòa đình viên có cả trăm loài khỉ, trú ngụ trong đó là một lão nhân rất già và một cô gái, một đôi vợ chồng be bé kỳ quái, đó đã quá thần bí rồi.
Nhưng cái hấp dẫn Diệp Khai nhất là trong Hầu Viên có một loài khỉ đầu người thân khỉ biết nói tiếng người, hiện tại còn thêm vào đó đã biết có nhiều người thất tung một cách ly kỳ đều có liên quan tới Hầu Viên.
Xem ra tòa Hầu Viên đó không những ngập tràn vẻ thần bí quỷ quái, có khả năng còn ẩn tàng bí mật không thể cho người khác biết được.
— Nếu quả thật có bí mật, bí mật đó là gì ? Một điểm đó Diệp Khai muốn biết nhất.
Chuyện càng thần bí càng quỷ dị nếu muốn vạch trần, đương nhiên ngổn ngang chướng ngại vật trùng trùng, có khi có lẽ còn phải bù đắp bằng tính mạng, nhưng sự kích thích trong quá trình điều tra, và cảm giác thành tựu sau khi thành công lại hấp dẫn người ta nhất.
Đặc biệt là đối với Diệp Khai.
Con người chàng cả đời ham muốn kích thích, ham muốn lo chuyện bao đồng, cho nên phiền não của chàng cũng có nhiều nhất.
Cũng may chàng không phải là người sợ phiền não.
— Người ưa lo chuyện bao đồng thông thường cũng đều là người không sợ phiền não.
Mỗi một người đều có nhà, không cần biết là nhà “tốt”, hoặc là nhà “xấu”, không cần biết là nhà “nghèo”, hay là nhà “giàu”, không cần biết là nhà tường vàng huy hoàng, hoặc nhà cột xiêu vách nát, nhà là nhà.
Ổ chó cũng là nhà.
Có nhà là ấm cúng rồi.
Nhà là nơi tốt nhất để mình trốn tránh hiện thực, cũng là nơi tốt nhất để mình kể lể tỉ tê phàn nàn chuyện ủy khuất mình phải chịu đựng ngoài đời.
Nhà cũng là nơi mình có thể làm bất cứ chuyện gì bất cứ lúc nào, thí dụ, trên thân thể có những nơi bất cứ lúc nào cũng có thể phát ngứa ngáy, nhưng mình lại không thể gãi ở bất cứ chỗ nào bất cứ lúc nào.
Trong nhà mình lại không cần phải lưỡng lự cố kỵ.
— Trừ lúc có trưởng bối hoặc có người ngoài.
Mỗi người đều có nhà, cho nên Tô Minh Minh đương nhiên cũng có nhà.
Chỉ là Diệp Khai có nằm mộng cũng không tưởng tượng được nhà của nàng lại có dạng như vậy.
Nhà của Tô Minh Minh ở ven chân núi ngoài thành Lạp Tát, chiếm một địa thế rất rộng lớn, có mấy chục gian phòng.
Nhà nàng tuy lớn, lại không phải tường vàng huy hoàng, cũng không phải cột xiêu vách nát.
Phòng trong nhà nàng tường vách bốn bề đều dùng vật liệu khác nhau mà kiến tạo thành.
Có chỗ dùng bản gỗ đóng thành, có chỗ lại dùng đất trét thành, có chỗ xây gạch, có chỗ lại dùng rơm rạ kết thành, có chỗ dùng nham thạch sắp thành, có chỗ lại dùng tấm sắt dựng thành, có chỗ dùng song mây cột lại, có chỗ lại dùng tre trúc xếp thành …
Càng tuyệt nữa là bên trong có một gian phòng không ngờ lại dùng một hàng cây nhỏ nối nhau thành tường vách, gian phòng đó là phòng Tiểu Hoa trú ngụ.
Hồi nãy lúc Diệp Khai vào đến bên trong, nhìn thấy căn nhà “lâm lang mãn mục” đó, chàng không khỏi ngây người.
“Sao ?” Tiểu Hoa đứng kế bên chàng đắc ý hỏi:
“Nhà của bọn tôi không tệ chứ ?” “Không tệ”. Diệp Khai cười khổ:
“Đơn giản còn ngon lành hơn cả hoàng cung, còn ngon mắt hơn cả thiên đường”.
Chàng cười cười, lại nói:
– Đem mấy phủ cung quyền quý mà so với nhà của bọn ngươi, mấy phủ cung đó xem chừng chẳng khác gì ổ chó.
Diệp Khai nằm xuống một cái giường dùng giấy bồi và cỏ khô kết thành:
– Trên thế gian cũng không còn có cái nhà nào có thể ngon lành hơn cái nhà này, nhà này quá tuyệt.
“Bọn chúng đều là những đứa trẻ không ai thèm, nếu quả tôi không thu dụng bọn chúng, bọn chúng có thể phải lang thang đầu đường xó chợ, có thể đã bệnh tật chết đói từ lâu”.
“Bọn chúng đều là cô nhi, không tránh khỏi bi ai, dễ dàng học thói hư tật xấu, từ nhỏ tuy chưa đủ sức làm chuyện hư hỏng, nhưng lúc lớn lên có thể thành tai hại cho xã hội, đó mới là vấn đề nghiêm trọng, cho nên tôi mới tập hợp bọn chúng lại, dạy dỗ bọn chúng nguyên tắc làm người”.
“Cho dù tương lai bọn chúng không thể thành người hữu dụng đi nữa, ít ra cũng không thể nguy hại tới xã hội”.
Những lời nói đó là Tô Minh Minh trên đường về nhà kể cho chàng nghe, nàng đương nhiên cũng kể nàng và thư thư của nàng cũng là cô nhi.
— Bởi vì nàng cũng là cô nhi, cho nên mới hiểu thấu nỗi bi ai của cô nhi, cho nên mới dễ dàng chiếu cố cô nhi.
Nhìn đám nhỏ đó, nhìn căn nhà của bọn chúng, trong tâm Diệp Khai ngập tràn nỗi niềm cảm động.
Một thứ tình cảm lãng tử bi ai phảng phất như đám cô nhi.
— Có nhiều phương diện lãng tử và cô nhi xem ra rất giống nhau.
Đều là phong trung lạc diệp, đều là thủy trung phù bình, không biết đến từ đâu, cũng không biết đi về đâu ? Bọn họ đều chỉ là khách qua đường trong nhân sinh.
Thị quá khách, bất thị quy nhân.
Quy nhân tự tiễn, quá khách phiêu phù.
Ná đáp đáp đích mã đề thanh.
Thị cá mỹ lệ đích thác ngộ.
Ngã bất thị quy nhân, thị quá khách.
Tạm dịch:
Là khách qua đường, không phải là người về.
Người về như mũi tên, khách qua đường trôi nỗi.
Tiếng vó ngựa lọc cọc.
Là một sai lầm mỹ lệ.
Ta không phải là người về, ta là khách qua đường.
Một thiếu phụ tịch mịch ngồi bên dưới phong linh, đợi chờ người phương xa mà nàng đang nhớ nhung trở về, tâm cảnh của nàng thê lương làm sao, tịch mịch làm sao.
Dưới tình huống đó như vậy, mỗi một thanh âm đều mang đến cho nàng ảo tưởng và hy vọng vô cùng, làm cho nàng có cảm giác người về đã về, nhớ nhung đã tận, tịch mịch đã đi xa.
Đợi đến lúc hy vọng và ảo tưởng của nàng tan vỡ, tuy có cảm giác ai thương thống khổ, nhưng một chút hy vọng ngắn ngủi vẫn mỹ lệ.
— Cho nên thi nhân mới có thể nói:
“Là sai lầm mỹ lệ”.
Nếu quả đợi đến lúc không còn hy vọng, đó mới là bi ai chân chính.
— Trên những phương diện đó mà nói, thiếu phụ tựa song cửa trông người về, và lãng tử phiêu bạt, làm sao mà không giống nhau cho được.
Mặt trời nóng bỏng đã khuất dạng, bóng tối gần kề.
Nàng lẳng lặng ngồi dưới mái hiên, lẳng lặng nhìn những tia sáng tàn dư quét ánh hồng ngang chân trời xa xăm, lẳng lặng nhìn phong linh dưới mái hiên.
Diệp Khai lại đang nhìn nàng.
Sau khi đến nhà của đám trẻ, Diệp Khai có cảm giác nhân sinh tuy có rất nhiều chuyện không như ý, nhưng vẫn còn có chỗ khả ái, có chỗ mỹ lệ của nó, cho nên bạo dạn làm ngon, mời đám trẻ đi ăn một bữa.
Vừa nghe Diệp Khai nói như vậy, bọn trẻ lập tức hô tên “Phong Linh”.
Cho nên Diệp Khai đã đến “Phong Linh”, nhìn thấy thiếu phụ ngồi dưới mái hiên.
“Phong Linh” là một quán cơm nhỏ, cũng ở ngoại thành, cách nhà bọn trẻ không xa.
“Phong Linh” là một cái quán rất kỳ quái, tính từ chủ quán trở xuống tới hầu bàn, đầu bếp, đều do một người lo hết, chính là thiếu phụ ngồi dưới mái hiên.
Khách nhân đến “Phong Linh” đều biết, muốn đến đó ăn cái gì, tất cả đều “tự động”.
Tự mình bước vào “Phong Linh”, tự mình kiếm đũa, tự mình bưng đồ ăn, tự mình bới cơm vào chén, tự mình kiếm ghế ngồi, tự mình gắp đồ ăn, ăn xong tự mình đem chén bỏ vào chỗ đã chỉ định trước, sau đó đem tiền cơm bỏ vào một cái xô, rồi tự mình đi ra.
Đến “Phong Linh” ăn cơm, hoàn toàn là dùng phương thức “tự trợ”, tự phục vụ, cho nên người ở đây đều gọi “Phong Linh” là “tự trợ quán”.
Nhưng xào nướng đồ ăn không phải là “tự trợ”.
Từ sớm thiếu phụ đó đã rửa lặt rau sạch sẻ, xắt thịt đầy đủ, nhúm lửa hừng hực xào nấu chín tới.
Đồ ăn xào nấu đến sau ngọ là đã nguội, đồ ăn một khi nguội đâu còn ngon, đặc biệt là vùng biên thùy này, nếu không phải là cơm canh nóng nghi ngút, có ai ăn vô cho nổi ? Một điểm đó, thiếu phụ mỹ lệ đó đương nhiên biết.
Cho nên bên trái phòng ăn nàng có đem ba cái bàn nối sát nhau, trên bàn đặt sáu cái lò than, trên lò than bày nồi niêu, trong nồi có đổ nước, trên nồi có kê một tấm sắt.
Đồ ăn xào nấu xong đặt trên mấy tấm sắt.
Than hừng hực trong lò, lửa đun nóng nồi, nước trong nồi cách nhiệt chưng khí, chưng khí bốc hơi tỏa lên mấy tấm sắt, đồ ăn bảo trì được nhiệt khí, cho nên không cần biết là mình vào bất cứ lúc nào, mình đều có thể ăn đồ ăn nóng hổi.
Một địa điểm kỳ quái làm sao, một thiếu phụ kỳ quái làm sao, một phương thức ăn uống kỳ quái làm sao, Diệp Khai lại có cảm giác cực kỳ lý thú.